Trang

30/06/2021

Phật và ma quỷ


 

Có một họa sĩ rất nổi tiếng, ông ta muốn vẽ tranh về chủ đề Phật và ma quỷ, nhưng mà ông ta không tìm thấy trong thực tế hình mẫu của hai nhân vật này. Trong đầu ông ta nghĩ thế nào cũng không thể tưởng tượng ra hình dạng của Phật và ma quỷ, cho nên rất sốt ruột lo lắng.

Thế rồi có một cơ hội rất vô tình, trong một lần đi chùa bái lễ, họa sỹ đã vô tình phát hiện ra một vị hòa thượng trông thật Tiên phong Đạo cốt, các loại khí chất trên thân thể vị hòa thượng kia đã hấp dẫn vị họa sĩ một cách sâu sắc, thế là ông ta liền đi tìm vị hòa thượng đó, nguyện ý trả cho vị hòa thượng này một số tiền lớn, với điều kiện là vị hòa thượng sẽ dành một ngày làm mẫu để họa sĩ kia vẽ.

Sau này, tác phẩm của vị họa sĩ hoàn thành đã gây ra chấn động rất lớn tại địa phương. Họa sĩ nói: “Đó là bức tranh mà tôi hài lòng nhất, bởi vì vị hòa thượng làm mẫu cho tôi vẽ kia khiến tôi nghĩ rằng nhất định ông sẽ tu thành một vị Phật, những khí chất thanh tịnh và thư thái ông mang trên mình có thể gây cảm động đến mỗi người”.

Vị họa sĩ cuối cùng đã thực hiện lời hứa của mình, trả cho vị hòa thượng kia rất nhiều tiền. Cũng bởi vì bức tranh này, mọi người đã không gọi ông ta là họa sĩ nữa mà gọi là “Họa Thánh”. Một thời gian lâu sau, họa sĩ chuẩn bị bắt tay vào vẽ ma quỷ, nhưng điều này lại trở thành một vấn đề khó khăn cho ông, đi đâu mà tìm được hình dáng của ma quỷ đây? Ông ta tìm hỏi qua rất nhiều địa phương, tìm rất nhiều người hung ác bên ngoài, nhưng không có ai thỏa mãn cả.

Cuối cùng, ông ta tìm đến một nhà tù, vị họa sĩ cực kỳ vui mừng, bởi vì thực sự tìm một người giống ma quỷ quả là quá khó khăn. Thời điểm mà ông họa sĩ đối mặt với kẻ phạm nhân kia, kẻ phạm nhân đã ở ngay trước mặt ông ta mà khóc rống lên. Vị họa sĩ thấy vô cùng kỳ lạ, bèn hỏi phạm nhân kia có chuyện quan trọng gì vậy? Phạm nhân kia nói: “Tại sao ông lần trước vẽ Phật cũng tìm tôi mà lần này vẽ ma quỷ cũng lại tìm tôi?”.

Vị họa sĩ bị chấn động, ông nhìn người phạm nhân một cách cẩn thận rồi nói: “Tại sao lại có thể thế được? Lúc tôi vẽ Phật tôi tìm người kia có khí chất phi phàm, còn ngươi thoạt nhìn đã thấy ngay là hình tượng ma quỷ rồi, tại sao lại là cùng một người được? Thật là quá kỳ lạ! Quả thực là khiến cho không ai có thể lý giải nổi”.

Tên phạm nhân kia đau buồn nói: “Chính là ông đã biến tôi từ Phật thành ma quỷ”. Vị họa sĩ nói: “Ngươi tại sao lại nói như thế? Ta không có làm gì ngươi cả”.

“Chính là ông đã biến tôi từ Phật thành ma quỷ!” .

Phạm nhân nói: “Từ sau khi ông trả cho tôi tiền, tôi đã ăn tiêu đàng điếm, đi tìm mua vui, mặc sức tiêu xài, phóng túng dục vọng. Sau này khi đã tiêu hết tiền, mà tôi lại quen với cuộc sống như vậy rồi, dục vọng đã khởi lên mà không thể vãn hồi được. Thế là tôi đi cướp đoạt tiền của người khác, còn cả giết người nữa, chỉ cần có thể kiếm được tiền, việc xấu thế nào tôi cũng có thể làm, kết quả là trở thành như bộ dạng của ngày hôm nay!”.

Người họa sĩ nghe phạm nhân kia nói xong, vô cùng bùi ngùi, ông cảm thấy sợ hãi khi mà nhân tính chỉ vì dục vọng lại có thể chuyển biến con người ta nhanh chóng đến như vậy, con người là yếu ớt như thế. Thế là ông đau đớn mà đem bút vẽ quẳng đi, từ đó về sau không bao giờ vẽ tranh nữa.

Con người một khi rơi vào cái bẫy theo đuổi ham muốn hưởng thụ vật chất, cũng rất dễ dàng đánh mất phương hướng bản thân mình, muốn bứt phá ra là một việc vô cùng khó khăn, cho nên nhân tính là không thể ở cùng với tham niệm.

Vị thiền sư kể xong mấy câu chuyện, liền nhắm mắt lại không nói gì, nhưng người hỏi kia đã từ mấy câu chuyện mà có được giải đáp. Hóa ra cái đáng sợ nhất trên đời này chính là dục vọng của con người, dục vọng của con người càng nhiều, thì càng thấy chưa đủ, sẽ càng thấy không sung sướng vui vẻ và sẽ càng ngày càng rời xa thiện niệm, tiến dần tới đau khổ.

Tiền như gông xiềng, tham lam là phần mộ, truy danh trục lợi cuối cùng cũng chỉ là công dã tràng, chỉ có tẩy tịnh đi đủ loại dục vọng trong lòng, buông bỏ lòng tham, quay trở về với bản tính thật thà lương thiện, mới có thể khám phá ra rằng: “Mọi vinh hoa phú quý trong thế gian này chỉ như mây khói thoảng qua, suy cho cùng chúng đều là những thứ vô thường cả”.


Mai Trà biên dịch

29/06/2021

Nhà sư nằm ở bờ sông thì 4 phụ nữ đi đến, và mỗi người nói 1 câu.


 

Người phụ nữ đã nói những gì mà khiến nhà sư phải thay đổi trạng thái của mình nhanh đến như vậy.

Đang nằm nghỉ bên bờ sông thì có 4 phụ nữ đi tới, người thứ nhất nói 1 câu khiến nhà sư phải ngồi bật dậy

Một hôm, có một nhà sư trẻ đi khất thực. Trên đường có đi qua một con sông, vì khát nước, nên nhà sư đã đi xuống bờ sông uống vài ngụm. Sau đó, thấy có gió mát, người lại sẵn mệt mỏi, nhà sư bèn kiếm một nơi cao ráo rồi nằm xuống, tựa đầu lên một tảng đá nhỏ để nghỉ ngơi trong chốc lát.

 Nhà sư vừa nằm nghỉ được một lúc thì có một nhóm phụ nữ 4 người xuống sông lấy nước.

Người đầu tiên nhìn thấy nhà sư đã vội vàng bình phẩm: "Thậm chí sau khi từ bỏ mọi ham muốn trần tục và trở thành nhà sư, anh ta vẫn không thể bỏ được thói quen dùng gối. Cho dù nó là một hòn đá thì dù sao đi chăng nữa, anh ta vẫn dùng nó giống như một chiếc gối".

Nhà sư trẻ nghe thấy người phụ nữ đầu tiên nói như vậy thì giật nảy mình, vội ngồi bật dậy và vứt ngay hòn đá đang kê làm gối ở phía dưới.

Tưởng đã hết thứ để phàn nàn, nhà sư nào ngờ ngay sau đó, người phụ nữ thứ hai đã cất lời: "Ôi chao, nhìn cái cách anh ta tức giận mà ném hòn đá đi kìa. Sao người tu hành lại có thể mất bình tĩnh như vậy chứ?".

Chẳng biết phải cư xử thế nào cho phải phép, nhà sư trẻ cảm thấy vô cùng bối rối và tự nhủ: "Mình nên làm gì bây giờ?".

Đúng lúc đó, người phụ nữ thứ ba lên tiếng: "Đây là chỗ bờ sông. Phụ nữ chúng tôi hay ra đây để lấy nước lắm và mỗi lần đi lấy nước, chúng tôi sẽ nói chuyện này, chuyện kia. Nếu anh cứ bị ảnh hưởng bởi lời nói của chúng tôi, làm sao anh chú tâm để niệm Phật được?".

Trong lúc nhà sư trẻ chưa biết nên đáp lại ra sao cho phải phép, thì may mắn, người phụ nữ thứ tư đã lên tiếng giải vây cho nhà sư: "Tha thứ cho tôi vì đã nhiều chuyện, thưa nhà sư. Nhưng tôi trộm nghĩ thế này, ngài đã bỏ lại đằng sau tất cả để trở thành một người tu hành, trừ 1 thứ, đó chính là BẢN NGÃ CỦA NGÀI.

 

Chừng nào cái BẢN NGÃ ấy vẫn còn, thì ngài sẽ vẫn quan tâm và bị tác động bởi những lời khen chê, nhận xét, bình phẩm của người khác về mình. Chỉ đến khi ngài hoàn toàn vứt bỏ được cái bản ngã ấy, ngài mới có thể chuyên tâm niệm Phật, tìm ra con đường của chính mình và cứu giúp người khác thoát khỏi bể khổ được".

Nghe tới đây, nhà sư trẻ như chợt bừng tỉnh, ngộ ra được nhiều điều. Sau đó, ngài ung dung ngồi thiền định và không quan tâm đến những gì diễn ra xung quanh nữa.

Đức Phật dạy: "Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình"

Tình huống mà vị thiền sư trẻ tuổi trên đây gặp phải rất phổ biến, hàng ngày chúng ta cũng gặp phải vô số những chuyện khiến ta bận lòng và tìm cách đối phó như vậy. Tuy nhiên, không phải lời nhận xét hay góp ý nào cũng đúng, cũng chân thành và xuất phát từ hảo ý của người nói.

Đôi khi, nó chỉ là những câu đùa vui, nói cho có mà thôi, chứ hoàn toàn không có mục đích thật sự để khuyên nhủ ta tốt hơn, thậm chí chỉ là "câu chuyện làm quà", chính vì thế, nếu luôn để tâm và dằn vặt bản thân, không có chính kiến và mù quáng làm theo, chúng ta sẽ không bao giờ tìm được sự bình an trong tâm hồn, lúc nào cũng sống trong sự hoang mang, rối loạn.

 

Đức Phật Tất Đạt Đa Cồ Đàm cũng đã từng nói rằng: "Hãy sống tốt, đừng quan tâm người khác nghĩ gì về mình.

Cũng đừng phản ứng trước những lời xúc xiểm ta. Khi người khác xúc xiểm ta, họ chỉ đang cho thấy bản chất con người của họ, chứ không phải bản chất của ta. Đừng nghĩ những lời nói đó nhắm vào cá nhân ta. Hãy im lặng.

Đừng phán xét bất cứ điều gì, các con sẽ hạnh phúc. Quên đi mọi chuyện ưu phiền, các con sẽ càng hạnh phúc hơn. Hãy yêu thương tất thảy mọi thứ trên đời, các con sẽ là những người hạnh phúc nhất".  

Theo Thanh Hương

27/06/2021

MÀU TÍM ANH YÊU

Hoàng hôn tim tím trời chiều

Hoa lan tim tím tình yêu đợi chờ

Đêm về tím những ước mơ

Tím trong nỗi nhớ vô bờ em ơi!

Ai mang áo tím rạng ngời

Sắc màu tím Huế trọn đời thủy chung!

Yêu nhau nỗi nhớ khôn cùng

Dù cho xa cách ngàn trùng không phai.

                                 Thơ: Đức Trung























Hình sưu tầm trên mạng 

26/06/2021

Làm sao biết đã… già?


 

Như đã nói, cha mẹ già thường nhìn các con 40, 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con thì luôn thấy cha mẹ của mình như một người… lớn khỏe mạnh, chớ không ngờ cái già nó đã “xồng xộc” đến với họ, đã làm thay đổi bản thân họ mà chính họ cũng không hề hay biết!

Cho nên muốn biết cha mẹ đã… già chưa thì chỉ còn có cách “lén” quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường và những vấn đề về sức khỏe của tuổi già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt. Nhưng biết để quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa cả thì rất không hay!

Trước hết hãy quan sát… coi cái bề ngoài của họ ra sao. Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Có “mặc kệ” sao cũng được mọi thứ về chuyện chăm sóc bản thân mình không? Trí nhớ họ còn tốt không hay đã bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại hoài một chuyện? Họ có loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt hay tòang teng trên cổ không? Họ có nghễn ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ hỏi đi hỏi lại hoài một chữ không? Họ có kêu TiVi mờ, điều chỉnh tới lui cũng không rõ hoặc kêu sách báo lúc này sao in chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt đất như chân mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Có kêu đau lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò ga, quên khoá cửa nhà… không? Chờ đến lúc họ không còn nhớ tên con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường đi lối về và rồi quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã… Alzheimer nặng!

Để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không? Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không hay chỉ thích ngồi im một chỗ như “đang lắng nghe im lặng đời mình” (TCS)? Họ có ôm TiVi suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài đời không?

Để ý coi họ có đã bắt đầu thở hồn hển nặng nhọc… khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức giấc đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món ăn quen thuộc không? Họ có bị bón rặn hì hục cả ngày không?…

Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của một tuổi già. Và, có một “kế hoạch già” là cần thiết rồi đó!

“Kế hoạch già”?

Có một “kế hoạch già” thì dĩ nhiên tốt hơn cứ để đến đâu hay đến đó. Nhưng không phải dễ làm một kế hoạch như vậy. Con cái có hiếu có thể giúp một tay! Nhớ rằng lơ là một chút thì trách sao bỏ mặc, còn quan tâm một chút thì kêu “ không có gì qúy hơn độc lập tự do”…! Cho nên cần một kế hoạch… lỏng lẻo và uyển chuyển để tùy cơ ứng biến.

Tuy vậy, vẫn có những nguyên tắc chung cho một “kế hoạch già”, chẳng hạn dựa trên Tháp nhu cầu của Maslow, áp dụng vào hoàn cảnh người già, ta sẽ thấy ngay cần phải chăm sóc như thế nào cho thỏa đáng, không gây phiền hà mà cũng không thiếu sót. Những nguyên tắc này cũng giúp người già tự đánh giá “Chất lượng cuộc sống” của chính mình hiện nay ra sao.

Đó là tìm cách đáp ứng 5 nhu cầu thiết yếu của người già:

1) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản của “tồn tại” như : cái ăn, cái mặc, cái ngủ, cái thở, vệ sinh… , nói chung “tứ khoái” mà người xưa thường nói, cả vận động thể lực, đi đứng nằm ngồi, chữa trị bệnh tật…

2) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn để tránh té ngã, đèn đóm đủ sáng, toilet không trơn trợt, môi trường xung quanh an ninh, an toàn cho sức khỏe… và, đảm bảo tối thiểu về… tài chánh!

3) Nhu cầu tình cảm, xã hội: giữ các mối quan hệ thân thiết trong gia đình, với con cháu, với bạn bè, xóm giềng, cộng đồng… Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên;

4) Nhu cầu tự khẳng định: có nếp sống tự tại, không bị áp đặt; có được sự tôn trọng và chấp nhận của mọi người, tiếp tục đóng góp cho gia đình và xã hội tùy năng lực để vẫn thấy mình hữu ích…

5) Nhu cầu tâm linh: hiểu luật vô thường, từ bi với mình, hướng thượng, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, phúc đức tổ tiên ông bà…!

Chất lượng cuộc sống

Chăm sóc sức khỏe người già không chỉ lo điều trị cho hết bệnh mà còn phải lo phục hồi sức khỏe, quan tâm đến “chất lượng cuộc sống” của họ!

Do tuổi già, các hoạt động chức năng của cơ thể đã sút giảm, phần lớn đã hoặc đang “quá date”, không còn được như xưa, đặc biệt dễ nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm lý ngày càng phức tạp khiến chất lượng cuộc sống càng xuống cấp nhanh chóng. Già không phải là bệnh nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc bệnh thì mắc nhiều thứ một lúc! Bệnh này sanh bệnh kia. Chữa dứt chỗ này đã xì ra chỗ khác.

Lệ thuộc vào thầy vào thuốc thì chất lượng cuộc sống càng tệ hại. Bởi chỉ có mình mới biết rõ mình thôi! Đã đến lúc nên biết sống một mình, biết “độc cư”, biết “tự tại”! “Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời như vô tận/ Một mình tôi về…/ Một mình tôi về/ Với tôi…” (TCS).

Chất lượng cuộc sống ( Quality of life) được định nghĩa là “ Những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”. (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).

Cảm nhận riêng mình, trong bối cảnh văn hóa, trong hệ thống giá trị… của riêng mình! Cho nên một “bà mẹ quê” sẽ chịu không nổi khi con cái hiếu thảo đưa về thành phố, nhốt trong phòng máy lạnh, ngày ngày cho uống sữa và ăn các thức cao lương mỹ vị, tháng tháng đi bác sĩ kiểm tra, ôm về một đống thuốc… sẽ khổ sở biết chừng nào khi nhớ đến sông nước, đồng lúa, cá kho tô, canh “rau đắng mọc sau hè” của mình!

Có một bảng chỉ số giúp đo đạc chất lượng cuộc sống trong lãnh vực sức khỏe gồm các yếu tố thể chất, tâm lý, tính độc lập, quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người già có thể tự đánh giá và điều chỉnh, thích nghi:

Về thể chất chẳng hạn, ăn uống tốt không, có đủ chất không, có đủ năng lượng không? tiêu tiểu có bình thường không? có bị táo bón, rối loạn tiêu hóa gì không? hít thở dễ dàng không? có mệt mỏi, đau nhức thường xuyên không?… giấc ngủ thế nào? v.v…

Về tâm lý thì tự nhìn nhận bản thân mình thế nào, có “tự hào” dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn như thuở nào không hay “nhìn lại mình đời đã xanh rêu”? Có những cảm xúc tiêu cực hay tích cực khi nhìn ngắm cuộc đời, nhìn ngắm chung quanh… Tự đánh giá về khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ, khả năng tập trung của mình ra sao?

Về tính độc lập: mức độ vận động, đi lại, sinh hoạt cá nhân thế

nào? Có bị lệ thuộc nhiều vào thuốc men? Khả năng thích ứng công việc hằng ngày? Về các mối quan hệ với gia đình, với bạn bè?

BS Đỗ Hồng Ngọc.

Sức khỏe của người già


 

Sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng nhất để có một tuổi già hạnh phúc, có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… đều phải già, nếu sống lâu dĩ nhiên! Còn ta, ta chần chờ, chểnh mảng, làm ngơ… Đi đâu mà vội…

Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già… khú, rồi già “khú đế” một cách đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức. Lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác. Tai không nghe rõ, có khi điếc đột ngột. Nói không trôi chảy nữa, lúng ba lúng búng. Mắt nhìn hết tinh… Thay kính này kính khác rồi cuối cùng đành đi mổ thay thủy tinh thể nhân tạo…! Do đó, nếu không được chuẩn bị trước để “welcome” tuổi già một bước, ta hụt hẫng, ngậm ngùi, cay đắng, làm khổ mình và làm khổ cho những người chung quanh!

Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn trong từng năm từng tháng từng ngày. Tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật , Thụy Điển có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khoẻ cũng như về tâm lý xã hội. Rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bệnh mạn tính, người gìa còn được học vi tính để có thể “giao du” với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng…Họ vừa có thể sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với nhóm bạn cùng lứa, tâm đầu ý hợp!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Đây là một định nghĩa nói chung, còn với người già thì định nghĩa có khác một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở chỗ đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), sau đó mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi ai cũng biết tuổi già, thể chất đã dần rệu rả, quá “date”, nên chất lượng cuộc sống chính nằm ở “tâm thần” có an lạc, hạnh phúc hay không mà thôi!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ. Khẩu hiệu đưa ra là: “Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào?

Có bạn hỏi thật hay! Tại sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà dám viết về… người già? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa – bác sĩ của trẻ con – nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy “nhóc” mà tôi đã và đang chăm sóc cũng sẽ trở thành một người già, và hơn thế nữa, tôi nay cũng đã là một bác sĩ… già! ! Nửa thế kỷ trước, khi còn là sinh viên y khoa thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, tôi đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các “nhóc” đó cũng đã 50 cả rồi đó. Còn mấy chú nhóc mà tôi có dịp khám chữa bệnh mấy chục năm qua thì bây giờ lại thấy mang trên tay một chú nhóc khác – là con của chú – đến khám! Thời gian đã trôi qua lúc nào đó vậy? Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách gọi! Bác sĩ Từ Giấy trước đây thường nhắc chúng tôi: “ Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho mẹ… các “cụ” được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các “cụ”… bú; phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho các cụ; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi ấu thơ như không nên uống rượu, không nên hút thuốc lá v.v… để tránh ung thư, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng; rồi phải dạy các cụ có thói quen tốt như tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để tránh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, thấp khớp… Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng cao, nhưng khi nói đến “lão khoa”, hình như người ta quan tâm nhiều đến bệnh tật hơn là đến sự sảng khoái (well being) toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của người già. Các thầy thuốc lão khoa tuy giỏi chuyên môn nhưng phần lớn chưa đủ già để trải nghiệm, để thưởng thức…cái già, để hưởng thụ …cảnh già!

Nhiều lần tôi có dịp chứng kiến cảnh con cháu khóc lóc bên giường bệnh của ông bà, cha mẹ già đang hấp hối ở bệnh viện. Họ tự trách mình và không ít người thốt lên sẵn sàng bán nhà bán cửa để lo cho các cụ! Nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Thế sao trước đó, khi ông bà, cha mẹ già còn đang sống bên ta, ta lại hờ hững, lơ là đến vậy? Không phải bất hiếu chi đâu, chẳng qua nghĩ: còn lâu! Còn lâu, ông bà, cha mẹ mình mới già, mới lìa xa. Cứ thong thả! Còn biết bao việc “ưu tiên” hơn. Đó là chưa kể khi chung sống không tránh khỏi đôi lúc bực mình: Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư (Như Không)!

Ngay cả ông bà, cha mẹ già cũng không hề nghĩ mình… già, không biết mình già. Nhất là không ngờ cái già nó có thể “gia tốc”, nó có thể “xồng xộc” đến vậy! Dưới mắt ông bà, cha mẹ già thì con cháu lúc nào cũng là một đứa con nít… còn nhỏ xíu dù “nó” đã 40, 50 tuổi đầu! Còn con cháu cũng nhìn ông bà, cha mẹ già như những “người lớn”, luôn khỏe mạnh!

Lại có những người già không muốn bị coi là già, không chịu già. Đi đứng loạng choạng nhưng con cháu đỡ đần thì gạt ra, quát lên “ Tao có già đâu!” để rồi té ngã, gãy cổ xương đùi, gãy khung xương chậu… !

Còn tiếp

25/06/2021

Một tuổi già hạnh phúc


 

Có tuổi già không?

Các đây gần 20 năm, khi đến thăm GS Trần Văn Khê ở Paris về, tôi có viết một bài trên báo tựa là “Đời thường GS Trần Văn Khê”, đã thân tình gọi ông là “một ông già Nam Bộ dễ thương”, bất ngờ bị ông Khai Trí – chủ nhà sách Khai Trí trước kia ở Saigon mà ai cũng biết – lên tiếng cự nự, trách tôi tại sao dám gọi ông Trần Văn Khê là mộtvaan “ông già” khi ông mới 77 tuổi, dù là “một ông già dễ thương” bởi theo ông Khai Trí, không có cái tuổi nào gọi là tuổi già cả! Ông dẫn chứng bằng một câu trong sách Tây mà ông đã đọc từ xưa:

“ Khi người ta 20-30 tuổi, người ta còn quá trẻ;

30-40 tuổi, đang trẻ;

40-50, hãy còn trẻ;

50-60 trẻ không ngờ;

60-70 trẻ lạ lùng!

và trên 70 ngưòi ta trẻ vĩnh viễn!”…

“Thấy chưa? Có cái gì là già đâu?”, ông Khai Trí bảo tôi!

Còn nhạc sĩ Trịnh Công Sơn trong lời bạt cho cuốn Gió heo may đã về của tôi (1997) thì bảo:“… Nói với một người trẻ, tôi già rồi em ạ là một điều vô lễ… Không có già không có trẻ…”. Nói khác đi ta không bao giờ nên nói với một người trẻ “Tôi già rồi!”, vì nói như vậy là “vô lễ”! Phải nói “em là tôi và tôi cũng là em!” mới đúng. Thế nhưng, chính nhạc sĩ có lúc cũng đã thấy “cát bụi mệt nhoài” của mình mà đành phải “…về thu xếp lại/ ngày trong nếp ngày/ vội vàng thêm những lúc yêu người… cuồng phong cánh mỏi/ về bên núi đợi/ ngậm ngùi ôi đá cũng thương thay…” (TCS). Cuồng phong cánh mỏi rồi đó thấy chưa?

André Maurois thì khác. Ông nói có già có trẻ. Nhưng, ông lại nói có những người mới hai mươi mà đã già trong khi có những người ngoài tám mươi hãy còn trẻ! Và chính ông, khi ngoài tuổi 80, ông đã viết một cuốn sách cho tuổi hai mươi, bày cho họ một lối sống thành công và hạnh phúc!

Kinh nghiệm riêng tôi thì thực ra mình chẳng bao giờ biết mình đã già cả! Bạn bè cùng lứa mình già thì có chứ mình thì không! Cho đến một hôm có người bạn cũ kể chuyện nửa thế kỷ trước đã từng đi câu cá, đi hái chùm ruột trộm… ở quê nhà với mình, rồi đột nhiên cười lỏn lẻn bảo bây giờ em đã là… bà Cố thì mình mới giật mình đánh thót! Mới vài năm trước đây, ở tuổi 72, khi được mời đi nói chuyện đây đó, tôi tự giới thiệu tuổi mình, thính giả vổ tay rào rào và nói trẻ quá, tưởng mới sáu mươi thôi chứ. Khoái chí, năm rồi, tôi tự giới thiệu mình 74, ai nấy im re! Thì ra có một cái “cột mốc”! Nhớ lại hồi 15 mà coi, tự dưng ta cao phổng lên, tay chân lòng thòng, tóc râu tua tủa, mắt sáng mày tươi… đó là cái tuổi dậy thì, bây giờ tới một cột mốc khác, mọi thứ quay ngược lại: già tốc hành, già khú đế, “nhìn lại mình đời đã xanh rêu!” (TCS) . Vậy thì có cái già đó. Vấn đề là làm thế nào để có một tuổi già hạnh phúc, già mà khỏe, mà vui!

Cụ bà Như Không viết lúc ngoài tuổi 80:

Rù rờ đổ vở thật là hư!

Chẳng biết mần răng được nữa chừ!

Ăn uống vãi rơi làm họ bực

Vào ra đụng chạm thấy mình dư…

Người quen gặp lại nhìn ngơ ngẩn

Để trước quên sau kiếm mệt đừ

Đâu biết ngày nay ra thế ấy

Xưa kia lỗi lạc một tay cừ!

“Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư…” nghe mới cảm khái làm sao!

“Một tuổi già hạnh phúc” viết riêng cho những người đã già, đang già, sắp già, để cùng nhau chia sẻ những tâm tình, những kinh nghiệm riêng tư…

Sống trong hiện tại

Có lần tôi viết một bài về người già có tựa là: “Già sao cho sướng?”, không ít bạn bè vừa đọc cái tựa đã kêu lên: Quái, cái ông bác sĩ này bây giờ bày đặt viết chuyện “tục tĩu”!

Cái chữ “sướng” thiệt là tai hại, gây hiểu lầm nhiều quá!

Thiệt ra “sướng” tôi dùng đây là trái với “khổ”. Phật dạy “sinh bệnh lão tử” là khổ, thương yêu mà xa cách là khổ (ái biệt ly), oán ghét mà gặp gỡ là khổ (oán tắng hội), mong muốn mà không đạt là khổ (cầu bất đắc); ngũ uẩn không điều hòa là khổ…

Kể đủ thứ “khổ” như vậy thực ra không phải để bi quan, yếm thế, mà trái lại, khi đã nhận chân được sự thực thì sẽ có cách giải thoát khổ đau; Như người thầy thuốc phải chẩn đoán đúng bệnh, tìm ra được nguyên nhân thì mới có phương cách chữa trị hiệu quả.

Già là một cái khổ không chối cãi được. Ít có ai già mà khăng khăng bảo mình sướng lắm, sướng lắm chớ! Sướng sao nổi. Lực bất tòng tâm. Muốn mà không làm được, tức lắm chớ, buồn lắm chớ. Muốn bay nhảy như hồi thanh xuân đâu có dễ! Nhiều nỗi cay đắng ngậm ngùi không tiện nói ra, không biết bày tỏ cùng ai. Người già đôi khi như hổ nhớ rừng: “Gặm một khối căm hờn trong cũi sắt/ Ta nằm dài nghe ngày tháng dần qua…” (Thế Lữ).

Đó là không kể già thì thường có bệnh. Bệnh thì không đơn giản. Đủ thứ bệnh ở lục phủ ngũ tạng, “ba cao một thấp”… Bệnh này kéo bệnh kia. Thuốc chữa được bệnh này thì sinh ra bệnh khác. Lòng vòng mãi không dứt.

Một người bạn ở nước ngoài về cho biết, lúc này bạn bè có tuổi của mình bên đó bị bệnh “ba cao một thấp” nhiều lắm. Tôi ngạc nhiên hỏi bệnh ba cao một thấp là bệnh gì? Đó là bệnh cao máu (tăng huyết áp), cao đường (tiểu đường) và cao mỡ (tăng axít béo, cholesterol xấu). Còn một thấp là gì? Bạn nói, một thấp là thấp khớp! Thì ra vậy. Nhưng đâu chỉ có ở nước ngoài, ở ta bây giờ cũng đầy “ba cao một thấp” đó thôi. Mấy năm trước, tỷ lệ tiểu đường (type II) rất thấp, nay đã tăng gấp mấy lần. Bệnh tim mạch, huyết áp, thấp khớp, béo phì… đang tăng nhanh. Ra đường bây giờ thấy thanh niên trai tráng thì cà phê thuốc lá, nhậu nhẹt tưng bừng, còn người già thì cà lết cà nhắc tập đi bộ, huơ tay múa chân thiệt là náo nhiệt!

Có một nhà báo nằm mơ thấy mình gặp thượng đế, và xin được phỏng vấn ngài. “Được, muốn hỏi gì thì hỏi”, thượng đế nói. Nhà báo bèn thưa: “Từ lúc tạo ra loài người đến giờ, ngài có thắc mắc hay ngạc nhiên gì về họ không?”.

“Nhiều lắm”, thượng đế trả lời: “Ta ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc nhỏ thì mong cho mau lớn, lớn rồi thì mong cho nhỏ lại! Ngạc nhiên không hiểu sao con người lúc trẻ thì đem hết sức khỏe ra để kiếm thật nhiều tiền để rồi sau đó đem tiền ra phục hồi… sức khỏe! Lại nữa, ngạc nhiên thấy con người luôn sống trong tương lai hoặc trong dĩ vãng, mà tương lai thì chưa tới, dĩ vãng đã qua rồi, nên có thể nói con người chưa bao giờ… biết sống cả!”.

Sống trong hiện tại “ở đây và bây giờ” chính là cách sống tốt nhất của người già vậy.

Già kiểu nào thì tốt ?

Già là một vấn đề sinh học, nhưng trước hết là một vấn đề văn hóa. Về sinh học, người ta có thể “đo già” bằng nhiều cách như đo mức tăng huyết áp, khả năng điều tiết của thủy tinh thể, khả năng nghe…

Ta biết mạch máu giống như cái ống dẫn nước bằng cao su, dùng càng lâu càng khô cứng, không dẻo dai như lúc mới. Càng có tuổi, mạch máu càng căng giòn, huyết áp tăng dần lên và do đó mạch máu dễ vỡ. Thủy tinh thể ở mắt như một cái ống kính của máy hình, co dãn để điều tiết nhìn gần nhìn xa, khi có tuổi, độ co dãn không còn linh hoạt nữa, đơ cứng và vì thế phải mang “kính lão” để điều chỉnh mỗi khi cần đọc sách báo…

Có nền văn hóa, ở đó người ta ham già, mong chóng già; có nền văn hóa người ta sợ già, trốn già. Ở Đông phương ngày trước, với nền văn minh lúa nước: “kính lão đắc thọ”, “già làng”, “lão làng”, người ta thích già sớm, có khi phải sắm vai… già. Ở Tây phương tôn trọng tuổi trẻ, sức mạnh, nhan sắc, nên người ta che giấu tuổi già, luôn sắm vai… trẻ. Cái gì quá cũng trở nên lố bịch. Chưa già mà làm bộ già đã khó coi, quá già mà làm bộ trẻ càng khó coi. Tiếng Việt ta rất hay, có già cả, già khú, già khú đế, già dê, già dịch, già không nên nết…!

Phim ảnh, tiểu thuyết, kịch nghệ, truyện cười bên Tây… hễ có một ông già thì thường là người biển lận, bủn xỉn, còn một bà già thì là mụ phù thủy độc ác. Ta thì khác. Ông Bụt, ông Tiên trong cổ tích luôn là một ông già phúc hậu nhân từ, bà Tiên thì hiền lành, xinh đẹp, hiện ra giúp đỡ mọi người.

Trong một thế giới “toàn cầu hóa” như hiện nay thì sự phân biệt già Tây, già Ta không còn rạch ròi rõ nét như xưa. Người ta quan tâm đến chất lượng cuộc sống (quality of life) của người già nói chung. Chất lượng cuộc sống là “những cảm nhận của các cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ” (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).

Một bà cụ “nhà quê” sống vui với cánh đồng lúa vàng, với dòng sông xanh mát, cá kho tộ, canh chua, bông bí chấm kho quẹt được con cái – nay là đại gia – hiếu thảo mang về thành phố với phòng máy lạnh, ăn uống toàn cao lương mỹ vị… chắc chắn sẽ rất buồn khổ, chỉ mong tìm cách trốn thoát.

Người già còn khỏe, có thể “tự lập” được nhưng con cháu… quá chiều chuộng, quá “hiếu thảo”, đút từng món ăn, nâng từng bước đi, bắt khám bệnh liên tục, bắt uống thuốc liên tục sẽ… làm cho nhanh chóng kiệt quệ và trở nên lệ thuộc.

CÒN TIẾP

Các dấu hiệu thiếu vitamin D

Vitamin D đóng vai trò quan trọng trong việc tạo lập và duy trì hệ thống xương và giúp hệ thống miễn nhiễm hoạt động điều hòa. Thiếu vitamin D khó được phát hiện ở người lớn. Dưới đây là một vài triệu chứng thiếu vitamin D

1. Mệt mỏi. Thiếu vitamin D đưa tới thường xuyên mệt mỏi và một số triệu chứng khác như nhức đầu, nhức trong xương, yếu, trầm cảm, khả năng nhận thức kém.

2. Đau nhức xương. Vitamin D ảnh hưởng tới sức khỏe toàn bộ hệ thống xương. Không đủ vitamin D sẽ dẫn tới chứng đau nhức trong xương, khối lượng xương bị giảm và dễ nứt hoặc gãy, lâu dài sẽ đưa tới loãng xương hoặc mềm xương.

 


3. Bệnh tâm thần. Vitamin D cũng ảnh hưởng tới sức khỏe tâm thần. Một số nghiên cứu gần đây cho thấy vitamin D có tác dụng lớn trong việc ngăn ngừa và điều trị một số bệnh mãn tính, trong đó có cả các vấn đề tâm thần như trầm cảm (depression) và các rối loạn về tâm thần khác.

 


4. Yếu cơ. Cần có vitamin D cho các hoạt động bình thường của hệ thống cơ. Thiếu vitamin D làm cơ yếu nên dễ bị té ngã. Do việc thiếu vitamin D rất phổ biến nhưng triệu chứng lại không rõ rệt, vì vậy nếu cơ bị yếu hay bị đau nên nghĩ tới việc thiếu vitamin D.

5. Bệnh còi xương. Thiếu vitamin D trầm trọng sẽ gây ra bệnh còi xương ở trẻ em với các triệu chứng như cơ thể tăng trưởng chậm, đau xương, khớp xương bị biến dạng. Ngoài ra, thiếu vitamin cũng làm trẻ em yếu ớt, kém vận động, thường bị sưng bắp thịt.

6. Bệnh tim và ung thư. Người thiếu vitamin D cũng đưa tới nguy cơ bị bệnh tim mạch, ung thư, bệnh suyễn ở trẻ em và tình trạng suy giảm nhận thức ở người già.

7. Xét nghiệm máu. Do thiếu vitamin D không có triệu chứng rõ rệt, vì vậy nếu có biểu hiện như đau cơ, mệt mỏi, nhức xương…nên yêu cầu bác sĩ xét nghiệm máu. Đây là biện pháp tốt nhất để biết rõ lượng vitamin D trong máu. Nếu thấp, bệnh nhân sẽ được chỉ định thuốc vitamin D liều cao để bổ sung.

Vitamin D có nhiều trong thịt, cá, trứng và sữa. Ngoài ra, cơ thể cũng tự tạo vitamin D khi da được phơi ra nắng.



ST

  

24/06/2021

NHỮNG ĐIỀU THẦM KÍN NHẤT NỘI TẠNG MUỐN NÓI VỚI BẠN

1. Tim sợ mặn

Hấp thụ thực phẩm chứa nhiều muối có thể mắc huyết áp cao, bệnh tim mạch và các nguy cơ tiềm ẩn khác. Lượng ion natri lớn trong muối có thể làm tăng dung lượng máu trong cơ thể. Do đó ăn quá nhiều sẽ làm huyết áp tăng cao, tăng gánh nặng cho tim.

2. Phổi sợ khói

Trong cuộc sống hàng ngày, ngoài khói thuốc lá ra thì ô nhiễm khói nhà bếp, thiết bị trong nhà… cũng là một yếu tố có nguy cơ gây ung thư phổi.
Các nghiên cứu đã chỉ ra rằng, hệ thống thông gió trong nhà bếp không tốt cũng là một nguyên nhân. Nhóm người này có nguy cơ mắc ung thư phổi tăng 49% so với những người khác.

3. Dạ dày sợ lạnh

Tỷ lệ phát bệnh loét dạ dày và tá tràng thường biến động theo mùa. Khi thời tiết giao mùa giữa thu đông và đông xuân là thời điểm có nguy cơ phát bệnh cao.

Khi thời tiết giá lạnh cần đặc biệt lưu ý đến dạ dày. Nếu bạn bị đau dạ dày, khó chịu ở bụng, khó tiêu, khi đó ăn đồ ăn lạnh đều sẽ gây ra khó chịu hoặc làm nặng thêm triệu chứng khó chịu của dạ dày.

4. Thận sợ thịt

Mức sống hiện đại của con người đã được cải thiện đáng kể, nhưng thường xuyên hấp thụ quá mức lượng cá, thịt trong khẩu phần ăn có khả năng dẫn tới thừa protein, lâu dài sẽ tăng gánh nặng cho thận. Bệnh nhân có thận yếu, nếu ăn thịt quá nhiều sẽ càng tăng tổn thương cho tạng phủ này.

5. Gan sợ béo

Nếu cân nặng của một người tăng từ 3% đến 5% so với bình thường, thì rất có khả năng sẽ dẫn tới tình trạng gan nhiễm mỡ. Thông thường quá trình một người bắt đầu bị béo phì trước tiên gan nhiễm mỡ, sau đó xuất hiện vùng mỡ ở eo và cuối cùng là cân nặng tổng thể vượt quá tiêu chuẩn, trở thành một người mập. Do đó, người mập dễ bị gan nhiễm mỡ.

Tuy nhiên, đôi khi những người gầy cũng có thể bị gan nhiễm mỡ. Điều này chứng tỏ một người có béo hay không, không thể chỉ dựa vào chỉ khối lượng cơ thể, mà cần xem tỷ lệ mỡ. Nếu cơ bắp ít hơn, chất béo nhiều hơn, cũng có thể bị gan nhiễm mỡ.

6. Ruột sợ ngồi

Theo kết quả nghiên cứu, những người đàn ông thích ngồi yên trong một thời gian dài có nguy cơ tái phát polyp đại tràng cao hơn. Nếu để mặc cho khối u lành tính này được phép phát triển, kết quả có thể dẫn tới ung thư ruột kết.

Bệnh nhân được chẩn đoán mắc bệnh ung thư đại trực tràng có nguy cơ tử vong cao hơn nếu ngồi nhiều, còn nếu giữ cho cơ thể vận động, cơ hội sống sót có thể tăng lên.

7. Tuyến tụy sợ căng

Thói quen ăn uống không điều độ có thể dễ dàng dẫn tới viêm tụy. Ví dụ, ăn quá nhiều, uống quá nhiều… rất dễ gây kích ứng cho tuyến tụy, viêm tụy cấp.

Một số bệnh nhân khi mắc bệnh có thể dẫn tới tình trạng nguy hiểm, không được cấp cứu kịp thời dễ dẫn tới tử vong.

8. Túi mật sợ ngọt

Hấp thụ quá nhiều đường sẽ đẩy nhanh quá trình tích tụ cholesterol, dẫn đến mất cân bằng cholesterol, axit mật và lecithin trong mật. Cholesterol quá mức sẽ tạo thành sỏi cholesterol.

Ngoài ra, lượng đường trong cơ thể quá nhiều sẽ được chuyển hóa thành chất béo, dẫn tới tăng cân, từ đó gia tăng bài tiết cholesterol, thúc đẩy sự xuất hiện của sỏi mật.

9. Da sợ phơi

Sử dụng kem chống nắng không phải là đặc quyền của nữ giới thích làm đẹp. Trên thực tế, những người già càng nên chú ý tới việc chống nắng.
Lý do là vì da của người già mỏng hơn, nếu không chú ý bảo vệ vào mùa hè thì dễ bị cháy nắng. Biểu hiện chủ yếu là xuất hiện các vết ban đỏ lan tỏa bao phủ ở vùng tiếp xúc với ánh nắng, kèm theo ngứa rát khó chịu và các hiện tượng khác.

Nói chung, bạn nên tránh tiếp xúc với ánh nắng mặt trời. Cố gắng không đi ra ngoài khi mặt trời chiếu sáng từ 10 giờ sáng đến 2 giờ chiều. Nếu phải đi ra ngoài, nên mang ô và tốt nhất là mặc quần áo dài tay.

10. Bàng quang sợ nhịn

Thường xuyên nhịn tiểu dễ dẫn tới viêm bàng quang. Nhịn tiểu làm bàng quang ở vào trạng thái ứ đầy trong thời gian dài, từ đó làm giảm tính đàn hồi của cơ quan này và các tế bào thần kinh trở nên trì trệ, lâu dài dễ dẫn đến cảm giác không muốn tiểu.

Lúc này, lực co bóp của bàng quang giảm, dẫn tới nước tiểu bị sót lại trong bàng quang sau khi tiểu và hình thành sỏi thận. Số lần đi tiểu giảm làm các chất độc trong quá trình trao đổi chất không được bài tiết ra ngoài kịp thời, từ đó dễ dẫn tới viêm bàng quang, thậm chí ung thư bàng quang..
Hơn nữa, sau khi nhịn tiểu sẽ làm áp lực trong bàng quang tăng lên, vi khuẩn dễ đi lên niệu quản có thể gây viêm bể thận.

 ST 

23/06/2021

Cuộc sống của người đàn ông lấy 38 vợ

Ấn Độ - Trước khi qua đời ở tuổi 76, Ziona Chana là chủ của một gia đình đông thành viên nhất thế giới với 160 người.

Ziona Chana, sinh năm 1945, ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, đông bắc Ấn Độ, đang giữ kỷ lục thế giới với tư cách chủ của một gia đình đông đảo nhất thế giới với 38 người vợ, 89 đứa con và 33 cháu.

Là lãnh đạo của giáo phái Chana, trong đó cho phép các thành viên nam được cưới nhiều vợ, Ziona Chana nhiều lần chia sẻ ông cảm thấy mình thật "may mắn" vì có một gia đình đông thành viên như vậy. Lúc sinh thời, Ziona Chana cho biết ông là người đặt tên cho tất cả con cháu trong nhà và nhớ mặt nhớ tên tất cả thành viên gia đình.

Dù cưới tới 38 người vợ, gia đình của Ziona Chana dường như không xảy ra mâu thuẫn khi các bà vợ đều khẳng định thật lòng yêu ông. "Chúng tôi ở bên cạnh Ziona vì ông là người quan trọng nhất trong làng. Ông cũng là người đẹp trai nhất ở đây", Rinkmini, một bà vợ ngoài 40 tuổi của Ziona, chia sẻ.



Ziona Chana (trái) dùng bữa cùng các bà vợ tại nhà riêng ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, Ấn Độ, hồi tháng 10/2011. Ảnh: The Hindu.

Cả đại gia đình của ông Ziona sống cùng trong một căn nhà 4 tầng mang tên "ngôi nhà thế hệ mới" với hơn 100 phòng. Ziona ở phòng riêng, trong khi các bà vợ ở cùng một căn phòng lớn và có lịch luân phiên thay nhau tới ngủ cùng chồng. Các con và cháu của Ziona sống ở phòng riêng, nhưng sử dụng chung khu bếp.

Gia đình đông thành viên nhất thế giới chủ yếu dựa vào trồng trọt để phục vụ nhu cầu thực phẩm và thậm chí mở cả trường học riêng để dạy về giáo phái Chana. Những người đàn ông trong gia đình sẽ tập trung chăn nuôi, trồng trọt, trong khi phụ nữ làm việc vặt trong nhà.

Vợ cả của Ziona là Zathiangi phụ trách phân bổ công việc trong nhà cho các thành viên. Một bữa ăn, gia đình Ziona có thể tiêu thụ hết 30 con gà, 60 kg khoai tây và 100 kg gạo.

Khi còn sống, Ziona từng tuyên bố ông không ngừng tìm vợ mới để kết hôn, cho dù có phải tới Mỹ, để mở rộng giáo phái Chana của mình. Các con trai của Ziona cho rằng ông cưới nhiều phụ nữ nghèo trong làng để có thể chăm sóc họ.



Căn nhà của đại gia đình Ziona Chana ở làng Baktawng Tlangnuam, bang Mizoram, Ấn Độ. Ảnh: Barcroft Media.

Thủ hiến Mizoram Zoramthanga hôm 13/6 thông báo Ziona đã qua đời ở tuổi 76. Giám đốc bệnh viện Trinity, Lalrintluanga Zahau, xác nhận ông Ziona qua đời sau thời gian điều trị bệnh tiểu đường và tăng huyết áp nghiêm trọng.

Gia đình ông Ziona từng hai lần xuất hiện trong chương trình "Tin hay không!" của nhà đài Mỹ vào năm 2011 và năm 2013, sau đó gây chú ý trên toàn thế giới. Căn nhà 100 phòng của gia đình ông cũng trở thành một địa điểm hút khách du lịch trong bang Mizoram.

ST

  

MỘ TÌNH NỞ HOA - CAO MỴ NHÂN


 Xin đừng im lặng mãi 

Hỡi người tình tịnh ngôn

Hỡi người tình mê hoặc 

Trên đoạn đường hoàng hôn

 

Gió ơi đừng thốc nữa

Xé rách tâm hồn em 

Lũ buồn làm tan vỡ 

Cuộc tình đang bình yên

 

Đầy trời mưa bão nổi 

Em vẫn mở cửa lòng 

Bốn phương chìm bóng tối 

Anh và tình mênh mông

 

Một năm rồi đã hết 

Một đời rồi sẽ qua 

Một em trong nỗi chết 

Nơi mộ tình nở hoa...

 

CAO MỴ NHÂN 

22/06/2021

Nghiên cứu mới bác bỏ cách đổi tuổi chó sang tuổi người bằng cách nhân cho 7


 

Các nhà khoa học tại Mỹ phát hiện loài chó phát triển nhanh trong giai đoạn đầu và quá trình này sẽ chậm lại khi chúng đến tuổi trưởng thành.

Bạn thường so sánh tuổi của chó với tuổi của người như thế nào? Phương pháp phổ biến nhất là nhân tuổi của cún cưng gấp 7 lần.

Tuy nhiên, một nghiên cứu được công bố hôm 2/7 trên tạp chí chuyên ngành Cell Systems đã bác bỏ cách tính trên. Lý do là vì các nhà khoa học đằng sau nghiên cứu này cho rằng loài chó và con người không lớn lên hay già đi với tốc độ như nhau.

Các nhà nghiên cứu tại Trường Y, ĐH California San Diego (Mỹ) đã phát triển một công thức mới để tính tuổi của loài chó ra tuổi người.

Bằng cách theo dõi các thay đổi phân tử trong DNA của những chú chó thuộc giống Labrador, họ phát hiện rằng loài chó phát triển nhanh hơn loài người trong giai đoạn đầu của cuộc đời. Tốc độ này sau đó chậm lại khi chúng đạt tuổi trưởng thành.

“Điều này rất hợp lý khi bạn nghĩ về nó. Cuối cùng thì một con chó 9 tháng tuổi vẫn có thể đẻ chó con. Vì thế, chúng ta đã biết rằng tỉ lệ 1:7 là không chính xác để so sánh tuổi”, ông Trey Ideker, chuyên gia đứng đầu nghiên cứu trên, chia sẻ.

Theo nhóm nghiên cứu của ông Ideker, một chú chó 1 tuổi có thể tương đương với một người 30 tuổi, một chú chó 4 tuổi có thể so với một người 52 tuổi. Tốc độ lão hóa sẽ giảm xuống khi chú chó được 7 tuổi.

Cũng theo nghiên cứu trên, công thức mới “là cách tính đầu tiên có thể áp dụng trên khắp các loài”. Các nhà khoa học dự tính sẽ thử khám phá này trong nghiên cứu các giống chó khác.

Các nhà nghiên cứu cũng tin rằng việc quan sát những thay đổi trong mô hình methyl hóa trước và sau khi sử dụng các sản phẩm chống lão hóa, có thể giúp bác sĩ thú y đưa ra quyết định tốt hơn khi chẩn đoán và điều trị.

Một biểu đồ trong nghiên cứu này cũng cung cấp sự so sánh độ tuổi trực quan cho những người nuôi chó.

“Tôi có một cô chó 6 tuổi và nó vẫn chạy bộ cùng tôi, nhưng nay tôi nhận ra rằng nó không còn ‘trẻ’ như tôi từng nghĩ”, ông Ideker cho biết.

Theo Khoa học