Pháp và Đức là hai nước châu Âu có số lượng ca nhiễm
virus corona gần như nhau, nhưng số tử vong tại Đức chỉ bằng 1/4 số
người chết tại Pháp. Trong thời gian qua, Pháp phải vất vả chống
chọi với dịch bệnh, trong lúc Đức lại bình thản hơn, thậm chí còn
có khả năng nhận cả trăm bệnh nhân Pháp trong tình trạng nguy kịch qua
chữa trị tại các bệnh viện Đức.
Do đâu mà Đức lại có thể chống được dịch Covid-19 bệnh
tốt hơn Pháp như vậy? Đây là một câu hỏi mà nhật báo Pháp Les Echos
ngày 23/04 đã thử tìm cách trả lời và cho rằng kinh nghiệm thành
công của Đức là một “bài học” mà Paris cần suy ngẫm.
Gần nhau về ca nhiễm nhưng khác xa nhau về ca tử vong
Khác biệt Pháp-Đức trong vấn đề chống dịch Covid-19
được thấy rõ qua những con số. Theo thống kê của trường Đại Học Mỹ
Johns Hopkins, tính đến hết ngày 23/04, Pháp và Đức là hai nước thuộc
diện bị virus tác hại nặng nề nhất, đứng thứ ba và thứ tư châu Âu
(sau Tây Ban Nha và Ý). Về số lượng ca nhiễm, Pháp có gần 160.000
trường hợp cao hơn một chút so với Đức, có hơn 153.000 ca nhiễm.
Thế nhưng khi xét về số ca tử vong vì virus corona, tình
hình ở Pháp tồi tệ hơn rất nhiều so với Đức. Tính đến ngày 23/04,
Pháp đã ghi nhận 21.856 người chết, trong lúc ở Đức “chỉ” có 5.575
trường hợp.
Trong lúc hệ thống bệnh viện Pháp lâm vào tình trạng
gần như là quá tải, với số giường hồi sức không đủ đáp ứng nhu
cầu, thì sức chứa của các bệnh viện Đức cao hơn hẳn, và Berlin đã
mở cửa đón nhận khoảng 200 bệnh nhân các nước láng giềng đang gặp
khó khăn, trong đó có đến 130 bệnh nhân Pháp.
Ba yếu tố dẫn đến thành công
Các số liệu trên đây cho thấy rõ thực tế theo đó Đức
đã thành công hơn Pháp trong việc khống chế dịch bệnh. Theo Les Echos,
có ba yếu tố chủ chốt giải thích thành công của Đức:
1/ Dự đoán tốt hơn về nguy cơ đại dịch để sẵn sàng đối
phó. Ngay
khi những trường hợp tử vong đầu tiên xuất hiện tại Đức, chính quyền nước
đã triển khai ngay lập tức một chiến lược truy tìm người nhiễm virus có
hiệu quả, kềm hãm được đà lây lan trong dân chúng.
Một ví dụ cụ thể: Hiện nay, Đức đang thực hiện từ 300.000
đến 500.000 xét nghiệm mỗi tuần, so với không đầy 100.000 xét
nghiệm tại Pháp tính đến cuối tháng 3.
2/ Chuyển ngay trọng tâm vào việc chế tạo trang thiết bị
y tế. Tính
linh hoạt cao của guồng máy sản xuất Đức, được các liên đoàn chuyên
nghiệp điều phối kịp thời, đã cho phép nước Đức chuyển hướng nhanh
chóng qua việc sản xuất với số lượng lớn các phương tiện xét nghiệm và các
thiết bị hô hấp nhân tạo cần thiết cho việc chống Covid-19.
3/ Sự tồn tại của một hệ thống y tế vững chắc. Theo số liệu
của Tổ Chức Hợp Tác và Phát Triển Kinh Tế OCDE, vào lúc dịch bệnh
mới bùng lên, hệ thống bệnh viện ở Đức có đến 28.000 giường “hồi
sức” (hay chăm sóc đặc biệt), trong lúc ở Pháp chỉ có khoảng 5.500
giường loại này. Chi phí bình quân theo đầu người về y tế tại Đức
lên đến 6.000 đô la, trong lúc tại Pháp, con số này chỉ khoảng 5.000.
Sự kết hợp của ba yếu tố kể trên là chìa khóa thành
công của Đức, và đây không phải là lần đầu tiên mà Berlin chống chọi
với khủng hoảng tốt hơn Pháp.
Đức có truyền thống đối phó với khủng hoảng tốt hơn
Pháp
Theo Les Echos, trong cuộc khủng hoảng khu vực đồng euro
2009-2012 chẳng hạn, Đức đã phục hồi nhanh hơn Pháp, nhanh chóng khống chế
được thất nghiệp, có được thặng dư thương mại và duy trì được nợ công ở
mức vừa phải. Ngược lại thì tại Pháp, cả nợ công lẫn thất nghiệp đều
bùng nổ !
Đối với nhật báo Pháp, tuy chưa thể đưa ra tổng kết cuối
cùng về các tác hại y tế và xã hội mà con virus corona chủng mới gây ra
cho châu Âu, nhưng có thể cho rằng Đức sẽ vượt qua khủng hoảng nhanh
chóng và mạnh mẽ hơn tất cả các láng giềng khác.
Mai Vân (RFI)
Tính hiệu quả trong điều trị ở Đức cho thấy từ cơ sở vất chất đến đội ngũ y-bác sĩ đầy đủ và ứng phó tốt với tình hình dịch bệnh.
Trả lờiXóaSau trận dịch này Liên minh Chấu Âu rút ra vô số bài học. Nhất là nước Pháp, người dân Pháp trách thái độ quan liêu Nhà cầm quyền Pháp, phản ứng chậm chạp nên dịch bệnh hoành hành như hiện nay.
Trả lờiXóahttps://static.robocon.com.vn/api/images/20170317/thu-hai-4.jpg