Trang

04/10/2018

YÊU CON CHO ROI CHO VỌT


Chuyện yêu con bằng cách “cho roi cho vọt” vào thời điểm này tưởng như lỗi thời và thiếu văn hóa, nhất là tại các xứ tự do, họ coi việc sửa phạt trẻ em như những hành vi mang tính xâm phạm, gây tổn hại về tâm lý cũng như thể lý của trẻ. Nhưng mấy hôm nay tôi vẫn bị thôi thúc để viết về một điều mà tôi cho là có ích trong vấn đề giáo dục, đặc biệt, đối với những cha mẹ còn có chút quan tâm đến phẩm hạnh và tương lai con cái.

Không lẽ làm cha mẹ - những cha mẹ tốt, những cha mẹ biết quan tâm, lo lắng cho tương lai con cái - thời nay lại đành khoanh tay ngồi nhìn con mình muốn lớn lên như thế nào cũng mặc kệ? Không lẽ vì luật pháp ngăn cấm mà lại không sửa phạt, giáo dục con cái? Đối với những phụ huynh tránh né trách nhiệm, bỏ mặc con cái không quan tâm đến việc giáo dục, thì sẽ dễ dàng chấp nhận quan niệm dễ dãi và để mặc con cái, phó mặc con cái cho học đường, cho xã hội. Tuy nhiên, không quan tâm giáo dục con cái là một lỗi lầm nghiêm trọng đối với phụ huynh. Ca dao Việt Nam có câu: “Sinh con chẳng dạy chẳng răn. Thà rằng nuôi lợn ăn lòng còn hơn.”

Như vậy, liệu phụ huynh có nên sửa phạt con cái trong tầm nhìn giáo dục không? Nếu có, phải như thế nào?  Và ảnh hưởng của việc sửa phạt ấy sẽ như thế nào đối với tư cách, lối sống của con cái sau này?

Đã lâu rồi, trong một buổi hội thảo với các nhà tâm lý và giáo dục, một nhà tâm lý người Mỹ nhìn tôi đoán biết là người Việt Nam hoặc ít nhất cũng Á Châu, nên ghé tai hỏi:

-  Người Việt Nam dạy con có “đánh” không? 

-  Có. Con nít hư thì phải đánh. Đánh vài roi tốt chứ có sao đâu!

Xem như đã đạt được điều mình muốn biết, nhà tâm lý này nói như mỉa mai:

- Chỉ ở những nước lạc hậu con nít mới bị đánh mà thôi. Thế anh là một nhà tâm lý, anh có đánh con anh khi dạy dỗ chúng không?

Câu chuyện giáo dục đến đây đã đến hồi gây cấn. Tự nhiên mình bị cho là thứ dân lạc hậu, và dĩ nhiên, có thể là một thứ tâm lý gia lạc hậu nếu giáo dục mà dùng đến hình phạt. Tôi tự nhủ, vậy thì cũng nên lợi dụng dịp này “giáo dục lại” mấy ông tiến sỹ tâm lý chỉ biết suy diễn “lý thuyết” mà thiếu kinh nghiệm thực hành. Nghĩ vậy, tôi liền nói với người đang hỏi mình những câu hỏi mà theo tôi, rất vớ vẩn mà cũng rất kém tâm lý thực hành sau:

- Này bạn. Nhìn ra vườn hoa bên ngoài hội trường. Nhiều hoa và cây cảnh đẹp, bạn có nghĩ là tự chúng những hoa lá, cây cảnh ấy được như vậy không?

- Dĩ nhiên là không? Chúng cần người làm vườn chăm sóc và tỉa cắt.

- Vậy công việc tỉa cắt ấy là những gì mà một phụ huynh phải làm với con cái dưới cái nhìn giáo dục. Nói nôm na là sửa phạt.

Sau câu trả lời của tôi, không thấy người bạn kia hỏi gì thêm, chỉ biết là những giờ phút sau đó trong suốt buổi hội thảo người này ngồi im lặng…

Cũng nhân câu truyện này, tôi muốn hỏi các bậc phụ huynh, các người làm cha mẹ là liệu chúng ta có muốn và có dám làm công việc của người làm vườn đối với cây hoa, cây cảnh tâm hồn của con chúng ta không? Nếu không, tôi dám tin rằng những cây cảnh non nớt kia sẽ phát triểm um tùm, và sẽ không có được những cây lá, bông hoa xinh tươi, đẹp đẽ. Tóm lại, là phụ huynh, là cha mẹ, chúng ta phải học hỏi, phải biết dành thời giờ, và phải biết tìm hiểu cách thức giáo dục con cái mình.   
      
Câu hỏi mà tôi nhận được nhiều nhất và xem như cũng đang khiến nhiều phụ huynh băn khoăn nhất qua những buổi thuyết trình, hội thảo đó đây là những câu hỏi về con cái, về giáo dục. Và câu trả lời thoái thác mà nhiều cha mẹ trẻ thời nay vẫn dùng để trả lời khi có ai hỏi về con cái, đại khái, em có 1 con, hoặc chúng em có 2 con. Tại sao? Sinh nhiều tốn kém, nhất là giáo dục gặp khó khăn quá. Và vì con cái thời nay khó dạy. Nhưng quan niệm giáo dục của người xưa vô tình đã đúng trong trường hợp này. Theo Ca dao Việt Nam: “Có nhiều mà tốt, có một mà hư!” Đúng vậy, một hoặc hai con không bao đảm tính chất giá trị của giáo dục, nếu như cha mẹ không phải là người quan tâm đến việc giáo dục con cái.

Sửa phạt và tâm lý:

Theo tâm lý học, sửa phạt cũng là một hình thức mang tính cách giáo dục. Đi vào chuyên môn, đó là lý thuyết giáo dục của nhà “nhân cách học” (behaviorists) Burrhus Frederic Skinner (B.F. Skinner), gồm Reinforcement, Punishment, và Extinction.

Reinforcement - một tiến trình như khen thưởng hoặc sửa phạt nhằm thay đổi kết quả nhờ do khích lệ (a procedure, as a reward or punishment, that alters a responseto a stimulus). Khuyến khích hay khích lệ (reinforcement) với hai hình thức, tích cực (positive) và tiêu cực (negative). Khuyến khích tích cực gồm những lời khen, những lời khích lệ hay phần thưởng luôn đem lại kết quả là những việc làm tốt được lặp lại. Tâm lý giáo dục qua ca dao Việt Nam có câu: “Nói ngọt nó lọt vào xương”. Khuyến khích tiêu cực là hình thức nhằm làm cho những gì xấu, những khuyết điểm ngày càng giảm đi, và sau cùng là chừa hẳn. Hình thức này thường được xem như đồng nghĩa với sửa phạt vì cả đều ảnh hưởng đến một hành vị, một thái độ đặc biệt cần phải loại bỏ, tuy nhiên, trên thực tế, không giống nhau. Tóm lại, một đàng khuyến khích làm điều tốt để cho những đức tính tốt ngày càng phát triển. Một đàng khuyên răn tránh những cái xấu để những tính xấu ngày càng giảm đi. Và một đàng ngăn chặn tính xấu, cùng lúc khích lệ những đức tính tốt. 

Trở lại vấn đề “cho roi, cho vọt”. Tâm lý học không hoàn toàn loại bỏ việc dùng roi vọt một cách có kiểm soát và hợp với lứa tuổi. Thánh Kinh cũng cho biết, chính Thiên Chúa cũng sửa phạt chúng ta để cho chúng ta nên tốt hơn: “Chúa sửa phạt người Ngài yêu” (Do Thái 12:6; Cách Ngôn 3:13).

Và tuổi lý tưởng nhất để cái roi có ảnh hưởng tốt đến giáo dục là lúc các em lên 3, lên 5. Tuổi mà thấy bố mẹ cầm cái roi nhấp nhấp là sợ, là khóc thút thít. Nhưng cũng là tuổi mà tuy khóc, sợ nhưng vẫn chạy lại với bố mẹ. Với tuổi này việc đánh nhẹ một vài roi để chừa thói lè nhè, thói dành ăn với em, hay thói làm biếng là điều nên làm. Bởi vì sự hoàn chỉnh về tâm lý đạo đức cũng có nền tảng từ sợ hãi, hoặc không muốn mình bị phạt, bị la mắng. Tâm lý này vẫn có ảnh hưởng ngay đối với nhiều người lớn tuổi, thí dụ, giữ đạo vì sợ sa hỏa ngục và để được lên Thiên đàng.

Vậy thế nào là sửa phạt?

Như vừa phân tích ở trên, giữa khen và khuyến khích là sửa phạt, một hành động nhằm giảm thiểu hoặc hạn chế những thái độ đặc biệt nào đó thường xuất hiện trong cung cách và lối sống cần phải xa tránh. Do đó, sửa phạt cũng được coi là một phần trong những phương pháp giáo dục khi mà những lời khuyên hoặc những răn đe không đem lại hiệu quả. Phụ huynh tùy từng trường hợp và tùy vào tâm tính của mỗi đứa con, cũng có thể cho vài roi các cô, các cậu ở tuổi mới lớn mà làm biếng học hành, ham chơi, gian dối, hoặc không vâng lời cha mẹ. Chúng ta nhiều người đã có kinh nghiệm này khi nhắc lại thời gian mới lớn của mình. Thí dụ, nhờ trận đòn của bố tôi mà tôi đã siêng học, và hôm nay tôi nên người. Hoặc tôi chừa được cái tính nói láo nhờ vào ba roi của mẹ tôi.

Một hình thức sửa phạt nữa cũng có tác dụng giáo dục, đó là cấm đoán (extinction) nhằm mục đích ngăn chặn, chấm dứt hành vi ngoài ý muốn và không tốt. Tuy nhiên, ảnh hưởng tiêu cực có thể là qua việc cấm đoán hay khắt khe của cha mẹ, con cái sẽ hành động bằng cách “tránh né, luồn lách” nếu kỷ luật đã ra mà không được theo dõi, thi hành, hoặc dẫn đến việc “bất tuân” nếu sự cấm đoán chỉ là một cách duy nhất mà cha mẹ dùng để khống chế, hoặc áp đặt trên con cái. Điều khó khăn ở đây là làm cách nào để phân biệt được giữa một hành động sửa phạt và một hành động khuyến khích tiêu cực (punishment and negative reinforcement.) Sau đây là một số những lỗi lầm thường mắc phải của cha mẹ và phụ huynh khi sửa phạt con cái:

-Tha nhưng không quên. Sửa phạt, nhưng luôn nhắc tới, hoặc làm cho đứa trẻ mặc cảm về quá khứ, về khuyết điểm của mình. Hậu quả là đứa trẻ sẽ dễ dàng tái phạm khi những lỗi lầm đó vẫn còn là lý do để bị sửa phạt, hoặc quên mà không bị phạt.  

-Những hành động sửa phạt làm tăng sự căm hận, đe dọa - coi căm thù như một cách sửa sai những khuyết điểm.  Coi con cái như kẻ thù. Đánh đập con cái nhằm thỏa mãn sự bực tức, khó chịu cá nhân của cha mẹ.

-Tạo sự sợ hãi để có thể làm tổng quát hóa giữa những hành động không mong muốn. Thí dụ, phụ huynh có thể khiến con cái sợ đến trường khi đưa ra những đòi hỏi quá khả năng của các em trong việc học. Đe dọa, cấm đoán, hoặc áp đặt hình phạt nặng nề gây hoang mang sợ hãi.

Phải sửa phạt như thế nào?

Trở lại vấn đề sửa phạt. Thánh Kinh đã đưa ra những thái độ bình tĩnh, tự kìm hãm, và khoan dung như:

-Chậm nóng giận “Slow to anger...” (Ps 86:15; Ps 103:8; Jonah 4:2)
-Nóng giận nhưng đừng phạm tội “In your anger do not sin.” (Eph 4:26a) . Nếu cha mẹ hoặc phụ huynh đã nóng giận thì “đừng sửa phạt” con cái. Hầu hết những sửa phạt trong lúc nóng giận đều đem lại hậu quả “hối hận” sau này cho cả cha mẹ lẫn con cái.
-Vì sự nóng giận của con người không đem lại sự công chính mà Chúa mong muốn “Because human anger does not produce the righteousness that God desires.”(Giacôbê 1:20)

Như vậy sửa phạt là việc nên làm trong sự bình tĩnh, biết tự chủ và kìm hãm sự giận dữ của cha mẹ hay phụ huynh.

Những hướng dẫn của Thánh Kinh đem lại một ứng dụng thực hành vừa nhân bản, và cũng vừa tâm lý. Không thể sửa phạt con cái bằng cách “Giận cá chém thớt”, bằng cách “Cả vú lấp miệng em”, hoặc bằng những trận đòn mà mỗi khi nhắc lại con cái không biết phải biết ơn hoặc giận hờn cha mẹ?! Do đó, roi vọt ở đây chỉ được hiểu như những hình thức áp dụng trong giáo dục một cách chừng mực, có kiểm soát. 

Tuy nhiên, một trong những cách thức sửa phạt hữu hiệu nhất vẫn là gương sáng của cha mẹ. Nếu những hành vi, ngôn ngữ của cha mẹ là một bài học tốt, là một gương sáng cho cách sống và cách cư xử của con cái, thì việc sửa phạt không còn là vấn đề roi vọt, chửi bới hoặc trách mắng. Người Việt Nam có một câu rất thích hợp trong cái nhìn tâm lý giáo dục, đó là: “Cha nào con nấy”, hoặc “cha mẹ hiền lành để đức cho con”. Còn Chúa Giêsu thì nói: “Thầy đã làm gương để các con noi theo mà bắt chước” (Gioan 15:13). 
TS. Trần Mỹ Duyệt

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.