Trang

03/02/2025

TET Chuyện Phiếm của Gã Siêu

Hình minh họa

Bây giờ là buổi chiều cuối năm, nắng vàng rơi rụng, làm cho những ý nghĩ xám xịt cứ lãng đãng trong đầu óc gã, khiến cho gã phải thờ dài thườn thượt như người xưa :

-   Ôi nhân sinh là thế ấy,

Như bóng đèn, như mây nổi, như gió thổi, như chiêm bao.

Thời gian thấm thoát tựa thoi đưa, tựa ngựa hồng qua khung cửa. Một khi đã chắp cánh bay đi thì chẳng bao giờ trở lại. Nó giống như dòng sông, làm sao có thể chảy ngược về nguồn. Nó cũng lững lờ trôi, chẳng cần chờ ai mà chẳng cần ai chờ nó :

-       Xoay vần ngày tháng thoáng qua Năm kia nào có đợi ta bao giờ.

Chính trong những ý nghĩ xám xịt ấy, mà gã lan man, tản mạn nghĩ về cái tết. Vậy tết là đí gì ?

Trước câu hỏi này, gã phải vác tự điển ra tra cứu, vì sự hiểu biết của gã về vấn đề này rất là “lơ tơ lơ mơ”.

Theo “Việt Nam từ điển” của Lê Văn Đức, thì tết là ba ngày đầu năm âm lịch. Đồng thời nó còn chỉ khoảng cách thời gian trước và sau ba ngày này.

Thí dụ như khi tôi nói chợ tết, thì phải hiểu chợ được nhóm trước tết, chứ sau tết thì chỉ còn là chợ bán những đồ ế, của thừa mà chớ…

Điều rắc rối là về ngày. Khi ta bảo hai mươi chín tết phải hiểu là trước. Trái lại, khi ta nói những ngày còn ở trong… mùng, như mùng bảy, mùng tám, mùng mười, thì tất ráo cả đều là sau tết.

Ngoài ra, tết còn chỉ những ngày lễ lớn trong năm, như tết trung thu… Hay chỉ hành động xách đồ vật đi biếu nhân ngày tết :

-       Mồng một tết cha, Mồng hai tết chú Mồng ba tết thày.

Trong khi đó, theo : “Thành ngữ, điển tích, danh nhân từ điển”, của Trịnh văn Thanh, thì thời gian ăn tết co dãn như cao su và thường được kéo dài ra nhiều hơn. Đó là tám ngày đầu năm.

Ngày xưa các cụ cho mỗi ngày thuộc một giống khác nhau. Mùng một thuộc gà, mùng hai thuộc chó, mùng ba thuộc heo, mùng bốn thuộc dê, mùng năm thuộc trâu, mùng sáu thuộc ngựa, mùng bảy thuộc người và mùng tám thuộc thóc.

Vì thế, vào dịp tết người ta thường nghỉ sáu ngày, đến ngày mùng bảy thuộc người, được kêu là khai hạ, mới bắt đầu làm việc.

Chẳng hạn như gã, sống bằng nghề cạo giấy, thì ngày mồng bảy thể nào cũng phải bắn một điếu thuốc lào, thả hồn theo khói, rồi tay cầm bút nguệch ngoạc vài dòng, gọi là “khai bút” lấy hên cho năm mới.

Riêng quí vị thất nghiệp, ưa ngáp vặt, ngồi chơi xơi nước, thì còn nghỉ mút chỉ hơn nữa :

-       Tháng giêng là tháng ăn chơi, Tháng hai trồng đậu,

Tháng ba trồng cà.

Gã biết một nhóm bè bạn, gồm đúng mười hai tên, được gọi là “thập nhị sứ quân”. Họ nhậu xoay vòng, cứ ngày mồng bảy âm lịch mỗi tháng là đến “lai rai” tại nhà một tên, thành thử suốt năm họ đều…ăn tết cả.

Xong chuyện thứ nhất, bước tới chuyện thứ hai. Vậy trong cả và thiên hạ, người ta ăn tết ra làm sao ?

Mỗi lần nghĩ về cái tết, dân khố rách áo ôm như gã thường thở dài ngao ngán, như người xưa đã diễn tả :

-   Tết đến,

Ông vải thì mừng, con cháu thì lo.

Đúng thế, ông vải thì mừng bởi vì được tưởng nhớ, được cúng vái và nhất là được hưởng… hương khói.

Trong khi đó, con cháu thì lo bởi vì phải sắm sửa trăm thức bà giằng. Còn hôm nay, gã có thể đổi lại câu nói trên một tí xíu :

-   Tết đến, Con nít thì mừng, Người lớn thì lo’’.

Thực vậy, con nít thì mừng bởi vì sẽ được nghỉ học, sẽ được tiền lì xì, sẽ được mặc quần áo mới, sẽ được ăn thịt và còn nhiều cái khác ‘’sẽ được’’ khác nữa…

Trong khi đó, người lớn thì lo, lo đến toát cả mồ hôi hột, bởi vì trăm dâu đổ đầu tằm, bao nhiêu chi phí đều cậy nhờ vào ‘’cái hào bao’’ đang độ rỗng tuếch…

Trước tết thật lâu, thằng bạn gã đã hối bà xã mua hoặc may cho quí vị con nít, mỗi nhóc tì một bộ quần áo mới. Vì lúc bấy giờ vải còn rẻ và tiền công chưa mắc. Hay âm thầm sắm những bộ đồ “sida” đem về giặt ủi y như mới, rồi cất kỹ đến tết mới phô ra cho chúng.

Ngày ba mươi tết, bà xã hắn cứ thấp thỏm muốn đi chợ thật sớm, thế là hắn bèn phải vắt óc tìm đủ một ngàn lẻ một lý do để cản chân bà ta lại, khiến bà ta đi chợ muộn hơn thường lệ, bởi vì từ giờ ‘’ngọ’’ tức là vào khoảng giữa trưa , thịt thà, đường mứt và hoa kiểng đều rẻ… chỉ tội nó hơi kém tươi, hơi kém ngon một chút mà thôi.

Nhưng nào có can chi, bởi vì hắn lý luận :

-   Của không ngon, Nhà nhiều con cũng hết.

-   Phải giả bộ đủng đỉnh cho qua ba ngày tết để lấy vải thưa che mắt thiên hạ, khỏi nhìn thấy cái rách mát te tua của mình.

Hắn cũng giống như một cô gái được ông thày bói sờ mu rùa, gieo quẻ mà phán :

-   Số cô chẳng giàu thì nghèo

Ba mươi tết có thịt heo trong nhà’’.

Miễn là có hoa kiểng, có bánh mứt, có thịt thà cá mú để ‘’lên mặt với đời’’ còn phẩm chất của chúng ra sao thì thôi, kệ bà chúng. Méo mó có hơn không. Thói đời vốn thường vậy kia mờ:

-   Chí cha chí chát khua giày dép

Đen thủi đen thui cũng lượt là.

Tính toán chi li như vậy, hẳn gã sẽ phải phong hắn lên hàng ‘’trùm sò’’ mất thôi. Nhưng đành chịu vậy. Cái khó bó cái khôn, biết nói sao bi giờ.

Ngoài những mua sắm cần thiết cho cái mặc, cái ăn, cái uống… cả năm đầu tắt một tối, thì cũng phải phong lưu ít ra trong ba ngày tết cho bõ ghét.

Rồi sau đó, lại cúi gầm mặt xuống, tiếp tục kéo cày trả nợ cho cuộc đời mà vẫn cảm thấy hả lòng hả dạ, mát ruột mát gan.

Phải, ngoài những chi phí kể trên, là xếp trong gia đình, hắn còn phải dành cả một ngân khoản, cả một số tiền… khơ khớ, để lì xì.

Ngày xưa hắn vui mừng vì được lì xì bao nhiêu thì bây giờ hắn lại xót ruột, nhót gan và ỉu xìu bấy nhiêu vì phải lì xì.

Lì xì cho con nít còn đơ đỡ một chút. Nhưng con nít thời nay khôn hơn con nít thời xưa. Qua mặt nó bằng đồng tiền ‘’mới mà nhỏ’’ là không xong, thế nào nó cũng đòi cho được đồng tiền to, có cũ một tí cũng chẳng nhằm nhò gì.

Phiền nhất và đau nhất là phải lì xì cho những cặp vợ chồng “đỏ” đi tết mới. Đây cũng là dip để họ ‘’bù lỗ’’ cho đám cưới.

Theo phong tục quê gã, đồ lỡi thường là một cặp rượu, một cặp bánh chưng, một ký đường… hay thế nào thì tùy hỉ, không cần thiết lắm. Đồ lỡi chỉ có tính cách nghi thức tượng trưng và trình diễn, vì sau đó anh chị được lấy lại và đem sang nhà khác, miễn sao bày biện cho đẹp mắt và dễ coi.

Riêng phần khổ chủ, phải mở hào bao lì xì. “Bèo” quá thì không được, bởi vì đây sự góp vốn đầu đời cho anh chị mới làm ăn. Nhưng “khơ khớ” một chút thì không cáng đáng nổi. Thử hỏi, dịp tết mà có chừng hai mươi cặp đến tết mới, nhận họ nhận hàng, thì quá là nguy tai, và… vỡ nợ !

Gã là kẻ có khiếu ăn, mà chẳng có khiếu nói, bởi vì tinh thần ăn uống được Chúa ban cho ngay từ lúc lọt lòng mẹ. Do đó, những lời chúc hay những câu “đáp lễ “, gã thường phải nhẩm trước trong bụng.

Nhớ lại hồi còn bé, sáng mồng một tết thật là vui. Thày mẹ gã ở nhà để nhận đồ lỡi, còn anh em gã phải hớn hở vác đồ lỡi đi tết ông chú bà bác, những người ở… vai trên.

Trước khi đi, mẹ gã thường gài cho một lời chúc, bắt phải học thuộc lòng như sau :

-   Năm hết tết đến, thày mẹ chúng cháu cho chúng cháu đến tết hai bác, cầu chúc hai bác trong năm mới được… vân vân và vân vân…

Lớn lên, gã thường phải “vắt chân lên trán” để phệu ra những lời chúc thật dí dỏm, vừa để cười thầm một chút vừa để chọc ghẹo thiên hạ cho vui cửa vui nhà.

Thí dụ năm Canh Mùi, cầm tinh con dê, gã bèn mở miệng :

-   Trước thềm năm mới, xin chúc chị năm con dê… nhiều may mắn.

Hay :

-Xuân về, chúc anh năm con… dê nhiều… may mắn.

Chúc như vậy, thì cứ liệu hồn đấy, không chừng sẽ được ăn đòn hội chợ đến phù cả mỏ ra. Tuy nhiên, có những câu chúc mà ngày nay xét ra không còn hợp thời nữa.

Thí dụ :

-   Chúc cho anh chị năm mới, đầu năm sinh con trai, cuối năm sinh con gái… hay đẻ “tốc hành” theo kiểu cá cặp, sinh đôi, sinh ba...

Chúc như vậy là đi ngược lại với đường lối và chủ trương của nhà nước, vì nhan nhản ngoài đường phố thấy những tấm bích chương với khẩu hiệu :

-   Vợ chồng son hai con là đủ.

-   Dù gái hay trai,

Hai con là đủ.

Hơn nữa, nếu nhiều quá thì vợ chồng trẻ cũng khó mà kham nổi giữa thời buổi gạo châu củi quế này.

 

Dịp tết, ai cũng mong được nhiều may mắn. Người ta kiêng cữ đủ thứ để tránh cái xui cái xẻo. Người ta lên chùa hái lộc để rước vận may. Người ta đi xem bói, chấm lá số tử vi để biết được thêm một tí tẹo về hậu vận.

Bởi vì, như dân Thổ Nhĩ Kì đã bảo :

-   Tương lai giống như người đàn bà mang thai, chẳng hiểu bà ta sẽ đẻ ra con trai hay con gái.

Câu danh ngôn này, hôm nay xem ra đã “xưa rồi Diễm ơi”, bởi vì nhờ siêu âm người ta biết rằng bà xã sẽ sinh con trai hay con gái từ lúc bào thai còn bé tẹo tèo teo.

Nhưng tương lai hậu vận thì vẫn còn mù tịt. Gã sẽ treo giải thưởng, còn đắt giá hơn giải Nobel, cho ai sáng chế ra chiếc máy dò tìm và xác định được tương lai hậu vận.

Bây giờ thì gã đành phải mượn lời của Tú Mỡ mà long trọng cầu chúc :

-       Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau Chúc nhau trăm tuổi bạc đầu râu Phen này ông quyết đi buôn cối Thiên hạ bao nhiêu đứa giã trầu.

-       Lẳng lặng mà nghe nó chúc nhau Đứa thì mua chức đứa mua quan Phen này thì ông quyết đi buôn lọng Vừa chửi vừa rao cũng đắt hàng

Còn rất nhiều chuyện để nói về ngày tết, nhưng cứ lông bông, nói dông nói dài, thì sợ bị thiên hạ kê ngay tủ đứng vào miệng :

-   Biết rồi, khổ lắm, nói mãi.

Vì thế, gã xin trở lại với những ý nghĩ xám xịt lúc ban đầu. Nếu trong chuyện Kiều, Nguyễn Du đã bảo :

-   Chữ tài liền với chữ tai một vần. Cùng theo thể thức ấy, gã liền phệu :

-   Chữ tết liền với chữ chết một vần. Một ông thi sĩ nào đó đã viết :

-   Yêu là chết trong lòng một tí. Còn gã, gã cũng có thể phệu :

-Tết là chết trong đời một tí.

Đúng thế, trong dịp tết này rất nhiều người sẽ chết.

Phải, họ chết vì rượu bởi vì họ uống tới tình trạng say xỉn, ngoắc cần câu. Rất may cái chết này chỉ là một cái chết tạm thời, bởi vì người ta sẽ tỉnh lại sau cơn say.

Có những chàng trai và cô gái sẽ chết vì đua xe, vì đụng xe hay vì lạng lách trên đường phố. Rất may cái chết này chỉ dành cho một số ít, đó là những cô chiêu cậu ấm, ăn no dửng mỡ… mà đứt bóng !

Nhưng quan trọng hơn vẫn là cái chết chung cho mọi người ở mọi nơi và trong mọi lúc.

Thực vậy, một năm mới sắp tới, cũng có nghĩa là một năm cũ sắp qua đi trong dòng chảy cuộc đời. Cây nến hồng cuộc sống sẽ ngắn lại một chút, bởi vì mỗi cái tết là một bước tiến gần đến cái chết, để rồi một lúc nào đó, cây nến hồng ấy sẽ phụt tắt.

Tết là chết trong đời một tí.

Mới ngày nào, gã còn trẻ trung, khỏe mạnh và yêu đời, thế mà hôm nay đã phải cõng trên vai một tí tuổi. Tết đến, gã sẽ già hơn một chút.

Với tí tuổi mang nặng, gã cảm thấy lưng oằn xuống, thân xác giở quẻ với những chứng bệnh mà gã không ngờ trước. Cuối cùng, thuyền đời sẽ cặp bến, nhưng bến đục hay bến trong ? Điều đó lệ thuộc vào cuộc sống hiện tại của gã.

Lúc này gã đã nghĩ trước một điều ước, để trong đêm giao thừa, lỡ có một bà tiên, hay một cô tiên thì càng tốt, quá bộ đến vỗ vai và bảo :

-Hãy ước một điều.

Hẳn gã sẽ trả lời liền tù tì như sau :

-   Xin cho gã được làm con nít mãi mãi.

Hồi còn bé, gã chỉ mong ước được làm người lớn, để khỏi phải đi học, khỏi phải bị mắng, khỏi phải bị khua dậy đi lễ… mặc sức la hét om sòm cũng như ngủ nuớng và tết đến lại còn “sẽ được” nhiều thứ.

Gã thường hay hỏi ông ngoại :

-   Làm thế nào cho tuổi mới nó vào ?

Ông ngoại xoa đầu gã, rồi mỉm cười và nói :

-   Đêm giao thừa hãy chổng mông lên.

Thằng bé mê ngủ quên cả chổng mông, thế mà tuổi vẫn vào ào ào và xác vẫn lớn. Bây giờ gã mới thấy :

-   Mơ làm người lớn quả là điều dại dột, bởi vì người lớn phải nghĩ nhiều, phải lo nhiều, phải làm nhiều và nhất là… chóng về chầu trời.

Viết tới đây, gã bỗng nghe thấy tiếng hát của Hồng Nhung với chiếc răng khểnh vọng lên từ cái loa của quán nước bên nhà hàng xóm được vặn hết cỡ thợ mộc điếc cả lỗ nhĩ và rát cả con ráy :

-       Em không muốn làm người lớn đâu anh, Ứ hư….ứ hư…

Chuyện Phiếm của Gã Siêu

 

02/02/2025

Biếm: Aladin và một sợi

Đêm tân hôn, công chúa thấy Aladin không rời một cây đèn đã cũ mèm, tò mò, giằng lấy cây đèn từ tay chồng để xem.

Cây đèn rơi xuống sàn lát vàng vỡ tan. Thần đèn hiện ra, trông lừng lững gớm giếc, nói giọng vang như sấm, xin chủ nhân là Aladin sai bảo.

Biết rằng nơi trú ngụ, giam cầm của thần đèn đã vỡ, lại sắp tới lúc “tặc lưỡi” lần đầu tiên với công chúa, vốn tính nhanh nhẹn, Aladin ra lệnh cho thần đèn phải sang ngay bên kia Thái Bình Dương lấy một mảnh vỡ của toà tháp đôi bị khủng bố, mang về làm kỷ vật tặng công chúa trong đêm tân hôn.

Những tưởng làm vậy để Aladin và công chúa có thời gian hưởng cái “tặc lưỡi” đầu tiên của tuần trăng mật, nào ngờ khi xiêm y của nàng vừa buông xuống, thần đèn đã hoàn thành xong nhiệm vụ và lại khoanh tay đứng ở đầu giường xin sai bảo.

Rút kinh nghiệm, Aladin sai thần đèn làm nhiệm vụ khó hơn nhiều là thu gom đủ 10 tấn mỡ muỗi để nuôi dơi. Không dè nhiệm vụ này loáng cái đã được thực hiện xong.

Lòng Aladin như lửa đốt.

Công chúa rỉ tai thần đèn. Ngay lập tức thần đèn bước ra ngoài đến sáng sớm hôm sau vẫn chưa thấy vào để nhận lệnh mới.

Aladin tò mò hỏi vợ, “em ra lệnh gì mà khó thế?”

Công chúa mỉm cười: “Lòng khao khát của phụ nữ khiến em thông minh hơn chàng nhiều. Em nhổ một sợi tóc ở chỗ dưới và sai nó vuốt thẳng ra thì mới được vào!”


Lưu ý: Trong khoa học luật hình sự có thuật ngữ chung gọi là “hệ lông tóc”, nhưng dân gian phân loại cái mọc ở cằm thì gọi là râu, cái mọc trên đầu thì gọi là tóc, còn mọc nơi hiểm hóc thì gọi là lông. Cãi nhau làm gì?

Ngô Huy Cương

 

01/02/2025

Ghé chợ rắn mùa nước nổi

     

Rắn mái gầm 

Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long.

Vào mùa nước nổi, có khá nhiều du khách về ĐBSCL để hòa mình với thiên nhiên sông nước, khám phá, tìm hiểu những đặc trưng độc đáo của vùng đất phương Nam nhiều huyền thoại…

Mùa nước nổi thường vào đầu tháng 9 dương lịch, bạn có thể ngược dòng sông Hậu lên chợ biên giới Khánh An, huyện An Phú (An Giang) giáp với xã Pẹt Chạy, huyện Kor Thum, tỉnh Kandal, Campuchia. Khi nước lên, vùng đất này có rất nhiều sản vật như cá linh, cá lóc, lươn, rùa, bông điên điển… Nhưng gây ấn tượng mạnh nhất với chúng tôi là "rắn"!.

Nhà thơ Trần Biên Thùy (Hội VHNT An Giang) là "thổ địa" của vùng đất ven biên này đưa chúng tôi đi tham quan chợ rắn, anh thuyết minh vài nét về loài bò sát tiêu biểu của ĐBSCL.

Rắn độc đầu hình tam giác, rắn lành đầu tròn dẹt. Độc nhất là rắn mái gầm, mình khoang vàng, khoang đen. Ai chẳng may bị nó cắn, trong chốc lát sẽ tươm máu chân lông. Phải garô, nằm im chờ kiếm thuốc đổ, nếu giãy giụa hay di chuyển, nọc độc sẽ theo máu về tim làm đông đặc máu tim, sôi đờm và chết ngay tức khắc!.

Hổ đất có khá nhiều ở đồng bằng, khi nó phùng "bàn nạo" lên, trên đầu có hình mặt trăng khuyết, hai con mắt nó sáng lạ lùng như muốn thôi miên con mồi hay địch thủ. Bị nó cắn, trong vài tiếng đồng hồ nếu không chữa trị kịp sẽ tử vong ngay!.

Rắn lục đầu vồ, đuôi đỏ thường sống trên cây rậm, loài này cắn trúng đâu, thịt sẽ hoại tử chỗ đó! Rắn ri voi không độc nhưng lẹ và dữ. Người ta vẽ vòng tròn, cột nó ở giữa. Đố ai nhảy qua mà không bị nó táp trúng. Nó cắn ai rồi thì bỏ nguyên hàm răng giống như những hạt tấm mẵn.

Rắn râu đen đúa, sống trong rong rêu dưới ao, đìa. Ai bị nó cắn sẽ buồn ngủ và ngủ li bì, nếu không được đánh thức, thì người bị cắn sẽ "ngủ" luôn. Rắn "mồ côi" sống trong ống tre, trắng bợt, trong suốt, thuộc loại tuyệt độc. Rắn hổ hèo dài lê thê hàng mấy mét.

Rắn hổ ngựa khi di chuyển cất đầu như ngựa phi. Rắn hổ lửa mình đen mốc thếch, cổ có khoang đỏ da cam, trông rất dữ. Rắn hổ mây to như cột nhà, đi lướt trên ngọn cây. Trăn gấm, trăn mặt võng ngày xưa nhiều lắm, mỗi lần chúng "hội" hàng mấy chục cặp, quần nhừ nhão, lầy lội cả một vùng đất. Con nưa cực độc, nó giống hệt như trăn nhưng da mốc vàng và có chín lỗ mũi!.

Chúng tôi xuống ghe "cà dom", một loại ghe (thuyền) có lườn thon, mũi vút lên, đi trên đồng nước rất cơ động, loại ghe có rất nhiều ở miệt Châu Đốc, Tân Châu, Hồng Ngự. Vượt qua sông Bình Di, là ranh giới tự nhiên của Việt Nam và Campuchia ở xã Khánh An nơi đầu nguồn sông Hậu (Bassac hay Ba-Thắc) ghe đi sâu vào rạch Prec-Chạy rồi trổ ra cánh đồng mênh mông có cái tên rất ấn tượng là"Măng-Yú".

Đồng Măng Yú mùa nước nổi chỉ còn thấy những cây gáo vàng lưa thưa giữa biển nước với vài ba con thuyền nhỏ nhoi của ngư dân thả lưới, giăng câu mưu sinh trên đồng nước.

Anh Ba Khum, tài công người Khmer nói cho chúng tôi biết, rắn lục tránh nước gom, tập trung trên những cây gáo rất nhiều. Rắn trun, bông súng, hổ hành trốn trong cỏ, lục bình, trôi nổi liêu phiêu. Rắn hổ đất, mái gầm tìm các gò cao trú ẩn. Nắm bắt quy luật ấy, các thợ săn rắn đã tìm bắt khá dễ dàng loài bò sát này với những dụng cụ thô sơ như cuốc, len, thuổng, kẹp, thòng lọng…

Đối với các loại rắn độc, họ thường có đem thuốc giải dự phòng, nhưng không phải không có những trường hợp đáng tiếc "sinh nghề, tử nghiệp". Thỉnh thoảng, vài năm có người bắt rắn bị rắn cắn chết!.

Buổi sáng, khi mặt trời vừa ló dạng ở ven cây mờ mờ của cánh đồng mênh mang nước. Chợ rắn phía sau trung tâm thương mại Khánh An nhộn nhịp người mua, kẻ bán. Nông, ngư dân người Việt, Khmer tấp nập ghe xuồng ghe "giao hàng" là những túi, bao rắn đã được phân loại:

Rắn trun, bông súng, rắn nước, rắn râu đồng giá 120.000/kg. Rắn hổ hành, hổ ngựa, hổ hèo đồng giá 140.000kg. Ri cá 150.000/kg. Ri voi 400.0000/kg, Rắn hổ đất 600.000/kg. Mái gầm 800.000/kg…

Anh Nguyễn Văn Tú - lái rắn ở chợ Khánh An cho biết, vào mùa nước, mỗi ngày ở chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các nơi khác chừng 150kg rắn các loại (Ảnh: Xuân Nhi).

Rắn ở Đồng bằng sông Cửu Long có khá nhiều. Thịt rắn là món ẩm thực ngon, bổ, độc đáo qua nhiều cách chế biến dân dã và cầu kỳ. Rắn mùa nước gặp phổ biến là rắn ri voi, ri cá, bông súng, rắn trun, rắn nước, rắn hổ hành (không độc). Rắn hổ đất, mái gầm (độc) và rắn ri voi là các loại có giá trị thương phẩm nhất, không phải lúc nào cũng có!.

Theo anh Nguyễn Văn Tú - lái rắn ở chợ Khánh An cho biết, vào mùa nước, mỗi ngày ở chợ này xuất đi Sài Gòn, Cần Thơ và các nơi khác chừng 150kg rắn các loại. Mỗi tháng trên 4 tấn rắn!.

Thường người ta bắt rắn bằng cách giăng lưới, đào hang hoặc tìm đâm chúng bằng chĩa trong đám lùm, bụi cỏ. Hồi trước, cách đây vài mươi năm, rùa rắn săn bắt được, người ta ít bán lắm! Chủ yếu để làm mồi nhậu, món ăn đãi khách hoặc cho, biếu người thân quen.                                        

Ngày nay, vì bị tàn sát để phục vụ cho ẩm thực và làm thuốc (?) nên họ hàng nhà rắn đã ít đi rất nhiều và đứng trước nguy cơ tuyệt chủng. Có lẽ một ngày nào đó, ĐBSCL sẽ không còn những loài động vật hoang dã có thời rất phong phú trong thiên nhiên miền sông nước!.

Về những tỉnh có đồng, rừng, rộng và còn hoang dã như U Minh, Đồng Tháp Mười, Tứ Giác Long Xuyên... du khách sẽ có dịp thưởng thức nhiều loại bò sát rất đặc trưng của Đồng bằng sông Cửu Long. Ngoài rắn trun nướng lèo, khách còn có thể "đưa cay" với rắn bông súng nướng mọi, rắn trun bằm xào lá cách, lươn hấp đọt bầu, lá nhàu, rau ngổ, lá cách, rắn hổ hành nấu cháo đậu xanh, hầm sả, cua đinh nướng mật ong, canh chua ba ba nấu con mẻ, bắp chuối xiêm...

Rắn trun theo y học cổ truyền có tính mát, bổ thận, trị đau lưng nhức mỏi… Rắn trun, rắn bông súng, hổ hành, không nằm trong danh sách các động vật hoang dã bị cấm nên du khách có thể tìm thưởng thức thoải mái ở những nhà hàng đặc sản hoặc các quán ẩm thực bình dân có ở khắp ĐBSCL.

Đặng Xuân Nhi

29/01/2025

Ngày Xuân tản mạn chuyện bói toán

“Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Biết vậy, nhưng tâm lý chung con người ai cũng muốn tò mò tìm biết về tương lai của mình. Đây cũng là cám dỗ mà ông bà Nguyên Tổ xưa đã phạm, họ muốn biết lành, biết dữ. Tóm lại, con người qua mọi thời đại, và mọi nền văn hóa đều muốn biết tương lai của mình như thế nào: sang, hèn, giàu, nghèo, thành công, thất bại, mạnh khỏe, yếu đau, yêu đương, hạnh phúc, chia lìa, chết chóc. Do đó mới nảy sinh nghề “nói về tương lai” con người, tương lai thế giới.

Đoán vận mệnh người khác qua những quân bài, chỉ tay, tướng số, ngày sinh tháng đẻ, chữ viết... Những kiến thức dự đoán tương lai này tuy có một vài trường hợp đúng, nhưng phần lớn là “không đúng”,  “ba phải”, hoặc “nhảm nhí”. Chính vì vậy, từ xa xưa, trong ca dao tục ngữ người Việt đã có câu: 

“Thày bói nói láo ăn tiền.”

Hoặc:

“Hòn đất mà biết nói năng,

Thì thầy địa lý hàm răng chẳng còn.”

Riêng người viết cũng may mắn quen biết và có dịp trao đổi về tương lai, hậu vận, cát hung, sang hèn với ít ra là 6 vị trong số những thầy tử vi, tướng số, bói toán, và ngoại cảm. Tất cả họ đều mang những khía cạnh hiểu biết, thông minh, uyên bác và tự tin ở chuyên môn của mình. Nhưng hai trong số này đã qua đời, và những gì họ tiên đoán về tương lai, hậu vận của người viết đều không xảy ra như dự đoán! Còn lại 4 người vẫn thường ngày gặp gỡ, trao đổi, mà chính họ cũng không thấy khấm khá, không có gì may mắn hơn so với những bạn bè.

 “Tử vi xem bói cho người. Số thầy thì để cho ruồi nó bu!” là vậy.

Trong bài khảo luận “Ngày Xuân, thử tìm hiểu cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt,” ngày 25.1.2018, của tác giả Lữu Giang đã viết: “Trong Minh Tâm Bửu Giám, ở phần Tuân Mạng, Tử Hạ viết: “Tử sinh hữu mệnh, phú quý tại thiên.” Còn Mạnh Tử khẳng định: “Nhất ẩm nhất trác, sự giai tiền định”, tức một hớp uống, một miếng ăn, sự đều định trước. Trong Thánh Kinh, Chúa Giêsu có nói: “Hai con chim sẻ chỉ bán được một xu phải không? Thế mà, không một con nào rơi xuống đất ngoài ý của Cha anh em.” (Mt 10:29)   

Theo Lữu Giang, các nhà khoa học thực nghiệm khảo sát về cấu tạo và biến động của vật chất, các nhà triết học cố gắng đưa ra những nhận thức về nhân sinh và vũ trụ, trong khi các nhà chiêm tinh, ngoại cảm, tử vi, tướng số lại nghiên cứu, tìm hiểu về vận mệnh của con người. Trong vô số phương pháp được dùng để tìm hiểu định mệnh của con người ấy, có thể gồm vào hai loại: Vấn Sự và Khảo Mệnh. Người Trung Hoa thường gọi là bốc và mệnh.  

VẤN SỰ

Vẫn theo Lữu Giang, chủ đích chính của việc làm này là xin thần linh mách bảo, cho biết ý kiến, hoặc vấn kế thần linh về những gì đã, đang và sẽ xảy ra cho một người qua hai yếu tố ký hiệu giao ước và linh ứng. Vấn kế thần linh thường được thực hiện bằng những nghi thức trang trọng như đốt nhang đèn và đọc lời khấn trước khi bói hoặc gieo quẻ.

A_ Các ký hiệu:  

Ký hiệu giao ước là những dấu hiệu do chính con người tự đặt ra để qua đó có thể đọc và hiểu được câu trả lời của thần linh. Thí dụ: Trong bói bài, 8 chuồn là báo hiệu một người đàn bà đang mang thai con gái. Hoặc trong bói Dịch, khi hỏi về gia đạo mà được quẻ Hỏa Trạch Khuê hay Trạch Hỏa Cách là dấu hiệu vợ chồng có chuyện lục đục gây gỗ, v.v.

B_ Linh ứng thần linh:

Những ai được coi là có khả năng linh thị cao, bói dễ trúng? Các thầy tướng số thường dùng tâm lý để đoán, nên trong những trường hợp này người thiên về khoa học thực nghiệm hay các môn học duy lý... bói không linh bằng những người nặng niềm tin vào thần thánh. Theo cách nói dân gian, những kẻ ngây thơ, tin tưởng, và mê tín thì “Tâm động quỷ thần tri”. Và chúng ta thử nghe tiếng hát Như Quỳnh qua nhạc phẩm “Câu Chuyện Đầu Năm” của Hoài An xem sao:

“Trên đường đi lễ Xuân đầu năm

Qua một năm ruột rối tơ tằm

Năm mới nhiều ước vọng chờ mong

May nhiều rủi ít ngóng trông

Vui cùng pháo nổ rượu hồng.”

https://www.youtube.com/watch?v=Yrbzhmr2oio

Rõ ràng là nàng đang nôn nóng không biết năm mới hên xui, may rủi như thế nào, đặc biệt trong đường tình duyên. “Vui cùng pháo nổ rượu hồng” đối với nàng chắc chắn phải là pháo nổ và rượu hồng ngày cưới. Còn chàng thì mong:
“Duyên vừa đẹp ý đắp say

Ôm nàng Xuân đẹp vào tay.”

“Ôm nàng Xuân đẹp vào tay” tức là ôm người đẹp trong tay. Thần linh mách bảo rõ ràng như thế mà thầy nào bói không ra thì kể như tay nghề chưa được cao. Sau đây là một màn bói được vợ của hai tác giả (Trang Dũng Phương (Hoài An) - Nguyên Lễ (Hoài Linh) qua nhạc phẩm Thiên Duyên Tình Định:

Nàng:

“Đầu năm hoa lá xôn xao nở như đón chào

Nhờ anh tiên đoán năm naу duуên nợ thế nào

Phận nghèo chẳng dám ước cao

Ϲhỉ cần tình nghĩa với nhau

Nếu ai tâm đầu ngỏ lời là nên giai ngẫu.”

Chàng:

“Mười hai con giáp em đây cầm tinh quý mùi

Cầm tay anh đoán năm nay duyên lành đến rồi

Gặp chồng hiền đức dễ thương

Tuổi này thì số lắm con

Muốn cho vuông tròn thì anh mối giới mối mai đưa tình.”

Nàng:

“Người ấy quê quán nơi nào giàu nghèo

Tuổi tác bao lớn sang hèn thế nào?”

Kết quả đúng như đã tiên liệu từ trước, chàng:

“Anh ta khoảng chừng ba mươi mấy

Quen lắm nhìn xem em biết ngay

chẳng ai xa lạ chàng là, là anh đây.”

https://www.youtube.com/watch?v=TkJP1tsExbk

 

C_ Giải đoán vấn sự:

 

“Tâm động quỷ thần tri”. Tâm có động quỷ thần mới biết được. Đây là vấn đề quan trọng nhằm tìm hiểu quá khứ, hiện tại và một tương lai gần. Quỉ thần là loài thiêng liêng, chúng biết rõ quá khứ và hiện tại của từng người. Các ông bà thầy bói cũng biết điều này nên qua sự mách bảo của thần linh thường phủ đầu người đến xin bói, xin xâm, xin quẻ… bằng những cắt nghĩa, lý giải về quá khứ. Sau đó, dựa vào tâm lý người nghe mà nói thêm về tương lai, hậu vận.

Điểm đáng nói ở đây là khi bị mê hoặc bởi sự thông suốt quá khứ, người nghe thường cũng dễ thần thánh hóa và bị cuốn hút vào những gì được nghe nói về tương lai, hậu vận. Dù biết hay không biết về tương lai của người khác, nếu để ý ta thấy lúc này có ít thầy nào nói về những điều xấu, điều bất lợi, mà chỉ nói “cho vừa lòng” thân chủ. Thí dụ, năm mới cô cũng gặp chút lận đận về tình duyên, gia đạo, nhưng cuối cùng nhờ quý nhân phù trợ, mọi việc cũng êm xuôi, gia đình đoàn viên, con cái hiếu thảo.   

Trong số những cách để đoán vận mệnh của đời người, ngoài Bói Dịch hay Bói Bài, còn có Bốc Dịch, Dịch Số, Kỳ Môn Độn Giáp, Thái Ất, Lục Nhâm, Cảm Xạ, Cầu Cơ, Thiên Linh Cái, Gọi Hồn, Bói Bài Cào hay Bài Tarot... Tất cả đều thuộc môn vấn sự.   

KHẢO MỆNH

Cũng trong bài “Ngày Xuân, thử tìm hiểu cách đoán số mệnh của người Tàu và người Việt,” tác giả Lữu Giang diễn giải: “Khảo Mệnh là môn tìm hiểu định mệnh của con người căn cứ vào các dấu hiệu bên ngoài. Trong bài “Văn hóa bói toán dân gian” phát xuất từ Trung Hoa, ngày Tết tại nhiều chùa, tăng sĩ và dân chúng đã biến đạo Phật thành một tôn giáo thờ thần linh và coi đó là “đạo dân tộc.” Các lễ “dâng sao giải hạn”, “cắt tiền duyên”, “xin bùa”, “xin bát hương”... đều được cử hành tại chùa do các tăng sĩ chủ lễ. Tiếng tụng kinh gõ mõ không ngớt, khói hương nghi ngút.”   

A._ Các dấu hiệu bên ngoài:

Bao gồm nhân tướng, chỉ tay, chữ viết và chữ ký…

1_ Nhân tướng học

Nhìn vào diện mạo, cách nói năng, đi đứng, cư xử của một người để đoán về số mệnh. Ca dao tục ngữ của Việt Nam cũng thấy có nhiều câu nói về cuộc đời của con người qua tướng mạo bên ngoài, chẳng hạn như:

“Những người thắt đáy lưng ong,

Vừa khéo chiều chồng lại khéo nuôi con.”

Hay:

“Những người ti hí mắt lươn,

Trai thì trộm cắp, gái buôn chồng người.”

Đó là những câu đoán mệnh một cách đơn giản do kinh nghiệm dân gian. Cách đoán này căn cứ vào tất cả mọi thứ trên con người rồi suy ra tính tình, tuổi thọ, bệnh tật, địa vị xã hội, họa phúc an nguy... của một người. Nhưng đoán như vậy rất dễ bị lầm! Thời nay các bà, các cô chỉ cần bước vào viện thẩm mỹ nửa tiếng, bước ra là có ngay “đôi mắt lá răm, đôi mày lá liễu” hai mí chớp chớp đưa tình rất lãng mạn.

Hoặc như câu: “Đàn ông không râu bất nghì. Đàn bà không vú lấy gì nuôi con.” cũng vậy. Râu hay không râu, vú hay không vú, cứ qua bàn tay chuyên môn là cỡ nào cũng có. Chỉ tiếc là ngày nay con người sợ đẻ, ít đẻ nên kinh nghiệm xưa kể như đã lỗi thời!

2_ Xem chỉ tay

Chỉ tay là sở trường của các ông bà thầy bói. Cứ xè bàn tay ra để thầy ngắm nghía, sờ sờ, bóp bóp rồi nghe phán: Đường hôn nhân cô chẻ đôi thì không tránh khỏi ly dị. Trí đạo của anh dài quá mức là dấu hiệu của bệnh đau đầu hay thần kinh tâm trí chứ không phải học giỏi.

Sợ nhất là đàn bà mà đường hôn nhân có hình cù lao thì không tránh khỏi ngoại tình. Người có cù lao trên đường sinh đạo thì sẽ bị bệnh về bao tử hay bệnh lao phổi, và trên đường tâm đạo thì hoặc là bị thất vọng về tình hoặc là bị đau tim, v.v. Biết sao đây, lỡ mà trong lòng bàn tay có hai hoặc ba cái cù lao thì kể như tiêu đời! Cũng may đó chỉ là đoán mò, còn trúng trật tùy vào hên xui, may rủi.

Tuy nhiên, với cái nhìn khoa học, môn chỉ tay gần đây đã được một số đại học nghiên cứu, không phải dùng trong bói toán mà còn áp dụng vào việc chẩn đoán bệnh tật. Nhiều sinh viên y khoa tại Pháp hay Hoa Kỳ đã mở nhiều cuộc nghiên cứu về chỉ tay để định bệnh và làm luận án tiến sĩ y khoa bằng môn này.

3_ Chiết tự

Xem những nét của chữ viết và chữ ký để biết được tính tình, bệnh tật và con đường công danh sự nghiệp của một người. “Le style, c'est l'homme.” - Văn là người. Đọc văn của một người, ta có thể biết tính tình và phong cách của người đó. Không biết chữ của ai chứ như riêng người viết đây khi còn bé đã bị thầy giáo phê rằng: “Chữ viết như gà bới, suốt đời chỉ đi ăn mày!” Do vậy, thời trai trẻ không dám viết thư tình, sợ lộ thân phận “cái bang” của mình mà bị ế!

B_ Dịch lý, Tử vi, Xem tuổi

Trong các cách thức do con người đặt ra dựa vào Dịch Lý còn có một số môn khác như Địa Lý, So Tuổi, Bát Tự, Tử Bình, Tử Vi, v.v. Trong đó, hai môn Tử Bình và Tử Vi được cho là thông dụng nhất. Tử Bình thông dụng ở Trung Hoa, còn Tử Vi được phổ biến rộng rãi ở Việt Nam.  

Tuy môn Khảo Mệnh không đòi hỏi sự linh ứng của thần linh, nhưng đòi hỏi kinh nghiệm và khả năng chuyên môn của người thầy. Theo Cụ Trần Đoàn, khoa Tử Vi bao gồm: Thiên Văn, Lịch Phổ, Ngũ Hành, Ngũ Sự (nhân tướng học), Tạp Chiêm và Hình Tượng.

Từ xưa đến nay, Tử Vi được coi là môn học bí truyền. Theo cụ Đoàn, lúc đầu môn này được lập ra để triều đình chọn người làm quan, nên không cho sử dụng trong nhân gian. Do đó, các sách bán trên thị trường chỉ là tạp thư, tam sao thất bổn. Hơn nữa, khoa Tử Vi được nghiệm theo cấu trúc của xã hội Trung Hoa ngày xưa. Như vậy nó có cần được hiệu đính lại theo cấu trúc mới dựa vào sự thay đổi của xã hội hay không? Và nếu dùng Tử Vi để áp dụng cho môi trường xã hội Việt Nam càng phải thận trọng hơn.

 

Một môn khác được người Tàu cũng như người Việt ưa thích là môn so tuổi của hai người khi kết hôn hoặc làm ăn chung với nhau. Đây cũng là một khoa nghiệm lý, khá phức tạp.

Xem tuổi có nghĩa là căn cứ vào “tam hợp” Thân-Tý-Thìn, Tỵ-Dậu-Sửu hay Hợi-Mão-Mùi và “tứ hành xung” Tý-Ngọ-Mão-Dậu, Dần-Thân-Tỵ-Hợi hay Thìn-Tuất-Sửu-Mùi theo ngũ hành của năm sinh. Tuổi hai người nằm trong tam hợp thì tốt, trái lại, nếu ở trong tứ hành xung thì xấu.

Tuy nhiên, theo Lữu Giang, cách xem trên khác với cách xem tuổi của người Trung Hoa. Người Trung Hoa xem tuổi của hai bên như xem địa lý, căn cứ vào “cung phi” thuộc tuổi. Cung phi được thiết lập theo hàng Can của tuổi chứ không phải theo hàng Chi. Thí dụ: người nam tuổi Canh Dần thuộc cung Khôn, lấy vợ tuổi Ất Mùi thuộc cung Càn là gặp Phước Đức, sẽ ăn nên làm ra và giàu có. Trái lại nếu lấy vợ tuổi Quý Tỵ là gặp Ngũ Quỷ, trong gia đình sẽ luôn có chuyện cãi cọ bất hòa,v.v.

Tóm lại, nếu ông hay bà thầy Việt Nam dựa vào tam hợp phán: “hôn nhân tốt”, mà sau đó hai vợ chồng khắc khẩu, cãi vã và đổ vỡ, thì đó là tam hợp của người mình, còn hậu vận kia là vì không hợp cung phi như cách so tuổi của người Trung Hoa! Lôi thôi chưa?!    

NÊN HAY KHÔNG NÊN TIN BÓI TOÁN

Trong phần kết của bài khảo luận, tác giả Lữu Giang đã nêu lên một câu truyện có trong Cổ Học Tinh Hoa đời Đông Chu:

Hiền tài Khuất Nguyên bị bọn nịnh thần dèm pha nên bị Sở Vương loại ra và không cho gặp mặt. Ông thấy đời kẻ sĩ như thế này thì quá vô dụng, không còn làm được việc gì ích quốc lợi dân, nên tâm buồn ý loạn, không biết phải hành động như thế nào, bèn đến gặp quan Thái bốc Trịnh Thiềm Doản, chuyên về bói cỏ thi, mà vấn kế. Thiềm Doản phủi mu rùa và sửa lại cỏ thi cho ngay ngắn rồi hỏi :

- Ông muốn dạy tôi việc chi?

Khuất Nguyên ôn tồn đáp:

- Tôi có nên giữ mãi lòng trung hay nên đưa đón theo đời để kiếm miếng ăn? Tôi có nên tiếp tục giữ lòng chính trực hay trơn tru tròn trĩnh như mỡ như da để được như cây cột?

Tôi có nên cứ ngang tàng như con thiên lý mã hay bắt chước con vịt nước theo sóng mà nhấp nhô? Trước tình thế này tôi có nên giữ phong thái của loài hoàng hộc hay tranh ăn với nhóm gà vịt?

Thiềm Doản đặt cỏ thi xuống rồi tạ rằng:

- Ở đời, thước có khi ngắn mà tấc có khi lại dài, vật có chỗ không đủ và trí có chỗ không sáng. Số có chỗ đoán không tới và thần có chỗ cũng không thông. Vậy ông cứ theo lòng mà làm. Cỏ thi và mu rùa quả không biết được những việc ấy.

Nghe những lời ấy, Khuất Nguyên đã theo lòng mình mà làm, trở về vui thú điền viên, viết tập Ly Tao nêu cao chí khí mà để lại cho đời.

Giáo lý Công Giáo coi việc sử dụng bói toán, xin xâm, rút quẻ để đoán mệnh là vi phạm điều răn thứ nhất “thờ phượng Thiên Chúa trên hết mọi sự.” Phật Giáo coi đoán mệnh là trái với luật nhân quả.

Một điều mà có lẽ kinh nghiệm người xưa để lại được cho là đúng: “Đức nhân thắng số”. Hoặc “Ở hiền thì gặp lành”.  Biết thế nhưng việc muốn biết lành dữ, tương lai, hậu vận lại luôn là một cám dỗ.

Đầu năm, xin chúc quý độc giả một mùa Xuân vui vẻ, bình an, và hạnh phúc.

 

 TS. Trần Mỹ Duyệt