Còn cụ Biden? Cụ chọn đúng lúc
này để tung ra thêm 5.000 tỷ đô tiền quà cáp cho dân. Trong tình trạng đồng tiền
đang mất giá, giá cả tăng vọt, cụ lại cho mưa tiền xuống chơi, rồi cụ khẳng định
đừng ai sợ, tiền từ trên trời mưa xuống, sẽ không ai phải trả thêm một xu nào
cho Nhà Nước, và Nhà Nước cũng chẳng đi vay thêm một xu nào hết.
Đây là công thức toán học
kinh tế của cụ Biden: 1.500 tỷ + 3.500 tỷ = 0 xu.
Kẻ này bỏ ra nửa giờ đồng
hồ để giải thích siêu công thức này cho thằng cháu nội 6 tuổi, mà nó vẫn cãi là
ông nội nói sai! Chỉ vì nó không phải là chính trị gia, chưa hiểu được toán học
chính trị khác rất xa toán học mẫu giáo. Chắc phải nhờ cụ Ng Tài Ngọc giải
thích giùm.
Trên thực tế, muốn tung tiền
ra, cụ Biden chỉ có đúng 3 cách: 1) tăng thuế để cướp tiền của dân cho Nhà Nước
xài, 2) in thêm tiền, hay 3) đi vay. Không có tam thập lục chước.
Ta thử xem qua cả ba cách.
1.
TĂNG THUẾ
Việc tăng thuế, ta đã bàn
qua tuần rồi.
Và ta đã thấy tăng thuế
cho nhà giàu thật ra sẽ là tăng thuế cho cả nước, trực tiếp qua việc 60% dân sẽ
phải đóng thuế cao hơn, và gián tiếp khi cả nước bị các đại tập đoàn chuyển tiền
thuế lên đầu, và cả nước, kể cả những người nghèo nhất, sẽ phải trả nhiều tiền
hơn khi mua hàng, kể cả nhu yếu phẩm.
Mà có tăng cách nào thì
cũng không đủ.
2. IN
THÊM TIỀN
Đây là cách dĩ nhiên giản
dị nhất, cũng là cách bảo đảm đồng tiền sẽ mất giá nhanh nhất, nghĩa là hàng
hóa sẽ tăng giá nhanh hơn thời giờ quý vị lái xe ra tiệm.
Nhưng thực tế mà nói, cách
này không thể làm được ở Mỹ khi nước Mỹ có những luật lệ và cơ chế không cho
phép in tiền ào ạt như mấy xứ Phi Châu. Cái xứ Zimbabwe của Phi Châu có lúc phải
in tiền với mệnh giá một tỷ, một trăm tỷ, một ngàn tỷ,…, bắt người dân mỗi lần
cầm tờ giấy tiền, phải cẩn thận đếm xem có bao nhiêu con số zero. Giá cả tính
theo các con số zero. Kiểu như hôm nay một ổ bánh mì 6 zeros, tuần
sau tốn 7 zeros.
Cái may cho xứ Mỹ là cụ
Biden muốn in tiền cũng không thể ra lệnh cho bộ Ngân Khố hay cho hệ thống Ngân
Hàng Dự Trữ Trung Ương. Thành ra, xin miễn bàn thêm về cách này.
3.
NHÀ NƯỚC ĐI VAY
Đây là cách thông thường
nhất mà hầu như tất cả các chính quyền Mỹ, bất kể DC hay CH đều xài, vì quá dễ.
Quá dễ vì kinh tế Mỹ, dù muốn hay không, dù trong bất cứ trường hợp nào cũng vẫn
là kinh tế mạnh nhất thế giới, nợ của Nhà Nước Mỹ có bảo đảm nhất, đi vay lúc
nào cũng nhiều người sẵn sàng cho vay ngay.
Cách Nhà Nước Mỹ đi vay là bán
công khố phiếu dài hạn, tuy tiền lãi không cao bằng lãi trên nợ thương mại thường,
nhưng rất có giá vì tuyệt đối được bảo đảm sẽ trả. Phần lớn các công khố phiếu
dài hạn này được bán cho các đại tập đoàn và đại gia trên thế giới, tuy phần lớn
là khách mua từ các nước dư tiền muốn tìm chỗ đầu tư an toàn như Trung Cộng,
các vương quốc Ả Rập, và Nhật.
Quá dễ nên cũng dễ bị lạm
dụng. Như TT Obama trong thời gian nắm quyền, đã tăng số công nợ lên gấp đôi,
nghĩa là số tiền ông ta đi vay cao ngang tổng số công nợ của 43 tổng thống trước
ông. Đấng Tiên Tri có khác, 'tài giỏi' bằng cả 43 ông tiền nhiệm cộng lại.
Tuy nhiên, ở Mỹ, không phải
Nhà Nước có quyền đi vay thả giàn. Trên nguyên tắc, việc đi vay bị giới hạn bởi
mức trần do quốc hội ấn định. Nhưng trên thực tế, vì nhu cầu, nhất là nhu cầu
chính trị, quốc hội luôn luôn sẵn sàng tăng mức trần để cho phép Nhà Nước đi
vay thêm, nhất là khi đảng DC nắm cả hành pháp lẫn lập pháp. Như tuần rồi, quốc
hội đã biểu quyết tăng mức nợ trần lên 480 tỷ, có giá trị tới tháng Chạp tới,
khi đó sẽ lại cứu xét việc tăng mức trần nhiều hơn và lâu dài hơn.
Đi vay có hại gì?
Trước tiên, càng đi vay
nhiều thì càng khó trả nợ đúng hạn kỳ nếu số công nợ đã tới mức tối đa, và nếu
quốc hội không phê chuẩn cho tăng thêm nợ thì sẽ kẹt nặng. Do đó, công nợ như
cái vòng xoáy luẩn quẩn, càng tăng càng khó trả, cả vốn lẫn lãi, càng phải vay
mượn thêm, càng gặp khó khăn hơn. Để bù đắp việc tăng rủi ro này, Nhà Nước sẽ
phải tăng lãi xuất lên để dụ khách mua công khố phiếu, để rồi, lãi suất càng
cao, càng khó trả thêm, lại một vòng xoáy luẩn quẩn nữa.
Vì kinh tế hiện nay là một
hệ thống liên kết chằng chịt đủ kiểu, tăng lãi suất công khố phiếu sẽ lôi theo
tăng lãi suất vay mượn tiền để làm kinh doanh trong khu vực tư của nội địa,
nghĩa là tiền lãi các nợ kinh doanh, nợ mua nhà, nợ mua xe, nợ thẻ tín dụng, tất
tần tật sẽ leo thang theo. Kể cả lãi suất của các tiệm cầm đồ cho dân nghèo nhất
cũng tăng theo. Chưa kể lãi suất của đám côn đồ cho vay mượn theo kiểu cướp cạn
mà dân ta gọi là "xanh xít đít đui", vay 5 trả 6, vay 10 trả 12. Lạm
phát càng bốc mạnh hơn.
Sau đó, mượn nhiều quá, nhất
là khi đã quá tổng sản lượng quốc gia, ngoài việc khó trả nợ, cũng khiến giá trị
đồng đô giảm trên thị trường hối đoái quốc tế, nghĩa là cán cân thương mại sẽ
thiệt hại, hàng xuất cảng thu về ít đô-la hơn, trong khi hàng nhập cảng phải tốn
nhiều đô-la hơn.
Tiếp theo đó, càng vay mượn
càng lệ thuộc các nước cho vay, chẳng những trên phương diện tài chánh, mà nguy
hại hơn nhiều, cả trên phương diện chính trị luôn. Một thí dụ đơn giản. Trung Cộng
hiện đang nắm trong tay cả chục ngàn tỷ công cố phiếu Mỹ. Chỉ cần ông Tập bất
mãn Mỹ chuyện gì đó -Đài Loan chẳng hạn- hay muốn bắt chẹt cụ Biden, lên cơn,
muốn ‘chơi’ Mỹ một phát, ra lệnh bán đổ bán tháo vài tỷ công khố phiếu Mỹ, là
thị trường tài chánh Mỹ sẽ rối loạn ngay, công khố phiếu mất giá, Dow Jones mất
vài ngàn điểm là 'chiệng nhỏ'.
Cuối cùng thì nợ nào cũng phải trả, do đó càng nợ nhiều bây giờ thì con cháu càng phải è cổ ra trả nợ trong tương lai. Cách đây vài năm một số không nhỏ các quốc gia Tây Âu bị nợ ngập đầu, trả không nổi, đứng trước bờ phá sản quốc gia, các cường quốc khác ít bị nạn hơn phải xúm lại gom tiền giúp để cứu các xứ đó và cứu chính họ luôn.
Cho dù chấp nhận cái diễn giải phản khoa học
láo khoét “chương trình Build Back Better không tốn một xu nào” của
cụ lờ mờ Biden, nghĩa là ta cứ giả dụ trời mưa đô-la xuống thật và dân Mỹ chẳng
ai trả thêm xu thuế nào mà Nhà Nước cũng chẳng cần đi vay mượn hay in thêm tiền,
thì cứ theo lý luận kinh tế học mẫu giáo, thì số tiền 5.000 tỷ đô tung ra bắt
buộc sẽ khiến giá cả tăng vọt lên ngay. Và cái tăng giá đó, thưa quý vị, chính
là cái giá quý vị phải trả cho gói quà của cụ Biden chứ chẳng có chuyện “no
cost” gì đâu, quý vị ơi.
Nếu như bơm tiền vào kinh
tế để các công ty có thể thuê mướn thêm nhân công, gia tăng sản xuất, và người
tiêu thụ có thêm tiền mua sắm thì nghe cũng hợp lý thôi. Nhưng đằng này, trong
tình trạng COVID tấn công, kinh tế mở cửa nửa chừng, công ty không sản xuất vì
không đủ nguyên liệu, nhân công không chịu đi làm, đường giây cung ứng bị đứt,
thì bơm thêm tiền chỉ có một hậu quả hợp tình, hợp lý duy nhất là tăng giá hàng
hoá hiện đang có thôi.
Dưới thời TT Carter, ông
Reagan chế ra một chỉ dấu mới gọi là misery index, tạm dịch
là chỉ dấu khốn khổ để đo lường mức sống của thiên hạ. Đây là
chỉ số tổng hợp của thất nghiệp và lạm phát. Dưới cụ Carter, một trong những tổng
thống tồi tệ nhất lịch sử Mỹ, chỉ dấu khốn khổ là 21,9. Dưới thời TT Trump, là
6,9. Bây giờ, dưới cụ Biden, tăng gần gấp đôi, cho tới nay đã lên tới 11,5. Và
còn tiếp tục leo thang rất nhanh. Good luck, America!
Chánh văn phòng cụ Biden,
ông Ron Klain diễn giải qua tuýt là lạm phát là bệnh của nhà giàu -“Inflation
is a high-class problem”. Hả??? Giá xăng tăng, giá thực phẩm tăng,... là bệnh
của nhà giàu? Làm như thể chỉ có nhà giàu mới cần đổ xăng cho xe chạy và cũng
chỉ có nhà giàu mới cần ăn sao?
Bà phát ngôn viên Tòa Bạch Ốc
Jen Psaki giải thích siêu hơn nữa: giá cả gia tăng chứng minh kinh tế có tiến bộ
vì dân chúng có nhu cầu gia tăng, cung nhiều hơn cầu nên giá tăng, dân chúng muốn
đổ xăng đi du lịch nhiều hơn, muốn mua đồ ăn nhiều hơn, … (nguyên văn: “…because
people are buying more goods, because people are traveling and because demand
is up; … we are at this point because we’ve made progress in the economy”).
Đây chắc chắn là lời giải thích về lạm phát
siêu nhất mà kẻ này nghe được từ ngày còn học lợp Kinh Tế Mẫu Giáo tại trường
tiểu học Cầu Kho. Nói như vậy, thì giá cả càng gia tăng thì kinh tế càng có tiến
bộ.
Nôm na ra, nước Mỹ muốn có
tiến bộ, nhất định là phải theo gương Zimbabwe thôi.
Vũ Linh
bài rất sâu sắc
Trả lờiXóa