Trang

28/09/2013

LOÀI CÂY QUÝ HIẾM 100 năm mới nở HOA ... Rồi CHẾT .

             
Loài hoa đặc biệt này chỉ nở 1 lần duy nhất trong 100 năm và nhanh chóng tàn lụi.
Puya berteroniana là một loài thực vật có hoa trong họ dứa. Loài cây này chỉ nở hoa sau hàng chục năm và đặc biệt có dấu hiệu ra hoa từ 11 năm trước đó.
Tuy nhiên, những chụm hoa màu lam ngọc tuyệt đẹp này nhanh chòng tàn lụi.
Mỗi cây dứa Puya berteroniana chỉ ra hoa duy nhất 1 lần trong đời rồi chết.
Đây là giống cây bản địa của dãy núi Andes, Nam Mỹ và là loài cây phổ biến ở Chile.
Lá cây Puya mọng nước và được phủ một lớp sáp màu bạc chống lại tia sáng gay gắt của ánh nắng và hạn chế tối đa sự thoát hơi nước.
Chiều cao trung bình 3 - 4m. Khi ra hoa chúng có thể cao tới 9 - 10m. Loài cây này thường sống ở nơi khô cằn nhưng còn có thể sống ở những nơi rất lạnh giá nhưng không bị ẩm ướt.
Quả của Puya có vị chua ngọt và có nhiều tác dụng tốt với sức khỏe.










Sưu tầm

26/09/2013

TRIẾT LÝ VỀ LY CÀ PHÊ

Thứ 1:
"Đừng nên hâm nóng lại café. Bởi nếu hâm nóng lại thì café sẽ mất hết mùi vị và gây ra vị đắng. Uống không ngon và sẽ có mùi khét."
Cuộc sống có lẽ cũng như vậy. Việc hâm nóng lại café cũng như việc suy nghĩ quá nhiều về quá khứ. Nhiều người đang sống trong hôm nay nhưng đầu óc thì vẫn luôn trông ngóng về những thứ đã qua. Họ nuối tiếc, họ nhìn mãi về một mối tình đã xa hoặc nhớ nhung về một người nào đó mà quên mất đi rằng - những việc đó chỉ mang lại sự buồn chán và khó chịu thậm chí là gây ra sự đớn đau cho chính họ mà thôi. Quá khứ là những thứ qua rồi, đừng nên khơi nhắc lại mà hãy sống với thực tại thì hay hơn...

Thứ 2:
"Hãy bảo đảm café bạn uống cần phải luôn tươi mới. Hãy uống ngay khi pha xong bởi café chỉ nên giữ ấm khoảng 15 phút trên bếp trước khi hương vị của nó trở thành khó chịu. Thưởng thức ngụm café đầu tiên với cảm giác sảng khoái, tuyệt vời..."
Tại sao không bắt đầu lại mọi thứ trong hôm nay khi mà thực tại là cơ hội của sự đổi mới? Hãy nắm bắt nó khi cơ hội vẫn còn. Không nên lãng phí thời gian mà hơn hết là hãy biết sử dụng nó để mọi thứ trở nên có ích hơn... Thay đổi mình, thay đổi khẩu vị, thay đổi một ly café và thưởng thức một mùi vị mới. Điều đó cũng nên lắm chứ khi mà mùi vị cũ - đã trở nên nhạt nhẽo đi nhiều rồi...

Thứ 3:
"Hãy rang café đúng cách. Nếu xay quá nhuyễn café sẽ trở nên quá đắng. Nếu xay quá thô café sẽ chỉ là nước loãng..."
Về nguyên tắc này cũng giống như việc đòi hỏi về sự quan tâm, săn sóc trong tình yêu vậy. Nó nhắc nhở ta nên biết cân nhắc và trân trọng với những gì mình đang có. Sự quan tâm quá mức đôi khi sẽ không đem lại một kết quả như ý mà thậm chí còn làm hư hỏng một tình yêu. Nhưng ngược lại, nếu thiếu vắng đi sự săn sóc, hay vì quá vô tâm và hời hợt thì tình cảm cũng sẽ trở nên khô khan và nhạt nhẽo. Mất dần đi vị ngọt rồi sớm muộn cũng trở thành thứ nước loãng mà thôi.

Thứ 4:
"Đừng cố sử dụng lại bã café – vì nó chỉ còn là vị đắng và sẽ có mùi khét khi pha."
Nên dứt khoát trong việc tình cảm. Đừng nên cố gắng vớt vát với những thứ đã không thuộc về mình. Việc đừng sử dụng lại bã café cũng như việc không nên tìm gặp lại người yêu cũ. Sẽ chẳng thể đi đến một điều gì khi mà ta đứng này mà vẫn trông núi nọ. Tập trung và trân trọng với những gì mình đang có. Điều đó mới có thể tạo nên một hương vị café thực sự cũng như là một điều cốt yếu để tạo dựng một hạnh phúc cho bản thân. 

Thứ 5:
Cuộc sống cũng giống như 1 ly café. Bạn ngồi bên cửa sổ, nhấc tách café lên... nhấp 1 ngụm... và chợt nhận ra rằng, ly cafe chưa có đường. Rồi bởi vì ngại đứng dậy để lấy đường, bạn ngồi đó và uống ly café đắng. Khi ly café đã cạn, bạn mới phát hiện ra rằng đường đã không tan ra và dính ở đáy ly...
Chúng ta mất quá nhiều thời gian để băn khoăn tại sao cuộc đời lại quá ảm đạm, nhạt nhẽo..., và tốn rất nhiều thời gian đi tìm kiếm sự ngọt ngào trong khi ta chỉ cần khuấy lên. Chính tôi, chính bạn sẽ làm cho cuộc sống của mình đầy hương vị nếu ta không chờ đợi. Hãy tận hưởng ly café của cuộc sống!

Lời kết: Để có được một ly café ngon - người pha đòi hỏi phải có một kiến thức rộng rãi. Để có một tình yêu thật sự đẹp, không thể không đòi hỏi những sự vun vén của cả hai. Yêu như thế nào, cư xử và cách quan tâm ra sao, bên ly café cuộc sống đã nói lên rất nhiều. Thôi thì hãy để một sáng đẹp trời, qua nhà đón người mà mình yêu mến. Nhẹ nhàng ăn sáng, rồi nhẹ nhàng thưởng thức một ly café thật đậm đà và tươi mới. Không mùi khét, không vị đắng và chẳng còn loãng nhạt... Từ từ uống, từ từ tìm thưởng thức và từ từ tìm hiểu một Triết Lý Café...
Sưu tầm

21/09/2013

Ghim trong lòng


Khi bị người nào đó nói hay làm gì trái ý, tổn thương thì chúng ta thường nhớ dai và nhớ hoài.  Khi ngồi yên hoặc có dịp thì trong tâm lại đem những lời nói, hành động, cử chỉ của người đó chiếu lại cho ta xem và ta ngoan ngoãn ngồi xem chăm chú.  Tệ hơn nữa, sau mỗi lần như vậy, sự buồn giận của ta càng tăng và ta lại tiếp tục oán hận người đó.  Nhiều khi sự việc đó đã xảy ra cả chục năm trước, bây giờ người kia đã thay đổi tính tình hoặc đã chết rồi, nhưng cuốn phim cũ trong tâm ta mỗi lần chiếu lại, nó vẫn mới tinh như các phim đĩa DVD hiện nay.  Nực cười thay, chúng ta không nhận ra điều làm mình khổ không phải người kia mà là chính mình.  Chính mình cho phép cái tâm lôi phim cũ ra chiếu, chính mình suy nghĩ, nhớ hoài chuyện cũ. 
Dù người khác có mắng chửi, hạ nhục, đối xử tệ bạc với mình hôm qua hay hôm kia, nhưng nếu bạn lỡ uống nhằm "thuốc lú" quên hết thì hôm nay đâu có khổ.  Không biết bạn có đồng ý chăng?  Nếu đồng ý thì nên quay trở về điều chỉnh, dạy dỗ cái tâm của mình đừng cho nó tự tung tự tác muốn nhớ nghĩ cái gì thì nghĩ, nhất là hay nhớ nghĩ những điều sai quấy của người khác.  Bởi vì mỗi khi tâm nhớ nghĩ điều sai quấy của người khác thì ai khổ trước?  Mình khổ trước hay người kia? 
Ngày hôm qua, ông A, bà B đã mắng chửi, hay đánh ta một roi.  Ngày hôm nay, nếu ta nhớ nghĩ lại hành động của họ và đau khổ tiếp, đó tức là ta tự mắng chửi và lấy roi đánh mình thêm lần nữa.  Và nếu ta cứ tiếp tục nhớ nghĩ và buồn khổ hoài thì có phải là tự mình mắng chửi, hành hạ mình không?  Cái này ngoài đời gọi là "thú đau thương".   Khi thích cái gì thì muốn có hoài, như thích hút thuốc thì tìm thuốc hút và khi được hút thì sung sướng nên gọi là thú.  Thích uống rượu mà được đi nhậu là một cái thú.  Nhưng khi có được những cái "thú" đó, thay vì sung sướng thì lại đau khổ, nên gọi là "thú đau thương".
Quá khứ đã qua rồi, bây giờ chỉ còn là ký ức.  Chúng ta không thể nào quên hoàn toàn quá khứ, dù muốn dù không nó đã in vào tâm thức, nhưng đừng để cho nó làm mình đau khổ. 
Khi lái xe hơi bạn nhìn về phía trước hay nhìn kính chiếu hậu?  Đương nhiên không ai nhìn vào kính chiếu hậu hoài vì sẽ gây ra tai nạn mà chỉ liếc nhìn một chút trước khi muốn lách hoặc vượt qua an toàn.  Cũng thế bạn hãy nên nhìn về phía trước, nhìn tới tương lai.  Chỉ khi nào cần tìm kiếm điều gì trong quá khứ thì có thể quay lại liếc nhìn, và nhớ nhìn trong giây lát thôi.
Giả dụ trong quá khứ người kia đã làm khổ bạn thật, và khi nhớ lại dù trong giây lát thôi cũng đủ làm cho bạn khổ sở, khó chịu, vậy sao bạn không uống thuốc "Hỷ Xả"?  Chỉ cần đứng trước bàn Phật nói to lên rằng: "ông A, bà B, đã làm con đau khổ trong quá khứ, nhưng hôm nay đây con phát nguyện tha thứ và hỷ xả cho họ, bởi vì làm người ai mà chẳng lầm lẫn". Làm một lần chưa hết thì làm nhiều lần cho tới khi nào nhớ lại chuyện cũ mà tâm bình thản như nhớ chuyện của ai khác chứ không phải chuyện của mình thì xem như thuốc "Hỷ Xả" đã có công hiệu.  Nên nhớ ngay cả bệnh nhẹ như nhức đầu sổ mũi cũng phải uống thuốc nhiều lần mới hết, đâu phải chỉ uống một viên là hết bệnh, huống chi bệnh "ghim trong lòng" là một bệnh phiền não thâm căn cố đế của con người, đâu thể phát nguyện suông vài lần là hết được.

 
Trích "Dòng Đời Vô Tận", Thích Trí Siêu

16/09/2013

Sai một ly

“Sai một ly, đi một dặm”, Ông Bà ta vẫn dạy thế. Hai khái niệm “ly” và “dặm” mang ý nghĩa đối nghịch nhau. Một ly (1/10 cm) thì rất nhỏ, rất gần; mà một dặm thì rất lớn, rất xa. Ấy thế mà chỉ sai có một ly thôi thì ta phải vượt chặng đường xa vô ích tới một dặm. Lối so sánh ấy nói lên hậu quả nghiêm trọng của những quyết định hay chọn lựa. Nếu không cẩn thận từng ly, ta sẽ chuốc lấy thiệt thòi hằng dặm. “Đi một dặm” là cái giá phải trả cho sự nông nổi cầu thả của mình.

Trong cuộc sống thông thường, vì thiếu ý thức hay bất cẩn, không những chúng ta phải trả giá về những hành động của mình, mà còn làm cho nhiều người bị ảnh hưởng thiệt thòi lây. Một ông giám đốc ký những quyết định vội vàng thiếu tính khả thi là làm thiệt thòi những số tiền khổng lồ vì một dự án bị thất bại. Một nhà đầu tư còn quá non trẻ trong lãnh vực kinh doanh, vội vàng trong những quyết định với đối tác mình chưa hiểu biết sẽ chuốc lấy những thất bại đắng cay cho mình và cho biết bao người có liên quan. Gần đây, khắp nơi rộ lên hiện tượng “tín dụng đen” làm điêu đứng biết bao người đã cho thấy hậu quả tai hại của sự nông nổi và hám lợi trước mắt.

Có những khi chúng ta sai một ly trong việc kết luận về tư cách một con người hay bản chất một sự việc. Những nhận định chủ quan dễ làm chúng ta sai lầm. Người Việt mình hễ nghe có tin đồn là dễ tin và rất nhiệt tình loan truyền cho nhau, không cần cân nhắc và kiểm chứng. Điều tệ hại là những tin tiêu cực thì loan truyền nhanh hơn những tin tích cực. Kết luận vội vàng về tư cách một cá nhân sẽ dễ dàng làm cho họ bị tổn thương. Nhiều người vì những dư luận vô cớ mà con đường tiến tới tương lai của họ bị khép lại.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ rất vội vàng trong việc chọn cho mình người bạn đời. Khi chọn ai làm chồng hay vợ là họ quyết định gắn bó cả đời với người ấy. Vì thế, hậu quả của những quyết định nông nổi là những gia đình tan vỡ, hoặc có cố níu kéo thì cũng căng thẳng và đau khổ như địa ngục trần gian. Cũng do quan niệm lệch lạc về hôn nhân mà có những mối tình chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ vài tuần. Điều đáng nói đương sự không phải là những người ít học, mà họ là trí thức, thương nhân, những “ngôi sao” và những người nối tiếng. Một hôn nhân không đặt nền tảng trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau thì đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Trong xã hội ta, số những vụ tai nạn giao thông được nhắc tới thường xuyên như lời cảnh tỉnh cho những ai lưu thông trên đường. Vậy mà số tai nạn vẫn không giảm vì vẫn có những người bất chấp mọi luật lệ, cố len cố vượt, đánh võng trong khi đi đường. Vì muốn nhanh chóng đến đích, nhiều người đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề cho chính bản thân, phải trả giá bằng mạng sống của mình hoặc suốt đời thương tật. Vì sai một ly, họ đã phải đi không chỉ một dặm, mà suốt cả đời. Cuộc sống này cũng giống như giao thông đường bộ, nếu mỗi người biết tôn trọng “phần đường” của mình trong lãnh vực gia đình, bè bạn và đồng nghiệp thì sẽ hạnh phúc biết bao.

Luật pháp là công cụ quản lý xã hội, bảo đảm công bằng và góp phần phát triển xã hội. Thế nhưng chính cái điều đáng ra làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt trong đời sống con người thì lại sai lầm. Trong số 1.700.000 văn bản pháp luật được công bố từ 10 năm qua, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kiểm và phát hiện trên 50.000 văn bản sai trái ( VnExpress.net, 26-7-2013). Một con số khiến không ít người phải ngỡ ngàng và giật mình. Các văn bản sai phạm này thuộc nhiều lãnh vực như du lịch, giao thông, giáo dục,văn hóa đủ mọi cấp, từ trung ương đến địa phương. 50.000 văn bản này đã bị “tuýt còi”, nhưng từ khi chúng được công bố và áp dụng cho đến khi tuýt còi, có biết bao nhiêu người đã là nạn nhân của những văn bản sai phạm đó và những người soạn thảo và công bố những văn bản đó có trách nhiệm đến đâu. Một số quy định luật pháp đã từng là đề tài cho mọi câu chuyện đàm tiếu vì tính khôi hài của chúng. Nhiều văn bản luật pháp như sản phẩm của trí tưởng tượng, hình dung những trường hợp chẳng bao giờ xảy ra. Có lẽ sự cẩu thả thiếu thực tế là một căn bệnh cố hữu của những người làm luật.

 
“Sai một ly, đi một dặm”, lời khuyên khôn ngoan của Tiền Nhân luôn có giá trị với mỗi chúng ta, trong đời sống hằng ngày.


Vũ Văn Thiên