Trang

30/07/2022

Đoạn Kết Buồn Của Những Người Trúng Số

"Các bằng chứng cho thấy phần lớn những người lọt vào top 1% nhà giàu nhờ trúng xổ số thường không giữ được lâu", tờ Washington Post nhận định.

 

Cô Mavis L.Wanczyk tại bang Massachusetts từng thắng giải xổ số Powerball được cho là lớn nhất trong lịch sử với 758,7 triệu USD. Tương tự như nhiều người trúng số khác, cô Marvis bỏ việc, từ chối những lời khuyên tài chính để có cuộc sống hưởng thụ theo ý thích của mình.

 

Thế nhưng nhiều chuyên gia đặt câu hỏi liệu cô Mavis có bước tiếp theo vết xe đổ của lời nguyền những người trúng xổ số, khi tiền không đem lại hạnh phúc thực sự mà chỉ đi kèm những đau khổ.

Theo hãng tin CNBC, những người trúng xổ số tại Mỹ thường phá sản nhanh hơn 3-5 năm so với bình quân cả nước. Thậm chí những người được cho là may mắn này cũng chẳng hạnh phúc hay mạnh khỏe hơn sau khi trúng số.

 

Đồng quan điểm, chuyên gia kinh tế Jay L.Zagorsky thì nhận định việc trúng xổ số thay vì giúp cải thiện tình hình tài chính của mọi người thì lại đẩy họ vào cảnh phá sản nhanh hơn. Nói đơn giản là người giàu không phải giàu vì nhiều tiền mà là vì họ biết cách xây dựng tài sản hoặc khiến tiền đẻ ra tiền.

 

Không riêng gì tại Mỹ, nghiên cứu của National Endowment cũng cho thấy 70% số người trúng xổ số tại Phương Tây có kết cục phá sản và số còn lại cũng đang trên đà tuyên bố vỡ nợ. Chỉ có một phần rất nhỏ những người trúng giải là giữ được cuộc sống bình yên.

Theo Endowment, việc những người bình thường bất ngờ có số tiền lớn nhưng không được đào tạo về cách chi tiêu, đầu tư cũng như lối sống của người giàu khiến họ chi tiêu vô độ bất hợp lý, có những quyết định đầu cơ tồi và chẳng bao giờ tính toán xem còn bao nhiêu trong tài khoản.

 

"Tôi ước mình đã xé đôi tờ vé số đó cho rồi"

Anh Jack Whittaker, người đã từng trúng 315 triệu USD xổ số tại bang West Virginia năm 2002 từng nói với tạp chí Time rằng: "Tôi ước mình đã xé đôi tờ vé số ấy đi cho rồi".

 

Sau khi trúng số, lần lượt con gái và cháu gái của anh Whittaker qua đời vì dùng thuốc phiện quá liều trong những cuộc ăn chơi trác táng. Chỉ 8 tháng sau khi trúng giải, anh Whittaker bị mất trộm 545.000 USD. Những gì mà người trúng số này trải qua thực chẳng hề hạnh phúc như mọi người vẫn nghĩ.

Công ty của anh Whittaker bị kiện tụng liên miên bởi những người muốn bòn rút số tiền thưởng mà anh nhận được để rồi đến mức phải giải thể.

 

Quá chán nản, Whittaker bắt đầu ngập trong rượu chè, gái gú và vung tiền để ngủ với bất kỳ phụ nữ nào anh có hứng thú. Xin được nhắc là khi trúng giải, bản thân Whittaker đã là nhà giàu với công ty có doanh thu 15 triệu USD mỗi năm. Thế nhưng tờ vé số nghiệt ngã đã tước đi mọi người mà Whittaker yêu thương cũng như toàn bộ sự nghiệp của anh.

 

 

Chuyên gia tư vấn tài chính Don McNay chuyên giúp đỡ những người trúng xổ số cho biết rất nhiều người trong giới này kết thúc với tự sát, trầm cảm hay tan vỡ hạnh phúc gia đình.

"Nó cứ như một lời nguyền vậy bởi trúng xổ số chẳng cải thiện cuộc sống của họ là bao, thay vào đó lại khiến nó tệ đi", chuyên gia McNay than vãn.

Một trong những điều khó chịu nhất với người trúng xổ số là sự mè nheo của bạn bè, người thân và gia đình khi họ cũng muốn là một phần của số tiền thưởng lớn đó.

 

Chuyên gia tài chính Charles Conrad của hãng Szarka Financital cho biết khi bạn bè và người thân nhận ra bạn trúng xổ số, chắc chắn họ sẽ kỳ vọng nhận được chút ít trong số tiền thưởng đó hoặc bạn sẽ giúp họ giải quyết vài vấn đề về tài chính. Trong trường hợp này, rất nhiều người khó từ chối bởi mối quan hệ quá thân thiết hoặc bạn đã nhận một ân huệ từ họ trước đó.

 

Anh Abraham Shakespeare từng thắng 40 triệu USD xổ số tại Florida vào năm 2006 và người đàn ông này sẵn sàng chia sẻ số tiền mình có cho hầu như bất kỳ ai gặp khó khăn. Bản thân Abraham đã từng bỏ học và mù chữ nên việc anh trúng số khiến nhiều người ganh ghét. Các đồng nghiệp đã kiện cáo để đòi chia số tiền thưởng vì họ đã mua hộ vé số cho Abraham.

 

"Tôi thà phá sản còn hơn trúng số như thế này. Tôi đã nghĩ rằng tất cả mọi người vẫn sẽ là bạn của tôi, nhưng rồi nhận ra cuối cùng họ cũng chỉ vì tiền", anh Abraham than vãn.

 

Thế rồi Abraham gặp cô Dee Dee Moore, người tự giới thiệu là nhà văn và muốn viết về trải nghiệm của anh, đồng thời đề nghị quản lý tiền bạc cho người đàn ông mù chữ này. Mê mệt vì sắc đẹp của Moore, anh Abraham đồng ý để người phụ nữ này cầm tiền để rồi sau đó cô ta vung tay chi tiêu.

Tệ hơn, sau khi đã gần hết tiền, Moore quyết định sát hại Abraham rồi chôn dưới sân nhà và làm giả tin nhắn để mọi người vẫn nghĩ rằng anh ta còn sống. Cuối cùng cảnh sát cũng phát hiện ra vụ việc và Moore bị truy tố vì tội danh giết người cấp độ 1.

 

Tự sát vì trúng số

Nếu bạn vẫn nghĩ rằng tờ vé số là sự may mắn thì hãy đến với trường hợp của Billie Bob Harrell Jr, người trúng 30 triệu USD vào năm 1997 tại Texas. Cũng tương tự như nhiều trường hợp trúng số khác, anh Billie đã hào phóng chi tiền giúp đỡ cho gia đình, người thân, bạn bè và cả người trong Hội thánh. Thế nhưng những người thân này chẳng biết điểm dừng khi liên tục vòi tiền anh, dẫn đến những cuộc cãi vã.

 

Thế rồi khi phải ly hôn vợ và các anh em trong gia đình không còn muốn nhìn mặt nhau, anh Billie đã không thể chịu đựng nổi nữa.

"Trúng xổ số là điều tồi tệ nhất xảy ra trong cuộc đời tôi", người đàn ông từng được cho là may mắn này thú nhận.

Chỉ chưa đầy 2 năm sau ngày trúng giải, anh Billie đã tự sát để chấm dứt nỗi đau khổ do những đồng tiền thường từ xổ số mang lại.

Nguồn: CNBC, The Guardian, Washington Post

 

29/07/2022

Tôi Đi Trước Nhé Bà Ơi!

 

Tôi đi trước nhé, bà ơi!

Chuyến tàu tôi đã đến nơi trạm dừng...

Hứa rằng sống chết cùng chung,

Vậy mà tôi lại giữa chừng rời đi.

Bà đừng có khóc nhoà mi,

Kiếp sau mình gặp, lo gì, bà ha!

Bao nhiêu năm tháng đã qua,

Tôi - bà có cặp vào ra sớm chiều.

Ân tình sâu đậm bao nhiêu,

Dù chưa từng nói tiếng yêu lần nào...

Vui buồn, sướng khổ cùng nhau,

Sơn hào hải vị không đâu bằng nhà.

Bát canh với mấy quả cà,

Nhường qua gắp lại đến già còn thương...

Tôi nay tạm tới thiên đường,

Trong lòng chỉ có vấn vương mình bà.

Lần này đằng đẵng cách xa,

Nhớ tôi bà biết gắp cà cho ai?

Bà ơi, năm tháng dẫu dài,

Dù tôi chẳng thể bên tai càm ràm...

Nhưng bà phải nhớ lạc quan,

Sống vui, sống khoẻ vì đàn cháu con!

Kiếp sau mình gặp sớm hơn,

Rồi tôi sẽ lại ăn cơm cùng bà.

Bát canh với mấy quả cà,

Mấy mươi năm ấy lại là một đôi.

Tôi đi trước nhé, bà ơi!

Cảm ơn vì đã một đời cùng nhau...

Du Phong


28/07/2022

PHỤ NỮ BẮC NÓI VỀ PHỤ NỮ NAM

Vào Sài Gòn sống từ 35 năm trước, mình đã thấy rất kinh ngạc, khi nhận ra phụ nữ Sài Gòn sướng hơn phụ nữ miền bắc không biết bao nhiêu mà kể. Nghĩ mãi vẫn chưa hiểu tại sao. Chợ búa, đồ ăn làm sẵn, mọi thứ đều tiện dụng, mua gì cũng có ngay gần nhà, không quá vất vả bữa cơm hay việc nhà, đầu tắt mặt tối ba bữa cơm. Nhà nào cũng có toilet riêng sạch sẽ (dù nghèo) phụ nữ Sài Gòn đa phần giữ bếp núc rất ngăn nắp, chăn màn ga gối văn minh, ai cũng nằm nệm êm không nằm chiếu, không ngủ chung với con, sống chung với cả gia đình đông, lạ nhất là mẹ chồng không bao giờ khăng khăng phải ở với con trai khi con trai lấy vợ. Họ buông tay cho con độc lập có đời sống riêng.

 

Phụ nữ Sài Gòn rất thích đi ăn tiệm, đi du lịch, họ thích thưởng thức món ăn mới, mặc đồ mới, cởi mở, dám thay đổi, họ không cho rằng cơm nhà mình là nhất, mình là nhất. Họ dễ tính dễ thương, ít chê bai xét nét, so đo về giá như ngoài bắc. Họ mặc đồ xanh đỏ tím vàng quần ngắn, hay hở cả ti ra chả sợ ai nói gì. Dù cùng mức sống, nhưng họ dám sắm máy nước nóng máy lạnh không sợ tốn điện, dù không có vài triệu mua cành hoa đào ngắm ba ngày tết. Họ không sợ chê nghèo, đi xe xấu, họ mặc đẹp đi chiếc xe trông thật ghê, mà vẫn vui.

 

Phụ nữ Sài Gòn không ôm đồm việc nhà, nhất là không giành lấy mọi thứ trách nhiệm, kiếm tiền dạy con, rồi kiệt sức quên bản thân, họ chăm sóc ngoại hình kể cả người đã có chồng đông con. Phụ nữ nào cũng có bàn trang điểm phấn son, bông tai. Ai cũng có vài cái nhẫn vàng tây; có tí tiền là họ tiêu ngay không cất đi, không để dành, cũng không sắm sửa mấy. Mình nhớ, đã kinh ngạc thế nào khi thấy các cô gái Sài Gòn, chả đi đâu chả tiếp ai, cũng mặc đồ rất đẹp, tô son mỗi sáng, ở ngoài bắc, năm 84, mà lúc nào cũng phấn son xinh đẹp, liền bị gọi ngay là ca-ve.

 

Họ lười hơn, vụng hơn, nông cạn hơn, có khi nghèo hơn, nhưng tự do hơn, hưởng thụ hơn, độc lập hơn, thẳng thắn hơn. Nhờ thế mà trẻ con cũng đỡ áp lực hơn. Vì các bà mẹ không hy sinh mọi niềm vui cho con cái, họ làm gương cho con mình, sống cuộc sống vui vẻ, hạnh phúc, được tự do là chính mình.

 

Đặc biệt nhất ở Sài Gòn là phụ nữ cực kỳ tự do cởi mở trong tư tưởng, họ ít chê ai ế hay sợ con mình ế. 35 năm ở đây mình ít thấy ai đánh ghen tàn bạo hay can thiệp đến chuyện cá nhân người khác. Dù ít học, họ cũng ít chấp nhận thói gia trưởng của đàn ông, kiểu như em không được mặc áo hở cổ, không được đi chơi tối, em sao không lo cho chồng con bữa cơm... Họ chiều chồng, nói ngọt, lắng nghe, nhưng không hầu chồng, tuân lệnh chồng, coi chồng là vua chúa.

 

Phụ nữ Sài Gòn luôn có thói quen dành thời gian cho bản thân, thứ xa xỉ mà phụ nữ miền bắc cho là một sự hoang phí: ăn hàng, làm nail, gội đầu tiệm, mua sắm... Chả ai ở ngoài bắc đi du lịch riêng với bạn bè khi đã có chồng con, du lịch Tết mà không cúng ông bà, quá kinh khủng, họ không thể tưởng tượng ra có loại phụ nữ ích kỷ, xấu xa tệ hại như thế... đời sống ngạt thở mà chỉ khi đi xa rồi trở về ta mới nhận ra mức độ căng thẳng phụ nữ ở đây phải chịu đựng.

 

Phụ nữ Sài Gòn dù nghèo cũng sướng hơn phụ nữ miền bắc trăm lần, họ không phải đối phó với gia đình chồng, mẹ chồng em chồng khắc nghiệt cay đắng, luôn chì chiết chê bai. Họ không có bố chồng khó tính và cả họ nhà chồng xét nét họ. Không ai nói là “cô may lắm mới lấy được con tôi,” mình nhớ mình đã kinh ngạc đến mức nào, khi nghe các cô con dâu Sài Gòn nói, họ rất yêu quý mẹ chồng thực tâm. Yêu quý chắc vì họ không chung sống với bố mẹ chồng không va chạm cơm nước tiền nong, mỗi năm không bị hàng chục lần nấu cỗ cúng, sấp ngửa lo tết, hay vất vả gì khi làm dâu.

 

Hàng xóm, đồng nghiệp, bạn bè không ai lên án phán xét cách sống cách ăn mặc, cách chi tiêu hay chuyện riêng tư cá nhân. Đi xe xấu , mặc đồ xấu không bị chê bai khinh thường. Thời tiết ở Sài Gòn cũng không làm cho phụ nữ sầu thảm được lâu, buồn thất tình không thê lương không tuyệt vọng, họ không chịu được khổ lâu nên ít thấy ai ôm hận đàn ông được lâu, họ chóng quên dễ tha thứ, họ sẵn sàng bắt đầu một khởi đầu mới bất cứ khi nào.

 

Mỗi lần ra bắc nhất là về quê, mình thấy thật bất công, phụ nữ miền bắc khổ vì lo sợ người khác đánh giá mình. Ai cũng có thể phán xét người khác. Bố mẹ can thiệp quá sâu vào chuyện riêng tư, ngăn cấm dọa dẫm, thay vì cảm thông và chia sẻ khi gặp sự cố hay sai lầm. Con gái ế thì bố mẹ nhục nhã, đau khổ, phụ nữ lấy chồng thì cuộc sống của họ quay quanh một ông chồng ba bữa cơm, con cái và việc nhà lấy đi của họ nhiều thứ, phụ nữ lấy chồng xong biến thành người hoàn toàn khác. Sau 40 may ra họ mới có chút thời gian cho riêng mình. À mà chưa xong, già rồi họ còn sợ con cái mất mặt, ly hôn là chuyện nhục nhã. Có bà mẹ 50 tuổi không dám post cái video mình hát với bạn vì con bảo mẹ phải giữ gìn hình ảnh, không được chơi bời hát hò hay tỏ ra vui vẻ sau ly hôn.

 

35 năm trước mình đã nghĩ hẳn bắc nam Việt Nam là hai quốc gia độc lập, suy nghĩ lối sống đặc biệt khác nhau. Sao cùng là phụ nữ, mà họ khác nhau thế. Sau 35 năm mình thấy phụ nữ miền bắc khác trước nhiều, tuy nhiên họ vẫn khổ hơn, kể cả người giàu, người trí thức, người đẹp. Họ bị ghen ghét chê bai ghen tị nhiều hơn, họ chả được sống hồn nhiên tự do vô tư như phụ nữ Sài Gòn. Có sai lầm gì to mấy cũng được thứ tha rất nhanh... Chả ai nhớ chuyện xấu mấy, toàn khen nhau toàn quý nhau thật lòng thôi. Nghĩ gì là nói thật ra, không phải đau dạ dày vì suy nghĩ rắc rối. Ít ai có tính giận dỗi, nói xấu, ít ai bị bẽ mặt, họ thẳng thắn và đơn giản, ít sĩ diện, ít đao to búa lớn, lại càng ít sợ hãi người khác. Họ thực sự tự do.

 

Lắm lúc mình chỉ muốn giải phóng phụ nữ miền bắc khỏi chính họ thôi, cho họ được Tự Do - được là chính mình.

 Giao Giao Giao

(Giao Giao Giao. Cô sống tại Sài Gòn, hiện làm việc ở nước ngoài).

 

27/07/2022

Đi kiễng chân có thể dưỡng thận, bắp chân thon gọn và trẻ lâu hơn

Đi kiễng chân một chút sẽ có hiệu quả dưỡng thận rất tốt (Ảnh: Shutterstock)

Bắp chân được xem là “trái tim thứ hai” của cơ thể người, kiễng mũi chân có thể tạo ra tác dụng kích thích đối với bắp chân, không chỉ thúc đẩy tuần hoàn máu, còn có hiệu quả dưỡng thận, lưu thông kinh mạch. Vào khoảng thời gian dưới đây, đi kiễng chân một chút sẽ có hiệu quả dưỡng thận rất tốt.

Ngồi lâu khiến người nhanh già, đi kiễng chân có thể dưỡng thận 

Những người đi làm, đi xe bus hoặc là tài xế lái xe, vì ngồi lâu trong thời gian dài dễ làm cho khí huyết bị ngăn trở, kinh mạch không thông suốt, khí của lục phủ ngũ tạng của nửa người trên bị tắc nghẽn; máu của nửa thân dưới chảy ngược trở về cũng sẽ trở nên chậm, dễ làm phù nề chân. Đồng thời, bụng vì chịu sự dồn nén mà phình to ra, mỡ dễ dàng tích tụ ở phần này. Lâu ngày sẽ còn làm cho người nhanh già.

Nếu thuộc nhóm người ngồi nhiều, bạn có thể tự kiểm tra bản thân xem có xuất hiện một số vấn đề về sức khỏe hay không. Ví dụ như, các chứng dễ mỏi eo đau lưng, còng lưng, tăng cân, chân phù thũng, giãn tĩnh mạch, ánh mắt đờ đẫn…

Tuy nhiên, cũng không nên lo lắng quá, mỗi ngày đi kiễng chân lên đi một chút,  mỗi lần đi từ 3 – 5 phút, không chỉ cải thiện các vấn đề do ngồi lâu, mà còn có thể dưỡng thận, thông kinh mạch. Thận càng khỏe mạnh, thì con người càng trẻ.

Từ 5 giờ đến 7 giờ chiều rất thích hợp đi kiễng chân

Đây là thời gian thận kinh tuần hoàn, khí huyết vận hành đến thận kinh, lại vừa lúc là thời gian tan việc. Khi mọi người rời khỏi nơi làm việc, đi đến chỗ đỗ xe, trạm tàu điện ngầm hoặc trạm xe bus, có thể nhón chân lên đi từ từ.

Khi mũi chân kiễng lên, ba mạch âm kinh của bắp chân như thận kinh, tỳ kinh, can kinh, cùng với bàng quang kinh đều được khai thông. Từ đó, kích thích Túc thiếu âm thận kinh, có thể cải thiện hiệu quả chức năng của thận. Chỉ cần thận khí dưỡng đủ, liền có thể cải thiện chứng đau eo lưng, mắt quầng thâm, còn có thể làm cho tóc càng ngày càng đen bóng. 

Bắp chân là trái tim thứ hai của cơ thể người, đi nhón mũi chân có thể rèn luyện cơ bắp bắp chân, thúc đẩy tuần hoàn máu, từ đó cải thiện phù thũng và giãn tĩnh mạch chân. Còn có thể đồng thời giúp bắp chân thon gọn lại, làm cho hình dáng của chân đẹp hơn, một công được đôi việc.

Bắp chân là trái tim thứ hai của cơ thể người, đi kiễng chân có thể rèn luyện bắp chân, thúc đẩy tuần hoàn máu. (Ảnh: Shutterstock)

Đi kiễng chân cải thiện chứng đau đầu gối

Tôi đã từng xảy ra hiện tượng đau đầu gối, nhất là đầu gối chân phải. Nó đau nhức đến mức giống như giữa các đầu khớp xương không có đĩa đệm, va vào nhau nghe cộc cộc cộc, ngay cả đi xuống cầu thang cũng đều rất khó khăn.

Bởi vậy, tôi đã thử đi kiễng chân mỗi lần xuống cầu thang hoặc đi bộ trên đường. Không ngờ rằng, sau một thời gian thì quả thực là rất tốt, đầu gối hết đau. 

Về sau, đầu gối chân phải lại đau một lần nữa, mặc dù lần này không nghiêm trọng bằng lần trước, nhưng vẫn rất đau. Tôi lại tiếp tục đi kiễng chân, và phát hiện có sự cải thiện nhanh hơn so với lần trước.

Tô Quan Mễ chỉnh lý theo lời giảng của Bác sĩ Trung y Hồ Nãi Văn (Đài Loan)
Lý Thanh Phong biên tập
Tiểu Minh biên dịch

 

26/07/2022

Cầu Một Việc Được Ba Việc

Chuyện xưa có anh học trò
Rất là hay chữ nhưng mà chẳng may
Đi thi thì lại trượt ngay
Nhà nghèo nên chẳng được ai ưng về
Nghe chuyện ở núi cao kia
Đất, Trời thường đến bàn về dân gian
Nghĩ mình có việc kêu than
Anh ta quyết đến hỏi han Tiên, Thần.
Đi mãi, trời cũng tối dần
Ghé vào quán trọ dừng chân qua ngày
Chủ nhà trọ hỏi: “Thưa thầy
Đi đâu mà ghé chốn này đêm khuya?”
Anh rằng: “Chẳng hiểu lẽ chi
Tôi học thì giỏi đi thi trượt hoài
Cửa nhà eo hẹp trong ngoài
Bao lần hỏi vợ chẳng ai bằng lòng
Thế nên tôi quyết gắng công
Hỏi Trời sao phận long đong thế này?”

Chủ nhà trọ liền nói ngay:
“Tôi có con gái đến ngày cặp kê
Nhưng không hiểu vì lẽ chi
Xưa nay câm nín chẳng hề nói năng
Nhờ thầy thưa với Trời rằng
Cho con tôi được nói năng bình thường.”
Nhận lời anh lại lên đường
Lại ghé quán trọ bên đường nghỉ ngơi
Chủ nhà hỏi han đôi lời
Nghe chuyện, chủ trọ ngỏ lời than van:
“Sau vườn có ba cây cam
Một cây có trái thật ngon lắm kìa
Nhưng còn hai cây cam kia
Xum xuê cành lá chẳng hề ra cam
Nhờ thầy lên tiếng hỏi han
Gia đình tôi sẽ tạ ơn cùng thầy.”
Nhận lời, sáng ra đi ngay
Đi mãi đến bến sông này mênh mông
Nhìn quanh vắng lặng như không
Thuyền bè chẳng có, qua sông thế nào?
Phân vân chưa biết tính sao
Thấy con cá chép, lớn sao quá chừng
Chợt con cá chép hỏi rằng:
“Thầy đứng nơi đó, phải chăng ngóng đò?
Sông này không có thuyền đò
Thầy chẳng có thể qua bờ bên kia
Thầy qua bên ấy làm chi
Xem tôi có thể giúp gì được chăng?”
Anh bèn kể nỗi khó khăn
Cá chép lại nói: “Cũng rằng như tôi
Chẳng cá nào lớn bằng tôi
Thế mà thi mãi chẳng thời hoá long
Vượt Vũ Môn thì hoá rồng
Nguyên do nào khiến tôi không hoá rồng
Nay tôi đưa thầy qua sông
Nhờ thẩy bẩm việc hoá rồng dùm tôi.”
Người học trò liền nhận lời
Lên lưng cá chép để ngồi qua sông
Rồi anh tiếp tục gắng công
Đi mãi cũng đến dưới chân núi này
Lễ vật anh đem ra bày
Van vái Trời, Đất ngồi đây đợi chờ
Phút chốc thì Tiên hiện ra
Hỏi: “Ngươi tìm đến kêu ca việc gì?”
Nghĩ về lời hứa trước kia
Đem lời cá chép hỏi về nguyên do
Tiên rằng: “Cá chép tuy to
Nhưng răng có ngọc quá to nên là
Nặng quá không thể bay xa
Thế nên không thể hoá ra thành rồng.”
Đem chuyện cây cam hỏi rằng:
“Sao ba cây ấy chẳng bằng như nhau?”
Tiên rằng: “Chẳng ra quả đâu
Bởi vì dưới gốc chôn sâu chum vàng
Kim khắc Mộc thật rõ ràng
Bỏ Kim thì Mộc sẵn sàng trổ bông.”
Anh hỏi chuyện cô gái câm
Tiên rằng: “Chuyện ấy là phần nhân duyên
Gặp người có kiếp tiền duyên
Tự nhiên sẽ mở miệng liền chớ sao.”
Chuyện mình chưa hỏi câu nào
Thì Tiên biến mất lúc nào chẳng hay.
Thôi thì đành quay về ngay
Đến sông cá chép hỏi ngay chuyện mình
Anh rằng: “Để cho nhẹ mình
Mới bay để hoá ra thành rồng kia
Há miệng ra thì ô kìa
Anh lấy viên ngọc cá thì vụt bay.”
Về nhà có cây cam này
Đào lên thì quả có hai chum vàng
Chủ nhà cảm ơn vô vàn
Chia cho anh một chum vàng liền ngay.
Tới nhà cô câm lạ thay
Cô ta tíu tít chạy ngay ra mừng
Lời thương lời nhớ tưng bừng
Người cha mừng rỡ xem chừng vừa đôi
Thế là nên vợ chồng rồi
Nhờ chum vàng đó nên người giàu sang
Nhờ ngọc cá, đỗ làm quan
Một đời vợ đẹp con ngoan cả bầy.
Ngẫm ra ý câu chuyện này
Người có chữ Tín phúc dầy mai sau
Bởi tích này mới có câu
Tục ngữ “Một việc khẩn cầu được ba.” 

Bùi Phạm Thành
(ngày 1 tháng 5 năm 2022)

25/07/2022

CHỮ “CẢ” VÀ “CÁI” ĐỀU QUÁ HAY...!

Cô cháu con ông anh tôi về Việt Nam thăm gia đình, hỏi tôi:

- Cô có cần gì ở Việt Nam không...?

- Có, mua cho Cô một đôi đũa Cả.

- Cô à, bây giờ không có ai dùng đũa Cả xới cơm nữa, không biết con có tìm được không...? Ai cũng thổi cơm bằng nồi cơm điện, bấm cái nút xong là xong, nên không dùng đũa Cả, và khi bới cơm ra chén thì họ dùng cái muỗng làm bằng nhựa múc cơm ra.

- Cô biết rồi, nhưng cứ tìm mua cho cô, chọn đôi nào đừng dài quá và mỏng mỏng một chút.

Đã 45 năm ở Mỹ, tôi vẫn dùng đũa Cả, dùng trong bếp cho rất nhiều việc. Ngoài việc xới cơm, thỉnh thoảng tôi vẫn dùng một chiếc để khuấy bột làm bánh, khuấy nồi chè, ngay cả khuấy nước xốt nấu mì Ý. Tôi dùng đôi đũa Cả thấy nó gần gũi thân thiện với mình, thấy nó quê nhà quá đỗi...! Chữ “Cả” gợi cho tôi rất nhiều hình ảnh thân thiện về thân tộc, về quê nhà. Như người con gọi “mẹ Cả” không phải là mẹ đẻ ra mình, mà là người vợ đến trước với cha mình, người đó cũng là người “vợ Cả” của cha. Con lớn nhất trong nhà là anh Cả, chị Cả.

Vì anh Cả cho nên anh phải nhận lãnh trách nhiệm thờ cúng tổ tiên, cha mất anh được “Quyền huynh thế phụ.” Thay cha dạy bảo, dựng vợ, gả chồng cho các em. Vợ anh là con dâu Cả phải chia chung trách nhiệm đó với chồng...!

Chị Cả, người lớn nhất trong gia đình trách nhiệm cũng quan trọng không kém. Nếu chẳng may cha mẹ mất sớm chị cũng sẵn sàng hy sinh tuổi xuân của mình, không lấy chồng, nuôi các em ăn học...!

Anh thợ Cả trong công việc là người chỉ dạy, quan sát và chịu trách nhiệm lớn nhất mà chủ giao cho..., thợ Cả quá là “Oai” lắm phải không...?

Đôi đũa Cả lớn nhất trong bếp so với những đôi đũa trên mâm cơm và ngay cả đôi đũa Bếp chỉ dùng để xào nấu, vì đũa Bếp chỉ có chiều dài, to hơn đũa ăn cơm nhưng không to bằng đũa Cả.

Mỗi lần tôi cầm chiếc đũa Cả lên, tôi nhớ đến những chữ: Mẹ Cả, anh Cả, chị Cả, thợ Cả, nhớ đến câu nói lý thú tả cảnh tham lam của người đàn ông trong hôn nhân nữa: “Vợ Cả, vợ Hai, cả hai đều là vợ cả.” Ai muốn hiểu thế nào cũng được, nhưng riêng ông chồng thì muốn ôm “Cả và Hai” vào trong lòng....! Nay lại càng muốn “Cơi nới” thêm mà chẳng muốn bỏ ai...

Lan man ra tới chữ “Cả” còn thay cho chữ “Cái” nữa, như con sông lớn gọi là con sông Cái, vì là con sông Mẹ (người ta không dùng chữ sông Cả) Chữ “Cái” chính là Mẹ.

Chữ Cái thường đi theo chữ Con như sông Cái chia nhánh ra thành những sông Con, ngôn ngữ gợi lên hình ảnh gia đình người Mẹ sinh ra các con, đi về muôn ngả. Sông Cái, nghĩa chữ là “sông Mẹ”.

Nhiều dân tộc ở Đông Nam Á có thói quen gọi sông lớn nhất trong vùng là “Sông Cái,” như người Thái và Lào gọi sông Mekong là “Me Nam Khong.” Sông lớn sông nhỏ đều có sóng, câu “Gặp cơn sóng Cả đừng ngả tay chèo”, người đi sông nước hàng ngày đều phải nhớ...!

Rồi trong ngôn ngữ đời thường người ta dùng chữ “Cái” rất nhiều, như cục men chính để gây giấm người ta gọi là “giấm Cái,” người Mỹ cũng dùng chữ Apple cider vinegar with the “Mother” (Mẹ giấm). Cây cột to nhất bác thợ mộc gọi là “cột Cái,” thợ Cái (là thợ chính). Có Cái thì phải có Con, những cây cột còn lại để làm nhà gọi là “cột Con.” Lại còn ngón chân Cái, ngón tay Cái, cửa Cái, rễ Cái, đường Cái nữa…

Hiện tại hiếm khi chúng ta thấy được những đôi đũa Cả như vậy trong bữa cơm gia đình nữa...!

Người phụ nữ cưu mang sắp tới kỳ sinh nở, người ta nói: Đã “Cả bụng” rồi, tức là to lắm rồi. Con cái hư hỏng thì người Mẹ cũng phải chịu trách nhiệm vì “Con dại Cái mang”.

Cứ việc gì cưu mang, có gì trách nhiệm thì được gọi là Cái, là Cả, được giao cho người Mẹ hết. Nhưng người đàn ông mang chức vị to nhất trong làng quê Việt Nam thì được gọi là “Hương Cả”.

Chữ “Cái” đi vào lịch sử là “Bố Cái Đại Vương” thì cũng thuộc về người đàn ông. Theo sách Việt Điện U Linh, con của Phùng Hưng là Phùng An khi lên ngôi tôn Phùng Hưng làm Bố Cái Đại Vương, bởi quốc tục xưng cha là Bố, mẹ là Cái, nên mới gọi như vậy...!

Tôi yêu những đôi đũa Cả vì nó luôn luôn gợi cho tôi hình ảnh của người mẹ, người vợ. Đôi đũa Cả không hề lạc lõng trong ngôi nhà Mỹ này, nó luôn luôn có việc để làm, nó chia chung những hạt cơm trong bát cho mọi người trong gia đình, nó quậy bột làm bánh, nó quậy nồi chè, quậy xốt cà chua nấu mì Ý. Thỉnh thoảng tôi hay cầm một chiếc đũa Cả giơ lên, răn đe các cháu khi chúng phá quá… (chỉ dọa thôi, chưa dùng đũa Cả đánh con cháu bao giờ).

Mỗi lần chạm tay vào đôi đũa Cả, tôi thấy như mình được chạm vào một bụi tre ở quê nhà, đôi khi nhắm mắt lại tôi còn nghe được tiếng gió xào xạc trong những bụi tre. Nhớ những câu thơ trong bài “Tre xanh”, nhớ những câu thơ hay:

“Tre xanh, xanh tự bao giờ
Khi tôi lớn đã có bờ tre xanh...
Có manh áo cộc, tre dành cho măng...”

Tôi yêu những dòng sông trên quê nhà, những dòng sông được gọi là sông Cái, sông Con, những dòng sông mang phù sa, mang tôm cá đến cho người dân như những người mẹ mang cả đời mình cho con cháu.

Mỗi lần nhìn dòng nước có cái ngã ba trước của nhà tôi, tôi hay bâng khuâng nhớ đến câu hát “Chẳng biết nơi đâu là chốn quê nhà”.

Chúng ta đi, mỗi người mang theo quê hương trong hồn một cách khác nhau. Tôi đi… mang theo đôi đũa Cả và dòng sông mang tên Cái ...!

Nguồn: Trang Văn Chương Miền Nam



 

24/07/2022

Để trở thành những anh chị em tuyệt vời

Chỉ cần nỗ lực đôi chút, anh chị em của chúng ta có thể trở thành những người bạn tâm giao trong đời.

Anh chị em có thể luôn sẵn sàng giúp đỡ chúng ta, nhiệt tâm hỗ trợ chúng ta trong đời. Tuy nhiên, chúng ta cũng cần chú tâm nuôi dưỡng mối quan hệ này. 

Hãy luôn có mặt

Anh chị em là là những người chứng kiến phần lớn những sự kiện quan trọng trong cuộc đời chúng ta; trong nhiều trường hợp họ hiểu rõ chúng ta hơn bất kỳ ai khác. Thuở ấu thơ, họ luôn có mặt khi ta muốn chơi trò làm người mẫu hay cần một người cùng chơi bóng chày. Và giờ đây khi chúng ta trưởng thành, những trò chơi có lẽ đã thay đổi, nhưng nhu cầu được hỗ trợ thì vẫn không đổi khác. Vì thế bạn hãy sẵn lòng là một bờ vai để họ có thể tựa vào, khi họ buồn đau hay lúc họ vô vàn hạnh phúc. 

Tha thứ cho những lỗi lầm trong quá khứ

Anh chị em và chúng ta cùng nhau lớn lên từ thơ ấu cho đến khi trưởng thành. Khoảng thời gian đó đương nhiên có nhiều chuyện xảy ra, và những ngôn từ hoặc hành vi gây tổn thương nhau cũng khó mà tránh khỏi. Theo thời gian, những xung đột cứ mãi âm ỉ sẽ làm cho mối quan hệ xấu đi, nhất là khi một bên nghĩ rằng người kia không còn quan tâm đến mình nữa. Vì thế, thay vì chờ họ mở lời, bạn hãy mở rộng tấm lòng và cố gắng hàn gắn mối quan hệ, cùng nhau bước vào một khởi đầu mới. Có thể nỗ lực này không luôn thành công, nhưng ít nhất bạn biết mình đã cố gắng. 

 

Hãy tôn trọng 

Khi trưởng thành, các bậc trưởng bối có thể thấy khó khăn khi tôn trọng đàn em của họ, vì họ vẫn nghĩ họ lớn hơn theo cách như thời trẻ con. Nếu bạn có tuổi hơn, hãy công nhận thành tựu của các em, thậm chí khi các em thành công hơn bạn. Cho dù họ trở thành những phi hành gia, bác sĩ phẫu thuật não, hay là giám đốc điều hành công ty nằm trong bảng xếp hạng Fortune 500, bạn vẫn là người hùng mà họ thần tượng khi còn là những đứa trẻ. Thậm chí sau ngần ấy năm, sự hỗ trợ tiếp tục của bạn với họ là vô cùng quan trọng.

Hãy giữ liên lạc với anh chị em 

Khi trưởng thành, chúng ta bận rộn hơn và có nhiều áp lực hơn, chúng ta bận tâm vào chuyện gia đình và vùi đầu vào sự nghiệp. Đến ngày nọ khi thức giấc, chúng ta nhận ra mình đã mất liên lạc với những anh chị em sao quá dễ dàng. Điều này có thể xảy ra dù chúng ta cùng sống trong một thành phố hay thị trấn, hay trong những tiểu bang khác nhau. Vì thế, thỉnh thoảng, bạn hãy gửi họ một mẩu tin nhắn hoặc gọi một cuộc điện thoại bất ngờ. Những việc nho nhỏ này cho thấy bạn đang nhớ đến họ, chỉ vậy thôi cũng giúp họ vui vẻ cả ngày.

Hãy chân thành với nhau 

Chân thành là liều thuốc tốt nhất cho một mối quan hệ lành mạnh và cần được chăm chút. Đôi khi, việc chấp nhận hành vi của anh chị em là điều khó khăn, vì thế bạn hãy thẳng thắn cho họ biết cảm xúc của mình để tránh cho việc đôi bên bị tổn thương. Bạn không nhất thiết phải đồng tình, nhưng bạn thật sự cần biết tại sao họ lại nhìn nhận vấn đề theo cách đó. Điều này đặc biệt quan trọng nếu một trong hai bạn đang chăm sóc phụ mẫu của mình hay khi hai bạn cùng tham gia vào công việc kinh doanh của gia đình.

Bill Lindsey

Nam Anh biên dịch

 

23/07/2022

Nên để anh em ruột tự giải quyết các mâu thuẫn với nhau

Cũng giống như việc bạn kỷ luật con trẻ, các anh chị em ruột cũng sẽ thỉnh thoảng tự giải quyết mâu thuẫn theo cách của chúng (Ảnh chụp của Pavel Kobysh/ Shutterstock)

Câu hỏi: Tôi có ba con, cậu con trai 8 tuổi là cháu lớn nhất thường xử sự rất thô lỗ với hai em của mình. Tôi biết việc con trẻ trong nhà hay cãi nhau là chuyện thường tình nhưng cậu con trai này của tôi cư xử có vẻ hơi thái quá. Trong một ngày, tôi nghe thấy cháu nhiều lần nói với hai em rằng chúng gây khó chịu cho mình như thế nào. Ngoài ra, cháu thường mắng các em dừng bất kỳ việc gì chúng đang làm mà cháu không thích. Chúng tôi đã bảo cháu ngừng quát mắng các em và điều chỉnh những lời thiếu tôn trọng của mình với hai em. Nhưng tình hình không được cải thiện là bao và chúng tôi bắt đầu cảm thấy bế tắc. Cảm ơn về lời khuyên của bạn đưa ra cho chúng tôi. 

Trả lời: Không phải tất cả các cuộc mâu thuẫn giữa anh chị em đều giống nhau. Đôi khi, những mâu thuẫn kiểu này chủ yếu là do ghen tị. Tôi không nghĩ điều đó giải thích được tình huống mà bạn đưa ra. Trong các trường hợp khác, mâu thuẫn giữa anh chị em là về vấn đề tranh chấp lãnh thổ, nhưng một lần nữa, tôi không nghĩ điều đó giải thích được về cố gắng chi phối các em của cậu bé 8 tuổi con bạn.

Đôi khi, mâu thuẫn xảy ra chủ yếu lại là do sự khác nhau về tính cách. Không giống như hầu hết các mối quan hệ khác, con người không thể tự chọn anh chị em ruột cho mình. Một số anh chị em ruột đơn giản là không hợp nhau lắm. Có thể các cậu con của bạn rơi vào trường hợp này. Nhưng nếu theo trực giác của tôi thì có lẽ không hẳn là như vậy.

Theo như lời kể của bạn thì tôi nghĩ rằng cậu anh cả chỉ đang thiết lập và thường xuyên nhắc nhở các em mình rằng giữa họ với nhau thì cậu là cậu trai Alpha duy nhất, cậu ở vị trí cao hơn các em trong mọi chuyện và mong đợi hai em luôn làm theo những gì cậu bảo mà không chất vấn. Tuy nhiên, thật trớ trêu, cậu bé cũng cần phải nhận ra rằng hai em của mình hoàn toàn không đủ khả năng thực hiện đúng theo yêu cầu của cậu. Do đó, cậu ấy phải liên tục quát mắng các em giống như một người hướng dẫn diễn tập Thủy quân lục chiến điển hình ngày xưa khi mà những người hướng dẫn như vậy thật nghiêm khắc đến đáng sợ.

Bạn nên xua tan lo lắng về khả năng hành xử theo kiểu cậu trai Alpha của cậu con cả đối với hai em sẽ gây tổn hại tâm lý cho các em. Theo tôi thì, thứ nhất, vào một lúc nào đó trong đời, mỗi người con trai đều cần có tính cách của một người hướng dẫn diễn tập Thủy quân lục chiến. Thứ hai là bạn đang miêu tả hành vi bình thường của các cậu con trai mà sau cùng sẽ qua đi thôi. Theo thời gian, khi cậu con cả của bạn trở thành một thiếu niên thì khả năng rất lớn là các em trai sẽ xem cậu như một hình mẫu.

Trong khi đó, câu hỏi đặt ra là: Bạn cần làm gì đây khi cậu con cả hành xử theo kiểu cậu trai Alpha, một Người Hướng Dẫn Diễn Tập Thủy Quân Lục Chiến, ảnh hưởng đến hòa khí trong gia đình bạn? Điều này nghe có vẻ ngược đời, nhưng để làm xáo trộn sự êm ả của gia đình, tôi khuyên bạn hãy để tất cả ba cậu con trai – và vâng, có thể là chỉ cần hai cậu thôi cũng được – cùng nhau trong phòng thay quần áo – trong vòng 30 phút hết sức căng thẳng. 

Tôi gần như chắc chắn bảo đảm với bạn rằng trong khi tạm thời trốn tránh trong phòng thay quần áo sẽ không ngăn cản được hành xử theo kiểu cậu trai Alpha của cậu con cả, các cậu bé sẽ nhanh chóng học được rằng để tránh bị giam hãm cùng nhau thì chúng phải duy trì sự mâu thuẫn ở một mức nhỏ nào đó – đây thực sự là tất cả những gì bạn có thể hy vọng một cách thực tế trong những tình huống như vậy. Các cậu bé sẽ tự giải quyết các mâu thuẫn của mình theo cách của chúng chứ không phải theo cách của bạn.

John Rosemond

Khánh Nam biên dịch

 

22/07/2022

Lý do lớn nhất khiến người Mỹ không mua xe hơi điện


Một cuộc khảo sát đã tiết lộ rằng hệ thống hậu cần sạc pin là lý do chính khiến người Mỹ không mua xe điện.

Consumer Reports, cho biết họ đã khảo sát khoảng 8,000 người Mỹ, cho thấy 61% nói rằng họ sẽ không tìm cách sở hữu một chiếc xe điện vì lý do hậu cần sạc pin trong khi 55% cho biết lý do là số dặm mà một chiếc xe có thể đi được mỗi lần sạc. 52% khác nói rằng chi phí mua và bảo trì một chiếc xe điện là đắt đỏ.

46% số người được hỏi cho biết họ chưa nghe thấy bất kỳ ưu đãi tài chính nào dành cho chủ sở hữu xe điện.

Báo cáo của Consumer Reports cho biết: “Chúng tôi nhận thấy 14% tài xế Mỹ nói rằng họ sẽ ‘chắc chắn’ mua hoặc thuê một chiếc xe chỉ chạy bằng điện nếu họ định mua một chiếc xe vào ngày hôm nay. Con số này tăng rõ rệt so với 4% đã cho biết như vậy trong một cuộc khảo sát đại diện toàn quốc năm 2020 từ CR với 3,392 người lái xe được cấp phép của Hoa Kỳ.”

Theo số liệu gần đây của Kelly Blue Book, giá trung bình của một chiếc xe điện mới dao động ở mức khoảng 56,000 USD. Ngược lại, giá trung bình của một chiếc xe cỡ nhỏ mới vào khoảng 25,000 USD vào cùng thời điểm đó. Giá trung bình của một chiếc SUV mới không chạy điện là 34,000 USD, trong khi phiên bản chạy điện là gần 45,000 USD.

Trong khi đó, một báo cáo gần đây từ công ty tư vấn và phân tích dữ liệu JD Power cho thấy xe điện và xe hybrid có thể gặp nhiều vấn đề hơn so với động cơ đốt trong.

Trong khi các phương tiện sử dụng động cơ đốt trong có trung bình 175 sự cố trên 100 xe, con số này đã tăng lên 239 đối với xe hybrid và 240 đối với xe điện, một thông cáo báo chí ngày 28/06 của Nghiên cứu Chất lượng Ban đầu Hoa Kỳ JD Power 2022 cho biết. Điểm thấp hơn thể hiện chất lượng xe cao hơn.

Theo báo cáo, các mẫu xe của Tesla, lần đầu tiên được đưa vào bảng tính toán của ngành, trung bình có 226 sự cố trên 100 xe.

Ông David Amodeo, giám đốc xe hơi toàn cầu tại JD Power, cho biết: “Các nhà sản xuất xe hơi tiếp tục tung ra các phương tiện ngày càng phức tạp hơn về mặt công nghệ trong thời đại thiếu hụt nhiều bộ phận quan trọng để hỗ trợ chúng”.

Trong bối cảnh giá xăng tăng cao, các quan chức Tòa Bạch Ốc tiếp tục đề nghị người Mỹ mua xe hơi điện trong khi Đảng Cộng Hòa đã lỗi cho chính sách của chính phủ ông Biden khiến giá tăng đột biến.

Hồi giữa tháng Sáu, Bộ trưởng Năng lượng Jennifer Granholm gợi ý rằng người Mỹ có thể giải quyết việc phải trả 5 USD cho mỗi gallon xăng bằng cách bỏ động cơ đốt trong để chuyển sang động cơ điện.

Bà nói trong một clip được Đảng Cộng Hòa lan truyền trên phương tiện truyền thông xã hội hôm 14/06. “Nếu quý vị sạc đầy [xe điện] EV của mình và đổ đầy xăng, quý vị sẽ tiết kiệm được 60 USD cho mỗi lần sạc đầy bằng điện thay vì sử dụng xăng, nhưng đó là một viễn cảnh rất hấp dẫn. Nhưng một lần nữa, chúng tôi muốn giảm giá tại trạm xăng.”

Jack Phillips - Naveen Athrappully

Vân Du biên dịch

 

20/07/2022

Suy nghĩ chi phối quyết định

                    


 Một ngày nọ, hai cậu học trò cũ cùng làm việc ở một công ty cùng nhau tìm tới thăm thầy giáo cũ, mong được thầy cho những lời khuyên hầu vượt qua được những áp lực và khó khăn ở chỗ làm.

Khi gặp thầy, một trong hai người nói:

– Thưa thầy, ở công ty này, công việc của chúng con quá nặng nhọc, lại thường xuyên bị ức hiếp; xin thầy chỉ dạy chúng con có nên xin nghỉ việc ở đó hay không?

Người thầy im lặng suy nghĩ một chút rồi trả lời:

– Chẳng qua chỉ là một chén cơm.

Kết thúc buổi gặp gỡ, hai người học trò ra về. Sau khi trở lại công ty, một người đã nộp đơn xin nghỉ việc, trở về quê làm nghề chăn nuôi, trồng trọt. Người còn lại thì tiếp tục ở lại công ty làm việc, trở thành một doanh nhân thành đạt. Năm năm trôi qua, hai người bạn lại hẹn nhau trở về thăm thầy. Thầy trò lại ngồi bên nhau chuyện trò thân mật.

Anh chàng làm nông chia sẻ:

– Ngày đó, khi con nghe thầy nói: “chẳng qua chỉ là chén cơm”, con nghĩ rằng chỉ vì miếng ăn mà mình phải chịu nhục ở công ty đó thật chẳng ra làm sao, nên con đã nghỉ việc ở công ty, trở về quê trồng trọt, chăn nuôi. Cuộc sống của con chỉ tạm đủ với bữa rau, bữa cháo nhưng được sống bình yên, không phải bon chen với ai cả.

Vị doanh nhân thì tâm sự rằng:

– Phần con, khi nghe thầy nói: “chẳng qua chỉ là chén cơm”, con nghĩ rằng để kiếm miếng cơm, mình phải nhẫn nại chịu đựng mọi gian khổ cho nên con quyết tâm ở lại công ty, kiên trì vượt qua những khó khăn, trở ngại và cố gắng điều chỉnh bản thân cho phù hợp những yêu cầu của công việc. Con cũng hết sức tận tâm trong công việc nên dần dần được mọi người tín nhiệm và được giao những chức vụ quan trọng trong công ty.

Người thầy nghe xong thì mỉm cười nói:

– “Chỉ một câu nói của ta mà hai con có hai cách suy nghĩ khác nhau và đã đi hai con đường khác nhau”.


Những suy nghĩ thường chi phối mạnh mẽ các quyết định của con người. Mỗi người, với tính tình, sự hiểu biết và nhân sinh quan khác nhau cũng sẽ có những suy nghĩ khác nhau trước một lời nói hoặc sự việc nào đó xảy ra trong cuộc sống. Để rồi, từ suy nghĩ khác nhau, mỗi người cũng có những hành động khác nhau. Trong câu chuyện mà chúng ta vừa nghe, khi cùng nghe một lời khuyên của thầy về hoàn cảnh khó khăn của công việc hiện tại, hai người học trò có hai suy nghĩ không hề giống nhau. Một người nghĩ đến việc thoái lui, từ bỏ công việc đó; người còn lại thì nghĩ đến việc phải tiếp tục công việc đó với quyết tâm kiên trì vượt qua nghịch cảnh. Hai suy nghĩ khác nhau đã dẫn đến hai quyết định khác nhau và họ đã bước vào hai lối rẽ khác nhau của cuộc đời. Trong cuộc sống của mình, rất nhiều lần chúng ta phải thực hiện những quyết định liên quan đến những vấn đề của bản thân và người khác. Để có thể đưa ra những quyết định, dù lớn hay nhỏ, quan trọng hay đơn giản, chúng ta thường suy nghĩ và cân nhắc, vậy mà không ít lần, với kết quả nhận được, chúng ta vẫn tiếc nuối thốt lên rằng: “mình đã quyết định sai”. Về điều này, với hơn ba mươi năm kinh nghiệm nghiên cứu và hoạt động trong lĩnh vực đào tạo và phát triển năng lực cá nhân, chuyên gia kinh tế người Mỹ Brian Tracy đã phát biểu rằng: “Bạn càng nghĩ tốt, bạn càng lập quyết định tốt. Bạn càng lập quyết định tốt, bạn càng hành động tốt. Và, bạn càng hành động tốt, bạn càng có kết quả tốt”. Theo đó, khi để cho tâm trí mình được đầy ắp những suy nghĩ tốt đẹp, chúng ta sẽ đi đến quyết định làm những điều tốt đẹp và rồi bao điều tốt đẹp sẽ đến với chúng ta trong cuộc đời.


Câu hỏi được đặt ra ở đây cho chúng ta là: Làm thế nào để có những suy nghĩ tốt đẹp? Thánh Phaolô đã khuyên nhủ chúng ta hãy để tâm suy nghĩ về những điều chân thật, cao quý, chính trực tinh tuyền, đáng mến và những điều đem lại đức hạnh cùng danh thơm tiếng tốt. Ước gì khi tâm trí đong đầy những suy nghĩ tích cực và hướng tới những giá trị cao đẹp của chân-thiện-mỹ, chúng ta sẽ có những quyết định và hành động tốt đẹp để thăng tiến bản thân và đem lại nhiều lợi ích cho tha nhân và cho xã hội.

 Sưu tầm

18/07/2022

Top 4 người Việt nổi danh trong lịch sử Trung Quốc


Anh hùng đánh giặc Hung Nô, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành, ông tổ pháo binh trong lịch sử Trung Quốc… đều là những nhân tài đến từ nước Việt.

1. Lý Ông Trọng giúp nhà Tần chống giặc Hung Nô

Lý Ông Trọng tên thật là Lý Thân, là một nhân vật truyền thuyết sống vào cuối đời Hùng Duệ Vương, đầu thời An Dương Vương, gốc làng Chèm, Từ Liêm, Hà Nội. Vào thời Hùng Vương thứ 18, Ông Trọng giữ một chức nhỏ ở huyện ấp, đời sau truyền rằng ông cao hai trượng ba thước. Với bản tính cương trực, trung hậu, thương dân nên có lần thấy một tên lính huyện ác ôn đánh đập dân phu dã man, ông đã nổi giận đánh chết tên lính đó và bị triều đình khép tội chết. Nhưng vua thấy ông là người có tài đức, khỏe mạnh nên không nỡ giết. Sau đó ông bỏ chức, đi cầu học phương xa.

Đến thời Thục An Dương Vương, ông là một tướng giỏi giúp vua và được cử đi sứ nước Tần.

Bấy giờ nhà Tần hay có nạn giặc Hung Nô đánh phá phía Bắc. Tuy Tần Thủy Hoàng đã cho đắp Vạn Lý Trường Thành nhưng vẫn không yên. Nhân có tướng tài của nước Âu Lạc là Lý Ông Trọng sang sứ nên vua Tần ngỏ ý mời ông giúp Tần trừ giặc Hung Nô, phong ông làm Vạn Tín Hầu. Ông Trọng cầm quân ra giữ đất Lâm Thao (vùng Cam Túc, Trung Quốc hiện nay), hễ quân Hung Nô kéo đến bao nhiêu là bị đập tan bấy nhiêu. Giặc Hung Nô kinh sợ và từ đó không dám xâm phạm biên ải nhà Tần nữa. Vua Tần hết sức khâm phục, phong tước cao, thưởng hậu và gả cả công chúa cho Lý Ông Trọng, muốn lưu ông ở lại Tần lâu dài. Sau đó một thời gian, Lý Ông Trọng nhớ quê hương xin vua Tần cho về nước nghỉ ngơi.



Vua Tần đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương.

Khi biết tin Lý Ông Trọng đã về nước, quân Hung Nô lại kéo sang đánh Tần. Vua Tần lại sai sứ sang Âu Lạc mời Ông Trọng. Ông Trọng không muốn đi nên vua Thục nói rằng ông đã mất. Vua Tần bất đắc dĩ phải đúc một pho tượng đồng khổng lồ hình Lý Ông Trọng (bên trong rỗng, chứa được mấy chục người, có máy giật để cử động chân tay như thật) đặt ở cửa Kim Mã, kinh thành Hàm Dương. Giặc Hung Nô ngỡ là ông lại sang Tần nên không dám xâm phạm nước này. Từ đó người phương Bắc thường gọi những pho tượng lớn là “Ông Trọng”.


2. Tử Cấm Thành là tác phẩm của người Việt

Tử Cấm Thành Bắc Kinh ngày nay trở thành một biểu tượng văn hóa để người Trung Quốc tự hào với nhân loại. Ít ai biết rằng, tổng công trình sư của Tử Cấm Thành là một người Việt Nam.

Đó là ông Nguyễn An, sinh vào cuối thời Trần. Theo Kiến Văn Tiểu Lục của Lê Quý Đôn thì Nguyễn An quê ở vùng Hà Đông ngày nay. Từ nhỏ đã nổi tiếng thần đồng, giỏi tính toán và có biệt tài về kiến trúc. Bởi vậy, mới chỉ 16 tuổi, Nguyễn An đã có mặt trong các hiệp hội thợ xây dựng các công trình cung điện của nhà Trần.

Năm 1406, nhà Minh mang quân sang đánh nhà Hồ bắt được cha con Hồ Quý Ly mang về Trung Quốc. Năm 1407, vua Minh xuống chiếu cho các tướng Minh ở nước ta bắt những người học vấn cao, thợ khéo, các thanh niên tráng kiện để mang về Trung Quốc phục vụ cho nước họ. Nguyễn An nằm trong số bị bắt này.

Sang Trung Quốc, Nguyễn An bị sung vào đội ngũ hoạn quan. Vào lúc này, nhà Minh đang cho xây dựng thành Bắc Kinh làm kinh đô. Nghe Nguyễn An có tài kiến trúc lại liêm khiết, vua Minh cho ông phụ trách việc xây Tử Cấm Thành. Các quan lại ở Bộ Công có ý không phục nhưng khi thấy Nguyễn An tính toán rành mạch, đầu nghĩ tay chỉ thành hình, họ cũng vui vẻ phục tùng.

Dưới sự chỉ đạo của Nguyễn An, Tử Cấm Thành Bắc Kinh đã hoàn thành với một công trình đồ sộ gồm 800 cung và 8.886 phòng trên một diện tích 720.000 m2. Theo phát biểu của GS Trần Ngọc Thêm trên báo Sài Gòn Giải Phóng, công trình này mang những ảnh hưởng kiến trúc Việt Nam rõ rệt. Đó là nguyên tắc “tiền triều hậu thị” nghĩa là cung điện phía trước chợ búa phía sau. Trong khi các hoàng thành trước đó của Trung Quốc hình vuông thì Tử Cấm Thành hình chữ nhật. Nét nổi bật nhất là Tử Cấm Thành có 3 lớp trong khi các kinh thành trước chỉ có 1 hoặc 2 lớp. Theo giáo sư Thêm, đây là biểu hiện tư duy coi trọng số lẻ của người Việt và cũng là sự tương đồng với thành Cổ Loa của ta.

Công lao của Nguyễn An trong việc tổ chức xây dựng Tử Cấm Thành đến nay vẫn được ghi rõ trong các bộ sử cổ của Trung Quốc như Hoàng Minh thông kỷAnh Tông chính thống thực lục.


3. Ông tổ pháo binh ở Trung Quốc

Người Trung Quốc xưa nay được mệnh danh là cha đẻ của thuốc súng. Nhưng ít ai biết rằng chính người Việt Nam lại là thầy dạy đúc súng pháo của người Trung Quốc. Người thày ấy không ai khác, chính là Hồ Nguyên Trừng. Ông là con trưởng của Hồ Quý Ly, có biệt tài về đúc súng, pháo. Sau khi nhà Hồ bị quân Minh tiêu diệt, cha con ông cùng các quan lại bộ thuộc bị bắt về Trung Quốc.

Ở bên Trung Quốc, nhà Minh biết Trừng có tài chế tạo súng thần cơ mới trưng dụng ông, từ đó nước này mới có bước tiến lớn trên con đường sử dụng thuốc nổ vào chiến tranh. Theo Vân đài loại ngữ của Lê Quý Đôn thì trong sử đời Minh có ghi nhận: “Trừng khéo chế súng, chế ra thần cơ cho triều đình, đến nay tế binh khí đều phải tế Trừng”. Trong sách Thông ký cũng nói: ”Lúc đầu Quốc Triều (chỉ nhà Minh) chỉ có năm quân doanh, ấy là Trung, Tiền, Tả, Hữu, Hậu. Năm Vĩnh Lạc xưa (1403-1424) lấy 3.000 quân kỵ rợ Hồ đặt dưới lá cờ rồng, lập ra tam thiên doanh. Sau khi nam phạt, học được phép chế thần công thì lập ra thần cơ doanh”.

Giáo sư Trần Quốc Vượng khi nghiên cứu lịch sử Trung Quốc cũng xác nhận trong Minh sử có ghi: “Đến đời vua Thành Tổ nhà Minh (1403-1424) đánh nước Giao chỉ học được phép đúc thần cơ sang pháo, lúc bấy giờ mới đặt ra đội súng thần cơ”. Như vậy, các tài liệu sử học của cả ta và Trung Quốc đều xác nhận rõ ràng, chỉ từ khi có Hồ Nguyên Trừng mới xuất hiện Thần cơ doanh là binh chủng pháo binh đầu tiên của quân đội Trung Quốc và cũng là binh chủng pháo binh đầu tiên của nhân loại. Rõ ràng cha ông chúng ta xưa đã đi trước người Trung Quốc trong kỹ nghệ chế tạo pháo.


4. Trạng nguyên triều Đường

Lịch sử quan hệ bang giao Việt Nam – Trung Quốc thời phong kiến có nhiều sứ giả Việt Nam vì giỏi ứng đối nên được hoàng đế Trung Hoa phong cho danh hiệu Trạng Nguyên. Tuy nhiên đó chỉ là một dạng danh hiệu danh dự. Nhưng từ thế kỷ 8, khi nước ta còn bị nhà Đường đô hộ, người Việt đã tỏ ra trí tuệ không kém gì dân Trung Quốc.

Năm 784, Khương Công Phụ, một người xuất thân bình dân ở đất Yên Định – Thanh Hóa (lúc đó là quận Nhật Nam dưới thời Đường) đã sang Trường An thi và đoạt danh hiệu Trạng Nguyên, đứng đầu hàng ngàn sĩ tử Trung Quốc.

Theo sách Chuyện thi cử và lập nghiệp của học trò xưa, Khương Công Phụ sinh ra trong một gia đình làm nghề bán thuốc bắc. Từ nhỏ đã nổi tiếng thông minh nên được cha mẹ cho đi học với một ông thày người Trung Quốc vốn là một Nho sĩ đỗ đạt nhưng chán cảnh quan trường lánh sang nước ta ẩn dật. Nhờ được học thày giỏi nên tài năng của Công Phụ ngày càng phát triển.

Trong dịp khảo hạch ở quận, vua Đường chỉ cho sĩ tử An Nam được sang Trường An thi có 8 người nhưng Công Phụ đã vượt qua hết các kỳ khảo hạch và luôn đứng đầu số sĩ tử dự khảo hạch. Đến kỳ thi ở Trường An, ông đã đỗ Trạng Nguyên sau đó đã làm đến Gián nghị đại phu rồi Tể tướng của triều vua Đường Túc Tông.

Đánh giá về Công Phụ, học giả Trung Quốc đời sau vẫn còn nhiều ngưỡng mộ. Học giả La Sĩ Bằng nhận xét: “Thời Đường lấy văn thơ kén quan chức. Người An Nam muốn ra làm quan ắt phải theo lối đó. Công Phụ qua khoa cử làm quan đến chức cao quý như Tể phụ thì thơ văn chắc phải uyên thâm lỗi lạc… Chỉ có trong Toàn Đường Văn, quyển 446 có chép 2 thiên: Bạch Vân chiếu xuân hải và Đối cực trực gián sách. Qua hai thiên văn chương ấy, chúng ta đại khái thấy được bút văn, kiến thức của bậc văn tài”.

Sưu tầm 

17/07/2022

Hùng vỹ Mù Cang Chải mùa nước đổ - Cảnh đẹp ở VN

Đẹp quá, tôi đã có dịp thăm ruộng bậc thang ở Yogyakarta / Jakarta and Bali, Indonesia, cũng đẹp lắm nhưng không có nhiều màu sắc như những thửa ruộng này. Có lẽ phải đi Yên Bái một phen nhìn tận mắt.

  Mùa nước đổ khiến những thửa ruộng bậc thang Mù Cang Chải (tỉnh Yên Bái) hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh, dưới nắng vàng rực rỡ đẹp tựa như một bức tranh.

Ruộng bậc thang Mù Cang Chải nằm trải rộng trên diện tích hơn 2.300 ha, nhưng tập trung nhiều nhất ở 3 xã La Pán Tẩn, Dế Xu Phình và Chế Cu Nha. Đây là nơi canh tác lúa nước của người Mông và cũng là minh chứng cho sự sáng tạo trong việc canh tác lúa nước thích ứng với điều kiện khí hậu, đất đai và thủy lợi của đồng bào dân tộc miền núi.

Vẻ đẹp của Mù Cang Chải vào tháng 5-6, mùa nước đổ.

Không thẳng cánh cò bay như những cánh đồng ở vùng đồng bằng phù sa châu thổ, những thửa ruộng ở vùng cao ở Tây Bắc nói chung và Mù Cang Chải nói riêng cứ chồng lấn lên nhau từ lớp này đến lớp khác như những bậc thang bắc lên trời xanh.

Để có những thửa ruộng bậc thang, người Mông ở Mù Cang Chải phải chọn những vùng đất trên triền đồi, sườn núi có diện tích khá rộng, độ dốc vừa phải và vị trí thuận lợi để đón nước mưa, nước suối.

Mặc dù công việc khai đất và dẫn nước cho ruộng bậc thang nơi đây có khó khăn hơn, nhưng bù lại, ngoài những vụ mùa bội thu, những dân tộc nơi đây còn kiến tạo nên một kỳ quan thiên nhiên kỳ vĩ.

Đó là những mảng màu đa sắc của ruộng bậc thang mùa nước đổ, đẹp tựa một bức bích họa giữa đại ngàn Tây Bắc.

Không màu mè, lộng lẫy như mùa thu, khi ruộng bậc thang Mù Cang Chải được nhuộm bởi màu vàng óng ả của sắc nắng và những bông lúa chín trĩu hạt, ruộng bậc thang vào mùa nước đổ mang một gam màu trầm, một vẻ hoang sơ, đúng chất của núi rừng Tây Bắc.

Màu vàng của đất chưa cấy, màu trắng loang loáng của nước đã đổ, màu xanh của nương mạ, màu đỏ của hoa gạo, màu bàng bạc của dòng suối chảy vắt qua giữa thung lũng cùng vô số màu sắc từ những chiếc váy áo, từ cuộc sống lao động hăng say đã làm nên những mùa xuân miền núi.

Cảnh nơi đây kỳ thực là sự kiến tạo tuyệt vời của tạo hóa. Và gương mặt ngây thơ của những đứa trẻ vùng cao cũng là những điểm nhấn thú vị tại nơi này.

Vùng rẻo cao của Yên Bái hiện lên với màu của đất nâu hòa quyện cùng trời xanh và mặt nước óng ánh dưới nắng vàng rực rỡ. Vào mùa nước đổ, Mù Cang Chải khoác lên mình chiếc áo mới đầy màu sắc với thời điểm lúa chín tháng 10.

Ánh nắng phản chiếu của nước quyện cùng ánh mặt trời, và màu xanh của mạ non tạo nên một bức tranh đẹp mê mẩn trên những thửa ruộng bậc thang với hình ảnh bà con dân tộc Mông đang hăng say cấy hái.

Lũ trẻ con cũng tung tăng theo bố mẹ, đứa ngồi trên bờ trông em, đứa lớn thì vận chuyển mạ, đứa lại đang vắt vẻo trên cây gạo giữa thung lũng hái những bông hoa rực đỏ cuối mùa.

Huyện Mù Cang Chải có khoảng trên 62.000 dân, trong đó 91% là dân tộc Mông, còn lại là dân tộc Thái, Kinh và các dân tộc khác. Sự đa dạng về dân tộc cũng tạo nên cho Mù Cang Chải có một nền văn hóa phong phú, là sự giao thoa văn hóa giữa các dân tộc trong toàn huyện.

Bằng sự sáng tạo thông minh, đôi bàn tay cần cù, chăm chỉ, cùng sức mạnh tập thể, những người dân vùng cao đã tạo nên hệ thống ruộng bậc thang độc đáo và kỳ vĩ.

Vẻ đẹp của Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải còn được bầu chọn vào top 10 ruộng bậc thang đẹp nhất thế giới.

Vẻ đẹp ruộng bậc thang của Mù Cang Chải.

Mù Cang Chải qua ống kính của các nghệ sĩ nhiếp ảnh Yên Bái.

TUẤN VŨ