Trang

30/10/2020

Chồng chết, vợ mới nhờ vợ cũ giúp một tay trong việc lo hậu sự

Tôi thật phân vân dù biết là nghĩa tử nghĩa tận. (Hình minh họa: Sasha Freemind/Unsplash) 

 

Tôi và chồng cũ thôi nhau cũng đã lâu. Anh lập gia đình sau đó. Còn tôi tuy không lập gia đình chính thức nhưng cũng có bạn lui tới an ủi trong tuổi già. Sau khi ly hôn, tôi và người chồng cũ vẫn coi nhau như bạn, dù quan hệ phu thê không còn.

Cũng may người vợ sau của anh ấy là người có học nên cư xử rất lịch sự và biết điều. Cô ấy không hề cấm đoán hay buồn phiền nếu thỉnh thoảng chồng cũ ghé nhà chở các con tôi đi ăn. Thậm chí cô ấy có khi dùng tài khoản ngân hàng chung của hai người để tặng quà sinh nhật hay trả tiền học cho các con của tôi. Nói thật lòng, ban đầu tôi xa lánh, giữ kẽ với người vợ sau, nhưng dần dà chúng tôi cởi mở với nhau hơn, không thân thiết nhưng không hề oán ghét hay ghen tuông.

Chồng cũ của tôi sau một thời gian bệnh nặng thì hôm qua cô vợ gọi cho tôi báo tin chắc anh không qua khỏi. Cô ấy nhờ tôi giúp một tay trong việc lo hậu sự. Cô ấy nói một cách chân thành và tha thiết rằng “Dù anh chị đã không còn ở với nhau, nhưng anh chị đã có con chung với nhau, trong khi em không có nên em xin chị hãy giúp em lo hậu sự cho anh, em mong chị đừng từ chối.”

Thật lòng mà nói, nếu tôi cùng cô lo hậu sự thì trông chướng mắt lắm dù gì thì anh cũng đã có vợ chính thức sau khi ly hôn.

 Nếu tôi chường mặt ra thì lời ra tiếng vào, không tốt cho tôi mà cũng không nên về phía cô ấy. Đó là chưa kể cô ấy cứ nhất định muốn tôi để tang. Điều này thì tôi từ chối thẳng thừng. Cô thấy tôi cương quyết từ chối nên đã nhờ cha mẹ chồng cũ của tôi nói giùm làm tôi thật phân vân khó xử.

Tôi có hỏi các con của mình về vấn đề này vì sao cô ấy còn quá trẻ, lại sinh ra và lớn lên ở Mỹ, sẽ không biết lo thế nào chu toàn cho anh ấy. Các con tôi đều đồng ý để tôi để tang. Tôi thật phân vân dù biết là nghĩa tử nghĩa tận, nhưng nếu tôi chiều theo ý mọi người, hóa ra tôi đã hành xử một cách không minh bạch trong quan hệ tình cảm, đúng không cô?

Thưa cô, cô có thể giúp cho tôi cách hành xử trong việc này để đôi bên vẹn toàn? 

(Thùy Nhiên) 

Bình Luận CỦA ĐỘC GIẢ 

- Lộc Dinh

Thưa cô! Thấy cô bối rối trong cách giúp cô bạn dễ thương mà cô có duyên hay có phước lắm cô mới gặp trong cuộc đời này! Đó là do cô không có thời giờ đọc sách báo để học hỏi được cách ứng xử của các danh nhân trên thế giới.

Tôi nhớ đến bà tổng thống Pháp hình như bà là vợ ông Mitterrant. Trước khi ông khi ông qua đời ông có dặn các con: Hãy đón nhận người con rơi mà ông có với người bạn gái khi ông đã yêu đương ngoài hôn nhân với mẹ của họ. Bà vợ của vị tổng thống, khi biết điều này, bà đã vội vàng mời bà tình nhân của chồng đi cùng với bà trong lúc tang lễ cử hành. Tin tức này làm chấn động tinh thần nhân ái và cũng là một tấm gương sáng để giáo dục cho phụ nữ trên toàn thế giới biết chia sẻ tình yêu.

- Duy Đăng

Chị thật là may mắn khi có một người vợ sau của chồng như chị tả trong thư. Tôi cũng đã chứng kiến đám tang của người bạn thân. Khi người bạn của tôi nằm xuống, trong đám tang của anh, người vợ cũ dẫn theo hai đứa con đến lạy người chồng cũ. Trước khi đến bàn thờ, người vợ cũ đã đến xin cô vợ đang sống cho phép hai con mình lạy cha chúng (nghĩa là người vợ cũ chỉ xin cho hai con) nhưng người vợ mới không cho, cô ấy nói cô không muốn gia đình bên cô dị nghị. Người vợ cũ gạt nước mắt dẫn con về. Mà cuộc hôn nhân trước đổ vỡ là do người vợ sau xen vào quyến rũ người đàn ông.

Bởi ở đời cũng có người này người kia. Cô vợ sau của chồng chị quá dễ thương, theo tôi chị nên nhận lời, như chị nói nghĩa tử là nghĩa tận, hãy vì người chết mà làm, không mất mát chi cả, tiếng đời mà làm chi chị. Họ cũng chỉ là người ngoài, mà đó là chị sợ chứ chắc gì chuyện đã xảy ra. Chị nên đến giúp một tay, cho người đàn bà mới mất chồng ấm lòng, cho các con vui và cha mẹ chồng được an ủi.

ST

29/10/2020

Robot sẽ thay thế cá heo hoang dã trong tương lai

 Cá heo robot sẽ là giải pháp thay thế động vật hoang dã tại các công viên giải trí trong tương lai gần.

“Lần đầu tiên nhìn thấy con cá heo này, tôi đã nghĩ nó là thật” - một phụ nữ bơi cùng chú cá heo robot được điều khiển từ xa cho biết.

Chú cá heo robot này là sản phẩm công nghệ được thiết kế bởi công ty Edge Innovations, một công ty kỹ thuật tại Mỹ. Giá một chú cá heo robot có thể dao động từ 3 đến 5 triệu USD, theo hãng tin Reuters.

Ông Walt Conti, giám đốc điều hành công ty Edge Innovations bên cạnh chú cá heo robot. (Ảnh: REUTERS)

“Trải nghiệm tìm hiểu và tiếp xúc với cá heo rất được ưa chuộng. Bằng chứng là hiện tại, khoảng 3.000 con cá heo đang được nuôi nhốt chỉ để phục vụ cho trải nghiệm này. Chúng tôi đang đưa ra một giải pháp giúp những người yêu quý cá heo có thể tiếp xúc mà không làm nguy hại đến chúng” - ông Walt Conti, Giám đốc điều hành và đồng thời là người sáng lập công ty Edge Innovations, cho biết.

Công ty này tham vọng có thể tạo ra những con robot mang hình dáng của các loài sinh vật biển hoặc thậm chí là những loài bò sát thuộc kỷ Jura hàng triệu năm về trước. Điều này có thể giúp thay thế động vật hoang dã tại các công viên giải trí. 

Cũng theo ông Conti, công nghệ robot hóa động vật này có thể khiến công chúng “quay lưng” lại với các công viên giải trí truyền thống sử dụng động vật hoang dã.


Một buổi biểu diễn của chú cá heo robot thuộc công ty Edge Innovations. (Ảnh: YELLROBOT)

Hiện tại đã có khoảng 20 quốc gia châu Âu đã cấm hoặc hạn chế sự hiện diện của động vật hoang dã tại rạp xiếc và các công viên giải trí.

Bên cạnh đó, công ty Edge Innovations cũng hỗ trợ một chú cá heo robot dài 2,5 m, nặng 250 kg cho một chương trình hợp tác giữa các trường học và dự án giáo dục nhân đạo Teachkind, một dự án của Hiệp hội Những người vì hành vi nhân đạo với động vật (PETA).   

Ngoài ra, công ty công nghệ này cũng là bên đưa các sinh vật trong các bộ phim bom tấn của Hollywood như “Free Willy”, “Deep blue sea” và “Anaconda” lên màn ảnh rộng.

ST

28/10/2020

Đức kêu gọi Mỹ và châu Âu lập mặt trận thống nhất chống Trung Quốc


 Bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer và lãnh đạo ngoại giao Liên Hiệp Châu Âu Josep Borrell họp báo tại Berlin, Đức, ngày 26/08/2020. AFP - AXEL SCHMIDT

Bộ trưởng Quốc Phòng và Ngoại trưởng Đức kêu gọi Hoa Kỳ hợp tác với châu Âu để đáp trả Trung Quốc, sau khi Mỹ và châu Âu thành lập một diễn đàn để thảo luận về các vấn đề liên quan đến Trung Quốc. Các cuộc thảo luận đầu tiên sẽ được tổ chức vào tháng 11/2020.

Thông báo trên được công bố sau cuộc điện đàm hôm thứ Sáu 23/10/2020 giữa Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và đồng nhiệm Josep Borrell của Liên hiệp Châu Âu. South China Morning Post cho biết, hôm thứ Bảy 24/10, bộ trưởng Quốc Phòng Đức Annegret Kramp-Karrenbauer đã đề nghị xây dựng một "liên minh thương mại phương Tây mới " để đối phó với các hoạt động của Trung Quốc.

Bà Kramp-Karrenbauer phát biểu : “Các lợi ích của Đức - và của châu Âu - cần một trật tự có thể chống lại cả hai mối nguy hiểm đối với tự do mậu dịch”. Đối với bộ trưởng Quốc Phòng Đức, hai mối nguy đó là chủ nghĩa tư bản Trung Quốc dưới sự chỉ đạo mạnh mẽ của nhà nước và chủ nghĩa cô lập, đơn phương ở Washington. Bà đặc biệt lo ngại về hành vi thao túng tiền tệ từ lâu nay của Trung Quốc, về sự vi phạm nghiêm trọng quyền sở hữu trí tuệ, về các điều kiện đầu tư bất bình đẳng và cạnh tranh bất bình đẳng, do các doanh nghiệp Trung Quốc được Nhà nước tài trợ.

Cựu lãnh đạo tình báo Đức: Trung Quốc sắp “thống trị thế giới”

Trong khi đó, trang mạng Mail Online News hôm qua 26/10 cho biết ông Gerhard Schindler, lãnh đạo tình báo Đức giai đoạn 2011-2016, cảnh báo là Trung Quốc sắp “thống trị thế giới” và châu Âu phải cảnh giác về nguy cơ gián điệp Trung Quốc.

Ông Schindler nhận định, Bắc Kinh đã rất “khéo léo” mở rộng ảnh hưởng của Trung Quốc ra khắp châu Âu, châu Á và cả châu Phi và công nghệ của họ đã tiến xa đến mức chính quyền Đức không thể biết liệu chúng có thể được sử dụng vào các mục đích xấu hay không. Cựu lãnh đạo tình báo Schindler kêu gọi chính phủ Berlin loại tập đoàn Trung Quốc Hoa Vi khỏi mạng 5G tại Đức để “bớt phụ thuộc” vào Bắc Kinh.

Thùy Dương RFI

Đăng ngày: 27/10/2020 - 12:14

Vì sao thiên tai ở miền Trung VN ngày càng trầm trọng?

 


Có nhiều phân tích cho rằng thiên tai tại Việt Nam những năm gần đây ngày càng trầm trọng do phá rừng và làm thủy điện. Đây có phải là nguyên nhân chính?

Theo ông Vũ Thanh Ca, Khoa Môi trường, Đại học Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, một báo cáo của Nhóm Công tác châu Âu về đập và lũ lụt, xuất bản năm 2010, cho thấy đập (cả thủy điện, thủy lợi và cấp nước) "đã giúp giảm nhẹ lũ lụt ở tất cả các nước châu Âu".

Tuy nhiên, mức độ giảm nhẹ lũ tùy thuộc vào dung tích hồ và quá trình vận hành hồ. Các hồ lớn, dự báo tốt để có thể xả nước trước khi lũ lụt sẽ giúp giảm rất nhiều lũ lụt ở hạ du, trong khi các hồ nhỏ thì hầu như không có khả năng giảm lũ lụt.

Thủy điện giúp giảm lũ hay tạo thêm lũ?

Việt Nam có rất nhiều hồ thủy điện được xây dựng trong những năm gần đây. Chính phủ cũng có nhiều văn bản pháp luật liên quan, quy định tiêu chuẩn xây dựng và vận hành hồ chứa, đặc biệt trong trường hợp có lũ. Theo đó, chủ đầu tư phải trình thiết kế dự án cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền phê duyệt và tổ chức thực hiện.

Riêng ở Thừa Thiên Huế, nơi vừa xảy ra vụ sụt lở đất nghiêm trọng ở Thủy điện Rào Trăng khiến 13 chiến sỹ thiệt mạng, ước tính 3 sông chính ở đây đang gánh tới 13 thủy điện.

Để làm các thủy điện này, nhiều ngàn hecta rừng phòng hộ bị phá để làm hồ. Nhiều ngọn đồi, núi bị san phẳng để làm các trạm, đường, công trình quản lý liên quan.

Mất rừng khiến tình trạng ngập lụt ngày càng nghiêm trọng ở Việt Nam

Ông Nguyễn Thanh Ca cho hay rằng các hồ thủy điện ở Việt Nam được vận hành theo chuẩn quốc tế. Và dù quy trình xả lũ khác nhau nhưng có điểm chính là hồ có hai ngưỡng chính gồm 'đón lũ' và 'xả lũ'.

Tùy vào lượng mưa mà hồ xả nước theo lưu lượng nào. Khi mưa lớn kéo dài, hồ xả nước với lưu lượng bằng lưu lượng nước về hồ. Nghĩa là khi đó, lượng nước đổ về hạ lưu không có gì thay đổi so với khi không có hồ.

Nói cách khác, điều này có nghĩa "không phải thủy điện gây ra lũ". Có nhiều nghiên cứu cho thấy không có thủy điện thì lũ sẽ cao hơn rất nhiều. Bởi hồ thủy điện đã đón một lượng nước đáng kể thay vì toàn bộ lượng nước đó đổ về hạ lưu.

Tuy nhiên, ông Ca thừa nhận rằng làm hồ thủy điện gây ra muôn vàn tác động tiêu cực tới môi trường, sinh thái, làm tăng xói mòn bờ biển, và gây lũ quét nếu đập bị vỡ. Việc xây các hồ chứa kèm theo xây dựng hệ thống hạ tầng đi kèm đòi hỏi phải san đồi núi, phá rừng, điều này lại làm gia tăng lũ lụt. Do đó, ông Ca nói ông không ủng hộ thủy điện.

Những cánh rừng bị đốn hạ

Trong khi bão lũ vẫn đang hoành hành ở miền Trung, người dùng mạng xã hội truyền nhau những bức ảnh vệ tinh của Google Maps cho thấy Việt Nam gần như không còn rừng. Chỉ còn một màu xám 'rợn người' ở khu vực ngã ba Đông Dương tiếp giáp với Lào và Campuchia.

Theo số liệu thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn, tình trạng phá rừng ở Việt Nam vẫn đang diễn tiến nghiêm trọng dù đã có nhiều báo cáo của phía chính phủ Việt Nam cho thấy có nỗ lực để khôi phục rừng.

Từ năm 2010 đến 2015, 300,000 ha rừng tại Việt Nam bị đốn hạ - tương đương với bốn lần diện tích thành phố New York.

Và chỉ riêng trong năm 2018, 10.000ha rừng của Việt Nam biến mất.

Huy Nguyễn, nghiên cứu viên về Quản lý thảm họa tự nhiên và thích ứng với biến đổi khí hậu tại Đại học Kyoto công bố trên Facebook những bức ảnh vệ tinh cho thấy diện tích rừng Việt Nam bị mất trong 20 năm qua.

Theo ông Huy Nguyễn, khi phân tích các bản đồ vệ tinh được chụp liên tục từ năm 2000 đến nay và sử dụng phương pháp tách các lớp ảnh, chạy time-lapse thì "không thể không sốc với diện tích rừng bị mất".

"Sự thật là chúng ta đã mất đi lớp thực bì vô cùng quan trọng là các khu rừng nguyên sinh phía Đông Trường Sơn, Tây Trường Sơn, Khu vực Tây Nguyên và cả phần rừng bên Lào và Campuchia vốn rất quan trọng trong điều hòa khí hậu của Việt Nam."

"Những diện tích rừng nguyên sinh bị mất đi (diện tích có màu đỏ trong các bản đồ) được thay thế bằng diện tích trồng cây công nghiệp (cao su, cà phê, tiêu, điều, chuối, và đặc biệt là trồng keo lấy gỗ) đã biến các rừng hỗn giao thành rừng độc canh loài. Bản chất các rừng này không có chức năng giữ nước và điều hòa khí hậu. Chúng chỉ ngốn nước và ngốn rất nhiều nước."

"Chúng làm tụt mạch nước ngầm, hoặc mất đi vĩnh viễn mạch nước ngầm vì con người phải khoan giếng để lấy nước tưới cho chúng. Việc gia tăng diện tích rừng sản xuất, diện tích cây công nghiệp đã đẩy Việt Nam vào hoàn cảnh khủng hoảng nước hiện tại và tương lai."

Hậu quả là khí hậu bị nóng lên, và sẽ còn nóng hơn nữa. Do không còn lớp thực bì nên gió Tây Nam dễ dàng vượt qua dãy Trường Sơn, vào Việt Nam, gây nên nắng nóng kéo dài và khô hạn, đặc biệt ở miền Trung.

Nhưng đến mùa mưa thì lại có nguy cơ lũ lụt nhiều hơn và nghiêm trọng hơn do rừng nguyên sinh mất, không thể giữ nước được nữa, ông Huy Nguyễn phân tích.

BBC

26/10/2020

Tại sao lại có lực hấp dẫn?

Có bao giờ bạn thắc mắc: tại sao những viên bi tròn lại lăn xuống dễ hơn là lăn ngược lên trên? Để hiểu điều này, chúng ta cần phải biết lực hấp dẫn là gì.

Dường như có thứ gì đó giữ chúng ta luôn ở trên mặt đất. Nó làm chúng ta đập mạnh xuống sàn nếu ngã, hoặc khiến các viên bi lăn xuống dốc.

Bạn đã bao giờ nhảy trên một tấm bạt lò xo chưa? Khi ở trên không, cánh tay của bạn sẽ nhẹ nhành hơn, tóc bay ra khỏi đầu. Bạn cảm thấy nhẹ như lông hồng, nhưng không quá lâu. Khi rơi trở lại tấm bạn lò xo, bạn cảm thấy nặng hơn, nặng đến nỗi tấm bạt lò xo phải xẹp xuống ngay.

Một ý nghĩ hạnh phúc

Hơn 100 năm trước, một người đàn ông trẻ tuổi tên là Albert Einstein đã suy nghĩ đến điều này khi anh đang ngồi trên bàn làm việc trong 1 văn phòng ở Thụy Sĩ.

Anh chợt nảy ra một ý tưởng khiến bản thân thích thú đến mức nhảy dựng lên. Nhiều năm sau, Albert Einstein tiết lộ rằng, đây là ý nghĩ hạnh phúc nhất trong cuộc đời anh.


Albert Einstein (1879 - 1955).

Albert Einstein nghĩ về cách chúng ta cảm thấy nhẹ nhàng khi đang di chuyển tự do trong không khí (chẳng hạn như nhảy trên tấm bạt lò xo), hay cảm giác chúng ta bị đẩy lùi vào ghế khi xe tăng tốc đột ngột (còn gọi là gia tốc). Ô tô là thứ hoàn toàn mới vào thời điểm đó.

Anh nhận ra, thứ giữ chúng ta trên mặt đất giống hệt như cảm giác bị xô đẩy khi xe tăng tốc. Anh ta nhận ra tất cả chỉ đều là sự thay đổi tốc độ, bao gồm cả chiếc xe ô tô của bạn, viên bi hay thậm chí là khi bạn rơi xuống trên tấm bạt lò xo.

Sai lệch tốc độ

Albert Einstein mất thêm 8 năm suy nghĩ trước khi biến mọi thứ trở nên hợp lý.

Lời giải thích đầy đủ rất phức tạp. Nhưng chúng ta vẫn có thể sử dụng một số đồ chơi để giải thích tại sao viên pin lại lăn xuống dễ hơn là lăn lên.

Những gì mà Einstein phát hiện là rất lớn, chẳng hạn như toàn bộ Trái đất nặng đến mức chúng thực sự thay đổi hình dạng của không gian và thời gian xung quanh chúng ta. Điều này rất khó hiểu, nhưng nó giống như cách một tấm bạt lò xo sẽ xẹp xuống nếu bạn ngồi vào giữa.


Bề mặt của quả bóng sẽ bị lõm vào khi bạn nhấn vào nó.

Hãy tưởng tượng, bạn đặt những viên bi trên một tấm bạt lò xo. Nếu không có ai ngồi trên tấm bạt, những viên bi này sẽ không di chuyển. Nhưng nếu có một ai đó ngồi vào giữa, những viên pin sẽ lăn về phía họ, bởi hình dạng của tấm bạt lò xo đã thay đổi.

Để chứng tỏ điều này, chúng ta sử dụng một tấm vật liệu co giãn kích thước lớn và lăn các quả bóng trên đó. Quả bóng càng nặng, các vết lõm càng lớn, và những quả bóng khác sẽ lăn xung quanh nó do tấm vật liệu bị biến dạng.

Trái đất làm sai lệch thời gian theo cách tương tự. Chúng ta không thể nhìn thấy sự biến dạng này, nhưng những cỗ máy khoa học đặc biệt, có tên là đồng hồ nguyên tử, có thể xác định nó. Chính sự sai lệch về thời gian mà Trái đất tạo ra đã khiến cho những viên bi sẽ rơi xuống đất một cách nhanh dần khi thả chúng. Đó là những gì chúng ta gọi là lực hấp dẫn.

Trên Trạm Vũ Trụ Quốc Tế - một con tàu vũ trụ, nơi các phi hành gia thực hiện nhiều thử nghiệm, mọi thứ đều không có trọng lượng. Nó giống như cảm giác bạn đạt độ cao cực đỉnh khi nhảy trên tấm bạt lò xo, tóc bạn xõa ra khỏi đầu, ngoại trừ việc nó diễn ra mọi lúc. Các phi hành gia gọi đây là hiện tượng rơi tự do.

ĐIều này có nghĩa là những viên vi sẽ không rơi xuống dốc. Nhưng bạn vẫn có thể vui vẻ với những viên bi. Đây là cảnh các phi hành gia "chơi đùa" với những viên bi trên trạm vũ trụ.

Điều gì sẽ xảy ra nếu bạn lên Mặt Trăng? Thực tế, Mặt Trăng nhỏ hơn nhiều so với Trái đất, thế nên, nó nhẹ hơn và lực hấp dẫn đồng thời cũng giảm đi.

Nếu rơi trên Mặt Trăng, bạn sẽ rơi với tốc độ rất chậm. Bạn có thể chơi với những viên bi trên Mặt Trăng, nhưng chúng sẽ quá trình lăn của chúng trên dốc sẽ chậm hơn nhiều.

Tuy nhiên, nếu bạn ném lên trời, chúng sẽ bay rất xa trên bầu trời đen trước khi qua trở lại trong vòng 10 – 20 giây sau đó, lâu hơn nhiêu so với trên Trái đất. Điều đó thực sự rất thú vị.

Sưu tầm

25/10/2020

Dị ứng hay cảm?


 Để phòng ngừa cảm, khi ho hay ách xì, nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay. (Hình minh họa: Seyllou/AFP via Getty Images)

 

*Hỏi:

Cảm cúm, viêm họng cũng làm ho, làm sao để phân biệt được ho kiểu nào là do cảm, hay cúm, hay viêm họng, hay dị ứng, và cách chữa có gì khác nhau không? Hay là cứ uống đại trụ sinh, thuốc ho, là gọn lẹ, nhẹ nhàng, khỏi rắc rối cuộc đời?

-Đáp:

Triệu chứng điển hình của dị ứng là:

-Ngứa… tùm lum (họng, mũi, mắt, tai, da), tùy theo ta bị dị ứng ở bộ phận nào.

-Triệu chứng thường lặp lại mỗi năm theo mùa.

-Nếu bị ngứa mũi, họng, ách xì lia lịa, thì rất nhiều khả năng là dị ứng (tuy nhiên, cũng cần nhớ là dị ứng có thể kèm với các bệnh khác như cảm, hay cúm, hay viêm họng).

-Nếu không có thêm các triệu chứng của cảm, cúm, hay viêm họng, nhưng uống và/hay hít thuốc dị ứng, thấy triệu chứng giảm hẳn, thì đích thị đó là dị ứng.

Còn về cảm và cúm: Một số người chúng ta thường gộp chung cảm cúm với nhau. Tuy nhiên, dù có một số triệu chứng giống nhau, thật ra cảm và cúm là hai bệnh khác nhau, do các tác nhân (virus) khác nhau gây ra.

Nói chung, cảm thường nhẹ hơn cúm, và thường gặp hơn cúm rất nhiều.

Cảm (tiếng Mỹ gọi là “cold” hay “common cold”), là tình trạng viêm mũi do siêu vi trùng gây ra. Có rất nhiều siêu vi trùng (còn gọi là virus) khác nhau gây ra tình trạng này. Đây là một trong số các bệnh nhiễm trùng thường gặp nhất ở loài người.

Ở Hoa Kỳ, trung bình mỗi người lớn bị cảm từ một tới ba lần mỗi năm, và mỗi trẻ em tuổi nhà trẻ bị cảm từ năm đến bảy lần mỗi năm. Cảm là nguyên nhân của 40% các trường hợp phải nghỉ làm vì bệnh.

Cảm xảy ra quanh năm, tuy nhiên, bệnh thường nhẹ, và tự khỏi dù không điều trị.

Cảm gây ra các triệu chứng mà không cần phải là bác sĩ, hầu như ai cũng có thể nhận ra. Triệu chứng đầu tiên thường là đau họng, các triệu chứng thường đi kèm sau đó là nghẹt mũi, chảy mũi, ách xì. Khàn giọng và ho thường ít gặp hơn, nhưng nếu có, chúng lại thường kéo dài hơn, có khi kéo dài vài tuần. Tuy nhiên, cảm thường ít gây ra sốt cao và ớn lạnh. Đôi khi, bệnh nhân có thể bị đỏ mắt do viêm kết mạc. Vì có nhiều virus có thể gây ra cảm, tùy theo loại virus gây ra bệnh mà triệu chứng có thể khác nhau.

Ở một số trường hợp, ở các bệnh nhân có sức đề kháng của cơ thể thấp, bệnh có thể nặng hơn. Các trường hợp này có thể là do tuổi còn nhỏ, sinh non, sinh nhẹ cân, bị các bệnh mạn tính, bị suy giảm miễn dịch, suy dinh dưỡng, vân vân.

Một số bệnh cũng có một số triệu chứng gần giống cảm là viêm mũi dị ứng, viêm mũi do co giãn mạch máu ở mũi, các hội chứng do nhiễm các loại virus khác.

Làm sao để biết mình bị cảm

Cảm thường được chẩn đoán bằng các triệu chứng đặc hiệu như sổ mũi, nghẹt mũi, đau họng… như đã kể trên. Các bác sĩ thường chẩn đoán cảm qua các lời kể bệnh của bệnh nhân, cùng với thăm khám. Điều họ thường quan tâm hơn, là xem coi bệnh nhân có bị các biến chứng như viêm xoang, viêm phổi hay không.

Các xét nghiệm máu và quang tuyến ít khi cần thiết và chỉ được làm khi cần phải khám phá hoặc loại trừ các biến chứng của cảm như viêm phổi, viêm xoang như đã kể trên.

Nguyên nhân của cảm

Có tới hơn hai trăm loại virus khác nhau gây ra cảm. Nhóm thường gặp nhất có tên là rhinovirus (siêu vi trùng ở mũi), gây ra khoảng 40% các trường hợp cảm, chỉ nhóm này không cũng đã có hơn một trăm chủng khác nhau.

Nhiều người vẫn tưởng là lạnh là một nguyên nhân gây ra cảm. Thật ra, nhiều nghiên cứu cho thấy khí hậu lạnh không phải là nguyên nhân của cảm.

Lạnh có thể gây ra viêm mũi do co giãn mạch máu trong mũi (vasomotor rhinitis), có triệu chứng giống như cảm, nhưng đó không phải là cảm, và không lây. Tuy nhiên, dù sao, giữ cơ thể đủ ấm vẫn là điều tốt và cần thiết.

Cảm thường kéo dài bao lâu? Có biến chứng gì không?

 

Để phòng cảm, nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây. (Hình minh họa: Daniel Leal-Olivas/AFP via Getty Images)

Các triệu chứng của cảm thường lên đến cao điểm vào ngày thứ hai đến thứ tư sau khi nhiễm bệnh, thời gian trung bình là khoảng một tuần. Có khoảng 25% bệnh nhân có thể bị các triệu chứng kéo dài như ho đến vài tuần.

Cảm thường dễ lây nhất trong vòng 24 tiếng đầu tiên, tuy nhiên, khi nào còn triệu chứng thì khi đó bệnh nhân còn có thể lây bệnh sang người khác.

Một tỉ lệ nhỏ các bệnh nhân cảm có thể bị các biến chứng, các biến chứng thường là viêm xoang, viêm phổi, viêm tai giữa ở trẻ em.

Cách điều trị cảm

Trong việc điều trị cảm, nâng đỡ sức đề kháng của cơ thể và trị triệu chứng đều là điều rất quan trọng.

Chính sức đề kháng của cơ thể là thành phần chính chống chọi với virus cảm. Do đó, ta cần chú ý nâng đỡ sức đề kháng của mình bằng cách:

-Uống đủ nước.

-Nghỉ ngơi đầy đủ.

-Ăn uống dễ tiêu và cung cấp đủ năng lượng cho cơ thể bằng cách nấu thức dễ tiêu hóa, bổ dưỡng, ăn mỗi lần một ít nhưng ăn nhiều lần hơn.

-Tắm rửa cho sạch sẽ, mát mẻ, cũng giúp người thư thái hơn, thoải mái hơn. Bệnh gây ra do siêu vi trùng (virus), chứ không phải do lạnh hay nước, nên không cần phải sợ “trúng nước.” Chỉ cần phải cẩn thận để đừng bị té ngã trong buồng tắm do trơn trượt, mệt mỏi, chóng mặt.

Ngoài ra, ta có thể trị triệu chứng bằng cách:

-Súc miệng và họng bằng nước muối ấm và loãng. Cần chú ý là nên pha nước muối chỉ lạt như nước mắt của ta, nếu mặn quá sẽ làm khó chịu, kích thích niêm mạc cổ họng, có thể làm ho nhiều hơn.

-Uống thuốc giảm đau, giảm sốt (nhớ tránh aspirin ở trẻ em).

-Thuốc uống khô mũi, thuốc ho (những người bị bệnh cao huyết áp không nên uống thuốc làm khô mũi, vì thuốc có thể đẩy huyết áp lên cao hơn).

-Một nghiên cứu trên trẻ em cho thấy là mật ong, dùng ở trẻ trên một tuổi, có thể giúp giảm ho như là hoặc hơn cả thuốc ho (hiện nay đã được khuyến cáo không nên, không được dùng cho trẻ em nhỏ vì không có tác dụng rõ ràng mà lại có thể gây ra các tác dụng phụ nguy hiểm). Người ta nghĩ rằng mật ong cũng có thể giúp giảm ho ở người lớn.

-Xông mũi bằng nước ấm.

Cần chú ý là trái với nhiều người tin tưởng, rất nhiều nghiên cứu cho thấy thuốc trụ sinh và vitamin C không giúp làm cho cảm mau hết hơn. Ngay cả, nếu nước mũi đổi màu, đó cũng không phải là dấu hiệu cho thấy ta cần trụ sinh.

Thuốc trụ sinh là một thuốc cần được bác sĩ kê toa, sau khi thăm khám, nếu thấy cần thiết, bác sĩ sẽ kê toa trụ sinh cho bệnh nhân. Không nên để dành trụ sinh và tự uống mà không có ý kiến bác sĩ.

Ta nên đi thăm bác sĩ nếu có sốt cao, đau vùng xoang, khó thở, đau nhức mình mẩy quá nhiều để có thể được bác sĩ chẩn đoán và điều trị chính xác và đúng lúc.

Làm sao để phòng ngừa cảm?

Cách phòng ngừa cảm, phần lớn (trừ việc chủng ngừa: Cho tới nay, không có thuốc chủng nào để ngừa cảm cả) cũng giống như phòng ngừa cúm.

Cảm (cũng như cúm) lây sang người khác thường nhất bằng các tiếp xúc trực tiếp với các chất tiết (như nước mũi) của người bệnh, có thể là từ tay người này sang tay người khác, hoặc qua trung gian như nắm cửa… Virus có thể tồn tại trong môi trường đến ba tiếng đồng hồ. Khi tay ta tiếp xúc với các chất tiết này, rồi dụi vào mắt mũi của mình, ta sẽ bị lây bệnh.

Do đó, điều quan trọng đầu tiên để phòng cảm, là:

-Nên rửa tay thường xuyên. Tốt nhất là rửa với xà bông và nước ấm, khoảng 20 đến 30 giây. Hai mươi đến ba mươi giây là khoảng thời gian mà ta hát bài “Happy birthday to you, happy birthday to you, happy birthday, happy birthday, happy birthday to you” khoảng hai lần.

-Không vứt bỏ khăn chùi mũi bừa bãi.

-Khi ho hay ách xì, nên che miệng bằng cánh tay, chứ không phải bằng bàn tay, để giảm bớt các chất tiết dính vào bàn tay rồi qua các vật dụng hoặc bàn tay người khác.

-Tránh sờ, móc tay, ngón tay vào mắt, mũi.

Các virus cảm (cũng như cúm) cũng có thể lan truyền qua các hạt li ti bay trong không khí sau khi người bệnh ho hay ách xì, do đó, nên tránh tiếp xúc gần với người bệnh.

Người bệnh cũng nên nghỉ làm khi còn triệu chứng, để mau giảm bệnh và tránh lây cho người trong sở làm.

Xin nhắc lại, thuốc chích ngừa flu, chỉ giúp ngừa cúm, chứ hoàn toàn không phải để ngừa cảm.

Vì như đã trình bày, cảm và cúm do các loại virus hoàn toàn khác nhau gây ra. Hiện nay, trên thị trường, trên toàn thế giới, chưa đâu có thuốc chủng ngừa cảm cả. [qd]

Thân mến

BS Nguyễn Trần Hoàng

 

Ngày Tháng Nào Đã Ra Đi


Pont Mirabeau-Paris

Nhà thơ Pháp Guillaume Apollinaire sanh năm 1880 và bài thơ Le Pont Mirabeau của ông được viết vào tháng 2 năm 1912, một bài thơ có âm hưởng như bản nhạc tình.

Nhạc sĩ Trịnh Công Sơn sanh năm 1939 và ông viết bản nhạc Tình Xa vào những năm 1960-1970, một bản nhạc lãng mạn với lời ca đẹp như một bài thơ.

Le Pont Mirabeau và Tình Xa đều ghi dấu đau thương sau những cuộc tinh tan vỡ. Sự chia tay với người yêu, Marie Lawrencine, là thú đau thương là nguồn cảm hứng để Guillaume Apollinaire viết nên bài thơ tình, đỉnh cao của nền thi ca lãng mạn của Pháp ở đầu thế kỷ XX, có âm điệu như những điệp khúc nhạc buồn 
 

                                  Vienne la nuit sonne l'heure

                                  Les jours s'en vont je demeure

Và đúng nửa thế kỷ sau đó, cuộc chia tay với Diễm Xưa đã là nguồn cảm hứng của Trịnh Công Sơn viết nên bản nhạc Tinh Xa, buồn và diễm lệ đẹp như một bài thơ tình lãng mạn.

Sự găp gỡ giữa bản nhạc Tình Xa và bài thơ Le Pont Mirabeau như một kỳ ngộ của tư duy: Tình yêu thì vô hạn-Đời người thì hữu hạn

TÌNH XA -Trịnh Công Sơn                                              LE PONT MIRABEAU-Guillaume Apollinaire


Ngày tháng nào đã ra đi                                                           Sous Le Pont Mirabeau coule Le Seine                           

Khi ta còn ngồi lại                                                                                et nos amours

Cuộc tinh nào đã ra khơi                                                     Faut-il qu'il m'en souviennne

Ta còn mãi nơi đây                                                             La joie venai toujours après la peine

Từng người tình bỏ ta đi                                                         Vienne la nuit sonne l'heure

Như những dòng sông nhỏ                                                   Les jours s'en vont je demeure

Ôi những dòng sông nhỏ                                         Les mains dans les mains restons face à face

Lời hẹn thề là những cơn mưa                                                   tandisque sous 

Khi bước chân ta đi                                                             Le Pont de nos bras passe

Đêm khuya nhìn đường phố                                                Des éternels regards l'onde si lasse

Thành phố hoang vu                                                                 Vienne la nuit sonne l'heure

 Như sau một cuộc tình                                                          Les jours s'en vont je demeure 

Làm sao em biết đời sống buồn tênh                          L'amour s'en va comme cette eau courante

Đôi khi ta lắng nghe ta                                                                   L'amour s'en va

Nghe sóng âm u                                                                             Comme la vie est lente 

Dội vào hồn buốt giá                                                                Et comme l'espérance est violente

Hồn ta gió cát phù du bay về                                                       Vienne la nuit sonne l'heure

Đôi khi trên mái tình ta                                                                Les jours s'en vont  je demeure 

Nghe những giọt mưa tình réo tình âm thầm                 Passent les jours pásent les semaines

Sầu réo sầu bên bờ vực sâu                                                                       Ni temps passé

Còn thấy gì sáng mai đây thôi ta còn bạn bè                               Ni les amours reviennent

Giọt rượu nào vẫn chua cay trong tình vẫn u mê                 Sous le pont Mirabeau coule la Seine

Từ mọt ngày tình ta như núi rừng cúi đầu                                          Vienne la nuit sonne l'heure

Ôi tiếng buồn rơi đều nhìn lại mình đời đã xanh rêu                   Les jours s'en vont je demeurre


Bài thơ Le Pont Mirabeau của Apollinaire không có chấm câu như một tiếng thở dài liên tục theo dòng sông Seine miệt mài trôi dưới chân cầu Mirabeau. 

Tình XA-Le Pont Mirabeau, thơ và nhạc ôm lấy nhau lưu luyến theo dòng nước trôi đi....Cuộc tình nào đã ra khơi-Ta còn mãi nơi đây...

Ôi tiếng buồn rơi đều-                              Vienne la nuit sonne l'heure

Nhìn lại mình đời đã xanh rêu...              Les jours s'en vont je demuere....

 

Đào Như

22/10/2020

Mỹ đang muốn thực hiện dự án đầy tranh cãi có khả năng xảy ra chiến tranh hạt nhân

 

 Mỹ đang muốn thực hiện dự án đầy tranh cãi về nhiên liệu tàng hình dùng cho tên lửa; Nguồn: forbes


Sử dụng nhiên liệu tàng hình cho tên lửa có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân? Hiện nay quân đội Mỹ muốn có nhiên liệu tàng hình dùng cho tên lửa để tránh bị phát hiện, nhưngcác chuyên gia đang lo lắng điều đó có thể kích hoạt một cuộc chiến tranh hạt nhân.

Cục Phòng thủ Tên lửa (Missile Defense Agency) Mỹ đang muốn triển khai dự án nghiên cứu “tìm phương pháp phát triển các loại thuốc phóng rắn có tín hiệu hồng ngoại (infrared - IR) giảm nhưng vẫn duy trì hiệu suất tỷ lệ lực đẩy trên khối lượng”. “Việc phát hiện các vụ phóng tên lửa và đốt cháy tên lửa đẩy là những cơ sở xác định mối đe dọa quan trọng. Vì giám sát IR từ xa thường được sử dụng để phát hiện và theo dõi các vụ phóng tên lửa, nên khả năng tránh bị phát hiện thông qua giảm tín hiệu IR sẽ có lợi cho các phương tiện phòng thủ di động cũng như các phương tiện tấn công khi được triển khai”.

Thực tế tổ chức phòng thủ tên lửa của Mỹ muốn có một loại thuốc phóng có tín hiệu IR thấp không có gì là đặc biệt hay xấu xa. Trong khi các thiết bị laser chống tên lửa đang được triển khai, hiện tại, hệ thống phòng thủ tên lửa đạn đạo của Mỹ gồm Hệ thống đánh chặn trên mặt đất và tên lửa Patriot trên đất liền, cũng như tên lửa Aegis SM-3 và SM-6 trên biển - đều sử dụng tên lửa để bắn hạ các tên lửa của đối phương.

Tuy nhiên, các phương tiện đánh chặn sử dụng tên lửa đẩy tạo ra nhiều nhiệt và ánh sáng. Sẽ logic khi cho rằng đối phương có thể sử dụng dấu vết hồng ngoại của thiết bị đánh chặn để xác định chính xác tọa độ vị trí và phá hủy các tàu mang và bệ phóng tên lửa phòng thủ của Hoa Kỳ. Ngoài ra, chùm tia hồng ngoại của tên lửa đánh chặn có thể bị phát hiện khi đang bay tạo cơ hội cho tên lửa tấn công đang tiếp cận mục tiêu có thể triển khai mồi nhử để đánh lừa hoặc thực hiện hành động lẩn tránh.

Nhưng tên lửa sử dụng nhiên liệu tàng hình có thể gây ra rủi ro thảm khốc hơn nhiều. Răn đe hạt nhân vốn giúp Mỹ và Nga không tiêu diệt lẫn nhau trong 70 năm qua dựa trên sự đảm bảo rằng cả hai bên có thể kịp thời phát hiện một cuộc tấn công đầu tiên của phía bên kia để thực hiện một cuộc tấn công trả đũa. Đây là lý do tại sao Mỹ và Nga, và bây giờ là Trung Quốc, có các vệ tinh trên quỹ đạo được thiết kế để phát hiện tín hiệu hồng ngoại của vụ phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa (InterContinental Ballistic Missiles - ICBM).


Hoa Kỳ duy trì Chương trình Hỗ trợ Quốc phòng gồm các vệ tinh cảnh báo tên lửa, đang được thay thế bằng các vệ tinh Hệ thống Hồng ngoại bố trí trên Không gian (Space-based Infrared System - SBIRS). Gần đây, Cơ quan Phát triển Không gian (Space Development Agency - SDA) của Bộ Quốc phòng đã trao hợp đồng trị giá 149 triệu USD cho SpaceX, cùng hợp đồng trị giá 193 triệu USD cho L3 Harris Technologies để phát triển 4 vệ tinh trường nhìn rộng (wide-field-of-view - WFOV), được trang bị cảm biến theo dõi tên lửa hồng ngoại. SpaceX sẽ sử dụng các cơ sở ở Redmond, Washington cho dự án.

Các nhà thầu dự kiến sẽ ra mắt vệ tinh WFOV của họ vào mùa thu năm 2022. Các vệ tinh WFOV sẽ là một phần trong nỗ lực của SDA nhằm cập nhật Kiến trúc Không gian Phòng thủ Quốc gia (National Defense Space Architecture) được thiết kế để cải thiện hiệu quả của cơ quan này trong việc phát hiện, theo dõi và đánh bại "các mối đe dọa tên lửa tiên tiến". Giám đốc SDA tin tưởng vào các hợp đồng được trao này sẽ giúp cơ quan thực hiện các kế hoạch nâng cấp của mình.

Nhưng nhiên liệu tên lửa tạo ra chùm tia hồng ngoại tối thiểu làm tăng khả năng một quốc gia có thể tiến hành đòn tấn công hạt nhân bất ngờ bằng tên lửa có tín hiệu IR thấp. Giả sử ICBM mất từ 15 đến 30 phút để bay đến mục tiêu và một đầu đạn lao xuống bầu khí quyển với vận tốc Mach 23, thậm chí một vài phút cũng có thể tạo ra sự khác biệt đối với việc liệu phía phòng thủ có thể đánh chặn tên lửa đang bay tới hay không, hay thực hiện một cuộc tấn công trả đũa trước khi ICBM của chính họ bị phá hủy?.

Việc quân đội Hoa Kỳ xác định rằng nhiên liệu tên lửa tàng hình sẽ được sử dụng cho "trước mắt cho các phương tiện tấn công" cho thấy, Lầu Năm Góc muốn có các tên lửa tấn công mà đối thủ không thể phát hiện được. Các chuyên gia quân sự lo ngại điều này có thể gây ra hậu quả khôn lường. Brian Weeden - một cựu sĩ quan Không quân Hoa Kỳ và là một chuyên gia về chiến tranh vũ trụ, nói: “Hoa Kỳ thực sự là quốc gia dựa nhiều nhất vào việc phát hiện tín hiệu IR trong cảnh báo chiến lược về các cuộc tấn công hạt nhân và trong cảnh báo chiến thuật về các cuộc tấn công tên lửa trên chiến trường”.

“Vì vậy, nếu công nghệ này được phát triển, tôi nghĩ rằng nó thực sự có thể làm tổn hại nhiều hơn là giúp ích cho đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ. Và lịch sử cho thấy, công nghệ có cách kích thích mạnh mẽ chạy đua vũ trang, đặc biệt nếu nó có giá trị đáng kể về quân sự". Còn James Acton - nhà vật lý và đồng Giám đốc Chương trình Chính sách Hạt nhân tại Carnegie Endowment for International Peace - tỏ ra nghi ngờ về tính khả thi của nhiên liệu tên lửa có thể giảm thiểu tín hiệu IR mà không ảnh hưởng đến hiệu suất đẩy.

Ông cũng lo ngại rằng nhiên liệu tàng hình dùng cho tên lửa có thể khiêu khích Nga và Trung Quốc. Acton nói: “Họ sẽ hiểu đây là một cách để tiến hành các cuộc tấn công phủ đầu chống lại các lực lượng hạt nhân của họ. Và thành thật mà nói, tôi không rõ nó còn hữu ích cho mục đích nào khác”./.

Nguồn: forbes

Những điều tối kỵ đối với phụ nữ khi lên giường


Ảnh minh họa: Getty Images

Để đón nhận cuộc yêu thật mỹ mãn, phụ nữ cần tránh 4 điểm dưới đây khi lên giường.

Im lặng

Giữ im lặng trên giường không phải là vàng. Hãy tán thưởng chàng nếu anh ấy làm điều bạn thích hoặc ngược lại, hãy thì thầm với anh ấy những điều bạn không muốn…

Cằn nhằn

Trái với thái cực im lặng, có những phụ nữ lại liên tục dùng khoảnh khoắc gần gũi để cằn nhằn, tranh thủ trách mắng hoặc thậm chí dằn mặt chàng về một điều gì đó. Nếu bạn làm điều này liên tục, hứng thú của chàng sẽ nguội tắt.

Luôn ở thế bị động

"Bị động" sẽ khiến chàng cảm thấy mạnh mẽ khi là người đi chinh phục. Tuy nhiên, không phải chàng trai nào cũng muốn bạn mãi là con mèo ngoan hiền. Hãy lẳng lơ một chút, chủ động một chút dễ khiến chàng bất ngờ, hoặc đơn giản khiến chàng không nhàm chán.

Không tập trung vào cuộc yêu

Đây là điều dễ xảy ra với nhiều chị em. Cuộc sống thường nhật có nhiều điều khiến chị em lo lắng. Nhưng đó không phải là lúc để nghĩ đến những hóa đơn, đến chuyện con bị điểm kém, đến chuyện đồng nghiệp nói xấu, đến chuyện tiền lương hàng tháng... Khi gần gũi, hãy tập trung toàn bộ cơ thể, tâm trí bạn vào cuộc yêu. Như vậy các bạn sẽ có được cuộc yêu chất lượng, để cơ thể được tái tạo, được trẻ trung được tràn năng lượng.

ST

 

21/10/2020

Tại sao lừa và voi là biểu tượng của đảng Dân Chủ và Cộng Hòa ?


 Về biểu tượngcủa đảng Dân Chủ và Cộng Hòa, voi là biểu tượng chính thức của đảng Cộng Hòa, còn hình ảnh chú lừa cho dù không được sử dụng nhiều như voi, nhưng vẫn xuất hiện thường xuyên trong chiến dịch vận động tranh cử của đảng Dân Chủ. Do đâu mà hai loài vật này lại được chọn làm linh vật cho hai đảng chính trị lớn nhất của Mỹ? Ý nghĩa biểu tượng của lừa và voi là gì?  

Hình ảnh con lừa lần đầu tiên được sử dụng bởi ứng viên tổng thống năm 1828 Andrew Jackson. Trong chiến dịch vận động tranh cử, các đối thủ đảng Cộng Hòa của Jackson đã nói trại họ của ông thành « Jackass »vì tư tưởng dân túy và khẩu hiệu của ông: « Hãy để nhân dân tự lo ». « Jackass » mang ý nghĩa xúc phạm là đồ ngốc ngếch, ngu ngốc, nhưng « jackass » cũng có thể được hiểu là « con lừa ». Jackson quyết định biến cuộc tấn công này thành lợi thế của riêng mình trên các áp phích vận động tranh cử. Trong khi đảng Cộng Hòa so sánh ông với một chú lừa cứng đầu, bướng bỉnh và ngu ngốc, thì trong các bài phát biểu, Jackson tự mô tả mình là người kiên trì, trung thành và có thể gánh vác trọng trách. Hình ảnh khiêm tốn và giản dị này đã cho phép ông chiến thắng nhà quý tộc Adams và trở thành tổng thống đầu tiên của Hoa Kỳ thuộc đảng Dân Chủ. 

Tuy nhiên, chính họa sĩ biếm họa Thomas Nast mới là người biến chú lừa thành biểu tượng của đảng Dân Chủ. Vào ngày 15/01/1870, ông cho đăng trên tạp chí chính trị nổi tiếng Harper's Weekly bức vẽ « A live Jackass Kicking a Dead Lion » (Lừa sống đá sư tử chết). Họa sĩ Nast cũng vẽ Edwin Stanton, cố bộ trưởng Chiến Tranh dưới thời tổng thống Lincoln, trong lốt một con sư tử đã chết, bị một con lừa - đại diện cho đảng Dân Chủ miền Bắc phản đối nội chiến - đá hậu một cú.

Còn con voi xuất hiện lần đầu tiên như biểu tượng của đảng Cộng Hòa trong cuộc bầu cử năm 1860, trên The Rail Splitter, một tờ báo ủng hộ chiến dịch tranh cử của ứng viên Cộng Hòa Abraham Lincoln. Hình ảnh con voi còn xuất hiện vào năm 1864 trên một tờ báo khác bảo vệ chiến dịch của Lincoln, « Father Abraham ». Nhưng con voi thực sự gắn với đảng Cộng Hòa vào năm 1874 trong một thiết kế khác của Thomas Nast. Trong bức vẽ « Nỗi hoảng sợ của nhiệm kỳ thứ ba », họa sĩ Nast minh họa đảng Dân Chủ bằng một con lừa đội lốt sư tử, hù dọa tất cả động vật, trừ con voi mang dòng chữ « lá phiếu của đảng Cộng Hòa ».

Trong khi đảng Cộng Hòa coi voi như một biểu tượng chính thức kể từ những năm đó, thì đảng Dân Chủ dường như ít sử dụng hình ảnh con lừa hơn. Tuy nhiên, mỗi bên vẫn gắn với linh vật của mình. Theo một số trang web của đảng Dân Chủ, đảng này cho rằng con lừa là biểu tượng của tính nhún nhường, khiêm tốn, tinh khôn và cảm thông, còn đảng Cộng Hòa gắn con lừa với tính bướng bỉnh và lố bịch. Ngược lại, nếu người của đảng Cộng Hòa cho rằng voi là loài vật đàng hoàng, mạnh mẽ và thông minh, thì người của đảng Dân Chủ lại coi chúng là bất tài và kiêu ngạo.

Thùy Dương (RFI)

Tại sao bầu cử luôn diễn ra vào ngày thứ Ba đầu tháng 11?


 Thứ Ba 03/11/2020 là ngày chính thức bỏ phiếu bầu tổng thống Mỹ. Nhưng từ khi nào và tại sao bầu cử tổng thống Mỹ lại luôn diễn ra vào một ngày thứ Ba của tháng 11, trong khi tại nhiều nước, bầu cử tổng thống thường được tổ chức vào Chủ Nhật ? Báo Le Figaro gọi đó là một « di sản lịch sử » của Mỹ.

Kể từ năm 1848, bầu cử tổng thống Mỹ luôn diễn ra vào ngày thứ Ba. Thế nhứng, từ trước đó, khi các nhà soạn thảo Hiến Pháp Hoa Kỳ họp vào mùa hè năm 1787, họ có quá ít thời gian để giải quyết mọi vấn đề nảy sinh. Một số chủ đề, kể cả ngày bỏ phiếu bầu tổng thống, vẫn để ngỏ. Các bang được tự do chọn ngày tổ chức bỏ phiếu trong khoảng thời gian 34 ngày trước ngày thứ Tư đầu tiên của tháng 12, khi các đại cử tri tập trung. Nhưng rất nhanh sau đó, cách « tự do chọn ngày » tổ chức bỏ phiếu như vậy đã tạo ra bầu không khí hỗn loạn và nhiều trò gian lận, chẳng hạn các nhóm nhà hoạt động di chuyển từ bang này sang bang khác để bỏ phiếu.

Đến năm 1845, Quốc Hội quyết định sắp xếp lại mọi việc và thông qua một ngày bỏ phiếu duy nhất trên toàn quốc. Thời điểm diễn ra bầu cử được Quốc Hội chọn là đầu tháng 11 vì 2 lý do đơn giản : vào đầu tháng 11 vụ mùa đã kết thúc và tuyết vẫn chưa rơi nên đường sá đi lại còn dễ dàng. Nhưng chọn ngày nào trong tuần cho phù hợp ? Thời đó, việc di chuyển bằng xe ngựa hoặc xe kéo 4 bánh vốn dĩ chậm chạp, các cử tri cần có nhiều thời gian mới đến được điểm bỏ phiếu. Hoa Kỳ khi đó là một xã hội nông nghiệp, các nông trại có thể nằm cách xa các thành phố. Cử tri có thể phải mất một ngày để đi, một ngày để bỏ phiếu và một ngày để quay trở về nhà.

Thứ Bảy vẫn là một ngày làm việc bình thường, còn Chủ Nhật là ngày đi lễ nhà thờ, nên không thể tổ chức bầu cử vào hai ngày cuối tuần. Nếu bỏ phiếu vào thứ Hai, cử tri phải lên đường từ Chủ Nhật, điều này cũng không phù hợp. Thứ Tư là ngày họp chợ. Thứ Ba có vẻ như là ngày phù hợp nhất : các cử tri lên đường vào Thứ Hai và có thể về nhà vào cuối tuần. Vào thời đó, ngày bầu cử là ngày lễ hội : thành phố tổ chức các cuộc diễu hành, các gia đình diện những bộ đồ thật đẹp và cùng nhau lên đường đến thành phố bỏ phiếu.

Nhưng tại sao bỏ phiếu phải diễn ra đúng vào ngày thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11 ? Vào ngày 01/11, người Công giáo và một số Giáo hội Luther cử hành lễ Các Thánh. Vào thời đó, ngày đầu tiên của tháng cũng là ngày làm kế toán của các thương nhân. Bằng cách chọn thứ Ba sau ngày thứ Hai đầu tiên của tháng 11, cuộc bỏ phiếu luôn diễn trong khoảng 02-08/11.

Tuy nhiên, những gì phù hợp với xã hội thế kỷ 19 lại không phù hợp lắm với xã hội ngày nay. Thứ Ba là ngày làm việc bình thường của hầu hết người Mỹ. Một số bang và một số công ty cho người lao động nghỉ một ngày để đi bỏ phiếu. Một số khác thì tạo điều kiện cho người lao động được nghỉ vài giờ trong ngày. Còn ở những nơi khác, cử tri phải tự lo liệu thu xếp, lúc đông người nhất đến bỏ phiếu là buổi sáng sớm trước giờ làm việc hoặc cuối ngày sau khi tan sở. Hiệp hội Why Tuesday (Tại sao lại là Thứ Ba) đã đấu tranh từ nhiều năm nay để đòi chính quyền cho dời cuộc bỏ phiếu bầu tổng thống đến cuối tuần hoặc quy định ngày bỏ phiếu là ngày nghỉ lễ.

Theo hiệp hội Why Tuesday, quy định về ngày bỏ phiếu như hiện nay khiến tỷ lệ cử tri tham gia bầu cử thấp. Theo một cuộc khảo sát được thực hiện vào năm 2014, sau các cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ, 69% người không đi bỏ phiếu cho biết họ quá bận bịu hoặc do những ràng buộc trường lớp, công sở. Các cuộc bầu cử năm đó ghi nhận tỷ lệ người không đi bỏ phiếu cao nhất kể từ năm 1942 : chỉ có 36,7% công dân trong độ tuổi bỏ phiếu đi bầu cử. Nhiều dự luật về việc tổ chức các cuộc bầu cử vào cuối tuần đã được trình lên Quốc Hội, nhưng cho đến nay vẫn chưa có dự luật nào được thông qua.

Trong khi chờ đợi một cuộc cải cách, phương thức bỏ phiếu qua đường bưu điện và bầu cử sớm là hai giải pháp dành cho các cử tri không thể đến điểm bỏ phiếu vào thứ Ba. Năm nay, do đại dịch Covid-19, Absentee voting, phương thức « bỏ phiếu khiếm diện » được thực hiện trên hầu hết cả nước và có thể được đông đảo cử tri hoan nghênh. Theo nhật báo New York Times, ít nhất 3/4 số cử tri Mỹ có thể sẽ bỏ phiếu qua đường bưu điện, có nghĩa là năm nay một phần lớn người Mỹ có thể không bỏ phiếu vào ngày thứ Ba.

Thùy Dương (RFI)

19/10/2020

THẢM HỌA CỦA THỦY ĐIỆN "CÓC" XÂY DỰNG Ở MIỀN TRUNG.


 Cả đêm đọc những mẫu tin kêu cứu và cả (ít oi) những tin nhắn trả lời là chưa cứu được, hãy chờ trời sáng...


Đến giờ, Quảng Trị đã chìm trong nước cứ đang dâng, dâng cao. Đến Hà Tĩnh cũng bắt đầu ngập nặng.

Sài Gòn, ngay lúc này cũng bắt đầu mưa.

Không thể không nghĩ đến những ngôi nhà toàn bằng gỗ quí, cột kèo, ghế bàn, tủ kệ. Gọi là đẹp, là sang, là nở mặt mày với xóm làng. Lệnh đóng cửa rừng ban hành từ tháng 7-2016 mà không được thực thi? Vì sao? Vì sản phẩm gỗ rừng tự nhiên vẫn cứ được ưa dùng và được tự nhiên bán buôn khắp các tỉnh, còn xuất khẩu tự do sang nước bạn (?). Và thủy điện vẫn cứ được cấp giấy phép. Rào Trăng là một cảnh báo quá bi thảm, đau thương liệu có đủ sức nặng để có biện pháp tức thì ngăn thảm họa?

Thiên tai và nhân tai, thứ tai họa nào lớn hơn. Thảm họa kinh hoàng không chừa ai. Mà phá rừng, đắp đập, chỉ một số người ký, một số người làm và hưởng lợi.

Tôi đọc thấy bài này của Giám đốc Sở khoa học công nghệ tỉnh Nghệ An. Xin dừng một phút để nghĩ tới hàng triệu người miền Trung oằn mình trong bão lũ và triệu triệu nạn nhân tiềm năng nữa đang được ghi tên nếu rừng vẫn tiếp tục bị tàn phá và thủy điện cóc vẫn đều đều mọc lên, bất chấp...


THẢM HỌA CỦA THỦY ĐIỆN "CÓC" XÂY DỰNG Ở MIỀN TRUNG.

Trần Quốc Thành

Thủy điện cóc là dạng dự án thủy điện có công suất nhỏ. Dạng dự án này các doanh nghiệp rất ham và kéo theo một số lãnh đạo có quyền rất mê!

Nhưng nếu đầu tư ở khu vực miền Trung nhất là Bắc Trung bộ thì đúng là lợi bất cập hại! Vì rằng đây là khu vực có địa hình độ dốc lớn, sông ngắn lại là nơi tập trung vào nhiều Khu bảo tồn thiên nhiên! Hơn nữa địa chất ở vùng này phần lớn thuộc nhóm đất dễ sạt lở!

Việc đầu tư ở đây vừa góp phần phá rừng hợp pháp lại ở nơi đầu nguồn là chính! Hơn nữa, lại góp phần gây ngập lụt và thiếu nước ở hạ du! Vì mùa khô hạ du cần nước thì thủy điện lại tích, mùa lụt hạ du thừa nước thì lại xả vì dung tích thấp không thể tích!

Bình quân các nhà máy thủy điện cóc 1MW tiêu tốn 1 ha rừng đầu nguồn. Ví dụ dự án Rào Trăng 3 công suất 11 MW chiếm mất 11 ha rừng vùng Khu bảo tồn thiên nhiên Huyện Phong Điền và đầu tư hết 290 tỷ VND ( theo báo cáo đăng ký).

So với điện mặt trời thì sao nhỉ?

Để xây dựng nhà máy điện 11 MW điện mặt trời cần khoảng 0,6 ha. Giả sử công suất hữu ích khoảng 50% thì cũng chỉ mất 1,2 ha đất! Như vậy so với thủy điện là tương đương vì thủy điện công suất hữu ích cũng khoảng 70% là quá oách! Mà đất giá trị canh tác nông nghiệp thấp ở vùng miền Trung cũng như Bắc trung bộ đầy! Suất đầu tư của hai hình thức này cũng ngang nhau!

Sao cứ phải nhăm nhe lên rú?! Hay còn có thứ đàng sau dự án là tận dụng gỗ rừng khi tích nước?! Riêng tỉnh Thừa Thiên Huế còn có 11 dự án thủy điện cóc tổng công suất chỉ 105 MW! Rất cần rà lại để loại bỏ không chỉ ở tỉnh này mà tất cả!

Nghệ An, thời gian qua nhờ sự phản biện của các nhà khoa học mà đã loại bỏ tối đa các dự án thủy điện cóc thể hiện sự tiếp thu, cầu thị của lãnh đạo tỉnh!

Hy vọng có sự điều chỉnh kịp thời khi chưa quá muộn!

TQT