Trang

26/06/2021

Sức khỏe của người già


 

Sức khỏe vẫn là yếu tố quan trọng nhất để có một tuổi già hạnh phúc, có chất lượng cuộc sống tốt nhất. Thật là một sai lầm lớn khi ta nghĩ rằng già sẽ đến từ từ, cứ từ từ mà thích nghi, mà giải quyết mọi chuyện lần lượt. Không đâu. Già nó xồng xộc trên trời rơi xuống, dưới đất vọt lên. Không những xồng xộc nó còn gia tốc, tàn bạo như cơn sóng vỗ vào bờ đá, vội vã để mau chóng nhập vào dòng nước cuồn cuộn đuổi theo sau. Nó mạnh mẽ và tàn nhẫn, tung tóe, tan tác, lắng chìm, không một chút xót thương. Nó lãnh đạm bởi nhiệm vụ nó phải thế. Nó thú vị bởi nó không phân biệt. Giàu nghèo sang hèn, da trắng da đen… đều phải già, nếu sống lâu dĩ nhiên! Còn ta, ta chần chờ, chểnh mảng, làm ngơ… Đi đâu mà vội…

Không đâu! Một hôm già bỗng chuyển hệ sang già… khú, rồi già “khú đế” một cách đột ngột làm đảo lộn mọi thứ tính toan. Quên tuốt những ký ức. Lẫn lộn điều nọ với điều kia, thứ này với thứ khác. Tai không nghe rõ, có khi điếc đột ngột. Nói không trôi chảy nữa, lúng ba lúng búng. Mắt nhìn hết tinh… Thay kính này kính khác rồi cuối cùng đành đi mổ thay thủy tinh thể nhân tạo…! Do đó, nếu không được chuẩn bị trước để “welcome” tuổi già một bước, ta hụt hẫng, ngậm ngùi, cay đắng, làm khổ mình và làm khổ cho những người chung quanh!

Nhưng, như vậy phải chăng làm ta sẽ nhìn đời bi quan ? Không đâu. Trái lại. Nó làm cho cuộc sống của ta có chất lượng hơn, có ý nghĩa hơn trong từng năm từng tháng từng ngày. Tại những nước có tuổi thọ rất cao hiện nay như Nhật , Thụy Điển có những chương trình chăm sóc cho người già khá tốt cả về mặt sức khoẻ cũng như về tâm lý xã hội. Rèn luyện thể lực để duy trì sức khoẻ, dinh dưỡng đúng cách để tránh bệnh mạn tính, người gìa còn được học vi tính để có thể “giao du” với bạn bè trên khắp thế giới qua mạng…Họ vừa có thể sống trong gia đình với con cháu, lại vừa sống với nhóm bạn cùng lứa, tâm đầu ý hợp!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới định nghĩa “Sức khỏe là một tình trạng hoàn toàn sảng khoái (well-being) về thể chất, tâm thần và xã hội, chớ không phải chỉ là không có bệnh hay tật”. Đây là một định nghĩa nói chung, còn với người già thì định nghĩa có khác một chút: Sức khỏe của người già chủ yếu là phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng về tâm thần, xã hội và thể chất của họ. Sự khác biệt ở chỗ đã đưa vấn đề “tâm thần” lên hàng đầu: phát triển và duy trì được sự sảng khoái và hoạt động chức năng tốt nhất về tâm thần (mental), sau đó mới nói đến xã hội (social) và thể chất (physical), bởi ai cũng biết tuổi già, thể chất đã dần rệu rả, quá “date”, nên chất lượng cuộc sống chính nằm ở “tâm thần” có an lạc, hạnh phúc hay không mà thôi!

Tổ chức Sức khỏe Thế giới (WHO) khuyến khích một tuổi già năng động, sáng tạo, sống hữu ích cùng với con cháu trong một gia đình thì tốt hơn là cách ly họ, xa lánh họ. Khẩu hiệu đưa ra là: “Già không phải là một gánh nặng mà là một nguồn lực”.

Chăm sóc các “cụ” từ lúc nào?

Có bạn hỏi thật hay! Tại sao tôi không phải là bác sĩ lão khoa mà dám viết về… người già? Đúng vậy, tôi là một bác sĩ nhi khoa – bác sĩ của trẻ con – nhưng sở dĩ viết về người già là bởi vì trước sau gì mấy “nhóc” mà tôi đã và đang chăm sóc cũng sẽ trở thành một người già, và hơn thế nữa, tôi nay cũng đã là một bác sĩ… già! ! Nửa thế kỷ trước, khi còn là sinh viên y khoa thực tập ở bệnh viện Từ Dũ, tôi đã có dịp đỡ đẻ cho một số trẻ sơ sinh, bây giờ nhớ lại, các “nhóc” đó cũng đã 50 cả rồi đó. Còn mấy chú nhóc mà tôi có dịp khám chữa bệnh mấy chục năm qua thì bây giờ lại thấy mang trên tay một chú nhóc khác – là con của chú – đến khám! Thời gian đã trôi qua lúc nào đó vậy? Cuộc sống như một dòng sông. Lão khoa, nhi khoa…chẳng qua là một cách gọi! Bác sĩ Từ Giấy trước đây thường nhắc chúng tôi: “ Hãy chăm sóc các cụ từ trong… bụng mẹ”!

Tổ chức Sức khoẻ Thế giới (WHO) khi đưa ra những hướng dẫn cụ thể cho Năm quốc tế người cao tuổi cũng đã khuyến cáo muốn cho các cụ được khoẻ mạnh thì phải cho mẹ… các “cụ” được dinh dưỡng đầy đủ trong lúc mang thai, trong lúc cho các “cụ”… bú; phải chích ngừa đầy đủ các bệnh nguy hiểm cho các cụ; phải dạy dỗ các cụ từ tuổi ấu thơ như không nên uống rượu, không nên hút thuốc lá v.v… để tránh ung thư, viêm phổi tắt nghẽn mạn tính, xơ gan cổ trướng; rồi phải dạy các cụ có thói quen tốt như tập thể dục, chơi thể thao, ăn uống đúng cách để tránh xơ vữa động mạch, tăng huyết áp, tiểu đường, béo phì, loãng xương, thấp khớp… Tóm lại, chăm sóc các cụ, nói cách nào đó, thực chất là công tác của … Nhi khoa! Ngành lão khoa ngày càng phát triển vì tuổi thọ con người ngày càng cao, nhưng khi nói đến “lão khoa”, hình như người ta quan tâm nhiều đến bệnh tật hơn là đến sự sảng khoái (well being) toàn diện về thể chất, tâm thần và xã hội của người già. Các thầy thuốc lão khoa tuy giỏi chuyên môn nhưng phần lớn chưa đủ già để trải nghiệm, để thưởng thức…cái già, để hưởng thụ …cảnh già!

Nhiều lần tôi có dịp chứng kiến cảnh con cháu khóc lóc bên giường bệnh của ông bà, cha mẹ già đang hấp hối ở bệnh viện. Họ tự trách mình và không ít người thốt lên sẵn sàng bán nhà bán cửa để lo cho các cụ! Nhưng tất cả đều đã quá muộn.

Thế sao trước đó, khi ông bà, cha mẹ già còn đang sống bên ta, ta lại hờ hững, lơ là đến vậy? Không phải bất hiếu chi đâu, chẳng qua nghĩ: còn lâu! Còn lâu, ông bà, cha mẹ mình mới già, mới lìa xa. Cứ thong thả! Còn biết bao việc “ưu tiên” hơn. Đó là chưa kể khi chung sống không tránh khỏi đôi lúc bực mình: Ăn uống vãi rơi làm họ bực/ Vào ra đụng chạm thấy mình dư (Như Không)!

Ngay cả ông bà, cha mẹ già cũng không hề nghĩ mình… già, không biết mình già. Nhất là không ngờ cái già nó có thể “gia tốc”, nó có thể “xồng xộc” đến vậy! Dưới mắt ông bà, cha mẹ già thì con cháu lúc nào cũng là một đứa con nít… còn nhỏ xíu dù “nó” đã 40, 50 tuổi đầu! Còn con cháu cũng nhìn ông bà, cha mẹ già như những “người lớn”, luôn khỏe mạnh!

Lại có những người già không muốn bị coi là già, không chịu già. Đi đứng loạng choạng nhưng con cháu đỡ đần thì gạt ra, quát lên “ Tao có già đâu!” để rồi té ngã, gãy cổ xương đùi, gãy khung xương chậu… !

Còn tiếp

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.