Trang

27/03/2021

“Người em gái (Miền Nam) của Đoàn Chuẩn vừa ra đi sau 86 năm rong chơi ở trần thế !!


NS Đoàn Chuẩn

(Nghệ sĩ ưu tú Lê Hằng vừa qua đời lúc 19:50 ngày 18/3 tại Bệnh viện 108 – Hà Nội, hưởng thọ 86 tuổi. Status trích đoạn trong tập sách ‘Những bóng hồng trong âm nhạc’ – NXB Hội Nhà Văn – phát hành tháng 3/2020 của Trương Văn Khoa để bạn đọc biết thêm một dĩ vãng giữa Đoàn Chuẩn & Lê Hằng, ngày ấy gọi ca sĩ Thanh Hằng. Một nén hương chia buồn cùng gia đình của người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, cầu nguyện cho linh hồn bà yên nghĩ cõi vĩnh hằng. Trân trọng !)…

 


Rời Thanh Hóa, Đoàn Chuẩn ra Bắc và không có dịp quay lại để thăm quán Thanh Hương một lần nữa. Những tin tức về cô nàng café ngày ấy cũng lặng lẽ quên lãng theo thời gian. “Tình nghệ sĩ” với cô Mai Hương phải đến nửa thế kỷ sau, mới được ông tiết lộ.

Một bài hát khác gây tranh cãi nhiều về ca từ của Đoàn Chuẩn là “Gửi người em gái miền Nam” rất da diết. Có lẽ đây là ca khúc duy nhất viết về mùa xuân của ông. Một thời gian dài, tên của bài hát được gọi là “Gửi người em gái” và người ta cũng không biết rõ lý do vì đâu như thế ?

Sau này, qua tư liệu của gia đình, ca khúc mới được trả lại nguyên bản cùng với bút tích của Đoàn Chuẩn lấy từ bản chép tay của ông vào mùa xuân 1956. Em gái trong bài hát này là Thanh Hằng, một người đẹp gốc Hà Nội, con gái đầu của viên chức ngành hỏa xa, một tự vệ chiến đấu nội thành. Khi rút quân ra Chợ Đại, người cha mang theo nàng, khi ấy mới 12 tuổi.

Vài năm sau, Thanh Hằng về lại Hà Nội với mẹ để chăm sóc 5 người em của mình. Nàng tần tảo, làm thuê, đánh máy chữ, đan áo len để có tiền nuôi mẹ và các em. Nàng đẹp và hát rất hay. Tình cờ, một nhạc công ở Đài Pháp – Á đã phát hiện ra tài năng và nàng đã đăng quan “vương miện thủ khoa” trong cuộc thi do đài Pháp – Á tổ chức vào năm 1953.

Chính lúc ấy, Thanh Hằng mới có cơ hội biết đến Đoàn Chuẩn, tác giả của những ca khúc về mùa thu ở Hà Nội. Tình yêu đã chớm nở giữa hai người mặc cho xung quanh nàng biết bao tài tử của đất Hà Thành.

Một giai thoại được nhiều người biết đến là Đoàn Chuẩn đã thuê người mua một bông hồng đỏ vào mỗi sáng để tặng cho nàng. Đều đặn suốt 3 năm như vậy, cho đến ngày thứ 1.000, “chủ nhân” của những bông hoa kia mới xuất hiện cùng bông hồng cuối cùng.

Cho dù kiểu tỏ tình ‘có một không hai” này có thể không có thật nhưng mối tình sâu đậm và ngang trái này đã để lai những tình khúc nổi tiếng sau này “Lá đổ muôn chiêu”, “Vàng phai mấy lá” (còn gọi là “Vĩnh biệt” hay “Bài ca bị xé”) và “Tà áo xanh” ( còn gọi là Dỡ dang) nổi tiếng sau này.

Sau này, khi Thanh Hằng vô Sài Gòn, Đoàn Chuẩn vẫn thiết tha liên lạc. Sáng nào cũng có người của cửa hàng bán hoa đến gõ cửa nhà nàng với một bó hoa lan trắng muốt bọc trong giấy kiếng do một người vô danh đặt tặng. Ròng rã suốt 3 tháng như thế. Khi sự tò mò của nàng đã tột độ thì một bức thư với lời lẽ ân cần, nét chữ bay bướm, viết trên giấy pơ-luya xanh được gởi kèm theo bó hoa và ca khúc viết tay “Cánh hoa duyên kiếp” ký tên “Đoàn Chuẩn”.

Biết chuyện, vợ của Đoàn Chuẩn, khi đó đang sống ở Hải Phòng, khăn gói lên tận Hà Nội đường tìm “tình địch”. Thế nhưng cuộc “đánh ghen” diễn ra nhẹ nhàng, kín đáo và êm thấm. Sau này, ông Đoàn Đính (con trai của Đoàn Chuẩn) tiết lộ, thời bấy giờ, công chúng mến mộ Đoàn Chuẩn đều biết về người ca sĩ xinh đẹp kia, họ chờ đợi một cuộc đánh ghen nổi đình nổi đám. Nhưng bà đã không làm gì to tát, chỉ nhẹ nhàng tìm gặp cô ấy hỏi:


– Chị hỏi thật em, em có yêu anh Đoàn Chuẩn không ?

Thanh Hằng trả lời rằng:

– Có !

Bà nói tiếp:- Em trót yêu anh Đoàn Chuẩn nhà chị thì em cố yêu nốt ba đứa con của anh ấy nhé! Cô yêu anh ấy một thì tôi yêu anh ấy mười. Nếu anh ấy có thể bỏ tôi để đi theo cô thì sau này anh ấy cũng có thể bỏ cô để theo người khác. Nếu cô chấp nhận như vậy, thì cô có thể nuôi ba đứa con của anh ấy không ?

Sau cuộc nói chuyện ngắn gọn đó, Thanh Hằng tỉnh mộng, trả lại toàn bộ thư từ và tất cả những ca khúc của Đoàn Chuẩn đã tặng cho nàng. Trong tháng ngày cô đơn, mất mát, Đoàn Chuẩn viết ca khúc “Vàng phai mấy lá” để tặng nàng (ca khúc này mãi đến gần 50 năm sau mới được công chúng phát hiện):

“…Ai xui ta gặp nhau,

để tình gây oan trái

để tình anh bẽ bàng,

và tình em lỡ làng,

và ngàn sau lá vàng khóc tình ta

Từ nay bèo trôi, cầu xiêu, con đò nát

Và mây đìu hiu cây rụng lá, thân mình về đâu ?…”

(Vĩnh biệt)

Đau đớn, tủi hờn vì mối tình ngang trái, nàng đã xé bỏ bản nhạc. Do vậy, Đoàn Chuẩn đổi tựa ca khúc này thành “Bài ca bị xé”, rồi tiếp tục đổi thành “Vĩnh biệt” (nhưng nhiều người vẫn thích gọi là “Vàng phai mấy lá”). Có thể nói rằng, giai điệu của “Vĩnh biệt” như réo gọi, thổn thức, tiếc nuối cho cuộc tình đã tan tác:“…

Lá thu bay về anh,

như những cánh đời em.

Còn đâu cành hoa sim tím,

dường như dệt gấm vàng son…”

(Vĩnh biệt)

Liên quan đến mối tình “sét đánh” này, những người cùng thời kể rằng, Thanh Hằng đột ngột “biến mất” sau vụ “đánh ghen” êm thấm đó. Có thể nàng đang trốn chạy cuộc tình đầy giông tố này, cũng có thể người chú ruột của nàng, một đại đội trưởng vệ quốc đoàn, đã bí mật đưa nàng ra vùng tự do, nơi người cha vừa bị mất đột ngột ?

Mùa xuân 1954, chiến dịch Điện Biên Phủ kết thúc, nàng cùng đoàn quân giải phóng trở về thủ đô. Đoàn Chuẩn và Thanh Hằng gặp nhau trong trong thời khắc lịch sử của chiến tranh, hối hả, và bám víu nhau để tìm lại những dư âm của một tình yêu đã mất.

Dường như muốn chạy trốn mối tình nghiệt ngã và vô vọng này, năm 1954, đất nước chia đôi, nàng di cư vào Nam và lập gia đình. Họ vĩnh viễn xa nhau từ ngày ấy. Ở lại miền Bắc, Đoàn Chuẩn ngẩn ngơ như người mất hồn, ông viết ca khúc “Gửi người em gái miền Nam”, một ca khúc về mùa xuân duy nhất trong sự nghiệp sáng tác của ông. Bài hát tràn đầy cảm xúc với giai điệu mượt mà:

“Cành hoa tim tím, bé xinh xinh báo xuân nồng

Rừng đào phong kín, cánh mong manh hé hoa lòng

Hà Nội mừng đón Tết,

hoa chen người đi, liễu rũ mà chi

Đêm tân xuân, Hồ Gươm như say mê…”

(Gửi người em gái)

Giờ đây, Thanh Hằng đã quá xa xăm. Trong mắt ông, nàng kiêu sa, lộng lẫy. Ông ngơ ngác, lang thang giữa phố phường Hà Nội khi mùa xuân về trên khắp nẻo đường:

“…Tôi có người em gái

Tuổi chớm dâng hương

Mắt nồng rộn ý yêu thương

Đôi mắt em nói nhiều

Tha thiết như dáng Kiều,

Ôi, tình yêu…”

(Gửi người em gái)

Ông nhớ màu son, nhớ đôi môi và chiếc khăn san bay lả lơi trong chiều nào: “

…Em tôi đi màu son trên đôi môi.

Khăn san bay lả lơi trên vai ai.

Trời thắm gió trăng hiền.

Hà Nội thêm dáng những nàng tiên…”

(Gửi người em gái)

Trương Văn Khoa.

2 nhận xét:

  1. Một chuyện tình thật đẹp rất hâm mộ trong giới văn nghệ sĩ nhưng cái kết buồn quá...
    Ngày CN tươi hồng thật vui nhé anh!

    https://1.bp.blogspot.com/-A82Tfb1X6x4/UvA1wTByxAI/AAAAAAAAAPQ/1REB_cjcWTc/s1600/0080.gif

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. https://photo-baomoi.zadn.vn/w700_r1/2019_08_10_180_31785319/5201b871e031096f5020.jpg




      Nhờ nhạc sĩ buồn tình nên mới có những sáng tác để đời.

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.