Trang

07/03/2017

Lô tô và bài chòi ngày Tết


Quang cảnh của một buổi hô lô tô.

Là cờ ra con mấy, con mấy cờ ra…?’

Từ lô tô ở miền Tây đến bài chòi ở xứ Quảng, những trò chơi dân gian này trở thành một phần không thể thiếu trong những ngày Tết, nhất là những năm mà phương tiện giải trí gần như thiếu vắng, người dân quê chẳng có gì để giải khuây. Cả lô tô lẫn bài chòi đều dựa trên những câu hát dân gian, ca dao nên vừa có tính bình dân, tiếu lâm vừa mang lại không khí lễ hội đầu năm.

“Là cờ ra con mấy…” ở miền Tây

Người ta không biết lô tô có từ bao giờ và bắt nguồn từ đâu. Nhưng miền Tây, tức đồng bằng sông Cửu Long, những năm 1980 có thể xem là thời thịnh hành của các đoàn hội chợ, lô tô từ thành phố về dựng rạp ở bãi đất trống gần chợ, treo cờ, bắc loa thu hút đám đông trong những ngày Tết.

Khoảng từ hôm hai mươi Tết đến rằm Tháng Giêng, cả vùng sông nước yên ả bỗng nhiên rộn rã bởi ánh đèn được thắp sáng từ máy phát điện, những tiếng rao lô tô phát ra từ loa rất náo nhiệt. Ðó cũng là dịp mà những đứa trẻ quê có được một chút không khí thành thị vào những ngày đầu Xuân.

Các con số bàn cờ lô tô.

Ðêm giao thừa và những ngày sau đó, đoàn hội chợ hoạt động hết công suất. Từ chiều tối, những lời mời chào được phát loa liên tục, kèm những điệu nhạc rộn ràng của chiếc guitar điện. Trong hội chợ có nhiều trò chơi, nhưng lô tô là trò chính, thu hút nhiều người chơi nhất. Trong khi chờ đợi trò lô tô mở, khách du Xuân có thể chơi bầu cua, bắn súng hơi, ném bóng, thảy vòng… Nhưng những trò này thường dừng lại để nhường cho trò lô tô một khi tiếng loa phát lên:

“Ði đâu mà vội mà vàng
Dừng chân ghé lại gian hàng lô tô
Lô tô lô tô, quý thầy quý cô
Ðừng bận tâm suy nghĩ, hãy nghe cho kỹ nè…”

Có lẽ người ta thích chơi lô tô không phải vì yếu tố thắng thua, mà là dịp tiêu khiển, để nghe và bật cười với những lời rao con số… Người gọi lô tô có năng khiếu ứng khẩu thành thơ, mỗi người một kiểu, khiến đám đông cảm thấy hồi hộp và tự đoán con số nào sẽ ra tiếp theo.

Một gian hàng giải trí thường đi kèm với trò lô tô trong dịp Tết.

Những gì thuộc về văn hóa bình dân đều có thể trở thành câu kêu lô tô, gồm cả đờn ca tài tử, vọng cổ, câu hát dân gian, lời ru, bài hát nhạc vàng cho đến ca dao tục ngữ, văn thơ. Chẳng hạn:

“Bá Nha là bạn Tử Kỳ, tình bạn cố tri Tử Kỳ đã chết
Ðâu còn tri kỷ, đâu nữa cung đàn
Nên ông ngỡ ngàng, ôm đàn mà bẻ gãy
Là con số bảy
Con số bảy, rồi là cờ ra con mấy, con mấy cờ ra…”

Một đoàn hội chợ có thu hút được nhiều người đến chơi hay không là do cái tài và cái duyên của người rao lô tô.

Người rao lô tô gần như là một “nghệ nhân” với lối rao đặc trưng và ngẫu hứng của từng người. Họ có khả năng gây tò mò khi cùng một con số nhưng có nhiều cách gọi khác nhau.

“Trúc xinh trúc mọc bờ mương
Em xinh em đứng bên đường cũng xinh
Trúc xinh trúc mọc đầu đình
Em xinh em đứng dưới sình cũng xinh… là con số chín.”

    “Bài chòi và lô tô không chỉ là môn giải trí đơn thuần mà còn đáp ứng nhu cầu hưởng thụ văn hóa của người dân Việt, qua đó góp phần lưu truyền và gìn giữ những tục ngữ, ca dao, bài vè – được xem là những di sản văn học dân gian của dân tộc – khỏi bị mai một,” cố Giáo Sư Trần Văn Khê.

Và cũng con số này, có người lại rao:

“Bên sông Tả Giang có một mình nàng
Lập đàn nghinh phu là nàng Lưu Kim Ðính… là con số chín”

Ngày trước, mỗi lần có đoàn hội chợ về quê, cũng là cái cớ để trai gái xin gia đình đi chơi. Tuy nhiên, cũng có gia đình tổ chức chơi lô tô với những người trong xóm vì e ngại cho con đến hội chợ đông người. Trải manh chiếu ở hiên nhà, họ vừa kêu lô tô vừa ăn bánh mứt với hàng xóm, cũng là một thú vui bình dị ngày Tết.

Sau này, khi những đoàn chiếu phim về miền quê càng nhiều, băng đĩa trở nên phổ biến thì những đoàn rao lô tô về quê cũng thưa dần. Lúc này, thấy xuất hiện những đoàn hội chợ với những người mà giới bình dân gọi là “bê đê” xuất hiện, họ như một cách để thu hút sự hiếu kỳ của khách du Xuân.

Những bài rao lô tô từ câu ca dao tục ngữ, tích xưa truyện cũ dần mất đi mà thay vào đó là những bản nhạc tân thời vô thưởng vô phạt. Người rao cũng mất tính diễn xướng ứng khẩu, và chỉ còn thu hút người xem với những màn phô diễn hình thể của những người đẹp chuyển giới.

Hơn hai tháng trước Tết Ðinh Dậu, Thanh Tuyền, “nghệ danh” của người điều hành một đoàn hội chợ chuyên đóng tại các tỉnh miền Tây, nói với Người Việt: “Mấy năm nay, Tết không còn là dịp chạy sô kiếm cơm cho cả năm như thời hưng thịnh cách đây mươi, mười lăm năm.”

“Ðoàn hội chợ nào thì cũng từ chết đến bị thương khi đi tỉnh.”

“Cũng dễ hiểu tại sao bây giờ người ta quay lưng vì các dịch vụ giải trí mọc lên như nấm, trong lúc các đoàn hội chợ chia năm xẻ bảy.”

Dù đời sống bấp bênh hơn nhưng người lấy nghệ danh theo một ca sĩ nổi tiếng ở hải ngoại và các đào chuyển giới của mình vẫn rong ruổi theo những chuyến đi.

Vì theo như lời họ, “Lô tô là cái nghiệp. Ông tổ cho bao nhiêu thì hưởng bấy nhiêu, mình không thể nói bỏ là bỏ được.”

Và điều quan trọng hơn là, chỉ có theo nghề lô tô thì họ mới “được sống đúng với con người thật của mình.”

“Con gì sẽ ra đây, ơi bạn mình ơi” ở xứ Quảng

Hô bài chòi ngày Tết.

Tuy gần như là cùng một thể loại, nhưng cuộc chơi bài chòi của người xứ Quảng Nam, Quảng Ngãi có phần cầu kỳ, lớp lang hơn rao lô tô ở miền Tây.

Người hô bài chòi giống như đang trình diễn một tiết mục văn nghệ, với phần phụ họa của dàn nhạc cổ gồm đàn cò, kèn và trống chầu…

Ðiều thú vị là người kéo đến xem thường đông người chơi. Ðiều này cũng cho thấy trò chơi mang tính hội hè, giải trí là chính.

Trong một dịp trò chuyện với chúng tôi, ca sĩ Ánh Tuyết, người sinh ra ở Hội An, kể: “Với người quê tôi, Tết mà không có bài chòi thì không còn là Tết.”

Khán giả và diễn viên hô bài chòi.

“Vì đó không chỉ là một trò chơi mà còn là văn hóa dân gian, gắn với hồi ức của một người từ nhỏ đến lớn. Và cho dù sau này có sống xa quê thì cũng không thể quên những câu hò, lời hát vừa mộc mạc vừa nói khía rất đặc trưng của người Quảng.”

“Ví dụ khi ra con bài ‘Chín cu’, người hô bài xướng rằng ‘Cu tôi ăn đậu ăn mè/ Ăn chi của chị, chị đè cu tôi.’ Nghe qua có vẻ hơi tục nhưng đó là chuyện con chim cu của ông nọ qua nhà bà hàng xóm ăn vụng bị bắt, bị đè đầu định nhổ lông.”

Nữ ca sĩ gắn liền với dòng nhạc Văn Cao cho biết thêm: “Ngày xưa thì lễ Tết ở quê có gì vui nếu người ta không chơi bài chòi. Và theo tôi nhớ thì trò chơi này cũng chỉ được tổ chức như lễ hội vào ngày rằm hàng tháng chứ không làm mỗi đêm để phục vụ du khách tại Hội An như bây giờ.”

Hô bài chòi ở Hội An.

“Người hô bài được gọi là ‘anh hiệu’ và có những người xứng danh với chữ ‘nghệ nhân’ như ông Lương Ðáng ở Hội An nhờ tài nhấn nhá, luyến láy, cải biến nhanh tạo nên những chi tiết gây cười, làm cho không khí thêm sôi động.”

Ngày nay, trong kho ứng dụng của các dòng điện thoại thông minh đã có cả trò chơi “Rao lô tô,” và mọi người có thể thưởng thức những câu thai bài chòi hàng đêm ở Hội An hoặc xem qua mạng mà không cần chờ đến dịp Tết.

Nhưng có lẽ với những người từng có trải nghiệm và lưu giữ hồi ức về các trò chơi dân gian trong ngày Tết, hẳn sẽ có chút tiếc nuối, đượm buồn khi bất chợt nghe lại đâu đó câu rao quen thuộc ngày nào:

“Tôi móc con cờ ra, là cờ ra con mấy, con mấy cờ ra…”


( Trích Giai Phẩm Xuân Đinh Dậu )

4 nhận xét:

  1. Thăm Fa
    Tối an nhiên nhé !

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Chúc bạn luôn mạnh khỏe.
      https://cdn.vntrip.vn/cam-nang/wp-content/uploads/2019/01/MG_3625.jpg

      Xóa
  2. Lô tô và bài chòi ngày Tết rất vui.
    https://4.bp.blogspot.com/-lh-IgqRWYa0/WAlXQM_stbI/AAAAAAAAJJQ/32-p9IjIwlsH-WbiiagOXo_lj8qTiYDnQCLcB/s400/v1.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Vâng, ngày Tết nhìn người ta chơi cũng thấy vui.
      https://images.baoquangnam.vn/Storage/NewsPortal/2021/2/17/108750/TNB-43226-03.jpg

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.