Như đã nói, cha mẹ già thường nhìn các con
40, 50 tuổi đầu của mình như một đứa con nít, còn đứa con thì luôn thấy cha mẹ
của mình như một người… lớn khỏe mạnh, chớ không ngờ cái già nó đã “xồng xộc” đến
với họ, đã làm thay đổi bản thân họ mà chính họ cũng không hề hay biết!
Cho nên muốn biết cha mẹ đã… già chưa thì chỉ
còn có cách “lén” quan sát họ đã có những dấu hiệu tâm sinh lý bất thường và những
vấn đề về sức khỏe của tuổi già chưa mà thôi. Biết sớm thì tốt. Nhưng biết để
quan tâm, chăm sóc, can thiệp kịp thời thôi chớ không phải để “dán nhãn” cho họ
đã già nua, lỗi thời, rồi không để họ còn có chút độc lập tự do gì nữa cả thì rất
không hay!
Trước hết hãy quan sát… coi cái bề ngoài của
họ ra sao. Họ có lơ là quá đáng chuyện ăn mặc không? Có “mặc kệ” sao cũng được
mọi thứ về chuyện chăm sóc bản thân mình không? Trí nhớ họ còn tốt không hay đã
bắt đầu lẩm cẩm, quên trước quên sau, nhắc đi nhắc lại hoài một chuyện? Họ có
loay hoay tìm kiếng lão, kêu mất kiếng dù đang đeo trên mắt hay tòang teng trên
cổ không? Họ có nghễn ngãng nghiêng tai bên này bên kia để nghe cho rõ hoặc cứ
hỏi đi hỏi lại hoài một chữ không? Họ có kêu TiVi mờ, điều chỉnh tới lui cũng
không rõ hoặc kêu sách báo lúc này sao in chữ nhỏ quá, màu sắc không rõ ràng
như xưa không? Họ có bước đi từng bước chầm chậm, loạng choạng, lê chân trên mặt
đất như chân mọc dài ra và dễ bị vấp, bị trượt, bị té ngã không? Có kêu đau
lưng nhức mỏi thường xuyên không? Có bỏ quên chìa khóa, điện thoại nơi này nơi
kia tìm kiếm vất vả không? Thỉnh thoảng có quên tắt lò ga, quên khoá cửa nhà…
không? Chờ đến lúc họ không còn nhớ tên con cháu đứa nào là đứa nào, quên cả đường
đi lối về và rồi quên cả tên vợ tên chồng thì tình trạng đã… Alzheimer nặng!
Để ý coi họ ăn uống có còn biết ngon không?
Ngủ có dễ không hay trằn trọc loay hoay suốt đêm? Có còn ham đi đây đi đó, cà
phê cà pháo với bạn bè không? Có còn mê coi đá banh, tennis… như ngày xưa không
hay chỉ thích ngồi im một chỗ như “đang lắng nghe im lặng đời mình” (TCS)? Họ
có ôm TiVi suốt ngày rồi nhầm tưởng cảnh tượng trong phim ảnh là sự thật ngoài
đời không?
Để ý coi họ có đã bắt đầu thở hồn hển nặng nhọc…
khi leo cầu thang trong căn nhà quen thuộc của mình không? Họ có bắt đầu thức
giấc đái đêm nhiều lần hay dễ bị dị ứng khi ăn một món ăn quen thuộc không? Họ
có bị bón rặn hì hục cả ngày không?…
Tóm lại, quan sát kỹ một chút sẽ thấy những
thay đổi và tốc độ thay đổi ngày càng nhanh của một tuổi già. Và, có một “kế hoạch
già” là cần thiết rồi đó!
“Kế hoạch già”?
Có một “kế hoạch già” thì dĩ nhiên tốt hơn cứ
để đến đâu hay đến đó. Nhưng không phải dễ làm một kế hoạch như vậy. Con cái có
hiếu có thể giúp một tay! Nhớ rằng lơ là một chút thì trách sao bỏ mặc, còn
quan tâm một chút thì kêu “ không có gì qúy hơn độc lập tự do”…! Cho nên cần một
kế hoạch… lỏng lẻo và uyển chuyển để tùy cơ ứng biến.
Tuy vậy, vẫn có những nguyên tắc chung cho một
“kế hoạch già”, chẳng hạn dựa trên Tháp nhu cầu của Maslow, áp dụng vào hoàn cảnh
người già, ta sẽ thấy ngay cần phải chăm sóc như thế nào cho thỏa đáng, không
gây phiền hà mà cũng không thiếu sót. Những nguyên tắc này cũng giúp người già
tự đánh giá “Chất lượng cuộc sống” của chính mình hiện nay ra sao.
Đó là tìm cách đáp ứng 5 nhu cầu thiết yếu của
người già:
1) Nhu cầu sinh học: gồm những vấn đề cơ bản
của “tồn tại” như : cái ăn, cái mặc, cái ngủ, cái thở, vệ sinh… , nói chung “tứ
khoái” mà người xưa thường nói, cả vận động thể lực, đi đứng nằm ngồi, chữa trị
bệnh tật…
2) Nhu cầu an toàn: nhà ở an toàn để tránh té
ngã, đèn đóm đủ sáng, toilet không trơn trợt, môi trường xung quanh an ninh, an
toàn cho sức khỏe… và, đảm bảo tối thiểu về… tài chánh!
3) Nhu cầu tình cảm, xã hội: giữ các mối quan
hệ thân thiết trong gia đình, với con cháu, với bạn bè, xóm giềng, cộng đồng…
Có ký ức tốt về tuổi thơ và tuổi thanh niên;
4) Nhu cầu tự khẳng định: có nếp sống tự tại,
không bị áp đặt; có được sự tôn trọng và chấp nhận của mọi người, tiếp tục đóng
góp cho gia đình và xã hội tùy năng lực để vẫn thấy mình hữu ích…
5) Nhu cầu tâm linh: hiểu luật vô thường, từ
bi với mình, hướng thượng, tin tưởng ở sự sống thiện, nhân quả, phúc đức tổ
tiên ông bà…!
Chất lượng cuộc sống
Chăm sóc sức khỏe người già không chỉ lo điều
trị cho hết bệnh mà còn phải lo phục hồi sức khỏe, quan tâm đến “chất lượng cuộc
sống” của họ!
Do tuổi già, các hoạt động chức năng của cơ
thể đã sút giảm, phần lớn đã hoặc đang “quá date”, không còn được như xưa, đặc
biệt dễ nảy sinh các vấn đề sức khỏe tâm thần, rối loạn tâm lý ngày càng phức tạp
khiến chất lượng cuộc sống càng xuống cấp nhanh chóng. Già không phải là bệnh
nhưng già thì dễ mắc bệnh. Mà mắc bệnh thì mắc nhiều thứ một lúc! Bệnh này sanh
bệnh kia. Chữa dứt chỗ này đã xì ra chỗ khác.
Lệ thuộc vào thầy vào thuốc thì chất lượng cuộc
sống càng tệ hại. Bởi chỉ có mình mới biết rõ mình thôi! Đã đến lúc nên biết sống
một mình, biết “độc cư”, biết “tự tại”! “Trời cao đất rộng/ Một mình tôi đi/ Đời
như vô tận/ Một mình tôi về…/ Một mình tôi về/ Với tôi…” (TCS).
Chất lượng cuộc sống ( Quality of life) được
định nghĩa là “ Những cảm nhận của cá nhân về cuộc sống của họ trong bối cảnh
văn hóa và các hệ thống giá trị mà họ đang sống, liên quan đến các mục đích, nguyện
vọng, tiêu chuẩn và các mối quan tâm của họ”. (Tổ chức Sức khỏe Thế giới, WHO).
Cảm nhận riêng mình, trong bối cảnh văn hóa,
trong hệ thống giá trị… của riêng mình! Cho nên một “bà mẹ quê” sẽ chịu không nổi
khi con cái hiếu thảo đưa về thành phố, nhốt trong phòng máy lạnh, ngày ngày
cho uống sữa và ăn các thức cao lương mỹ vị, tháng tháng đi bác sĩ kiểm tra, ôm
về một đống thuốc… sẽ khổ sở biết chừng nào khi nhớ đến sông nước, đồng lúa, cá
kho tô, canh “rau đắng mọc sau hè” của mình!
Có một bảng chỉ số giúp đo đạc chất lượng cuộc
sống trong lãnh vực sức khỏe gồm các yếu tố thể chất, tâm lý, tính độc lập,
quan hệ xã hội và môi trường sống để mỗi người già có thể tự đánh giá và điều
chỉnh, thích nghi:
Về thể chất chẳng hạn, ăn uống tốt không, có
đủ chất không, có đủ năng lượng không? tiêu tiểu có bình thường không? có bị
táo bón, rối loạn tiêu hóa gì không? hít thở dễ dàng không? có mệt mỏi, đau nhức
thường xuyên không?… giấc ngủ thế nào? v.v…
Về tâm lý thì tự nhìn nhận bản thân mình thế
nào, có “tự hào” dù tuổi đã cao nhưng vẫn còn như thuở nào không hay “nhìn lại
mình đời đã xanh rêu”? Có những cảm xúc tiêu cực hay tích cực khi nhìn ngắm cuộc
đời, nhìn ngắm chung quanh… Tự đánh giá về khả năng suy nghĩ, học tập, trí nhớ,
khả năng tập trung của mình ra sao?
Về tính độc lập: mức độ vận động, đi lại,
sinh hoạt cá nhân thế
nào? Có bị lệ thuộc nhiều vào thuốc men? Khả
năng thích ứng công việc hằng ngày? Về các mối quan hệ với gia đình, với bạn
bè?
BS Đỗ Hồng Ngọc.
Gìa thiệt rồi!
Trả lờiXóa:)
https://www.desicomments.com/dc3/02/218834/218834.gif
Anh Đỗ Văn có kế hoạch tân trang chưa?
Xóahttps://sitanguyen.com/wp-content/uploads/2020/03/10-loi-khuyen-danh-cho-tuoi-trung-nien.png
Cái già mặc kệ cái già
XóaTâm hồn zẫn trẻ, zui hòa thiên nhiên
:d
MN ghé thăm anh Fa đọc bài hay .Luôn vui nhé !
Trả lờiXóaChúc Mặc Nhiên an nhiên hạnh phúc.
Xóahttps://cafebiz.cafebizcdn.vn/2018/11/20/photo-1-1542707383752410250534.jpeg