Trang

30/03/2021

Chữ ĂN, phong phú làm sao!!!


 

Tiếng Việt ta phong phú lắm!!!

Nói hoặc nghĩ đến chữ ĂN chẳng hạn, Tây, Mỹ, Tầu... chỉ có ngắn gọn là manger, eat, sực... là hết.

Việt ta thì thoải mái hưởng thụ tới bến luôn: Ăn?

Ăn đâu có phải chỉ là mở miệng đớp đồ ăn bỏ vô bụng!!?

Không, mình còn phải chơi chữ ghép cơ,... mới đã tai, ngọt miệng, sướng mồm:

...ăn uống, ăn nằm, ăn ngủ, ăn nhậu, ăn chơi, ăn hàng, ăn vặt...

Mà đã ăn, không phải chỉ là thực phẩm:

Ăn tát, ăn đạp, ăn tiền, ăn đòn... cũng là ăn.

Mà ăn còn được lan rộng tới mọi lãnh vực: tinh thần, văn hoá, xã hội : ăn gian, ăn trộm, ăn cướp, ăn chận, ăn xin, ăn ké, ăn bám, ăn khách, ăn mừng, ăn mày, ăn quỵt, ăn mót .. cũng là ăn.

Chưa hết đâu, còn dài dòng hơn nữa, chỉ vì ăn:

Ăn lông ở lỗ, ăn cháo đá bát, ăn quẩn cối xay, ăn cay nuốt đắng, ăn chực nằm chờ, ăn hiền ở lành, ăn dơ ở bẩn, ăn dầm nằm dề, ăn mắm ăn muối, ăn tục nói phét, ăn nên làm ra, ăn gian nói dối, ăn nhờ ở đậu, ...

Mùa đông lại có dịch Covid, cho nên chỉ ăn không ngồi rồi, ăn rồi nói nhảm, ăn càn nói bậy ..


Nông nỗi này... ai thích thì cứ vào ăn nhé! Không được ăn vạ đâu nhe…

Thôi, thỉnh thoảng mình cũng nên "sám hối ăn năn"… (không phải là ăn năng ăn sắn kia đâu nha...

Sưu tầm thêm:

Ăn sống nuốt tươi, ăn trên ngồi trước, ăn sung mặc sướng, ăn mày ở đợ. Ăn dành ăn giựt. Ăn năn tội, ăn năn hối cải. Ăn đời ở kiếp. Ăn vụng. Ăn vóc học hay (ăn nhiều học giỏi).  Ăn ốc nói mò. Ăn chắc mặc bền. Ăn tiền trợ cấp. Ăn theo. Ăn bài. Ăn kiêng. Ăn trộm. Ăn chay. Ăn cướp còn la làng.


29/03/2021

TRUYỆN VUI

DẤU HUYỀN VÀ DẤU SẮC 

 


Có một ông khách nọ đến nhà bạn chơi, vợ bạn làm thịt gà mời khách. Khi mâm dọn ra, ông khách chỉ con gà chưa chặt nói đùa với gia chủ :

- Trong con gà tôi thích nhất ăn miếng nào mà có dấu huyền, thế còn ông thích ăn miếng có dấu gì nhất?

Chủ nhà chưa hiểu ý của khách, liền trả lời bừa :

- Tôi thích ăn nhất là miếng nào có dấu sắc

Ông khách lại nói tiếp :

- Bây giờ, tôi với ông thống nhất ăn theo sở thích của mình nhé, tôi ăn miếng nào có dấu huyền, còn miếng nào có dấu sắc thì phần ông xơi!

Nói xong, ông khách bẻ cái đầu gà để vào bát mình và đọc :

- Đờ…âu… đâu huyền đầu.

Thấy vui, chủ nhà hưởng ứng liền bẻ hai cái cánh vào bát mình và đọc :

- Cờ…anh…canh sắc cánh.

Ăn xong cái đầu, ông khách đọc :

- Đờ…ui…đui huyền đùi.

Đọc rồi, ông khách bẻ hai cái đùi nhai ngấu nghiến. Chủ nhà ăn xong hai cánh, nghĩ mãi chưa có miếng nào có dấu “sắc”, thì ông khách đọc hộ :

- Đờ…ít… đít “sắc” đít.

Ông khách bẻ ngay miếng phao câu đưa vào bát chủ nhà, rồi nói:

- Ông xơi đi, các cụ bảo “nhất thủ, nhì vĩ” đấy. Bây giờ tôi lại tiếp tục đọc nhé:

- Mờ…inh…minh “huyền” mình .

Nói đoạn, ông khách bê hết phần còn lại của con gà về phía mình.

Giờ nhìn trong đĩa chẳng còn gì, mà chủ nhà nghĩ mãi không ra, ông khách lại tiếp :

- Nờ..ước..nước sắc nước . nè ông húp nước đi.

Bà vợ từ nãy đến giờ theo dõi câu chuyện, thấy ông khách thì tham, mà chồng mình thì dốt, tức quá nhưng nể chồng không dám lên tiếng.

Bây giờ bà ta không thể chịu nổi nữa, bà đứng lên vỗ vào hai bẹn đùi hét lớn:

- Đây này! Ở đây còn cái “dấu huyền” này nữa, có ăn thì ăn nốt đi này!

Ông chồng hoảng hốt ôm bà vợ can:

- “Dấu huyền” này là của tôi, không “thằng nào” được đụng vào...!!!...

 

 

Vợ hả hê khi thấy chồng bị gái đẹp cho "năm ngón tay đi tìm má"

 


Hai vợ chồng Tom đứng cạnh nhau trong chiếc thang máy chật cứng người. Tom tỏ vẻ hớn hở vì được người đẹp nóng bỏng đứng cạnh ép sát người, còn vợ anh thì nhăn nhó khó chịu.

Cửa thang máy vừa mở, người đẹp phía trước bất ngờ quay lại tát vào mặt Tom một cú trời giáng.

- Đồ biến thái! Sao anh dám sàm sỡ tôi ngay trong thang máy, giữa ban ngày ban mặt cơ chứ?

Tom tái mặt quay sang vợ rối rít:

- Em yêu! Anh thề là anh không hề làm gì cả! Anh vẫn luôn ngoan ngoãn đứng cạnh em mà.

Vợ Tom nghe vậy thì cười hả hê:

- Em biết, là em cố tình vỗ mông cô ta đấy.

- !?!


(Sưu tầm bậy...)

  

28/03/2021

Bí ẩn hồn ma và những câu chuyện rùng rợn bên trong Nhà Trắng

 

Vào ban ngày, Nhà Trắng đẹp đẽ và thanh bình bởi sắc xanh bắt mắt của vườn cỏ và hoa hồng. Nhưng khi màn đêm buông xuống, sự tĩnh lặng bao bọc trong một khuôn viên rộng tới 7,3ha với hệ thống an ninh cẩn mật khiến Nhà Trắng trở nên bí ẩn, biệt lập đi cùng những lời đồn là nơi cư ngụ ưa thích của các hồn ma.

 

Sự tĩnh lặng bao bọc trong một khuôn viên rộng tới 7,3ha với hệ thống an ninh cẩn mật khiến Nhà Trắng trở nên bí ẩn. (Ảnh qua Reuters)

Cựu đệ nhất phu nhân Hillary Clinton từng nói trên show truyền hình Rosie O’Donnell Show rằng: “Có một cái gì rất lạ đang tồn tại trong Nhà Trắng vào ban đêm, khiến bạn cảm giác như mình đang triệu tập tất cả linh hồn của những người đã từng sống và làm việc ở đó”.

Hay gần đây nhất, Đệ nhất phu nhân Michelle Obama cũng thuật lại rằng có một đêm, hai vợ chồng bà chợt tỉnh dậy cùng lúc vào nửa đêm vì một tiếng động lạ, không rõ bắt nguồn từ đâu và theo sau đó là một giọng nói vang vọng ngoài hành lang. Không chỉ thế, cả bốn thành viên trong gia đình Tổng thống Obama đều trải qua cảm giác bị đánh thức lúc nửa đêm vì một thứ gì đó lướt qua các ngón chân.

1. Nhà Trắng bị đồn là nơi cư trú của các hồn ma sau các vụ ám sát Tổng thống

Có thể nói, khởi đầu cho những câu chuyện ma phổ biến tại Nhà Trắng bắt nguồn từ vụ ám sát tổng thống Lincoln. Có khá nhiều nhân chứng nhìn thấy bóng ma Lincoln ở khắp các phòng trong Nhà Trắng. Các ghi chép cho biết, khi còn sống tổng thống Lincoln rất tin vào thế giới siêu nhiên và thậm chí ông còn tham dự vào các cuộc chiêu hồn ngay tại Nhà Trắng. Có thể vì thế mà ông đã có giấc mơ kỳ lạ báo hiệu cái chết của ông trước cả khi vụ ám sát diễn ra.



Tổng thống Lincoln rất tin vào thế giới siêu nhiên vì thế mà ông đã có giấc mơ kỳ lạ báo hiệu cái chết của ông trước cả khi vụ ám sát diễn ra.. (Ảnh qua Twitter)

Ông đã thuật lại cho vợ giấc mơ hãi hùng đó. Sau khi chìm vào giấc ngủ, ông chợt nghe thấy những tiếng khóc thổn thức. Ông lang thang khắp các phòng ở tầng dưới nhưng không thấy một bóng người dù các căn phòng đều được thắp sáng. Dù vậy, ông vẫn không thể tìm ra được tiếng khóc bi thương đó xuất phát từ đâu. Khi tới căn phòng phía Đông, ông chợt nhìn thấy một đám tang. Giữa phòng là một cái quan tài, xung quanh có quân nhân đứng canh và một nhóm người đang khóc lóc thảm thiết. Ông hỏi một người lính: “Ai trong quan tài đó vậy?”. Người lính trả lời: “Chính là ngài, thưa Tổng thống. Ngài đã bị ám sát”.

Quả nhiên 10 ngày sau, giấc mơ trở thành hiện thực khi tổng thống Lincoln bị ám sát khi đang ngồi xem kịch cùng vợ trong nhà hát.

2. Oval Room (Phòng Bầu Dục): Căn phòng nổi tiếng bởi các âm hồn

Dù số người được vào Phòng Bầu Dục đếm trên đầu ngón tay nhưng hầu hết cư dân trên thế giới đều biết đến nó là phòng làm việc riêng của Tổng thống Mỹ. Nhưng Phòng Bầu Dục còn nổi tiếng hơn ở khía cạnh ly kỳ và rùng rợn. Khá nhiều nhân chứng đã nghe thấy các tiếng động kỳ bí hay sự hiện diện của các bóng ma vào buổi tối khuya trong căn phòng này.

Đến nay, bóng ma được kể nhiều nhất trong Nhà Trắng là tổng thống Abraham Lincoln. Grace Coolidge, phu nhân của tổng thống Calvin Coolidge (tổng thống thứ 30, nhiệm kỳ 1923-1929) là người đầu tiên nhìn thấy hồn ma của Lincoln. Theo bà, tổng thống cao lêu nghêu thường đứng trong phòng Bầu dục bên cạnh cửa sổ oval, hai bàn tay siết chặt sau lưng, ánh mắt đăm chiêu nhìn ra ngoài cửa sổ. Trong thời kỳ làm tổng thống, Lincohn luôn trăn trở vì cuộc nội chiến, có lẽ vì vậy mà nhiều người phỏng đoán linh hồn của tổng thống Lincoln vẫn còn loanh quanh ở Phòng Bầu dục vì ông còn khá nhiều việc đang làm dang dở trước vào thời điểm bị ám sát.

Thư ký báo chí James Haggerty của tổng thống Kennedy kể rằng ông cảm nhận được sự hiện diện của hồn ma Tổng thống Lincoln trong phòng này. Trong thời gian nhậm chức của tổng thống Franklin D. Roosevelt (1933-1945), rất nhiều nhân viên Nhà Trắng đã nhìn thấy bóng ma tổng thống Lincoln. Tầng áp mái phía trên phòng Bầu Dục cũng nổi tiếng là nơi tụ tập hồn ma bởi những tiếng ồn ào, tiếng xì xào bí ẩn xuất phát từ đây. Ngoài hồn ma của tổng thống Lincolh, tổng thống William Henry Harrison (tổng thống thứ 9 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ từ 3/1841-4/1841), vị tổng thống tại vị ngắn nhất trong lịch sử (1 tháng) qua đời vì viêm phổi lai vãng ở đây thì còn có một hồn ma kỳ lạ khác không kém.



Phòng Bầu dục, căn phòng nổi tiếng bởi các âm hồn. (Ảnh qua Reuters)

Các nhân viên Nhà Trắng kể lại rằng thỉnh thoảng họ nghe thấy một giọng nói ma quái: “Ta là David Burns” từ phía trên phòng Bầu Dục. David Burns chính là chủ sở hữu mảnh đất và đã tặng nó để làm Nhà Trắng vào năm 1790. Sự hiện diện của hồn ma này được ghi lại trong các cuốn băng ghi âm từ người bảo vệ của tổng thống Truman, khi luôn có tiếng thì thầm tại phòng Vàng rằng: “Ta là David Burn”.

3. Phòng Phía Đông

Dưới thời tổng thống William Howard Taft (tổng thống thứ 27 của Hoa Kỳ, nhiệm kỳ 1909-1913), nhiều người phục vụ tại Nhà Trắng đã nhìn thấy hồn ma của đệ nhất phu nhân Abigail xách giỏ đồ giặt lướt về hướng phòng phía Đông. Đây được cho là nơi ưa thích của hồn ma phu nhân tổng thống John Adams.

Phòng phía Đông là nơi Đệ nhất phu nhân Adams thường phơi đồ lúc còn sống. Sau khi bà mất, nhiều người cho biết, họ nhìn thấy hồn ma của bà đang đi dọc tường tới phòng phía Đông với cánh tay duỗi thẳng và xách theo giỏ quần áo. Thậm chí cá biệt có người còn ngửi thấy mùi quần áo ẩm và xà phòng. Năm 2002, một nhóm khách tham quan khẳng định đã nhìn thấy hồn ma của cố phu nhân Adams di chuyển trên ban công tầng 2 ở cánh phía Đông.



Đệ nhất phu nhân Abigail và tổng thống John Adams. (Ảnh qua Pinterest)

4. Phòng ngủ tầng 2: Nơi cư trú của gia đình tổng thống và khách mời

Tầng 2 là nơi ở của gia đình Tổng thống Mỹ, vì vậy thường có những câu chuyện về linh hồn của các vị tổng thống đã khuất và người thân họ.

Phòng ngủ Nữ hoàng:

Nhiều nhân viên Nhà Trắng cho biết họ nhìn thấy hoặc nghe thấy tiếng cười, chửi thề hoặc bóng dáng của tổng thống Andrew Jackson (tổng thống thứ 7, nhiệm kỳ 1829-1837) trong phòng ngủ Nữ hoàng. Đệ nhất phu nhân Mary Todd Lincoln là người đầu tiên “chạm trán” với hồn ma của tổng thống Jackson, khi bà nghe thấy tiếng quát tháo của cố Tổng thống.

Trong quyển tự truyện “Ba mươi năm ẩn thân trong Nhà Trắng” xuất bản năm 1961, bà Lillian Rogers Parks – nhân viên phục vụ phòng kiêm thợ may tại Nhà Trắng viết rằng, bà từng thấy hồn ma tổng thống Lincoln. Năm 1930, khi Lilian Parks ngồi trên chiếc ghế gần giường của tổng thống Andrew Jackson, bà cảm nhận hồn ma của tổng thống Jackson đứng ngay sát bên cạnh.

Dưới thời tổng thống Roosevelt, trong cuộc viếng thăm nước Mỹ, Nữ hoàng Wilhelmina của Hà Lan đã được xếp nghỉ đêm tại phòng này. Nửa đêm, bà bị đánh thức bởi một tiếng gõ cửa. Khi bà cất tiếng trả lời thì chợt thấy bóng ma của tổng thống Lincoln đội mũ đang nhìn chằm chằm bà ở tiền sảnh.

Phòng ngủ của tổng thống Lincohn:

Rất nhiều người nhìn thấy hồn ma của tổng thống Lincoln ở nhiều nơi trong Nhà Trắng, nhưng nhiều nhất ở căn phòng trước đây là phòng ngủ của ông.

 


Tổng thống Lincohn là bóng ma được nhìn thấy nhiều nhất ở Nhà Trắng. 

Khi vừa nhậm chức được vài tháng, tổng thống Franklin Roosevelt đã biến phòng ngủ của Lincoln thành phòng Nghiên cứu cho đệ nhất phu nhân Eleanor. Mặc dù khẳng định chưa bao giờ trông thấy hồn ma của Lincoln nhưng bà luôn cảm nhận sự hiện hữu của ông lúc đang làm việc. Bà tin rằng cố tổng thống thường ở trong căn phòng đó với bà. Đặc biệt là chú chó Fala của vợ chồng bà thỉnh thoảng lại sủa mà xung quanh không có gì bất thường, khiến bà liên tưởng đến sự hiển diện của một thế lực vô hình mà mắt người không thể nhìn thấy được. Ngay cả thư ký của bà là Mary Eben cũng từng gặp hồn ma tổng thống Lincoln ngồi rìa giường và đi giày. Do quá hoảng sợ, Mary đã bỏ chạy khỏi phòng.

Tổng thống Harry S.Truman (tổng thống thứ 34, nhiệm kỳ 1945-1953) đã giật mình tỉnh giấc khi nghe rõ mồn một tiếng bước chân và cả tiếng gõ cửa. Nhưng khi mở cửa ngó ra, ông không thấy ai cả. Đem câu chuyện ấy kể lại, Tổng thống Truman được những người hầu phòng cho biết, một trong số họ vào thời điểm ấy đã nhìn thấy hình bóng Lincoln. Thêm một nhân chứng nữa là mục sư Norman Vincent Peale cũng kể là nửa đêm hôm ấy, ông nhìn thấy Tổng thống Lincoln trong dáng vẻ mệt mỏi. Đến lượt con gái tổng thống Truman là Margaret cũng khẳng định đã nghe thấy tiếng gõ cửa khi ngủ ở phòng đó.

Năm 1940, Thủ tướng Anh Winston Churchill khi tới thăm Nhà Trắng cũng được bố trí ngủ tại đây. Khi vừa bước ra khỏi bồn tắm, ông thấy tổng thống Lincoln đứng cạnh lò sưởi. Ông cất tiếng chào song vị cố tổng thống chỉ mỉm cười rồi biến mất. Ngay hôm sau, Thủ tướng Anh rời khỏi phòng ngủ ma quái này và không muốn ở đây thêm một giây nào nữa.

Danh sách những người đã từng thấy hồn ma Tổng thống Lincoln khi ngủ trong phòng đó bao gồm: Tổng thống Teddy Roosevelt, Herbert Hoover, Dwight Eisenhower; Đệ nhất phu nhân Jacquie Kennedy và Ladybird Johnson; hai con gái của Tổng thống Gerald Ford (tổng thống thứ 38, nhiệm kỳ 1974-1977) là Susan Ford và Tổng thống Ronald Reagan (tổng thống thứ 40, nhiệm kỳ 1981-1989) là Maureen Reagan.

Phòng ngủ của William “Willie” Lincoln, con trai tổng thống Lincoln

Người con thứ 3 William Lincoln chết sau một cơn bạo bệnh khiến tinh thần Tổng thống Lincoln hoàn toàn suy sụp. Một tuần sau đám tang con trai bé bỏng, Lincoln giam mình trong phòng và khóc ròng, thậm chí có tài liệu ghi rằng, vì quá nhớ thương con, ông cùng vợ đã tham gia vào lễ chiêu hồn Willie tại chính phòng ngủ của bé và tại Blue Room, nơi cử hành tang lễ. Một số thuyết cho rằng, chính nỗi ám ảnh nhớ thương của Lincoln đã khiến linh hồn cậu bé vẫn quanh quẩn tại Nhà Trắng.

Khi Tổng thống Lyndon B. Johnson (tổng thống thứ 36, nhiệm kỳ 1963-1969) đắc cử, con gái ông là Lynda đã được xếp vào phòng ngủ này. Rất nhiều lần cô đã nhìn thấy hồn ma của cậu bé William hiện về vì con trai Tổng thống Lincoln qua đời ở chính căn phòng mà Lynda đang ở.


Rất nhiều lần Lynda nhìn thấy hồn ma của con trai Tổng thống Lincoln hiện về vì cậu bé qua đời ở chính căn phòng mà cô đang ở. (Ảnh qua Reuters)

Vườn Hồng


Vườn Hồng là một trong những điểm nổi tiếng trong Nhà Trắng, nơi Tổng thống tổ chức họp báo hay tổ chức các ngày lễ trong năm. Đây là một trong những khu vườn rộng và đẹp nhất thế giới với rất nhiều loại hoa hồng quý hiếm.

Vườn Hồng được manh nha từ năm 1809 bởi Đệ nhất phu nhân Dolley Madison, bà còn nổi tiếng là người đã bảo vệ bức chân dung của tổng thống George Washington khỏi trận hỏa hoạn ở Nhà Trắng năm 1812.

Một thế kỷ sau, Vườn Hồng được biết đến như là một nơi bị ma ám khi 2 nhân viên làm vườn dưới thời chính quyền tổng thống Woodrow Wilson (tổng thống thứ 28, nhiệm kỳ 1913-1921) đã nhìn thấy hồn ma của phu nhân  Dolley Madison. Chuyện là đệ nhất phu nhân Edith Wilson định trùng tu lại Vườn Hồng nên yêu cầu các nhân viên làm vườn đào xới. Hai trong số những nhân viên này đã thấy hồn ma phu nhân Dolley xuất hiện tại vườn và yêu cầu họ không được thay đổi hiện trạng. Do đó, ngày nay Vườn Hồng vẫn giữ được ở vị trí như thuở xưa.

Xuân Trường

27/03/2021

“Người em gái (Miền Nam) của Đoàn Chuẩn vừa ra đi sau 86 năm rong chơi ở trần thế !!


NS Đoàn Chuẩn

(Nghệ sĩ ưu tú Lê Hằng vừa qua đời lúc 19:50 ngày 18/3 tại Bệnh viện 108 – Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Status trích đoạn trong tập sách ‘Những bóng hồng trong âm nhạc’ – NXB Hội Nhà Văn – phát hành tháng 3/2020 của Trương Văn Khoa để bạn đọc biết thêm một dĩ vãng giữa Đoàn Chuẩn & Lê Hằng, ngày ấy gọi ca sĩ Thanh Hằng. Một nén hương chia buồn cùng gia đình của người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, cầu nguyện cho linh hồn bà yên nghĩ cõi vĩnh hằng. Trân trọng !)…

 


Rời Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn ra Bắc và không có dịp quay lại để thăm quán Thanh Hương một lần nữa. Những tin tức về cô nàng café ngày ấy cũng lặng lẽ quên lãng theo thời gian. “Tình nghệ sĩ” với cô Mai Hương phải đến nửa thế kỷ sau, mới được ông tiết lộ.

Một bài hát khác gây tranh cãi nhiều về ca từ của Đoàn Chuẩn là “Gửi người em gái miền Nam” rất da diết. Có lẽ đây là ca khúc duy nhất viết về mùa xuân của ông. Một thời gian dài, tên của bài hát được gọi là “Gửi người em gái” và người ta cũng không biết rõ lý do vì đâu như thế ?

Sau này, qua tư liệu của gia đình, ca khúc mới được trả lại nguyên bản cùng với bút tích của Đoàn Chuẩn lấy từ bản chép tay của ông vào mùa xuân 1956. Em gái trong bài hát này là Thanh Hằng, một người đẹp gốc Hà Nội, con gái đầu của viên chức ngành hỏa xa, một tự vệ chiến đấu nội thành. Khi rút quân ra Chợ Đại, người cha mang theo nàng, khi ấy mới 12 tuổi.

Vài năm sau, Thanh Hằng về lại Hà Nội với mẹ để chăm sóc 5 người em của mình. Nàng tần tảo, làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền nuôi mẹ và các em. Nàng đẹp và hát rất hay. Tình cờ, một nhạc công ở Đài Pháp – Á đã phát hiện ra tài năng và nàng đã đăng quan “vương miện thủ khoa” trong cuộc thi do đài Pháp – Á tổ chức vào năm 1953.

Chính lúc ấy, Thanh Hằng mới có cơ hội biết đến Đoàn Chuẩn, tác giả của những ca khúc về mùa thu ở Hà Nội. Tình yêu đã chớm nở giữa hai người mặc cho xung quanh nàng biết bao tài tử của đất Hà Thành.

Một giai thoại được nhiều người biết đến là Đoàn Chuẩn đã thuê người mua một bông hồng đỏ vào mỗi sáng để tặng cho nàng. Đều đặn suốt 3 năm như vậy, cho đến ngày thứ 1.000, “chủ nhân” của những bông hoa kia mới xuất hiện cùng bông hồng cuối cùng.

Cho dù kiểu tỏ tình ‘có một không hai” này có thể không có thật nhưng mối tình sâu đậm và ngang trái này đã để lai những tình khúc nổi tiếng sau này “Lá đổ muôn chiêu”, “Vàng phai mấy lá” (còn gọi là “Vĩnh biệt” hay “Bài ca bị xé”) và “Tà áo xanh” ( còn gọi là Dỡ dang) nổi tiếng sau này.

Sau này, khi Thanh Hằng vô Sài Gòn, Đoàn Chuẩn vẫn thiết tha liên lạc. Sáng nào cũng có người của cửa hàng bán hoa đến gõ cửa nhà nàng với một bó hoa lan trắng muốt bọc trong giấy kiếng do một người vô danh đặt tặng. Ròng rã suốt 3 tháng như thế. Khi sự tò mò của nàng đã tột độ thì một bức thư với lời lẽ ân cần, nét chữ bay bướm, viết trên giấy pơ-luya xanh được gởi kèm theo bó hoa và ca khúc viết tay “Cánh hoa duyên kiếp” ký tên “Đoàn Chuẩn”.

Biết chuyện, vợ của Đoàn Chuẩn, khi đó đang sống ở Hải Phòng, khăn gói lên tận Hà Nội đường tìm “tình địch”. Thế nhưng cuộc “đánh ghen” diễn ra nhẹ nhàng, kín đáo và êm thấm. Sau này, ông Đoàn Đính (con trai của Đoàn Chuẩn) tiết lộ, thời bấy giờ, công chúng mến mộ Đoàn Chuẩn đều biết về người ca sĩ xinh đẹp kia, họ chờ đợi một cuộc đánh ghen nổi đình nổi đám. Nhưng bà đã không làm gì to tát, chỉ nhẹ nhàng tìm gặp cô ấy hỏi:


– Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không ?

Thanh Hằng trả lời rằng:

– Có !

Bà nói tiếp:- Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé! Cô yêu anh ấy một thì tôi yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ tôi để đi theo cô thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ cô để theo người khác. Nếu cô chấp nhận như vậy, thì cô có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không ?

Sau cuộc nói chuyện ngắn gọn đó, Thanh Hằng tỉnh mộng, trả lại toàn bộ thư từ và tất cả những ca khúc của Đoàn Chuẩn đã tặng cho nàng. Trong tháng ngày cô đơn, mất mát, Đoàn Chuẩn viết ca khúc “Vàng phai mấy lá” để tặng nàng (ca khúc này mãi đến gần 50 năm sau mới được công chúng phát hiện):

“…Ai xui ta gặp nhau,

để tình gây oan trái

để tình anh bẽ bàng,

và tình em lỡ làng,

và ngàn sau lá vàng khóc tình ta

Từ nay bèo trôi, cầu xiêu, con đò nát

Và mây đìu hiu cây rụng lá, thân mình về đâu ?…”

(Vĩnh biệt)

Đau đớn, tủi hờn vì mối tình ngang trái, nàng đã xé bỏ bản nhạc. Do vậy, Đoàn Chuẩn đổi tựa ca khúc này thành “Bài ca bị xé”, rồi tiếp tục đổi thành “Vĩnh biệt” (nhưng nhiều người vẫn thích gọi là “Vàng phai mấy lá”). Có thể nói rằng, giai điệu của “Vĩnh biệt” như réo gọi, thổn thức, tiếc nuối cho cuộc tình đã tan tác:“…

Lá thu bay về anh,

như những cánh đời em.

Còn đâu cành hoa sim tím,

dường như dệt gấm vàng son…”

(Vĩnh biệt)

Liên quan đến mối tình “sét đánh” này, những người cùng thời kể rằng, Thanh Hằng đột ngột “biến mất” sau vụ “đánh ghen” êm thấm đó. Có thể nàng đang trốn chạy cuộc tình đầy giông tố này, cũng có thể người chú ruột của nàng, một đại đội trưởng vệ quốc đoàn, đã bí mật đưa nàng ra vùng tự do, nơi người cha vừa bị mất đột ngột ?

Mùa xuân 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nàng cùng đoàn quân giải phóng trở về thủ đô. Đoàn Chuẩn và Thanh Hằng gặp nhau trong trong thời khắc lịch sử của chiến tranh, hối hả, và bám víu nhau để tìm lại những dư âm của một tình yêu đã mất.

Dường như muốn chạy trốn mối tình nghiệt ngã và vô vọng này, năm 1954, đất nước chia đôi, nàng di cư vào Nam và lập gia đình. Họ vĩnh viễn xa nhau từ ngày ấy. Ở lại miền Bắc, Đoàn Chuẩn ngẩn ngơ như người mất hồn, ông viết ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”, một ca khúc về mùa xuân duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài hát tràn đầy cảm xúc với giai điệu mượt mà:

“Cành hoa tim tím, bé xinh xinh báo xuân nồng

Rừng đào phong kín, cánh mong manh hé hoa lòng

Hà Nội mừng đón Tết,

hoa chen người đi, liễu rũ mà chi

Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê…”

(Gửi người em gái)

Giờ đây, Thanh Hằng đã quá xa xăm. Trong mắt ông, nàng kiêu sa, lộng lẫy. Ông ngơ ngác, lang thang giữa phố phường Hà Nội khi mùa xuân về trên khắp nẻo đường:

“…Tôi có người em gái

Tuổi chớm dâng hương

Mắt nồng rộn ý yêu thương

Đôi mắt em nói nhiều

Tha thiết như dáng Kiều,

Ôi, tình yêu…”

(Gửi người em gái)

Ông nhớ màu son, nhớ đôi môi và chiếc khăn san bay lả lơi trong chiều nào: “

…Em tôi đi màu son trên đôi môi.

Khăn san bay lả lơi trên vai ai.

Trời thắm gió trăng hiền.

Hà Nội thêm dáng những nàng tiên…”

(Gửi người em gái)

Trương Văn Khoa.

26/03/2021

Thế hệ nữ diễn viên gốc Việt mới đang tỏa sáng tại Hollywood

Sau Maggie Q, Phạm Linh Đan hay Olivia Munn, kinh đô điện ảnh thế giới đang chào đón sự xuất hiện của những nữ ngôi sao tài năng mới mang dòng máu Việt Nam như Kelly Marie Trần, Lana Condor hay Hồng Châu.


 

KELLY  MARIE  TRẦN  

Sinh năm 1989, tại San Diego thuộc bang California, Kelly Marie Trần có tên thật là Trần Loan, đang là một trong những ngôi sao gốc Việt nổi tiếng nhất hiện nay. Năm 2011, cô bắt đầu tham gia diễn xuất với một số một số bộ phim ngắn và truyền hình. Tên tuổi nữ diễn viên được biết đến nhiều hơn khi cô vượt qua hàng nghìn ứng viên để vào vai Rose Tico của hai bom tấn “Star Wars: The Last Jedi” (2017) và “Star Wars: The Rise of Skywalker” (2019).

Để trở thành diễn viên nổi tiếng ở Hollywood như hiện nay, ít ai biết được cô đã từng phải đấu tranh không ngừng. Kelly từng bày tỏ trên tờ báo The New York Times: Tôi là người phụ nữ da màu đầu tiên diễn vai chính trong một phần của loạt phim ‘Star Wars’. Tôi là phụ nữ châu Á đầu tiên lên bìa tạp chí Vanity Fair. Tên thật của tôi là Loan và câu chuyện về tôi mới chỉ bắt đầu”.

Gần đây, nữ diễn viên sinh năm 1989 đã tham gia lồng tiếng cho công chúa Raya trong bộ phim hoạt hình “Raya và Rồng Thần cuối cùng” (2021). Đây là bộ phim hoạt hình mới nhất của Disney Animation Studios và lần đầu tiên, một công chúa đến từ Đông Nam Á được giới thiệu đến khán giả trên khắp thế giới.




LANA  CONDOR  

LANA  CONDOR :  là nữ diễn viên mang 100% dòng máu Việt Nam — có tên khai sinh là Trần Đông Loan. Cô sinh năm 1997 tại Cần Thơ,  là trẻ mồ côi — được cặp vợ chồng nhà báo người Mỹ Bob Condor và Mary Haubold nhận nuôi — lúc 4 tháng tuổi.

Cô sớm bộc lộ niềm đam mê nghệ thuật và sở hữu vai diễn đầu tiên là dị nhân Jubilee trong bom tấn “X-Men: Apocalypse” vào năm 2016.

Tới năm 2018, Lana Condor trở thành thần tượng giới trẻ khi đóng vai chính trong phim tình cảm “To all the Boys I’ve Loved Before” (2018) của Netflix. Cô tiếp tục tham gia hai phần tiếp theo của loạt phim ăn khách này + ra mắt lần lượt vào Valentine 2020 và 2021.

Cuối năm 2019, Lana Condor trở về Việt Nam. Cô tham gia chương trình thiện nguyện của Michelle Obama về bình đẳng giới và giáo dục trẻ em gái tại Long An.

      


HỒNG  CHÂU  

Trong số các nữ diễn viên gốc Việt hiện nay ở Hollywood, Hồng Châu là người được đánh giá cao nhất về diễn xuất và liên tục đóng chung với nhiều tên tuổi lớn. Cô sinh năm 1979 và bắt đầu sự nghiệp với một số phim truyền hình từ năm 2006.

Vai diễn điện ảnh đầu tiên của cô là trong phim “Inherent Vice” (2014) của đạo diễn lừng danh Paul Thomas Anderson. Hồng Châu còn chứng tỏ được năng lực bản thân khi giành được đề cử Quả Cầu Vàng ở hạng mục “Nữ diễn viên phụ xuất sắc nhất” trong phim “Downsizing” (2017) của đạo diễn Alexander Payne. Cùng trong năm 2017, cô còn xuất hiện bên cạnh Nicole Kidman, Reese Witherspoon trong phim truyền hình “Big Little Lies”.

Một số bộ phim của cô có thể kể đến như “Watchmen” (2019), “Homecoming” (2018-2020), “Driveway” (2019) hay “Artemis Fowl” (2020). Phim mới nhất của cô là “The Whale” – tác phẩm của đạo diễn “Thiên Nga Đen” Darren Aronofsky.




ALI  WONG  

ALI  WONG. Sinh năm 1982 —  ở San Francisco, bang California, Mỹ.

Cha cô là người Mỹ gốc Trung Quốc.  Còn mẹ cô là người Huế  — đến Mỹ du học năm 1960.

Trước khi tốt nghiệp đại học California — cô dành 1 năm sống ở Hà Nội và học tiếng Việt.

Là một ngôi sao đa tài, Ali Wong vừa là diễn viên, danh hài và nhà biên kịch. Cô từng tham gia viết kịch bản của series hài sitcom “Fresh Off the Boat” trong ba mùa đầu tiên. Năm 2019, cô vừa sản xuất, viết kịch bản và đóng vai chính trong phim tình cảm hài “Always be My Maybe” (2019) chiếu trên Netflix. Năm 2020, Ali Wong đóng một vai trong bom tấn siêu anh hùng DC “Harley Quinn: Birds of Prey” cùng Margot Robbie. Tạp chí Time cũng đưa cô vào danh sách Top 100 người có tầm ảnh hưởng nhất thế giới vào năm 2020.

 

    LEVY  TRẦN  

LEVY  TRẦN tên thật là Trần Lê Vy  =  là người Mỹ gốc Việt —  sống ở thành phố San Jose. Cô nổi tiếng bởi vẻ ngoài sexy cùng những hình xăm cực chất khắp cơ thể.


Ngoài ra, cô còn từng tham gia show truyền hình “Guy Code” của MTV và làm người mẫu cho những tạp chí chuyên về hình xăm như Inked hay Tattoo Life.


Năm 2015, cô được đạo diễn James Wan và nhà sản xuất Vin Diesel giao cho một vai diễn trong bom tấn “Fast & Furious 7” (2015). Sau đó, cô tiếp tục gây chú ý với phim kinh dị “The First Purge” (2018) và “The Haunting of Hill House” (2018). Gần đây nhất, Levy Trần trở thành nữ chính trong series phim hành động phiêu lưu “MacGyver” mùa thứ tư và thứ năm.

Sưu tầm

25/03/2021

Made of sugar by Vietnamese artist Michelle Nguyen

 Những bông hoa mà chúng tôi sắp chia sẻ với bạn không chỉ đẹp mà còn rất ngon nữa! Làm thế nào mà ngon? Điều này là do chúng không phải là hoa thật, mặc dù chúng tôi sẽ không đổ lỗi cho bạn nếu bạn nghĩ là chúng thật, vì chúng trông giống như thật. Những bông hoa phức tạp này được làm bằng đường bởi bàn tay của nghệ nhân làm bánh kẹo tài năng người Úc Michelle Nguyễn.






















CHẾT TRONG VIỆT NGỮ


 

Để diễn tả một ý Chết  thôi

Mà tiếng Việt nhiều chữ quá trời. 

Nào là Qua Đời, nào Đi Đứt, 

Nào Tử Vong, Từ Trấn, Đã Khuất,

Nào Hy Sinh, Nhắm Mắt, Đứng Tròng, 

Nào Ngỏm Củ Tỏi, Tiêu Tán Thòn (Tùng)

Nào Mất, gặp Diêm vương, Tắt Thở.

Nào Toi Mạng, Đi Rồi, Hạ Thổ. 

Đi Buôn Muối, Đã Bỏ Cuộc Chơi.

Nào Xuôi Tay, Đắp Chiếu, Chầu Trời. 

Nào Khuất Núi, Lìa Đời, Vĩnh Biệt. 

Nào Thăng Thiên, hay là Hạ Huyệt.

Hay Băng Hà, Hoá Kiếp, Siêu Sinh, 

Hết Muốn Sống hoặc Thiêu, hoặc Chôn.

Hay Ngắm Gà Khoả Thân, Queo, Ngoẻo.

Khuất Bóng, Hai Năm Mươi, Tới Số.

Hui Nhị Tì, Tạ Thế, Tiêu Tùng.

Ra Đi, hay Về Cõi Tây Phương,

Về Với Chúa, Quy Tiên, Vong Mạng.

Nào Tứ Mã Phân Thây, Xử Trảm.

Lên Ghế Điện, Xử Bắn, Bêu Đầu, 

Nào Hơi Ngạt, Độc Dược Uống Mau.

Đi Mò Tôm, Bạn Bè Giun, Dế,

Thăm Ông Bà, Giã Từ Vũ Khí,.

Nằm Dưới Năm Thước Đất, Mồ Yên 

Mả Đẹp,  Đã Rũ Sạch Bụi Trần. 

Thế là Một Đi Không Trở Lại.

Rũ Sạch Nợ Đời, Chầu Diêm Chúa.

Xong Kiếp Phàm Trần, Bỏ Thế Gian,

Về Cõi Hạc, hay Lên Thiên Đàng.

Thở Hơi Cuối Cùng, đã Quá Cố.

Nói cách nào, tựu chung vẫn cứ

Là Chết thôi. Ngựa Xé, Voi Dầy.

Như Quá Vãng hay Mặc Áo Cây

Thì Bốn Tấm Dài, Hai Tấm Ngắn.

Quả thật tiếng Việt phong phú lắm!  

Mới đây có anh bạn nhắc thêm

An Giấc Ngàn Thu (mà tôi quên)

Là cái chết êm đềm, thanh thản.

Có lẽ vẫn còn nhiều chữ lắm,

Mà nằm vắt trán nghĩ chưa ra. 

Bạn nào giỏi đua tay quơ quơ 

Tìm được thêm xin đưa lên tiếp.

Chẳng hạn Tiêu Diêu Miền Cực Lạc 

Hay Ra Đi Về Cõi Vĩnh Hằng

Hay Về Nơi An Nghỉ Cuối Cùng .

Hoặc Nằm Yên Trong Lòng Đất Lạnh.

Hay nói theo một cách thật bảnh 

Là thôi Đã Cất Cánh Bay Xa,

Có nghĩa là người đã Phiêu Du

Miền Tiên Cảnh (hay là Cực Lạc).

Cũng có thể nói theo cách khác

Là đã Về Với Cát Bụi rồi 

Hay Hồn Du Âm Cảnh (Ôi thôi,

Đã bị hoá Ra Người Thiên Cổ!)

Tống Táng (Điểu, Thuỷ, Hoả, hay Mai)

Danh sách chắc chắn sẽ còn dài.

Như là Chúa Gọi Về, chẳng hạn. 

Kể như là Về Miền Miên Viễn.

Kết Liễu Cuộc Đời, Ngỏm, Đi Tiêu

Có nghĩa là một sớm, một chiều

Lên Bàn Thờ, Lăn Queo, Chết Ngắc.

Bị đột quỵ, Kỳ Tử Bất Đắc

Đã Ra Ma, Cắt Đứt Đường Trần

Hay là gặp Thánh Chúa Hưởng Nhan,

Xa Chốn Hồng Trần, Vào Âm Phủ.

Danh sách này chắc chắn chưa đủ.

Những chữ khác, nhất định vẫn còn,

Chẳng hạn như Về Chầu Tổ Tiên.

Có bạn nhắc Tịch, thêm một chữ.

Về Nơi Chín Suối, (hay đấy chứ!)

Kể như là Phi Vụ Cuối Cùng. 

Hay Ngã Ngựa, hay là Mệnh Chung.

Hoặc Từ Bỏ Dương Trần, Vắn Số.

Xuống thủy cung, Viếng Thăm Hà Bá

Tôi vừa nhớ thêm chữ Mãn Phần,

Hay nói cho có vẻ oai hùng

Thì là vào Vùng Năm Chiến Thuật

Viết mỏi tay mà vẫn chưa hết

Như Đi Chuyến Tầu Suốt khác gì

Với Việt Nam nói Gặp Bác Hồ.

Tức bị Vong Thân, là cái chắc.

Hay như nhà sư Đã Viên Tịch.

Hoặc là thôi, Vĩnh Biệt Ngàn Thu.

Nếu đem thiêu thì Hoá Ra Tro.

Còn Ga Cuối Đường Tầu là chữ

Chết, đượm chút sắc mầu văn vẻ.

Gần đây một bà chị góp thêm

Một nhóm chữ tuy ít người dùng

Nhưng đọc lên nghe “mềm” ra phết:

“Ra Đi Không Mang Va Li”, hết! 

Yểu Mệnh ắt là chết, dĩ nhiên. 

Lên Đoạn Đầu Đài, Ra Pháp Trường,

Khi nói Nhẩy Sô Cuối Cùng, chẳng hạn. 

Tức là Tàn Hơi, Đèn Dầu Cạn.

Bỏ Cuộc, Nằm Xuống, Gói Poncho

Chắc chắn là chết, hết sầu, lo.

Hai Tay Buông Xuôi là Trời Gọi.

Tổ Quốc Ghi Ơn, một cách nói.

Trả Xong Nợ Đời, Tới Cõi Âm

Liệu có bạn nào biết gì thêm.

Vì chưa đủ, vẫn còn chưa đủ!

 

CHẨM TÁ NHÂN