Trang

30/04/2023

VẬY CÓ NÊN VÀO VIỆN DƯỠNG LÃO KHÔNG?


 Việc này thì tùy trường hợp. Theo tôi: 

  
         1- Nếu còn có thể ở nhà được mà vẫn an toàn thì ở nhà tốt hơn. Nếu tài chánh cho phép, thì dù mình không đủ khả năng lo cho mình, mình vẫn có thể mướn người "bán thời gian" (part time) đến lo cho mình vài giờ mỗi ngày, giúp ăn uống, tắm rửa, dọn dẹp trong nhà, thuốc men, chở đi bác sĩ... 
         2- Nếu không thể ở nhà được, mà tài chánh cho phép thì có thể ở những assisted living facilities. Ở đây thường họ chỉ nhận tiền (personal funds) chứ không nhận medicare & medicaid. Tại đây thì sự săn sóc sẽ tốt hơn. 
  
         3- Group homes (nhà tư): Có những người nhận săn sóc cho chừng 4-6 người mỗi nhà. Họ cũng lo việc ăn uống, chỗ ở, thuốc men, chở đi bác sĩ...Thường thì rẻ hơn tùy từng group. 
  
        4- Nếu "chẳng đặng đừng" phải vào VDL thì phải làm sao để có được sự săn sóc "tốt nhất"? 
  
                a- Làm sao để lựa chọn VDL:
 
* Vào internet để xem ranking của VDL (tương tự như các tiệm ăn có xếp loại A, B, C....) 
  
* Mỗi VDL đều phải có cuốn sổ phúc trình về các cuộc kiểm tra (survey) do bộ y tế làm hàng năm. Trong đó bộ y tế sẽ nêu lên những khuyết điểm mà họ đã tìm thấy. Cuốn sổ này được để ở khu công cộng (public area) trong khuôn viên của VDL. Hỏi receptionist thì họ sẽ chỉ cho. 
  
* Hỏi ý kiến thân nhân những người có thân nhân đang nằm tại đó. 
  
* Quan sát bên trong và ngoài của VDL: xem có sạch sẽ, không mùi hôi, nước tiểu. Theo dõi cách đối xử, săn sóc của nhân viên với bệnh nhân. 
  
* Nếu có thể thì tìm một VDL có nhiều người Việt đang ở để có nhân viên nói tiếng Việt, có thức ăn Việt, có chương trình giải trí theo kiểu Việt. 
  
                b- Nếu đã quyết định chọn VDL cho người thân rồi thì phải làm gì sau đó?
 
* Chuẩn bị tư tưởng không những cho bệnh nhân mà con cho cả chính mình và mọi người trong gia đình để có được sự chấp nhận (acceptance) càng nhiều càng tốt. 
  
* Thăm viếng thường xuyên: Nếu nhà đông con cháu thì không nên đến thật đông một lần rồi sau đó nhiều ngày không có ai đến. Nếu được, nhất là trong vài tháng đầu, luân phiên nhau tới, mỗi ngày một lần một vài người. Làm lịch trình ai đi thăm ngày nào, giờ nào... 
  
* Nên làm một cuốn sổ "thông tin" (communication book) để cạnh giường. Trong cuốn sổ này mỗi khi ai đến thăm thì viết ngày giờ, tên người đến thăm, và nhận xét xem bệnh nhân có vấn đề gì cần lưu ý, giải quyết. Nếu không có vấn đề gì thì cũng nên viết vào là không có hoặc cho nhận xét về vui, buồn, than thở của bệnh nhân... 
* Cuối tuần hay ngày lễ: nên có người vào hoặc mang bệnh nhân về nhà nửa buổi để được sống với không khí gia đình dù ngắn ngủi, hay đưa ra khỏi VDL để làm đầu, tóc hoặc tới tiệm ăn cho khuây khỏa... 
  
* Nên sắp xếp để bệnh nhân có sách báo, băng nhạc bằng tiếng Việt cho bệnh nhân giải trí. 
  
* Cho dù có những bệnh nhân bị hôn mê bất tỉnh lâu dài, nhưng khi đến thăm hãy cứ thì thầm bên tai họ những lời yêu thương, những kỷ niệm cũ. Nắm tay, xoa dầu để tỏ tình thương yêu. Tuy họ không có thể cảm thấy được 100% nhưng chắc chắn họ vẫn còn một chút nhận thức, làm họ hạnh phúc hơn, mặc dù mình không nhận thấy. Để bên đầu giường những băng nhạc, câu kinh mà khi còn khỏe họ đã thích nghe. 
  
* Một điều chót mà theo kinh nghiệm của tôi, rất có hiệu quả: đối xử tốt nhưng nghiêm túc với nhân viên của VDL: 

- Đối xử tốt: lịch sự, nhẹ nhàng, không thiếu những lời cám ơn cho những nhân viên phục vụ tốt. Thỉnh thoảng mua một vài món quà nhỏ cho họ (tôi xin nhấn mạnh “nhỏ thôi”– đừng nên coi đây là hối lộ) như đồ ăn, thức uống ...  để bày tỏ lòng biết ơn của mình. Mình tốt với họ thì họ sẽ quan tâm đến mình nhiều hơn. Người mình vẫn nói: "Có qua có lại mới toại lòng nhau"). 
  
            - Tuy nhiên đối xử tốt không có nghĩa là mình chấp nhận những sai trái của họ. Thí dụ mình đã báo cáo những thay đổi về sức khỏe của bệnh nhân cho họ mà không ai quan tâm giải quyết thì mình phải lịch sự nêu ra liền. Nếu cần thì gặp ngay những người có trách nhiệm như charge nurse, nursing director và ngay cả giám đốc của VDL để được giải quyết. Nên nhớ là phải lịch sự, nhã nhặn nhưng cương quyết thì họ sẽ nể phục mình. Tôi đã thấy nhiều trường hợp đạt yêu cầu một cách rất khả quan. 
  
Trên đây là những kinh nghiệm của tôi xin chia sẻ với quý bạn. Dĩ nhiên là không hoàn toàn đầy đủ tất cả những gì quý bạn mong muốn, nhưng hy vọng cũng đáp ứng được phần nào những ưu tư, lo lắng cho người thân của quý bạn.

Bs Trần Công Bảo 



29/04/2023

Nursing Home - Viện Dưỡng Lão

Cổ nhân có câu: "sinh, bệnh, lão, tử". Bốn giai đoạn này không ai có thể tránh khỏi. Chuẩn bị ứng phó với bệnh tật và tuổi già của mình và của thân nhân mình là điều ai cũng có dịp nghĩ tới, kể cả chính kẻ viết bài này là tôi cũng đang sắp sửa bước vào tuổi “thất thập cổ lai hi”. 
Anh bạn thân của tôi, Bs. TNT từ lâu có đề nghị tôi viết một bài về "Viện Dưỡng Lão" (VDL) để giúp bà con mình có thêm một chút khái niệm về VDL vì anh biết trong suốt 27 năm qua tôi đã liên tục săn sóc cho các cụ già tại các viện dưỡng lão, và cũng đã là "Giám Đốc Y Tế" (Medical Director) của nhiều VDL trong vùng. Nay tôi muốn chia sẻ cùng qúy bạn một số kinh nghiệm và hiểu biết về VDL. 
  
Trong Việt ngữ chúng ta thường dùng từ Viện Dưỡng Lão, nhưng trong Anh ngữ thì có nhiều từ khác nhau như Nursing home, Convalescent home, Rehabilitation and Nursing center, Skilled nursing facility (SNF), Rest home... Nói chung, VDL là một nơi cho những người bị yếu kém về thể xác không thể tự săn sóc cho mình được trong cuộc sống hàng ngày. Thí dụ như không thể nấu nướng, giặt giũ, đi chợ...  nặng hơn nữa như không đủ sức để làm những việc tối cần thiết cho cuộc sống như ăn uống, đi tiêu, đi tiểu... hoặc cần phải có thuốc men đúng lúc mà không thể tự làm được. 
  
Khi nói tới VDL người ta thường chỉ nghĩ tới những người già mà thôi. Thật ra có nhiều người "trẻ" nhưng vì tật bệnh không thể tự lo cho mình được cần phải có sự giúp đỡ của SNF (skilled nursing facility). Vậy thế nào là VDL?

VDL là nơi cung cấp những dịch vụ cần thiết cho cuộc sống hàng ngày cho những người không đủ khả năng lo cho chính mình. Tùy theo mức độ trầm trọng của bệnh tật mà có những VDL khác nhau: 

1- Skilled Nursing Facility (SKF): là nơi cung cấp những dịch vụ cho những người bị khuyết tật nặng như tai biến mạch máu não gây nên bán thân bất toại, hôn mê lâu dài, hoàn toàn không còn khả năng ngay cả trong việc ăn, nuốt, tiêu, tiểu... Thường thường tại SNF có hai phần: phục hồi (rehabilitation) và săn sóc sức khỏe (nursing care). Có những người sau khi được giải phẫu thay xương khớp háng (hip replacement), thay đầu gối (knee replacement), hay mổ tim (bypass, thay valve tim) … cần thời gian tập dượt để phục hồi (rehabilitation). Sau đó họ có thể về nhà sinh hoạt bình thường cùng gia đình. 
  
2- Intermediate care facility (ICF) : cung cấp dịch vụ cho những người bệnh như tật nguyền, già cả nhưng không cần săn sóc cao cấp (intensive care). Thường thường những người này không có thân nhân để lo cho mình nên phải vào đây ở cho đến ngày cuối cùng (custody care). 
  
3- Assisted living facility (ALF): Thường thường những người vào ALF vẫn còn khả năng tự lo những nhu cầu căn bản như tắm rửa, thay quần áo, đi tiêu, đi tiểu một mình được. Họ chỉ cần giúp đỡ trong việc bếp núc, theo dõi thuốc men và chuyên chở đi thăm bác sĩ, nhà thờ, chùa chiền hay mua sắm lặt vặt. Họ vẫn còn phần nào "độc lập". 
  
4-  VDL cho những người quá lú lẫn (Alzheimer facility):có những bệnh nhân bị lú lẫn nặng, đến nỗi không nhận ra người thân như vợ, chồng, con cháu nữa. Không biết tự đi vào buồng tắm, phòng vệ sinh để làm những công việc tối thiểu. Họ không biết họ ở đâu, dễ đi lang thang và lạc đường. Nếu ở nhà thì phải có người lo cho 24/24. Những VDL dành riêng cho những bệnh nhân này, thường là "locked facilty", cửa ra vào được khóa lại để bệnh nhân không thể đi lạc ra ngoài... Cách đây khá lâu đã có trường hợp một bệnh nhân đi ra khỏi viện, lạc đường, bị xe lửa cán chết! Từ đó có locked facilty. Đôi khi cũng có những viện bệnh nhân được gắn alarm vào cổ chân. Nếu bệnh nhân đi qua cửa thì alarm sẽ báo động và nhân viên sẽ kịp thời mang về lại.
  
NHỮNG DỊCH VỤ ĐƯỢC CUNG CẤP TẠI VDL : Điều này tùy theo từng viện. Tuy nhiên những dịch vụ sau đây là cần thiết: 
  
         1- Phòng ngủ. 
         2- Ăn uống 
         3 - Theo dõi thuốc men 
         4- Những điều tối thiểu hàng ngày như tắm rửa, thay quần áo, vệ sinh cá nhân... 
          5- 24/24 lo cho những trường hợp bệnh khẩn cấp. 
          6- Sinh hoạt hàng ngày như giải trí, tôn giáo... 
         7- Vật lý trị liệu. Dịch vụ này rất quan trọng để giúp người bệnh có thể phục hồi càng nhiều càng tốt. Trong vật lý trị liệu có nhiều dịch vụ khác nhau: 
                 a- Tập dượt (physical therapy): như tập đi, tập lên xuống cầu thang, tập tự vào giường ngủ hay ra khỏi giường một cách an toàn, không vấp ngã... 
                  b- Speech therapy: tập nói, tập nuốt khi ăn uống... Có những bệnh nhân bị stroke, không thể nói hay ăn được, cần được tập để phục hồi chức năng này. 
                 c- Occupational therapy: Tập mang giầy, bí tất (vớ)... Tập sử dụng bếp gaz, bếp điện cho an toàn để tránh bị tai nạn. 
  
AI TRẢ TIỀN CHO VDL? 
Có nhiều nguồn tài trợ khác nhau: 
  
        1- Medicare 
        2- Medicaid (ở California là Medi-Cal). 
        3- Bảo hiểm tư, có nhiều người mua sẵn bảo hiểm cho VDL. 
        4- Tiền để dành của người bệnh (personal funds).
  
MEDICARE là do qũy liên bang, chỉ trả tối đa 100 ngày cho những bệnh nhân cần tập dượt để phục hồi chức năng tại một skilled nursing facility (SNF). Thường những bệnh nhân bị stroke, gãy xương...  cần dịch vụ này. Medicare KHÔNG TRẢ cho custody care. 
  
MEDICAID là do qũy liên bang và tiểu bang. Qũy này trả nhiều hay ít là tùy từng tiểu bang.  Medicaid trả cho dịch vụ y tế và custody care. 
  
BẢO HIỂM TƯ  thì tuy theo từng trường hợp sẽ có những quyền lợi khác nhau, nhưng thường rất hạn chế. 
  
Hiện nay người ta ước lượng trên nước Mỹ có khoảng 1.4 triệu người sống trong 15,800 VDL.  Các VDL này đặt dưới sự kiểm soát của bộ y tế, đặc biệt là do Centers for Medicare & Medicaid Services (CMS) giám sát. Hàng năm các VDL đều phải trải qua một cuộc kiểm tra rất gắt gao (survey) của CMS. VDL nào không đúng tiêu chuẩn thì có thể bị đóng cửa! Mục đích kiểm tra của CMS là để bảo đảm cho các bệnh nhân tại VDL được săn sóc an toàn, đầy đủ với chất lượng cao. Đồng thời tránh những trường hợp bị bỏ bê (negligence) hay bạo hành (abuse) về thể xác lẫn tinh thần. Tại mỗi VDL đều có lưu trữ hồ sơ kiểm tra cho công chúng xem. Bất cứ ai cũng có thể xem kết quả của các cuộc kiểm tra này. Tất cả các VDL đều phải có các biện pháp để bảo đảm sự săn sóc cho bệnh nhân theo đúng tiêu chuẩn. Nếu không sẽ bị phạt tiền, và có những trường hợp bị đóng cửa. 
  
Trên đây tôi đã trình bày sơ qua về những điểm chính của VDL. Tuy nhiên, như quý bạn đã từng nghe và biết, có nhiều khác biệt giữa những VDL... Theo tôi nhận xét thì quan niệm chung của mọi người là "không muốn vào VDL". Chúng ta từng nghe những chuyện không tốt thì nhiều, mà những chuyện tốt thì ít. "Tiếng lành đồn gần, tiếng dữ đồn xa", là câu ngạn ngữ người mình vẫn nói từ xa xưa đến nay. Tôi đã đọc không biết bao nhiêu là bài viết về việc con cái "bất hiếu", bỏ bố mẹ, ông bà vào VDL rồi không đoái hoài tới. Tôi cũng thấy nhiều trường hợp các cụ vào VDL một thời gian rồi không muốn về nhà với con cháu nữa!  Trên đời này không có gì là tuyệt đối cả, trong cái hay có cái dở, và trong cái dở lại có thể tìm ra cái hay. Vậy chúng ta rút tỉa được kinh nghiệm gì trong vấn đề này? Tôi chỉ xin nêu lên những nhận xét chủ quan của riêng tôi mà thôi. Có thể quý vị không đồng ý hết, nhưng nếu rút tỉa được ít nhiều ý kiến xây dựng thì "cũng tốt thôi". 
 
NHỮNG "BỆNH" CÓ THỂ DO VDL GÂY RA:
  
        1- Lo lắng (anxiety): Trong tháng 9/2011 những nhà nghiên cứu hỏi ý kiến của 378 bệnh nhân trên 60 tuổi nằm VDL tại thành phố Rochester, New York. Kết qủa là có trên 27.3% trả lời là họ bị bệnh lo lắng, từ vừa đến nặng. Nếu không được chữa trị sẽ đưa đến bệnh trầm cảm (depression). Nên nhớ là 378 bệnh nhân này là người Mỹ chính cống, sinh ra và lớn lên tại Mỹ. Chúng ta hãy tưởng tượng người Việt mình không biết rành tiếng Anh, không hợp phong tục, tập quán thì sự khó khăn sẽ nhiều như thế nào! Còn một vấn đề nữa là thức ăn, chúng ta quen "nước mắm, thịt kho"..., làm sao mà có thể nuốt hamburger, sandwich… ngày này qua ngày khác! Các vấn đề này càng làm bệnh lo lắng, trầm cảm nặng thêm! 
  
        2- Phản ứng của thuốc (adverse drug reactions): Trong tháng 1/2012 ngưòi ta theo dõi các bệnh nhân tại VDL, kết qủa là ít nhất 40% các bệnh nhân dùng trên 9 loại thuốc khác nhau. Uống càng nhiều thuốc thì phản ứng càng nhiều. Có ba loại phản ứng khác nhau: 
  
               a- Phản ứng phụ (side effects): thí dụ như uống aspirin làm bao tử khó chịu, thuốc cao máu làm táo bón... Loại này thường xảy ra, không cần phải ngưng thuốc. 
  
                b- Drug interference: (tạm dịch là thuốc đối tác với nhau): có nhiều loại thuốc uống chung với nhau sẽ làm tăng hoặc giảm sức tác dụng. Thí dụ thuốc loãng máu coumadin mà uống chung với thuốc tim như amiodarone sẽ làm dễ chảy máu. Có những thức ăn hay nước uống dùng chung với thuốc cũng ảnh hưởng đến thuốc. Thí dụ uống nước bưởi hay nho với một vài loại thuốc cũng sẽ tăng sức tác dụng của thuốc, dễ gây ngộ độc. 
  
              c- Dị ứng với thuốc (allergic reaction): Loại này nguy hiểm hơn, thường làm da nổi mề đay, đỏ, ngứa. Nếu nặng thì có thể chết được như phản ứng với penicillin chẳng hạn. Nếu bị dị ứng thì phải ngưng thuốc ngay. 
  
         3- Ngã té (fall): Người già rất dễ bị té ngã gây nên nhiều biến chứng quan trọng như chảy máu trong đầu (intracranial bleeding), gãy xương (như gãy cổ xương đùi, tay...). Khi già quá hoặc có những bệnh ảnh hưởng đến sự di chuyển, không còn đi lại vững vàng, nhanh nhẹn như lúc trẻ nên dễ vấp, té ngã. 
  
       4- Da bị lở loét (decubitus ulcers): Những người bị liệt giường, không đủ sức để tự mình xoay trở trên giường, rất dễ bị lở loét da gây nên nhiều biến chứng tai hại. 
  
        5- Nhiễm trùng (infection): như sưng phổi, nhiễm trùng đường tiểu...nhất là những người cần phải dùng máy móc như máy thở (respirator), ống thông tiểu (Folley catheter)… 
  
    6- Thiếu dinh dưỡng, thiếu nước (malnutrition, dehydration): Ở các cụ già thì trung tâm khát (thirst center) trong não không còn nhạy cảm nữa, nên nhiều khi cơ thể cần nước mà không thấy khát không uống nên bị thiếu nước. Cái cảm giác "ngon miệng (appetite) cũng giảm đi nên không muốn ăn nhiều gây nên tình trạng thiếu dinh dưỡng.
Còn tiếp
BS Trần Công Bảo

 

28/04/2023

CẢI NHAU


Tôi năm nay đã 70 tuổi, tuổi Thân, vợ tôi tuổi Hợi. Thầy bói nói “Dần, Thân, Tị, Hợi” tứ hành xung. Nhưng tôi thấy vợ chồng tôi không hành xung cho lắm. Có lẽ chỉ ứng nghiệm vào cuối đời. Không biết các bạn thì sao, chứ vợ chồng tôi hiện giờ ngày nào không cãi nhau là không ăn cơm.

Tôi có 4 nguời bạn, đều thuộc diện thất thập cổ lai hi: một nhà giáo , một nhà văn , một quân đội , và một chủ nhà hàng.

Hằng tuần đều có họp mặt ăn nhậu, không birthday con, cháu, thì cũng đám giỗ ông cố ông sơ. Tuần này, không có đám gì, nên chúng tôi bàn mình họp mặt để kỷ niệm ngày sinh ông nội vợ của Fidel Castro vậy. Đề tài thảo luận là chuyện trời nắng trời mưa, chuyện xe cán chó, và chó cán xe.

Hôm nay thì bàn chuyện vợ chồng già cãi nhau. Đề tài này khá hấp dẫn, nên ông nào cũng muốn tham gia.

Ông quân đội nhanh chân phát biểu truớc:

- Các ông có biết không? mỗi cuối tuần tôi chở vợ đi siêu thị, tôi đẩy xe theo sau bà. Mua đầy xe, tôi hỏi bả “về chưa?” Bả nói ông chở cho tôi lại chợ khác mua một chai nuớc mắm. Tôi hỏi “Sao bà không mua ở đây luôn.” Bả nói: “Ở đây nuớc mắm tới 49.000đ, còn chợ kia chỉ có 45.000đ”. Từ chợ nầy đến chợ kia lái xe 45 phút, bả quên tính tiền xăng. Tôi với bả bắt đầu… cãi.

Ông nhà giáo chen vô:

- Còn tôi, khi lái xe, tôi quẹo tay phải, bả nói sao ông không quẹo tay trái. Tôi chạy nhanh, bả kêu tôi chạy chậm lại. Tôi chạy chậm, bả nói ông chạy như rùa bò. Tôi nói: “để tôi order hãng xe Toyota chế cho bà xe có 2 tay lái, để bà khỏi lái xe bằng miệng.” Và, thế là cãi nhau.

Ông nhà hàng lắc đầu và kể chuyện ông nghe đuợc như sau:

- Có ông kia lái xe chở bà vợ ngoài xa lộ, chạy nhanh, bị cảnh sát quay đèn chận lại. Cảnh sát hỏi “Ông có biết lỗi gì không?” ông chồng chưa kịp trả lời, bà vợ tươm tướp la lên! “Tôi đã nói ông rồi, ông chạy bạt mạng 7, 8 chục miles có ngày bị phạt mà ông không chịu nghe.”

Ông chồng giận dữ la bà vợ:
- Để tôi lo, bà im cái mồm bà lại đi.

Không ngờ ông Cảnh Sát này là người Việt, nghe đuợc tiếng Việt, hỏi bà vợ:
- Bộ ông chồng bà ở nhà cũng nạt nộ bà như vậy phải không?

Bà vợ liền trả lời:
- Đâu có. Bữa nào ổng uống ruợu say, ổng mới la như vậy.

Ông chồng nhận 1 giấy phạt vuợt tốc độ và 1 giấy phạt uống ruợu khi lái xe. Thế là vợ chồng lại cãi nhau.

Ông quân đội nghe nói nãy giờ nhảy vô:
- Bà ngoại con tép của tôi cũng không thua ai.

Bả nói với tui: “Sao tôi thấy ông ở Mỹ mấy chục năm rồi mà không hội nhập đuợc gì hết.”

Tôi tức quá:
- Bà không thấy tôi hội nhập sao?

Ai cao máu, tôi cũng cao máu, ai cao mỡ, tôi cũng cao mỡ, ai tiểu đường, tôi cũng tiểu đường, tôi còn hơn nguời ta cái thấp khớp nữa. Bà còn muốn tôi hội nhập gì nữa?

- Bà ngoại còn nói: “Ý tôi muốn nói là ông không biết galant như nguời Mỹ, mở cửa xe cho vợ, mua bó hoa tặng vợ ngày Birthday, ngày Valentine.” …

- Trời ơi! Tôi cũng muốn mở cửa xe cho bà lắm chứ, nhưng sợ người ta nhìn vào, người ta nói: “ thân bà một đống, cọp ăn 3 ngày không hết, bộ bà đó bị bịnh bại liệt gì mà không mở cửa xe được”.

Còn birthday của bà, tôi mua cho bà 1 bó rau muống, 1 bó hành, 1 bó ngò, bà còn muốn gì nữa. Thế là ông bà ngoại của con Tép bắt đầu cãi.

Ông nhà văn nãy giờ ngồi trầm ngâm, cuời mín chi, chậm rãi kể:

- Có một ông chồng đi sau xe chở quan tài của vợ đưa ra nghĩa trang. Ông bạn đi gần bên thấy ông này sao cái miệng nhép nhép như đọc kinh. Ông bạn tò mò đến gần hơn, thì nghe ông này không phải đọc kinh, mà ông ấy đang hát. Ông bạn hỏi: “Đám tang vợ vui vẻ gì mà ông hát?”

Ông chồng trả lời:

- Từ ngày cuới bả đến giờ, chỉ có hôm nay tôi đi chung với bả mà không cãi nhau”

Ông nhà hàng chen vô một chuyện khác. Ông kể năm rồi, ông phải mổ van tim. Bà vợ ngồi kế bên than: “Ông ơi, ông chết tôi chết theo”

Ông hoảng hồn: “Thôi bà ơi, để tôi đi một mình cho thanh thản, khỏi phải đi chung, khỏi phải cãi với bà”

Những chuyện đại loại như thế này, kể đến mai cũng không hết. Nhưng ngẫm lại, chỉ tội nghiệp cho mấy bà, suốt đời, lo cho chồng, cho con, từ cái ăn, cái mặc, lo lắng đủ điều, mệt bở hơi tai, cho nên nhiều khi tuởng ông chồng là con của mình, nên hơi to mồm lớn tiếng.

Đàn ông chúng ta phải nên thông cảm, chiều vợ, và sợ vợ cũng không sao. Nếu quí bạn nào thật sự muốn sống hạnh phúc, chết bình an thì hãy đọc mấy Sáu Điều Răn dưới đây của Hội Những Người Sợ Vợ. 



1. Kính vợ đắc thọ. Sợ vợ sống lâu. Nể vợ bớt ưu sầu. Để vợ lên đầu là truờng sinh bất tử.

2. Đánh vợ nhừ tử, là đại nghịch bất đạo. Vợ hỏi mà nói xạo là trời đất bất dung

3. Chê vợ lung tung là ngậm máu phun người. Gặp vợ mà không cười, là có mắt mà không tròng

4. Để vợ phiền lòng, là tru di tam tộc. Vợ sai mà hằn học là trời đánh thánh đâm.

5. Vợ gọi mà ngậm câm, là lòng lang dạ sói. Để vợ nhịn đói là tội nhân thiên cổ.

6. Để vợ chịu khổ là bất tài vô dụng. Trốn vợ đi ăn vụng là ngũ mã phân thây….



Còn ông nào không muốn sống kiểu này, thì kiếp sau xin đầu thai làm đàn ông Á Châu, để đánh vợ cho đã.

Trương Ngọc Thạch

26/04/2023

Chuyển hóa xung đột hôn nhân


 Người ta nói rằng chồng bát để lâu còn bị xô kia mà. Hôn nhân cũng vậy, có những lúc êm đềm hạnh phúc, có những lúc sóng gió, thậm chí có nguy cơ “đường ai nấy đi”. Nhưng chuyện đâu còn có đó!

Đây là 8 cách hóa giải:

1. Suy nghĩ lại. Khó có thể xoay chuyển xung đột ngay lập tức. Hãy từ từ làm “hạ hỏa” rồi mỗi người tự suy đi nghĩ lại. Kết quả sẽ rất bất ngờ!

2. Tôn trọng sự khác biệt. Chẳng ai giống ai hoàn toàn. Chẳng có chiếc lá nào giống y chiếc lá nào. Nếu bạn yêu vợ/chồng, hãy tôn trọng sự khác biệt của họ. Bạn có thể thấy rằng sẽ có điểm hợp lý để giải quyết xung đột.

3. Cùng cầu nguyện. Dù có thế nào thì cũng hãy cố gắng cầu nguyện cùng nhau. Điều này sẽ làm mới đời sống tâm linh và tăng mức yêu thương nhau.

4. Giải hòa. Bí quyết để xử lý xung đột là giải hòa. Hãy đối thoại chân thành để dàn xếp và tìm được điểm chung mà cả hai cùng thỏa lòng.

5. Lắng nghe. Hãy lắng nghe, nhất là đối với những điều không được nói ra, đừng cố chấp và luôn cho mình là đúng. Hãy tìm xem ý của vợ/chồng là gì.

6. Khôi hài. Hãy cố gắng khôi hài với nhau để “xóa nhòa” vết xung đột. Tiếng cười sẽ làm tan cơn giận rất mau!

7. Nhờ tư vấn. Nếu không thể tự giải quyết, đừng ngại nhờ người tư vấn. Người tư vấn có thể là chuyên gia tâm lý, hoặc là một người có uy tín với cả hai vợ chồng.

8. Yêu thương nhau. Khi xung đột, tình yêu bị lãng quên. Hãy nhớ lại tình yêu đã dành cho nhau và cố gắng bỏ qua cho nhau. Tình yêu sẽ lại “sáng lên” rất lạ đấy!

TRẦM THIÊN THU (Chuyển ngữ từ Beliefnet.com)

 

25/04/2023

CHUYỆN ĐI GRAB ...

            Nơi tôi đang ở hoàn toàn không có Grab hay taxi. Muốn đi đâu thì tự đi hay nhờ người nhà hoặc người thân.

            Về Sài Gòn phương tiện đi lại của tôi chỉ là ... Grab.

1. Trên xe, hỏi thăm chú em đang chở. Chú cho biết chú có vợ và 1 con 3 tuổi. Hỏi thêm thì chú cho biết là ban ngày chú làm nhân viên IT cho một công ty khá lớn. Chiều đến sau giờ rời khỏi công ty thì chú chạy thêm Grab để kiếm sống. Ngạc nhiên với cung cách sống đó và hỏi thăm. Chú em nói : “Dạ anh ơi ! Phải vậy thôi ! Vợ làm, chồng làm để tích lũy lo con cái chứ anh”.

Nghe thương quá ! Giữa cái thời buổi không thích làm hay làm biếng mà muốn có tiền nhưng lại có chàng thanh niên như thế này thì quả là tuyệt vời.

Thật thế ! Có người ích kỷ hay nại lý do này lý do khác để không làm thêm để lo cho con cái. Chàng thanh niên tôi gặp hôm nay quả tuyệt vời ! Chuẩn men và rất men ! Anh có trách nhiệm lo cho gia đình và con cái.

2. Cũng trên xe, hỏi chú em làm gì và chạy Grab. Chú nói : “Quê con ở Phan Thiết. Ban ngày con đang đi học. Con cố gắng tìm học bổng để qua Hàn Quốc học tiếp ...”

            Nể ! Có đứa có chí học cao để sau này đỡ vất vả. Có đứa có điều kiện lại bỏ học để cả đời lam lũ lao động chân tay chứ không để cho mình sống và kiếm sống bằng đầu óc.

            Với kinh nghiệm của bản thân. Có thể nói học là con đường để tiến thân tốt nhất. Dĩ nhiên không phải là ai có đại học hay trên đại học là thành công nhưng có thể nói trình độ và khả năng học vấn giúp cho con người ta rất nhiều trong cuộc sống. Nếu vịn cớ học để làm gì thì chắc có lẽ chẳng có ai đi học cả. Quanh tôi vẫn có những trẻ hiếu học và tìm đủ mọi cách để học tiếp sau đại học. Trân quý những người ham học.

3. Đi công việc về. Xe trung chuyển đến địa chỉ nhà bạn. Bạn đòi chở về nhà và chọc khi chở về với giá 20 ngàn vì giữa nhà tôi và nhà bạn cũng gần. Đi về mệt nên thôi không muốn cho bạn chở. Mở Grab lên Grab tính 18 ngàn. Đưa máy cho bạn xem và nói : “Mém chút nữa là tui mất 2.000 rồi. Nảy chào giá 17 hay 18 là tui khỏi đặt Grab rùi”.

            Nói vậy thôi, dù biết bạn tốt bụng nhưng không nên lợi dụng. Dù đi 18 nhưng đời nào trả 18 đâu. Thương chú chạy Grab rất nhiệt tình ! Dĩ nhiên là cảm ơn chú và gửi hơn con số Grab quy định.

            Lên xe hỏi gia cảnh thì thật thương. Chú nói nguyên mấy tháng dịch là chỉ có mì gói và mì tôm nhưng tôm trên bao vỏ. Nhìn chiếc xe Wave chú chở cái ông mập thì hiểu hoàn cảnh của chú rồi. Thương chú và thương cả con Wave cũ chở ông mập này.

            Đi Grab cũng là cơ hội để tiếp cận với những mảnh đời trong cuộc sống. Đâu đó để cảm thông với những người nghèo. Đơn giản tôi cũng là người nghèo.

            Và cũng nên tinh tế khi nhờ vả người khác. Cũng có những người cứ nại vào lòng tốt của người khác mà không chịu đặt Grab. Cũng tùy tình huống chứ không phải lúc nào thấy người khác dễ là lợi dụng.

4. Tui đâu có ngu đâu anh !

            Đó là câu nói đinh của người chở tôi về nhà trên phương tiện Grab.

            Câu chuyện là nói qua nói lại về chuyện cầm sổ đỏ hay nhảy cầu sau khi thua độ đá bóng. Anh chạy Grab nói luôn : “Tui đâu có ngu đâu anh. Tiền đi cá độ tui cầm một triệu tư đi mát xa cho sướng. Một triệu tư là có 2 em phục vụ sướng như tiên. Ngu gì đi cá độ chi cho nó mệt tim và đi nhảy cầu”.

            Nghe anh này nói thấy cũng vui vui ! Quan điểm của anh là hưởng thụ đơn giản chứ không mơ màng đến cá độ.

            Thật thế ! Cũng vì lòng tham mà nhiều người mất nhà mất cửa và mất xe, thậm chí còn mất mạng. Suy nghĩ và chọn sống như anh chàng này xem ra cũng là hay. Anh đơn giản tìm niềm vui thư giãn thay vì niềm vui trong những trận cá cược. Mà thực tế cho thấy trong mỗi mùa bóng thì không ít người phải tìm đến cái chết.

5. Lần sau đi Grab có chuyện vui sẽ kể tiếp ...

            Mỗi câu chuyện đời là mỗi chuyện buồn vui và là kinh nghiệm sống cho ta nếu như ta chịu khó ngâm cứu và học hỏi.

Lm. Anmai

 

24/04/2023

Ukraina : Tổng thống Zelensky ban hành đạo luật xóa dấu tích Nga khỏi nơi công cộng


 Tối 21/04/2023, tổng thống Ukraina Volodymyr Zelensky đã ký ban hành đạo luật cấm các tên các danh nhân hay sự kiện liên quan đến lịch sử Nga xuất hiện tại các nơi công cộng của Ukraina. Đây là một bước trong tiến trình phi địa danh Nga ở Ukraina, đã khá phổ biến từ sau cuộc cách mạng Cam 2014 và được dấy lên mạnh mẽ từ khi Nga phát động cuộc xâm lược Ukraina hồi tháng 2/2022.

Thông tín viên Stéphane Siohan tại Kiev tường trình :

Từ đầu cuộc chiến tranh trên quy mô lớn, nhiều tượng đài tưởng niệm các danh nhân Nga như nữ hoàng Catherine II ở Odessa, đã bị tháo dỡ và nhiều đường phố cũng bị đặt lại tên. Nhưng cho đến nay, các sáng kiến như vậy vẫn do chính quyền địa phương và hội đồng nhân dân quyết định.

Từ giờ trở đi, việc loại bỏ tên địa danh có gốc gác Nga là một chính sách của Nhà nước Ukraina.

Luật mới cấm các tên gọi hay các danh hiệu mang biểu tượng nước Nga như các địa điểm, thành phố, mốc thời gian hay các sự kiện lịch sử hoặc các danh nhân văn hóa...Cơ quan lập pháp chỉ được làm việc này theo đòi hỏi của nhân dân.

Hồi tháng Giêng năm nay, một kiến nghị của công dân đã thu thập được hơn 100 nghìn chữ ký đòi đặt lại tên quảng trường Lev Tolstoy,  một trong số các quảng trường chính ở thủ đô Kiev, thành quảng trường các « Anh Hùng Ukraina ».

Sắp tới, trạm tàu điện ngầm «  tình hữu nghị các dân tộc », một dấu tích khẩu hiệu tuyên truyền thời Liên Xô sẽ được đặt lại tên gốc theo khu phố.

Đạo luật do tổng thống Volodymyr Zelensky ký ban hành hôm 21/04 sẽ có hiệu lực trong 3 tháng nữa. Cũng cần phải nhắc lại, tiếng Nga là tiếng mẹ đẻ của chính ông Zelensky. Sau đó các tổ chức tập thể sẽ có 6 tháng để giải tỏa khỏi các nơi công cộng những biểu tượng Nga.

RFI

22/04/2023

Thác nước 7 tầng đẹp như tiên cảnh

Thác Erawan hay còn gọi là thác Bảy tầng là một thác nước tại tỉnh Kanchanaburi cách Bangkok khoảng 128 km, thác Erawan xinh đẹp là điểm đến sẽ khiến bạn đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác.

Khung cảnh của thác nước này khiến ai cũng phải say đắm, không uổng công lặn lội tìm tới. 

Thác Erawan

Thác này hình thành bởi suối Mong Lai và Omtala, nổi tiếng với 7 tầng. Thảm thực vật tươi tốt ở đây là nơi sinh sống của vượn, khỉ và các loài chim xinh đẹp.

7 tầng tạo ra những hồ bơi tự nhiên, nối với nhau bằng những con đường dài hàng dặm, mang tới cho du khách cơ hội được lặn hay ngâm mình trong những tảng đá vôi trắng xóa.


Được đánh giá là thác đẹp nhất ở miền Trung Thái Lan. Thác Erawan bắt nguồn từ suối Mong Lai, dòng nước đổ xuống từ những ngọn đồi với độ cao 2000 m và chảy vào sôngKhwae Yai. Thác được đặt theo tên con voi trắng ba đầu thần thoại của đạo Hindu sống trong rừng Himavarna.






Ngọn thác này nằm trong khu rừng xanh tươi của Công viên Quốc Gia Erawan. Để đến được thác nước, du khách phải đi 

qua một con đường mòn quanh co nhưng có khung cảnh rất cuốn hút. Đặc biệt tại đây còn có một động đá vôi lớn với tên 

gọi Wang Badan nằm ở phía Tây của công viên, bên trong có nhiều măng đá và thạch nhũ nhiều màu sắc.


Vườn quốc gia Erawan là điểm đến thu hút rất đông đảo du khách trên thế giới

ST


19/04/2023

Trí tuệ nhân tạo vượt kiến thức cờ hàng trăm năm trong 4 tiếng

 Chương trình cờ vua AlphaZero tự học thành thạo trò chơi, thậm chí sáng tạo ra những chiến thuật cực kỳ thông minh.


Trí tuệ nhân tạo tự học thành thạo cờ vua chỉ trong thời gian ngắn. Ảnh: The Register. 

Chương trình AlphaZero của DeepMind, công ty trí tuệ nhân tạo thuộc Google, học hỏi và vượt kiến thức hàng trăm năm của con người về cờ vua chỉ trong 4 tiếng đồng hồ, Telegraph đưa tin. Không chỉ nhanh chóng thành thạo trò chơi, AlphaZero còn nghĩ ra những chiến thuật hoàn toàn mới. Những chiến thuật này đang được các kiện tướng cờ vua phân tích.

Đáng chú ý, AlphaZero tự học cách chơi từ con số 0. Nó chỉ được lập trình với luật chơi cờ vua và phải tự tìm ra cách chiến thắng nhờ chơi đi chơi lại với chính mình. Năm 1997, siêu máy tính Deep Blue của IBM đánh bại đại kiện tướng cờ vua người Nga Gary Kasparov nhờ được lập trình những nước đi tối ưu nhất. Nhưng AlphaZero hoàn toàn tự học các chiến thuật chơi cờ.

Kiện tướng cờ vua Gary Kasparov so tài với siêu máy tính Deep Blue. Ảnh: Forbes.

 Kiện tướng cờ vua người Anh, Simon Williams, cho rằng thành tựu này có thể đi vào lịch sử. "Vào ngày 6/12 năm 2017, AlphaZero đã chiếm lĩnh thế giới cờ vua. Sau đó AlphaZero và DeepMind tiếp tục thống trị cờ vua, giải quyết trò chơi và cuối cùng nô dịch hóa con người như những vật nuôi", ông nói.

"Giờ chúng ta đã biết ai là chúa tể mới. Những ván cờ AlphaZero chơi cho thấy nó có thể tính toán những nước đi cực kỳ sáng tạo. Mức độ chuyên sâu của chúng vượt xa bất cứ thứ con người hay các máy chơi cờ từng nghĩ ra", David Kramaley, người điều hành website dạy chơi cờ Chessable, nhận định.

"Chương trình chắc chắn sẽ tạo ra một cuộc cách mạng trong cờ vua, nhưng hãy nghĩ về những ứng dụng ngoài trò chơi này. Nó có thể vận hành các thành phố, lục địa, thậm chí vũ trụ", ông bổ sung.

Nhóm nghiên cứu tại DeepMind muốn sử dụng thuật toán của chương trình để giải quyết những vấn đề lớn về sức khỏe. Họ tin rằng chương trình có thể nghĩ ra các phương pháp điều trị cho những căn bệnh nghiêm trọng trong vài ngày hoặc vài tuần, trong khi con người có thể phải mất hàng trăm năm.

Hãng này đã bắt đầu sử dụng AlphaZero để nghiên cứu protein cuốn gấp và hứa hẹn sẽ sớm công bố các phát hiện mới. Các protein sai lệch cấu trúc xoắn là tác nhân gây nên nhiều căn bệnh nghiêm trọng như Alzheimer, Parkinson và bệnh xơ nang.

Theo VNE

 


18/04/2023

Bệnh tự ảo tưởng về kiến thức của bản thân

Nếu bạn cho mình là thông minh và có học thức vừa phải, bạn có thể mặc định rằng mình nắm bắt vừa đủ về cách thức hoạt động cốt lõi của thế giới – kiến thức về những phát minh và các hiện tượng tự nhiên quen thuộc quanh mình.

Bây giờ, hãy nghĩ về những câu hỏi sau đây: cầu vồng được hình thành như thế nào? Tại sao ngày nắng có thể lạnh hơn ngày âm u? Làm sao trực thăng bay được? Bồn cầu xả nước như thế nào?

Tiếp theo, hãy tự hỏi bản thân: bạn có thể có câu trả lời chi tiết cho bất kỳ hay toàn bộ những câu hỏi trên không? Hay bạn chỉ nắm bắt mơ hồ những điều cốt lõi trong mỗi trường hợp?

Nếu bạn cũng giống như nhiều người tham gia nghiên cứu tâm lý, ban đầu bạn có thể cho rằng mình sẽ làm tốt. Tuy nhiên, khi được yêu cầu đưa ra câu trả lời đi sâu hơn cho mỗi câu hỏi, hầu hết mọi người đều hoàn toàn bối rối – cũng như bạn vậy.

Sự thiên lệch này được gọi là ‘ảo tưởng kiến thức’. Bạn có thể cho rằng những ví dụ cụ thể này là nhỏ nhặt – suy cho cùng, chúng là kiểu câu hỏi mà đứa trẻ tò mò có thể hỏi bạn, mà hậu quả tồi tệ nhất có thể là đỏ mặt trước mặt người thân.

Nhưng ảo tưởng kiến thức có thể gây hại cho phán đoán chúng ta trong nhiều lĩnh vực. Chẳng hạn, ở nơi làm việc, nó có thể khiến chúng ta đánh giá quá cao kiến thức của mình trong một cuộc phỏng vấn, bỏ qua đóng góp của đồng nghiệp và nhận những việc mà chúng ta hoàn toàn không thể làm được.

Nhiều người chúng ta trong cuộc sống hoàn toàn không biết gì về sự kiêu ngạo trí tuệ này và hậu quả của nó. Tin tốt là một số nhà tâm lý cho rằng có thể có một số cách đơn giản không ngờ để tránh cái bẫy tư duy phổ biến này.


Ẩn số chưa biết

Ảo tưởng kiến thức – còn được gọi là ‘ảo ảnh về chiều sâu giải thích’ – lần đầu tiên được đưa ra ánh sáng vào năm 2002.

Trong một loạt các nghiên cứu, Leonid Rozenblit và Frank Keil tại Đại học Yale trước hết đưa cho người tham gia những giải thích ví dụ về các hiện tượng khoa học và cơ chế hoạt động công nghệ, được chấm theo thang điểm từ 1 (rất sơ sài) đến 7 (rất thấu đáo). Điều này đảm bảo mọi người đều thống nhất khi đánh giá thế nào là hiểu biết ‘sơ sài’ hay ‘thấu đáo’ về một chủ đề.

Kế đó là bài trắc nghiệm. Khi được hỏi thêm các câu hỏi về khoa học và công nghệ, người tham gia phải đánh giá mức độ họ nghĩ mình có thể trả lời từng câu hỏi đến đâu, sử dụng cùng thang đo, trước khi viết ra câu trả lời càng chi tiết càng tốt.

Rozenblit và Keil nhận thấy đánh giá ban đầu của mọi người về hiểu biết của họ thường lạc quan quá mức. Họ cho rằng mình có thể viết cả bài dài về chủ đề này, nhưng thường chỉ kể ra được ý chính cơ bản nhất – và sau đó, nhiều người ngạc nhiên về mức độ họ biết ít thế nào.

Các nhà nghiên cứu ngờ rằng sự tự tin thái quá nảy sinh từ khả năng hình dung các khái niệm được nói đến; chẳng hạn, không khó hình dung trực thăng bay thế nào, và sự xuất hiện dễ dàng của hình ảnh đó trong tâm trí khiến mọi người thấy tự tin hơn để giải thích cơ chế chuyển động của nó.

Kể từ nghiên cứu bản lề này, các nhà tâm lý đã cho thấy ảo tưởng kiến thức trong nhiều bối cảnh khác nhau. Ví dụ, Matthew Fisher, phó giáo sư tiếp thị tại Đại học Southern Methodist, Texas, phát hiện rằng nhiều sinh viên ra trường đánh giá quá cao khả năng nắm bắt chuyên ngành đại học của họ, khi họ đã học xong.

Giống bài trắc nghiệm đầu tiên, người tham gia được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về các khái niệm khác nhau trước khi giải thích chi tiết. Tuy nhiên, lần này, các câu hỏi thuộc chủ đề họ đã học nhiều năm trước. (Ví dụ, sinh viên vật lý cố giải thích định luật nhiệt động lực học).

Nhờ sự tiêu hao trí nhớ tự nhiên, các sinh viên dường như đã quên nhiều chi tiết quan trọng, nhưng họ không thấy mình đã mất bao nhiêu kiến thức – khiến họ quá tự tin vào dự đoán ban đầu của mình. Khi đánh giá hiểu biết của mình, họ cho rằng họ vẫn biết nhiều như lúc họ hoàn toàn chìm đắm trong việc học.

Nghiên cứu sâu hơn chỉ ra rằng việc có sẵn tài nguyên trực tuyến có thể nuôi dưỡng sự tự tin thái quá của chúng ta, vì chúng ta nhầm lẫn kho tàng kiến thức trên mạng với trí nhớ của mình.

Fisher đã yêu cầu một nhóm trả lời các câu hỏi – chẳng hạn ‘dây kéo phéc-mơ-tuya hoạt động thế nào?’ – với sự hỗ trợ của công cụ tìm kiếm, trong khi nhóm khác chỉ được yêu cầu đánh giá hiểu biết của họ về chủ đề này mà không dựa thêm vào bất cứ nguồn nào. Sau đó, cả hai nhóm đã trải qua bài trắc nghiệm ban đầu về ảo ảnh kiến thức với bốn câu hỏi bổ sung – chẳng hạn ‘lốc xoáy hình thành thế nào?’ và ‘tại sao những đêm nhiều mây ấm hơn?’. Ông nhận thấy những ai dùng Internet trong câu hỏi ban đầu của họ thể hiện sự tự tin thái quá trong nhiệm vụ ngay sau đó.

Ảo tưởng về tiếp thu kỹ năng

Có lẽ nghiêm trọng nhất, nhiều người trong chúng ta đánh giá quá cao mức độ chúng ta học được bằng cách quan sát người khác – dẫn đến ‘ảo tưởng về khả năng tiếp thu kỹ năng’.

Michael Kardas, nghiên cứu sinh hậu tiến sĩ về quản lý và tiếp thị tại Đại học Northwestern, Hoa Kỳ, đã yêu cầu người tham gia xem các video lặp đi lặp lại về các kỹ năng khác nhau, chẳng hạn ném phi tiêu hoặc nhảy điệu moonwalk, đến 20 lần. Sau đó, họ phải ước tính khả năng của mình, trước khi tự mình làm việc đó. Hầu hết mọi người cho rằng chỉ cần quan sát các đoạn video họ sẽ làm được. Và càng xem nhiều, sự tự tin ban đầu của họ càng lớn.

Tuy nhiên, thực tế rõ ràng đáng thất vọng. “Mọi người nghĩ họ sẽ ghi điểm cao hơn nếu họ xem video 20 lần so với xem một lần,” Kardas nói. “Nhưng màn thể hiện của họ không cho thấy bằng chứng nào là họ đã học được.”

Khá kinh ngạc, quan sát thụ động còn có thể làm tăng sự tự tin của mọi người vào khả năng họ làm được các công việc phức tạp mang tính sống còn, chẳng hạn hạ cánh máy bay.

Kayla Jordan, nghiên cứu sinh tiến sĩ tại Đại học Waikato, New Zealand, người đứng đầu nghiên cứu này, đã được thôi thúc trực tiếp từ nghiên cứu của Kardas. “Chúng tôi muốn kiểm tra giới hạn của hiện tượng này - liệu nó có áp dụng cho các kỹ năng chuyên môn không.” Bà chỉ ra rằng phi công cần hàng trăm giờ huấn luyện và hiểu biết sâu sắc về vật lý, khí tượng và kỹ thuật, mà không thể tiếp thu được thông qua đoạn video ngắn.

Trước hết người tham gia được yêu cầu "tưởng tượng mình đang ở trên máy bay nhỏ. Do trường hợp khẩn cấp, phi công trở nên bất lực, và bạn là người duy nhất còn lại để hạ cánh". Sau đó, một nửa được cho xem đoạn băng dài bốn phút cảnh phi công hạ cánh, trong khi nửa còn lại không xem.

Quan trọng là đoạn băng thậm chí còn không cho thấy bàn tay phi công làm gì trong quá trình – nó không có giá trị hướng dẫn nào. Tuy nhiên, nhiều người xem đoạn clip trở nên lạc quan hơn nhiều về khả năng tự hạ cánh an toàn. “Họ tự tin hơn khoảng 30%, so với những người không xem,” Jordan nói.


Thế lưỡng nan ngoài đời thực

Ảo tưởng về kiến thức có thể có những hậu quả quan trọng. Quá tự tin vào kiến thức có thể có nghĩa là bạn chuẩn bị ít hơn chẳng hạn cho phỏng vấn hay thuyết trình, khiến bạn xấu hổ khi bị ép phải thể hiện chuyên môn.

Tự tin thái quá có thể là vấn đề khi bạn muốn thăng chức. Khi quan sát mọi người từ xa, bạn có thể mặc định mình biết công việc đó làm thế nào và bạn đã tiếp thu các kỹ năng cần thiết. Tuy nhiên, một khi bắt tay vào việc, bạn có thể nhận ra rằng công việc này có nhiều thứ mà chỉ nhìn thôi thì không biết được.

Nó cũng có thể khiến chúng ta đánh giá thấp đồng nghiệp. Giống như cách chúng ta nhầm lẫn kiến thức trên Google với kiến thức chính mình, chúng ta có thể không nhận ra mình dựa vào kỹ năng và khả năng của người xung quanh đến mức nào. “Khi thấy kỹ năng và nền tảng kiến thức của người khác – đôi khi mọi người có thể nhầm lẫn đó phần mở rộng của những gì họ bản thân biết,” Jordan nói.

Nếu chúng ta bắt đầu cho rằng kiến thức của đồng nghiệp là của mình, chúng ta ít có khả năng nhớ và thể hiện lòng biết ơn đối với đóng góp của họ - hình thức kiêu ngạo vốn là lỗi phổ biến nơi công sở. Đánh giá quá cao kiến thức bản thân và quên đi sự hỗ trợ mà bản thân nhận được từ người khác cũng có thể gây vấn đề nghiêm trọng khi chúng ta cố gắng một mình một chợ với dự án solo.

Có thể làm gì để tránh những cái bẫy này?

Một giải pháp rất đơn giản: kiểm tra bản thân. Ví dụ: nếu bạn đánh giá năng lực bản thân trong việc thực hiện một công việc không quen, đừng chỉ dựa vào ý tưởng mơ hồ, chung chung về nó sẽ là như thế nào.

Thay vào đó, hãy bỏ thêm chút thời gian suy nghĩ cẩn thận về các bước phải làm để đạt mục tiêu. Bạn có thể thấy có những lỗ hổng lớn trong kiến thức của bạn mà bạn cần phải lấp đầy trước khi tung mình ra.

Tốt hơn nữa, bạn có thể tìm đến chuyên gia và hỏi họ làm gì – cuộc trò chuyện có thể dằn lại bất kỳ những gì mà bạn có thể kiêu ngạo rằng mình biết.

Do công nghệ có khả năng thổi phồng niềm tin vào kiến thức của bạn, bạn cũng có thể tiết chế thói quen lên mạng của mình.

Fisher cho rằng nên dừng lại một chút và cố gắng hết sức để nhớ trước khi tìm kiếm trên mạng. Bằng cách ý thức những khiếm khuyết kiến thức của mình, bạn có thể bắt đầu có đánh giá thực tế hơn về trí nhớ của mình và giới hạn của nó.

Bạn cần chấp nhận tình trạng mình thấy bối rối,” ông nói. “Bạn phải cảm nhận được sự thiếu hụt kiến thức của mình, là điều vốn mấy không dễ chịu.

Mục tiêu của tất cả những việc này, là để trở nên khiêm tốn thêm một chút - một trong các ‘đức tính trí tuệ’ cổ điển được các triết gia tôn vinh.

Bằng cách nhận ra ảo tưởng kiến thức của chúng ta về và thừa nhận giới hạn trong hiểu biết của mình, tất cả chúng ta có thể gạt qua các bẫy tư duy đáng tiếc để có được suy nghĩ và quyết định khôn ngoan hơn.

Tác giả : David Robson

Nguồn: BBC Worklife 

 

17/04/2023

LÀM “KHÁCH” TRONG HÔN NHÂN

Các cụ ngày xưa có câu: “Vợ chồng coi nhau như khách”, hồi còn là cô gái trẻ, tôi chưa hiểu ý nghĩa thực sự của câu nói đó. Ấy thế mà sau này khi lập gia đình, điều tưởng như hết sức “vô lý” này lại trở thành một trong những kim chỉ nam giúp tôi luôn được là chính mình trong hôn nhân.

Vốn dĩ khi khách đến nhà, chúng ta đều chào đón họ một cách nồng hậu, nhiệt thành nhất. Nhà cửa sẽ được chúng ta dọn dẹp sạch đẹp, chúng ta sửa soạn hoa thơm, thức uống, món ngon, thậm chí còn mở nhạc nhè nhẹ du dương, quần áo đang phơi ngoài hiên được rút vào, ghế bàn sửa soạn tinh tươm. Rồi chúng ta thay bộ quần áo đẹp, thậm chí còn trang điểm nhẹ nhàng cho xinh… và chờ khách tới.

Điều này nghe có quen quen không nhỉ? Có nhắc bạn nhớ lại những ngày đón tiếp khách, hay chính là những ngày đầu yêu nhau và hẹn hò với người yêu, người chồng của mình?


Vậy điều gì thay đổi sau hôn nhân? 

Thời gian! Đầu tiên là thay vì ngày trước một tuần chúng ta đi chơi với nhau vài lần, mỗi lần một vài tiếng, thì giờ đây chúng ta sống chung với nhau 24/7 mỗi ngày, ngày này qua ngày khác, hàng tháng, hàng năm, bất kể nắng, bất kể mưa, nhiều lần sinh nhật, ngày Tết, mùa hè, mùa đông. Vậy điều gì sẽ xảy ra?

Thay vì chúng ta luôn sửa soạn và dành cho nhau những năng lượng tươi mới, vui vẻ nhất, những hình ảnh tươm tất, hoàn hảo mỗi khi hẹn hò; giờ đây việc ngày nào cũng ở cạnh bên, sau những tháng ngày đầu “trăng mật”, chúng ta sẽ trở nên thoải mái hơn với nhau.

Nói đến đây, nhiều bạn sẽ bảo rằng: “Thoải mái là điều tốt mà. Vợ chồng mà không thoải mái, không được là chính mình khi ở bên nhau thì còn gì là vợ chồng.” Đúng vậy, khi đã kết hôn và trở thành bạn đời của nhau, điều quan trọng trong mối quan hệ hai thành một này đó là phải được là chính mình, thoải mái và thành thật để có thể cùng nhau chia sẻ.


Nhưng bạn hãy nhớ, thoải mái khác với xuề xòa, tuềnh toàng. Thoải mái là khi bạn có thể để mặt mộc mà hoàn toàn có thể tự tin biết rằng người ấy vẫn cảm thấy bạn xinh đẹp, bạn có thể thoải mái mặc đồ mặc nhà nằm xem tivi mà không sợ bị “đánh giá”. Đối với tôi, tôi luôn cố gắng tươm tất khi ở nhà. Tôi luôn tự hỏi bản thân: “Mình có cảm thấy có thể yêu chính mình được không?” – nếu bản thân mình cảm thấy mình cần tắm nước nóng cho xả mọi stress và bận rộn, nếu tôi cảm thấy cần chăm sóc da dẻ để loại bỏ cảm giác “khô khan”; và khi tôi cảm thấy mình thơm tho, quần áo gọn gàng, tươm tất, kể cả trong lúc ở nhà, tôi có thể chân thực mà trả lời rằng: “Tôi cảm thấy mình thoải mái và đáng yêu”, đó cũng là lúc tôi sẵn sàng để nhận sự yêu thương của chồng mình.

ST



 

16/04/2023

SOCARATES DẠY CHÚNG TA NHỮNG GÌ?

Socrates là một triết gia Hy Lạp, một thiên tài bí ẩn- Một thiên tài đã đưa ra một quy chuẩn hoàn toàn mới cho triết học phương Tây.

Tiêu chuẩn do ông đặt ra, lý luận phê bình, cách nhìn của ông về cuộc sống và sự vật xung quanh đã khiến ông trở thành nguồn cảm hứng đáng ngưỡng mộ cho nhiều người học được lời dạy của ông.

Socrates sống một cuộc đời nghèo khó. Mặc dù là một nhân vật quan trọng trong triết học, ông không bao giờ để lại một lời nào về bản thân. Mặc dù chúng ta biết rất ít về cuộc đời của ông ngoại trừ những thông tin được ghi lại bởi các học trò của ông, bao gồm cả Plato, nhưng những gì chúng ta biết rõ ràng rằng ông có một triết lý và nhân cách độc đáo và mạnh mẽ.

Mặc dù chúng ta đang sống trong một thế giới khác với thời Socrates và có thể cuộc sống chúng ta đang sống bây giờ cũng khác nhiều nhưng những gì ông ấy từng nói vẫn áp dụng vào việc chinh phục của chúng ta để có được một cuộc sống yên bình và hạnh phúc hơn.

Sự khôn ngoan thực sự duy nhất là biết rằng bạn không biết gì.
Bạn không thể học bất cứ điều gì nếu bạn nghĩ rằng bạn đã biết nó nếu bạn tin rằng bạn đã là một chuyên gia và không còn gì để học nữa thì bạn thực sự sẽ không có gì để học.

Mở rộng tâm trí của bạn, ý thức rằng bạn có thể sai hoặc nhầm lẫn và bạn có thể sẵn sàng học hỏi. Ngoài ra, cho dù bạn biết bao nhiêu đi nữa, thì có một lượng gần như vô hạn những thứ mà bạn không biết. Bạn sẽ gặp nhiều người khác nhau trong cuộc sống của mình với những kinh nghiệm và kiến ​​thức khác nhau, bạn sẽ gặp một nhà công nghiệp và một người ăn xin trong cùng một ngày, và bạn phải tò mò học hỏi từ cả hai và cố gắng hiểu các vấn đề của cả hai người và giải quyết vấn đề của họ cho phù hợp.

 Tâm trí rất giỏi thảo luận về ý tưởng, trung bình khi thảo luận về các sự kiện, và yếu ớt khi thảo luận về mọi người.
Tán gẫu và tham gia vào những cuộc nói chuyện phiếm không hiệu quả và không dẫn bạn đến đâu là công việc của những bộ óc nhỏ hơn, những bộ óc mạnh mẽ hơn thảo luận về những ý tưởng nắm giữ sức mạnh để đưa ra sự thay đổi nhằm cải thiện một người và tất cả.

Thật không may, thế hệ này đang chạy theo con người và cuộc sống của họ hơn là ý tưởng. Họ quan tâm đến việc biết người nổi tiếng cụ thể đang ăn hoặc mặc gì thay vì nghĩ ra những ý tưởng có thể thay đổi thế giới tốt đẹp hơn.

Người không bằng lòng với những gì mình có, sẽ không bằng lòng với những gì mình muốn có.
Một số người luôn có cảm giác thiếu thốn, mong muốn có được nhiều hơn và nhiều hơn nữa. Khi ham muốn này không được kiểm soát, chúng ta gọi nó là tham lam. Mặt khác, nếu bạn có thể bằng lòng với những gì bạn có, có nhiều hơn sẽ tốt hơn, nhưng không hoàn toàn cần thiết.

Người luôn ước ao nhiều hơn thay vì biết ơn những gì mình có sẽ không bao giờ hạnh phúc ngay cả khi đã nhận được nhiều hơn. Chúng ta cần đánh giá cao những gì chúng ta có, tận hưởng và hài lòng với bất cứ điều gì chúng ta may mắn và vũ trụ sẽ thưởng cho chúng ta nhiều hơn thế.

‘Gnothi Seuton’ (tự biết mình)
Một trong những cách để biết mình là hiểu hệ thống niềm tin của bạn. Theo Socrates, niềm tin của chúng ta nằm trong tiềm thức và chúng ta ít bận tâm đến việc kiểm tra chúng một cách nghiêm túc trước khi chấp nhận chúng. Do đó, chúng ta từ chối nghe bất cứ điều gì mâu thuẫn với niềm tin của mình. Bây giờ làm thế nào để chúng ta biết hệ thống niềm tin của chúng ta đang có vấn đề ở đâu?

Chà, bạn có thể làm một bài kiểm tra tâm lý hoặc có thể thiền hoặc cách dễ dàng và dễ hiểu nhất là tự quan sát. Bạn không thể đổ lỗi cho TV, giáo viên, cha mẹ, bạn bè hoặc thậm chí chính bản thân bạn về niềm tin mà bạn có và việc chơi trò đổ lỗi ở đây thậm chí không quan trọng. Điều quan trọng là bạn muốn thoát khỏi nó ngay bây giờ.

Bạn cần quan sát chính mình về cảm xúc và suy nghĩ của mình và buông bỏ những niềm tin mà bạn đang nắm giữ một cách mù quáng và thứ đang kìm hãm bạn. Câu trả lời cho câu hỏi của bạn nằm ở bên trong bạn!

Các cuộc chiến và các cuộc cách mạng và các cuộc đấu đá là do cơ thể và mong muốn của nó.
Tất cả các cuộc chiến tranh đều diễn ra để giành lấy của cải, và lý do tại sao chúng ta phải giành lấy của cải chính là nhu cầu của thể xác bởi vì chúng ta là nô lệ của nó.
Khát vọng bất diệt của con người để có được của cải chỉ để phục vụ cho thân thể của mình là căn nguyên của hầu hết những điều xấu xa mà thế giới nhìn thấy ngày nay.

Các cuộc chiến
, theo cách này hay cách khác, luôn là cuộc tìm kiếm sự giàu có và quyền lực.
Khát khao có được của cải và quyền lực vốn chỉ là nhất thời đã khiến đàn ông đổ sông đổ máu. Bất kỳ người đàn ông nào có thể vượt lên trên niềm tin phục vụ thân thể của mình và chấp nhận toàn bộ bản thân mình sẽ không khao khát chiến tranh hay sự giàu có và ở đó bằng cách sống một cuộc sống hòa bình và thịnh vượng.

Những lời cầu nguyện của chúng ta nhìn chung là để cầu xin phước lành, vì Chúa biết rõ nhất điều gì tốt cho chúng ta.
Đây là một bài học sâu sắc - rất sâu sắc từ Socrates. Chúng ta có thể nghĩ rằng chúng ta biết điều gì tốt hơn cho mình và tiếp tục cầu nguyện và ước mong điều đó, nhưng chúng ta có thực sự hiểu được một khía cạnh khác của điều ước đó không?

Có một câu nói nổi tiếng khác "hãy cẩn thận với những gì bạn muốn, bạn có thể đạt được nó." Vì vậy, tại sao chúng ta không giao quyền quyết định những gì tốt nhất cho chúng ta trong tay Chúa và cầu nguyện cho sức khỏe của mọi người.

Hòa bình và thịnh vượng cho tất cả mọi người trên trái đất. Cầu nguyện cho một điều, chúng ta có thể ước một điều gì đó ít hơn hoặc một điều gì đó sai trái nhưng cầu nguyện cho cả tập thể, chúng ta đang cầu nguyện cho một điều gì đó không thể sai và để được đền đáp, Chúa có thể ban phước cho bạn bằng những gì tốt nhất cho bạn.

Từ những ham muốn ẩn sâu nhất thường đi đến sự căm ghét chết người.
Mong muốn ẩn sâu là một động lực mạnh mẽ, đặc biệt là khi bị cản trở. Và mong muốn ẩn sâu thường không được thực hiện. Những cảm xúc rất mạnh này, chưa được đáp ứng đầy đủ, có thể dẫn đến những cảm xúc mạnh mẽ không kém khác.
Thông thường, điều đó thể hiện như một sự căm ghét hoặc giận dữ lớn. Chỉ điều đó thôi đã là một lý lẽ mạnh mẽ chống lại việc sống trong một trạng thái cảm xúc mạnh trong bất kỳ khoảng thời gian nào. Cảm xúc là tốt, nhưng chúng vẫn cần giới hạn. Khi chúng ta hoàn toàn đắm chìm trong những đam mê của mình, những khao khát ẩn sâu của chúng ta, đó là lúc chúng ta thấy khinh thường bản thân, cả người khác.

ST