Trang

31/01/2022

Bí mật của mối quan hệ hạnh phúc và lâu dài

Sự tử tế và vị tha là chìa khóa của cuộc sống tích cực; còn sự đối đầu và những lời chỉ trích giống như một hồi chuông báo tử. (Ảnh: Pixabay)

Tôi đã đọc được một thống kê đáng lo ngại năm 2015 rằng: chỉ một phần ba số người kết hôn có một cuộc hôn nhân lành mạnh và hạnh phúc. Hai phần ba còn lại thì đa số là ly hôn hoặc vẫn ở cùng nhau nhưng trong trạng thái buồn bực hoặc không hòa hợp vì một lý do nào đó.

Những số liệu thống kê xuất hiện trong cuốn “Khoa học của Hạnh phúc trường tồn” của Ty Tashiro dường như không ảnh hưởng gì đến hàng triệu người nói đồng ý với những lời cầu hôn mỗi năm. Bất chấp những nỗi bất hạnh và các cuộc ly hôn mà mọi người chứng kiến xung quanh, hầu hết chúng ta dường như vẫn tin rằng sẽ sống trong câu chuyện cổ tích và vượt qua tất cả – nếu chúng ta dành thời gian trước ngày trọng đại để trao đổi nghiêm túc về những trở ngại có thể xảy ra.

Có thể bạn đã từng đọc hoặc thấy những câu chuyện về các cặp vợ chồng lâu năm chia sẻ về bí quyết sống hạnh phúc lâu dài. Sau các cuộc phỏng vấn đó, các nhà xã hội học đã xác định được hai bí mật của một mối quan hệ yêu thương bền vững; và hai đặc điểm đối lập có thể là nguyên nhân dẫn đến sự sụp đổ của một mối quan hệ.

Hai bí mật của mối quan hệ là sự tử tế và vị tha; còn hai đặc điểm tương phản xuất hiện khá thường xuyên là sự đối đầu và chỉ trích. Sự tử tế và vị tha là chìa khóa của cuộc sống tích cực; còn sự đối đầu và những lời chỉ trích giống như một hồi chuông báo tử.

Những nghiên cứu về mối quan hệ

Về cơ bản, những cặp đôi thể hiện năng lượng nhiều nhất trong bài kiểm tra sinh lý như nhịp tim nhanh, đổ mồ hôi nhiều, máu lưu thông nhanh hơn, là những cặp có nhiều khả năng tan vỡ hơn. Trạng thái dễ bị kích động cho thấy cơ thể đang ở chế độ đối mặt với căng thẳng và nguy hiểm, sẵn sàng tấn công bạn đời hoặc sẵn sàng bị tấn công. Mối quan hệ của họ dựa trên sự đối đầu và chỉ trích.


Sự tử tế và vị tha có thể được chia sẻ, thể hiện và cho đi theo hàng ngàn cách. (Ảnh: Ridofranz/iStock)

Tuy nhiên, những cặp đôi bền vững thì ít thể hiện sự thay đổi đáng kể trong các bài kiểm tra, ngay cả khi họ có mâu thuẫn. Họ đã thể hiện lòng tốt và sự vị tha.

Gottman sau đó đã tiến hành một thí nghiệm khác liên quan đến 130 cặp đôi mới cưới. Ông quan sát các cặp đôi trong một kỳ nghỉ cuối tuần khi họ sinh hoạt như thường lệ và ông đã khám phá ra bí mật tại sao một số mối quan hệ lại thăng hoa và những mối quan hệ khác lại thất bại.

Trên thực tế, dựa trên những quan sát của mình, Gottman hiện có thể dự đoán chắc chắn 94% cặp vợ chồng nào sẽ ở bên nhau và cặp đôi nào sẽ không, bất kể họ mang giới tính nào, có con hay không, nghèo hay giàu. Bí mật nằm ở cách các cặp đôi tương tác với nhau.

Chẳng hạn, một người vợ cảm thán: “Bình minh sáng nay tuyệt chưa này! Mây màu hồng và cam”. Người chồng có thể phản ứng bằng cách: phớt lờ, không đáp lại, bảo vợ đừng làm phiền anh ta nữa hoặc anh ta sẽ đi đến ngắm bình minh cùng. Nói cách khác, người chồng có thể chọn hướng về vợ mình hoặc xa cách cô ấy.

Gottman đã thực hiện một cuộc theo dõi trong sáu năm và phát hiện ra rằng, các cặp vợ chồng đã ly hôn sau này chỉ hướng về phía bạn đời của họ (một cách tích cực) 33% vào thời điểm đó, trong khi những người vẫn ở bên nhau đã làm như vậy trong 87% thời gian. Một lần nữa, những người gắn bó với nhau đã thể hiện sự tử tế và vị tha trong phần lớn các tình huống, trong khi những người đã chia tay lại tỏ ra đối đầu và chỉ trích trong hầu hết thời gian.

Công thức cho mối quan hệ thành công

Điều này đưa tôi đến công thức của Gottman cho một mối quan hệ thành công:

Với một cặp vợ chồng, mỗi tương tác không tốt hoặc tiêu cực (như: phớt lờ, lườm nguýt, tấn công bằng lời nói) thì phải có ít nhất năm tương tác yêu thương, tích cực (như: những lời nhận xét tích cực chân thành, một cái ôm hay một nụ hôn, một nụ cười chân thành); nghĩa là tỷ lệ 1:5. Gottman nhấn mạnh rằng những phản hồi tích cực phải thật lòng và không dựa trên cảm giác tội lỗi, sợ hãi, chiếm hữu hoặc các yếu tố tiêu cực khác.

Những lời chỉ trích và sự đối đầu trong một mối quan hệ không chỉ có hại cho trạng thái tình cảm và tinh thần của cặp đôi; nó còn có thể gây tổn hại về mặt thể chất. Các mối quan hệ đối đầu gây ảnh hưởng đến hệ thống nội tiết và miễn dịch, khiến các cá nhân gặp khó khăn hơn trong việc phòng ngừa bệnh tật.

Lòng tốt là một cách chúng ta chọn để thể hiện sự tức giận.

Gây chiến thì sao? Trong những mối quan hệ thiếu tôn trọng và đầy chỉ trích, những cuộc tranh cãi giữa các cặp vợ chồng sớm trở thành độc hại và giết chết bầu không khí hòa hợp. Gottman lưu ý rằng các cặp vợ chồng tập trung vào việc chỉ trích và chế giễu bạn đời của họ đã bỏ qua những điều tích cực của người kia và luôn nhìn thấy sự tiêu cực ngay cả khi điều đó không có mặt ở đó.

Tuy nhiên, các mối quan hệ được xây dựng dựa trên sự tử tế và vị tha có thể vượt qua cơn bão của những bất đồng. Julie Gottman giải thích rằng: “Tử tế là một cách chúng ta chọn để thể hiện sự tức giận” mà các cặp đôi cảm thấy trong cuộc chiến. Thay vì la mắng bạn đời vì anh ta quên lấy bánh mì trên đường về nhà rằng anh ta lười biếng hoặc đãng trí ra sao, bạn có thể nói: “Chắc anh mải nghĩ nhiều thứ quá nên đã quên bánh mì, bây giờ em đang cảm thấy hơi khó chịu. Chúng ta sẽ điều chỉnh kế hoạch ăn tối vậy.”

Hành động theo công thức

Các cặp vợ chồng có thể thực hiện theo công thức 1:5 và tăng số tích cực bằng cách thực hành các hành động tử tế và vị tha, ngay cả khi một trong hai người cảm thấy mệt mỏi, căng thẳng quá mức và không muốn trò chuyện theo cách tích cực. Cũng giống như cơ bắp: bạn sử dụng nó liên tục hoặc bạn sẽ mất đi cơ bắp. Mối quan hệ yêu thương cần nỗ lực, và nỗ lực không ngừng có thể sớm trở thành thói quen chân thành.

Như Julie Gottman đã giải thích, “Nếu bạn đời của bạn bày tỏ nhu cầu gì đó trong khi bạn đang mệt mỏi, căng thẳng hoặc mất tập trung, thì tinh thần vị tha sẽ xuất hiện khi bạn đời đề xuất chuyện gì đó [bằng một cử chỉ tử tế], và bạn vẫn hướng về bạn đời của mình.”

Sự tử tế, vị tha có thể được chia sẻ, thể hiện và cho đi theo hàng ngàn cách. Đó có thể là đặt bệ bồn cầu xuống, tự động đi đổ rác, nhét mẩu giấy nhắn lời yêu thương vào cặp của đối phương, gọi điện để thông báo bạn sẽ về ăn tối muộn 15 phút hoặc mua một món quà nhỏ mà không đợi dịp đặc biệt.

Đó là thực sự lắng nghe những gì bạn đời của bạn đang nói, không nhắn tin hoặc xây dựng hệ thống phòng thủ khi họ đang chia sẻ. Đó là phản hồi theo cách tích cực trước thông tin tốt đẹp từ bạn đời, không cần thêm thông tin về bạn hay cứ phải tìm kiếm “đám mây đen” trong mọi vấn đề đâu.


Chắc chắn, sẽ có rất nhiều thách thức phải đối mặt và vượt qua, có thể bao gồm con cái, khó khăn tài chính, bất an trong công việc, các vấn đề về gia đình nhà chồng/vợ và sự khác biệt về văn hóa. (Ảnh: Giorgio Magini/iStock)

Ví dụ, nếu bạn đời nói với bạn rằng cô ấy vừa được thăng chức, thì một câu trả lời tử tế/vị tha sẽ là: “Đó là một tin tuyệt vời! Kể cho anh chuyện gì đã xảy ra.” Các cặp đôi gắn bó với nhau qua kiểu phản hồi tích cực này. Phản hồi kiểu ‘đám mây đen’ sẽ là: “Thế à, anh cũng có tin tốt! Để anh kể cho em nghe những gì đã xảy ra hôm nay”. Phản ứng này cho thấy người được thăng chức cảm thấy như thể cô ấy không được coi trọng hoặc không có ý nghĩa trong mối quan hệ.

Nếu bạn muốn mối quan hệ của mình thành công, hãy luôn nhớ mang theo sự tử tế và vị tha. Chắc chắn, sẽ có rất nhiều thách thức phải đối mặt và vượt qua, có thể bao gồm con cái, vấn đề tài chính, bất an trong công việc, các vấn đề về gia đình đối phương và sự khác biệt về văn hóa. Trải qua nhiều năm, một số nhiệt huyết và tình cảm ban đầu có thể phai nhạt. Nhưng miễn là bạn luôn giữ lòng tốt và sự vị tha, mối quan hệ của bạn sẽ phát triển.

Bài viết này được đăng lần đầu trên www.NaturallySavvy.com

Deborah Mitchell
Ngân Hà biên dịch

 

30/01/2022

Đồ ăn vặt góp phần tạo nên những bài hùng biện đầy tức giận như thế nào

Đồ ăn vặt góp phần tạo nên những bài hùng biện đầy tức giận như thế nào (Ảnh: mamaza/Shutterstock)

Chế độ ăn uống hiện đại với chủ yếu là đồ ăn vặt vốn thiếu trầm trọng vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến hoạt động của bộ não, chứng trầm cảm và cả hành vi tự tử.

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng ăn nhiều vi chất dinh dưỡng hơn giúp cải thiện điều hòa tâm trạng và giảm cáu kỉnh và nổi cơn thịnh nộ, bao gồm cả trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược ở trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn điều hòa tâm trạng.

Những nhận xét mang tính cảm tính, phi lý trí, thậm chí là bùng nổ trong các cuộc thảo luận trước đám đông đã ngày càng leo thang trong những năm gần đây. Điều này đôi khi được quy cho phương tiện truyền thông xã hội. Nhưng có những ảnh hưởng nào khác làm thay đổi phong cách giao tiếp được không?

Với tư cách là những nhà nghiên cứu trong lĩnh vực dinh dưỡng và sức khỏe tinh thần, đồng thời là tác giả của “The Better Brain – Một bộ não tốt hơn,” chúng tôi nhận ra rằng nhiều người trong xã hội chúng ta bị cơn đói não bộ làm suy giảm chức năng nhận thức và điều hòa cảm xúc của mình.

Thực phẩm siêu chế biến chỉ chứa một lượng nhỏ một vài vi chất dinh dưỡng

Rõ ràng là chúng ta không thiếu các chất dinh dưỡng đa lượng: Người Bắc Mỹ có xu hướng nhận đủ protein, chất béo (mặc dù thường không phải là chất béo tốt nhất) và carbohydrate (thường không phải là loại carbs phức hợp tốt). Nhưng chúng ta đang bị lừa về vi chất dinh dưỡng (khoáng chất và vitamin), đặc biệt là những người ăn nhiều thực phẩm siêu chế biến.

Các sản phẩm siêu chế biến bao gồm những thứ như nước ngọt, đồ ăn nhẹ đóng gói, ngũ cốc ăn sáng có đường và gà viên. Chúng thường chỉ chứa một lượng nhỏ một vài vi chất dinh dưỡng trừ khi chúng được tăng cường bằng các loại vitamin và khoáng chất chọn lọc.

Ba phân tích được công bố từ Khảo sát Sức khỏe Cộng đồng Canada năm 2004 và Khảo sát Kiểm tra Dinh dưỡng và Sức khỏe Quốc gia Hoa Kỳ năm 2018 đã tiết lộ những số liệu thống kê nghiêm túc này. Ở Canada, vào năm 2004, 48% lượng calo tiêu thụ ở mọi lứa tuổi là từ các sản phẩm siêu chế biến. Tình hình còn tồi tệ hơn ở Hoa Kỳ, chiếm 67% trong thực phẩm mà trẻ em từ 2 đến 19 tuổi tiêu thụ và 57% trong thực phẩm người lớn tiêu thụ trong năm 2018 là các sản phẩm siêu chế biến.

Hầu hết chúng ta đều nhận thức được rằng những gì chúng ta ăn là một vấn đề rất lớn đối với sức khỏe thể chất vì chất lượng chế độ ăn uống có liên quan đến các tình trạng sức khỏe kinh niên như béo phì, tiểu đường và bệnh tim mạch. [Nhưng] ít người nhận thức được dinh dưỡng ảnh hưởng đến sức khỏe não bộ như thế nào.


Thực phẩm siêu chế biến chỉ chứa một lượng nhỏ một vài vi chất dinh dưỡng (Ảnh: Pixabay)

Thiếu vi chất dinh dưỡng liên quan đến các triệu chứng về sức khỏe tâm thần

Do sự lựa chọn thực phẩm của xã hội chúng ta đã chuyển hướng mạnh mẽ sang các sản phẩm siêu chế biến, nên điều quan trọng hơn là khi nhiều người hiểu được rằng lượng vi chất dinh dưỡng ảnh hưởng đến các triệu chứng sức khỏe tâm thần, đặc biệt là chứng dễ cáu kỉnh, nổi cơn thịnh nộ và tâm trạng không ổn định.

Cơ sở bằng chứng khoa học cho tuyên bố này hiện nay rất nhiều, mặc dù nó rất hiếm khi được đề cập trên các phương tiện truyền thông và rất ít người quen thuộc với nó. 

Ăn uống lành mạnh ít trầm cảm hơn

Hàng chục nghiên cứu từ các quốc gia như Canada, Tây Ban Nha, Nhật Bản và Úc đã chỉ ra rằng những người có chế độ ăn uống lành mạnh, toàn thực phẩm có ít triệu chứng trầm cảm và lo lắng hơn những người có chế độ ăn nghèo nàn (chủ yếu là các sản phẩm siêu chế biến).

Tỉ lệ tự tử và thực phẩm chưa qua chế biến

Những nghiên cứu tương quan không thể chứng minh rằng các lựa chọn dinh dưỡng là nguyên nhân gây ra các vấn đề sức khỏe tâm thần — vì vậy, chúng tôi chuyển sang một số nghiên cứu theo thời gian. Trong các nghiên cứu này, những người không có vấn đề sức khỏe tâm thần rõ ràng tham gia vào nghiên cứu, họ được đánh giá về sức khỏe và các kiểu mẫu ăn kiêng của họ, sau đó được theo dõi suốt thời gian. [Chúng ta] có một số kết quả đáng kinh ngạc.

Trong một nghiên cứu theo dõi khoảng 89,000 người ở Nhật Bản trong 10 đến 15 năm, tỷ lệ tự tử ở những người ăn chế độ ăn thực phẩm nguyên bản, chưa qua chế biến bằng một nửa so với những người ăn chế độ kém lành mạnh hơn. Phát hiện này có thể cung cấp một hướng mới quan trọng chưa được đề cập trong các chương trình phòng chống tự tử hiện nay.

Chế độ ăn uống của trẻ em ảnh hưởng đến tiên lượng rối loạn tâm thần trong tương lai

Tại Canada, một nghiên cứu khác tiết lộ rằng cách trẻ em ăn uống và tuân theo các hướng dẫn sức khỏe khác về tập thể dục và thời gian sử dụng thiết bị dự đoán liệu chúng có được chuyển đến chẩn đoán rối loạn tâm thần trong hai năm tiếp theo hay không. Trong nghiên cứu này, những đứa trẻ ở trong độ tuổi từ 10 đến 11 tuổi. Những phát hiện này cung cấp một lý do chính đáng giải thích tại sao giáo dục dinh dưỡng nên là một trong những hướng điều trị tuyến đầu cho trẻ em đang đối mặt với chứng rối loạn tâm thần.

Dễ cáu bẳn và tâm trạng không ổn định thường là đặc trưng của bệnh trầm cảm, vì vậy nó liên quan đến nhiều nghiên cứu độc lập đã phát hiện ra rằng việc dạy cho những người bị trầm cảm, vốn đang tiêu thụ những chế độ ăn uống nghèo nàn, cách thay đổi sang chế độ ăn toàn thực phẩm kiểu Địa Trung Hải đã mang lại những cải thiện đáng kể. 


Chế độ ăn uống ảnh hưởng đến tâm trạng của trẻ (Ảnh: Pixabay)

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải 

Chế độ ăn kiểu Địa Trung Hải thường có nhiều ngũ cốc, trái cây, rau, quả hạch, các loại đậu, hải sản và chất béo không bão hòa như dầu ô liu.

Trong một nghiên cứu như vậy, khoảng một phần ba số người chuyển sang chế độ ăn toàn thực phẩm bên cạnh việc điều trị đều đặn nhận thấy chứng trầm cảm của họ thuyên giảm sau 12 tuần.

Tỷ lệ thuyên giảm ở nhóm đối chứng sử dụng điều trị thường xuyên nhưng không thay đổi chế độ ăn uống là ít hơn 1/10. Nhóm ăn chế độ toàn bộ thực phẩm cũng báo cáo tiết kiệm được khoảng 20% chi phí ​​trong ngân sách thực phẩm hàng tuần của họ. Điểm mấu chốt này giúp xóa tan lầm tưởng rằng ăn các sản phẩm siêu chế biến là một cách để tiết kiệm tiền.

Bổ sung vi chất dinh dưỡng có thể cải thiện các vấn đề về sức khỏe tâm thần

Một số nghiên cứu đánh giá việc sử dụng các chất bổ sung vi chất dinh dưỡng để điều trị các vấn đề sức khỏe tâm thần đã cung cấp bằng chứng quan trọng rằng chứng cáu kỉnh, nổi cơn thịnh nộ và tâm trạng không ổn định có thể được giải quyết bằng cách cải thiện lượng vi chất dinh dưỡng nạp vào. 

Hầu hết nhận thức của công chúng bị giới hạn trong những công cụ tìm kiếm nghèo nàn về những viên giảm cân thần kỳ. Điều này được chứng minh bằng báo cáo trên các phương tiện truyền thông rằng họ nhấn mạnh các nghiên cứu tập trung vào một chất dinh dưỡng duy nhất tại một thời điểm. Đó là cách phổ biến để nghĩ về quan hệ nhân-quả (đối với vấn đề X, bạn cần dùng thuốc Y), nhưng đó không phải là cách não bộ của chúng ta hoạt động.

Để hỗ trợ quá trình trao đổi chất của não, não bộ chúng ta cần ít nhất 30 vi chất dinh dưỡng để đảm bảo sản xuất chất dẫn truyền thần kinh như serotonin và dopamine, cũng như phá vỡ và loại bỏ các sản phẩm phụ trong quá trình trao đổi chất. 

Nhiều nghiên cứu đã phát hiện rằng ăn nhiều vi chất dinh dưỡng hơn giúp cải thiện điều hòa tâm trạng và giảm cáu kỉnh và nổi cơn thịnh nộ, bao gồm cả trong các thử nghiệm ngẫu nhiên có đối chứng với giả dược ở trẻ em mắc chứng rối loạn tăng động giảm chú ý và rối loạn điều hòa tâm trạng.

Bằng chứng đã rõ ràng: Một dân số được cung cấp đủ dưỡng chất có khả năng chống chọi với căng thẳng tốt hơn. Sự đói khát tiềm ẩn của não bộ là một trong những yếu tố có thể thay đổi được cơn bộc phát cảm xúc, gây hấn, và thậm chí có thể là sự thiếu lễ độ trong các cuộc diễn thuyết trước đám đông.

Bonnie Kaplan là giáo sư danh dự tại Trường Y Cumming thuộc Đại học Calgary ở Canada, và Julia J Rucklidge là giáo sư tâm lý học tại Đại học Canterbury ở New Zealand. Bài báo này được xuất bản lần đầu tiên trên The Conversation.

Tân Dân biên dịch

 

29/01/2022

NÓI LÁI


 

Mời đọc cho vui nếu không có chuyện gì làm.

 Nghệ sĩ tránh ăn cá kho vì sợ khó ca.

- Nhà vua khi ngồi trên ngai là khi ngài trên ngôi.

- Không nên giỡn quá lố trong ngày giỗ quá lớn.

- Các cô thích anh chàng ngông mà không thích anh chồng ngang.

- Da nhăn thì kéo, da nhéo thì căng.

- Say để đỡ nhớ ngày xưa và đỡ ngứa nhờ say.

- Người già ngồi câu còn người giàu ngồi ca.

- Nhiều người năng làm việc thiện mà không thiên làm việc nặng.

- Tình chan chứa là tình chưa chán.

- Nhiều cô gái ngây thơ ôm mộng ban đầu để rồi ôm bầu đang mộng.

- Từ đâu có chữ đầu tư?

- Đầu tiên là tiền đâu?

- Điếc không sợ súng mà đúng không sợ siết.

- Người có lông mép thường có mông lép.

- Chuyện đau lòng nghĩ đến lại long đầu.

- Tâm không đầy như Tây không Đầm.

Củ không đứng vì cứng không đủ?

- Gái Củ Chi chỉ Cu hỏi Củ Chi

- Người đầy bạo tính thích người tình bạo đấy.

- Người bí ẩn thường có ý bẩn

- Có thánh tâm thì không có tánh thâm

- Lời tạ từ của lính trong lời tự tình của lá

- Tình không chấm hết, chết không tấm hình 

- Sáng ăn mì gói, chiều ăn gói mì...

 

CÂU CHUYỆN NÓI LÁI

Chiều nay, ăn cơm xong, Chàng và Nàng rủ nhau đi bộ hóng mát chút cho tiêu cơm, vừa đi vừa chuyện trò. Chàng kể:

- Hôm qua, anh có gặp lại anh Vũ Như Cẩn. Anh ấy vẫn như cũ. Vậy chứ ngày xưa, anh ấy đi xe ôm, uống bia hơi, ngày nay, anh đi xe hơi, uống bia ôm. Anh ấy còn nói: “Tôi chả sợ gì, chỉ sợ già”.

- À, tuần trước em cũng có nói chuyện với chị Nguyễn Y Vân. Cũng thế, vẫn y nguyên.

- Nghe nói chị ấy đang lo thủ-tục sang Mỹ hả, đến đâu rồi?

- Ô, anh ơi, có những người chỉ đi mưa mà chưa đi Mỹ đó. Chị ấy khoái ăn sang nhưng lại sáng ăn khoai. Nói không thành có, nó khó thành công lắm. Đúng là cố quá chỉ quá cố thôi.

- Chuyện đã an bài thì ai bàn làm chi?

Đi ngang một căn nhà thật lớn, Chàng buột miệng nói:

- Em ơi, biệt thự này…

- Bự thiệt, bự thiệt! Nàng nhanh nhẩu tiếp lời.

Chàng chỉ lên mái nhà, nói:

- Em thấy không, nhà này lại còn dùng năng lượng mặt trời nữa. Đúng là hiện đại mà không hại điện.

- Nhưng mà anh ơi, đừng mơ hão cho hao mỡ làm chi?

- Ừ, biết vậy nhưng viết bậy chơi cho vui mà.

- ...

- Em nói câu gì đó?

- Có gì đâu?

 

Richard - alias

28/01/2022

Nhân sinh ngắn ngủi, gặp nhau hẳn là có duyên.


 

Trên đời này, được sống cùng người thân, được học hành cùng bạn bè, được làm việc cùng đồng nghiệp, được cùng chung sống với phu thê, âu cũng là duyên số. Ta được cha mẹ sinh ra, được lớn lên cùng anh chị em đã là một cái duyên rồi. Nó khiến ta gặp họ, đúng hơn thì nhờ có duyên, mà cha mẹ ta sinh ra ta.
Được nên duyên vợ chồng với nhau lại là một duyên số lớn hơn. Duyên khiến ta gặp nhau, đem lòng yêu mến nhau. Rồi cái duyên đó nuôi lớn tình yêu của ta. Nó lớn dần và trở thành duyên chồng vợ. Người ta nói “tu trăm năm được ngồi chung thuyền, tu nghìn năm mới cùng chăn gối”. Ý câu này là, những người có thể ngồi chung trên một chuyến thuyền đều là người hữu duyên, còn có thể kết thành vợ chồng thì giữa họ với nhau mối duyên lại càng sâu đậm.


Thế gian này, sở dĩ gặp được nhau đều là có nguyên nhân. Mỗi một lần gặp gỡ, đều là để hoàn thành một tâm nguyện. Có lẽ, tình duyên kiếp trước chưa trọn vẹn, cho nên, kiếp này lại có thể gặp gỡ. Hết thảy những tương kiến, đều là vì còn thiếu nợ.
Duyên sâu duyên cạn, đều nằm ở chỗ thiếu nợ bao nhiêu.
Thiếu nợ nhiều, thì sẽ ở cùng lâu hơn; thiếu nợ ít, thì sẽ ở chung một thời gian ngắn…


Có một câu chuyện về mối nhân duyên vợ chồng như thế này. Xưa có một thư sinh và vị hôn thê hẹn ước đến ngày tháng năm đó sẽ kết hôn. Nhưng không ngờ đến ngày đã định, vị hôn thê của anh lại đi lấy người khác.

Vị thư sinh vì thế mà đau khổ tột cùng, đến mức bị bệnh nằm liệt giường. Lúc đó, có một tăng nhân vân du ngang qua chỗ của thư sinh này, thấy vậy liền lấy cái gương ở trong ngực mình ra cho thư sinh này xem.

Từ trong gương, vị thư sinh nhìn thấy trên một bãi biển rộng mênh mông, có một cô gái bị giết hại, không mảnh vải che thân nằm trên bờ biển.
Có một người qua đường nhìn thấy cô gái, lắc đầu rồi bỏ đi. Lại một người qua đường khác đến, cởi áo của mình ra đắp lên thân cô gái, sau đó rời đi. Rồi lại một người khác đến, người này đã đào lỗ, rồi đặt xác cô gái xuống đó chôn cất cẩn thận.
Vị tăng nhân giải thích: “Cái xác nằm trên bờ biển kia, chính là kiếp trước của vị hôn thê của cậu. Cậu là người qua đường thứ hai đã cởi áo đắp lên thân cô gái, vì thế kiếp này cô ấy và cậu yêu nhau chỉ là để trả nợ ân tình này.
Và người cô ấy cần phải báo đáp trọn kiếp này chính là người qua đường cuối cùng đã chôn cất cô ấy trong kiếp trước, người đó chính là chồng của cô ta hiện giờ”.
Cuối cùng vị thư sinh đã hiểu được nguyên do, từ đó thay đổi tâm trạng, bệnh tình cũng theo đó mà hết.


Kiếp này sở dĩ gặp nhau, đều là vì trả nợ…
Nhân sinh ngắn ngủi mấy mươi năm, cả đời có thể gặp được bao nhiêu người? Trong dòng đời chảy trôi, người đến người đi đều không hề ngẫu nhiên. Có người chỉ gặp thoáng qua, bởi kiếp trước đã không còn mắc nợ điều gì; có người cả đời ở bên cạnh, kỳ thực đều vì có món nợ chưa thể hoàn trả xong.
Kiếp trước trí nhớ của bạn bị xóa đi, kiếp sau bạn chính là một con người hoàn toàn mới. Con người khi đã uống nước vong tình, thì những sự tình kiếp trước thảy đều được thanh tẩy sạch sẽ, chỉ còn lại duyên phận giữa người với người được ẩn giấu bên trong, bị dẫn dắt, chuyển dời đến kiếp này.
Không ai là vô duyên vô cớ xuất hiện trong cuộc đời của bạn cả, sự xuất hiện của mỗi người đều có nguyên do, nhưng đều đáng được cảm kích.
Mọi thứ bắt đầu từ duyên phận, kết thúc cũng lại do duyên phận. Kiếp này là thân nhân của nhau, chính là để đem thân tình để đền bù; là bằng hữu của nhau, thì đem hữu nghị để hoàn lại; là người yêu của nhau, thì đem tình yêu để bổ khuyết cho vẹn toàn.

 

Kiếp trước không nợ, kiếp này không gặp. Kiếp này tương kiến, đều là vì để trả món nợ cho xong. Vậy nên, dù thế nào cũng hãy quý trọng mỗi người gặp ở trên đời, bởi đó chính là nhân duyên tiền kiếp của bạn; hãy trân quý người bên cạnh, bởi giữa hai người vẫn còn một món nợ chưa hoàn tất.

ST

27/01/2022

ẢO!

Sáng nói chuyện với nhỏ bạn bên kia quả địa cầu. Những câu chuyện đời về cuộc sống được sẻ chia.

        Sau một hồi trao đổi, hắn bảo Thứ Bảy này đi đám cưới, lại mất cả vài trăm. Chưa hết, hắn nói là phải qua nhà nhỏ em để mượn đồ mặc đi đám cưới.

        Ngạc nhiên nên hỏi sao thế ! Hắn bảo là mặc đồ của mình hoài người ta chê. Hắn nói là ngại bên chồng và sợ bên gia đình chồng chê bai là mặc đồ cũ.

        Nghe nói thế nên phang luôn : "Ủa ! Sao kỳ vậy ! Mình không sống thật với mình. Có gì mình mặc đó ! Mượn chi cho mệt. Người thì "chung thủy" trước sau như một nên có mặc đồ gì vào thì cũng có thế thôi".

        Hắn nghe vậy và hắn bĩu môi cười khỉnh như là phản đối ý tưởng của người góp ý.

        Thật ra câu chuyện mượn đồ của người khác để mặc đi tiệc tùng hay cưới hỏi xem chừng cũng bình thường trong cuộc sống. Muốn chưng diện bên ngoài cho lả lướt nên rồi người ta không ngần ngại tìm đủ mọi cách để điểm tô cho mình.

        Mỗi người một quan điểm sống. Có người thì bằng lòng với thực tại cũng như với những gì mình có. Thế nhưng rồi có người lại thích tô son trát phấn cũng như thay đổi cho mình một diện mạo bề ngoài thật sang trọng để tránh đi những lời xầm xì của bà con thiên hạ.

        Nếu như ta sống với dư luận, với lời xầm xì của bàn dân thiên hạ chắc có lẽ sẽ mệt mỏi và mất bình an. Đơn giản là vì mỗi người một ý và chả ai giống ai nên để làm vừa lòng hết mọi người lại là một chuyện vô cùng khó.

        Cũng chỉ vì chạy theo ảo ảnh để rồi không ít người phải vất vả cũng như chạy đôn chạy đáo sao cho để được bằng chị bằng em. Muốn cho được bằng chị bằng em có khi phải hụt hơi cũng như chạy cả đời cũng không sao bằng kịp.

        Thế cho nên, ở đời, để bằng lòng với thực tại cũng như bằng lòng với những gì mình có xem chừng ra lại bình an.

        Những lần đi vào trong làng của anh chị em đồng bào thiểu số. Dĩ nhiên nhìn cuộc sống của họ mình không thể nào bình an và chắc chắn nhói lòng khi thấy họ sống cuộc đời như thế. Vệ sinh thực phẩm an toàn cũng như nguồn nước sạch xem chừng ra với họ là điều quá xa vời. Mình đi vào mình thấy họ và mình thấy họ khổ nhưng một cách nào đó chính mình mới là khổ.

        Người Kinh và đặc biệt những người thích chạy theo người khác mới là người khổ vì họ không bằng lòng với thực tại. Có những người may mắn thành công và đủ sống nhưng cũng có bao nhiêu gia đình đang chồng chất trên vai gánh nặng của lãi suất ngân hàng hay của những người cho vay nóng.

        Đa phần người đồng bào thiểu số họ bình an, họ bằng lòng với cuộc sống mà ta xem thấy như là nghèo khổ vì họ không chạy theo người đời. Chỉ một số thành phần nào đó bon chen thì chắc chắn họ sẽ mất bình an. Người đồng bào hình như họ không biết sống ảo cũng như không thoa son trát phấn cũng như lên đồ đẹp như những người khác. Và như vậy ta thấy họ bình an hơn là những người sống ảo.

        Mạng xã hội phần nào cũng là sân chơi và cũng như là nơi mà người ta phơi bày cuộc sống ảo. Ai ai cũng phải đầu tắt mặt tối để lo cơm áo gạo tiền nhưng ít ai can đảm sống thật với cuộc sống thực tại.

        Như nhỏ bạn nói chuyện về sống ảo, cuộc sống của hắn là một bằng chứng thực tế cho một cuộc đời lao nhọc. Hai vợ chồng nai lưng ra cày để nuôi 2 đứa nhỏ cùng với biết bao nhiêu nhọc nhằn trong cuộc sống. Mỗi lần nghe hắn kể là thích ăn cái này, muốn ăn cái kia nhưng phải dằn lại vì cần phải tiết kiệm.

        Chưa hết, một số người tưởng gia cảnh hắn cũng ngon lắm nên rồi người xin kẻ xỏ. Hắn bảo là chả tìm đâu ra ngân quỹ để cho vì lẽ còn bao nhiêu chi phí.

        Thế đó ! Cuộc sống đâu phải đơn giản như bao nhiêu người mơ mơ hồ hồ và sống ảo. Ai ai cũng có những chuyện khó khăn riêng trong cuộc sống và gia đình chứ chẳng ai là thảnh thơi.

        Dĩ nhiên trong cuộc sống ta nhìn lên để cố gắng và nhìn xuống để tạ ơn Chúa với tất cả những gì mình đang có để lòng được thanh thản và bình an. Cứ mãi chạy theo người đời thì lòng bất an và cuộc đời không thanh thản.

        Thích sống ảo như cô bạn hay sống và bằng lòng với những gì mình có là tự do lựa chọn của mỗi người. Vui và tiếc thay khi đã hơn một lần người đó đã thốt lên : "Cuộc sống thật đầy cay đắng nên tìm về lối sống ảo cho cảm thấy vui".

Lm. Anmai

 

25/01/2022

“CON KHÔNG ĐI CHÙA NỮA”

    


 Một nữ cư sĩ đến gặp vị thầy trụ trì và nói:

- Bạch Thầy, Con không đi chùa nữa!
 
Vị Thầy hỏi: 
– Vậy à, Đạo hữu có thể cho thầy biết lý do không?
 
Người nữ cư sĩ trả lời:
– A Di Đà Phật, vì ở đây con thấy cô này nói xấu cô kia; anh nọ đọc kinh dở; các Phật tử đi chùa chia rẽ, người kia hành xử sai; còn người nọ đi chùa không lạy Phật mà chỉ chăm chăm nhìn điện thoại, đó là không nói đến khi rời khỏi chùa họ là những người ích kỷ, cao ngạo…
 
Vì thầy ôn tồn nói với nữ cư sĩ:
– Đạo hữu hoàn toàn có lý. Nhưng trước khi dứt khoát không đi chùa nữa, thầy nhờ cô làm giúp cho thầy việc này nhé: - Đạo hữu bưng một ly nước đầy, rồi đi quanh chánh điện ba vòng mà không làm đổ một giọt. Sau đó, Đạo hữu cứ việc không đi chùa.
 
Người nữ cư sĩ tự nhủ: Quá dễ!
 
Và cô ta tiếp ly nước từ vị thầy rồi ba vòng như thầy dặn. 
Đi xong, cô đến trước mặt thầy:
 – Rồi, con đi xong rồi.
 
Vì thầy hỏi:  
- Khi cô đi, cô có thấy bà này nói xấu bà kia không?
 
Người cư sĩ trả lời: 
– Thưa thầy không.
 
- Cô có thấy người này người kia thờ ơ với nhau không?
 
Người cư sĩ: 
– Thưa thầy không.
 
- Cô có thấy người này người kia chúi mũi vào điện thoại không?
 
Người cư sĩ: 
– Không, con không thấy.
 
– Cô có biết vì sao cô không thấy không ? Vì chính cô tập trung để ly nước không bị đổ. Nên biết… cuộc đời của người tu cũng vậy. Khi tâm hồn chúng ta tập trung hướng về sự hành trì tu tập, thì chúng ta không có thì giờ để nhìn các sai lầm của người khác. Ai không đi chùa vì cho rằng những người đi chùa toàn là đạo đức giả thì chắc chắn họ cũng không bao giờ có cơ hội gặp những bậc thiện tri thức, những bậc chân tu thực đức trong chốn tu hành để dìu dắt họ thăng tiến tâm linh...
 
- Đi khắp thế gian, không bao giờ bạn tìm ra một nơi lý tưởng như lòng mình mong đợi. Chỉ cần ta biết '' chuyển một cái nhìn '' thì chuyện to hóa nhỏ, chuyện nhỏ thấy không thành vấn đề '' thì chuyện nhỏ ấy hóa không. Nhờ đó, giữa rối rắm cuộc đời lòng vẫn thong dong, giải thoát..
 
Đời đau thương, hạnh phúc
Vẫn tùy theo cách nhìn
Thiên đường hay địa ngục
Khép, mở, từ con tim...
 
Như Nhiên - Thích Tánh Tuệ 

24/01/2022

Ngắm Lại Người Trong Gương


 

Phải chăng chê ai lầm lỗi

Làm tăng giá trị mình lên

Phải đâu làm người khác khổ

Mà đời ta hạnh phúc thêm?

Phải đâu cho người khác dại

Bỗng ta tài trí hơn người!

Phải chăng lời qua tiếng lại

Mà lòng an lạc, thảnh thơi?

- Trước khi chê người khác xấu

Ta nhớ mượn đời tấm gương

Nếu '' người trong gương '' không đẹp

Chê người, chê chính mình luôn!

- Đem lòng xét soi trần thế

Quay về thẩm phán nội tâm 

Đem tâm dễ dãi với mình

Trải ra đong đầy cõi sống.

Ở đời, ít ai toàn vẹn

Từ bi, độ lượng giữ lòng

Cách sống để mình không thẹn

Là sống chan hòa, cảm thông..

  Như Nhiên

TTT

23/01/2022

Mẹ tôi


 

Cứ mỗi dịp tết đến xuân về là lòng tôi lại náo nức, phấn khởi vì sắp được gặp các anh chị và các cháu, cũng như họ hàng thân thuộc; đặc biệt là mẹ - người đã tần tảo, vất vả cả đời vì anh chị em tôi. Nhưng đó cũng là khoảng thời gian gợi cho tôi nhớ đến sự ra đi của bố và mẹ tôi đã phải mang thêm những gánh nặng cuộc đời, trách nhiệm nhiều hơn cũng từ dạo ấy.   
           
Vào cái ngày bố mất, tôi học lớp mười. Không khí lạnh của ngày đông hôm ấy cộng thêm sự mất đi người thân làm cho không khí gia đình tôi càng lạnh lẽo hơn. Bố mất vào đúng hai mươi tám tết, gia đình tôi chẳng còn tí gì là niềm vui trong khoảnh khắc giao mùa sang xuân. Những ngày đầu năm mới cả mẹ đến con đều ru rú trong nhà với sự đau đớn, xót xa.

Bố mất mẹ tôi yếu đi rất nhiều, mẹ phải gánh cả gánh nặng của bố trên vai, lưng mẹ ngày một còng xuống. Bây giờ, mỗi độ xuân sang mẹ tôi làm giỗ cho bố, mẹ tôi vẫn khuyên các chị em tôi hãy vui vẻ lên và tin tưởng là Chúa đưa bố về sớm để đỡ khổ cho bố thế nên các con phải vui mừng. Những ngày tết nhất mà cả gia đình buồn là không nên. Mẹ tôi luôn tỏ ra vui vẻ  khi con cháu đang quây quần bên nhau, cũng như lúc có khách đến chơi. Mẹ lúc nào cũng cho người khác thấy vẻ mặt như rất bình thản, không có gì buồn cả, lúc nào ai nói mẹ cũng bảo không sao nhưng tôi biết và hiểu mẹ lắm, mẹ không muốn chúng tôi thêm buồn và mẹ cũng muốn là mẹ vui để các con cũng thấy vui; nhưng có ai biết sau những cuộc vui là mẹ ngồi lặng lẽ một mình, nước mắt lã chã rơi vì mất người chồng gắn bó bao năm.
 
Thời gian trôi đi nhưng có lẽ những kỉ niêm về bố vẫn còn in đậm trong kí ức của mẹ tôi nên thật khó để mẹ có thể vui như trước đây. Các anh chị tôi đã lập gia đình nhưng mẹ vẫn lo cho các anh chị từng chút một. Mẹ lúc nào cũng bận bịu với những công việc, không lúc nào nghỉ tay. Có một hôm mẹ đi làm bị té ngã, cái té ấy làm cho mẹ lên con sốt nhưng mẹ không nói cho các anh chị em tôi biết vì sợ anh chị em tôi lo lắng. Cái đau nhức ấy làm cho mẹ tôi không thể ngủ được, nhưng mẹ vẫn âm thầm chịu đựng để khỏi phiền các con.

Cả cuộc đời mẹ hi sinh cho chị em chúng tôi, giờ mẹ tôi đã về già nhưng mẹ tôi vẫn chỉ nghĩ cho anh chị em chúng tôi, mẹ luôn mong muốn cho anh chị em chúng tôi được hạnh phúc. Có lần anh chị em chúng tôi ngồi quây quần bên mẹ và mẹ nói rằng “Niềm vui lớn nhất của mẹ là nhìn thấy các con được mạnh khỏe và hạnh phúc”. Giờ đây các anh chị tôi đã xây dựng gia đình còn tôi thì đang tìm hiểu ơn gọi dâng hiến trong dòng ĐA MINH ROSA LIMA. Mỗi dịp tết được trở về thăm gia đình là lòng tôi thật hạnh phúc, nhưng bên cạnh đó khi nhìn thấy mẹ lủi thủi một mình tôi lại thương mẹ nhiều hơn. Tôi mong sao mỗi năm đến ngày giỗ của bố, tôi đều được ở bên cạnh mẹ để mẹ  bớt cảm thấy trống trải và cô đơn.

Với tôi mẹ là người tuyệt vời nhất, là một người phụ nữ đoan trang, đức hạnh cả cuộc đời mẹ hy sinh, sống cho con, cho cháu. Nguyện xin Chúa luôn ở cùng mẹ, ban cho mẹ được mạnh khỏe, bình an và luôn được hạnh phúc.
 
Nhụy Vàng

22/01/2022

SÀI GÒN Bây giờ

Saigon bây giờ không thấy có người đẹp nữa! Xưa ra đường cứ thấy người ta vừa chạy xe vừa… ngoái đầu lại nhìn. Bây giờ ra đường người con gái nào cũng trùm kín mặt, mang vớ dài tay, găng tay kín mít, áo khoác sùm sụp, đầu đội mũ bảo hiểm, chỉ chừa hai con mắt lom lom qua kính bảo hộ… !

Ở trên cao nhìn xuống người người dày đặc, từng luồng từng luồng cuồn cuộn trôi đi, lâu lâu cụng mũ bảo hiểm một cái rồi mạnh ai nấy đi, cứ như đàn kiến. Đi bộ trên đường nhiều khi gặp người chào hỏi thân thiện mà chẳng biết ai là ai, đến lúc như chợt nhớ ra họ mới gỡ khẩu trang cười lỏn lẻn.

May thay, con gái Saigon bây giờ tuy che mặt mà lại hở đùi! Họ mặc quần short thật ngắn ra đường bất kể sáng trưa chiều tối. Nhờ đó mà cũng có thể nhìn ra người đẹp! Có điều hơi nguy hiểm cho giao thông công cộng vì đường sá không thông thoáng như xưa. Áo dài thì khó mà tìm thấy nữa rồi – trừ trên sân khấu và sàn diễn thời trang.

Con gái vì thế mà không còn yểu điệu, dịu dàng, tha thướt nữa. Ngay cả những ngày lễ tết, ở đường hoa Nguyễn Huệ rực rỡ vậy mà cũng khó tìm thấy một tà áo dài. Mọi người trở nên hấp tấp, vụt chạc, căng thằng hơn bao giờ hết. Cái lý do vì sao mất áo dài rồi phải trùm kín mít cả người như vậy thì ai cũng biết. Bụi khói mù trời. Không khí hừng hực. Môi trường đô thị ngày càng xấu đi. Cây xanh tàn rụi. Cao ốc vùn vụt bốc lên!

Saigon bây giờ béo phì ngày càng tăng! Một sự phồn vinh thực chớ không phải giả tạo. Béo phì nhanh nhất ở phụ nữ và trẻ con. Các chuyên gia dinh dưỡng la ơi ới, báo động hoài mà chẳng ai thèm nghe. Nghe chi cho mệt. Các cửa hàng fastfood cứ mọc ra như nấm. Ai cũng biết fastfood tới đâu, béo phì, tim mạch, tiểu đường, huyết áp… theo tới đó. Mà bệnh tật càng tăng thì… càng tốt chớ sao. Thuốc men, thực phẩm chức năng, quảng cáo…ồn ào thì kinh tế càng phát triển. Thức ăn thức uống toàn hương liệu, hoá chất, bột nêm các thứ làm cho chuyện bếp núc trở nên đơn giản. Cứ xem TV thì biết. Người nào người nấy già trẻ lớn bé mặt mũi bóng lưỡng, hí hửng chụp giựt nước uống thức ăn, nhảy nhót mừng vui tưng bừng mọi nơi mọi lúc!

Saigon bây giờ cận thị quá trời! Trẻ con nứt mắt đã cận thị. Mẫu giáo tiểu học cận thị tùm lum. Tiệm kiếng mở ra tràn ngập, góc nào cũng có. “Chỗ nào rẻ hơn trả lại tiền!”. Ấy cũng nhờ vi tính, game online, TV… các thứ ngày càng hấp dẫn. Thế giới nhỏ trong lòng bàn tay. Trẻ con  sướng như tiên. Đồ chơi trên trời dưới biển khắp hang cùng ngõ hẹp. Lâu lâu kêu có hóa chất độc hại. Khi biết thì mọi thứ đã muộn rồi. Kể cả thuốc “cam” nổi tiếng một thời nay gây ngộ độc chì không thuốc chữa. Lạ là người ta vẫn cứ tin và vẫn cứ nhắm mắt uống càng! Các loại sữa “thông minh” dành cho trẻ con ngày càng nhiều, khiến các bà mẹ không muốn cho con bú sữa mình nữa. Rõ ràng các thế hệ trước đây không được uống sữa thông minh nên có vẻ kém… thông minh!

Saigon bây giờ loãng xương hơi nhiều. Đi ngoài đường thấy người ta lố nhố, tụ tập, tưởng gì, hóa ra đang túm tụm đo xương! Có người tử tế, vì sức khỏe cộng đồng, đem máy đo mật độ xương ra ngoài đường đo cho ông đi qua bà đi lại. Ai cũng loãng xương kẻ ít người nhiều! Sau đó ai cũng mua một vài hộp sữa, một vài loại thuốc chống loãng xương là xong.

Saigon bây giờ đua nhau sửa sắc đẹp. Ai cũng sửa được, không cần phải học. Ai cũng nên sửa, từ cô hoa hậu đến ca sĩ, người mẫu, cô hàng xén, anh doanh nhân. Bơm vú bơm mông, cắt mắt, xẻ mũi, chẽ cằm rào rào. Ai cũng thành người mẫu ca sĩ Hàn quốc. Nhan sắc rộ lên khiến các nhà thơ… bí không còn làm thơ được nữa!

Saigon bây giờ trẻ con bỗng dậy thì sớm. Không dậy thì sớm cũng uổng!  Mọi thứ kích thích cứ rần rật chung quanh. Phim ảnh, internet, sách báo… các thứ. Thức ăn thức uống béo bổ các thứ. Khí hậu nóng lên. Tỷ lệ phá thai vị thành niên tăng một cách đáng ngại. Tình trạng vô sinh cũng nhiều. Ly dị cũng mau. Người ta đua nhau mổ đẻ cho đúng giờ hoàng đạo. Trẻ sanh non, suy hô hấp, thiếu dưỡng khí não, lớn lên tâm thần cũng bộn!

BS ĐỖ HỒNG NGỌC

Hình minh họa

 

20/01/2022

Mùa đông chú ý một chút tới tuyến tiền liệt của bạn

    

Một trong những cách tốt nhất để đảm bảo tuyến tiền liệt khỏe mạnh là duy trì hoạt động thể chất. (Ảnh vvvita / Shutterstock)

Có vẻ kỳ lạ khi nghĩ rằng các mùa có thể đóng một vai trò nào đó đối với sức khỏe tuyến tiền liệt, nhưng theo một nghiên cứu năm 2010, điều này quả thực là như vậy. Nghiên cứu lưu ý rằng thời tiết lạnh và khô tương quan chặt chẽ với bệnh lý của tuyến tiền liệt.

Được công bố trên Tạp chí Địa lý Y tế Quốc tế, các nhà nghiên cứu cho rằng nhiệt độ càng lạnh và khí hậu càng khô thì tỷ lệ mắc bệnh ung thư tuyến tiền liệt càng cao. 

Hàm lượng vitamin D thấp cũng đã được chứng minh có mối liên quan đến nguy cơ mắc ung thư tiền liệt tuyến.

Mùa đông lạnh giá không chỉ khiến người ta thích ngồi nhiều hơn mà còn khiến việc nạp đủ vitamin D trở nên khó khăn hơn. 

Hoạt động thể chất là một trong những khuyến nghị hàng đầu bảo vệ tuyến tiền liệt khỏe mạnh. Vào mùa đông, hầu hết mọi người ít hoạt động, chúng ta thích ở nơi ấm áp và chúng ta có chút ngại ngần khi di chuyển ra ngoài.

Chế độ ăn uống của bạn cũng có thể thay đổi trong mùa đông, đặc biệt là trong những ngày nghỉ lễ. Ăn thực phẩm chứa nhiều chất béo có thể góp phần làm nặng nề thêm hội chứng viêm mãn tính và làm suy yếu sức khỏe của tuyến tiền liệt

Tất cả những yếu tố này có thể làm cho mùa đông trở thành thời gian quan tâm đến sức khỏe tuyến tiền liệt của bạn.  Hãy cân nhắc những điều sau:

Đừng dành quá nhiều thời gian trên ghế sofa.

Hãy đứng lên và đi bộ xung quanh nhà của bạn ít nhất năm phút mỗi giờ. Chỉ cần một vài chuyến đi qua lại hành lang có thể tạo ra sự khác biệt.

Lập kế hoạch tập thể dục.

Biến việc tập luyện hàng ngày thành thói quen hàng ngày của bạn. Điều đó có nghĩa là bạn nên đầu tư vào một chiếc máy chạy bộ hoặc một số quần áo ấm. Bạn nên đi bộ hoặc một hình thức tập thể dục khác ít nhất 30 phút mỗi ngày.

Bổ sung trái cây tươi và rau quả.

Trong chế độ ăn uống của bạn càng nhiều càng tốt. Hạn chế thức ăn béo và nhiều đường trong những dịp đặc biệt.

Bổ sung vitamin D.

Cách để có nguồn vitamin D tốt nhất là phơi nắng. Tuy nhiên vào mùa đông thì viên uống bổ sung vitamin D cũng là một lựa chọn tốt cho bạn. Liều lượng được nhà sản xuất khuyến cáo trên sản phẩm vitamin B3 thông thường đủ để hầu hết mọi người đạt được nồng độ tối ưu 25(OH)D là 30-40 ng/ml khi xét nghiệm máu. 

Devon Andre có bằng cử nhân về khoa học pháp y của Đại học Windsor ở Canada và bằng Tiến sỹ của Đại học Pittsburgh. Andre là nhà báo của BelMarraHealth, nơi đã xuất bản bài báo này lần đầu tiên.

Devon Andre
Thu Anh biên dịch

 

19/01/2022

5 xu hướng giữ gìn sức khỏe lành mạnh cho năm 2022

Trong số các loại nấm dược liệu trên thị trường, nhiều loại có đặc tính hỗ trợ hệ miễn dịch. (Ảnh: Studio Africa/Shutterstock)

5 xu hướng giữ gìn sức khỏe lành mạnh được mong đợi vào năm 2022 bao gồm: tăng khả năng miễn dịch, các thực phẩm từ yến mạch, nấm trị liệu, thức uống không cồn và đường trắng có nguồn gốc rõ ràng.

Khi dự đoán về những xu hướng trong năm 2022 tới, chúng ta có thể sẽ thấy những cụm từ “hỗ trợ chức năng”, “có ích cho sức khỏe” và “nguồn gốc rõ ràng” xuất hiện phổ biến. Có vẻ như đại dịch xảy ra đã khiến rất nhiều người thay đổi cách nhìn nhận về bản thân, sức khỏe và tương lai. Những quan điểm mới này đã có tác động lớn đến các xu hướng lành mạnh vào năm 2022.

1. Hỗ trợ miễn dịch 

Hàng năm, mỗi khi đón chào một năm học mới hoặc bắt đầu một mùa đông mới, chúng ta đều dành phần lớn mối quan tâm cho việc phòng ngừa cảm lạnh và cúm. Điều này hiện không còn đúng nữa. Những gì đã từng là thói quen trong vài tháng giờ đây đã trở thành những cố gắng trong suốt cả một năm. Vào năm 2022, mọi người sẽ có xu hướng tìm kiếm, nghiên cứu và mua nhiều loại chất bổ sung giúp hỗ trợ sức khỏe miễn dịch.

Các lựa chọn được đưa ra sẽ rất phong phú nếu không muốn nói là hơi choáng ngợp. Ngoài việc mua các loại vitamin và khoáng chất tiêu chuẩn, chúng ta có thể mong đợi nhiều hơn ở các liệu pháp thảo dược, enzyme, probiotic, cũng như các sản phẩm hoặc dịch vụ khác vẫn được ưa chuộng, bao gồm cả những sản phẩm hoặc dịch vụ nhấn mạnh tầm quan trọng của việc hỗ trợ sức khỏe đường ruột và hệ vi sinh vật cho mọi lứa tuổi.

2. Các thực phẩm mới từ yến mạch 

Có vẻ như năm 2022 là thời điểm để lấy một tác phẩm cổ điển cũ, thực sự cũ và tạo ra một bản sắc hoàn toàn mới. Chúng ta đang nói về yến mạch, loại yến mạch mà bà của bạn thường làm cho bạn ăn cùng với sữa và đường. Mặc dù sữa yến mạch và một số mặt hàng thực phẩm làm từ yến mạch khác đã có sẵn trên kệ hàng, nhưng bạn hãy sẵn sàng để mua thêm.

Yến mạch hấp dẫn nhiều người vì một số lý do, bao gồm không chứa gluten (khi ở dạng nguyên chất, không pha tạp), nhiều tác dụng, giàu chất xơ (beta-glucan) và giúp giảm lượng cholesterol và lượng đường trong máu. Vì vậy, đừng ngạc nhiên khi bạn bắt đầu thấy một loạt các thực phẩm mới làm từ yến mạch như bột bánh pizza yến mạch, yến mạch kéo, sô cô la làm từ yến mạch, bánh pudding sữa yến mạch, pho mát và bơ làm từ yến mạch.


Các thực phẩm mới từ yến mạch (Ảnh: Pixabay)

3. Thực phẩm chức năng từ nấm 

Nấm dược liệu dưới dạng thực phẩm, thuốc trị liệu và chất bổ sung đã xuất hiện từ lâu. Nhưng hiện nay ngày càng có nhiều mối quan tâm đến việc sử dụng nấm như một thành phần chức năng trong toàn bộ các loại thực phẩm, từ đồ ăn nhẹ đến đồ uống, món tráng miệng, bột protein, và các thanh năng lượng.

Trong số các loại nấm dược liệu trên thị trường, nhiều loại có đặc tính hỗ trợ hệ miễn dịch. Những đặc tính này là lý do chính khiến các nhà sản xuất thực phẩm đang cố gắng đưa nấm chaga, đông trùng hạ thảo, nấm hầu thủ, nấm hương và nấm linh chi vào các thực phẩm và công thức trên thị trường để giúp cải thiện sức khỏe não bộ, chức năng miễn dịch và giảm căng thẳng.

4. Thức uống không cồn chưa bao giờ tốt cho sức khỏe đến vậy

Khi lần đầu tiên được giới thiệu ra thị trường cách đây nhiều năm, đồ uống không cồn đã gặp phải một số hoài nghi. Nhưng giờ đây, những thức uống vốn là phân khúc thị trường nhỏ này đã trở thành một xu hướng lành mạnh phổ biến. Ngày càng có nhiều người tiêu dùng thông thái chuyển sang sử dụng đồ uống không cồn vì mối quan tâm nhiều hơn đến sức khỏe. Sự đa dạng trong các lựa chọn đã khiến đồ uống không cồn trở thành một lựa chọn ngày càng hấp dẫn. Hiện trên thị trường đang có nhiều loại đồ uống khác nhau, từ các loại nước detox (gồm hoa quả và thảo dược) đến nước trái cây lên men và mocktail với các thành phần như ớt cayenne, nước ép dưa hấu, ớt jalapenos và xi-rô cây thùa. Với xu hướng nâng cao sức khỏe miễn dịch, chúng ta mong đợi rằng sẽ có thêm nhiều loại đồ uống hơn trong số này chứa các thành phần thảo dược, vitamin, khoáng chất hoặc acid amin. 

5. Đường trắng có xu hướng quay trở lại 

Trong những năm qua đã có rất nhiều ý kiến về đường ăn kiêng. Đặc biệt là khi đường trắng (đường tinh luyện) trở thành một thành phần chính trong những thực phẩm chế biến sẵn và lượng đường tiêu thụ tăng vọt. Ăn và uống quá nhiều đường bổ sung đã được chứng minh là nguyên nhân góp phần gây ra bệnh tim, tiểu đường và béo phì.

Chất làm ngọt nhân tạo được đưa ra như một giải pháp, nhưng ngày càng có nhiều nghiên cứu cho thấy chất làm ngọt nhân tạo gây ra nhiều vấn đề hơn là giải quyết. Với những lo ngại về sức khỏe, người tiêu dùng đã chuyển sang sử dụng các sản phẩm thay thế đường và ít calo hơn có nguồn gốc tự nhiên như La Hán Quả và cây cỏ ngọt. Nhưng các nhà dự báo nói rằng [việc sử dụng] đường trắng với số lượng ít, từ các nguồn rõ ràng và tin cậy hơn, đang có xu hướng trở lại.

Đặc biệt, là sô cô la đen hữu cơ với hàm lượng cacao cao và rất ít đường (dưới 3g mỗi khẩu phần). Tuy nhiên, vì đường rất phổ biến trong nguồn thực phẩm của chúng ta, nên các chuyên gia nhận thấy rằng người tiêu dùng sẽ có nhu cầu sử dụng loại đường trắng có nguồn gốc rõ ràng.

Lời kết

Trên đây chỉ là một vài xu hướng lành mạnh về thực phẩm mà người tiêu dùng có thể mong đợi vào năm 2022. Có khả năng chúng ta cũng sẽ thấy xu hướng tiếp tục ăn ít thực phẩm động vật và nhiều thực phẩm nguyên chất hơn, cũng như chế biến và ăn uống không lãng phí để tốt cho sức khỏe não bộ.

Lisa Roth Collins là một chuyên gia dinh dưỡng toàn diện đã đăng ký và cũng là giám đốc tiếp thị tại NaturalSavvy.com, nơi xuất bản bài báo này lần đầu tiên.

Tú Liên biên dịch

 

17/01/2022

Nỗi Buồn Cuối Đời

        

Tôi biết trên thế giới Tây phương có nhiều đứa con không dám đi du lịch xa, vì sợ con mèo, con chó hay bầy cá ở nhà không ai cho chúng ăn hay săn sóc, nhưng cha mẹ già thì đã có những nhà dưỡng lão. Thậm chí trong tình vợ chồng, người vợ còn mạnh khỏe, siêng đi lễ hay lên chùa, nhưng chồng thì cô đơn, trên chiếc xe lăn trong một nhà già quạnh hiu nào đó.

 

Chúng ta có bao nhiêu lý do để bào chữa, biện minh cho việc bỏ bê cha mẹ già trong một cơ quan y tế, được cho ăn mỗi bữa, áo quần có người giặt, vài ba ngày được đẩy xe vào phòng tắm, trần truồng và được cô y tá hay một nam nhân viên dội nước, xát xà phòng, vo đầu. Những việc săn sóc này dù có mang chút tình người đi nữa thì cũng là những công việc hằng ngày bắt buộc, thương ghét hay xúc động chỉ là những cảm tính vô ích.

 

Có những đứa con nại cớ bù đầu với công việc ở sở, và việc con cái bếp núc ở nhà nên không có thời gian dành cho cha mẹ già, đành phải đưa cha mẹ vào nhà dưỡng lão. Gần đây người ta lên tiếng hoan nghênh những người phụ nữ hy sinh lợi tức để ở nhà toàn thời gian chăm nom, săn sóc con cái, nhưng nào có ai nghe chuyện có những đứa con bỏ việc làm vì còn cha mẹ cần sự giúp đỡ lúc về già! Người ta thường kêu than không có thời giờ, “đầu tắt, mặt tối” nhưng còn có thời gian mua sắm trong các cửa hàng thời trang, mất một hai tiếng đồng hồ trong gym mỗi ngày, năm giờ cho một chương trình ca nhạc ở sòng bài, không tính thời giờ đi về. Đó là chưa kể thời gian “bắt buộc” phải ngồi trước máy điện toán, vào Facebook, hay trao đổi tin nhắn với bạn bè.

 

Người ta có thể mỗi năm tổ chức những chuyến du lịch bắt buộc, ra ngoài để mở tầm mắt trước thế giới, nhưng “nhắm mắt” làm ngơ về một lần sắp xếp thời gian đi thăm cha mẹ già.

 

Ngày xưa một người mẹ nuôi được năm mười đứa con, ngày nay cả năm mười đứa con không nuôi nổi được một mẹ, phải chăng vì vậy mà phải đẩy mẹ vào nhà dưỡng lão, để cho những người xa lạ trông coi. Ở đây có khi mẹ thiếu ăn, cơ thể mất nước, dơ bẩn trong mớ phân và nước tiểu, bị đối xử tàn tệ, cũng chẳng hề ai biết đến. Ngày xưa “bên ướt mẹ nằm, bên ráo con lăn,” không có bậc cha mẹ nào có thể ngoảnh mặt trước cảnh con đói khát hay bị lăng nhục bởi một người khác.

 


Con biết giờ đây, “một ông già bằng ba đứa trẻ” cha “lẩm cẩm” bước đi, và mẹ phải nương lưng nhờ gậy chống.

 

Xưa kia khi các con còn thơ ấu, thân xác chưa trưởng thành và tâm hồn con yếu đuối, điều một điều hai vẫn là mẹ. Một đứa trẻ có thể biết lạnh, biết nóng, biết đói, biết khát, biết đau, nên khóc la, nhưng chóng quên, khóc đó rồi cười đó. Trái lại, một ông già còn biết buồn, biết tủi thân, biết xót xa mà chỉ biết gậm nhấm mang lấy nỗi buồn của riêng của mình, nên tuổi già cũng cần chăm sóc, gần gũi, ân cần như là một đứa trẻ, có khi còn hơn thế nữa!

 

Thói quen của người đời, người ta thường hỏi nhau có được mấy con, mấy ai quan tâm xem song thân còn hay mất! Đối với cha mẹ, con là tất cả, nhưng đối với con, cha mẹ là một thứ quá khứ cần xếp lại.

 

Ngày xưa, niềm vui của cha mẹ là nghe tiếng đứa con chập chững bi bô, hay toét miệng cười, ngày nay cha mẹ về già, các con ở xa, chỉ mong nghe tiếng điện thoại reo vui vào những ngày lễ, Tết, và đầu điện thoại bên kia có tiếng nói: “Mẹ ơi!” hay “Mẹ đó hả?” Trong cái tổ ấm cúng ngày xưa, và là cái tổ trống hoác ngày nay, khi các con đã đi xa, những cái phòng của các con vẫn để trống, biết đâu có ngày con về thăm bố mẹ. Con búp bê bằng nhựa, con gấu nhồi bông vẫn còn trên chiếc dương cầm phủ bụi của con gái, tủ sách, nhiều giải thưởng và những lá cờ kỷ niệm của trường đại học vẫn còn gắn trên bức tường trong phòng đứa con trai. Và ngôi vườn kia, đã đầy lớp lá vàng vào Thu hay phủ tuyết mùa Đông, cái ghế xích đu ngoài vườn ngày trước con thích ngồi, vẫn rung khẽ cùng cơn gió nhẹ.

 


Nhiều lúc cha mẹ muốn bán ngôi nhà cũ đầy ắp kỷ niệm, nhiều phòng, để đi tìm một cái condo, nhưng cứ nghĩ khi con về, và còn những đứa cháu nữa, sẽ ở đâu?

 

Cha mẹ Việt Nam tự an ủi, ru mình bằng bốn tiếng “nước mắt chảy xuôi” là mọi chuyện đều cho qua, nhận thức đời sống một phần cũng cho là duyên, là phước. Phải chi cha mẹ như cha mẹ nơi quê người, không hề lưu luyến, bịn rịn, ngay từ lúc đứa con đã trưởng thành rời mái ấm ra đi.

 

Nhưng có lẽ mọi điều không phải như vậy, dù bên trời Tây hay bên phương Đông.

 

Chúng tôi vừa được xem một đoạn phim rất ngắn kể chuyện một người già cô đơn ở phương Tây.

 

Những ngày lễ lớn năm nay, cô con gái tin cho biết là cô không về thăm cha được vì bận việc. Ông cụ lủi thủi một mình, cô đơn trong căn nhà nhỏ với những bữa cơm lặng lẽ hàng ngày. Nhưng rồi, cô con gái nhận được tin cha mình qua đời đột ngột, cô thu xếp cùng chồng trở về nhà.

 

Trên bậc cửa, cô thấy người cha thân yêu của cô hiện ra với tấm lưng còng và mái tóc bạc phơ. Cô bật khóc. Phải chăng vì nghe tin cha chết, cô mới trở về, trong khi còn sống, người cha cần có con, thì không có cô bên cạnh.

 

Nhưng cũng còn may. Cách đây mười mấy năm ở Paris, vào mùa Hè, có một trận nóng kinh khủng giết hàng trăm cụ già trong nhà dưỡng lão. Nhà nước thông báo cho những đứa con trở về lo chôn cất. Nhưng chúng, nhiều đứa đành xin lỗi, vì đang kẹt trong chuyến du lịch dài ngày ở xa!

 

Huy Phương