Trang

09/12/2016

Cây Giáng Sinh Tình Yêu

Ba nhắc tôi:
- Mặc nhiều áo vào con ạ! Trời lạnh lắm đó!
- Dạ.
Tôi "dạ" rồi lẳng lặng vào lấy thêm áo khoác. Hai cha con ra xe. Như một công việc quá quen thuộc hàng ngày, Ba đưa tôi đến trường. Trường học chỉ cách nhà tôi ba "block", nhưng Ba vẫn đưa tôi đi, Ba không muốn tôi phải co ro trong tiết trời lạnh lẽo này nếu tôi đi bộ. 
Đến trường, hai cha con nói "Bye" với nhau thật ngắn gọn. Ba lái xe đi. Mười tiếng đồng hồ nữa tôi mới gặp lại Ba. Bỗng nhiên hôm nay tôi dừng lại một chút ở cổng trường, ngoái nhìn theo Ba. Tôi không kịp thấy gì ngoài cái đuôi xe màu xám bạc. Rồi tôi liên tưởng đến màu trắng xám trên mái tóc của Ba. Một cách không cố ý, hai bàn tay của tôi nắm chặt lại. Tôi nghe tiếng thở dài của mình. Tôi bước theo đám học sinh, vào trường.**
Giờ ăn trưa, trong khi các bạn xúm xít với nhau bàn chuyện lễ Giáng Sinh, tôi lặng lẽ đến ngồi ở một góc vắng. Tôi phải len lén chứ không thì chẳng yên thân với tụi nhóc. Thật ra thì khi tôi học hành, vui chơi cùng các bạn, tôi cũng là một cô học trò linh hoạt lắm. Nhưng khi ngồi yên tĩnh một mình, tôi như sống bằng một phần già dặn của chính tôi. Mấy đứa bạn thân không cần tinh ý gì cả cũng biết là tôi buồn vì không được sống gần mẹ. Nhưng tụi nó không muốn nói nhiều về điều đó nên thường để tôi một mình khi thấy tôi cần như thế. Dù sao, ở cái tuổi mười lăm như chúng tôi đây, cũng đã mang một chút gì "người lớn" trong cách suy nghĩ và xử sự.
Nhưng tôi còn có Ba. Ba cũng thương tôi lắm, chăm sóc tôi không thua một ông bố nào mà tôi biết. Ba đưa đón tôi đi học, giúp tôi làm bài, chở tôi đi chơi, đi mua sắm, thật như kiêm luôn cả phần việc của một người mẹ nữa. May là tôi cũng đã lớn, chứ không thì còn được Ba bồng bế, dỗ dành và ru ngủ nữa. Tôi cảm nhận được hết cái tình trìu mến của Ba. Tôi không đòi hỏi gì hơn. Nhưng tôi thấy rất rõ, giữa Ba và tôi vẫn có một khoảng cách. Vì tôi là con gái chăng" Không đúng. Mà có lẽ cái khoảng cách ấy chính là sự thiếu vắng của Mẹ.
Ở trường chúng tôi ăn cùng một thực đơn như nhau. Những thức ăn nhà trường cung cấp là quá đủ cho chúng tôi. Nhưng bạn tôi hầu như ai cũng có một chút gì mẹ chuẩn bị cho đem theo ăn thêm. Tôi thì không. Đó cũng là điểm khác biệt. Có khi tôi cũng được chia những thức ăn "phụ trội" đó. Tôi thưởng thức mà không suy nghĩ. Nhưng cũng có khi vì đó mà buồn.
Bữa ăn tối, thường thì hai cha con cùng nhau nấu nướng. Nhưng có những lúc tôi sắp thi, ba tôi lại giành nấu một mình. Có khi lười quá Ba lại lái xe ra ngoài để mua "cơm chỉ". Mà ở đây lại là "cơm chỉ" của Mỹ. Mấy món ăn của tiệm "cơm chỉ" cũng ngon nhưng nhiều chất béo quá. Tôi là con gái nên sợ béo. Tôi không dám chê, nhưng hay len lén nhìn Ba. Tôi thấy Ba không lộ vẻ gì, nhưng khen thì Ba cũng không khen.
Đêm thì hai cha con hai phòng sát bên nhau nhưng tôi thường đi ngủ trước. Ba ngồi làm việc hay xem ti-vi một mình rồi Ba đi ngủ hồi nào tôi không hay. Và đó là xong một ngày của hai cha con. Cuộc sống có vẻ đơn điệu quá phải không"
**
Chiều nay tôi đi bộ về một mình vì Ba tôi làm thêm giờ. Tôi đi một đoạn ngắn với nhỏ Tina rồi chúng tôi chia tay ở trước nhà nó. Đi đến chỗ cây sồi to, tôi dừng lại và giật mình khi nhớ đến một chuyện đã khá lâu rồi, khi tôi mới bốn tuổi. Lúc đó Ba đi làm xa nên Mẹ là người đón tôi. Tôi được ngồi trong xe ấm áp nhưng tôi lại đưa mắt thèm thuồng nhìn các bạn đi bộ ngoài đường. Tôi buột miệng hỏi Mẹ:
- Mẹ ơi! Sao mẹ không cho con đi một mình như các bạn ấy"
Mẹ cười:
- Nhà các bạn ấy ở gần hơn nhà mình. Có bạn thì cha mẹ đi làm hết nên bạn đi một mình. Con sung sướng có mẹ đưa đón mà con không vui sao"
- Con... con cũng thích đi bộ một mình giống như các bạn.
Mẹ lắc đầu:
- Con xem bạn Dalena kìa! Nó phải đi một mình vì mẹ nó mất rồi!
Tôi im lặng. Bỗng tôi lẩm bẩm thật nhỏ tưởng mẹ không nghe:
- Bạn ấy vậy mà sướng!
Nhưng Chúa ơi! Mẹ lại nghe rất rõ. Mẹ lái xe tấp vội vàng vào ven đường, nơi có cây sồi to tướng này. Mẹ thắng xe "két" một cái nghe chói tai, rồi Mẹ đưa hai tay ôm lấy đầu. Mẹ khóc nức nghẹn không thành tiếng. Tôi hoảng sợ, bật khóc theo và xin lỗi mẹ rối rít. Sau này, tôi có dịp tâm sự cùng cô giáo dạy môn English, tôi được cô cho biết là có rất nhiều bạn nhỏ cùng suy nghĩ như tôi vì muốn chứng tỏ mình độc lập. Cô khuyên tôi đừng buồn. Nhưng tôi vẫn thỉnh thoảng nhớ lại chuyện ấy và có tâm trạng mình đã làm lỗi với mẹ.
(**)
Tôi rẽ vào cái ngõ cụt của nhà tôi. Hai cha con, hai chìa khóa riêng, tôi không phải lo. Tôi nhìn một lượt vòng quanh những nhà hàng xóm, cảm thấy không khí xung quanh có chút rộn ràng. Kìa! Đèn hoa và các vật trang trí trước những ngôi nhà đã đầy cả rồi!
Tôi mở khóa, bước vào nhà. Tôi đã quen với cái tĩnh mịch của căn nhà mình sống. Tôi quen dọn dẹp nhà cửa mỗi khi về đến, và nấu thức ăn cho hai cha con. Tôi dừng lại trước tủ lạnh, ngắm những tấm ảnh gia đình tôi đã đính thật nhiều trên cánh cửa bằng những miếng hình có nam châm đủ màu sắc lưu dấu những danh lam thắng cảnh. Như một thói quen không thể thiếu mỗi ngày, tôi mỉm cười chào những người trong hình: Ba, Mẹ và tôi.
**
Ba mang về một cây thông Giáng sinh. Đó là một cây thông giả. Nhà tôi đã bỏ hẳn lệ chưng cây thông thật từ khi tôi phát sinh chứng bệnh dị ứng với mùi nhựa thông. Cây thông giả của những năm trước, sau khi dùng đi dùng lại đã cũ nên Ba muốn mua cây mới. Khi Ba nhờ tôi phụ để lắp nó, tôi rất ngạc nhiên nhận ra đó là một cây thông có lá màu bạc. Toàn cây cũng là màu bạc. Tôi thắc mắc:
- Sao lại là màu bạc hở Ba"
- Đó là màu đặc biệt nhất đó con. Màu xanh thì mình đã biết từ bao lâu nay rồi!
- Nhưng con thấy cái cây thông màu bạc thì trông không vui.
- Ba sẽ trang trí những đốm tuyết trắng, rồi treo đèn kết hoa lên thì vui ngay.
- Con không thích. Thông là cây evergreen, làm sao mất màu xanh được" Con nghĩ nhà sản xuất cây này có tâm tính hơi khác thường, làm ra cái chuyện không đúng sự thật.
Ba nghe tôi chê thẳng thừng thì tỏ vẻ thất vọng. Nhưng Ba vẫn cố thuyết phục tôi:
- Con nhìn một lát sẽ thấy đẹp.
- Đẹp gì" Con nghĩ đó chỉ là tự ép buộc mình thôi. Con không quen nhìn màu bạc này trên một cái cây lẽ ra phải xanh.
- Con thật khó tính!
Nghe Ba nói hơi gắt, tôi bỗng khựng lại. Cảm giác khó chịu làm tôi bỏ đi vào bếp. Tôi nghĩ Ba không để ý đến con gái mình nghĩ gì, Ba "theo thời", và chắc chắn là cái cây thông này phải mắc tiền hơn những cây thông "cổ điển" lâu nay. 
Ba thấy tôi giận, nên đi vào gợi chuyện:
- Sao" Tối nay con gái cho Ba ăn món gì"
Tôi đáp nhẹ:
- Như mọi ngày thôi Ba!
- Vậy tốt rồi! Ba chỉ mong một ngày như mọi ngày.
Tôi kịp nghe tiếng Ba thở dài thật nhỏ. Tôi thấy hơi hối hận vì mình đã hờn mát với Ba. Tôi đang suy nghĩ một câu nói đùa để chọc Ba cười, thì có tiếng chuông điện thoại reo. Ba đi bắt máy. Tôi nghe loáng thoáng nhưng đoán được ngay điện thoại từ đâu. Ba nghe điện thoại xong, đến gần bên tôi, và không đợi tôi hỏi, Ba nói:
- Cô y tá nói Mẹ không còn đập phá, nhưng đã hai ngày nay bỏ ăn, không nói gì, chỉ ngồi ủ rủ trong một góc.
Mấy hôm nay buổi chiều tôi phải đi bộ về nhà một mình, vì Ba sau khi tan sở đã ghé bệnh viện thăm Mẹ, thật tối Ba mới về. Tôi cũng chuẩn bị cơm chờ Ba về rồi hai cha con cùng ăn. Tôi không thể thăm Mẹ hàng ngày như Ba được, mà phải chờ đến cuối tuần, vì Ba muốn tôi có đủ thời gian để làm bài. Mà đã bao năm nay vẫn là như vậy rồi. Chỉ khi nào Mẹ có những biểu hiện khác thường thì Ba mới vào thăm mỗi ngày, ngoài ra hai cha con chỉ vào thăm Mẹ mỗi cuối tuần. 
Thời gian đầu, khi Mẹ phải ở lại bệnh viện như một bệnh nhân nội trú, Ba như phát điên lên. Mãi sau, Ba đành phải chấp nhận sự thật: Mẹ không thể chung sống với gia đình như những người phụ nữ bình thường được nữa. Căn bệnh tâm thần của Mẹ đã quá nặng! Đứa con gái cần có người mẹ để chia xẻ, hướng dẫn và giúp đỡ nhiều nhất, đã phải chấp nhận sống xa mẹ. Vâng, tôi cũng đã phải chấp nhận sự thật đó. Cho đến bây giờ, tôi nhìn lại vẫn cảm thấy tủi thân ghê gớm. Ba là đàn ông, có thương con đến mấy cũng khó có thể hiểu thấu và chia sớt cùng con.
Tối nay tôi đã tận dụng thời gian Ba chưa về để làm xong bài tập Toán. Tôi được rảnh rồi! Chỉ còn chờ Ba về là ăn cơm thôi, cũng hơi trễ một chút nhưng hai cha con còn có thời gian để xem một phim gì đó trên ti-vi. A! Tôi bỗng thấy mình có việc làm, khi nhìn qua phòng khách, cây Giáng sinh chưa được trang hoàng gì cả. Ba quá bận rộn mà! Tôi sẽ làm cho Ba có chút ngạc nhiên chứ" Con gái Ba sẽ được khen là giỏi. Tôi tủm tỉm cười và đi sang đó. 
Trong khi soạn những hộp đựng đồ trang trí cho cây thông, tôi liếc nhìn qua góc làm việc của Ba, bỗng thấy trên bàn chiếc máy computer chưa tắt. Ba hẳn đã ngủ gà ngủ gật ở đây đêm hôm qua ư" Ba lại mê viết lách chi đây" Ba thật là người tham công tiếc việc! Từ bao lâu nay Ba vẫn mê công việc như thế. Phải tắt máy giùm Ba thôi. Tôi chạm nhẹ nút "enter". Màn hình hiện lên một trang đang viết dở. Không phải là những khung tài liệu "excel" như thường lệ, mà toàn những chữ, như một bài văn. Dòng chữ đầu tiên đập vào mắt tôi: "Anh rất ân hận..."
Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.