Sáp nhập Crimea – Chiến tranh ở Donbass
Mục tiêu đầu tiên của Putin là bán đảo Crimea, vùng đất Ukraine duy nhất có đa số người Nga sinh sống từ thời Cộng hòa Xô viết Ukraine. Cuối tháng 2 năm 2014, nhiều binh lính không mang huy hiệu đã chiếm đóng quốc hội, trụ sở chính quyền và sân bay tại thủ phủ Simferopol. Ngày 6 tháng 3, một chính phủ mới được dựng nên, báo trước rằng Crimea sẽ được sáp nhập vào Nga. Vài ngày sau, ngày 17 tháng 3, một cuộc “trưng cầu dân ý” giả tạo đã được Nga tổ chức vội vã và đã gây nhiều phẫn nộ.
Ngày 20-3-2014 , bán đảo Crimea của
Ukraine bị sáp nhập vào Nga.
Qua sự sáp nhập Crimea, chính phủ Nga đã vi phạm luật pháp quốc tế và những hiệp ước công nhận sự toàn vẹn lãnh thổ của Ukraine đã ký kết. Lần đầu tiên sau Thế chiến thứ hai, một quốc gia Âu châu (như Nga) đã chiếm đoạt lãnh thổ của một quốc gia láng giềng. Hầu hết các quốc gia trên thế giới đã lên án Nga.
Tuy nhiên Nga còn mở rộng ảnh hưởng đến miền Đông Ukraine bằng cách cung cấp nhiều vũ khí cho quân ly khai. Lực lượng này chiếm đóng các thành phố quan trọng nhất của vùng Donbass và dựng nên một chế độ cai trị độc đoán. Ngày 11.05.2014, các “nước Cộng hòa Nhân dân có chủ quyền” Donetsk và Luhansk tuyên bố độc lập qua một cuộc trưng cầu dân ý giả tạo. Trong số các thủ lĩnh phe ly khai có nhiều người Nga vốn là thành viên của các tổ chức dân tộc chủ nghĩa. Phe ly khai tự cho họ là những người chiến đấu cho “Nước Nga mới” – một khái niệm có từ thời Sa hoàng bao gồm toàn thể miền Nam và miền Đông Ukraine.
Sự can thiệp quân sự của Nga đi kèm
với lời tuyên truyền vô lý. Chính phủ Ukraine bị bôi nhọ là phát xít, theo chủ nghĩa
dân tộc, là tay sai của Tây phương. Cuộc chiến xâm lược Ukraine của Putin đã được
dàn dựng như một phần tiếp theo của “Chiến tranh Vệ quốc vĩ đại” chống lại Đức quốc xã. Thông tin sai lệch bao
gồm cả những lời nói dối liên tục được phổ trên đài truyền hình Nga. Phần lớn người
dân Nga tin vào lời tuyên truyền này và Putin càng nổi tiếng.
Có thực sự rằng chính phủ Ukraine theo
chủ nghĩa dân tộc?
Kết quả bầu cử quốc hội Ukraine ngày 26.10.2014 cho thấy các đảng ủng hộ Âu châu đã giành chiến thắng. Đảng Svoboda theo chủ nghĩa dân tộc đã bất ngờ giành được 10% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử năm 2012, nhưng lần này không đạt được ngưỡng 5% để lọt vào quốc hội và không còn đại diện trong chính phủ.
Kỳ bầu cử quốc hội Ukraine kế tiếp diễn ra vào ngày 21.07.2019. Do sự việc Nga sáp nhập Crimea vào tháng 3 năm 2014 và việc quân ly khai chiếm đóng Donetsk và Luhansk, chỉ có 424 ghế của “Hội đồng tối cao” (Verkhovna Rada, tương đương quốc hội) có thể được bầu và khoảng 12% công dân đủ điều kiện không thể tham gia bầu cử. Theo luật bầu cử hiện hành, 225 thành viên của “Hội đồng tối cao” được bầu ra bởi một hệ thống đại diện tỷ lệ trên toàn quốc theo chỉ tiêu “5%” và 199 ghế còn lại trong các khu vực bầu cử theo hệ thống “đa số tương đối”.
Kết quả: Đảng “Sluha Narodu” (“đầy
tớ nhân dân”) thân Tây phương của tổng thống Volodymyr Zelenskyj được 43,2%, đảng
“Oppositionsplattform” thân Nga được 13,0%, các đảng của cựu thủ tướng Yulia
Tymoshenko (“Tổ quốc”, 8,2%) và cựu tổng thống Petro Poroshenko (“Đoàn kết châu
Âu”, 8,1%). Ngoài ra còn có “Holos” của nhạc sĩ nhạc rock Sviatoslav Vakarchuk với
5,8%. Không một đảng cực hữu nào đạt được 5% để vào được quốc hội, ví dụ “Swoboda”
(1,4%), “NationalenKorps” (0,2%).
Từ kết quả trên, tổng thống Putin
không thể xa rời thực tế mà nói chính phủ Ukraine theo chủ nghĩa dân tộc để mà
phải diệt trừ.
Trong cuộc chiến giành lại lãnh thổ, quân đội Ukraine không được trang bị đầy đủ. Họ thiếu khả năng chống lại lực lượng ly khai do Nga hậu thuẫn với nhiều binh sĩ và vũ khí hạng nặng. Có vũ khí tối tân trong tay, phe ly khai thân Nga thích thử nghiệm. Ngày 17.07.2014, họ đã bắn nhầm một máy bay của hãng hàng không Malaysia Airlines, khiến tất cả 298 người thiệt mạng.
Quân Ukraine liên tục bị tấn công. Bị
thất bại, Ukraine buộc phải đàm phán, nhưng sau đó chiến tranh lại tái diễn. Thủ
tướng Đức Angela Merkel và tổng thống Pháp François Hollande phải làm trung
gian hòa giải và rồi cũng không đi tới đâu. Việc Nga sáp nhập Crimea không được
nhắc tới; cả vấn đề quan trọng là kiểm soát biên giới Nga-Ukraine cũng bị hoãn lại.
Donbass hầu như không bao giờ bình yên.
Cuộc chiến của Putin càng làm
Ukraine ngả về phía Tây phương. Ukraine mong sớm được gia nhập NATO và EU. Thế nhưng
thủ tướng Merkel không ủng hộ vì sợ mất lòng Putin. Bà lập luận Ukraine cần có
thời gian để tiến hành dân chủ hóa và giải quyết nạn tham nhũng. Đối với Nga,
bà Merkel muốn giữ một thái độ “dĩ hòa vi quý” có lợi cho kinh tế Đức, cụ thể là gia tăng xuất cảng qua Nga và mua được
khí đốt giá rẻ từ Nga sau khi hoàn tất đường
dẫn khí khổng lồ Nord Stream 2 bất chấp lời khuyên của Mỹ và đồng minh rằng Đức
sẽ bị lệ thuộc vào Putin.
Kiểm chứng lý lẽ của Putin
Sau khi đọc lại lịch sử Ukraine, chúng
ta thấy những lý lẽ tổng thống Putin đưa ra để đánh Ukraine là những lời nói dối:
– Chính quyền Ukraine hiện tại tuy có huynh hướng thân Tây phương
nhưng không phải là phát xít, không theo chủ nghĩa dân tộc, không đàn áp người nói
tiếng Nga và diệt chủng dân Nga tại vùng Donbass.
– Ukraine không làm chủ “vũ khí hủy diệt hàng loạt”. Suốt cuộc
chiến với Nga hôm nay, Ukraine luôn thiếu vũ khí và phải nhờ Tây phương viện trợ.
Ukraine cũng không chế tạo vũ khí nguyên tử, vì đã cam kết loại trừ vũ khí này
theo giác thư Budapest.
– Tây phương không kết nạp Ukraine vào NATO và đe dọa Nga như
Putin khắng định.
– “Ukraine chưa bao giờ có nhà nước hoặc quốc gia” là điều không đúng. Trong quá khứ Ukraine từng bị Nga đô hộ hoặc thuộc về khối Liên Xô, nhưng ngày nay Ukraine là một quốc gia độc lập, có chủ quyền hợp pháp, Nga phải tôn trọng.
Kết quả của cuộc chiến Nga-Ukraine tính
đến nay
– “Cuộc chiến chớp nhoáng” của Putin thất baị. Putin dự tính,
xua quân đánh Ukraine sẽ chiếm được thủ đô Kyiv trong vòng vài ngày và Ukraine
sẽ đầu hàng vô điều kiện nhưng cho tới nay, tháng 11 năm 2022, cuộc chiến đã
kéo dài 9 tháng mà vẫn chưa
kết thúc. Quân Nga đang bị đẩy lùi trong khi quân Ukraine đang phản công để tái chiếm những phần đất bị quân Nga chiếm đóng chắc chắn sẽ còn kéo dài nhiều tháng. Thiếu vũ khí, Ukraine phải cầu viện Tây phương, ngược lại Nga có vũ khí tối tân và dồi dào, nhưng vẫn không thắng nổi Ukraine, nay Putin còn muốn sử dụng vũ khí hạt nhân để tiêu diệt đối phương.
– Thường dân Ukraine là nạn nhân chính. Vô số người bị thương,
bị giết chết, phụ nữ bị hãm hiếp, hàng triệu người phải rời bỏ quê hương đi lánh
nạn. Quân Nga đã dội bom, pháo kích bừa bãi vào thành phố. Khắp nơi, nhà dân, chung
cư, trường học, vườn trẻ, nhà thương, cơ sở hạ tầng: điện nước, cầu cống, đường
sá, mọi thứ cần thiết cho đời sống người dân bị tàn phá. Đất nước Ukraine tan
hoang trong khi đất nước Nga còn nguyên vẹn.
– Nga bị tổn thất nặng nề. Hơn 70.000 binh sĩ thiệt mạng. 10 tướng tử vong trong khi đánh Afghanistan 9 năm không nghe nói có tướng Nga nào tử trận. Tổn thất nặng khiến Putin phải động viên thêm 300.000 quân, bất kể tù nhân nguy hiểm, có tội hình sự, nghiện ngập hoặc mắc bệnh nặng. Động viên bừa bãi khiến dân chúng Nga bất mãn, nhiều người không ủng hộ chiến tranh của Putin đã chạy qua các nước láng giềng trốn quân dịch. Ngoài ra Nga còn trưng dụng lính đánh thuê nổi tiếng tàn bạo của công ty quân sự tư nhân Wagner và quân Hồi giáo Chechens hiếu chiến từng bị Putin xem là khủng bố.
– Nga đã chiếm 4 tỉnh Luhansk, Donetsk, Zaporizhzhia and Kherson
của Ukraine và ngang nhiên sáp nhập vào nước Nga bằng một cuộc trưng cầu dân ý
giả tạo.
– Cách xử sự thiếu lương thiện và sự dối trá của chính quyền Putin
chỉ làm mất sĩ diện người Nga: chiếm nhà máy điện nguyên tử Ukraine để tống tiền,
ăn cắp ngũ cốc của nông dân Ukraine, gây khó dễ không cho xuất cảng, đe dọa
dùng vũ khí nguyên tử, dựng kịch vụng về để vu khống đối phương (Ukraine phá hoại
đập nước gây lụt lội, dùng “bom bẩn phóng xạ”, v.v…).
Thái độ của thế giới
và Tây phương
Hành động Nga xâm lược Ukraine và sáp
nhập những vùng chiếm đóng vào nước Nga đã vi phạm trắng trợn chủ quyền của
Ukraine và luật pháp quốc tế. Thực tế đã chứng minh, cuộc xâm lược của Nga đã
làm hại thường dân Ukraine là chính. Hầu hết các nước trên thế giới phẫn nộ và
lên án Putin. Tuy nhiên vẫn có một ít quốc gia thân Nga đã bỏ phiếu ủng hộ Nga,
hoặc bỏ phiếu trắng, không lên án Nga, trong đó có Việt Nam.
Hành động Nga xâm lược Ukraine cũng
đã vi phạm giác thư Budapest phải bảo vệ và tôn trọng chủ quyền Ukraine. Kể cả
Anh và Mỹ cũng vi phạm vì không làm nhiệm vụ bảo vệ chủ quyền Ukraine. EU và NATO
cũng đứng nhìn. Suốt trận chiến, thế giới chỉ thấy Putin tự do đánh Ukraine, các
nước Âu châu hầu như chỉ đứng nhìn, không muốn để bị liên lụy. Ukraine như
“châu chấu đá xe”, một mình chống lại một gã khổng lồ để sống còn.
Vì lòng ích kỷ, người ta có thể bỏ mặc người cô thế. May mắn thay Ukraine vẫn còn vài người giúp đỡ, đặc biệt là Mỹ. Chỉ có điều, một trận chiến kéo dài có thể sẽ làm “nản lòng” những “mạnh thường quân” và Ukraine sẽ bị bỏ rơi và ngã gục. Đến lúc đó, cánh cửa phía Đông Âu châu hở toang, đoàn Hồng quân Nga sẽ thênh thang bước vào Âu châu; thế giới sẽ được dịp nhìn thấy dân Âu châu phải thay thế người lính Ukraine cầm cây súng để tự bảo vệ lấy mình chăng?
Kết luận
1. Putin đã nói dối và xua quân xâm lược nước láng giềng Ukraine,
bất chấp luật pháp quốc tế. Cuộc chiến thật tàn khốc. Nhà nước Ukraine bị mất ổn
định vĩnh viễn và mất quyền kiểm soát một phần đáng kể lãnh thổ của mình. Kinh
tế bị tàn phá, vô số người thiệt mạng. Hàng triệu người Ukraine phải rời bỏ nhà
cửa đi lánh nạn khắp Âu châu. Vùng Donbass và phía Nam đang bị phá hủy nặng nề
và thảm họa con người rất lớn.
2. Chiến tranh Nga-Ukraine đã củng cố vị thế quyền lực của Putin.
Nó kích thích tinh thần yêu nước trong xã hội Nga và ít nhất là vào lúc này, tránh
được hiểm họa nước Nga sẽ “du nhập” bài học Maidan của Ukraine. Cuộc chiến đã
khiến quan hệ giữa người Nga và người Ukraine xấu đi nhanh chóng. Tuyên truyền của
Nga đã mang lại hiệu quả trong giới người Nga ở miền Đông và miền Nam của Ukraine.
3. EU và Mỹ đã cô lập Nga trên bình diện quốc tế và muốn làm
suy yếu nước này về mặt kinh tế. Kinh tế Nga bị suy thoái và chắc chắn sẽ trở nên
trầm trọng. Tuy nhiên EU và Mỹ hay bất đồng ý kiến và Nga cố lợi dụng điểm yếu này
để chia rẽ họ một cách có hệ thống. EU và Mỹ cũng rơi vào khủng hoảng năng lượng
và đang bị lạm pháp nghiêm trọng.
4.
Mục tiêu của chính
phủ Nga trong việc “đánh Ukraine để ngăn Ukraine tiến tới EU” đã không đạt được.
NATO cũng không kết nạp Ukraine như Putin lo ngại, nhưng hành động quân sự của Putin
đã tạo phản ứng ngược. Các nước như Phần Lan, Thụy Điển
vốn dĩ trung lập, nay đã xin gia nhập
NATO, nghĩa là vô hình trung, Putin đã giúp NATO mở rộng.
5. Qua trận chiến này, người ta nhìn thấy một Putin đầy mặc cảm và ảo tưởng. Hào quang một đế chế Nga với những vị Sa hoàng “vĩ đại” hoặc một cường quốc Liên Xô đã biến mất. Nước Nga ngày nay thua kém Trung Quốc một trời một vực. Nó cũng thua kém những nước chư hầu cũ của Liên Xô vốn dĩ không có cảm tình với Nga nên đã gia nhập cộng đồng Âu châu. Ukraine tựa vậy, cũng mong muốn gia nhập Âu châu. Điều này làm Putin tự ái, đánh đồng rằng Ukraine bài xích người Nga (dẫu Ukraine là một “người Nga nhỏ”). Đây cũng là một lý do khiến Putin tức giận và muốn “dạy cho Ukraine một bài học”. Mặt khác, cuộc chiến có vẻ như “giận cá chém thớt”. Giận Tây phương mà chém Ukraine để dằn mặt Tây phương.
6. Cũng qua trận chiến này, Mỹ và Âu châu đã nhận thấy thực lực
của Nga và con
châu chấu Ukraine tuy nhỏ bé nhưng
rất kiên cường. Ukraine có thể đánh bại Nga nếu có đầy đủ vũ khí. Chắc chắn EU
và NATO đã nhìn thấy Ukraine rất xứng đáng trở thành một “tiền đồn kiên cố” để bảo
vệ Âu châu về phía Đông.
Stuttgart, ngày 18 -11-2022
Dũng Vũ
(Hết)
Tài liệu tham khảo
Müller, Michael G.: Die Teilungen Polens
– – www.deutsche-digitale-bibliothek.de
Subtelny, Orest: Ukraine – A History.
University of Toronto Press, 2000
Kappeler, Andreas: Ungleiche Brüder
– Russen und Ukrainer vom Mittelalter bis zur Gegenwart, C.H.Beck, 2017
Edvard Radzinsky: The last tsar. The
life and death of Nicholas II. Doubleday, New York, 1992
Winston S. Churchill: Der Zweite Weltkrieg.
Stuttgart und Hamburg, Scherz & Goverts, 1949-1954
Michail Gorbatschow: Erinnerungen. Siedler,
Berlin, 1995
Paul D’Anieri: Gerrymandering Ukraine?
Electoral Consequences of Occupation. Sage
Journals, 9. August 2016
Putins “Neurussland” beunruhigt die
EU https://www.zeit.de/politik/ausland/2014- 08/ukraine-russland-putin-donezk)
https://www.pravda.com.ua/eng/news/2022/10/19/7372573/
http://www.ag-friedensforschung.de/regionen/Ukraine/russland2.html https://www.rtl.de/cms/ukraine-die-pro-europaeische-partei-sluha-narodu-von-
wolodymyr-selenskyj-gewinnt-die-parlamentswahlen-4375195.html
http://www.cvk.gov.ua/pls/vnd2014/wp300pt001f01%3D910.html
https://ukraineverstehen.de/umland-rechtsradikale-parteien-der-ukraine-2019/ https://knoema.de/atlas/Ukraine/Reales-BIP-Wachstum
https://web.de/magazine/politik/russland-krieg-ukraine/ukraine-russlands- blitzkrieg-gescheitert-putins-verheerende-bilanz-monaten-krieg-36804428
https://www.t-online.de/nachrichten/ausland/id_91866488/ukraine-krieg-wladimir- putins-zehn-gefallene-generaele-das-ist-ueber-sie-bekannt.html
Cuộc chiến chưa có hồi kết thúc.
Trả lờiXóaHN sang thăm.Chúc anh buổi chiều an lành thật vui nhé anh!
https://i.pinimg.com/originals/79/b0/0d/79b00d8c42d56c8bd37d387ac7094b7a.jpg
Chưa bên nào muốn ngưng cuộc chiến, đúng như vậy. Chỉ khổ cho người dân cả hai bên.
Trả lờiXóahttps://giffiles.alphacoders.com/726/7267.gif
cuộc chiến còn dai dẳng đó
Trả lờiXóa