Tết vui tưng
bừng, Xuân mừng khấp khởi. Ai cũng có thể cảm nhận mùa Xuân. Nhưng tại sao lại
thương Tết? Nếu là thương mến hoặc thương yêu thì không có gì đáng nói, nhưng
điều đáng quan tâm ở đây vì thương này là “đáng thương”, là “tội nghiệp”.
Người ta đón
Xuân và ăn Tết vì người ta có những niềm vui, cuộc đời đầy may mắn, luôn xuôi
chèo mát mái và hanh thông mọi bước đời. Họ là những người “đẻ bọc điều” hoặc
“có tràng hoa quấn cổ”. Họ may từ khi chào đời, lớn lên cũng chưa phải nặng đầu
suy nghĩ, hầu như chưa biết thế nào là nỗi khổ – cả tinh thần và vật chất.
Trong khi trời
đất vào Xuân, phố xá nhộn nhịp, bước chân người như trẩy hội, thì còn có bao
người phải lầm lũi “đi bên cạnh cuộc đời”, họ không mong Tết, vì Tết có về thì họ
cũng chẳng thấy mùa Xuân ở đâu, thậm chí họ không hề muốn Xuân về! Không phải
họ không thích vui, mà họ không thể an tâm mà vui. Lòng họ trĩu nặng ưu sầu, lo
toan chật tháng ngày, hình như họ đã quên cười từ lâu rồi!
Khi bạn đang nô
nức nói cười, cụng ly chúc mừng nhau, cùng nhau ăn những miếng ngon trên bàn
tiệc Xuân,… bạn có bao giờ chợt nghĩ đến họ và cầu nguyện cho “những người
không có Tết”? Họ là ai?
Rất đa dạng, cả
tinh thần và vật chất. Khôn xiết kể! Chẳng hạn đó là…
● Những người nghèo rớt mồng
tơi, lụi đụi suốt năm, làm nhiều mà chẳng có dư tiền sắm Tết. Họ nghèo lắm, ăn
bữa nay đã phải lo bữa mai, khổ vô cùng, hầu như chưa có thời gian rảnh, mở mắt
ra đã tìm kế sinh nhai cho đến khuya, chân lấm tay bùn, áo đẫm mồ hôi, thế mà
họ vẫn không có được giấc ngủ bình an!
● Những người sớm tối thui thủi
một mình, lạc loài giữa rừng người, bơ vơ giữa chợ đời. Có thể đó là những
người mồ côi cha mẹ – nhất là những trẻ thơ, những người đổ vỡ hôn nhân, những
người có tang vào những ngày “năm hết, Tết đến”, những người phải ăn nhờ ở đậu
vì tha phương cầu thực, sớm tối rối bời lắng lo,… Đôi khi họ muốn bật khóc
nhưng cũng chẳng còn nước mắt mà khóc!
● Những người không cửa, không
nhà, nay đây mai đó, sống kiếp người chẳng khác dân du mục, thuê nhà trọ cũng
chẳng yên, chủ lúc nào cũng “đe” tăng giá. Ăn không dám ăn, mặc không dám mặc,
bệnh cũng ráng chịu chứ cũng không dám mua viên thuốc uống cầm chừng!
● Những người thua lỗ trong
công việc làm ăn, bị phá sản công ty,… khi không họ bỗng thành nợ như Chúa
Chổm, thậm chí còn phải trốn chui trốn nhủi hết chỗ này đến chỗ kia, ăn không
ngon mà ngủ cũng chẳng yên. Không chỉ vậy, có khi chính những người thân thuộc
nhất – dù là vợ, chồng, cha mẹ hoặc con cái – cũng tránh xa họ như tránh xa
dịch bệnh!
● Những người bị bệnh nọ tật
kia – nhất là những người bị chứng ung thư quái ác, họ phải nằm co ro một mình,
muốn uống miếng nước cũng không thể tự thân vận động, mà phải nhờ người khác.
Gặp những đứa con ngoan, đứa cháu tốt thì còn đỡ tủi thân, không may mà gặp
những nghịch tử và ác tôn thì thật bất hạnh, chỉ còn biết khóc và chỉ mong mình
được mau chết!
● Những người thất vọng vì điều này
hoặc lẽ nọ, ưu tư chồng chất, khổ tâm tột cùng. Họ muốn có ai cùng tâm sự để họ
trải tấm lòng cho nhẹ bớt, nhưng đâu ai muốn gần người u buồn, vì sợ xui xẻo
trong năm mới. Đôi mắt xa xăm, ý nghĩ mông lung, ngồi ủ rũ, có ai thọc lét chắc
họ cũng không thể cười nổi, thế thì làm sao họ có được niềm vui Xuân?
● Những người phải chịu cảnh tù
đày và những người phải di tản chỉ vì thiên tai, vì chiến tranh, vì bị áp bức,
bị bóc lột, bị hắt hủi, bị khinh miệt, bị hành hạ,… Đời họ chỉ còn hiện tại,
tương lai mù mịt coi như không có!
Và còn biết bao
những cảnh đời đáng thương khác vẫn hằng ngày ở ngay bên chúng ta.
Trăm người
trăm cảnh đọa đày
Những người
không Tết, biết ai bạn cùng!?
Cố NS Trịnh Công Sơn nói: “Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”. Tấm lòng đó là yêu thương, là cảm thông, là động lòng trắc ẩn và thể hiện lòng thương xót. Thật vậy, ai có lòng yêu thương đồng loại thì mới xứng đáng nhận danh hiệu con người.
TRẦM
THIÊN THU
“Sống trong đời sống cần có một tấm lòng”
Trả lờiXóaChúc bạn luôn vui.
Cám ơn Chị đến thăm. Đúng là cần có một chút lòng thương đồng loại cũng giúp được cho nhiều người.
Xóa