Khi xem lại toàn bộ các ca tư vấn về ngoại tình, tôi bất ngờ
phát hiện có đến đến hơn 80% rơi vào các gia đình có nhà lầu, xe hơi, thu nhập
bình quân cao. Hóa ra ngoại tình là căn bệnh của... nhà giàu?
Hầu hết những khách hàng có chồng ngoại tình đến trung tâm xin
tư vấn trong thời gian gần đây đều là những “quý bà” phục sức sang trọng, đi ô
tô. Câu chuyện của họ chỉ khác nhau về tiểu tiết còn đại loại là giống nhau:
Một ông chồng thành đạt và lắm tiền. Một bà vợ tuổi không còn trẻ nữa, nhiều
người nhan sắc tàn phai, nét mặt lạnh lùng và u ẩn. Họ còn giống nhau ở chỗ hầu
như đều có một quá khứ hạnh phúc trong cảnh gia đình thanh bạch, nghèo khó.
Khi chuyên viên tư vấn gợi mở: “Theo chị, bản chất anh ấy có
phải là người trăng hoa không?”. Gần như không phải nghĩ, bà Lan ở quận Thanh
Xuân, Hà Nội trả lời ngay: “Không! Chúng tôi yêu nhau từ hồi còn đi học. Ra
trường, cả hai vất vả long đong mãi mới tìm được việc làm. Cảnh nhà rất
nghèo khó, bạn bè cũng toàn người nghèo. Nhưng anh ấy rất thương vợ con. Có lần
tôi ốm, anh ấy đi cắt thang thuốc Bắc cho vợ mà trong túi không đủ tiền. Ông
thầy lang cám cảnh không lấy tiền còn cắt thêm cho mấy thang mang về”. Kể đến
đấy, hai mắt bà Lan ngấn lệ.
Niềm hạnh phúc và nỗi bất hạnh của bà Lan gần như đến cùng một
lúc khi công ty của chồng bà chuyển sang kinh doanh bất động sản và ông được đề
bạt làm trưởng phòng kế hoạch. Những bữa ăn cơm nhà cứ thưa dần. Những buổi tối
đi tiếp khách nhiều hơn, có khi đến nửa đêm mới về trong dáng vẻ no nê thỏa mãn
chỉ cốt lên giường tìm giấc ngủ.
Đau đớn nhất là tuần trước, phát hiện ông sống với một cô gái
trẻ như vợ chồng trong một căn nhà sang trọng. Bị bắt gặp tại trận, ông nói
thản nhiên: “Tôi không phải người vô trách nhiệm với gia đình. Tôi lo cho vợ
con đầy đủ chẳng thiếu thứ gì. Bà muốn ô tô, có ô tô. Con muốn nhà, có nhà. Giờ
các người còn muốn gì nữa? Đời người có hạn. Tôi già rồi, chẳng sống được bao
lâu nữa, tôi thích cái gì thì tôi làm. Vợ con, ai muốn gì tôi cũng chiều. Hay
bà muốn ly hôn thì tùy bà. Tôi chấp nhận”.
Có phải khi nghèo khó, vợ chồng yêu thương nhau hơn? Điều
này không khó giải thích lắm. Là vì trong cảnh nghèo khó, quan hệ vợ chồng đơn
giản hơn. Họ kết hôn bằng tình yêu và gắn bó với nhau cũng bằng tình cảm thuần
túy. Cái gắn kết hai người chính là tình yêu thương nhau.
Cảnh chưa hết tháng đã hết tiền, cảnh vợ tính toán chi li từng
đồng, anh ta nhìn thấy được nên thường quan tâm an ủi người bạn đời. Có anh còn
tỏ ra áy náy, tự dằn vặt mình, khiến cho vợ cảm động, lại quay ra động viên, an
ủi chồng.
Nhiều người chấp nhận cảnh nghèo một cách vui vẻ, vẫn sống vô
tư, yêu đời. Trong hoàn cảnh đó, người chồng cũng cảm nhận được tình yêu từ vợ.
Anh ta cố gắng sao cho
cuộc sống đầm ấm hơn, và tình yêu tỏa sáng trong cảnh khó khăn, thiếu thốn.
Những câu hỏi đặt ra cho xã hội hiện đại là:
- Có cách nào làm cho những người chồng dù giàu lên vẫn yêu
thương vợ như thuở hàn vi?
- Làm sao để đồng tiền vào nhà, hạnh phúc không ra khỏi cửa?
Đi sâu vào tâm lý người đàn ông mới thấy nó đang diễn ra một quá
trình biến đổi không khó hiểu lắm. Trước hết, anh ta ý thức được sức mạnh của
đồng tiền và nghĩ cứ có tiền là giải quyết được hết. Anh ta đã tạo ra một cuộc
sống sung túc và như thế, anh ta tin rằng đã làm tròn trách nhiệm với gia đình.
Anh ta có quyền vui chơi, hưởng thụ, có quyền được sống cho riêng mình.
Có anh còn lý sự :"Cô còn muốn gì, sướng không biết đằng
sướng! Nhà cao cửa rộng, con đi du học, kinh tế không phải lo, khối người mơ
không được".
Nhưng nói như thế không có nghĩa là mọi gia đình giàu lên đều
bất hạnh. Không ít trường hợp nhờ đồng tiền mà hạnh phúc của họ được điểm tô.
Bí quyết của họ là gì?
Có thể họ làm đúng câu ngạn ngữ của người Anh: “Đàn ông xây nhà,
đàn bà xây tổ ấm”. Ngọn lửa hạnh phúc gia đình bao giờ cũng được duy trì bởi
người phụ nữ. Làm vợ khi chồng nghèo đã khó, làm vợ khi chồng giàu còn khó hơn.
Trước hết, người vợ nên tỏ ra cảm kích việc chồng đã đem lại sự
sung túc cho gia đình để vợ con có một cuộc sống tiện nghi đầy đủ. Người vợ cần
thừa nhận tài năng của chồng, tỏ ra khâm phục và tự hào.
Khi chồng giàu lên, tất nhiên giao thiệp xã hội cũng mở
rộng hơn. Khách đến nhà tấp nập hơn, đi đây đi đó nhiều hơn.
Trong bối cảnh đó, người vợ phải “nâng cấp” dáng vẻ bên ngoài
của mình lên để không tương phản với sự sang trọng mà mình được hưởng và nhất
là không “cọc cạch” với chồng, phải học hỏi để nâng cao kiến thức, tăng thêm
hiểu biết.
Nuôi dưỡng tâm hồn ngày càng phong phú, tươi vui, dí dỏm hơn.
Đặc biệt cách cư xử với anh em, họ hàng, bạn bè, đối nội, đối ngoại là việc
người vợ nên đảm nhiệm, không nên đẩy tất cả cho chồng.
Nói nghe đơn giản nhưng để thực hiện được không dễ chút nào. Nó
đòi hỏi người vợ phải luôn luôn cố gắng.
Suy cho cùng có hạnh phúc nào ở đời mà chẳng phải cố gắng.
Trịnh
Trung Hòa
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.