Người đứng đầu đội kỹ sư vừa mới đưa tàu Perseverance (Kiên định)
đáp thành công lên sao Hỏa là một phụ nữ Mỹ gốc Ấn.
Điều
này khiến hàng triệu người Ấn Độ tò mò tìm kiếm thông tin về bà trên Internet
trong những ngày qua. Nhưng, như nhiều nhân viên cấp cao khác của NASA, đời tư
của bà không được công khai nhiều.
Thứ năm ngày 18-2-2021 vào lúc 3h55 chiều, theo giờ miền Đông của Tây bán cầu ở Trái đất, tàu Perseverance đã đáp xuống khu hồ cạn Jezero Crater trên hành tinh đỏ, sau chuyến bay vượt qua 407 triệu km trong sáu tháng.
Sự
kiện được truyền hình khắp thế giới trong những bản tin đặc biệt, thông báo rằng
công cuộc khám phá không gian của nhân loại đã bước sang một trang mới với những
tàu không gian đi tìm kiếm dấu vết sự sống ngoài Trái đất chứ không còn đơn giản
là chỉ chụp hàng vạn tấm hình phong cảnh.
Trong
những bản tin đó, có lẽ bạn đã nhìn thấy Swati Mohan, người phụ nữ
có chấm tròn bindi giữa trán ngồi ở dãy đầu trong phòng điều khiển, liên tục cập
nhật cho đội diễn biến chuyến bay.
Người lái tàu Perseverance
"Xác nhận đã tiếp đất" - giọng Mohan
vang trên loa, liền sau đó là tiếng vỗ tay ran khắp phòng điều khiển trong khu
thí nghiệm sức đẩy phản lực Jet Propulsion Laboratory (JPL) của NASA ở thành phố
Pasadena, bang California, phía Tây nước Mỹ.
"Percy đã an toàn trên bề mặt sao Hỏa, sẵn sàng bắt đầu tìm
kiếm dấu vết của sự sống từng có" - Mohan tiếp tục tường thuật trong tiếng
reo hò của các đồng nghiệp, giọng bà hơi run có lẽ vì xúc động. Con tàu có tên
chính thức là Perseverance, nhưng Mohan - cũng như các đồng nghiệp ở JPL - gọi
nó bằng một cái tên cưng hơn: Percy.
Dù
được thông báo là đã tiếp đất an toàn, Percy thực ra đã hạ đáp xong từ hơn chục
phút trước. Độ trễ thời gian này là do tín hiệu truyền phát giữa sao Hỏa và
Trái đất cần 11 phút mới đến nơi.
Đó
là yếu tố góp phần gây ra cái mà các đội điều khiển lâu nay gọi là "7
phút kinh hoàng", khi tàu đi vào khí quyển nóng hàng ngàn độ của
hành tinh đỏ trong 7 phút và với chừng đó thời gian phải giảm tốc từ 12.000km/h
xuống zero, còn Trái đất thì không đủ thời gian gửi tiếp bất cứ lệnh nào để xử
lý nếu có sự cố xảy đến.
"Khi chúng tôi xác định được là Perseverance đã chạm đến bầu
khí quyển thì nó thực ra đã ở trên mặt đất được vài phút rồi" - AIlen Chen, người
từng phụ trách việc điều khiển tàu Curiosity đáp xuống sao Hỏa năm 2012 và là
thành viên nhóm điều khiển chuyến bay Perseverance, giải thích.
Hơn 50 chuyến tàu khám phá sao Hỏa đã được nhiều nước triển khai từ năm 1962, chỉ có tám chuyến tiếp đất thành công. Cho nên, cú tiếp đất của Perseverance là kỳ tích, nhất là khi con tàu to cỡ một chiếc xe hơi SUV này là chiếc nặng nhất (1.026kg) trước nay từng được đưa lên sao Hỏa.
Mohan,
người phụ trách đội điều khiển tàu giai đoạn EDL - giai đoạn đi vào khí quyển
(entry), hạ độ cao (descent), và đáp đất (landing) - không chỉ là người điều
khiển chính, mà còn là người phụ trách việc thiết kế và phát triển một cách thức
mới giúp tàu đáp êm hơn.
Đó
là công nghệ Terrain Relative Navigation (TRN - điều hướng tương ứng địa
hình) lần đầu tiên cho phép một tàu khám phá dùng camera để nhìn bề mặt
sao Hỏa và chọn vị trí đáp phù hợp, thay vì chỉ dựa vào tín hiệu radar như các
đời tàu trước rồi "mù quáng" rơi vào một hẻm núi, một vách đá và...
tan tành.
"(TRN) cho phép Perseverance nhìn xuống mặt đất, so sánh với
bản đồ trên tàu và xác định nó đang ở đâu. Việc này tương tự như là một người
nhìn vào các bảng tên đường và so sánh với bản đồ để xác định mình đang ở
đâu" -
Mohan giải thích với tờ India Times.
Sưu tầm
Rất khâm phục! =d>
Trả lờiXóahttps://i.pinimg.com/originals/ab/8d/dc/ab8ddc7ce69cbcb1d1606800e0ea03de.gif
https://theendtimenews.com/wp-content/uploads/2021/02/Swati-Mohan.jpg
Xóa