Sách “Cổ học Tinh hoa” kể lại rằng: Ngày kia, Đức
Khổng Tử vào xem miếu Hoàn Công nước Lỗ, thấy có một cái lọ đứng nghiêng. Ngài
bèn hỏi người coi miếu. Người ấy nói rằng:
- Đó là một vật quí, nhà vua thường để bên chỗ ngồi
chơi, hầu làm gương.
Đức Khổng Tử nói:
- Ta nghe nhà vua có một vật quí để làm gương. Vật đó
bỏ không thì đứng nghiêng, đổ nước vừa vặn thì đứng ngay, mà đầy quá thì lại
đổ, có lẽ là vật này chăng?
Ngài bèn sai học trò đổ nước vào. Quả nhiên, đổ nước
vừa, thì lọ đứng ngay, nước đổ đầy thì lọ đổ; bỏ không, thì lọ đứng nghiêng.
Ngài chép miệng than rằng:
- Hỡi ôi! Ở đời chẳng cái gì đầy mà không đổ!
Thầy Tăng Tử hỏi:
- Có cách gì giữ cho đầy mà chẳng đổ không?
Ngài nói:
- Thông minh thánh trí nên giữ bằng cách ngu
độn; công lao to hơn thiên hạ nên giữ bằng cách khiêm cung; sức khoẻ hơn đời
nên giữ bằng tính nhút nhát; giàu có bốn bể nên giữ bằng thói nhún nhường. Đó
là là cách đổ bớt đi để giữ cho khỏi quá đầy mà đổ.
Mặt trời đứng bóng rồi lại xế, mặt trăng tròn rồi lại
khuyết, nhân sự cũng vậy, thăng rồi trầm, thịnh rồi suy, đó là luật tự nhiên
khó mà tránh khỏi. Tuy vậy, cứ theo lời dạy của Khổng Tử, thì cũng có cách giữ
được lâu dài mà không suy đổ. Cách ấy là “hữu nhược vô, thực nhược hư”, nghĩa
là có mà như không, đầy đặc mà như trống rỗng.
Vừa thì đứng. Quả là thâm thuý lắm vậy thay.
VỪA THÌ ĐỦ
Câu chuyện trên làm cho gã nhớ tới cái lý thuyết
trung dung của Khổng Tử. Thực vậy, ngày xưa các cậu học trò cắp sách đến trường
với mơ ước trở thành cụ đồ nho, thường phải học thuộc lòng Tứ Thư và Ngũ Kinh,
là những cuốn sách nòng cốt của Nho giáo. Chẳng hạn như vừa mới nhập môn, các
cậu đã phải ê a:
- Nhân chi sơ, tính bản thiện.
Trước hết, Ngũ Kinh là bộ sách do một số soạn giả
Trung Quốc thời cổ đại, được Khổng Tử sưu tầm và sắp xếp lại thành 5 cuốn:
- Kinh Thi gồm những bài ca dao ở thôn quê và những
bài hát ở chốn triều đình.
- Kinh Thư gồm những phép tắc, kế sách, những lời
khuyên răn và dạy bảo từ đời Nghiêu Thuấn đến thời Đông Chu.
- Kinh Dịch, sách lý số đưa ra lời giải thích trời
đất và muôn vật, có từ trước đời Chu đến đời Hán và được ghi lại thành sách.
- Kinh Lễ gồm các lễ nghi trong gia đình, thôn xóm và
triều đình.
- Kinh Xuân Thu, sách sử ký nước Lỗ, được Khổng Tử
san định lại theo kiểu biên niên.
Tiếp đến là Tứ Thư với bốn cuốn:
- Đại Học dạy cái đạo của người quân tử.
- Trung Dung gồm những lời dạy bảo của Khổng Tử về
cái đạo ăn ở cho đúng mực.
- Luận Ngữ ghi lại những lời Khổng Tử nói với học trò
và người đương thời về nhiều vấn đề triết lý, chính trị, luận lý và học thuật.
- Mạnh Tử, sách do Mạnh Tử viết, bàn về cái thiện của
con người cùng với chủ trương “dân vi quí”, lấy dân làm gốc.
Tứ Thư và Ngũ Kinh kết hợp với nhau thành một bộ sách
căn bản về kinh điển và văn chương của Nho giáo.
Như trên, ta thấy Trung Dung là một trong Tứ Thư.
Sách chứa đựng những lời dạy bảo của Khổng Tử do học trò truyền lại, rồi cháu
ngài là Tử Tư chép lại thành sách gồm 33 chương. Theo Khổng Tử: Trung hào là
tính tự nhiên của trời đất, trung dung là đức hạnh của con người. Trung là ở
giữa, không lệch về bên này, cũng không nghiêng về bên kia. Còn dung là bình
thường. Sống theo đạo trung phải là điều rất bình thường trong cuộc đời của con
người. Đạo trung dung thì ai cũng có được, thế mà không mấy người chịu theo.
Chẳng khác gì ai cũng ăn, cũng uống, nhưng rất ít người nhận ra mùi vị của đồ
ăn thức uống. Chỉ những bậc thánh nhân mới theo được mà thôi.
Đối với Khổng Tử, trung dung là một cái đạo, một con
đường, một triết lý sống của con người. Quan điểm này không khác với quan điểm
phương Tây là mấy, bởi vì nếu gã không lầm, thì các nhà đạo đức vốn thường bảo:
Virtus in medio stat. Nhân đức thường đứng ở giữa.
Những điều vừa trình bày ở trên xem ra có vẻ nặng mùi
lý thuyết. Người bình dân Việt Nam
đã đưa cái lý thuyết này vào cuộc sống và đã đúc kết thành những kinh nghiệm cụ
thể.
Cha ông chúng ta cũng đã thường nói: Thái quá bất
cập. Phàm những cái gì quá mức, cũng đều bất ổn, nhất là trong mối liên hệ với
người khác:
- Già néo thì đứt dây.
- Bên thẳng thì bên phải chùng,
Hai bên đều thẳng, thì cùng đứt dây.
Và như vậy, gã nghiệm ra rằng vừa thì đủ. Giống như
một ông bác sĩ chữa trị cho con bệnh. Liều thuốc ông đưa bệnh nhân uống phải
vừa đủ. Bởi vì nếu ít quá, bệnh nhân sẽ không khỏi, còn nếu nhiều quá, vượt quá
liều lượng cần thiết, bệnh nhân có thể bị ngộ độc và dẫn tới tử vong. Hay như
một câu tục ngữ cũng đã bảo: Tham thực cực thân. Ăn nhiều quá thì chỉ chuốc lấy
những cực khổ vào thân mà thôi.
Gã Siêu
Kính mời bạn hữu Fa tasa đến blog Phật pháp.
Trả lờiXóaChân thành cám ơn Thày. Em sẽ đến Blog Phật Pháp.
XóaHQ thăm bạn và quà trung thu tặng bạn ....tuy có trể nhưng vẫn còn hơn không ????
Trả lờiXóaChúc bạn thật vui ..
http://banhtrungthu.info/wp-content/uploads/2012/05/Banh-Trung-Thu-01.jpg
Đúng ngày Trung thu mà, đâu có gì muộn. Có còn hơn không. Cám ơn và chúc bạn vui tươi trong những ngày rằm tháng tám này.
Xóahttp://i272.photobucket.com/albums/jj178/MissConstrue_2008/Messages/thankYou33.gif