Trang

30/11/2022

FDA chuẩn thuận loại thuốc $3.5 triệu, đắt nhất thế giới

 WASHINGTON, DC (NV) – Cơ Quan Quản Trị Thực Phẩm và Dược Phẩm (FDA) hôm Thứ Ba, 23 Tháng Mười Một, chuẩn thuận Hemgenix, loại thuốc mới trị bệnh hemophilia (máu khó đông), theo CNN.

Hãng dược CSL Behring cho biết thuốc này giá $3.5 triệu một lần điều trị, khiến nó trở thành loại thuốc đắt tiền nhất thế giới.

 


Thuốc Hemgenix chỉ cần chích một lần duy nhất. (Hình minh họa: Raghavendra V. Konkathi/Unsplash)

Hemgenix là liệu pháp gene dùng để điều trị người lớn bị hemophilia B, loại bệnh máu do di truyền khiến cơ thể không tiết ra protein cần thiết để làm máu đông lại. Cứ 40,000 người thì khoảng một người mắc bệnh này, đa số là nam.

Thông thường, người ta điều trị bệnh này bằng cách chích tĩnh mạch định kỳ để giữ đủ mức yếu tố giúp làm máu đông, nhưng với Hemgenix, chỉ cần chích một lần duy nhất.

Viện Nghiên Cứu Kinh Tế và Lâm Sàng (ICER), tổ chức bất vụ lợi độc lập chuyên phân tích giá trị thuốc, xác nhận với CNN rằng Hemgenix hiện là loại thuốc đắt tiền nhất thế giới.

Khi phân tích giá trị của Hemgenix mới đây, so sánh lợi ích sức khỏe với chi phí điều trị, ICER cho rằng thuốc này giá khoảng $2.93 triệu đến $2.96 triệu là hợp lý.

FDA chuẩn thuận Hemgenix dựa trên mức độ an toàn và hiệu quả từ hai cuộc nghiên cứu gồm khoảng 60 người lớn là nam giới. Tác dụng phụ phổ biến nhất của thuốc này là men gan tăng, nhức đầu, triệu chứng giống bệnh cúm và phản ứng nhẹ sau khi chích thuốc.

Theo phân tích của công ty y tế GoodRx, loại thuốc đắt tiền nhất ở Mỹ trước đó là Zolgensma, được FDA chuẩn thuận năm 2019 để điều trị bệnh teo cơ tủy (spinal muscular atrophy) và có giá $2.1 triệu một đợt điều trị. 

CNN

29/11/2022

Ukraine – Châu chấu đá xe (Phần cuối) Tiếp theo Phần 1, Phần 2, Phần 3


Sáp nhập Crimea – Chiến tranh ở Donbass

Mục tiêu đầu tiên của Putin là bán đảo Crimea, vùng đất Ukraine duy nhất có đa số người Nga sinh sống từ thời Cộng hòa Xô viết Ukraine. Cuối tháng 2 năm 2014, nhiều binh lính không mang huy hiệu đã chiếm đóng quốc hội, trụ sở chính quyền và sân bay tại thủ phủ Simferopol. Ngày 6 tháng 3, một chính phủ mới được dựng nên, báo trước rằng Crimea sẽ được sáp nhập vào Nga. Vài ngày sau, ngày 17 tháng 3, một cuộc “trưng cầu dân ý” giả tạo đã được Nga tổ chức vội vã và đã gây nhiều phẫn nộ.

Ngày 20-3-2014 , bán đảo Crimea của Ukraine bị sáp nhập vào Nga.

Qua sự sáp nhập Crimea, chính phủ Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và những hiệp ước công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã ký kết. Lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, một quốc gia Âu châu (như Nga) đã chiếm đoạt lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã lên án Nga.

Tuy nhiên Nga còn mở rộng ảnh hưởng đến miền Đông Ukraine bằng cách cung cấp nhiều vũ khí cho quân ly khai. Lực lượng này chiếm đóng các thành phố quan trọng nhất của vùng Donbass và dựng nên một chế độ cai trị độc đoán. Ngày 11.05.2014, các “nước Cộng hòa Nhân dân có chủ quyền” Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập qua một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Trong số các thủ lĩnh phe ly khai có nhiều người Nga vốn là thành viên của các tổ chức dân tộc chủ nghĩa. Phe ly khai tự cho họ là những người chiến đấu cho “Nước Nga mới” – một khái niệm có từ thời Sa hoàng bao gồm toàn thể miền Nam và miền Đông Ukraine.

Sự can thiệp quân sự của Nga đi kèm với lời tuyên truyền vô lý. Chính phủ Ukraine bị bôi nhọ là phát xít, theo chủ nghĩa dân tộc, là tay sai của Tây phương. Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã được dàn dựng như một phần tiếp theo của “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” chống lại Đức quốc xã. Thông tin sai lệch bao gồm cả những lời nói dối liên tục được phổ trên đài truyền hình Nga. Phần lớn người dân Nga tin vào lời tuyên truyền này và Putin càng nổi tiếng.

Có thực sự rằng chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc?

Kết quả bầu cử quốc hội Ukraine ngày 26.10.2014 cho thấy các đảng ủng hộ Âu châu đã giành chiến thắng. Đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc đã bất ngờ giành được 10% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2012, nhưng lần này không đạt được ngưỡng 5% để lọt vào quốc hội và không còn đại diện trong chính phủ.

Kỳ bầu cử quốc hội Ukraine kế tiếp diễn ra vào ngày 21.07.2019. Do sự việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và việc quân ly khai chiếm đóng Donetsk và Luhansk, chỉ có 424 ghế của “Hội đồng tối cao” (Verkhovna Rada, tương đương quốc hội) có thể được bầu và khoảng 12% công dân đủ điều kiện không thể tham gia bầu cử. Theo luật bầu cử hiện hành, 225 thành viên của “Hội đồng tối cao” được bầu ra bởi một hệ thống đại diện tỷ lệ trên toàn quốc theo chỉ tiêu “5%” và 199 ghế còn lại trong các khu vực bầu cử theo hệ thống “đa số tương đối”.

Kết quả: Đảng “Sluha Narodu” (“đầy tớ nhân dân”) thân Tây phương của tổng thống Volodymyr Zelenskyj được 43,2%, đảng “Oppositionsplattform” thân Nga được 13,0%, các đảng của cựu thủ tướng Yulia Tymoshenko (“Tổ quốc”, 8,2%) và cựu tổng thống Petro Poroshenko (“Đoàn kết châu Âu”, 8,1%). Ngoài ra còn có “Holos” của nhạc sĩ nhạc rock Sviatoslav Vakarchuk với 5,8%. Không một đảng cực hữu nào đạt được 5% để vào được quốc hội, ví dụ “Swoboda” (1,4%), “NationalenKorps” (0,2%).

Từ kết quả trên, tổng thống Putin không thể xa rời thực tế mà nói chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc để mà phải diệt trừ.

Trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ, quân đội Ukraine không được trang bị đầy đủ. Họ thiếu khả năng chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn với nhiều binh sĩ và vũ khí hạng nặng. Có vũ khí tối tân trong tay, phe ly khai thân Nga thích thử nghiệm. Ngày 17.07.2014, họ đã bắn nhầm một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến tất cả 298 người thiệt mạng.

Quân Ukraine liên tục bị tấn công. Bị thất bại, Ukraine buộc phải đàm phán, nhưng sau đó chiến tranh lại tái diễn. Thủ tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp François Hollande phải làm trung gian hòa giải và rồi cũng không đi tới đâu. Việc Nga sáp nhập Crimea không được nhắc tới; cả vấn đề quan trọng là kiểm soát biên giới Nga-Ukraine cũng bị hoãn lại. Donbass hầu như không bao giờ bình yên.

Cuộc chiến của Putin càng làm Ukraine ngả về phía Tây phương. Ukraine mong sớm được gia nhập NATO và EU. Thế nhưng thủ tướng Merkel không ủng hộ vì sợ mất lòng Putin. Bà lập luận Ukraine cần có thời gian để tiến hành dân chủ hóa và giải quyết nạn tham nhũng. Đối với Nga, bà Merkel muốn giữ một thái độ “dĩ hòa vi quý” có lợi cho kinh tế Đức, cụ thể là gia tăng xuất cảng qua Nga và mua được khí đốt giá rẻ từ Nga sau khi hoàn tất đường dẫn khí khổng lồ Nord Stream 2 bất chấp lời khuyên của Mỹ và đồng minh rằng Đức sẽ bị lệ thuộc vào Putin.

Kiểm chứng lý lẽ của Putin

Sau khi đọc lại lịch sử Ukraine, chúng ta thấy những lý lẽ tổng thống Putin đưa ra để đánh Ukraine là những lời nói dối:

Chính quyền Ukraine hiện tại tuy có huynh hướng thân Tây phương nhưng không phải là phát xít, không theo chủ nghĩa dân tộc, không đàn áp người nói tiếng Nga và diệt chủng dân Nga tại vùng Donbass.

Ukraine không làm chủ “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Suốt cuộc chiến với Nga hôm nay, Ukraine luôn thiếu vũ khí và phải nhờ Tây phương viện trợ. Ukraine cũng không chế tạo vũ khí nguyên tử, vì đã cam kết loại trừ vũ khí này theo giác thư Budapest.

Tây phương không kết nạp Ukraine vào NATO và đe dọa Nga như Putin khắng định.

“Ukraine chưa bao giờ có nhà nước hoặc quốc gia” là điều không đúng. Trong quá khứ Ukraine từng bị Nga đô hộ hoặc thuộc về khối Liên Xô, nhưng ngày nay Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền hợp pháp, Nga phải tôn trọng.

Kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine tính đến nay

“Cuộc chiến chớp nhoáng” của Putin thất baị. Putin dự tính, xua quân đánh Ukraine sẽ chiếm được thủ đô Kyiv trong vòng vài ngày và Ukraine sẽ đầu hàng vô điều kiện nhưng cho tới nay, tháng 11 năm 2022, cuộc chiến đã kéo dài 9 tháng mà vẫn chưa

kết thúc. Quân Nga đang bị đẩy lùi trong khi quân Ukraine đang phản công để tái chiếm những phần đất bị quân Nga chiếm đóng chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều tháng. Thiếu vũ khí, Ukraine phải cầu viện Tây phương, ngược lại Nga có vũ khí tối tân và dồi dào, nhưng vẫn không thắng nổi Ukraine, nay Putin còn muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt đối phương.

Thường dân Ukraine là nạn nhân chính. Vô số người bị thương, bị giết chết, phụ nữ bị hãm hiếp, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh nạn. Quân Nga đã dội bom, pháo kích bừa bãi vào thành phố. Khắp nơi, nhà dân, chung cư, trường học, vườn trẻ, nhà thương, cơ sở hạ tầng: điện nước, cầu cống, đường sá, mọi thứ cần thiết cho đời sống người dân bị tàn phá. Đất nước Ukraine tan hoang trong khi đất nước Nga còn nguyên vẹn.

Nga bị tổn thất nặng nề. Hơn 70.000 binh sĩ thiệt mạng. 10 tướng tử vong trong khi đánh Afghanistan 9 năm không nghe nói có tướng Nga nào tử trận. Tổn thất nặng khiến Putin phải động viên thêm 300.000 quân, bất kể tù nhân nguy hiểm, có tội hình sự, nghiện ngập hoặc mắc bệnh nặng. Động viên bừa bãi khiến dân chúng Nga bất mãn, nhiều người không ủng hộ chiến tranh của Putin đã chạy qua các nước láng giềng trốn quân dịch. Ngoài ra Nga còn trưng dụng lính đánh thuê nổi tiếng tàn bạo của công ty quân sự tư nhân Wagner và quân Hồi giáo Chechens hiếu chiến từng bị Putin xem là khủng bố.

Nga đã chiếm 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia and Kherson của Ukraine và ngang nhiên sáp nhập vào nước Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo.

Cách xử sự thiếu lương thiện và sự dối trá của chính quyền Putin chỉ làm mất sĩ diện người Nga: chiếm nhà máy điện nguyên tử Ukraine để tống tiền, ăn cắp ngũ cốc của nông dân Ukraine, gây khó dễ không cho xuất cảng, đe dọa dùng vũ khí nguyên tử, dựng kịch vụng về để vu khống đối phương (Ukraine phá hoại đập nước gây lụt lội, dùng “bom bẩn phóng xạ”, v.v…).

Thái độ của thế giới và Tây phương

Hành động Nga xâm lược Ukraine và sáp nhập những vùng chiếm đóng vào nước Nga đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của Ukraine và luật pháp quốc tế. Thực tế đã chứng minh, cuộc xâm lược của Nga đã làm hại thường dân Ukraine là chính. Hầu hết các nước trên thế giới phẫn nộ và lên án Putin. Tuy nhiên vẫn có một ít quốc gia thân Nga đã bỏ phiếu ủng hộ Nga, hoặc bỏ phiếu trắng, không lên án Nga, trong đó có Việt Nam.

Hành động Nga xâm lược Ukraine cũng đã vi phạm giác thư Budapest phải bảo vệ và tôn trọng chủ quyền Ukraine. Kể cả Anh và Mỹ cũng vi phạm vì không làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Ukraine. EU và NATO cũng đứng nhìn. Suốt trận chiến, thế giới chỉ thấy Putin tự do đánh Ukraine, các nước Âu châu hầu như chỉ đứng nhìn, không muốn để bị liên lụy. Ukraine như “châu chấu đá xe”, một mình chống lại một gã khổng lồ để sống còn.

Vì lòng ích kỷ, người ta có thể bỏ mặc người cô thế. May mắn thay Ukraine vẫn còn vài người giúp đỡ, đặc biệt là Mỹ. Chỉ có điều, một trận chiến kéo dài có thể sẽ làm “nản lòng” những “mạnh thường quân” và Ukraine sẽ bị bỏ rơi và ngã gục. Đến lúc đó, cánh cửa phía Đông Âu châu hở toang, đoàn Hồng quân Nga sẽ thênh thang bước vào Âu châu; thế giới sẽ được dịp nhìn thấy dân Âu châu phải thay thế người lính Ukraine cầm cây súng để tự bảo vệ lấy mình chăng?

Kết luận

1.   Putin đã nói dối và xua quân xâm lược nước láng giềng Ukraine, bất chấp luật pháp quốc tế. Cuộc chiến thật tàn khốc. Nhà nước Ukraine bị mất ổn định vĩnh viễn và mất quyền kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ của mình. Kinh tế bị tàn phá, vô số người thiệt mạng. Hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà cửa đi lánh nạn khắp Âu châu. Vùng Donbass và phía Nam đang bị phá hủy nặng nề và thảm họa con người rất lớn.

2.   Chiến tranh Nga-Ukraine đã củng cố vị thế quyền lực của Putin. Nó kích thích tinh thần yêu nước trong xã hội Nga và ít nhất là vào lúc này, tránh được hiểm họa nước Nga sẽ “du nhập” bài học Maidan của Ukraine. Cuộc chiến đã khiến quan hệ giữa người Nga và người Ukraine xấu đi nhanh chóng. Tuyên truyền của Nga đã mang lại hiệu quả trong giới người Nga ở miền Đông và miền Nam của Ukraine.

3.   EU và Mỹ đã cô lập Nga trên bình diện quốc tế và muốn làm suy yếu nước này về mặt kinh tế. Kinh tế Nga bị suy thoái và chắc chắn sẽ trở nên trầm trọng. Tuy nhiên EU và Mỹ hay bất đồng ý kiến và Nga cố lợi dụng điểm yếu này để chia rẽ họ một cách có hệ thống. EU và Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng năng lượng và đang bị lạm pháp nghiêm trọng.

4.   Mục tiêu của chính phủ Nga trong việc “đánh Ukraine để ngăn Ukraine tiến tới EU” đã không đạt được. NATO cũng không kết nạp Ukraine như Putin lo ngại, nhưng hành động quân sự của Putin đã tạo phản ứng ngược. Các nước như Phần Lan, Thụy Điển

vốn dĩ trung lập, nay đã xin gia nhập NATO, nghĩa là vô hình trung, Putin đã giúp NATO mở rộng.

5.   Qua trận chiến này, người ta nhìn thấy một Putin đầy mặc cảm và ảo tưởng. Hào quang một đế chế Nga với những vị Sa hoàng “vĩ đại” hoặc một cường quốc Liên Xô đã biến mất. Nước Nga ngày nay thua kém Trung Quốc một trời một vực. Nó cũng thua kém những nước chư hầu cũ của Liên Xô vốn dĩ không có cảm tình với Nga nên đã gia nhập cộng đồng Âu châu. Ukraine tựa vậy, cũng mong muốn gia nhập Âu châu. Điều này làm Putin tự ái, đánh đồng rằng Ukraine bài xích người Nga (dẫu Ukraine là một “người Nga nhỏ”). Đây cũng là một lý do khiến Putin tức giận và muốn “dạy cho Ukraine một bài học”. Mặt khác, cuộc chiến có vẻ như “giận cá chém thớt”. Giận Tây phương mà chém Ukraine để dằn mặt Tây phương.

6.   Cũng qua trận chiến này, Mỹ và Âu châu đã nhận thấy thực lực của Nga và con

châu chấu Ukraine tuy nhỏ bé nhưng rất kiên cường. Ukraine có thể đánh bại Nga nếu có đầy đủ vũ khí. Chắc chắn EU và NATO đã nhìn thấy Ukraine rất xứng đáng trở thành một “tiền đồn kiên cố” để bảo vệ Âu châu về phía Đông.

Stuttgart, ngày 18 -11-2022

Dũng Vũ

(Hết)


Tài liệu tham khảo

Müller, Michael G.: Die Teilungen Polens – – www.deutsche-digitale-bibliothek.de

Subtelny, Orest: Ukraine – A History. University of Toronto Press, 2000

Kappeler, Andreas: Ungleiche Brüder – Russen und Ukrainer vom Mittelalter bis zur Gegenwart, C.H.Beck, 2017

Edvard Radzinsky: The last tsar. The life and death of Nicholas II. Doubleday, New York, 1992

Winston S. Churchill: Der Zweite Weltkrieg. Stuttgart und Hamburg, Scherz & Goverts, 1949-1954

Michail Gorbatschow: Erinnerungen. Siedler, Berlin, 1995

Paul D’Anieri: Gerrymandering Ukraine? Electoral Consequences of Occupation. Sage

Journals, 9. August 2016

Putins “Neurussland” beunruhigt die EU https://www.zeit.de/politik/ausland/2014- 08/ukraine-russland-putin-donezk) https://www.pravda.com.ua/eng/news/2022/10/19/7372573/

http://www.ag-friedensforschung.de/regionen/Ukraine/russland2.html https://www.rtl.de/cms/ukraine-die-pro-europaeische-partei-sluha-narodu-von- wolodymyr-selenskyj-gewinnt-die-parlamentswahlen-4375195.html http://www.cvk.gov.ua/pls/vnd2014/wp300pt001f01%3D910.html https://ukraineverstehen.de/umland-rechtsradikale-parteien-der-ukraine-2019/  https://knoema.de/atlas/Ukraine/Reales-BIP-Wachstum https://web.de/magazine/politik/russland-krieg-ukraine/ukraine-russlands-  blitzkrieg-gescheitert-putins-verheerende-bilanz-monaten-krieg-36804428 https://www.t-online.de/nachrichten/ausland/id_91866488/ukraine-krieg-wladimir-  putins-zehn-gefallene-generaele-das-ist-ueber-sie-bekannt.html



 

 

28/11/2022

Cô bé khốn khổ nào ngờ đổi đời ngoạn mục

 Đang bới rác thì vô tình được chụp ảnh, cô bé khốn khổ nào ngờ đổi đời ngoạn mục từ đó, hình ảnh hiện tại sau 12 năm gây kinh ngạc.

Hành trình thay đổi cuộc đời đầy ý nghĩa của Sophy được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Campuchia. Giờ đây, không còn là cô bé nhặt rác năm nào, thay vào đó Sophy đã trở thành niềm tự hào của đất nước nơi mình sinh ra.

Năm 2009, khi đang bới rác mưu sinh, cô bé Sophy Ron (11 tuổi) bất ngờ may mắn tìm được "phao cứu sinh" của cuộc đời sau cuộc gặp gỡ cực kì ngẫu nhiên. Hồi đó, Sophy vẫn là một đứa trẻ nghèo khổ, sinh ra và lớn lên trong một gia đình lao động cấp thấp ở Phnom Penh, Campuchia.

Nhà đã nghèo mà cô bé còn có đến tận 5 anh chị em khác. Cả gia đình họ gần chục người sống trong túp lều lụp xụp tự dựng ngay trên h Địa điểm này chính là bãi rác lớn nhất Đông Nam Á, nơi sinh sống của những người khốn khổ nhất Campuchia.


Sophy Ron 12 năm trước

Cả Sophy hay những đứa trẻ sống tại đây đều làm nghề bới rác, sáng nào chúng cũng dậy sớm, lội qua những núi rác hôi thối, bẩn thỉu, đầy mầm bệnh và virus. Nguy hiểm và khó nhọc đến thế nhưng việc này có thể giúp chúng kiếm chút tiền, đỡ đần cha mẹ. Nếu may mắn kiếm được đôi chút, hôm đó cả nhà sẽ có cơm ăn, còn nếu không bữa ăn của họ chính là thực phẩm vứt đi nhặt nhạnh được từ bãi rác. 


Cuộc sống của những đứa trẻ nhặt rác tại Campuchia

"Tôi ăn, ngủ và làm mọi thứ trên bãi rác, nó mặc nhiên trở thành nhà của tôi. Tôi còn không nhận ra nó bốc mùi, không biết đó là chỗ bẩn thỉu", Sophy nhớ lại. Cô bé cũng không được đi học vì gia đình không có đủ tiền. Tương lai "những đứa trẻ nhặt rác" cứ tối tăm như thế, nhìn đâu cũng chẳng thấy ánh sáng hy vọng. 

Hôm đó, như thường lệ, Sophy đang vác một bao rác lớn. Một người đàn ông ăn mặc tươm tất bỗng xuất hiện, trên tay ông cầm chiếc máy ảnh. Khi ông ta giơ ống kính lên, cô bé ngây thơ 11 tuổi liền cười tươi rạng rỡ. Bức ảnh đáng yêu và đầy kí ức ấy đến hôm nay vẫn còn. Và khoảnh khắc đó chính là khởi đầu cho cuộc đời mới của Sophy. 


Người đàn ông đặc biệt hôm đó chính là Scott Neeson, người sáng lập Quỹ Nhi đồng Campuchia (CCF). Sau khi gặp gỡ cô bé nghèo, Scott Neeson đã hỏi Sophy có muốn học tiếng Anh không. "Tôi còn không biết Tiếng Anh là gì nhưng cứ gật đầu vì ông ấy hứa cho tôi đến trường", Sophy kể lại ngày hôm đó.

Thế rồi cuối cùng, điều kì diệu đã thật sự xảy ra. Tổ chức của ông Scott Neeson đã giúp Sophy được đến Úc đi học. 11 năm qua chỉ quanh quẩn ở bãi rác bẩn thỉu, không ngờ có một ngày Sophy lại được lên máy bay, đi đến nước Úc xa xôi, và còn được thực hiện ước mơ của mình là "đi học". Sophy vẫn nhớ như in cảm giác vào năm 11 tuổi khi lần đầu tiên được tới lớp và nhìn thấy nhóm trẻ con nô đùa.

Có lẽ vì hiểu rằng không phải ai cũng được trao cơ hội đáng giá này nên Sophy đã nỗ lực hết mình với nó. Kết quả nhận lại khiến ai nấy đều phải kinh ngạc. Năm 2016, "cô bé nhặt rác" năm nào đã đứng trên sân khấu của Tedx Talk để diễn thuyết bằng tiếng Anh. Sau khi tốt nghiệp, cô nàng giành được học bổng toàn phần tại Đại học Trinity College thuộc Đại học Melbourne.


Sophy khiến nhiều người kinh ngạc với thành công ở hiện tại


Tháng 6/2019, cô nàng tốt nghiệp thủ khoa bằng cử nhân văn học, thành tích vượt xa mong đợi của bất kì ai. "Tôi đã rất mừng khi nhận được học bổng, mọi may mắn cứ như dồn hết  vào tôi vậy, tôi thật sự rất biết ơn", Sophy bộc bạch.


Cô nàng giờ đây là tấm gương sáng cho nhiều người trẻ


Dù rất thích Melbourne và cuộc sống tại Úc, cô nàng 23 tuổi dự định sau khi học xong sẽ trở về với gia đình ở Campuchia để kinh doanh và làm việc thiện nguyện cho CCF - nơi đã mang lại cho cô cơ hội thay đổi cuộc đời 12 năm về trước. Hành trình thay đổi cuộc đời đầy ý nghĩa của Sophy được đăng tải rộng rãi trên truyền thông Campuchia. Giờ đây, không còn là cô bé nhặt rác năm nào, thay vào đó Sophy đã trở thành niềm tự hào của đất nước, tấm gương tiêu biểu và niềm cảm hứng to lớn đối với nhiều người.

"Thông điệp trong suốt cuộc đời mà tôi luôn mang theo đó là: Không bao giờ bỏ cuộc, dù bạn ở trong hoàn cảnh nào", Sophy nói. 


Cô sẽ về quê huong và giúp đỡ cộng đồng của mình sau khi học xong


Nguồn: Cambodian Children's Fund

 

26/11/2022

Câu Chuyện Ở Trên Chùa

 

Tôi sống cách khu chợ Việt Nam khá xa, nên cả tháng hoặc hơn nữa mới dịp ghé lên khu chợ để mua một số thực phẩm cần thiết. Mỗi lần như thế giống như "nhà quê lên tỉnh", khi trở về thì trên xe đầy ắp thực phẩm không có bán ở các siêu thị Mỹ.

Thông thường những chuyến "lên tỉnh" như thế vào cuối tuần.

Chuyến "lên tỉnh" lần này là sáng sớm thứ bảy, và tôi "lên tỉnh" một mình với một "danh sách" những phải mua, phải nhà để trông cháu. Khi đi ngang qua chỗ bán nhang đèn, tôi sực nhớ ra là đã khá lâu không ghé qua chùa để thắp nén nhang cho cha mẹ vợ tôi. Thế cho nên khi mua xong các thức ăn khô, tôi liền ghé qua chùa, nơi để hình ảnh của cha mẹ vợ, cách chợ cũng chẳng bao xa.

Đây một ngôi chùa lớn, thế nhưng hôm nay thật vắng vẻ. Trước sân chùa một cụ già đang quét lá. Cụ già người gầy còm nhưng xem ra rất khoẻ mạnh, không có vẻ là người đi tu, với mái tóc bộ râu bạc phơ, mặc bộ quần áo nâu rách nhiều chỗ. Tôi gật đầu chào:

-  Chào ... bác ... Hôm nay sao chùa vắng vẻ quá vậy?

Ông cụ ngửng đầu lên:

-  Chào ông. À ... dạo này mùa dịch nên chùa lúc nào cũng vắng ... Ông ghé chùa chắc điều ...

-  Dạ cũng không chi. Tôi đi chợ nên tiện đường ghé qua đây thắp nén nhang cho ông cụ tôi.

-  À ra thế ... Như vậy cũng tốt ...

Tôi gợi chuyện:

-  Bác làm công quả sớm thế ...

Ông cụ ngừng quét, nhìn lên cười:

-      Tôi ở ngay trong chùa này ông ạ. Thấy có gì giúp được thì tôi làm ... đổi lấy chút hương hoa, lộc chùa ấy mà ... À, tôi cũng phải vào xem xét bàn thờ và nhang đèn nữa chứ ...

Tôi và ông cụ cùng bước vào chánh điện. Ông cụ bước lên bục xem xét nhang đèn, các đĩa trái cây và các bình hoa. Tôi đi ra căn phòng phía sau bệ thờ, là nơi để hình của những người đã khuất được gia đình đem lên chùa. Bà mẹ vợ tôi mất sau ông cụ hơn bẩy năm, nhưng khi nhà chùa biết là vợ chồng thì để hai hình cạnh bên nhau. Tôi vừa cắm ba nén nhang vào bát nhang thì giật mình vì nghe thấy tiếng của ông cụ quét sân đã đến kế bên từ lúc nào.

-      Đâu là hình hai ông bà, hả ông?

Tôi chỉ vào hai tấm hình. Ông cụ nghiêng đâu nhìn, rồi gật gù:

-      Ông bà cụ tốt tướng lắm ... Thế hai ông bà thọ được bao lâu hả ông?

-      À ... Ông bà cụ tôi bằng tuổi nhau ... Ông cụ tôi chỉ mới ngoài tám mươi ... Nhưng mất trước bà cụ tôi cả gần chục năm ...

Thấy tôi có vẻ ngập ngừng, ông cụ lên tiếng:

-      Ồ ... xin lỗi ông ... Đáng lý tôi không nên quá tò mò ...

 -     Không có gì đâu bác. Thực ra thì đây là cha mẹ vợ tôi, và khi bác hỏi thì tôi bỗng dưng không nhớ gì về tuổi tác của ông bà, thế cho nên mới ngập ngừng vậy thôi ...

-      À ra thế ... Ông có ghé chùa thường xuyên không?

Tôi đỏ mặt:

-  Dạ ... không ... vì chúng tôi ở cách đây khá xa ...

Ông cụ cười thông cảm:

-  Vậy thì ngày rằm hay mùng một thì tôi xin phép ông để thắp cho ông bà đây mấy nén nhang

...

Tôi chắp tay xuýt xoa:

-  Vậy thì quý hoá quá ... Gia đình tôi xin cảm ơn bác rất nhiều ... Cầu xin đức Phật gia hộ cho bác ...

Ông cụ quét sân chắp tay trả lễ:

-  Không có gì đâu ông ... Tôi ở trong chùa, nếu biết ai không thường được thăm viếng thì tôi giúp ngay ...

Sau đó thì cuộc nói chuyện trở nên thân mật hơn, và tôi được biết tên ông cụ là Hoà, vợ mất sớm và được gửi về an táng ở quê nhà, chỉ có một người con gái, nhưng theo chồng ở miền đông. Cụ có ở với gia đình cô con gái một vài năm, nhưng không chịu nổi cái lạnh mùa đông, nhất là hầu như chẳng có bóng dáng người Việt nào ở gần, thế cho nên cụ trở lại miền nam California nắng ấm và đông đảo người Việt. Cụ hay lên

chùa làm công quả, và đàm đạo rất tương đắc với vị sư trụ trì. Thế cho nên, sau khi hiểu hoàn cảnh của cụ thì sư trụ trì cho cụ ở luôn trong chùa cho tiện.

Khi nắng đã lên quá đỉnh đầu, tôi xin phép cụ Hoà để ghé chợ mua tiếp các thức cần thiết trong danh sách của vợ tôi đã ghi.

oOo

Có lẽ cũng đã hơn một tháng trời tôi mới lại có dịp "lên tỉnh". Lần này cũng đi một mình vì là đi gặp bác sĩ để khám sức khoẻ thường niên; và vợ tôi, cũng nhân tiện, ghi cho tôi một danh sách thức ăn cần thiết, không dài lắm. Vì là khám sức khoẻ thường niên, nên chỉ mất khoảng chưa đến nửa tiếng là xong. Việc mua hàng cũng chẳng mất bao lâu. Lúc ra quầy tính tiền, nhìn thấy cô gái tính tiền có đeo tượng Phật trên cổ, tôi chợt nhớ đến bác Hoà, lần trước gặp ở trên chùa. Tôi hỏi cô tính tiền xem ở gần đây có tiệm nào bán quần áo cho người tu hành tại gia không?

Không những cô gái này không có vẻ gì ngạc nhiên về câu hỏi, mà cô ta còn sốt sắng trả lời và ghi cho tôi địa chỉ của một tiệm bán vải và quần áo may sẵn gần nhất, đồng thời cũng cẩn thận chỉ rõ ràng cho "chú" về quẹo trái, quẹo phải, qua mấy cái đèn đỏ ... để đến tiệm đó mà không bị lạc. Và nhất là nói với họ là "con" tên là Liên giới thiệu "chú" đến mua quần áo thì sẽ được giá rẻ. Tôi cảm ơn cô ta, và quả nhiên, nếu cứ

nhắm mắt mà đi theo lời cô ta dặn dò thì cũng đến đúng ngay cửa tiện bán quần áo.

Thực ra thì đây là tiệm bán vải và quần áo may sẵn cho phụ nữ và một vài kiểu áo dài khăn đóng cổ truyền cho phái nam. Nhìn quanh thì chẳng thấy loại quần áo cho người lên chùa thường mặc. Thấy tôi có vẻ ngơ ngác, bà chủ tiệm, tôi đoán như thế, là một người dáng phúc hậu, từ sau quầy tính tiền, tiến lại gần và lên tiếng:

-  Ông cần gì, tôi có thể giúp ông ...

Tôi nói ngay là cô Liên giới thiệu tôi đến đây để mua quần áo của những người hay mặc khi lên chùa tụng kinh hoặc làm công quả. Với một vẻ ngạc nhiên thoáng qua, bà chủ tiệm lên tiếng:

-  À thì ra vậy. Ông chờ tôi một chút, vì loại quần áo đó chỉ thỉnh thoảng mới bày ra bên ngoài

...

Vài phút sau, bà chủ tiệm mang từ sau ra một xấp mấy bộ quần áo, rồi với lời lẽ của một người buôn bán chuyên nghiệp:

-  Đây là các bộ quần áo mà ông hỏi ... Tôi không biết ông định mua cho ai, nhưng thường thì đàn ông mặc màu nâu, và đàn bà mặc màu lam ... Chúng tôi có đủ cỡ và nếu cần phải sửa như lên gấu, lên tay, hay "bóp eo" thì cũng không tính thêm tiền ... Chúng tôi có thợ làm hai ngày, thứ ba và thứ tư, nếu đến đúng ngày thì có thể chờ để lấy liền ... Ông được cô Liên giới thiệu thì chúng tôi bớt mười phần trăm ... và mua từ hai bộ trở lên sẽ bớt tổng cộng mười lăm phần trăm ...

Sau vài phút nói về giá cả và ni tấc, tôi quyết định mua hai bộ màu nâu để tặng cho bác Hoà. Bà chủ tiệm, xem ra có vẻ là người mộ đạo, nên khi tôi ra về thì bà ta chào với câu "A Di Đà Phật ... Cho tôi gửi lời thăm cô Liên ..." Tôi nói lời đáp lễ, nhưng nghĩ thầm "Cái nhà cô Liên ấy, chắc gì có dịp gặp lại để chuyển lời nhắn của bà chủ tiệm này ...Mà có gặp lại thì tôi cũng chẳng dám chuyển lời, vì chắc gì cô ta đã nhớ cái 'chú' hỏi tiệm mua quân áo mặc lên chùa ..."

oOo

Cơn đại dịch vẫn chưa qua, nên cảnh chùa cũng vắng vẻ như lần trước. Thực ra thì vắng vẻ hơn lần trước vì không thấy ông cụ quét sân chùa đâu cả. Tôi cầm chiếc túi đựng hai bộ quần áo nâu đi loanh quanh từ trước ra sau, từ trong ra ngoài chùa để tìm bác Hoà mà tuyệt nhiên chẳng gặp ai cả. Bên trong chánh điện thì đang có tiếng tụng kinh, nên tôi thơ thẩn ngoài sân để chờ. Cũng may là chỉ mấy phút sau là có một vị sư già, râu dài và bạc phơ như ông tiên, đang chậm rãi đi ra trước sân chùa. Tôi lên tiếng hỏi:

-  Thưa ... thầy ... Xin phép cho tôi hỏi là tôi muốn gặp cụ Hoà ...

Vị sư già nhíu mày:

-  Cụ Hoà ...

Tôi mau mắn:

-  Vâng, cụ Hoà ... giúp việc chùa ...

Vị sư già nhướng mày:

-  Ồ, tưởng ai chứ bác Hoà thì chắc là quanh quẩn đâu đây thôi ... Ông chờ chút để tôi đi mời bác ấy ...

Chờ chút, như lời vị sư già nói, nhưng cả mười phút sau cũng chẳng thấy vị sư già kia hoặc bác Hoà đâu cả. Cũng may là tiếng tụng kinh trong chánh điện đã dứt, nên tôi bước vào trong. Khi ấy trong chánh điện chỉ còn một vị sư, không già lắm, có lẽ vẫn còn ở trong khoảng tuổi sáu mươi, đang bước vào phía sau bệ thờ đến khu để hình ảnh. Tôi vội bước theo:

-  Xin lỗi thầy ... tôi muốn gặp bác Hoà ...

Cũng với cái nhíu mày, vị sư lên tiếng:

-  Bác Hoà?

Tôi cũng vội vã:

-  Vâng ... bác Hoà, người vẫn giúp việc cho chùa ...

Vị sư trung niên nhướng mày, như chợt nhận ra câu hỏi:

-      À, bác Hoà ... Ông muốn gặp bác làm gì?

Tôi giơ chiếc bao đựng hai bộ quần áo:

-      Tôi muốn tặng bác ấy hai bộ quần áo này ... Vị sư cụ ngoài vườn bảo tôi chờ để đi gọi bác ấy ... nhưng nãy giờ không thấy ... Tôi ở xa không thể ở lại lâu ... Thầy có thể giúp tôi được không?

Vị sư trung niên nở một nụ cười rất hiền từ, chỉ tay lên bức hình treo trên tường, ngay sau lưng tôi:

-      Có phải vị sư già này bảo ông chờ phải không?

Tôi quay lại nhìn:

-      Vâng, đúng là vị sư này ...

Vị sư trung niên chắp tay:

-      A Di Đà Phật, Đó là thầy của tôi ...

Rồi quay qua những tấm hình, vị sư chỉ tay vào một bức hình:

-      Bác Hoà có giống vị này không?

Tôi bàng hoàng:

-      Vâng ... rất giống ...

Vị sư trung niên, vẫn với nụ cười trên môi, hai tay chắp trước ngực, chậm rãi nói:

-      A Di Đà Phật ... Tôi là sư trụ trì của chùa này. Vị sư già trong hình là thầy tôi, nhưng đã viên tịch gần mười năm rồi. Bác Hoà thì cũng đã mất hơn năm năm nay rồi ... Thật là hy hữu ... A Di Đà Phật ...

Về phần tôi thì lúc đó nghe như có một luồng khí lạnh buốt chạy từ đỉnh đầu đến gót chân. Thế nhưng khuôn mặt với nụ cười từ bi của vị sư trung niên đã đem lại sự bình tĩnh cho tôi:

-      Vậy sao ... thưa thầy ... Thế thì hai bộ quần áo này có lẽ tôi nên đốt để gửi đến cho bác Hoà

...

Vẫn với nụ cười từ bi trên môi:

-      Chắc là không nên đâu ông ạ, tăng chúng thì thiếu gì người ... Ông cứ để lại đây ... Ai cần thì nhà chùa sẽ thay ông để tặng cho họ ... Vì con gái bác Hoà, hôm qua, đã đến chùa xin đem tro cốt của bác ấy để đem về quê an táng rồi ...

Không hiểu vì lý do gì khiến tôi buột miệng:

-      Con gái bác Hoà, cô Liên phải không ạ?

Vẫn với nụ cười từ bi trên môi, vị sư trung niên nói:

-      À thì ra ông cũng biết về gia đình bác Hoà ...

Tác giả : Bùi Phạm Thành

 Nguồn: Đặc San Lâm Viên  Ngày đăng: 2022-11-18