Trong bối cảnh căng thẳng xung đột gia tăng tại nhiều vùng biển trên thế giới, từ Biển Đông đến Hắc Hải, Hồng Hải … triển lãm Hải quân Quốc tế Euronaval diễn ra tại Paris, Pháp, từ ngày 04 đến 07/11/2024 với sự thống lĩnh của drone biển. Báo chí, truyền thông Pháp nhân dịp này dành nhiều bài phân tích về sự phát triển của drone hải quân.Triển lãm Hải quân Quốc tế Euronaval tại Villepinte, ngoại ô Paris, Pháp, ngày 04/11/2024. © Dimitar Dilkoff / AFP
Đài
RFI xem drone là « vũ khí hải chiến mới ». Le Monde nhận định « Drone mặt nước
nay trở thành một loại vũ khí có vai trò quyết định trong hải chiến ». Tương tự,
đài TV5 Monde khẳng định « các drone là vũ khí không thể phủ nhận của trong hải
chiến thời hiện đại ».
Trong
chuyên mục Giải Mã ngày 26/10, báo Le Figaro nhắc lại việc lực lượng Ukraina đặt
camera Go Pro lên thuyền có động cơ thủy gắn ngoài, chở các thùng đầy nhiên liệu,
biến chúng trở thành một loại drone biển có khả năng tấn công tàu Nga. Đối với
Le Figaro, những phát minh khéo léo nói trên có thể đạt hiệu quả ngang với các
loại vũ khí tinh vi, đắt tiền.
Trang
mạng đài TV5 Monde ngày 07/11 trích dẫn Chiva, đại diện về vũ khí của bộ Quân Lực
Pháp, bên lề triển lãm Hải quân Quốc tế Euronaval, theo đó các cuộc hải chiến
hiện nay ở Hồng Hải, Hắc Hải dự báo các lực lượng hải quân sẽ được « drone hóa ồ
ạt ».
Đối
với Le Monde ngày 03/11, một quân đội dù không có lực lượng hải quân nhưng lại
đẩy lui được hạm đội Nga, một trong những hạm đội hùng mạnh nhất thế giới tại Hắc
Hải, là một trong những điều gây bất ngờ lớn nhất trong chiến tranh Ukraina. Với
những chiếc xuồng nhỏ, Ukraina đã đánh chìm hoặc gây hư hại khá nhiều tàu chiến
của Nga khiến Matxcơva phải di dời một phần hạm đội khỏi cảng Sébastopol ở bán
đảo Crimée đã sáp nhập của Ukraina.
Cho
dù drone mặt nước không phải là vũ khí mới, nhưng theo chuyên gia Léo
Péria-Peigné của Viện Quan hệ Quốc tế Pháp, được Le Monde trích dẫn, « những
phát triển công nghệ gần đây về thiết bị điện tử trên tàu đã cho phép chế tạo
những tàu nhỏ hơn, mạnh hơn và có khả năng chống chịu cao hơn với môi trường vốn
đòi hỏi đáp ứng nhiều yêu cầu khắt khe ». Cũng theo chuyên gia này, « nghiên cứu
về drone mặt nước đang tiến triển tương đối chậm, nhưng cuộc chiến ở Ukraina đã
tạo ra một cú hích vô cùng mạnh ».
Mỹ phát triển drone biển để đối phó với sự bành
trướng của Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương
Ngoài
một đội drone cỡ nhỏ giống như những drone đươc sử dụng ở Ukraina, Mỹ còn bắt
tay vào phát triển các tàu chiến không người lái thực sự. Hồi năm 2016, Mỹ đã
cho hạ thủy Sea- Hunter (Thợ săn biển), tàu tuần tra đầu tiên không có thủy thủ
đoàn, dài 40m, có khả năng hoạt động độc lập ngoài khơi trong suốt nhiều tháng.
Theo Lầu Năm Góc, được trang bị thiết bị sóng âm sonar, radar và camera hiện đại,
tàu Sea-Hunter có thể thực hiện nhiều nhiệm vụ như chống tàu ngầm, dò mìn, giám
sát hàng hải. Tàu chỉ tiêu tốn 20.000 đô la mỗi ngày so với chi phí 700.000 đô
la/ngày của một tàu khu trục (destroyer).
Mỹ
cũng bắt đầu đóng những con tàu không người lái lớn hơn, dài 60-90m. « Hạm đội
ma » của Mỹ ra mắt với 4 tàu không người lái.
Đối
với Washington, thách thức thực sự là làm sao đối phó được với sự bành trướng của
Trung Quốc ở Ấn Độ - Thái Bình Dương. Do các nhà máy đóng tàu của Mỹ khó theo kịp
tốc độ chế tạo tàu của Trung Quốc nên drone biển được xem là một giải pháp khả
thi. Hồi tháng 06, đô đốc Samuel Paparo, chỉ huy lực lượng Mỹ ở Ấn Độ - Thái
Bình Dương, nói với báo Washington Post là trong trường hợp Trung Quốc tấn công
Đài Loan, ông muốn dùng drone biển và biến vùng eo biển Đài Loan thành « địa ngục
» cho lực lượng Trung Quốc trong 1 tháng để có thời gian chuẩn bị cho giai đoạn
tiếp theo.
Lầu
Năm Góc muốn là đến năm 2045 có một hạm đội hỗn hợp gồm hơn 370 tàu thông thường
và 150 drone biển. Trong năm 2024 và 2025, hải quân Hoa Kỳ sẽ có 1 tỷ đô la cho
riêng các chương trình drone biển, ngoài ngân sách 32 tỷ đô la đóng các tàu
thông thường cho năm 2025.
Đài
Loan, Hàn Quốc, Đức, Thổ Nhĩ Kỳ … đều có nhu cầu lớn về drone biển
Đài
Bắc cũng có tham vọng lớn về phát triển drone biển để đối phó với nguy cơ Trung
Quốc tấn công đổ bộ hay bao vây phong tỏa đảo Đài Loan. Bắt đầu được triển khai
cách nay 2 năm, việc phát triển drone biển mang chất nổ (kamikaze) đang được tiến
hành với tốc độ tối đa. Vào tháng 6, nhà sản xuất tàu của Đài Loan, CITIC
Shipbuilding, đã cho trình làng bản mẫu đầu tiên của drone mặt nước. Dài 16,5m
và có tầm hoạt động 40 km, drone này được lấy cảm hứng trực tiếp từ mô hình
drone phổ biến nhất của Ukraina : thuyền có động cơ thủy gắn ngoài cỡ nhỏ.
Drone biển của Đài Loan có thể đạt tốc độ 30 hải lý/giờ (khoảng 55km/giờ). Theo
nhà sản xuất, sớm nhất là vào năm 2026 drone có thể được sản xuất « đại trà ».
Nhìn
sang bán đảo Triều Tiên, hải quân Hàn Quốc từ năm 2022 cũng đã tái cơ cấu, chuyển
đổi 1 trong 3 hạm đội thành một « bộ chỉ huy lực lượng hải quân không người lái
». Đây được xem là một thay đổi lớn nhằm phát triển một đội drone mặt nước, một
đội drone lặn và một đội drone trên không. Mục tiêu của Seoul là đến năm 2035
tăng số drone mặt nước, hiện chiếm chưa đến 10%, lên thành 30%.
Trong
khi đó, tại châu Âu, vẫn theo Le Monde, do ngân sách hạn chế, các đầu tư trong
những năm gần đây chủ yếu liên quan đến drone lặn, trong bối cảnh việc bảo vệ
các cảng, lối tiếp cận hoặc cơ sở hạ tầng biển dường như cấp bách hơn. Tây Ban
Nha, Ý và Anh trong những năm gần đây mới cho ra mắt một vài mô hình drone biển,
chỉ có Berlin là cho thấy Đức có tham vọng lớn phát triển drone mặt nước. Hồi
tháng 03/2023, hải quân Đức đã giới thiệu một dự án tương tự như dự án của Hàn
Quốc, theo đó từ nay đến năm 2035, 1/3 hạm đội của Đức sẽ là drone biển thế hệ
mới.
So
với các nước châu Âu, Thổ Nhĩ Kỳ được xem là một ngoại lệ. Một số chương trình
drone mặt nước khá tân tiến, trong đó có một mẫu drone kamikaze, đã được trình
làng ngay từ đầu những năm 2020. Đây lại là những thuyền động cơ thủy ngoài nhỏ,
có thể thích ứng mọi nhu cầu, từ thiết bị viễn thông, gây nhiễu đến các loại vũ
khí khác nhau (ngư lôi chống tàu ngầm, tên lửa dẫn đường để chiến đấu trên mặt
nước …). Ngành công nghiệp quốc phòng của Thổ Nhĩ Kỳ, vốn hướng nhiều đến nước
ngoài, được huy động để xuất khẩu các thiết bị tương đối rẻ tiền. Ankara hy vọng
drone mặt nước của Thổ Nhĩ Kỳ cũng sẽ đạt thành công tương tự như drone trên
không.
Nước
Pháp cũng được ghi nhận có thay đổi mô hình do tác động của chiến tranh
Ukraina. Theo một nguồn thạo tin của Le Monde, một lộ trình đã được vạch ra vào
cuối năm 2023 để hải quân Pháp « không bị các đối thủ cạnh tranh vượt mặt »,
nhưng đến những tháng gần đây Pháp mới tăng tốc và đến cuối năm 2024 thì Cơ
quan Đổi mới Quốc phòng dường như mới khởi động chương trình nghiên cứu drone mặt
nước có vũ trang.
Tập
đoàn Naval Group, nhà sản xuất tàu quân sự chính của Pháp, hồi tháng 09 đã công
bố loại drone Seaquest, một loại drone mặt nước có chiều dài 6-50m, đặc biệt
dành cho các hoạt động phòng thủ ven biển hoặc bảo vệ các tàu hải quân, ví dụ
tàu sân bay. Tuy nhiên, đến nay hãng đóng tàu Naval Group vẫn chưa nhận được
đơn đặt hàng drone nào từ Nhà nước Pháp. Trong khi đó, theo nhận định với đài
RFI Pháp ngữ của Tamara Brizard, nhà đồng sáng lập Arke Océan, công ty chuyên sản
xuất những đàn drone lặn kích cỡ nhỏ của Pháp, dẫu bị tụt lại phía sau trong
phân khúc drone trên không, lần này Pháp lại có nhiều ưu thế để trở thành quốc
gia số một trong lĩnh vực drone biển, nhờ các công ty nhỏ nhưng rất năng động ở
vùng ven biển Côte d'Azur và Bretagne.
Ban
đầu những drone này được chế tạo nhằm mục đích bảo vệ đa dạng sinh học, nhưng
sau đó Arke Océan đã tìm ra ứng dụng quân sự cho loại drone dân sự của công ty.
Theo ông Tamara Brizard, các drone lặn nhỏ sẽ không thể ra khơi xa nhưng trái lại
chúng có khả năng định vị chính xác hơn nhiều. Vì vậy, các đàn drone được dùng
để bảo vệ các địa điểm, phát hiện các âm thanh. Chúng có thể hoạt động và nghe
dưới đáy biển cả tháng trời. Khi nghe thấy dấu hiệu cho thấy có mối đe dọa từ
các thợ lặn hoặc tàu thuyền, đàn drone sẽ phát ra âm thanh báo động.
Pháp,
vốn là quốc gia có hải phận (domaine marine) lớn thứ hai trên thế giới, cần bảo
đảm khả năng nắm giữ các vùng đó. Timothé Moulinier, đại diện về Nghiên cứu và
Phát triển, Sáng chế và công nghệ số, của Gican, Nhóm Công nghiệp Xây dựng và
Hoạt động Hải quân, khẳng định phát triển drone biển chính là một phần chiến lược
của Pháp, bởi « những phương tiện mới này cho phép giám sát các khu vực này, chống
các hoạt động buôn lậu, đánh bắt cá bất hợp pháp ». Và đây là những công cụ phục
vụ cho cả lực lượng hải quân và các hoạt trên biển khác. Drone biển, một yếu tố
chủ chốt trong các cuộc hải chiến tương lai, cũng sẽ giúp đảm bảo sự hiện diện
gần như thường trực của hải quân quốc gia trong một tương lai gần, kể cả ở các
đại dương dẫu là rộng lớn nhất và xa xôi nhất nhưng cũng là trung tâm của sự cạnh
tranh giữa các quốc gia.
Thùy
Dương