Trang

12/01/2022

Hoàng gia Nhật Bản tiến thoái lưỡng nan

                             

Dù hoàng gia Nhật Bản đối mặt nguy cơ không còn người kế vị do thiếu thành viên nam đủ điều kiện, vì nhiều định kiến, cuộc thảo luận để giải quyết tình thế lại không được thúc đẩy.

Do quy định cấm trao ngôi vị cho phụ nữ, vị trí của Nhật hoàng Naruhito - 61 tuổi - một ngày nào đó sẽ dành cho cháu trai của ông là Hoàng tử Hisahito, thay vì người con duy nhất của ông là Công chúa Aiko.

Tuy nhiên, nếu Hoàng tử Hisahito (15 tuổi) về sau không thể có con trai, thì hoàng tộc - với bề dày lịch sử hơn 2.600 năm - sẽ hết thành viên nam để kế vị.

Các cuộc thăm dò cho thấy công chúng ủng hộ rộng rãi ý tưởng để phụ nữ đảm nhận vai trò của hoàng đế - một người không nắm quyền hành về chính trị theo hiến pháp của Nhật Bản từ thời hậu Thế chiến II, nhưng lại mang ý nghĩa biểu tượng to lớn.

Vậy nhưng, áp lực phải tuân theo truyền thống lâu đời từ các nhà lập pháp và cử tri bảo thủ, những người coi hoàng gia là tấm gương hoàn hảo của một gia đình Nhật Bản gia trưởng, khiến việc kế vị của phụ nữ khó có thể sớm xảy ra, theo AFP.

"Công chúa Aiko lên ngôi thì có gì sai?"

Các quan chức đang cân nhắc những giải pháp khả thi cho tình thế tiến thoái lưỡng nan này. Tuần trước, một hội đồng nhận ủy quyền đặc biệt đã đệ trình 2 đề xuất lên chính phủ.

Đề xuất đầu tiên là cho phép thành viên nữ giữ tước vị và nghĩa vụ công khi họ kết hôn với thường dân. Hiện tại, nếu làm vậy, họ phải rời khỏi hoàng gia, như cựu Công chúa Mako Komuro phải làm hồi tháng 10 sau khi kết hôn với người yêu thời đại học.

Đề xuất thứ hai là cho phép những người đàn ông từ 11 nhánh họ hàng trước tái gia nhập hoàng tộc thông qua việc nhận con nuôi. Những nhánh này đã bị loại bỏ trong cuộc cải cách sau chiến tranh

 


Công chúa Aiko - con gái duy nhất của Nhật hoàng Naruhito. Ảnh: AFP

Báo cáo của hội đồng khuyến nghị các quy tắc về nam giới kế vị được bảo tồn ít nhất cho đến khi Hoàng tử Hisahito trở thành hoàng đế.

Tuy nhiên, những ý tưởng của hội đồng "hoàn toàn không dựa trên hệ thống gia đình hiện đại của Nhật Bản hay ý tưởng về bình đẳng giới", Makoto Okawa - giáo sư lịch sử tại Đại học Chuo ở Tokyo - nói với AFP.

"Tôi nghĩ rằng công chúng đang tự hỏi Công chúa Aiko kế vị ngai vàng thì có gì sai", giáo sư Okawa - người nghiên cứu về hệ thống hoàng gia - nhận định.

Mặc dù những người theo chủ nghĩa truyền thống nói rằng Nhật Bản không nên cắt đứt sự liền mạch của "dòng dõi hoàng thất", lời giải thích của họ còn nhiều thiếu sót. Giáo sư lập luận rằng Aiko - người năm nay đã 20 tuổi - vừa là hậu duệ trực tiếp của nhật hoàng, vừa lớn tuổi hơn người em họ Hisahito

Ràng buộc với bản sắc dân tộc

Hideya Kawanishi - phó giáo sư lịch sử Nhật Bản tại Đại học Nagoya - khẳng định các đề xuất của hội đồng "sẽ không giải quyết vấn đề một cách cơ bản".

Ông nói rằng một số thành viên nữ đã kết hôn có thể không muốn sống một cuộc đời vương giả đầy những hạn chế, trong khi việc các thành viên nam nhận con nuôi - những người đã lớn lên như một công dân bình thường - sẽ phức tạp.

Nhật Bản vốn đã tranh luận về vấn đề này trong nhiều năm. Sau khi Công chúa Aiko ra đời, một hội đồng do chính phủ thành lập vào năm 2005 đã đề xuất việc kế vị nên được quyết định dựa trên độ tuổi, chứ không phải giới tính.

Tuy nhiên, những cuộc thảo luận lại đi vào dĩ vãng sau khi Hoàng tử Hisahito ra đời vào năm 2006 bởi điều đó có nghĩa là vẫn còn thành viên nam lên ngôi.

Báo cáo mới nhất của hội đồng cho biết cần phải thảo luận về những thay đổi đối với các quy tắc kế vị trong tương lai. Tuy nhiên, không giống năm 2005, báo cáo mới nhất đã không còn sử dụng từ "nữ hoàng đế".

Phó giáo sư Kawanishi cho rằng vợ của các thân vương nam như Hisahito sẽ gặp áp lực phải mang thai con trai nhằm duy trì dòng dõi

 


Cựu Công chúa Mako và người chồng Kei Komuro đã phải hứng chịu nhiều lời đồn thổi ác ý. Ảnh: SIPA PRESS

Từ lâu, phụ nữ hoàng gia Nhật Bản vốn đã bước trên một con đường không mấy dễ dàng.

Vợ của Nhật hoàng Naruhito, Hoàng hậu Masako - một cựu quan chức ngoại giao cấp cao - đã phải vật lộn với tình trạng sức khỏe tinh thần suy giảm trong nhiều năm sau khi gia nhập hoàng tộc. Một số người cho rằng gốc rễ căng thẳng của bà bắt nguồn từ áp lực phải sinh ra một hoàng nam để kế vị ngai vàng.

Những thành viên nữ trẻ tuổi cũng phải tuân theo những quy chuẩn ngặt nghèo.

Cựu Công chúa Mako và chồng Kei Komuro hứng chịu những lời đồn thổi cáo buộc gia đình của Kei gặp khó khăn về tài chính. Điều này khiến cựu công chúa mắc chứng rối loạn căng thẳng sau sang chấn (PTSD).

Nữ hoàng đế không phải là một khái niệm xa lạ ở Nhật Bản. Bản thân hoàng gia được cho là hậu duệ của nữ thần Mặt trời Amaterasu.

Trong suốt lịch sử Nhật Bản đã có 8 nữ hoàng, mặc dù họ thường chỉ cai trị tạm thời. Người cuối cùng, Gosakuramachi, lên ngôi cách đây khoảng 250 năm.

Địa vị thần thánh của hoàng tộc đã bị tước bỏ từ Thế chiến II sau cuộc càn quét của giới quân phiệt Nhật Bản trên khắp châu Á, dưới danh nghĩa Thiên hoàng Hirohito.

Kể từ năm 1947, hoàng gia Nhật Bản kế vị dựa trên quy định của Luật Hộ gia đình Hoàng gia. Các vấn đề xoay quanh chuyện kế vị vẫn là một chủ đề tế nhị tại xứ sở Mặt Trời mọc và được ràng buộc chặt chẽ với bản sắc dân tộc.

Ngày nay, giáo sư Kawanishi cho rằng các chính trị gia "sợ thay đổi hệ thống này" khi họ còn đương chức.

Tuy nhiên, việc đám cưới của Công chúa Mako thu hút sự chú ý lớn của công chúng sẽ là một cách mà cuộc tranh luận có thể được thúc đẩy, giáo sư nói.

Phương Linh

1 nhận xét:

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.