Trang

30/04/2020

Chiêm ngưỡng người đẹp xứ kim chi "mặt học sinh, thân hình phụ huynh"


Lee Tae Yeon là người đẹp nổi tiếng tại Hàn QUốc. Cô sở hữu ngoại hình đẹp chuẩn đến 100%. Những đường cong cơ thể quyến rũ cùng gương mặt xinh đẹp làm người nhìn không sao rời mắt khỏi.

Là người mẫu nhưng Lee Tae Yeon lại sở hữu gương mặt khả ái không thua gì các thí sinh của cuộc thi Hoa hậu Hàn Quốc.


Cô dường như được ông trời ưu ái cho quá nhiều thứ khiến người ta thèm muốn, từ gương mặt xinh xắn cho tới body không có một milimet nào kém hoàn hảo.


Nước da trắng, cặp chân thon thả và siêu dài là những điểm nổi trội khi nói về nhan sắc của Tae Yeon.


Dẫu vậy, điều kỳ lạ là cô mẫu này lại khá tiết chế trong việc khoe hình thể.


Các bức ảnh được đánh giá là gợi cảm của Tae Yeon chỉ dừng lại ở mức vừa phải, không quá phô trương da thịt.


Thay vào đó, người đẹp thường chọn phong cách tinh tế, nền nã, nếu sexy thì cũng theo chiều hướng nhẹ nhàng, hợp mắt.


Nhiều người đồn đáo Lee Tae Yeon đã nhờ tới bàn tay của bác sĩ thẩm mỹ mới có diện mạo như hiện tại nhưng phía người mẫu vẫn chưa thừa nhận hay thanh minh.


Dẫu là nhân tạo hay tự nhiên cũng không thể phủ nhận vẻ ngoài nghiêng nước nghiêng thành của nàng mẫu trẻ.


Để duy trì làn da trắng như trứng gà bóc, Lee Tae Yeon đầu tư khá nhiều tiền bạc và công sức vào các loại mỹ phẩm đắt đỏ cũng như thường xuyên đi spa để được chăm sóc da một cách chuyên nghiệp nhất.


Khi ra ngoài trời, người đẹp chỉ makeup rất nhẹ, chủ yếu dùng nhiều kem chống nắng và son dưỡng có chỉ số SPF phù hợp.


Kính râm và mũ đội đầu cũng không thể thiếu trong quy trình bảo vệ da của Lee Tae Yeon.


Tôn thờ vẻ đẹp mảnh mai song Lee Tae Yeon cũng rất chăm chỉ tới phòng tập.


Cô tập nhiều môn từ gym tới yoga, pilates để có thân hình không mỡ thừa.


Ngày nghỉ, người đẹp tranh thủ chạy bộ ở công viên gần nhà lúc sáng sớm.


Ngoài chuyện tập luyện, Lee Tae Yeon là người rất khắt khe trong ăn uống.


Rất hiếm khi cô ăn các món nhiều tinh bột, dầu mỡ hay gia vị.


Thực đơn của Lee Tae Yeon chủ yếu là salad, bánh mỳ nguyên cám, hải sản tươi, bít tết với rất ít nước sốt.


Người đẹp cũng thích uống rượu vang để duy trì tâm trạng tốt và chống lão hóa từ bên trong.


Nhờ cẩn trọng với chuyện ăn uống, Lee Tae Yeon sở hữu vẻ ngoài luôn rạng rỡ bất kể công việc bận rộn.


Vẻ đẹp vừa thuần khiết vừa nóng bỏng của Lee Tae Yeon như quả bom luôn chực chờ làm nổ tung trái tim phái mạnh. 
  Sưu tầm

29/04/2020

Ngoại tình có phải là căn bệnh của nhà giàu?


Khi xem lại toàn bộ các ca tư vấn về ngoại tình, tôi bất ngờ phát hiện có đến đến hơn 80% rơi vào các gia đình có nhà lầu, xe hơi, thu nhập bình quân cao. Hóa ra ngoại tình là căn bệnh của... nhà giàu?

Hầu hết những khách hàng có chồng ngoại tình đến trung tâm xin tư vấn trong thời gian gần đây đều là những “quý bà” phục sức sang trọng, đi ô tô. Câu chuyện của họ chỉ khác nhau về tiểu tiết còn đại loại là giống nhau: Một ông chồng thành đạt và lắm tiền. Một bà vợ tuổi không còn trẻ nữa, nhiều người nhan sắc tàn phai, nét mặt lạnh lùng và u ẩn. Họ còn giống nhau ở chỗ hầu như đều có một quá khứ hạnh phúc trong cảnh gia đình thanh bạch, nghèo khó.

Khi chuyên viên tư vấn gợi mở: “Theo chị, bản chất anh ấy có phải là người trăng hoa không?”. Gần như không phải nghĩ, bà Lan ở quận Thanh Xuân, Hà Nội trả lời ngay: “Không! Chúng tôi yêu nhau từ hồi còn đi học. Ra trường, cả hai vất vả long đong mãi mới tìm được việc làm. Cảnh nhà rất nghèo khó, bạn bè cũng toàn người nghèo. Nhưng anh ấy rất thương vợ con. Có lần tôi ốm, anh ấy đi cắt thang thuốc Bắc cho vợ mà trong túi không đủ tiền. Ông thầy lang cám cảnh không lấy tiền còn cắt thêm cho mấy thang mang về”. Kể đến đấy, hai mắt bà Lan ngấn lệ.

Niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh của bà Lan gần như đến cùng một lúc khi công ty của chồng bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và ông được đề bạt làm trưởng phòng kế hoạch. Những bữa ăn cơm nhà cứ thưa dần. Những buổi tối đi tiếp khách nhiều hơn, có khi đến nửa đêm mới về trong dáng vẻ no nê thỏa mãn chỉ cốt lên giường tìm giấc ngủ.
Đau đớn nhất là tuần trước, phát hiện ông sống với một cô gái trẻ như vợ chồng trong một căn nhà sang trọng. Bị bắt gặp tại trận, ông nói thản nhiên: “Tôi không phải người vô trách nhiệm với gia đình. Tôi lo cho vợ con đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Bà muốn ô tô, có ô tô. Con muốn nhà, có nhà. Giờ các người còn muốn gì nữa? Đời người có hạn. Tôi già rồi, chẳng sống được bao lâu nữa, tôi thích cái gì thì tôi làm. Vợ con, ai muốn gì tôi cũng chiều. Hay bà muốn ly hôn thì tùy bà. Tôi chấp nhận”.

Có phải khi nghèo khó, vợ chồng yêu thương nhau hơn?  Điều này không khó giải thích lắm. Là vì trong cảnh nghèo khó, quan hệ vợ chồng đơn giản hơn. Họ kết hôn bằng tình yêu và gắn bó với nhau cũng bằng tình cảm thuần túy. Cái gắn kết hai người chính là tình yêu thương nhau.
Cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, cảnh vợ tính toán chi li từng đồng, anh ta nhìn thấy được nên thường quan tâm an ủi người bạn đời. Có anh còn tỏ ra áy náy, tự dằn vặt mình, khiến cho vợ cảm động, lại quay ra động viên, an ủi chồng.

Nhiều người chấp nhận cảnh nghèo một cách vui vẻ, vẫn sống vô tư, yêu đời. Trong hoàn cảnh đó, người chồng cũng cảm nhận được tình yêu từ vợ. Anh ta cố gắng sao cho cuộc sống đầm ấm hơn, và tình yêu tỏa sáng trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.

Những câu hỏi đặt ra cho xã hội hiện đại là:
- Có cách nào làm cho những người chồng dù giàu lên vẫn yêu thương vợ như thuở hàn vi?
- Làm sao để đồng tiền vào nhà, hạnh phúc không ra khỏi cửa?
Đi sâu vào tâm lý người đàn ông mới thấy nó đang diễn ra một quá trình biến đổi không khó hiểu lắm. Trước hết, anh ta ý thức được sức mạnh của đồng tiền và nghĩ cứ có tiền là giải quyết được hết. Anh ta đã tạo ra một cuộc sống sung túc và như thế, anh ta tin rằng đã làm tròn trách nhiệm với gia đình. Anh ta có quyền vui chơi, hưởng thụ, có quyền được sống cho riêng mình.
Có anh còn lý sự :"Cô còn muốn gì, sướng không biết đằng sướng! Nhà cao cửa rộng, con đi du học, kinh tế không phải lo, khối người mơ không được".   
Nhưng nói như thế không có nghĩa là mọi gia đình giàu lên đều bất hạnh. Không ít trường hợp nhờ đồng tiền mà hạnh phúc của họ được điểm tô. Bí quyết của họ là gì?

Có thể họ làm đúng câu ngạn ngữ của người Anh: “Đàn ông xây nhà, đàn bà xây tổ ấm”. Ngọn lửa hạnh phúc gia đình bao giờ cũng được duy trì bởi người phụ nữ. Làm vợ khi chồng nghèo đã khó, làm vợ khi chồng giàu còn khó hơn.

Trước hết, người vợ nên tỏ ra cảm kích việc chồng đã đem lại sự sung túc cho gia đình để vợ con có một cuộc sống tiện nghi đầy đủ. Người vợ cần thừa nhận tài năng của chồng, tỏ ra khâm phục và tự hào.
  Ngọn lửa hạnh phúc gia đình bao giờ cũng được duy trì bởi người phụ nữ. Ảnh: IT

Khi chồng giàu lên, tất nhiên giao thiệp xã hội cũng mở rộng hơn. Khách đến nhà tấp nập hơn, đi đây đi đó nhiều hơn.

Trong bối cảnh đó, người vợ phải “nâng cấp” dáng vẻ bên ngoài của mình lên để không tương phản với sự sang trọng mà mình được hưởng và nhất là không “cọc cạch” với chồng, phải học hỏi để nâng cao kiến thức, tăng thêm hiểu biết.

Nuôi dưỡng tâm hồn ngày càng phong phú, tươi vui, dí dỏm hơn. Đặc biệt cách cư xử với anh em, họ hàng, bạn bè, đối nội, đối ngoại là việc người vợ nên đảm nhiệm, không nên đẩy tất cả cho chồng.
Nói nghe đơn giản nhưng để thực hiện được không dễ chút nào. Nó đòi hỏi người vợ phải luôn luôn cố gắng.
Suy cho cùng có hạnh phúc nào ở đời mà chẳng phải cố gắng.

Trịnh Trung Hòa

28/04/2020

Sao phụ nữ luôn hỏi 'Anh có yêu em không'?


Một ngày nào đó, người yêu hay vợ mình thủ thỉ bên tai câu hỏi “Anh có yêu em không?, thì hãy đón nhận một cách trân trọng.

Bao nhiều phần trăm phụ nữ thích nói câu này với người yêu hay chồng mình: “Anh có yêu em không?”.
Nếu ai đó nói rằng, tôi không cần tình yêu mà vẫn sống tốt thì có lẽ đó là dối lòng, sự giả dối với chính mình. Dù sống ở bất kỳ quốc gia nào, sở hữu bất kỳ màu da nào, dân tộc nào đi chăng nữa thì tình yêu vẫn là thứ mà con người luôn chinh phục và mong muốn có.
Nếu ai đã cảm nhận, đã thấu hiểu và đã từng có được tình yêu thì sẽ nhận thấy rõ rằng tình yêu biến những điều vô nghĩa của cuộc đời thành những gì có ý nghĩa, làm cho những bất hạnh trở thành hạnh phúc.
Bởi vậy, chân lý cuối cùng trên cõi đời vẫn chỉ là tình yêu: Yêu là sống và còn sống là còn yêu. Vậy mới thấy rất nhiều người từng tuyên bố hùng hồn rằng “Sẽ yêu đến hơi thở cuối cùng”; “Tim còn đập là còn yêu”, “Máu ngừng chảy mới hết yêu”…

Tình yêu không phân biệt tôn giáo, màu da, không phân biệt tuổi tác, bởi thế không ai cấm bạn yêu cả và càng không cấm chúng ta nói ra những lời yêu thương, những câu nói tưởng chừng như cũ rích nhưng đem lại cho đối phương sự rung cảm đến nghẹn ngào. Đặc biệt trong cuộc sống, phái nữ luôn là người thích được nói những câu yêu thương mà cụ thể luôn miệng hỏi người yêu hay chồng câu hỏi ngàn năm vẫn thế “Anh có yêu em không”.

Vậy tại sao phụ nữ lại thích nói câu đó mặc dù biết trước được câu trả lời của người kia. Cùng một câu nói đó những trong lòng mỗi người phụ nữ lại có những nỗi niềm khác nhau.
Một chị bạn chia sẻ với tôi rằng, mặc dù biết rất rõ chồng mình phản ứng như nào hay nói những lời gì nếu nghe vợ hỏi câu đó nhưng chị vẫn hỏi. Mặc dù tình cảm vợ chồng hơn 10 năm qua vẫn đều đều như vậy, cũng có những lúc “cơm chẳng lành, canh chẳng ngọt”, cũng có lúc “cháy bỏng như thuở đôi mươi”, nhưng thói quen hỏi câu đó với chồng thì lúc nào cũng thế.
Cũng chẳng biết cuộc đời sẽ ra sao nhưng với phụ nữ thì luôn thấy cô đơn và bất ổn trong lòng. Chình vì thế mà chị bạn tôi muốn được chồng yêu và luôn nói lời yêu thương, chia sẻ. Phụ nữ là hay đa nghi nên lúc nào cũng sợ người đàn ông đó không còn yêu mình nhiều hay là không còn yêu nữa nên thành ra mới hay hỏi câu “Anh có yêu em không?” là như vậy.

Cũng một chị bạn khác tên Vân thì lại nhí nhảnh nói với tôi rằng, “ngày nào Vân cũng hỏi chồng câu đó. Nhiều khi ông chồng nói với vợ rằng, ‘em có bị điên không đấy. Già rồi còn yêu đương gì nữa’. Thật ra đơn giản Vân chỉ muốn có thêm một chút lãng mạn trong cuộc sống. Chứ không suốt ngày cơm áo gạo tiền, con cái làm cho cuộc sống quá đỗi căng thẳng, ngột ngạt. Hay như đôi khi quá thấy nhàm bởi cuộc sống cứ đều đều ngày nào cũng như ngày nào. Vậy nên hỏi ‘Anh có yêu em không?’ cũng là để hâm nóng những cặp vợ chồng hết lãng mạn như Vân”.    

Còn với chị Hà, một tuýp phụ nữ thành đạt trong cuộc sống cũng không ngoại lệ. Rất đơn giản, với chị câu hỏi “Anh có yêu em không?” khi hỏi chồng là thước đo xem trong lòng họ, mình có còn giữ vị trí quan trọng như thời mới yêu hay không? Mặc dù biết rõ rằng, quãng thời gian 15 năm ở bên nhau mọi thứ cũng mòn đi nhưng chí ít thì tình cảm vẫn một cần sợi dây níu nhau lại. Nhưng muốn dây níu chặt thì đòi hỏi đôi bên luôn biết hâm nóng tình cảm để cả hai luôn nhìn thấy nhau mới mẻ, hấp dẫn. Câu hỏi "Anh có yêu em không?", nghĩ là cũ nhưng cũng rất có ma lực. 

Tuy nhiên đàn bà đúng là đa nghi nhất là trong tình cảm. Vì thế dù đang ở trong một mối quan hệ nồng thắm nhất thì họ cũng luôn thấy bất ổn, thiếu tự tin, trái tim luôn quặn lại với những suy nghĩ lo âu. Phụ nữ hỏi là muốn được nhẹ lòng, muốn được nghe câu trả lời thân thương ngập tràn hương vị tình yêu từ đối phương. Giây phút chờ đợi câu trả lời, hồi hộp khó diễn tả lắm. Mặc dù câu hỏi đó được lặp lại hết từ ngày này qua ngày khác, năm này qua năm khác, mà cảm giác hồi hộp đó không hề thay đổi.
Đa nghi là vậy nhưng mà phụ nữ cũng rất trẻ con. Khi đón nhận câu trả lời từ người đàn ông của mình, dù thật lòng hay không chăng nữa, thì họ vẫn đón nhận với sự kiêu hãnh của đàn bà.

Vậy nên, nếu một ngày nào đó, người yêu hay vợ mình thủ thỉ bên tai với câu hỏi tưởng như nhàm chán “Anh có yêu em không?”, thì hãy đón nhận một cách trân trọng và nâng niu họ như cánh hồng mong manh. Chỉ một câu trả lời ngọt ngào cũng đủ để phụ nữ vượt qua bão giông để bảo vệ tổ ấm, bảo vệ người đàn ông của mình.
Theo HẠ LAN (VOV)



27/04/2020

8 lý do nên yêu quý những người ghét bạn.


Con người vốn là loài động vật cảm tính và chủ quan. Vì vậy, sẽ có người quý mến chúng ta, cũng sẽ có người ghét chúng ta. Tương tự, chúng ta cũng vậy. Nhưng cho dù họ quý mến hay ghét bỏ, thì tất cả những người đi qua cuộc sống của chúng ta, đều để lại cho chúng ta những điều đáng giá.

1. Sự xuất hiện của họ giúp bạn học cách kiềm chế cơn giận dữ
Thực tế là, người ghét bạn chính là giáo viên tốt nhất dạy bạn cách kiềm chế cơn giận dữ của mình. Khi người đó khiến mọi chuyện trở nên tồi tệ, và bạn rất giận dữ vì điều đó, dần dần, bạn sẽ học được cách làm chủ cơn giận của mình. Rất khó để bạn tức giận với người bạn yêu quý, và chỉ khi bạn bị quấy rối bởi cơn giận dữ, bạn mới thực sự học được cách làm chủ nó. Càng thực hành nhiều, bạn càng làm chủ được cơn giận dữ.
Người ghét bạn, người mà bạn không thích, không muốn gặp gỡ, nhưng lại là người bạn cần. Bất cứ khi nào bạn cảm thấy ghét họ, đó là lúc họ cho bạn cơ hội để kiềm chế cơ giận dữ của mình

2. Sự xuất hiện của họ là cơ hội cho những cuộc cạnh tranh lành mạnh.
Có lẽ bạn không để ý rằng, chính những người ghét bạn sẽ trở thành kẻ thù hoàn hảo khơi dậy tinh thần cạnh tranh và cầu tiến trong bạn. Bạn bỗng nhiên có động lực để cạnh tranh, bỗng nhiên được thúc đẩy để cố gắng nhiều hơn, để vươn tới chiến thắng, để vượt qua người mà bạn ghét. Tuy nhiên, đừng khiến bản thân trở thành kẻ ganh đua bất chấp. Học tập, làm việc để cạnh tranh với người bạn ghét, sự so sánh sẽ giúp bạn càng cố gắng vươn lên, nhưng hãy luôn ghi nhớ rằng: đừng làm điều gì tổn hại đến bản thân, đến đạo đức của bản thân. Hãy cạnh tranh lành mạnh.

3. Những đánh giá tiêu cực của họ giúp bạn thay đổi.
Sự thật là những người ghét bạn hầu như không bao giờ nói tốt về bạn. Tuy nhiên, cũng có thể những điều họ ghét ở bạn là không sai. Vì vậy, nên sáng suốt, khi bạn nghe được điều gì đó xấu xí về mình từ những người ghét bạn, hãy nhìn nhận và đánh giá bản thân mình. Thử nhìn nhận bản thân xem, những điều mà người ghét bạn dèm pha có thực sự đúng? Nếu đúng, hãy đối mặt với nó, cải thiện nó, và trở thành một con người hoàn thiện hơn. Đó cũng chính là lời đáp trả tốt nhất dành cho những người ghét bạn. Bạn càng ghét tôi, tôi càng trở nên tốt đẹp đấy!

4. Họ cũng có thể trở thành bạn của bạn.
Thử yêu quý họ cũng có nghĩa là bạn thử cố gắng kết nối và làm hòa với họ. Cuối cùng, nếu bạn thực sự có thể làm hòa với họ, bạn sẽ có thêm một người bạn mới. Ai mà chẳng cần bạn bè chứ? Điều đó cũng sẽ giúp bạn làm việc với mọi người lâu dài hơn. Hãy luôn rèn dũa kỹ năng giao tiếp và đối nhân xử thế của bạn, nó có thể trở thành một điểm cộng lớn đối với bạn.

5. Họ giúp bạn nhận ra những điều tích cực trong cuộc sống.
Trong rất nhiều điều tồi tệ, thì sự tích cực luôn hiển hiện. Đôi khi, kẻ thù của bạn sẽ giúp bạn chú ý đến những điều tốt đẹp trong cuộc sống, mà phần lớn thời gian chúng ta thường quên lãng. Đó có thể là vì chúng ta quá để tâm đến những gì kẻ thù của chúng ta có. Tuy nhiên đó cũng là cơ hội để bạn lùi lại một bước và đánh giá những điều, những con người tốt đẹp xung quanh bạn.

6. Đó có thể là sự hiểu lầm.
Đôi khi, lý do khiến bạn và người đó trở thành kẻ thù rất nhạt nhẽo. Thậm chí, bạn có thể còn chẳng biết lý do gì khiến mối quan hệ giữa hai người trở nên tồi tệ. Hãy thử trò chuyện với họ, tìm hiểu xem lý do gì khiến mối quan hệ trở nên rạn nứt. Nếu may mắn, cuộc trò chuyện ấy có thể giúp bạn hàn gắn một mối quan hệ. Có đôi khi chỉ là sự hiểu lầm, và bạn hoàn toàn có thể gỡ bỏ chúng.

7. Bạn trân trọng hơn những người thân thiết.
Tựa như một lời nhắc nhở thường trực, kẻ thù của bạn giúp bạn càng hiểu rõ ai là người nên trân trọng và nên biết ơn. Yêu và ghét là hai mặt đối lập của cảm xúc, và hoàn toàn có thể thay đổi từ yêu thành ghét, từ ghét thành yêu trong chốc lát. Bạn luôn luôn có kẻ thù, và cũng luôn luôn có những người yêu thương bạn. Những người yêu thương bạn, những người mà bạn luôn biết ơn.

8. Bạn có thực sự cần những người ghét mình?
Sự thật là kẻ thù luôn đem lại những cảm xúc tiêu cực. Nhưng nếu bạn chỉ sống một cuộc sống quá thuận lợi, bạn sẽ không  trân trọng những điều đáng quý xung quanh. Những người ghét bạn thì chẳng có gì tốt trong mắt bạn, và bạn thậm chí có thể làm mọi cách để thoát khỏi họ. Nhưng đó vốn là điều hiển nhiên trong cuộc sống, hãy thích ứng với nó.

Nguồn: Tanvir Zafar

26/04/2020

Phụ thuộc Trung Quốc về dược phẩm : Tây phương tỉnh thức trong đau đớn

Hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành dược phẩm thế giới là do Trung Quốc sản xuất. 


Trong những năm 1990, hoạt động của ngành công nghiệp dược phẩm châu Âu và Mỹ đa phần chuyển sang Trung Quốc. Khi đại dịch Covid-19 bùng phát ở Trung Quốc, phương Tây tỉnh thức trong đau đớn và phải đối mặt với thách thức làm thế nào để giành lại quyền chủ động về thuốc men, tránh phụ thuộc vào Trung Quốc.

Mọi ngả đường đều dẫn đến Trung Quốc
Theo nhận định của báo Le Figaro trong bài viết « Khi Tây phương từ bỏ ngành sản xuất dược phẩm » đăng ngày 13/04/2020, sức khỏe của người dân phương Tây phụ thuộc rất nhiều vào Trung Quốc và chính sự bùng phát toàn cầu của dịch bệnh Covid-19 đã giúp người châu Âu và Mỹ « tỉnh ngộ ». Có một điều các nhà khoa học, giới chuyên môn phần nào đã nắm rõ, nhưng đa phần công chúng thì chưa biết : trong vòng chưa đến 30 năm, tất cả mọi quốc gia trên thế giới, đi đầu là châu Âu và Mỹ, đã « nhường » một phần lớn « chủ quyền » về thuốc men và trang thiết bị y tế cho Trung Quốc. Quốc gia rộng lớn này trở thành xưởng bào chế hơn 80% hoạt chất chính được dùng trong ngành sản xuất dược phẩm. Đáng nói hơn nữa là Trung Quốc nắm giữ 80-90% dược liệu để bào chế ra các hoạt chất chính và các loại thuốc thay thế các dược phẩm hiện giờ không còn được bào chế nữa.
Chẳng hạn, Trung Quốc sản xuất tới 97% dược liệu và hóa chất cần thiết để sản xuất kháng sinh đồng dạng (générique) tiêu thụ tại Mỹ - đối thủ địa chính trị của Trung Quốc. Ấn Độ cũng là một nhà sản xuất dược phẩm được hưởng lợi lớn từ chính sách di dời ngành công nghiệp dược phẩm của Tây phương, song suy cho cùng thì nền sản xuất Ấn Độ cũng không thoát được cảnh phụ thuộc đến 80% vào hoạt chất chính do Trung Quốc bào chế. Nói một cách hình ảnh như chuyên gia Rosemary Gibson của viện Hastings, Mỹ, thì « Tất cả mọi con đường đều dẫn đến Trung Quốc ».

Bức màn bí mật thời « thị trường toàn cầu »
Cũng theo chuyên gia Gibson, điều đáng ngạc nhiên là số liệu thống kê về lĩnh vực dược phẩm thường được bao phủ bằng một bức màn bí mật cho dù chúng ta đang sống trong « một thị trường toàn cầu ». Tuy nhiên, việc khan hiếm nói chung các loại thuốc quan trọng sống còn vào lúc nhiều nhà máy của Trung Quốc phải ngưng hoạt động, khiến chính phủ các nước yêu cầu phải có các số liệu chính xác. Từ tổng thống Pháp Emmanuel Macron, nguyên thủ Nga Vladimir Putin cho đến lãnh đạo Mỹ Donald Trump dường như đều có chung yêu cầu khôi phục lại nền sản xuất dược phẩm và công nghiệp hóa học của quốc gia. Các nhà lãnh đạo cũng bắt đầu suy tính đến việc đa dạng hóa và « hồi hương » các dây chuyền sản xuất quan trọng.
Ông Bruno Bonnemain, chủ tịch một nhóm làm việc về việc gián đoạn chuỗi cung ứng, cho Le Figaro biết là tại Viện Dược Phẩm Quốc Gia Pháp, từ 10 năm nay, các nhà nghiên cứu đã gióng những hồi chuông báo động về việc Pháp mất quyền tự chủ về dược phẩm do phụ thuộc quá nhiều vào Trung Quốc và Ấn Độ. Chuyên gia Bonnemain giải thích là, ngay từ năm 2011, cơ quan này đã được huy động để tiến hành một nghiên cứu cho bộ Y Tế Pháp. Theo báo cáo của Viện Dược Phẩm Quốc Gia, « đối với 86% bệnh viện ở châu Âu, việc khan hiếm thuốc đã trở thành một chủ đề gây lo ngại hàng ngày. Những loại thuốc có liên quan nhiều nhất là thuốc chống nhiễm trùng, chống ung thư, tiếp theo đó là các loại thuốc hồi sức cấp cứu, thuốc tim mạch và thuốc gây mê ».

Chiến lược yếu kém
Nhu cầu cao của các nước mới mới trỗi dậy đã khiến nhu cầu thuốc trên toàn cầu khó được đáp ứng. Ngoài ra, còn phải kể đến việc nhiều nhà máy phải ngưng sản xuất vì các vấn đề liên quan đến biến đổi khí hậu, môi trường, kỹ thuật hay xã hội. Đó là chưa kể đến các vụ tai tiếng về chất lượng thuốc, chẳng hạn héparin, chất làm loãng máu được nhập khẩu từ Trung Quốc đã làm 81 người tại Mỹ thiệt mạng. Chuyên gia Bruno Bonnemain lấy làm tiếc là « Không một ai đáp lại lời kêu gọi của chúng tôi khi vẫn chưa quá muộn ».
Trong những năm 1980, ngành công nghiệp dược phẩm của châu Âu vẫn rất mạnh. Khoảng 80% các hoạt chất chính vẫn được sản xuất tại châu Âu, chỉ có 20% được nhập từ nước ngoài. Ấy vậy mà sau 30 năm, hiện nay các con số này đã bị đảo ngược. Ông Bonnemain nhấn mạnh : « Sự thay đổi lớn bắt đầu diễn ra trong những năm 1990, sau đó tăng tốc dần vào đầu những năm 2000, khi các doanh nghiệp quyết định dịch chuyển ồ ạt vì chi phí nhân công và các quy định về môi trường ».
Kế hoạch ban đầu là tất cả đều được sản xuất tại một nơi. Thế nhưng, với sự cạnh tranh của thuốc đồng dạng generique được sản xuất tại các nước đang phát triển, ngành dược phẩm đã thuê thầu phụ cả mảng sản xuất dược liệu thô, hoạt chất và kể cả thuốc. Đó là thời toàn cầu hóa theo kiểu đôi bên đều có lợi, cho phép một số doanh nghiệp cất cánh và những công ty khác sản xuất với giá thấp. Từng hoạt động trong lĩnh vực công nghiệp dược phẩm, ông Bonnemain nói thẳng : « Sai lầm lớn nhất của các chính phủ của chúng ta là không coi các loại thuốc là sản phẩm chiến lược nữa. Khi ưu tiên giá thành, họ đã để các doanh nghiệp muốn làm gì thì làm. Quyền tự chủ đã bị từ bỏ ».

Quá lơ là về hóa hữu cơ
Đã có thời nước Đức, chứ không phải Trung Quốc, được gọi là nhà máy dược phẩm và hóa chất của cả thế giới. Nói về chuyện nước Đức dịch chuyển các nhà máy dược phẩm, giáo sư Stefan Laufer, từng là chủ tịch hiệp hội Dược Sĩ Quốc Gia Đức cho đến tháng 12/2019, có cùng phân tích như chuyên gia Pháp Bruno Bonnemain. Sự thay đổi cũng bắt đầu từ đầu những năm 1990, và sự di chuyển lớn nền sản xuất sang Châu Á và đặc biệt là tới Trung Quốc cũng diễn ra từ 10 năm nay. Ông Laufet tóm lược : « Do áp lực từ các cơ quan bảo hiểm y tế Đức, thuốc trở thành một sản phẩm mà tiêu chí quan trọng nhất là giá thành chứ không phải chất lượng ». Theo ông, yếu tố môi trường là một lý do lớn dẫn đến việc dịch chuyển ngành hóa học hữu cơ, vốn có lợi cho ngành công nghiệp hóa dược phẩm rất phát triển của Đức. Chuyên gia Laufer lấy làm tiếc là Đức đã quá lơ là, bỏ bê các nhà máy hóa hữu cơ ».
Giáo sư Laufer nhấn mạnh : « Nước Đức đã quá đề cao giá trị thị trường toàn cầu khi cho rằng không cần nghĩ tới sự độc lập quốc gia bởi vì thị trường luôn được đáp ứng. Nhưng đó chỉ là một ảo tưởng. Bây giờ không có thị trường toàn cầu. Nước nào cũng đóng cửa biên giới và đấu đá nhau để giành giật khẩu trang và thuốc men ! » Cũng giống như chuyên gia Pháp Bonnemain, giáo sư Đức Laufer đã gióng những hồi chuông báo động ngay từ năm 2012. Quân đội Đức cũng đã lên tiếng cảnh báo về sự yếu kém về chiến lược. Ông Laufer nhớ lại : « Chúng tôi đã đến Quốc Hội. Các bản báo cáo được gửi đến rất nhiều. Nhưng chẳng ai quan tâm … »
Còn dân biểu Đức Claudia Bernhard, thuộc đảng Die Linke, một người lưu tâm đến hồ sơ này, giải thích : « Sự thiếu phản ứng của các cơ quan công quyền là do sự tác động của các nhà vận động hành lang cho ngành dược phẩm », liên quan đến việc các Quỹ bảo hiểm chịu trách nhiệm ký hợp đồng trực tiếp với các nhà sản xuất thuốc. Dân biểu này lấy làm tiếc là « Sự thiếu vắng hành động của chính phủ trung ương đã duy trì sự phụ thuộc về dược phẩm. Nhà máy sản xuất thuốc kháng sinh cuối cùng tại Đức đã đóng cửa vào năm 2017. Nhà nước cần cho tái thiết nền công nghiệp dược phẩm, quay lại bào chế các hoạt chất chính. Nói thì dễ hơn làm, nhưng cuộc khủng hoảng không để cho chúng ta có sự lựa chọn, đây là câu hỏi sống còn ». Dân biểu Claudia Bernhard lấy làm mừng vì lãnh đạo Y Tế ở các bang của Đức cũng đề xuất theo hướng nói trên.

Sự thức tỉnh đầy đau đớn
Liên quan đến nước Nga, một nhà tư vấn của hãng tin RNC Pharma, Nikolai Bespalov, cho Le Figaro biết « một cuộc di dời, tương tự những gì đến với phương Tây, đã xảy ra sau khi Liên Xô sụp đổ, tạo ra sự phụ thuộc mạnh mẽ vào Trung Quốc và Ấn Độ (về các hoạt chất và dược liệu thô, 50-70%) » Mối lo là có thật cho dù Nga vẫn có kho dự trữ. Kể từ năm 2010, một nỗ lực dịch chuyển sản xuất về nước đã được khởi động và chính phủ Nga hồi cuối tháng Hai đã quyết định thúc đẩy sản xuất trong ngành hóa chất và dược phẩm.
Nhìn sang nước Mỹ, theo Le Figaro, có môt sự tỉnh thức đầy đau đớn. Với virus corona, người Mỹ mới nhận ra sức khỏe của họ phụ thuộc vào « đại địch thủ » Trung Quốc như thế nào. Mặc dù Mỹ vẫn duy trì sản xuất những hoạt chất chính và các nhà máy vẫn bào chế dược phẩm, nhưng Trung Quốc vẫn thống trị thị trường Mỹ về dược liệu và các hoạt chất chính để sản xuất thuốc đồng dạng và kháng sinh đồng dạng. Tình trạng này tạo ra sự suy yếu chiến lược nghiêm trọng cho nước Mỹ.
Trong một báo cáo của Hội đồng quan hệ đối ngoại, nhà nghiên cưu Yang Zong Yuhan nhắc tới một cuộc trao đổi ở Nhà Trắng mà nhà báo Mỹ Bob Woodward từng nới tới, theo đó kinh tế gia trưởng Gary Cohn của Nhà Trắng lưu ý là trong cuộc chiến thương mại, Trung Quốc có thể dùng thuốc kháng sinh để đáp trả Mỹ vì Trung Quốc cung cấp tới 97 % lượng kháng sinh tiêu thụ tại Mỹ : « Nếu quý vị là người Trung Quốc và quý vị muốn hủy hoại nước Mỹ, đơn giản quý vị chỉ cần ngưng gửi thuốc kháng sinh cho chúng tôi ».
Nhà nghiên cứu Rosemary Gibson của viện Hastings nhấn mạnh virus corona càng khiến Mỹ có ý thức về sự phụ thuộc nói trên. Tân Hoa Xã hôm 04/03 nhận định kịch bản Trung Quốc ngưng xuất khẩu thuốc men sang Mỹ sẽ gây khó khăn cho Mỹ, « nhấn chìm nước Mỹ trong đại dương virus corona ». Nhiều nhà chiến lược Mỹ có ý tưởng tách rời nền kinh tế Mỹ khỏi Trung Quốc. Tại Hạ Viện, một nhóm dân biểu Dân Chủ và Cộng Hòa đề xuất một dự luật nhằm khuyến khích việc « hồi hương » một số dây chuyền sản xuất thuốc.
Tuy nhiên, tất cả các chuyên gia về hồ sơ này đều lưu ý về những khó khăn liên quan đến thời hạn, chi phí, kiến thức hiểu biết để tái lập nền sản xuất. Chuyên gia Đức Laufer cũng tỏ ý hoài nghi về lâu dài : « Việc này sẽ phải mất nhiều năm, các quy trình sản xuất hóa học tinh khiết rất phức tạp, nhất là phải sáng chế ra các công nghệ riêng để đảm bảo tôn trọng tiêu chuẩn xanh (…) Việc này đương nhiên sẽ phải có sự hợp tác chặt chẽ giữa các nước châu Âu, bởi vì các nước không thể sản xuất toàn bộ chỉ trong nước họ (…) Tất cả những điều trên đòi hỏi có sự thay đổi thực sự trong tư duy. »
Thùy Dương (RFI)

25/04/2020

Covid-19: Ba yếu tố giúp Đức chống dịch tốt hơn Pháp


Pháp và Đức là hai nước châu Âu có số lượng ca nhiễm virus corona gần như nhau, nhưng số tử vong tại Đức chỉ bằng 1/4 số người chết tại Pháp. Trong thời gian qua, Pháp phải vất vả chống chọi với dịch bệnh, trong lúc Đức lại bình thản hơn, thậm chí còn có khả năng nhận cả trăm bệnh nhân Pháp trong tình trạng nguy kịch qua chữa trị tại các bệnh viện Đức.
Do đâu mà Đức lại có thể chống được dịch Covid-19 bệnh tốt hơn Pháp như vậy? Đây là một câu hỏi mà nhật báo Pháp Les Echos ngày 23/04 đã thử tìm cách trả lời và cho rằng kinh nghiệm thành công của Đức là một “bài học” mà Paris cần suy ngẫm.
Gần nhau về ca nhiễm nhưng khác xa nhau về ca tử vong
Khác biệt Pháp-Đức trong vấn đề chống dịch Covid-19 được thấy rõ qua những con số. Theo thống kê của trường Đại Học Mỹ Johns Hopkins, tính đến hết ngày 23/04, Pháp và Đức là hai nước thuộc diện bị virus tác hại nặng nề nhất, đứng thứ ba và thứ tư châu Âu (sau Tây Ban Nha và Ý). Về số lượng ca nhiễm, Pháp có gần 160.000 trường hợp cao hơn một chút so với Đức, có hơn 153.000 ca nhiễm.
Thế nhưng khi xét về số ca tử vong vì virus corona, tình hình ở Pháp tồi tệ hơn rất nhiều so với Đức. Tính đến ngày 23/04, Pháp đã ghi nhận 21.856 người chết, trong lúc ở Đức “chỉ” có 5.575 trường hợp.
Trong lúc hệ thống bệnh viện Pháp lâm vào tình trạng gần như là quá tải, với số giường hồi sức không đủ đáp ứng nhu cầu, thì sức chứa của các bệnh viện Đức cao hơn hẳn, và Berlin đã mở cửa đón nhận khoảng 200 bệnh nhân các nước láng giềng đang gặp khó khăn, trong đó có đến 130 bệnh nhân Pháp.
Ba yếu tố dẫn đến thành công
Các số liệu trên đây cho thấy rõ thực tế theo đó Đức đã thành công hơn Pháp trong việc khống chế dịch bệnh. Theo Les Echos, có ba yếu tố chủ chốt giải thích thành công của Đức:
1/ Dự đoán tốt hơn về nguy cơ đại dịch để sẵn sàng đối phó. Ngay khi những trường hợp tử vong đầu tiên xuất hiện tại Đức, chính quyền nước đã triển khai ngay lập tức một chiến lược truy tìm người nhiễm virus có hiệu quả, kềm hãm được đà lây lan trong dân chúng.
Một ví dụ cụ thể: Hiện nay, Đức đang thực hiện từ 300.000 đến 500.000 xét nghiệm mỗi tuần, so với không đầy 100.000 xét nghiệm  tại Pháp tính đến cuối tháng 3.
2/ Chuyển ngay trọng tâm vào việc chế tạo trang thiết bị y tế. Tính linh hoạt cao của guồng máy sản xuất Đức, được các liên đoàn chuyên nghiệp điều phối kịp thời, đã cho phép nước Đức chuyển hướng nhanh chóng qua việc sản xuất với số lượng lớn các phương tiện xét nghiệm và các thiết bị hô hấp nhân tạo cần thiết cho việc chống Covid-19.
3/ Sự tồn tại của một hệ thống y tế vững chắc. Theo số liệu của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, vào lúc dịch bệnh mới bùng lên, hệ thống bệnh viện ở Đức có đến 28.000 giường “hồi sức” (hay chăm sóc đặc biệt), trong lúc ở Pháp chỉ có khoảng 5.500 giường loại này. Chi phí bình quân theo đầu người về y tế tại Đức lên đến 6.000 đô la, trong lúc tại Pháp, con số này chỉ khoảng 5.000.
Sự kết hợp của ba yếu tố kể trên là chìa khóa thành công của Đức, và đây không phải là lần đầu tiên mà Berlin chống chọi với khủng hoảng tốt hơn Pháp.
Đức có truyền thống đối phó với khủng hoảng tốt hơn Pháp
Theo Les Echos, trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro 2009-2012 chẳng hạn, Đức đã phục hồi nhanh hơn Pháp, nhanh chóng khống chế được thất nghiệp, có được thặng dư thương mại và duy trì được nợ công ở mức vừa phải. Ngược lại thì tại Pháp, cả nợ công lẫn thất nghiệp đều bùng nổ !
Đối với nhật báo Pháp, tuy chưa thể đưa ra tổng kết cuối cùng về các tác hại y tế và xã hội mà con virus corona chủng mới gây ra cho châu Âu, nhưng có thể cho rằng Đức sẽ vượt qua khủng hoảng nhanh chóng và mạnh mẽ hơn tất cả các láng giềng khác.
Mai Vân (RFI)

24/04/2020

Người sống tham lam giống như tự vác đá đè chân mình


Đời người nằm giữa hai vạch sinh và tử. Vậy thì giữa sinh và tử đó, phải sống sao cho xứng một kiếp người?

Trong Phật giáo có câu chuyện cổ kể rằng:
Trước đây rất lâu, tại nước Bà La Nại ở Ấn Độ cổ có một người đàn ông cần cù chịu khó, ăn tiêu tằn tiện, nhưng vẫn phải sống cuộc đời khổ cực quanh năm. Mỗi khi kiếm được tiền, ông lại gom góp đổi lấy vàng  sau đó cho vào một chiếc bình niêm phong lại rồi chôn trong nhà. Năm tháng qua đi, số vàng mỗi ngày một nhiều hơn, niềm vui của ông ta cũng theo đó mà dần dần tăng lên.
Ngày qua tháng lại, nhờ vào sự chắt bóp chi tiêu của mình, cuối cùng ông cũng tích góp được đầy 7 bình vàng. Tuy nhiên cùng với việc số vàng tăng lên thì sức khỏe của ông lại ngày một giảm đi. Cho đến một ngày, ông lâm trọng bệnh, nhưng vì tiền chữa trị tốn kém cho nên ông quyết định thà chết chứ không chịu bỏ tiền ra chữa bệnh. Kết quả là không lâu sau thì ông qua đời…
Sau khi chết, vì tiếc nuối không dứt 7 bình vàng, ông ta liền biến thành một con rắn độc, ngày ngày canh giữ số vàng của mình. Thời gian cứ như vậy qua đi, vật đổi sao dời, rất rất nhiều năm sau ông mới tỉnh ngộ ra rằng: “Chỉ vì bản thân quá tham lam, mê đắm vào tiền tài vật chất mà ta phải mang thân rắn độc, mãi vẫn không thể siêu thoát”. Khi ngộ ra điều đó và quyết định nguyện mang toàn bộ số vàng đi cúng dường, rất nhanh ông đã được chuyển sinh sang kiếp mới.

Tương truyền, người đàn ông trong câu chuyện trên chính là một tiền kiếp của tôn giả Xá Lợi Phất, một trong mười đại đệ tử của Đức Phật Thích Ca. Khi con người quá mê đắm vào tiền bạc, vật chất, trong tâm chứa đầy lòng tham lam sân hận, thì chính họ cũng đang tự đeo cho mình chiếc gông cùm phong bế tâm hồn. Cũng giống như người đàn ông kia, vì tham lam bủn xỉn mà phải mang thân rắn độc, ngàn năm không được siêu thoát. Nhưng một khi đã ngộ ra, biết gột rửa nhân tâm, thì một niệm ấy cũng đủ để phá tan gông cùm, xiềng xích, giải thoát tự thân.
Trong cuộc sống, những thứ tâm như oán hận, sân si, cũng chính là những viên gạch xây nên nhà lao, ngục tối giam hãm tâm hồn chúng ta. Chỉ khi nào chúng ta có thể buông bỏ mọi thứ ràng buộc, thoát khỏi cám dỗ của vật chất bên ngoài, chúng ta sẽ nhận ra rằng: Tất cả chỉ là hư ảo.

Nếu như tiền tài công danh chỉ là hư ảo, vậy điều gì mới là đáng giá?
Nhiều người trong chúng ta không ngừng đi tìm kiếm cho mình câu trả lời cho câu hỏi: “kiếp người sống vì điều gì?”. Nếu như tiền bạc, công danh không phải là thứ để theo đuổi, vậy thì điều gì mới là thứ đáng để cho chúng ta theo đuổi?
Có câu: “Đời người nằm giữa hai vạch sinh và tử”. Giữa sinh và tử đó, có người thì an nhiên tự tại, sống một cuộc sống ý nghĩa, một cuộc sống với tâm hồn thăng hoa cao thượng, tìm được cho mình ý nghĩa chân chính để làm người. Nhưng ngược lại cũng có người như con rắn kia, sống cuộc đời cơ cực mà cuối cùng lại vô nghĩa, lầm đường lạc lối chỉ vì tham lam, si hận vào những thứ vật chất ngoài thân.

Kỳ thực tiền tài vật chất hay danh vọng suy cho cùng nó cũng chỉ là thứ niềm vui bề mặt, chỉ người mê muội, không đủ lý trí mới chọn mà thôi. Thử hỏi xưa nay các bậc thánh nhân vĩ đại nào có ai theo đuổi nó?

Không, điều mà các bậc thánh nhân theo đuổi chính là cảnh giới trong tâm hồn. Một người đạt được niềm vui thực tại trong tâm hồn của mình thì đó mới là thứ đáng giá. Vậy nên, tu dưỡng để thăng hoa tâm hồn, sống bao dung, độ lượng, lấy thiện đãi người, hành thiện tích đức, tìm về bản ngã, đó mới là chân lý làm người. Khi làm được như vậy, chúng ta sẽ thấy rằng cuộc sống
thật nhẹ nhàng, thanh thoát, niềm vui tự tại, luôn hiện bên mình, sống một đời ý nghĩa.
Minh Vũ

23/04/2020

Con dâu tiết lộ tin động trời khi nhận tiền thưởng nóng của mẹ chồng


Nhận 2 tỷ thưởng nóng của mẹ chồng khi mang thai, con dâu không thể im lặng. Cô đã tiết lộ chuyện động trời. Thu đành khai hết với mẹ chồng. Cô thừa nhận cái thai không phải của Huy.

Thu với Huy cưới nhau gần 4 năm, tình cảm vợ chồng vô cùng quấn quýt song Thu vẫn chưa một lần mang bầu, sinh nở. Trong khi đó, Huy lại là con 1, điều này khiến mẹ chồng cô lo lắng đứng ngồi. Bà thương Thu nhưng cũng mong cháu, vậy nên thấy con dâu mãi không mang thai lòng bà nóng như lửa đốt.

Đợi 1 năm sau khi đón dâu mà vẫn chưa thấy Thu có tin vui, bà giục vợ chồng cô vào viện khám. Mặc dù kết quả cả hai đều bình thường nhưng bà vẫn không yên tâm. Thậm chí mong cháu quá bà còn treo thưởng cho vợ chồng Thu, nếu sinh được sớm, không cần biết là trai hay gái bà sẽ thưởng lớn.

Vậy nhưng càng mong càng chẳng thấy, dần dần bà bắt đầu sinh nghi rằng vợ chồng Huy không có con là do Thu. Rồi bà bắt đầu thể hiện thái độ với nàng dâu. Nếu trước đây bà luôn vui vẻ quan tâm Thu thì giờ ngược lại bà lạnh nhạt với cô vô cùng. Nhiều khi có khách tới chơi, họ hỏi chuyện con cái, bà liếc nhìn Thu chép miệng: "Chắc nhà tôi ít phúc, lấy phải dâu không biết đẻ thì biết sao được".

Ảnh minh họa

Thu nghe mẹ chồng nói mà tái mặt song cũng không dám đáp gì. Cũng vì thế mà cuộc sống làm dâu của cô mỗi lúc một thêm căng thẳng. Đấy là còn chưa kể, sau lưng Thu, bà liên tục thúc con trai bằng giá nào cũng phải sinh cháu cho bà không thể để gia đình tuyệt tự được. Căng hơn, bà còn đưa ra cả phương án, nếu thật sự Thu không sinh nở được, bà sẽ dẫn Huy ra ngoài gửi con.

Song đến cuối năm vừa rồi, Thu bất ngờ thông báo có bầu khiến mẹ Huy mừng rơi nước mắt. Giữ đúng lời hứa, con dâu mang thai bà sẽ thưởng nên bà hỏi vợ chồng Thu muốn gì. Bất ngờ, Huy muốn xin mẹ cho phép đưa vợ ra ở riêng. Anh nói vì sắp có con nên muốn có không gian riêng cho gia đình nhỏ của mình. Tuy rằng không muốn nhưng mẹ chồng Thu vẫn đồng ý. Bà tặng luôn căn chung cư mình mới mua năm ngoái với giá hơn 2 tỷ cho con trai, con dâu dọn tới ở.

Sắp có cháu, mẹ Huy như được tiếp thêm sức sống. Không ngày nào là ngày bà không gọi điện sang nhắc con dâu phải ăn uống, giữ gìn. Rồi cứ vài ngày bà lại xách cả làn thức ăn đã làm sẵn mang bỏ tủ cho con dâu dùng dần. Thu được mẹ chồng quan tâm vậy cảm động lắm.

Khi cô bước sang những tháng cuối của thai kỳ, Huy lại đi công tác. Sốt ruột, mẹ Huy chốc lát lại bắt taxi sang ngó nghiêng con dâu xem có cần đỡ đần gì không. Hôm ấy cũng thế. Sáng đi chợ mua được ít tôm ngon, mẹ chồng Thu làm sạch tính mang cho con dâu hấp ăn.

Đến nơi, thấy cửa phòng mở, bà cứ vậy nhẹ nhàng đi vào, ai ngờ vừa tới cửa phòng ngủ của Thu bà sững người nghe tiếng con dâu nói chuyện điện thoại với chồng: "Em lo lắm anh ạ. Chỉ sợ sau này sinh con ra, nhỡ đứa nhỏ có đặc điểm gì không giống với nhà mình, mẹ lại nhận ra nó không phải máu mủ của bà thì lúc đó biết ăn nói làm sao".

Hộp tôm trên tay bà rơi bẫng xuống sàn vỡ tan tành. Thu giật mình vội quay ra. Mẹ Huy đã lao vào túm lấy con dâu gào thét: "Con nói đi, như thế là thế nào? Cái thai trong bụng con nó không phải con thằng Huy phải không? Vậy nó là của ai. Thằng Huy cũng đã biết?... Thế là thế nào?".

Biết không thể giấu được nữa, Thu đành khai hết với mẹ chồng. Cô thừa nhận cái thai không phải của Huy. Sự thật cách đây 5 năm, lúc còn đang yêu Thu, Huy bị tai nạn lao động, nửa người phía dưới bị thương nặng dẫn tới mất khả năng sinh con. Vì sợ mẹ biết sẽ không chịu được cú sốc ấy nên anh giấu. Với Thu anh cũng chủ động chia tay để tránh làm gánh nặng cho cô nhưng Thu không chịu. Cô chấp nhận hi sinh thiên chức làm mẹ của mình miễn được cùng Huy xây dựng hạnh phúc.

Sau cưới, thấy mẹ căng thẳng chuyện sinh con nối dõi, lại không dám nói hết sự thật nên Huy quyết định đưa vợ vào viện xin phôi thụ tinh nhân tạo. Đó cũng chính là lý do hai người quyết định ra ở riêng để tránh lộ chuyện.

Mẹ Huy nghe con dâu nói mà nước mắt bà không ngừng rơi. Bà thương Huy, lại xót và nể phục tấm lòng của nàng dâu dành cho con trai mình. Đồng thời bà cũng trách bản thân quá vô tâm, không hiểu mà còn trách oan Thu trong suốt thời gian vừa rồi. Vậy là từ đó bà coi đứa trẻ trong bụng Thu chính là cháu ruột của mình và yêu thương Thu hơn gấp bội.
Sưu tầm


20/04/2020

Tại sao Albert Einstein từ chối làm Tổng thống Israel?


Nhà bác học Einstein không muốn trở thành Tổng thống Israel. Vị trí mà bao người mớ ước nhưng ông quyết không nhận. Lý do là gì?
Trong thâm tâm, Albert Einstein nhận thấy việc Israel liên tục gây xung đột quân sự với các quốc gia Arập và đuổi dân tộc Palestine ra khỏi lãnh thổ là việc làm đi ngược lại nguyện vọng của mình, nên ông quyết định từ chối trở thành tổng thống Israel.
Albert Einstein sinh năm 1879 tại thành phố Ulm của Đức trong một gia đình thương nhân gốc Do Thái đã bị đồng hóa. Đến năm 1896, ông từ bỏ quốc tịch Đức để tránh phải đi quân dịch, rồi bỏ sang sinh sống tại Thụy Sĩ. Năm 1911, tại thủ đô Prague của Tiệp Khắc, nơi ông được phong giáo sư, Albert Einstein bắt đầu tạo lập những mối quan hệ với cộng đồng người Do Thái sinh sống tại đây.

Nhà bác học Albert Einstein.

Chính trong thời gian làm việc và sinh sống tại Tiệp Khắc mà Albert Einstein cảm nhận sự căng thẳng về sự bài xích người Do Thái trong cộng đồng người Tiệp Khắc và cả trong cộng đồng người Đức. Chỉ cho đến năm 1914, khi quay về lại Đức thì Albert Einstein mới nhận thức được sự trầm trọng của vấn đề bài xích người Do Thái là như thế nào.
Có điều Albert Einstein phải lo âu: chính những người Do Thái ở Đức lại tỏ ra xa lạ và hắt hủi cả đối với những người anh em Do Thái đến từ Ba Lan và Nga. Đau xót về sự phân biệt và kỳ thị này, tại Hội nghị những người Do Thái sinh sống tại Đức, Albert Einstein tuyên bố không còn hãnh diện vì là một người Do Thái nữa, nhất là một người Đức gốc Do Thái.
Năm 1919, sau cuộc gặp gỡ với Kurt Blumenfeld, lãnh tụ có tư tưởng cực đoan của cộng đồng người Do Thái sinh sống ở Đức, Albert Einstein tuyên bố sẽ từ bỏ gốc gác Do Thái của mình. Ông khẳng định: “Nếu buộc phải sống chung với những người hẹp hòi và bạo lực, tôi sẽ là người đầu tiên từ bỏ mọi gốc gác dân tộc của mình”.
Đối với ông, cách tốt nhất để người Do Thái được tồn tại như một dân tộc, như mọi dân tộc khác trên thế giới, là nên chung sống hòa bình và giao lưu văn hóa với các dân tộc khác. Chính quan điểm này của Albert Einstein đã không làm hài lòng những lãnh tụ Do Thái có tư tưởng dân tộc cực đoan vào thời kỳ đó như Kurt Blumenfeld, Martin Bruber...

Những “rạn nứt” đầu tiên với gốc gác Do Thái của mình đã xảy ra với Albert Einstein khi ông tháp tùng cùng Chaim Weizmann, một nhà hóa học người Do Thái sinh sống tại Anh, lãnh tụ Phong trào vận động thành lập một Nhà nước Do Thái (Sionisme), sau đó trở thành Tổng thống đầu tiên của Israel từ năm 1949 - 1952, đến Mỹ để vận động gây quỹ xây dựng một trường đại học Do Thái ở Jerusalem.
Được Tổng thống Harding, Thị trưởng thành phố New York, các viện đại học và cộng đồng người Do Thái sinh sống tại Mỹ, đón tiếp, Albert Einstein vẫn giữ nguyên nụ cười hiền hậu cố hữu của mình khi hình ảnh ông xuất hiện liên tục trên các phương tiện truyền thông. Thế nhưng, điều khiến Albert Einstein phiền lòng không ít trong chuyến đến Mỹ này là việc Chaim Weizmann đã lợi dụng tên tuổi của ông để tô bóng hình ảnh của mình trước cộng đồng người Do Thái ở Mỹ với mưu đồ riêng tư.
Năm 1923, Albert Einstein đến vùng Palestine ở Trung Đông, nơi mà cả cộng động người Do Thái và Arập cùng chung sống với nhau dưới sự kiểm soát của chính quyền Anh. Tại đây, ông hiểu ra rằng, cách tốt nhất để thành lập và tồn tại một nhà nước Do Thái ở Trung Đông là phải biết đối xử công bằng và tôn trọng các dân tộc A-rập khác. Ông cực lực phản đối việc các lãnh tụ Do Thái có tư tưởng dân tộc cực đoan luôn hô hào phải dùng vũ lực để tranh giành đất đai với người A-rập.

Vào ngày 14/5/1948, Nhà nước Do Thái đầu tiên đã ra đời tại Trung Đông trên một phần lãnh thổ Palestine và lấy tên Israel. Thế nhưng, điều khiến Albert Einstein thất vọng không ít là các cuộc xung đột và hận thù luôn tăng cao giữa những người Israel và người A-rập. Điều này đã đi ngược lại nguyện vọng ban đầu của ông là mong muốn dân tộc Do Thái và các dân tộc A-rập luôn được sống trong hòa bình.
Năm 1952, khi Chaim Weizmann, Tổng thống đầu tiên của Nhà nước Israel qua đời, người mà tất cả những người Do Thái mong muốn sẽ trở thành tổng thống kế tiếp của Israel không ai khác hơn là Albert Einstein. Đây cũng là sự nhất trí trong nội các chính phủ của Thủ tướng Ben Gourion vào tháng 11/1952. Thế nhưng, Albert Einstein đã quyết định từ chối trở thành tổng thống Israel trong một bức thư gửi cho Đại sứ Israel tại Mỹ Abba Eban vào ngày 18/11/1952.
Bức thư có nội dung: “Kính gửi ngài đại sứ. Tôi rất cảm động về lời đề nghị trở thành tổng thống Israel nhân danh Thủ tướng Ben Gourion, nhưng cũng rất buồn vì phải từ chối lời đề nghị này. Do cả cuộc đời của tôi chỉ biết cống hiến cho khoa học nên tôi cho rằng mình không đủ tố chất và kinh nghiệm để điều hành công việc của một quốc gia. Hơn nữa, tuổi tác và sức khỏe là rào cản vô hình khó có thể giúp tôi hoàn thành một nhiệm vụ quan trọng như vậy. Thế nhưng cho dù có ở bất cứ nơi đâu, trong bất kỳ hoàn cảnh nào, tôi vẫn cố gắng làm tốt nhiệm vụ của một người Do Thái. Ước nguyện của tôi là muốn thấy một Nhà nước Do Thái chung sống hòa bình với các dân tộc Arập khác. Tôi hy vọng đất nước Israel sẽ tìm được một người kế thừa xứng đáng cho cố Tổng thống Weizmann”.

Việc này đã trở thành một sự kiện nổi tiếng cuối cùng trong cuộc đời vốn dĩ đã rất nổi tiếng của Albert Einstein, bởi sau đó ông lui về sống nốt những năm tháng còn lại của cuộc đời tại Princeton cho đến khi qua đời vào năm 1955.
Sưu tầm

19/04/2020

Chuyện Tử Tế : TÌNH NGƯỜI ...VÔ GIÁ



Cô y tá bước vào phòng bệnh với gương mặt lo âu, hồi hộp, xen lẫn chút mệt mỏi, theo sau là anh thủy thủ điềm đạm với những nét khắc khổ trên khuôn mặt. Hai người lặng lẽ tiến lại gần người đàn ông đang nằm bất động trên giường bệnh. Cô gái thủ thỉ vào tai ông: “Bác kính yêu, con trai bác đã về đến rồi đây!”
Người đàn ông không có phản ứng gì.. Có vẻ những liều thuốc an thần “nặng ký” để giảm những cơn đau tim quằn quại đã khiến ông chìm vào giấc ngủ mê mệt… Cô y tá phải nhắc đi nhắc lại nhiều lần ông mới nặng nề mở được đôi mắt vốn đã mờ đi vì bệnh tật. Những cơn đau tim dữ dội khiến cơ thể ông không còn một chút sức lực. Ông yếu ớt nhìn người thủy thủ cạnh giường mình, rồi nắm lấy tay anh.
Người thủy thủ vội vàng nâng đôi tay xanh xao gầy guộc của ông lão lên rồi nắm chặt, như thể muốn truyền cả tình yêu và lòng dũng cảm của anh sang cho ông lão. Ông chỉ nhìn anh run run mà không thể nói gì. Cô y tá biết cuộc hội ngộ này có ý nghĩa thế nào với ông lão và sẽ rất lâu để hai người có thể giãi bày hết tâm tư, nên cô lặng lẽ mang đến cho anh một chiếc ghế, đặt cạnh giường.
Suốt đêm ấy, anh lính biển cứ nắm lấy tay ông lão chẳng rời. Anh kể cho ông nghe những câu chuyện “sinh tử” khi làm nhiệm vụ. Có một lần anh đã suýt chết đuối. Hôm ấy biển động dữ dội, trời mưa rét, gió lạnh căm căm, hạm đội của anh phải đi tuần tra thăm dò một vùng biển được cho là bị phục kích. Thời tiết khắc nghiệt khiến tầm nhìn cả đoàn tàu bị hạn chế. Anh là đội trưởng, phải có trách nhiệm hướng dẫn cả đoàn. Trong lúc mải mê quan sát, cơn bão to dữ dội xô anh ngã khỏi tàu rơi thẳng xuống biển. Ai nấy đều hốt hoảng nhìn anh vùng vẫy trong cơn sóng to, rồi dần dần chìm xuống..
"Cha biết không? Lúc ấy, con tưởng cuộc đời mình chuẩn bị kết thúc rồi. Nước xộc vào mũi, cả cơ thể bị bao vây bởi nước, ngực nặng trĩu… Con tự hỏi, chết bây giờ thì có hối tiếc không?… Con chẳng nghĩ được nhiều nhưng thấy trái tim mình bình yên đến lạ… Con nghĩ đến đấng Tối cao trong con và tấm lòng từ bi
của Ngài… Nếu được đến với Ngài trong giây phúc này, con chắc chắn sẽ không hối hận…” Anh nghẹn ngào tiếp lời: “…và thế là, một Phép Lạ đã xảy ra… Con thấy cơ thể mình nhẹ nhàng từ từ nổi lên trên khỏi những cơn sóng, đồng đội con lúc ấy cũng đã kịp hoàn hồn dùng dây thả xuống để con bám mà kéo lên… Con đã được cứu sống một cách kỳ diệu như vậy đấy…!” Anh bảo chính tình yêu cuộc sống và sức mạnh của niềm tin vào đấng Tối cao đã giúp anh vượt qua những tình huống khó khăn, hiểm nghèo. Anh muốn ông hãy mạnh mẽ như cái cách anh đã làm để bảo vệ Tổ quốc. Khi tình yêu thương chiến thắng nỗi sợ hãi, sẽ không có chỗ cho khổ đau và hoạn nạn.
Rồi anh cũng kể về một mối tình đẹp đẽ nhưng không thành. Ngày ấy, khi anh chuẩn bị cầu hôn người đã chia ngọt sẻ bùi với anh suốt thời niên thiếu, thì nhận được tin anh phải đi đến Iraq tham chiến. Anh đã cảm thấy rất đau khổ và bế tắc khi bỏ lại người con gái anh yêu thương nhất. Nhưng giữa đất nước và tình yêu, anh chọn đất nước. Vì anh nghĩ rằng, nếu đất nước yên bình, người anh yêu cũng vì thế mà an vui. Anh khuyên cô hãy tìm một người đàn ông khác có thể chăm lo thật tốt cho cô, đừng đợi anh để rồi thất vọng. Vì anh chẳng biết đến ngày nào mình mới có thể về… Cũng không biết liệu mình có thể về được không. Nhưng anh không muốn kìm hãm sự tự do của người mà anh yêu.
Ông lão chẳng nói được gì, chỉ thỉnh thoảng gắng gượng nở một nụ cười mãn nguyện. Anh thấy cả những giọt nước mắt lăn dài trên má ông… Thấy trời đã khuya, cô y tá dịu dàng bước lại rồi bảo anh: “Anh nên nghỉ ngơi một chút, đã sang ngày mới rồi!”. Anh mỉm cười từ chối: “Cô hãy đi nghỉ đi, tôi muốn ở lại đây
thêm một lúc nữa…” Cô y tá ngập ngừng đáp lại: “Vậy tôi muốn ngồi lại đây với anh một lát”.
Rồi cô bắt đầu nói với anh, trước khi ông lão bị những cơn đau tim quái ác dày vò, ông hay kể với cô về con trai. Ông rất yêu đứa con này và luôn tự hào về anh. Ông nói anh rất dũng cảm và có một trái tim quảng đại. Ngày bé anh nghịch lắm, lúc nào cũng chỉ chăm chăm tìm vật dụng để hóa thân thành những anh hùng. Anh có đam mê với biển cả và những con tàu. Anh muốn sau này lớn lên sẽ trở thành một thủy
thủ, bảo vệ Tổ Quốc. Mỗi lần nhắc đến anh, hiện trong mắt ông lão đều là một sự hân hoan khó tả. Ông bảo anh đã xa ông từ rất lâu rồi. Ông chỉ ước một ngày được gặp lại con trai… Và thật may mắn khi anh đã có mặt ở đây…
Người lính trẻ không nói gì, chỉ cúi xuống hôn lên trán người đàn ông đã thiếp đi lúc nào không hay… Và anh cứ ngồi túc trực bên ông như thế, mãi cho đến khi bình minh ló rạng…
Sáng hôm sau, khi lại gần đánh thức ông, anh mới hay ông lão đã trút hơi thở cuối cùng… Lúc ấy, anh mới buông tay ông ra và gọi y tá… Sau khi bình tĩnh lại, anh lính trẻ quay sang nói với cô y tá: “Tôi muốn cho cô biết một sự thật…”. Cô y tá chỉ tròn xoe mắt: “Là sự thật gì vậy?”. “Tôi không phải con trai của ông ấy…Tôi chưa gặp ông bao giờ cả…”.
Cô y tá đi hết từ ngạc nhiên này đến ngạc nhiên khác. Cô hỏi anh nếu ông lão không phải cha anh vậy tại sao anh lại ở đó suốt đêm và trò chuyện với ông lão. Anh mỉm cười hiền từ: “Cô biết đấy… ông lão đang rất cần tình yêu của một đứa con trai. Tôi chỉ muốn bù đắp cho ông bằng tấm lòng của mình… Ông ấy già rồi, mà vẫn chưa một lần được gặp lại con mình…Và… tôi cũng mất cha từ khi còn rất bé, lâu rồi tôi không có ai để chia sẻ nhiều như thế…”.
Cô y tá không nén nổi xúc động, thắc mắc điều kỳ diệu gì đã mang anh đến đây. Anh nói đó là một sự tình cờ ngẫu nhiên. Anh đến bệnh viện tìm ông William Grey nào đó để báo tin con ông đã hy sinh ở Iraq, nhưng duyên phận đã khiến anh có mặt tại căn phòng này. Cô y tá nhìn anh run run: “Người đàn ông mà anh đã ở cạnh suốt đêm chính là William Grey…”
Cái đêm đặc biệt ấy đã khiến tâm hồn của ba con người thay đổi hoàn toàn. Ông lão được thỏa mãn nguyện ước cuối cùng của đời mình và có thể thanh thản để về bên kia thế giới. Chàng trai trẻ mồ côi cha lần đầu tiên được nắm tay một người để có thể chia sẻ, bộc bạch mọi khó khăn, bước ngoặt cuộc đời mà anh đã cô đơn bước qua.
Cô y tá được chứng kiến tận mắt một câu chuyện nhân sinh quan rất cảm động có thật trên đời, có lẽ sẽ càng khiến cô trở thành một người chăm sóc nhân hậu, thông cảm và thấu hiểu hơn nữa tình người. Trong cõi xa xăm nào đó, hai cha con ông lão hẳn sẽ được đoàn tụ với nhau, và người thủy thủ sẽ không phải nuối tiếc vì thiếu hơi ấm của người cha khi còn quá trẻ…
Vào một lúc nào đó, giữa dòng đời tấp nập, nếu có ai đó cần bạn thật sự, xin bạn hãy mở rộng tấm lòng mình như cái cách mà người thủy thủ đã làm với ông lão và với cuộc đời mình, để cảm nhận tình người và vị ngọt của sự chia sẻ, đồng cảm. Yêu thương người khác là yêu thương chính mình, bạn sẽ không bao giờ biết được hết giá trị của tình yêu không cần hồi đáp mà bạn cho đi.
Sưu Tầm