Trang

21/01/2016

Tản mạn Khỉ 3 Không (Tiếp theo)



2.    Con Khỉ Bịt Mắt

Đôi mắt là tuyệt tác của thiên nhiên, là cửa ngỏ tâm hồn. Nếu không thấy ánh sáng, hình ảnh, màu sắc, vẻ đẹp thì ấy là đôi mắt mù.Tại sao lại bịt mắt?  Để đừng nhìn những chỗ không nên nhìn, đừng nhìn đời bằng nửa con mắt, đừng thiển cận thành kiến dễ dẫn đến cái nhìn không đúng sự thật, vội vàng đánh giá sai vấn đề. Thói thường ở đời là “yêu nên tốt, ghét nên xấu”, thành ra khi người ta có thành kiến thì nhãn quan cá nhân cũng lệch chuẩn. Con khỉ che mắt có ý khuyên người ta chớ nên vội nhìn vào hiện tượng mà đánh giá bản chất sự việc, nên suy xét mọi việc bằng con mắt nhân văn, bằng sự suy ngẫm thấu đáo[2].

Nhạc sĩ Xuân Hồng viết ca khúc “Đôi mắt” với ca từ dễ thương.
Mẹ cho em đôi mắt sáng ngời; Để nhìn đời và để làm duyên.
Mẹ cho em đôi mắt màu đen; Để thương để nhớ, để ghen để hờn.
Đôi mắt em là cửa ngỏ tâm hồn; Là bài thơ hay nhất,
Là lời ca không dứt; Là tuyệt tác của thiên nhiên.

Thi sĩ Lưu Trọng Lư đã viết hai câu thơ thật đẹp về tình yêu trong đôi mắt:
Mắt em là một dòng sông,
Thuyền ta bơi lặng trong dòng mắt em.

Mắt là cảm hứng cho thi sĩ, nhạc sĩ. Mắt là hồn cho thơ, là sóng cho nhạc. Có người nhìn đôi mắt như mùa thu. Có người nhìn đôi mắt như dòng sông. Trong văn chương, nghệ thuật, cảm hứng về mắt bao giờ cũng là đôi mắt đẹp.

3.    Con Khỉ Bịt Mồm

Miệng để nói để cười để khóc. Nếu không nói được là câm, nói ú ớ là ngọng, nói lắp bắp là cà lăm. Có ai muốn vậy đâu!  Tại sao phải bịt miệng? Người xưa nói:  “Khẩu thiệt giả họa chi môn, diệt thân chi phủ dã”: miệng lưỡi là cửa vào tai họa, là búa rìu diệt thân. Người đời thường nhắc nhở nhau: “Người ít nói không phải là người nói ít mà đừng nên nói những gì vô ích”.

Chu Văn An (1292-1370) là một bậc hiền Nho, một vị đại quan đáng kính và là một người thầy mẫu mực được suy tôn là “Vạn thế sư biểu” (người thầy của muôn đời). Ông được thờ ở Văn Miếu – Quốc Tử Giám Hà Nội, sinh thời ông từng dâng “thất trảm sớ” chém 7 tên nịnh thần, nhưng vua không nghe. Ông đã gửi trả mũ áo quan cho vua rồi về ở ẩn tại Côn Sơn, Kiếp Bạc. Ông được các học giả thời phong kiến xưa ví như sao đẩu, sao khuê… Cao Bá Quát đã từng viết về ông: “Thất trảm yêu ma phải rợn lòng.Trời đất soi chung vầng hào khí.Nước non còn mãi nếp cao phong”.

Phải chăng, hình tượng con khỉ bịt mồm có ý nhắc nhở người nói phải có người nghe, người không biết nghe thì ta có nói cũng phí lời?
Người xưa có câu: Học nói chỉ mất 3 năm nhưng học im lặng mất 60 năm chưa chắc đã học được. Lại có câu “Câm hay ngóng, ngọng hay nói” nghĩa là, thường những người biết ít lại hay nói nhiều hoặc đã không biết lại tỏ ra biết nhiều. Nhà bác học Albert Ein-Stein có nói, cái ta biết chỉ bằng một giọt nước, còn cái ta không biết bằng cả một đại dương, ấy thế mà có nhiều anh chàng, cô nàng cái gì cũng tỏ ra “biết tuốt”. Và nữa, khi không vừa lòng ai (do định kiến riêng) người ta thường nói hơn, nói kém mặc lòng. Ca dao có câu: “Yêu ai thì nói quá ưa. Ghét ai nói thiếu nói thừa như không”. Vẫn biết họa từ mồm mà ra, bệnh từ mồm mà vào (họa tùng khẩu xuất, bệnh tùng khẩu nhập) nhưng mấy ai giữ được cho toàn vẹn?[4]

Cổ nhân có câu: “Nhất ngôn xuất khẩu, tứ mã nan truy” (một lời nói ra, bốn ngựa đuổi theo không kịp). Lời nói của con người có thể có hậu quả rất lớn và rất phức tạp; có thể ích lợi hay tai hại, xây dựng hay phá đổ. Chính vì thế, bác ái rất cần trong lời nói.Muốn bác ái trong lời nói, trước hết phải tế nhị, tránh những lời nói làm thiệt hại hoặc gây buồn phiền. Có thể đó là những lời nói hữu ý hay vô tình.

Nói hành, nói xấu, làm thiệt hại uy tín và danh dự người khác, là điều lỗi đức ái nặng. Ganh tị là nguyên nhân chính gây ra nói hành nói xấu. Người ta lỗi đức ái nặng nề nhất, khi lời nói sau lưng hoàn toàn đi ngược với lời nói trước mặt. Khuynh hướng này biểu lộ sự hèn nhát, không xứng với người kitô hữu là con cái sự thật.

Người ta thường lỗi đức ái trong lời nói nhiều hơn cả, ngược lại cũng có thể xây dựng tình bác ái bằng lời nói nhiều hơn cả. Điều này đòi hỏi một ý thức mãnh liệt và thường xuyên. Nhờ ý thức mà chúng ta khám phá cơ hội thi hành bác ái bằng lời nói.

Bác ái trong lời nói không là ăn nói đưa đẩy hay tìm cách lấy lòng người khác bằng lời xu nịnh, cũng không là lời nói suông trên môi miệng, miễn trừ hành động thực tế. Nhưng là dùng lời nói như một yếu tố quan trọng để biểu lộ và xây dựng điều cốt yếu mà Đức Kitô dạy là tình yêu không giả dối.

Việc xây dựng tình bác ái bằng lời nói rất đa dạng, tùy người và tùy môi trường, nhưng cũng có những nét lớn căn bản: lời khích lệ, lời an ủi, lời thông cảm hay chia sẻ, lời nói làm vui lòng người khác, lời nói xây dựng.

4.    Con Khỉ Bịt Tai

Tai là cửa ngõ dẫn âm thanh vào tâm trí. Tai không nghe được tiếng nói âm thanh là tai điếc. Sao lại bịt tai?  Chắc hẳn là người ta tránh nghe những chuyện thị phi.

Khi nghe điều gì, thiết nghĩ người nghe nên sàng lọc, phân tích kỹ càng. Lại phải nghe hai tai, nghe ý kiến nhiều chiều. Không phải lời khuyên bảo nào cũng xuất phát từ sự thành tâm. Thông thường ai cũng thích nghe những lời ngọt ngào, ngợi khen, nịnh nọt chứ mấy ai thích nghe những ý kiến phê bình? Kể cả những lời phê bình ấy là rất thành thực. Nhiều khi người ta đâu biết những ai có lời chê đúng thì người đó chính là thầy của ta. Người hiểu biết là người biết nghe những lời nói thẳng thắn bộc trực. “Trung ngôn nghịch nhĩ” là vậy! Hình tượng con khỉ bịt tai có ý khuyên người ta hãy cảnh giác với những lời đường mật.

5.    Tạm kết.

Tôn Ngộ Không đã từng khuyên can Đường Tăng nhiều điều mắt thấy tai nghe, những âm mưu của yêu ma quỷ quái dọc đường thỉnh kinh, nhưng Đường Tam Tạng đã không nghe lại còn niệm chú xiết vòng kim cô, đuổi về hoa quả sơn nên có rất nhiều hậu quả tại hại.

Trong nghệ thuật điêu khắc dân gian, hình tượng con khỉ được mô tả mỗi con một tư thế: một con bịt mắt, một con bịt tai và một con bịt miệng. Không phải ai bịt con khỉ mà chính nó tự bịt miệng tai mắt của mình. Ba trạng thái đó của khỉ, có thể hiểu là biểu hiện của thái độ “mũ ni che tai hưởng thái bình”. Thực tế trong cuộc sống, không ít người quan niệm, trước mọi vấn đề chướng tai gai mắt, tốt nhất là “có mắt không nhìn, có miệng không nói, có tai không nghe” để giữ mình bình yên, an lạc. có thể quan niệm trên cũng có phần nào đúng nhưng nếu hiểu hoàn toàn như vậy có lẽ hơi phiến diện[5]. Với 3 hình tượng đó có không ít người suy ra rằng : hãy cứ sống an phận, mặc kệ những gì đang xảy ra xung quanh và họ mặc nhiên bàng quan theo thuyết “Mackeno”(mặc kệ nó!). Nhưng giữa cuộc đời đầy những điều thị phi và nhiễu nhương này, nếu cứ an phận như vậy thì xã hội sẽ đi đến đâu, tình người sẽ về đâu? Và nếu cứ bịt tai, bịt mắt, bịt miệng như thế cả cuộc đời thì thử hỏi cuộc sống có gì là thi vị nữa không?

Ý nghĩa hình tượng khỉ “ba không” là đừng nhìn đừng nghe đừng nói những điều trái lẽ, bịt mắt để dùng Tâm mà nhìn, bịt tai để dùng Tâm mà nghe, bịt miệng để dùng Tâm mà nói. Khi Tâm ở trạng thái "Tịnh" không bị quấy rầy bởi những điều xấu thì từ Tâm mới phát sinh những điều "Thiện". Ý nghĩa tích cực của khỉ “ba không” là khuyên con người ta hãy có một cách hành xử đúng. Muốn thính tai, sáng mắt, sách miệng thì phải tập luyện hàng ngày, gìn giữ đôi mắt, đôi tai biết lắng nghe và kiềm chế miệng lưỡi.

Tết Bính Thân đã cận kề. Hình tượng khỉ “ba không” là một sản phẩm vừa mang tính nghệ thuật lại ẩn chứa nhiều ý nghĩa, bản thân tự nhắc nhở mình luôn giữ gìn tai mắt miệng lưỡi cho đúng phẩm hạnh cốt cách. Mong rằng những ai đang có món quà này trên bàn làm việc sẽ càng nhìn ngắm suy tư và áp dụng vào cuộc sống.

Nguyễn Hữu An

4 nhận xét:

  1. Có những hiệu ứng từ"ba không"hình thành nên những quan niệm lệch lạc,định hình một thái độ sống tiêu cực,thụ động cầu an...Cảm ơn Fa đã sưu tầm bài viết này giúp cho người đọc tham khảo...
    Mình cũng mới viết mấy bài thơ về hiện tượng ngày nay dùng cái nói như phương cách để cầu vinh...Và,góp phần làm cho xã hội tha hóa.....Hiện chưa kịp post lên blog.
    Chúc Fa nhiều vui!

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/Hinh%20Dep%202016/cristalcartotildees-8_zpsze7qdsob.gif
      Chúc anh có nhiều bài thơ hay.

      Xóa
  2. http://data.photofunky.net/output/image/d/f/b/0/dfb081/photofunky.gif

    Mời Fa cafe an lành nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://i629.photobucket.com/albums/uu11/troimay/Hinh%20Dep%202016/73a68c304154304c73989744abd965b6_zpsdqdeunb8.gif
      Coffe này tình cảm quá nha!

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.