Trang

31/08/2015

Lễ Vu Lan, có bao nhiêu người lấy bông hồng cài áo?

Báo ơn cha mẹ là chuyện của một đời chứ đâu chỉ một ngày, nhưng chẳng phải cũng nên dành một ngày trọn vẹn về ngẫm nghĩ nhiều hơn về điều đó.

le vu lan, co bao nhieu nguoi lay bong hong cai ao? - 1
Bông hồng đỏ cho những ai còn mẹ trong lễ Vu Lan (ảnh minh họa)
Còn nhớ, dịp Tết 2015, trong một clip quảng cáo, một số bạn trẻ Việt được yêu cầu gọi điện về nói lời yêu thương cha mẹ. Thật kỳ lạ, chỉ với ba từ đơn giản “con yêu cha/mẹ” mà hầu hết các bạn trẻ phải hít vào, thở ra, lấy hết can đảm mới thốt lên thành lời. Còn các bậc cha mẹ thì hết ngỡ ngàng đến ngạc nhiên, thậm chí còn không tin vào tai mình khi nhận được lời yêu thương từ con cái. Clip đó chỉ sau 4 tuần xuất hiện đã thu hút hơn 3 triệu lượt xem cùng hàng nghìn chia sẻ, bình luận.

Có lẽ không ít người thắc mắc, tại sao câu nói chỉ vỏn vẹn 3 từ mà khó nói ra đến thế? Đơn giản bởi nó không được nói thường xuyên, thậm chí với một số người đó còn là “lần đầu”, mà lần đầu của thứ gì chẳng khó khăn, e ngại.

Cha mẹ sinh thành, dưỡng giục con cái không chỉ vì trách nhiệm mà còn vì tình yêu thương vô bờ bến, cho đi không hòng nhận lại. Một chuyên gia tâm lý trong khi nói về công ơn cha mẹ đã đặt ra ba câu hỏi: “Ai có thể nuôi ta một bữa cơm/10 ngày cơm/1 năm/20 năm/40 năm?”; “Khi ta thất bại, đau khổ, chán chường, mệt mỏi, đâu là chốn bình yên ta có thể trở về?”; “Sau tất cả những lỗi lầm, đâu là nơi vẫn đón nhận và tha thứ cho ta?”. Vỏn vẹn có vậy đã đủ nói lên tấm lòng vĩ đại của đấng sinh thành.

Về phía con cái, họ đón nhận tình yêu thương đó như một điều hiển nhiên, dù có nói yêu, có tặng quà, có bày tỏ tình cảm hay không thì thứ họ nhận được vẫn là sự chăm lo không tính toán của cha mẹ. Có bao nhiêu người trong chúng ta từng 5 ngày tiệc lớn, 3 ngày tiệc nhỏ nhưng cả tháng không có nổi bữa cơm chung cùng cha mẹ;  có thể bỏ ra cả số tiền lớn để mua quà nịnh người yêu nhưng chưa từng mua được cho cha mẹ một bó hồng… Ấy vậy mà chỉ cần nói: “hôm nay con sẽ về”, là đã biết chắc có một mâm cơm tinh tươm, nóng hổi đang chờ ở nhà.

Nhưng như vậy không có nghĩa là các bậc sinh thành không cần được nghe, được thấy tình yêu con cái dành cho mình. Họ cho đi không tính toán, nhưng họ đáng được nhận lại, dù đó chỉ là một câu nói yêu thương. Vì thế đừng ngại ngùng, đừng lo mình đang sến súa.

Nhưng cũng hãy nói sao để cha mẹ có thể nghe thấy. Đừng chỉ trăn trở, thổn thức, rơi nước mắt trên “phây”. Những dòng trạng thái mùi mẫn như: “Yêu mẹ nhất trên đời”, “Con nhớ cha nhiều lắm” hay những hình ảnh cảm động, những câu chuyện đẫm nước mắt về tình phụ mẫu trên Facebook thật khó để cha mẹ đọc được. Bạn có thể gõ phím, có thể like (thích)… nhưng ngay sau đó hãy chạy về nhà, hãy nhấc máy lên và gọi điện cho mẹ nói những điều bạn vừa viết ra. Cha mẹ cần những điều đơn giản lắm, đó là nhìn thấy khuôn mặt bạn, nghe được giọng nói bạn.

Mùa Vu Lan đang đến gần, hãy can đảm nói “con yêu cha/mẹ”, hãy nghĩ đơn giản đó chỉ là cách lấy hơi từ thanh quản rồi phát âm thành giọng nói. Nếu bận rộn, nếu ngượng ngùng… nếu không thể nói câu đó trong 365 ngày thì chẳng phải đã có riêng một ngày đúng dịp, đúng nghĩa để làm điều đó?

Hạ Nhiên

30/08/2015

CHÍNH LÚC CHO ĐI LÀ LÚC ĐƯỢC NHẬN VỀ


Một cậu bé xuất hiện trước cửa hàng bán chó và hỏi người chủ cửa hàng: “Giá mỗi con chó là bao nhiêu vậy bác ?” Người chủ cửa hàng trả lời: “Khoảng từ 30 tới 50 đôla một con !” Cậu bé rụt rè nói: “Cháu có thể xem chúng được không ạ ?” 
Người chủ cửa hàng mỉm cười rồi huýt sáo ra hiệu. Từ trong chiếc cũi, năm chú chó con bé xíu như năm cuộn len chạy ra, duy có một chú bị tụt lại sau khá xa. Ngay lập tức, cậu bé chú ý tới chú chó chậm chạp, hơi khập khiễng đó. Cậu liền hỏi: “Con chó này bị sao vậy bác ?” Ông chủ giải thích rằng nó bị tật ở khớp hông và nó sẽ bị khập khiễng suốt đời. Nghe thế, cậu bé tỏ ra xúc động: “Đó chính là con chó cháu muốn mua”. Chủ cửa hàng nói: “Nếu cháu thực sự thích con chó đó, ta sẽ tặng cho cháu. Nhưng ta biết cháu sẽ không muốn mua nó đâu”. 
Gương mặt cậu bé thoáng buồn, cậu nhìn thẳng vào mắt ông chủ cửa hàng và nói: “Cháu không muốn bác tặng nó cho cháu đâu. Con chó đó cũng có giá trị như những con chó khác mà. Cháu sẽ trả bác đúng giá. Thực ra, ngay bây giờ cháu chỉ có thể trả bác 2 đôla 37 xu thôi. Sau đó, mỗi tháng cháu sẽ trả dần 50 xu được không ạ ?” – “Bác bảo thật nhé, cháu không nên mua con chó đó”, người chủ cửa hàng khuyên. “Nó không bao giờ có thể chạy nhảy và chơi đùa như những con chó khác được đâu.”  
Ông vừa dứt lời, cậu bé liền cúi xuống vén ống quần lên, để lộ ra cái chân trái tật nguyền, cong vẹo được đỡ bằng một thanh kim loại. Cậu ngước nhìn ông chủ cửa hàng và khẽ bảo: “Chính cháu cũng chẳng chạy nhảy được mà, và chú chó con này sẽ cần một ai đó hiểu và chơi với nó.” 
Việc cậu bé chọn mua một chú cún bị tật khiến bố mẹ cậu vừa ngạc nhiên, vừa xót xa vì thương cảm. Nhưng điều khiến họ ngạc nhiên hơn nữa, đó là từ ngày có người bạn mới, cậu bé như trở thành một con người khác, lúc nào cũng tươi vui, tràn đầy hy vọng. 
Ngay từ ngày đầu tiên đón chú cún về nhà, cậu bé đã cùng mẹ đến gặp bác sĩ thú y để tìm ra cách chữa trị tốt nhất cho cún con. Bác sĩ khuyên rằng, nếu cậu bé chịu khó xoa bóp, kéo căng chân cún đều đặn mỗi sáng và dắt chú đi dạo ít nhất một dặm mỗi ngày thì các cơ xung quanh chiếc hông bị vẹo của cún con sẽ dần trở nên mạnh khỏe. Cơ may trở lại bình thường của cún con là hoàn toàn có thể và tùy thuộc rất nhiều ở cậu bé. 
Mặc dù chú cún cứ rên rỉ khó chịu mỗi lần cậu bé xoa bóp chân cho chú, và dù cậu luôn cảm thấy chân trái đau nhức mỗi khi dẫn cún đi dạo, nhưng trong suốt hai tháng trời, cả hai đã siêng nang tập luyện theo cách phục hồi dành riêng cho họ. Vào tháng thứ ba, cả hai đã có thể đi được ba dặm mỗi sáng trước khi cậu bé đến trường mà không hề cảm thấy đau chân tí nào. 
Vào một sáng thứ bảy, khi cả hai đang trên đường trở về sau buổi tập như thường lệ, thì bất thình lình, một chú mèo nhảy ra khỏi bụi cây bên đường khiến cún con hết sức hoảng hốt. Chú nhảy chồm lên, giật tung dây xích ra khỏi cổ rồi phóng như tên bắn ra giữa dòng xe cộ. Cún con va phải một chiếc ôtô, bị hất tung lên vệ đường. May mắn thay, chú chó vẫn còn thoi thóp thở. Ghì chặt người bạn nhỏ yêu thương vào lòng, cậu bé đi nhanh về nhà, không để ý thấy khung thép bên chân trái của mình đã bong ra tự lúc nào. 
Mẹ cậu tất tả đưa chú chó đến viện thú y. Trong khi cậu bé đang lo lắng chờ đợi bên ngoài, mẹ cậu ôm cậu vào lòng, nghẹn ngào nói trong nước mắt: "Con không để ý thấy điều gì ư ? Con đã có thể đi lại bình thường được rồi đấy !"
Cậu bé ngạc nhiên: "Sao lại như vậy được hả mẹ ?" Người mẹ giải thích: "Con trai của mẹ, con bị viêm tủy xương. Căn bệnh này khiến chân con ngày càng yếu, nhưng nó không thực sự là một căn bệnh nan y nếu con quyết tâm vượt qua nỗi đau đớn và tích cực tập luyện hàng ngày. Con biết điều ấy, nhưng con lại không tin vào chính mình. Con luôn chống cự không để bố mẹ giúp con điều trị, cả bố và mẹ cũng thực sự không biết mình nên làm gì nữa. Nhưng chú cún con đã làm thay đổi mọi thứ. Kỳ diệu thay, khi con giúp chú chó, con cũng đang tự giúp chính mình để trở nên mạnh mẽ và trưởng thành hơn." 
Ngay lúc đó, cánh cửa phòng mổ hé mở, bác sĩ thú y bước ra tươi cười thông báo: "Cháu có thể yên tâm, chú chó của cháu sẽ sớm khỏe lại thôi ! Chân nó cũng đã lành lặn hoàn toàn !"



KHUYẾT DANH

29/08/2015

Sự thật đằng sau "Bông hồng cài áo”


Thiền sư Thích Nhất Hạnh đi Nhật , nhân mùa Vu Lan được cài cho 1 bông cẩm chướng trắng, ông hỏi thăm mới biết đó là tục cài hoa màu đỏ cho ai còn mẹ, cài hoa màu trắng cho ai mất mẹ, để tưởng nhớ mẹ. Sau đó khi đi Mỹ du học, ông viết " Bông hồng cài áo " lồng vào tập tục trên, ông gửi bài viết này cho đệ tử của ông. Các đệ tử bèn chép ra nhiều trăm bản kèm theo cành hoa hồng gửi đi cho bạn bè người quen, rồi đến nhạc sĩ Phạm Thế Mỹ phổ thành nhạc. Các chùa cho in bài viết này và phổ biến việc cài hoa. Cứ thế dần dần trở thành 1 tập tục trong các kỳ lễ Vu Lan, mà thật ra chẳng ai biết nguồn gốc của nó là từ đâu.
Sự thật tục cài hoa cho mẹ này là từ Mỹ, do bà Anna Jarvis đặt ra đầu tiên, từ năm 1907.
Bà Anna Jarvis rất thương mẹ nhưng không may mẹ bà lại mất đột ngột đúng lúc 2 mẹ con đang có chuyện bất đồng, đang giận nhau nên không nói chuyện. Điều này làm bà Anna Jarvis ray rứt, ân hận mãi.
Năm 1907, bà Anna Jarvis gửi 500 đóa hoa cẩm chướng trắng cho tất cả các bà mẹ trong nhà thờ của mình, và nhắc nhở mọi người rằng hãy trân quý mẹ của mình khi Người còn sống, đừng như bản thân bà, cãi nhau, giận dỗi với mẹ, để rồi sau khi mẹ mất mới hối hận.
Bà chọn hoa cẩm chướng trắng vì đó là hoa mà mẹ bà thích nhất. Lúc đó không có phân biệt hoa đỏ, hoa trắng gì cả !
Sau đó bà Anna Jarvis cố gắng vận động chính quyền lẫn nhà thờ và bạn bè quen biết, để tổ chức 1 ngày Mother's Day, Ngày cho Mẹ. 1 năm sau, năm 1908, ông John Wanamaker, một chủ tiệm hoa, tham gia chương trình vận động của bà, tình nguyện tặng miễn phí hàng ngàn đóa hoa cẩm chướng trắng cho mỗi năm khi bà Jarvis tổ chức ngày lễ Mẹ tại nhà thờ.
Đến năm 1914, Tổng thống Mỹ là ông Wilson ra quyết nghị chính thức nhìn nhận Ngày Lễ Mẹ, để vinh danh tất cả các bà mẹ, còn sống hay đã chết .
Từ đó trở đi, mỗi năm hàng triệu người Mỹ tổ chức Ngày Lễ Mẹ và cài hoa cẩm chướng trắng. Nhưng vì nhiều người mua quá không đủ hoa trắng cung cấp, nên các chủ tiệm hoa "tự chế " thêm: "hoa trắng là cho ai mất mẹ và hoa đỏ là cho ai còn mẹ" , để có thể đáp ứng đủ nhu cầu và bán được thêm hoa, và thế là chuyện "hoa trắng hoa đỏ" ra đời !
Tục lệ này lan truyền khắp nước Mỹ, rồi lan sang Nhật, cuối cùng lưu truyền vào Việt Nam.
Nhưng chính tại Mỹ, thì bà Anna Jarvis vào những năm cuối đời lại rất phẫn nộ và thất vọng vì chuyện này, vì bà nói ngày này đã bị kinh doanh hóa, biến thành cơ hội để các tiệm bán hoa kiếm lời. Từ hoa cẩm chướng trắng của mẹ bà, nhảy qua hoa trắng hoa đỏ , để có đủ hoa mà bán, rồi lại từ cẩm chướng nhảy qua các loại hoa khác, cũng chỉ để bán được nhiều hoa nhiều tiền, mất hết ý nghĩa ban đầu !
Các chuyên gia tâm lý người Mỹ thì phản đối tục lệ hoa trắng hoa đỏ, vì sự phân biệt này làm cho những người đã mất mẹ phải cảm thấy đau lòng, buồn tủi. Phân biệt con còn mẹ với con mồ côi là không tôn trọng nhân quyền và quyền bình đẳng, nên sau này người Mỹ hầu như đã bỏ đi tập tục này. Hiện nay ở Mỹ dường như không còn ai cài hoa trắng, hoa đỏ vào ngày lễ Mẹ nữa.
Riêng ở VN, có lẽ vì không ai biết nguồn gốc tục lệ này và ý nghĩa thật sự của nó, chỉ thấy là phong trào hay hay nên theo. Riêng ở Làng Mai thì còn cài thêm đóa hoa thứ 2 cho cha, cài bên trên đóa hoa cho mẹ để phân biệt . Trẻ em nào phải cài đến 2 đóa hoa trắng, hẳn sẽ buồn và tủi thân lắm ?

ST

28/08/2015

Tình Yêu thương

Từ ngày hôm ấy, nhà Hương có thêm một khuôn mặt mới. Đối với tất cả mọi người trong nhà, trừ Hương và cậu con trai lớn, khuôn mặt mới này cũng chỉ như một món đồ vừa được mua về ở tiệm, bầy đó, lấp một khoảng trống nào đó mà thôi. Ai vậy? Một chú két có màu xanh lá cây với những đường viền đỏ cam, vàng rực rỡ với đôi mắt sáng quắc tròn xoe, cái mỏ dài ngoằng hơi khoằm khoằm và một bên bàn chân bị khuyết tật! 
    -“Tại sao con lại mua một con két có tật như vậy hả Duy?”
    Đứa con trai lớn của Hương nhún vai cười:
    -“Có sao đâu mẹ? Nó vẫn đứng, vẫn bay bình thường như mọi con két khác trong khi nó đẹp nhất trong lồng mà lại rẻ và biết nói sẵn nữa, con khỏi phải “train” nó!”
    Nàng vẫn cứ thắc mắc về một bên ngón chân bị cụt đến gần 2 đốt của con két tên Joshua mà Duy vừa mua về. Hương giao hẹn với con trai:
    -“Con chơi, con phải 'take care' nó đó!”
    -“Mẹ đừng lo! Con lo cho nó mà!”
    -“Tại sao con biết là nó biết nói sẵn? Nó nói tiếng gì?”
    -“Chủ nó là một bà Mỹ, vậy chắc nó chỉ biết tiếng Mỹ!”
    Duy lại nhìn mẹ cười, nụ cười của cậu thanh niên mới lớn thật tươi và thật dễ mến.
    -“Bà ta già phải vào nursing home nên mới gửi tiệm bán. Con mua rẻ lắm!”
    Hương không nói gì mà chỉ lo con két làm bẩn nhà. Duy nhốt Joshua trong phòng ngủ và căn dặn mẹ cùng mọi người trong nhà đừng mở cửa phòng sợ Joshua bay mất. Nhốt nó vào lồng thì nó không chịu, nó sẽ chết! Hương than thầm trong bụng:
   “Tại sao nó không chơi con gì khác cho sạch sẽ, dễ trông coi!” Nên ngay từ phút đầu Joshua có mang lại sự chú ý của Hương, nhưng thiện cảm thì không!  Nhưng chiều con, nàng cũng không cằn nhằn thêm.
    Bắt đầu từ ngày đó trở đi trong nhà nàng lại có một “tù nhân” là con két xanh tên Joshua. Cửa phòng Duy lúc nào cũng khép trừ lúc có ai trong phòng. Cả nhà cũng chẳng mấy khi thấy mặt con Joshua, nên nó có đó mà cũng như không có. Thỉnh thoảng Hương mới thấy nó kêu chứ chưa hề thấy Joshua nói! Nhiều lần nàng định hỏi con xem con két đã nói những gì rồi thương hại Duy lại thôi.
    Một hôm, Hương mở cửa vào phòng Duy. Con Joshua đang đứng trên thanh gỗ ngang. Đó là một loại chuồng chim nhưng trống cả bốn phía và chỉ đơn sơ có một thanh ngang làm chỗ đứng suốt ngày đêm cho Joshua, hai đầu một bên là thức ăn, một bên là nước uống. Bên dưới có một khay tròn lớn đựng cát để hứng mọi thứ chất dơ do Joshua thải ra. Thấy nàng bỗng nhiên Joshua xòe rộng hai cánh, vươn người lên nhún nhẩy và huýt gió.
    Duy la lên:
    “Mẹ thấy không, nó huýt gió đấy! Hễ thấy đàn bà, con gái là nó huýt gió! Nó thích mẹ đấy!”
   Hương phì cười, nghĩ bụng " Nói thì không nói mà chỉ huýt gió!" Nàng đến gần, ngắm nghía chú két. Một mối thiện cảm nào đó nẩy sinh. Nàng nghiêng đầu nhìn nó. Nó cũng ngoẹo đầu nhìn Hương như muốn nói một cái gì? Hương bắt đầu chú ý đến sự có mặt của Joshua trong nhà. Từ hôm ấy, mỗi tối, nàng đều vào phòng Duy, ngồi bệt xuống thảm, gần chỗ con Joshua, và thử dậy nó nói vài chữ tiếng .. Việt.
 
    Vài tháng trôi đi, một chữ tiếng Anh Joshua cũng không nói chứ đừng hòng gì đến nửa chữ tiếng Việt! Nhưng cứ mỗi lần thấy Hương là nó huýt sáo và vươn cánh làm đẹp. Nàng cũng thấy vui vui và dần dà quên mất đến chuyện là con két này không biết nói và đành chấp nhận nó như thế!
    Duy đi mua một lô sách về nghiên cứu và tuyên bố với mẹ:
    -“Joshua chắc bị “shock” nặng nên nó không nói nữa!”
    Và rồi câu chuyện của chú két xanh Joshua tưởng chỉ có vậy!
    Cho đến một hôm, Hương đến tiệm Pet Shop, nơi mà Duy đã mua con két, để mua thức ăn cho Joshua. Bà chủ tiệm là người Việt, rất niềm nở khi thấy người đồng hương. Bà ta chỉ dẫn cặn kẽ loại thức ăn nào hợp cho két, nuôi dưỡng ra sao...
    Trong câu chuyện trao đổi, Hương chợt hỏi:
    -“Thường những con bà bán ra mà có giấy tờ khai sinh, bà có lưu lại bản nào không?”
   - “Có chứ ạ! Chúng tôi còn giữ lại tên và địa chỉ người bán, người mua, đủ hết”
    -“Cháu trai của tôi mua một con két ở đây tên Joshua, chân nó hơi có tật..”
    Bà chủ tiệm nói ngay không đợi Hương nói thêm:
    -“Joshua! Tôi nhớ chứ! Một bà già Mỹ đã nhờ tôi bán khi bà ta phải vào nursing home. À! Cậu đó là con bà đấy ư?”
    -“Vâng, đúng đấy! Bà có trí nhớ tốt quá!”
    -“Cậu con bà có thích con Joshua không?”
    -“Chúng tôi quý nó lắm..có điều sao nó chẳng biết nói gì cả?”
    -“Có trường hợp như vậy xảy ra khi con vật bị sống xa chủ nhân của nó. Nhưng nhiều khi chỉ một thời gian nó quen với môi trường mới lại nói như két ngay ấy mà!”
    Hương chép miệng:
    -“Cả hơn một năm rồi, đâu thấy nó nói gì đâu! Nó chỉ biết huýt sáo và kêu thôi!”
    Bà chủ tiệm nhún vai, không biết phải trả lời thế nào trước sự than phiền của người khách.
    Hương trả tiền đi ra, nhưng nghĩ sao nàng lại quay trở lại tìm người chủ tiệm:
    -“Bà có địa chỉ của bà cụ già trong nursing home, chủ trước của Joshua không?”
    -“Có chứ, để tôi lấy! Trừ phi bà ấy chết hay đổi chỗ thì chịu thua!”
    Bà ta tìm một lúc rồi mặt tươi lên, hí hoáy viết vào tờ giấy đưa cho Hương:
    -“Chúc bà may mắn!”
    Cầm tờ giấy trong tay Hương không biết mình sẽ làm gì? Vào gặp và thăm bà lão, nói chuyện về con két tên Joshua hay đưa Joshua vào thăm chủ cũ? Để làm gì? Nàng cũng chẳng hiểu tại sao những ý nghĩ đó lại đến trong đầu và rồi cứ lẩn quẩn ngày này sang ngày khác.
 
    Một ngày Chủ Nhật cuối tuần, Hương và Joshua tìm đường vào nursing home mang tên là Pine Haven.   Chưa bao giờ đặt chân vào một nursing home nào cả nên Hương cũng hơi tò mò. Nơi đây dù không xa nhà thương Memorial bao nhiêu nhưng nằm khuất trong một con đường cụt yên tĩnh rộng rãi, nhiều cây cối bao bọc chung quanh, có cả vườn cảnh cho người đi dạo tạo một cảm giác thật an bình.
    Hương nhìn xuống tờ giấy, lẩm nhẩm tên bà lão:
    -“Alice Park! Alice ..Park!”
Joshua đậu trên vai Hương có vẻ thích thú khi được ra ngoài. Nó kêu những tiếng trong cổ họng nhịp theo với bước chân Hương tiến dần vào khuôn viên nursing home. Một vài người già ngồi trên xe lăn, phía sau có y tá đẩy. Hình ảnh đầu tiên đập vào mắt Hương là những khuôn mặt già nua bệnh hoạn, bạc thếch theo với thời gian! Những khuôn mặt trắng nhờ nhờ với làn da trắng xanh không còn sinh khí, hay những gương mặt da màu đã sạm lại và teo tóp!
    Những đôi mắt u uẩn, hay những cái nhìn mông lung vào một cõi nào xa xăm! Như thể tất cả đang sống trong một thế giơi riêng biệt, mà những ngôn từ; động tác cử động cũng theo một cách thế khác. Nhịp sống nơi đây, chắc chắn không giống như nhịp sống bên ngoài kia!!!
    Người nữ tiếp viên ngồi ngay cửa vào, ngửng lên nhìn Hương  mỉm cười chào hỏi. Hương hỏi ngay:
    -“Tôi muốn vào thăm bà Alice Park. Chẳng hay bà ấy ở phòng số bao nhiêu hả cô?”
    Cô gái cắm cúi giở sổ tìm rồi nhoẻn miệng cười thật xinh:
    -“Dẫy A. Phòng số 210. Bà đi thẳng vào trong, rồi quẹo trái; đến gần cuối hành lang là đúng chỗ đấy.”
    -“Cám ơn cô nhé!”
    Cô gái nở nụ cười thay cho lời nói. Joshua bỗng huýt gió vang dội, làm cả Hương lẫn cô gái phải bật cười.
    -“Nó tên gì vậy bà?”
    -“Joshua!”
    -“Hi Hoshua! Hi!”
    Joshua chỉ nhìn cô gái và tiếp tục huýt sáo một cách thích thú! Cô ta còn giơ tay vẫy vẫy nó. Hương lại nhớ đến lời Duy bảo:
   -”Nó thích đàn bà, con gái Mẹ à!” Mà có lẽ thế thật!
    Nàng và Joshua theo lời chỉ dẫn của cô gái. Bên trong cũng đẹp đẽ, sạch sẽ nhưng thoang thoảng mùi hôi, mùi khai quyện lấy mùi thuốc sát trùng! Dọc hành lang, bóng những cô y tá lên xuống nườm nượp. Đi ngang những căn phòng mở rộng cửa. Hương nhìn thấy những khổ ải của thân phận con người, mà bệnh hoạn là một trong những thứ làm biến đổi người ta nhanh nhất!!!
    Không giống nhà thương, mỗi phòng được trang trí một cách khác, theo với ý thích của người bệnh hay người thân. Hương đi rất chậm để quan sát. Đầu giường những người bệnh hầu như đều có hình ảnh của một cuộc đời bên ngoài kia, mà đã có một lần họ đã sống qua! Chút kỷ niệm hay chỉ là một nhắc nhở về mối liên hệ sao đó, để người bệnh đỡ thấy lẻ loi, cô- độc chăng???

    Rẽ sang mé trái, Hương thấy ít y tá hơn và mùi hôi cũng giảm đi nhiều, hầu như không thấy mấy. Hương lẩm nhẩm trong đầu tìm số 210. “À! Đây rồi!”, nàng nhủ thầm. Phòng số 210 cũng không khác những phòng kia bao nhiêu, và theo bảng tên ở ngoài thì bà Alice Park nằm bên mé trong, sau tấm màn kéo màu xanh nhạt. Giường bên ngoài không thấy người dù rất nhiều đồ đạc. Hương vào bên trong.
    Đằng sau tấm màn, một bà lão tóc trắng phau, uốn quăn thưa thớt, đang ngồi dựa soải chân trên một xe lăn. Hai bàn tay bà trắng bệch, và trong suốt với nhiều đường gân xanh tím chằng chịt. Cả hai bàn tay bám lấy hai thành xe lăn. Nghe tiếng động bà ta nhìn lên. Đôi mắt nhỏ xíu bỗng mở to lộ hai tròng con ngươi màu xanh đá nhạt lờ mờ như được dấu sau một bức phim mỏng. Cái miệng mỏng dính không còn thấy rõ mầu môi bỗng hơi há ra. Mắt bà ta như dán chặt vào con két trên vai Hương. Đôi bàn tay bà lão đang bám lấy thành xe lăn bỗng buông ra và run rẩy, giật liên hồi!
    Tất cả những biến chuyển đó chỉ xảy ra trong vòng vài giây ngắn ngủi của thời gian đang cô đọng trong căn phòng chật hẹp, mà Hương là người nhìn thấy rõ nhất. Nàng chưa kịp lên tiếng chào hay hỏi han xem bà lão có đúng là bà Alice Park hay không, nhưng Joshua đã nhanh hơn nàng. Nó bay sà đến đậu vào lòng bà ta và chợt kêu lên:
    -“Love ya, Mama! Love ya, Mama!”
    Từ tiếng kêu đột ngột. Không! Phải nói là tiếng nói đột ngột thoát ra từ Joshua chợt như một tiếng ngân, mà sự vang dội cũng như cái tha thiết kéo dài run rẩy trong cái sẽ sàng làm cho sự tĩnh lặng đọng trong căn phòng chợt vỡ tan! Những đường nét cứng nhắc mỏi mệt trên khuôn mặt già nua của bà lão, dường như hồi sinh theo với cái nhếch mép, há miệng mà những tiếng nói vẫn còn bị nhốt kín sâu thẳm trong tận cùng cổ họng, hay trong sâu thẳm của trái tim héo hon? Từng thớ thịt trên mặt bà lão giật nhẹ, đôi mắt cố mở to nhìn Joshua. Môi bà lão run run, mà vẫn không tạo nên được một âm thanh nào! Chỉ có đôi mắt chớp khẽ!!!  Riềm mi dưới đã ngả sang màu xám bạc, chợt đậm màu hơn theo với giòng nước mắt đang tù từ lăn xuống!!!
    Joshua hai chân bấu vào áo bà lão, vươn cổ, dùng mỏ ngoạm vào áo bà ta để trèo lên cho gần với khuôn mặt bà lão. Nó lại kêu lên, vẫn cái giọng đó:
    -“Love ya, Mama! Love ya, Mama! Joshua love ya!”
    Không hiểu trong tiếng kêu thống thiết kỳ lạ đó có gì mà Hương thấy lồng ngực mình thắt lại! Bởi vì nàng không chỉ nhìn thấy, chỉ nghe, mà còn cảm nhận được cái tình yêu giữa Joshua và chủ cũ của nó như phút chốc nàng biến thành bà lão ngồi trên xe lăn kia, cũng chẩy nước mắt đón nhận lời nói yêu thương và cũng thấy lòng rạt rào những cảm xúc kỳ dị! Làm như thế gian này, chỉ có một tình yêu và cả hai thực sự thuộc về nhau, như một nửa mảnh đời này tìm lại đúng nửa mảnh đời kia và ráp lại khít khao thành một khối duy nhất! Không có gì có thể chia lìa!!! Joshua ở trong bà lão và ngược lại. Bà lão nhìn trong Joshua và thấy tình yêu của mình. Bà ta lắp bắp đôi môi, nhưng không thành tiếng. Khuôn mặt bà lão bỗng tươi nhuận hẳn lên! Tình yêu, sự hiện diện của Joshua đã mang lại mạch sống cho bà! Và tình yêu đó tràn ngập căn phòng nhỏ. Joshua và bà Alice không còn biết đến sự có mặt của Hương.
    Joshua vùi cái mỏ cứng nhắc của nó vào cổ bà lão, mắt nó lim dim như tận hưởng một sự trao gửi thiêng liêng nào, đó mà chỉ có nó và người nhận hiểu được!!! Mãi, bà lão mới tìm lại được tiếng nói của mình. Giọng bà ta yếu ớt và thanh tao khi đưa hai tay vuốt ve Joshua:

    -“I love you too. Joshua! Mama love you!”
    Con Joshua kêu lên những tiếng nho nhỏ trong cổ họng, và cứ để yên cho bàn tay bà lão vuốt trên từng mảng lông của nó. Những ngón tay nhăn nheo, xương xẩu kia như một cây đũa thần làm Joshua biến đổi hẳn. Nó không còn là con két xanh đứng hai chân trên thanh ngang, suốt ngày cú rũ trong căn phòng đóng kín cửa. Nó không còn là tên tù bị giam lỏng trong bốn bức tường kín ở nhà Hương. Joshua lại nói với bà lão:
    -“He hurt me!”
    Bà ta sờ lần trên ngón chân khuyết tật của Joshua như thương cảm rồi ôm Joshua vào lòng:
    -“My poor baby! He’s gone! He’ll not hurt you anymore! Not anymore baby! He’s gone, baby! Do you miss me, Joshua???”
    Joshua lập lại y hệt như vậy:
    -“Do you miss me, Joshua?”
    Bà lão bật cười:
    -“No! Do you miss me, Mama?”
    Nó lại lập lại vẫn với giọng lảnh lót:
    -“No! Do you miss me, Mama?”
    Tự dưng Hương cũng cười theo. Lúc ấy bà lão mới để ý đến sự có mặt của nàng trong phòng. Tay vẫn ôm Joshua, bà ta nheo mắt nhìn Hương:
    -“Cô mang Joshua đến đây?”
    Câu hỏi này thay cho câu hỏi:
    -“Cô là chủ mới của Joshua?”. Có lẽ bà Alice vẫn xem như chỉ có bà là chủ của Joshua. Và bất cứ ai đó đến sau bà, chỉ là người thay bà săn sóc nó mà thôi! Hương thấy ngay điều này, nên nàng chỉ mỉm cười và đáp gọn:
     -“Vâng!”
    Hương cũng chẳng tự giới thiệu mình là ai, mà bà lão cũng chẳng hỏi tại sao nàng lại biết tìm đến đây! Tự dưng nàng cảm thấy như sự có mặt của mình ở đây là thừa thãi, nên  Hương lẳng lặng bước ra ngoài khi thấy bà Alice lại quay sang Joshua thầm thì những gì nàng nghe không rõ.
    Nàng đi dọc theo hành lang ra ngoài đến sân sau. Chẳng ai hỏi gì, mà cũng chẳng ai để ý đến ai. Hương tìm một băng ghế dưới gốc cây. Bây giờ đã là tháng Mười. Trời đã dịu hơn. Nắng vẫn rực rỡ như những ngày hè, nhưng sao lại mát hơn? Có lẽ mùa Thu đã đến ở đâu đó, và đang bứt dần những chiếc lá ra khỏi cành! Một đành đoạn chia ly tất nhiên!!! Nàng dựa lưng vào băng ghế, nhìn những chiếc lá khô lao xao trên đỉnh đầu; rồi lìa cành! Có những chiếc lá còn tiếc nuối, bay lượn vài vòng trước khi rơi chạm mặt đất! Có chiếc rơi thật nhanh chúi đầu lao xuống! Có chiếc vẫn run rẩy, không chịu lìa cây. Và những chiếc lá còn lại trên cây, đang nhìn lên trời xanh trên kia hay nhìn xuống mặt đất, để tiếc thương thay cho những, chiếc lá đã bỏ đi trước!!! Nhưng có một điều chắc chắn, những chiếc lá còn lại trên những tàng cây kia; nhìn thấy được nỗi ngậm ngùi trong nàng ở ánh mắt không còn trong nữa! Cuộc đời, con người, và những tương quan trong đời sống! Tình yêu! Nỗi chết! Rồi cũng chỉ như thế thôi!!!
    Và rồi, Hương lại nghĩ đến hình ảnh trong căn phòng nhỏ sau lưng nàng: Joshua và bà Alice. Bà lão còn bao nhiêu thời gian để nói câu:-”I love you too! Joshua!”, còn bao nhiêu thời gian nữa để ngập chìm trong yêu thương ấy???
    Joshua? Thời gian của con két xanh với những riềm vàng, đỏ, cam rực rỡ, là bao xa??? Nhưng có lẽ chắc chắn lúc này, cả bà lão và con Joshua đều chỉ biết đến cái hạnh phúc trân quý tìm lại được nhau! Có nhau! Cho dù thời gian đang trôi qua và ngày mai, ngày hôm sau nữa! Và những ngày kế tiếp, có còn đến nữa hay không!!!
    Nàng ngồi giữa cảnh trời bao la trong vắt trên cao kia trong những suy tưởng miên man. Thời gian qua bao lâu rồi? Hương nhìn đồng hồ: -"2:30 chiều!" Nàng đã ở chỗ này lâu đến thế kia à? Đã đến lúc phải đưa Joshua trở về! Joshua phải trở về căn phòng của Duy, và trở lại làm tù nhân trong một nơi chốn với đầy đủ thức ăn, nước uống! Chỉ thiếu bàn tay của bà Alice!!!
 
    Khi Hương trở lại căn phòng số 210, cảnh tượng âu yếm lúc trước không còn nữa! Joshua đang đậu trên thành giường! Còn bà Alice nằm trên giường với bao nhiêu dây nhợ gắn vào người! Nào là dây truyền thuốc, dây truyền thức ăn! Trông bà ta có vẻ mệt mỏi!!! Cô y tá da mầu có nụ cười xinh tươi, nhìn Hương rồihỏi:
    -“Cô quen thế nào với bà Alice?”
    Hương chỉ con Joshua:
    -“Qua con két này!”
    -“Thật à?”
    Câu hỏi tuy ngắn, gọn nhưng bao hàm nhiều câu hỏi khác nữa. Hương phải giải thích sơ sơ:

    -“Bà ta là chủ trước của nó. Tôi đưa nó đến thăm chủ cũ. Vậy thôi!”
    -“Cô tử tế quá!”
    Lần đầu tiên, từ lúc gặp gỡ Hương thấy bà Alice nhìn nàng lâu hơn. Ánh mắt dịu xuống.
   Hương đến gần Joshua và gọi, nàng làm như nó hiểu:
   -“Joshua! Đến lúc phải đi về..”
    Hình như nó biết nên cứ chần chờ. Mấy cái móng bấu chặt xuống thành giường, trừ ngón khuyết tật.  Hương đến gần, nó càng nhích đi xa! Mấy cái móng vẫn quặp chặt như một câu trả lời rõ ràng. Hương không biết phải làm sao! Joshua không huýt sáo như mỗi lần Hương gọi nó nữa! Như đọc được tất cả những ý nghĩ trong đầu của cả Hương và con Joshua, bà Alice gọi nó:
    -“Joshua!”
    -“Mama!”
    Cô y tá thích thú kêu lên:
    -“Ồ nó nói được!”
    -“Go home, Joshua! Go home!”
    Nó lập lại lời bà Alice:
    -“Go home! Go home!”
    Nhưng vẫn không nhúc nhích, Joshua lại kêu lên:
    -“Love ya, Mama! Go home!”
    Bà lão nhấc khẽ cánh tay đầy dây nhợ và xòe lòng bàn tay trắng bệch. Joshua bay lại, đậu trong lòng bàn tay bà lão. Nó dụi cái mỏ vào lòng bàn tay bà. Hương thấy bà ta nhắm mắt lại, không phải để đón nhận tình yêu như trước đây, nhưng như một sự cam chịu hay một sự chống trả rất âm thầm nào đó. Bà lão lại nói với Joshua bằng một giọng thật nhỏ, như chỉ để cho mình nó nghe và hiểu:
    -“Go home, baby! You can not stay here.. I have no
home now! Go, baby!..Go..”
    Hương chợt thấy mi mắt nàng nặng trĩu. Quay sang người y tá, Hương hỏi một câu hỏi mà trong thâm tâm nàng cho rằng đây chỉ là một câu hỏi cầu may:
    -“Nó ở lại với bà cụ được không cô?” Cô y tá lắc đầu:
   - “Ở đây toàn là người bệnh, luật không cho phép người bệnh nuôi thú vật trong này.”
    Hương lặng im!!!
    Và Joshua. Hình như hiểu được tất cả những
gì bà Alice nói gọn trong vài chữ đó, hay chỉ là những cảm nhận thiêng liêng giữa Joshua và bà Alice! Chỉ giữa con két xanh và bà lão!!! Nó bay lên và đậu vào vai Hương, nhưng vẫn kêu lên:
   - “Love ya Mama!”
    -“I love you too, Joshua!”
    Mở mắt ra, nhìn Hương, bà lão ngập ngừng nói:
    -“Cám ơn cô.. đã mang Joshua đến đây! Thỉnh thoảng nếu được gặp nó thì... vui lắm!!!”.
    Hương đến gần, nắm lấy bàn tay gầy guộc của bà Alice, và nhẹ nhàng nói:
    -“Mỗi tuần tôi sẽ mang Joshua vào thăm bà!”
    Bà Alice chợt nhắm mắt lại. Bà ta ngập ngừng:
    -“Cám ơn cô! Cám ơn cô nhiều lắm!!!” .
    Nàng đi ra, và không nỡ quay lại nhìn căn phòng nhỏ có bà lão gầy gò với bao dây nhợ quanh người đang nằm đếm thời gian!!!
    Có tiếng thổn thức mơ hồ không biết là của ai? Của bà lão? Của Joshua? Hay của chính Hương??? 

         Mặc-Bích

27/08/2015

Trồng cả cánh đồng hoa hướng dương tưởng nhớ vợ

 Cánh đồng hoa hướng dương trải dài trên diện tích 161ha ở Eau Claire, Wisconsin (Mỹ) do ông Don Jaquish trồng để tưởng nhớ người vợ quá cố. 
Cánh đồng hoa bạt ngàn mà ông Don Jaquish dành tặng vợ
Cánh đồng hoa bạt ngàn mà ông Don Jaquish dành tặng vợ
Theo Bored Panda ngày 19-8, vợ ông Don là bà Babbette Jaquish có biệt danh là "bà hướng dương" do lúc sinh thời bà rất thích hoa hướng dương. Bà Jaquish qua đời hồi cuối năm ngoái vì bệnh ung thư. Sau đó ông Don Jaquish trồng một cánh đồng hướng dương để tưởng nhớ bà, cũng như để giúp đỡ các bệnh nhân ung thư - cũng là điều tâm nguyện của bà Jaquish.
Ông Don đi gặp các nông dân gần đó đề nghị cho ông trồng hoa hướng dương trên đất họ. Cảm động trước tấm lòng của ông, họ đồng ý.
Ông Don đặt tên cho dự án trồng hoa của mình là "Babbette’s seeds of hope" (Hạt giống hi vọng của Babette). Cánh đồng hoa trải dài hơn 7km dọc xa lộ 85 ở Eau Claire hiện đã ra hoa, cho hạt.
Ông Don và các con sẽ thu hoạch hạt đem bán để giúp đỡ bệnh nhân ung thư cũng như quyên tiền cho các bệnh viện nghiên cứu liệu pháp chữa ung thư.
Họ cũng sẽ tiếp tục trồng hoa hướng dương mỗi năm. "Tôi hi vọng rằng cuối cùng chúng ta có thể tìm ra cách chữa bệnh ung thư, và các gia đình khác sẽ không phải trải qua nỗi đau mất người thân như chúng tôi đã chịu", ông Don nói.
Ông Don Jaquish và vợ lúc còn sống
Ông Don Jaquish và vợ lúc còn sống
Bà Babbette Jaquish qua đời vì ung thư. Sinh thời bà đã ấp ủ dự định trồng hoa để giúp những người mắc bệnh ung thư giống mình
Bà Babbette Jaquish qua đời vì ung thư. Sinh thời bà đã ấp ủ dự định trồng hoa để giúp những người mắc bệnh ung thư giống mình
Sau khi vợ qua đời, ông Don Jaquish đã trồng cánh đồng hoa rộng 161ha để tưởng nhớ vợ và thực hiện mong ước của vợ 
Sau khi vợ qua đời, ông Don Jaquish đã trồng cánh đồng hoa rộng 161ha để tưởng nhớ vợ và thực hiện mong ước của vợ 
Đồng hướng dương giờ đã ra hoa, cho hạt. Hạt hướng dương sẽ được bán để quyên tiền giúp bệnh nhân ung thư
Đồng hướng dương giờ đã ra hoa, cho hạt. Hạt hướng dương sẽ được bán để quyên tiền giúp bệnh nhân ung thư
Dù đã ra đi, nụ cười tươi tắn của bà Babbette Jaquish vẫn sống mãi trong lòng người chồng tận tụy và các con
Dù đã ra đi, nụ cười tươi tắn của bà Babbette Jaquish vẫn sống mãi trong lòng người chồng tận tụy và các con
Ông Don Jaquish cho biết sẽ tiếp tục trồng hướng dương mỗi năm để giúp bệnh nhân ung thư
Ông Don Jaquish cho biết sẽ tiếp tục trồng hướng dương mỗi năm để giúp bệnh nhân ung thư.
ST

Tình Mẹ

Truyện cũ nhưng đọc lại vẫn thấy hay. Thân mời các bạn xem.

Một thanh niên học hành xuất sắc nộp đơn vào chức vụ quản trị viên của một công ty lớn. 
Anh ta vừa xong đợt phỏng vấn đầu tiên, ông giám đốc công ty muốn gặp trực tiếp để có quyết định nhận hay không nhận anh ta. Và ông thấy từ học bạ của chàng thanh niên, tất cả đều tốt và năm nào, từ bậc trung học đến các chương trình nghiên cứu sau đại học cũng đều xuất sắc, không năm nào mà anh chàng thanh niên này không hoàn thành vượt bực.
Viên giám đốc: “Anh đã được học bổng của những trường nào?” Chàng thanh niên đáp “Thưa không” “Thế cha anh trả học phí cho anh đi học sao?” “Cha tôi chết khi tôi vừa mới một tuổi đầu. Mẹ tôi mới là người lo trả học phí.” Viên giám đốc lại hỏi: “Mẹ của anh làm việc ở đâu?” Chàng thanh niên đáp: “Mẹ tôi làm công việc giặt áo quần.”
Viên giám đốc bảo chàng thanh niên đưa đôi bàn tay của anh cho ông ta xem. Chàng thanh niên có hai bàn tay mịn màng và hoàn hảo.
Viên giám đốc: “Vậy trước nay anh có bao giờ giúp mẹ giặt giũ áo quần không?” “Chưa bao giờ. Mẹ luôn bảo tôi lo học và đọc thêm nhiều sách. Hơn nữa, mẹ tôi giặt áo quần nhanh hơn tôi.” Chàng thanh niên đáp.
Viên giám đốc: “Tôi yêu cầu anh một việc. Hôm nay khi trở lại nhà, lau sạch đôi bàn tay của mẹ anh, và rồi ngày mai đến gặp tôi.”
Ðến lúc ấy thì chàng thanh niên có cảm tưởng là công việc tốt này đang sẵn sàng là của mình. Về đến nhà, chàng ta sung sướng khoe với me, và chỉ xin được cầm lấy đôi bàn tay của bà. Mẹ chàng trai cảm thấy có điều gì đó khác lạ. Với một cảm giác vừa vui mà cũng vừa buồn, bà đưa đôi bàn tay cho con trai xem.
Chàng thanh niên từ từ lau sạch đôi bàn tay của mẹ. Vừa lau, nước mắt chàng tuôn tràn. Ðây là lần đầu tiên chàng thanh niên mới có dịp khám phá đôi tay mẹ mình: đôi bàn tay nhăn nheo và đầy những vết bầm đen. Những vết bầm làm đau nhức đến nỗi bà đã rùng mình khi được lau bằng nước. Lần đầu tiên trong đời, chàng thanh niên nhận thức ra rằng, chính từ đôi bàn tay giặt quần áo mỗi ngày này đã giúp trả học phí cho chàng từ bao nhiêu lâu nay.
Những vết bầm trong đôi tay của mẹ là giá mẹ chàng phải trả dài đăng đẳng cho đến ngày chàng tốt nghiệp, cho những xuất sắc trong học vấn và cho tương lai sẽ tới của chàng.
Sau khi lau sạch đôi tay của mẹ,chàng thanh niên lặng lẽ giặt hết phần áo quần còn lại cho mẹ.
Tối đó, hai mẹ con tâm sự với nhau thật là lâu.
Sáng hôm sau, chàng thanh niên tới trụ sở công ty. Viên giám đốc còn thấy những giọt nước mắt chưa ráo hết trong đôi mắt của chàng thanh niên, ông hỏi: “Anh có thể cho tôi biết những gì anh đã làm và đã học được hôm qua ở nhà không?”
Chàng thanh niên đáp: “Tôi lau sạch đôi tay của mẹ, và cũng giặt hết phần áo quần còn lại.”
Viên giám đốc: “Cảm tưởng của anh ra sao?”
Chàng thanh niên: “Thứ nhất, bây giờ tôi mới thấu hiểu thế nào là ý nghĩa của lòng biết ơn: Không có mẹ, tôi không thể thành tựu được như hôm nay. Thứ hai, qua việc hợp tác với nhau, và qua việc giúp mẹ giặt quần áo, giờ tôi mới ý thức được rằng thật khó khăn và gian khổ để hoàn tất công việc. Thứ ba, tôi hiểu sâu xa được tầm mức quan trọng và giá trị của liên hệ gia đình.”
Viên giám đốc nói: “Ðây là những gì tôi cần tìm thấy ở nơi con người sẽ là quản trị viên trong công ty chúng tôi. Tôi muốn tuyển dụng một người biết ơn sự giúp đỡ của những người khác, một người cảm thông sự chịu đựng của những người khác để hoàn thành nhiệm vụ, và một người không chỉ nghĩ đến tiền bạc là mục đích duy nhất của cuộc đời. Em được nhận.”
Sau đó, chàng thanh niên làm việc hăng say, và nhận được sự kính trọng của các nhân viên dưới quyền. Tất cả nhân viên làm việc kiên trì và hợp tác như một đội. Thành tựu của công ty mỗi ngày mỗi được cải thiện.
Bạn thân mến,
Một đứa trẻ luôn luôn được che chở và có thói quen muốn gì được nấy trong gia đình, có thể sẽ phát triển “tâm lý đặc quyền” chắc chắn sẽ chỉ luôn luôn nghĩ đến bản thân trước hết. Nó sẽ thờ ơ trước những vất vả của cha mẹ trong việc nuôi dưỡng nó thành người.
Khi làm việc, nó giả thiết rằng mọi người phải vâng lời nó và khi trở thành một quản trị viên, nó có thể sẽ không bao giờ biết đến sự chịu đựng của các nhân viên dưới quyền và luôn sẵn sàng đổ thừa cho người khác những khiếm khuyết và sai sót trong sinh hoạt của công ty.
Ðối với loại người này, họ có thể học giỏi, có thể thành công một thời gian ngắn nhưng thật sự trong đời họ sẽ không bao giờ họ có cơ hội thực sự cảm nhận được ý nghĩa của thành tựu. Họ sẽ cằn nhằn, lòng họ luôn chất đầy oán ghét và đấu tranh để có được nhiều thứ cho mình.
Nếu chúng ta thuộc loại cha mẹ chuyên bao che con cái như thế này, phải chăng chúng ta đang cho chúng thấy tình thương của cha mẹ hay là đang tàn phá chúng, tạo điều kiện cho chúng phát triển tối đa tính ích kỷ vô nhân?
Bạn có thể cho con cái bạn sống trong những căn nhà lớn, ăn thức ăn ngon, học dương cầm, xem TV màn ảnh rộng... Nhưng khi bạn cắt cỏ, rủa xe, lau chùi, dọn dẹp nhà cửa... hãy cho chúng cùng làm việc đó. Sau bữa cơm, hãy để chúng rửa chén bát cùng với anh chị em chúng. Không phải vì bạn không có tiền để mướn người làm trong nhà, nhưng bởi vì bạn cần biết thương con đúng cách.
Bạn muốn chúng hiểu rằng bất kể cha mẹ giàu có cỡ nào, một ngày kia tóc chúng ta rồi cũng sẽ bạc như mẹ của người bạn trẻ kia. Ðiều quan trọng nhất là con cái của bạn có học để hiểu biết hơn về thái độ chân thành của một con người sống ở đời, và tự khả năng của chúng phải biết cùng làm việc với những người khác để hoàn thành mọi công tác mà chúng gặp phải trong cuộc sống.

 ST

25/08/2015

Người Mẫu Xuân Văn và Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định

Với tài hoa của mình, Dương Quốc Định đã cho ra những hình ảnh rất nghệ thuật. Sự tinh tế còn được thể hiện nhiều hơn với những Album hình ảnh đẹp nghệ thuật mang tên Dương Quốc Định. Dưới đây là chùm ảnh có kích thước lớn nhất, mà tác giả chia sẻ.








Ảnh: Nhiếp ảnh gia Dương Quốc Định

24/08/2015

SỰ KHÁC BIỆT GIỮA TRI KỶ VÀ NGƯỜI YÊU

    TRI KỶ
1/ Là người hiểu ta nhất . Cha mẹ sinh ra ta nhưng chỉ người ấy biết được ta nghĩ gì , buồn gi, vui gì, muốn gì……dù đôi khi, ta chưa kịp nói gì….

2/ Là người ta muốn được chia sẻ đầu tiên khi ta tràn ngập niềm vui hay nặng trĩu nỗi buồn hay….chỉ mong manh những dự cảm, những linh cảm….mông lung.

3/ Là người ta mong tìm đến nhất khi ta đau khổ muốn hét lên, muốn khóc cho thật to….Và sau khi được nói, được hét, được khóc….. với người ấy, những muộn phiền ưu tư sẽ nguôi ngoai…để ta nhẹ lòng hơn.

4/ Là người ta có thể nói thật nhất mọi ý nghĩ của mình ngay cả những “ mảng khuất tâm hồn ” mà ta không dám phô bày trước đám đông, hay với bất kỳ người nào khác…kể cả những người thân…

5/ Là người dám chế giễu những thiếu sót của ta, những sai lầm của ta,….hùng hồn, bất bình…cứ như ta đang gây điều đó cho người ấy mà chẳng sợ ta phật lòng hay bực mình…
Và bao giờ sau đó cũng cho ta những lời khuyên rất chân thành…..

6/ Là người kiên nhẫn lắng nghe ta kể lể đủ điều, nhất là về …..những ấm ức, buồn bực, những khát vọng…xa xôi mà chẳng bao giờ nhìn đồng hồ tính toán thời gian….

7/ Là người thường khuyên ta cứ khóc cho thật thỏa để buồn bực vơi theo…

8/ Là người lặng lẽ chắt chiu cho ta những hạnh phúc giản dị nhưng chẳng bao giờ kể công …


        NGƯỜI YÊU
1/ Là người ta trao gửi những yêu thương, nhớ nhung da diết và luôn khát khao được gần gũi…dù chỉ vừa mới tạm biệt…
Tình yêu và Nỗi nhớ muôn đời vẫn thế !

2/ Là người khi ta trao một ánh nhìn sẽ nhận ngay ánh mắt chan chứa yêu thương, nồng nàn tình yêu. Đôi mắt là “ cửa sổ của tâm hồn ”….

3/ Là người ta có thể đi hàng ngàn cây số ..chỉ để đem đến một niềm vui…có khi thật nhỏ …. “ Yêu nhau mấy núi cũng trèo, mấy sông cũng lội, mấy đèo cũng qua ”…

4/ Là người ta luôn muốn “ làm mới mình ” để đem đến những cảm nhận thật bất ngờ, thú vị …..cho người ấy để đón nghe một lời khen, một tiếng cười , một lời thầm thì hạnh phúc ….

5/ Là người ta không bao giờ nói thật, nói hết…..về mối tình đã qua hay về một người đang theo đuổi ta trong hiện tại. ....Ta sợ người ấy buồn….

6/ Là người ta có thể thổ lộ những xúc cảm lãng mạn nhất về Tình yêu mà không sợ người ấy cười ta…là lãng mạn!
Lãng mạn là cảm xúc thăng hoa chỉ có khi Tình yêu đã nồng nàn…

7/ Là người rất sợ ta khóc. Nước mắt ta làm người ấy …bối rối đến vụng về.

8/ Là người mà ta hết lòng muốn sẻ chia những chuyện buồn hay đau khổ ….và ta cứ cảm thấy chính mình đang buồn, đang đau khổ hơn cả người ấy nữa…

9/ Là người dễ làm ta giận dỗi, dễ làm ta tổn thương nhất…dù chỉ là những lời nói vu vơ, những biểu hiện vô tình…không cố ý.
Lời Trái tim có ngôn ngữ của nó đấy!

10/ Là người ta có thể chấp nhận rời xa mãi mãi…Để Người Ấy Được…Hạnh Phúc!


ST


22/08/2015

Cuối tuần cười chút ! ‘Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy’

Đích
Một người lạc trên sa mạc, đuối sức, sắp quỵ thì gặp một thổ dân đi tới:

- Anh cho biết bao lâu nữa thì đến làng gần nhất ạ?
- Sắp đến rồi. Anh cứ đi thẳng, khoảng tuần thứ 6 thì rẽ phải và tuần thứ 7 là tới!
Tư Bạc Liêu (sưu tầm)
 clb dich 01
Bảo Huân

Đàn ông
Chồng đang xem ti vi thì vợ gọi:
- Anh đi chợ đi!
- Đó không phải là công việc của đàn ông!
- Vậy thì lên giường đi, tôi sẽ giao cho anh việc của đàn ông!
- Cái giỏ đi chợ đâu?
Trinh Du Tu (sưu tầm, email)
clb dich 01
Bảo Huân

Chính xác
Một người đàn ông trung niên bước vào một tiệm bán hoa:
- Cô bán cho tôi 3 bông hồng...
- Có ghi gì ở thiệp không ạ?
- Cô ghi giúp “Mỗi bông hoa đánh dấu một năm anh được hưởng hạnh phúc cùng em”.
Cô bán hàng gật gù:
- Vậy chú lấy vợ được 3 năm.
- Không. 30 năm.
Sương Sương (Kermit-TX, lượm lặt)

Vẫn còn
Một người đến văn phòng bác sĩ nhận kết quả khám nghiệm. Bác sĩ dặn dò:
- Từ nay anh phải cai thuốc lá, cai rượu bia và cả khoản đàn bà nữa.
- Thưa bác sĩ, vậy tôi còn gì là đàn ông nữa?
- Anh vẫn có thể tiếp tục cạo râu.
Dương Ngọc Hùng(sưu tầm)

Ước lượng
Ông nọ quyết định gây bất ngờ cho vợ ngày sinh nhật bèn đến cửa hàng thời trang:
- Tôi muốn mua tặng vợ một chiếc váy.
- Chị nhà mặc cỡ bao nhiêu ạ?
- Tôi không rõ...
- Ông cho một gợi ý cũng được ạ.
- Mỗi lần bà ấy đứng trước cái ti vi 52 in thì chẳng còn thấy cái màn hình.
Rồng xanh (lượm lặt)

Cái thuở ban đầu lưu luyến ấy

Ông chồng đang tưới cây sau vườn thì vợ gọi:
-Ông ơi, vô ăn tô cháo cho nóng. Tôi mới nấu 2 tô cháo bào ngư đây nì.
-Ờ, bà sắp sẵn ra đi, tui rửa tay rồi vô liền.
Nhà vắng vì con cái nay đã lớn, như những cánh chim đã bay đi bốn phương trời, chỉ còn 2 con khỉ già ngồi thu lu ở hai bên cái bàn rộng minh mông.
Bà ngước đôi mắt bồ câu “quá đát” lên nhìn ông:
-Mỗi lần nhìn ông ăn, tui lại nhớ tới ngày xưa, hồi ông rủ tôi trốn học đi lên dòng Thiên An chơi. Đâu ông đưa tay tôi nắm chút coi.
Ông chồng trễ cặp kính lão xuống chăm chú nhìn bà vợ, lòng thầm nhủ “Coi con mụ ni đã già rồi, mà còn bày đặt Rồ- men- tíc” nhưng nhìn gương mặt nhăn nheo của vợ, ông thấy tội nghiệp quá nên đưa tay ra.
Chiếc bàn thì rộng, mà bà vợ thuộc dạng thiếu thước tấc, nên bà đứng lên, vói tay ra nắm lấy bàn tay ông, run run nói:
-Lấy nhau đã 40 năm ruì, có 4 mặt con mà chừ mỗi lần cầm tay ông là tui như bị điện giựt, ngực tui nó nóng ran lên đây nì.
Ông khẽ khàng nắm lấy tay bà:
-Bà noái đúng, ngực bà không nóng ran lên sao được, vì 2 cái núm vú của bà đang nhúng vô tô cháo nóng kia cà !!!

ST

21/08/2015

8 câu chuyện rất ngắn nhưng thâm thúy

Những chuyện này đọc lại vẫn hay.

Cuộc sống cần những câu chuyện nhỏ để giúp bạn có được kinh nghiệm sống quý báu, hay ít ra nó cũng có thể giúp các bạn có được chút niềm vui trong những bộn bề này.


1. Mark Twain và người phụ nữ kiêu ngạo
Trong một bữa tiệc, Mark Twain ngồi đối diện với một người phụ nữ. Theo lẽ lịch sự, ông đã nói với người này: “Cô thật là xinh đẹp!”.
Người phụ nữ đó lại không hề cảm kích, mà còn cao ngạo nói: “Rất tiếc là tôi không có cách nào để nói lời khen tương tự như thế với ông!”.
Mark Twain rất bình thản, nói: “Không sao cả, cô có thể giống như tôi vậy, nói một lời nói dối là được rồi”.
Người phụ nữ nghe xong, xấu hổ quá, phải cúi gầm mặt xuống mà không nói được lời nào.

Gợi ý nhỏ:
Tảng đá mà bạn ném ra, người bị nó làm cho vấp té sẽ luôn luôn là chính bản thân bạn;
Bạn nói lời cay nghiệt, sau cùng cũng sẽ tự mình rước lấy nhục nhã mà thôi.


2. Chuột sa hũ gạo
Một con chuột rơi vào trong lu gạo, số gạo trong lu vẫn còn một nửa, sự cố ngoài ý muốn này khiến nó vui mừng không sao tả được.
Sau khi xác định là không có nguy hiểm gì, nó liền bắt đầu cuộc sống ăn rồi lại ngủ, ngủ rồi lại ăn trong cái lu gạo.
Rất mau, lu gạo sắp cạn kiệt, nhưng nó rốt cuộc vẫn không thoát khỏi sự cám dỗ của những hạt gạo, nên tiếp tục ở lại trong lu. Cuối cùng, gạo đã ăn hết, chuột ta mới phát hiện rằng mình không thể nhảy ra ngoài được nữa, lực bất tòng tâm.

Gợi ý nhỏ:
Cuộc đời của chúng ta xem như rất yên bình nhưng thật ra khắp nơi đều đầy rẫy nguy cơ, cần phải giữ cho mình quan niệm sống ổn định, từ đó mà biết cân nhắc đến an nguy.


3. Con thỏ câu cá bằng cà rốt
Ngày đầu tiên, chú thỏ con đi câu cá, không câu được gì cả.
Ngày thứ hai, nó lại đi câu cá, kết quả vẫn không đổi.
Ngày thứ ba, nó vừa đến nơi, một con cá lớn từ trong hồ nhảy lên, lớn tiếng quát: “Nếu như ngươi còn dám dùng cà rốt để làm đồ ăn cho cá, ta sẽ làm thịt ngươi”.

Gợi ý nhỏ:
Những gì bạn cho đi đều là những gì bạn muốn cho, chứ nó không nhất định là những gì mà đối phương muốn; thế nên điều bạn cho đi ấy trong con mắt người ta căn bản vốn không có giá trị gì cả. Hãy biết cân nhắc đến người khác để giá trị cuộc sống của bạn thêm ý nghĩa.


4. Bệnh nhân ung thư “tưởng rằng” cuộc phẫu thuật đã thành công
Tôi có một người bạn là bác sĩ. Một lần anh làm phẫu thuật cho bệnh nhân ung thư, sau khi mổ ra mới phát hiện chỗ bị viêm cắt bỏ không được, anh đành phải may lại, rồi đi giải thích tình huống với bệnh nhân. Bệnh nhân đó đến từ vùng quê, nghe không hiểu thuật ngữ y khoa, thế nên nghe xong thì vững tin rằng phẫu thuật xong rồi thì bệnh sẽ khỏi.
Bác sĩ không còn cách nào khác, đành phải để ông xuất viện.
Một năm sau tái khám, bệnh quả nhiên đã khỏi hẳn, các tế bào ung thư đã hoàn toàn biến mất.

Gợi ý nhỏ:
Tâm thái vui vẻ lạc quan chính là phương thức phẫu thuật tốt nhất vậy.


5. Nhân duyên vợ chồng

Năm đó, anh đang ngồi đợi bạn trong quán cà phê. Một người con gái bước đến hỏi: “Anh có phải là người mà dì Hương giới thiệu đến để xem mắt hay không?”.
Anh ngẩng đầu lên nhìn cô một cái, bất chợt phát hiện đây chính là mẫu người mình thích, lòng nghĩ thầm sao không “lỡ nhầm rồi đã nhầm cho trót luôn”, thế là vội vàng đáp: “Đúng vậy, mời ngồi”.
Ngày kết hôn, anh liền đem sự thật này nói với vợ, người vợ cười cười một cái, nói: “Em cũng không phải là đến xem mắt, chỉ là mượn cớ để bắt chuyện với anh thôi……”

Gợi ý nhỏ:
Khi cơ duyên đã đến rồi, thì đừng nên do dự mà hãy nắm chặt lấy nó.


6. Hoa khôi lớp xấu xí

Các sinh viên nữ công khai bỏ phiếu bầu chọn hoa khôi của lớp, Thanh Mai là người có dung mạo bình thường nhưng cô đa đứng ra nói mọi người rằng: “Nếu như tôi được chọn, qua vài năm sau, các chị em ngồi ở đây có thể tự hào mà nói với chồng của mình rằng, ‘hồi em học đại học, em còn xinh đẹp hơn cả hoa khôi trong lớp cơ đấy!’”.
Kết quả là cô ấy đã được bầu chọn với số phiếu gần như tuyệt đối.

Gợi ý nhỏ:
Thuyết phục người khác ủng hộ bạn, không nhất định là phải chứng minh rằng bạn xuất sắc hơn người khác như thế nào, mà là cần để cho người ta biết được rằng nhờ có bạn mà họ mới trở nên ưu tú hơn và có nhiều thành tựu hơn.


7. Ông lão vứt bỏ đôi giày
Chuyến xe lửa đang chạy trên đường cao tốc, Gandhi không cẩn thận làm rơi một chiếc dép mới mua ra ngoài cửa sổ, mọi người chung quanh đều cảm thấy tiếc cho ông. Bất ngờ, ông liền ném ngay chiếc giày thứ hai ra ngoài cửa sổ đó. Hành động này của Gandhi khiến mọi người sửng sốt, thế là ông bèn từ tốn giải thích: “Chiếc giày này bất luận đắt đỏ như thế nào, đối với tôi mà nói nó đã không còn có ích gì nữa, nếu như có ai có thể nhặt được đôi giày, nói không chừng họ còn có thể mang vừa nó thì sao!”.

Gợi ý nhỏ:
Đối với nỗi thống khổ đã định sẵn là không thể vãn hồi, chi bằng hãy buông bỏ từ sớm.



8. Hai con hổ số phận khác nhau
Có hai con hổ, một con ở trong chuồng, một con nơi hoang dã.
Hai con hổ đều cho rằng hoàn cảnh của bản thân mình không tốt, đôi bên đều ngưỡng mộ đối phương, thế là chúng quyết định thay đổi thân phận với nhau. Lúc mới bắt đầu, cả hai đều vô cùng vui vẻ, nhưng không lâu sau đó, hai con hổ đều chết cả: một con vì đói mà chết, một con u sầu mà chết.

Gợi ý nhỏ:
Có những lúc, mọi người nhắm mắt làm ngơ đối với hạnh phúc của chính bản thân mình, để rồi luôn để mắt đến hạnh phúc của những người khác. Thật ra, những gì mà bạn đang có chính là những điều mà người khác phải ngưỡng vọng.
Cuộc đời là thế, nhiều chuyện xảy ra theo cách không thể ngờ tới, hy vọng sau khi đọc những câu chuyện này, mọi lúc mọi nơi ai cũng có thể tự nhắc nhở bạn thân mình vậy.
ST