Trang

16/09/2013

Sai một ly

“Sai một ly, đi một dặm”, Ông Bà ta vẫn dạy thế. Hai khái niệm “ly” và “dặm” mang ý nghĩa đối nghịch nhau. Một ly (1/10 cm) thì rất nhỏ, rất gần; mà một dặm thì rất lớn, rất xa. Ấy thế mà chỉ sai có một ly thôi thì ta phải vượt chặng đường xa vô ích tới một dặm. Lối so sánh ấy nói lên hậu quả nghiêm trọng của những quyết định hay chọn lựa. Nếu không cẩn thận từng ly, ta sẽ chuốc lấy thiệt thòi hằng dặm. “Đi một dặm” là cái giá phải trả cho sự nông nổi cầu thả của mình.

Trong cuộc sống thông thường, vì thiếu ý thức hay bất cẩn, không những chúng ta phải trả giá về những hành động của mình, mà còn làm cho nhiều người bị ảnh hưởng thiệt thòi lây. Một ông giám đốc ký những quyết định vội vàng thiếu tính khả thi là làm thiệt thòi những số tiền khổng lồ vì một dự án bị thất bại. Một nhà đầu tư còn quá non trẻ trong lãnh vực kinh doanh, vội vàng trong những quyết định với đối tác mình chưa hiểu biết sẽ chuốc lấy những thất bại đắng cay cho mình và cho biết bao người có liên quan. Gần đây, khắp nơi rộ lên hiện tượng “tín dụng đen” làm điêu đứng biết bao người đã cho thấy hậu quả tai hại của sự nông nổi và hám lợi trước mắt.

Có những khi chúng ta sai một ly trong việc kết luận về tư cách một con người hay bản chất một sự việc. Những nhận định chủ quan dễ làm chúng ta sai lầm. Người Việt mình hễ nghe có tin đồn là dễ tin và rất nhiệt tình loan truyền cho nhau, không cần cân nhắc và kiểm chứng. Điều tệ hại là những tin tiêu cực thì loan truyền nhanh hơn những tin tích cực. Kết luận vội vàng về tư cách một cá nhân sẽ dễ dàng làm cho họ bị tổn thương. Nhiều người vì những dư luận vô cớ mà con đường tiến tới tương lai của họ bị khép lại.

Ngày nay, có nhiều bạn trẻ rất vội vàng trong việc chọn cho mình người bạn đời. Khi chọn ai làm chồng hay vợ là họ quyết định gắn bó cả đời với người ấy. Vì thế, hậu quả của những quyết định nông nổi là những gia đình tan vỡ, hoặc có cố níu kéo thì cũng căng thẳng và đau khổ như địa ngục trần gian. Cũng do quan niệm lệch lạc về hôn nhân mà có những mối tình chỉ tồn tại trong một thời gian rất ngắn, thậm chí chỉ vài tuần. Điều đáng nói đương sự không phải là những người ít học, mà họ là trí thức, thương nhân, những “ngôi sao” và những người nối tiếng. Một hôn nhân không đặt nền tảng trên tình yêu và sự tôn trọng lẫn nhau thì đổ vỡ là điều khó tránh khỏi.

Trong xã hội ta, số những vụ tai nạn giao thông được nhắc tới thường xuyên như lời cảnh tỉnh cho những ai lưu thông trên đường. Vậy mà số tai nạn vẫn không giảm vì vẫn có những người bất chấp mọi luật lệ, cố len cố vượt, đánh võng trong khi đi đường. Vì muốn nhanh chóng đến đích, nhiều người đã phải gánh chịu hậu quả nặng nề cho chính bản thân, phải trả giá bằng mạng sống của mình hoặc suốt đời thương tật. Vì sai một ly, họ đã phải đi không chỉ một dặm, mà suốt cả đời. Cuộc sống này cũng giống như giao thông đường bộ, nếu mỗi người biết tôn trọng “phần đường” của mình trong lãnh vực gia đình, bè bạn và đồng nghiệp thì sẽ hạnh phúc biết bao.

Luật pháp là công cụ quản lý xã hội, bảo đảm công bằng và góp phần phát triển xã hội. Thế nhưng chính cái điều đáng ra làm chuẩn mực cho mọi sinh hoạt trong đời sống con người thì lại sai lầm. Trong số 1.700.000 văn bản pháp luật được công bố từ 10 năm qua, Cục Kiểm tra Văn bản quy phạm pháp luật - Bộ Tư pháp kiểm và phát hiện trên 50.000 văn bản sai trái ( VnExpress.net, 26-7-2013). Một con số khiến không ít người phải ngỡ ngàng và giật mình. Các văn bản sai phạm này thuộc nhiều lãnh vực như du lịch, giao thông, giáo dục,văn hóa đủ mọi cấp, từ trung ương đến địa phương. 50.000 văn bản này đã bị “tuýt còi”, nhưng từ khi chúng được công bố và áp dụng cho đến khi tuýt còi, có biết bao nhiêu người đã là nạn nhân của những văn bản sai phạm đó và những người soạn thảo và công bố những văn bản đó có trách nhiệm đến đâu. Một số quy định luật pháp đã từng là đề tài cho mọi câu chuyện đàm tiếu vì tính khôi hài của chúng. Nhiều văn bản luật pháp như sản phẩm của trí tưởng tượng, hình dung những trường hợp chẳng bao giờ xảy ra. Có lẽ sự cẩu thả thiếu thực tế là một căn bệnh cố hữu của những người làm luật.

 
“Sai một ly, đi một dặm”, lời khuyên khôn ngoan của Tiền Nhân luôn có giá trị với mỗi chúng ta, trong đời sống hằng ngày.


Vũ Văn Thiên

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.