Sáng
nói chuyện với nhỏ bạn bên kia quả địa cầu. Những câu chuyện đời về cuộc sống
được sẻ chia.
Sau một hồi trao đổi, hắn bảo Thứ Bảy này đi đám cưới, lại mất cả vài trăm.
Chưa hết, hắn nói là phải qua nhà nhỏ em để mượn đồ mặc đi đám cưới.
Ngạc nhiên nên hỏi sao thế ! Hắn bảo là mặc đồ của mình hoài người ta chê. Hắn
nói là ngại bên chồng và sợ bên gia đình chồng chê bai là mặc đồ cũ.
Nghe nói thế nên phang luôn : "Ủa ! Sao kỳ vậy ! Mình không sống thật với
mình. Có gì mình mặc đó ! Mượn chi cho mệt. Người thì "chung thủy"
trước sau như một nên có mặc đồ gì vào thì cũng có thế thôi".
Hắn nghe vậy và hắn bĩu môi cười khỉnh như là phản đối ý tưởng của người góp ý.
Thật ra câu chuyện mượn đồ của người khác để mặc đi tiệc tùng hay cưới hỏi xem
chừng cũng bình thường trong cuộc sống. Muốn chưng diện bên ngoài cho lả lướt
nên rồi người ta không ngần ngại tìm đủ mọi cách để điểm tô cho mình.
Mỗi người một quan điểm sống. Có người thì bằng lòng với thực tại cũng như với
những gì mình có. Thế nhưng rồi có người lại thích tô son trát phấn cũng như
thay đổi cho mình một diện mạo bề ngoài thật sang trọng để tránh đi những lời xầm
xì của bà con thiên hạ.
Nếu như ta sống với dư luận, với lời xầm xì của bàn dân thiên hạ chắc có lẽ sẽ
mệt mỏi và mất bình an. Đơn giản là vì mỗi người một ý và chả ai giống ai nên để
làm vừa lòng hết mọi người lại là một chuyện vô cùng khó.
Cũng chỉ vì chạy theo ảo ảnh để rồi không ít người phải vất vả cũng như chạy
đôn chạy đáo sao cho để được bằng chị bằng em. Muốn cho được bằng chị bằng em
có khi phải hụt hơi cũng như chạy cả đời cũng không sao bằng kịp.
Thế cho nên, ở đời, để bằng lòng với thực tại cũng như bằng lòng với những gì
mình có xem chừng ra lại bình an.
Những lần đi vào trong làng của anh chị em đồng bào thiểu số. Dĩ nhiên nhìn cuộc
sống của họ mình không thể nào bình an và chắc chắn nhói lòng khi thấy họ sống
cuộc đời như thế. Vệ sinh thực phẩm an toàn cũng như nguồn nước sạch xem chừng
ra với họ là điều quá xa vời. Mình đi vào mình thấy họ và mình thấy họ khổ
nhưng một cách nào đó chính mình mới là khổ.
Người Kinh và đặc biệt những người thích chạy theo người khác mới là người khổ
vì họ không bằng lòng với thực tại. Có những người may mắn thành công và đủ sống
nhưng cũng có bao nhiêu gia đình đang chồng chất trên vai gánh nặng của lãi suất
ngân hàng hay của những người cho vay nóng.
Đa phần người đồng bào thiểu số họ bình an, họ bằng lòng với cuộc sống mà ta
xem thấy như là nghèo khổ vì họ không chạy theo người đời. Chỉ một số thành phần
nào đó bon chen thì chắc chắn họ sẽ mất bình an. Người đồng bào hình như họ
không biết sống ảo cũng như không thoa son trát phấn cũng như lên đồ đẹp như những
người khác. Và như vậy ta thấy họ bình an hơn là những người sống ảo.
Mạng xã hội phần nào cũng là sân chơi và cũng như là nơi mà người ta phơi bày
cuộc sống ảo. Ai ai cũng phải đầu tắt mặt tối để lo cơm áo gạo tiền nhưng ít ai
can đảm sống thật với cuộc sống thực tại.
Như nhỏ bạn nói chuyện về sống ảo, cuộc sống của hắn là một bằng chứng thực tế
cho một cuộc đời lao nhọc. Hai vợ chồng nai lưng ra cày để nuôi 2 đứa nhỏ cùng
với biết bao nhiêu nhọc nhằn trong cuộc sống. Mỗi lần nghe hắn kể là thích ăn
cái này, muốn ăn cái kia nhưng phải dằn lại vì cần phải tiết kiệm.
Chưa hết, một số người tưởng gia cảnh hắn cũng ngon lắm nên rồi người xin kẻ xỏ.
Hắn bảo là chả tìm đâu ra ngân quỹ để cho vì lẽ còn bao nhiêu chi phí.
Thế đó ! Cuộc sống đâu phải đơn giản như bao nhiêu người mơ mơ hồ hồ và sống ảo.
Ai ai cũng có những chuyện khó khăn riêng trong cuộc sống và gia đình chứ chẳng
ai là thảnh thơi.
Dĩ nhiên trong cuộc sống ta nhìn lên để cố gắng và nhìn xuống để tạ ơn Chúa với
tất cả những gì mình đang có để lòng được thanh thản và bình an. Cứ mãi chạy
theo người đời thì lòng bất an và cuộc đời không thanh thản.
Thích sống ảo như cô bạn hay sống và bằng lòng với những gì mình có là tự do lựa
chọn của mỗi người. Vui và tiếc thay khi đã hơn một lần người đó đã thốt lên :
"Cuộc sống thật đầy cay đắng nên tìm về lối sống ảo cho cảm thấy
vui".
Lm.
Anmai
thực tế hay hơn hết
Trả lờiXóa