Trang

22/07/2025

NGƯỜI ÚC ĐẦU TIÊN TRÊN THẾ GIỚI ĐƯỢC XUẤT VIỆN VỚI TRÁI TIM NHÂN TẠO BỀN VỮNG

Úc đã ghi dấu ấn lịch sử khi ca cấy ghép trái tim nhân tạo bền vững đầu tiên của nước này được công nhận là thành công vang dội. Người nhận thiết bị công nghệ cao này đã trở thành người đầu tiên trên thế giới được xuất viện với trái tim nhân tạo BiVACOR.

Trong một ca phẫu thuật kéo dài 6 giờ tại Sydney vào tháng 11 năm ngoái, các bác sĩ đã cấy ghép BiVACOR Total Artificial Heart – một máy bơm máu cơ học làm từ titan – vào một người đàn ông mắc bệnh suy tim nặng. Thiết bị này được sử dụng như một giải pháp tạm thời trong khi chờ trái tim hiến tặng, nhưng BiVACOR được thiết kế với tham vọng trở thành một giải pháp thay thế vĩnh viễn cho trái tim bị suy yếu.

Các bác sĩ hy vọng rằng một ngày nào đó, thiết bị này có thể loại bỏ hoàn toàn sự phụ thuộc vào nguồn tim hiến tặng từ con người. Bác sĩ phẫu thuật tim mạch và cấy ghép nổi tiếng Paul Jansz, người thực hiện ca phẫu thuật tại Bệnh viện St Vincent’s, chia sẻ rằng khoảnh khắc này khiến ông “nổi da gà”.

“Chắc chắn có những giây phút hồi hộp, đặc biệt là khi Daniel [Timms, nhà phát minh BiVACOR] bật công tắc để khởi động trái tim nhân tạo,” bác sĩ Jansz nói. Ông mô tả phát minh này như “Chén Thánh” bởi về mặt kỹ thuật, nó không thể bị hỏng hoặc bị cơ thể đào thải.

Từ những chuyến đi Bunnings đến trái tim titan

BiVACOR hoạt động bằng cách bơm máu đi khắp cơ thể nhờ một động cơ với cơ chế đặc biệt, tránh hao mòn cơ học giữa các bộ phận. Nó sử dụng nam châm để giữ rotor của động cơ lơ lửng, đảm bảo các bộ phận không cọ xát hay mài mòn theo thời gian.

Thiết bị này là sáng chế của nhà phát minh người Queensland, Daniel Timms, người đã dành cả cuộc đời để hiện thực hóa ý tưởng. Bác sĩ Timms chia sẻ rằng niềm đam mê của ông bắt nguồn từ thời thơ ấu, khi ông cùng cha – một thợ sửa ống nước – mày mò với các máy bơm nước. Những chuyến đi cuối tuần đến cửa hàng Bunnings cùng cha đã trở thành ký ức không thể quên.

“Chúng tôi đặt mục tiêu giữa hai cha con: làm sao để có được hóa đơn dài nhất tại Bunnings,” ông cười. “Chúng tôi cố mua thật nhiều thứ để thúc đẩy dự án này.”

Nỗi đau mất cha vì suy tim càng thôi thúc ông hoàn thiện trái tim nhân tạo. Ông luôn quyết tâm đảm bảo người Úc được hưởng lợi từ phát minh này ngay từ đầu. “Có rất nhiều sáng chế ở Úc, nhưng đôi khi chúng bị lãng quên ở nước ngoài,” ông nói.

Phát minh trái tim Úc được thử nghiệm tại Mỹ

Bác sĩ Timms bày tỏ lòng biết ơn với bệnh nhân – một người đàn ông ở độ tuổi 40 đến từ New South Wales – đã tình nguyện nhận cấy ghép BiVACOR trong khi chờ ghép tim. Người này đã sống với trái tim nhân tạo hơn 100 ngày cho đến khi tìm được trái tim hiến tặng phù hợp vào tuần trước. Ca ghép tim sau đó cũng thành công, và bệnh nhân đang hồi phục tốt.

Trước khi nhận BiVACOR, bệnh nhân gần như không thể tự đi lại, thậm chí đến cả nhà vệ sinh. Các bác sĩ không kỳ vọng anh có thể sống đủ lâu để chờ tim hiến tặng. “Trước đây, 25% bệnh nhân chờ ghép tim qua đời. Nhưng giờ đây, với những thiết bị như thế này, tình hình đã thay đổi,” bác sĩ Jansz nhấn mạnh.

Bác sĩ Timms kỳ vọng trong 2-3 năm tới, trái tim nhân tạo của ông sẽ trở nên phổ biến hơn. “Chúng tôi chỉ cần sản xuất thêm nhiều thiết bị. Đó là giới hạn duy nhất hiện nay. Chúng tôi đang tăng tốc sản xuất để sẵn sàng cung cấp,” ông nói.

Bốn thiết bị nữa dự kiến sẽ được cấy ghép trong năm nay thông qua Chương trình Biên giới Trái tim Nhân tạo do Đại học Monash dẫn đầu. BiVACOR lần đầu được cấy ghép vào tháng 7/2024 tại Viện Tim Texas, nhưng bệnh nhân đó không được xuất viện. Sau đó, bốn bệnh nhân khác tại Mỹ cũng nhận thiết bị này trước khi ghép tim, nhưng không ai được xuất viện với BiVACOR.

Nhỏ nhưng mạnh mẽ

BiVACOR nhỏ gọn, có thể đặt vừa cơ thể một đứa trẻ 12 tuổi và chỉ nặng khoảng 650 gram. Bệnh nhân không cảm nhận được thiết bị bên trong cơ thể. Nó được cấp năng lượng bằng một pin sạc bên ngoài, kết nối với trái tim qua một dây ở ngực. Pin có thể hoạt động trong 4 giờ và sẽ báo hiệu khi cần thay. Trong tương lai, bệnh nhân có thể không cần mang pin bên ngoài, mà chỉ cần đặt bộ sạc không dây lên ngực, tương tự cách sạc điện thoại.

Bác sĩ Jansz cho biết thật ý nghĩa khi ca cấy ghép lịch sử này diễn ra tại Bệnh viện St Vincent’s – nơi thực hiện ca ghép tim đầu tiên của Úc vào năm 1968 và ca ghép tim thành công đầu tiên do bác sĩ Victor Chang thực hiện vào năm 1984. Các bác sĩ tại Bệnh viện Alfred ở Melbourne đang được đào tạo và dự kiến sẽ thực hiện ca cấy ghép BiVACOR đầu tiên vào giữa năm 2025.

Nhu cầu cấp bách về hiến tạng

Suy tim cướp đi sinh mạng của khoảng 5.000 người Úc mỗi năm, xảy ra khi tim mất khả năng bơm máu hiệu quả. Tình trạng này có thể khởi phát đột ngột hoặc tiến triển chậm khi tim yếu dần. Bác sĩ tim mạch Chris Hayward từ Bệnh viện St Vincent’s Sydney nhận định BiVACOR sẽ là giải pháp thay thế cho những bệnh nhân không thể chờ tim hiến tặng hoặc khi không có tim phù hợp.

Úc đang đối mặt với tình trạng thiếu hụt nghiêm trọng nguồn tạng hiến tặng. Năm ngoái, tổng số ca ghép tạng giảm 5%, trong khi ghép tim giảm tới 19%. BiVACOR không chỉ là một kỳ tích y học, mà còn là tia hy vọng cho hàng ngàn bệnh nhân đang chiến đấu với suy tim.

ST

 

19/07/2025

Sự thực đáng kinh ngạc về chuyện người bị chặt cụt đầu vẫn còn "sự sống"

 Việc mất đầu mà vẫn còn sống tưởng chừng nghe rất vô lý và chỉ ít trường hợp xảy ra ở động vật: gián, rắn... Nhưng trong lịch sử loài người cũng từng ghi nhận một số trường hợp bị mất phần lớn đầu, bị cụt đầu vẫn có những biểu hiện của sự sống.

Một số nghiên cứu sau này còn hy vọng rằng sẽ duy trì được đầu bị đứt trong thời gian dài để có thể cấy ghép lại cho cơ thể.


Ảnh minh họa: internet

Những trường hợp thần kỳ như phép lạ

Theo tờ báo Pravda (Nga) cho biết, vào năm 1888, bản tin y học New York đã miêu tả một trường hợp vô cùng ngạc nhiên về một thủy thủ đã bị thương nặng trong khi làm việc trên một chiếc tàu kéo ở sông. Trong lúc kiểm tra giây chằng các thùng hàng trên con tàu đang chui qua cầu, anh đã bị thành cầu sắc nhọn cắt một mảng khá lớn khỏi hộp sọ, kéo dài khoảng 2 inch phía trên mắt phải của mình.


Một tay đao phủ đang tiến hành chặt đầu người. (Ảnh minh họa)

Nhưng như một phép màu, người thủy thủ này vẫn còn sống khi đưa đến bệnh viện 2 giờ sau đó. Mặc dù các bác sĩ chẩn đoán rằng, ông sẽ chết bất cứ lúc nào vì đã mất đi 1/4 đầu, song nạn nhân đã mở mắt tỉnh dậy sau khi được băng bó vết thương. Ông đã sống tiếp 26 năm nữa và chỉ bị đột quỵ một lần.

Vào năm 1935, một em nhỏ được đưa tới Bệnh viện St.Vincent ở New York trong tình trạng không hề có não ở trong đầu. Mặc dù thiếu toàn bộ não, nhưng em nhỏ này vẫn sống sót suốt 27 ngày, vẫn có những hành vi bình thường như ăn, ngủ và khóc như bất kỳ em nhỏ mới sinh nào khác. Cho đến khi khám nghiệm tử thi được thực hiện thì không còn ai nghi ngờ về trường hợp em nhỏ không có não này nữa.

Trước đó, theo Psychology, vào tháng 9/1848, một công nhân tên là Phineas Gage đang sửa đường sắt ở gần Cavendish, Vermont đã bị thuốc nổ phá sắt bất ngờ phát nổ khiến một thanh sắt dài 109cm, đường kính 3cm bay xuyên qua má trái, xuyên qua não trước khi rơi xuống đất cách đó 80 feet.

Điều gây sốc ở chỗ, Gage không chỉ vẫn còn sống mà còn có thể nói và đi lại đến khi anh được đưa tới thị trấn gặp bác sĩ. Edward H. Williams, bác sĩ trị liệu đầu tiên gặp Gage đã vô cùng ngạc nhiên. “Đầu tiên tôi chú ý tới vết thương trên đầu của anh ấy trước khi tôi lấy dụng cụ từ hành lý của tôi ra. Lúc đó tôi đã không tin rằng thanh sắt đã bay qua đầu Gage còn Gage thì vẫn khăng khăng nói rằng đó là sự thật. Lúc sau Gage đứng dậy và nôn mửa liên tục ra một nửa bộ não của mình rơi trên sàn nhà”, Williams kể lại trên Psychology.


Phineas Gage đi vào lịch sử y học Mỹ như một bí ẩn khó lý giải nhất.

Đến ngày 7/10 Gage đã bắt đầu đi được và đến ngày 11/10, chức năng nhận thức của anh đã bắt đầu được cải thiện. Vài tháng sau Gage về sống với gia đình và anh trở thành một trường hợp được lịch sử y học Mỹ ghi nhận là một trong những trường hợp khó lý giải nhất. “Câu chuyện của Phineas Gage vô cùng đáng nhớ vì nó là một ví dụ minh họa đã làm thay đổi khoảng cách giữa huyền thoại dân gian và huyền thoại khoa học”, Malcolm Macmillan, một tác giả viết về những câu chuyện của Gage đã nói.

Ở những nơi khác như môt cựu sĩ quan Boris Luchkin của Liên Xô trong Thế chiến 2 từng kể lại về một đồng đội trinh sát bị trúng mìn mất đầu và chỉ còn lại cằm và hàm dưới. Nhưng cơ thể anh vẫn đứng vững, thậm chí Luchkin còn nhìn thấy anh ta mở cúc áo của mình và lôi ra một bản đồ trinh sát dính đầy máu đến khi Luchkin cầm lấy được thì mới ngã xuống.

Câu chuyện của Luchkin có thể ít được nhiều người đồng tình bởi chỉ có một mình anh lúc đó chứng kiến vụ việc. Nhưng trước đó trong sử sách có ghi lại, vào năm 1636, vua Ludwig của Bavaria (phía nam nước Đức) đã xử tử Dietz von Schaumburg và 4 đồng phạm vi nghi có ý đồ đoạt ngôi. Theo luật lệ, Dietz được hưởng một yêu cầu trước khi chết. Dietz đã xin tha cho tất cả các đồng phạm nếu sau khi bị cụt đầu Dietz vẫn đi được 8 bước qua mặt hết 4 người kia. Cuối cùng Dietz được cho là đã thực hiện được và Ludwig phải giữ lời hứa.

Nhà hóa học Antoine Lavoisier là một trong những nhà khoa học vĩ đại nhất nước Pháp. Thật không may, ông sống trong thời kỳ đẫm máu của cuộc cách mạng Pháp. Không may hơn khi ông còn là một nhà quý tộc giàu có. Và thậm chí còn không may hơn nữa, ông là nhà đầu tư vào một công ty thu thuế tư nhân và có va chạm với một trong những lãnh đạo của cuộc các mạng – Jean-Paul Marat. Tất cả những điều không may ấy đã đưa nhà bác học nổi tiếng lên đoạn đầu đài.

Ông bị hành quyết vào ngày 8/5/1794. Tuy nhiên, Lavoisier đã tận tâm với khoa học cho đến hơi thở cuối cùng. Ông quyết định tham gia vào một thí nghiệm ngay cả khi đã chết. Ông hứa rằng sau khi bị chặt đầu cũng sẽ tiếp tục nhấp nháy cho đến khi còn ý thức được và đề nghị bạn mình tới để chứng kiến sự việc. Bạn của ông đã làm theo đúng yêu cầu. Đầu của Lavoisier bị chặt xuống và còn nhấp nháy trong 15 giây trước khi chết hoàn toàn.

Những câu chuyện kỳ lạ đó tưởng chừng như chỉ có ở thời xa xưa nhưng theo chuyên trang khoa học Livescience tiết lộ đến những năm gần đây vẫn có những trường hợp báo cáo rằng, có những nạn nhân bị lìa đầu vẫn có những biểu hiện sống kỳ lạ như mắt chớp, thay đổi cảm xúc trên khuôn mặt, mắt ngoái nhìn và thậm chí là cố gắng nói chuyện.

Phép màu hay có cơ sở khoa học nào?

Trong nỗ lực tìm lời giải cho những trường hợp kỳ lạ như trên, theo Pravda, một số người như giáo sư Igor Blatov đã tin rằng con người có “phần hồn” bên cạnh phần nhận thức. Phần hồn ấy giống như một căn phòng lưu trữ các chương trình đảm nhiệm duy trì các chức năng cho cơ thể ở bất cứ cấp độ nào từ hoạt động của hệ thần kinh tới các quá trình đa dạng khác diễn ra trong từng các tế bào. Trong khi đó phần ý thức chỉ là kết quả của quá trình hoạt động của phần hồn.


Con người cụt đầu sẽ sống được trong bao lâu? (Ảnh minh họa)

Còn theo những nghiên cứu mới nhất hiện nay cho biết, mỗi cơ thể con người đều có 2 hệ thống điều khiển. Hệ thống đầu tiên gồm não và hệ thống thần kinh, sử dụng các xung động thần kinh để truyền thông tin. Hệ thống thứ hai dựa trên các tuyến nội tiết. Hệ thống này sử dụng các chất sinh học đặc biệt hoặc kích thích tố để chuyển thông tin đi khắp cơ thể. Điều đó lý giải phần nào cho việc ngay cả khi não bộ bị tổn thương nặng thì cơ thể vẫn có những biểu hiện, cử chỉ sống.

Thậm chí vào năm 2011, các nhà khoa học Hà Lan đã dùng máy đo điện não đồ nghiên cứu đầu những con chuột đã bị cắt lìa thân. Kết quả cho thấy, hoạt động điện trong não bị cắt đứt vẫn còn ở tần số bình thường trong khoảng thời gian 4 giây. Các nghiên cứu được tiến hành ở những động vật có vú nhỏ khác cũng cho thấy điều đó diễn ra thậm chí ở thời gian lâu hơn với khoảng 29 giây.

Trước đấy, vào năm 1905, bác sĩ Beaurieux đã từng nghiên cứu tên tội phạm Henri Languille bị chặt đầu cho thấy, Languille vẫn mở mắt và gọi tên người đao phủ tới hai lần trong khoảng thời gian kéo dài tới 25-30 giây. Tuy thời gian thực sự con người có thể sống được bao lâu sau khi cụt hẳn đầu đến nay vẫn còn tranh cãi, song chỉ cần trong vài giây cũng đủ để có những trải nghiệm không khác gì người sống.

Trong khi đa số các nhà khoa học cho rằng, những biểu hiện đó là những phản xạ của cơ thể trong một thời gian ngắn thì việc tìm hiểu một vấn đề tưởng chừng như điều không tưởng lại hé mở ra những thứ rất quan trọng.

Vào năm 1954, khi nhà khoa học Vladimir Demikhov (Nga) đã đưa ra những chú chó được cấy ghép 2 đầu đã lập tức tạo ra cuộc đua kỹ thuật phẫu thuật, cấy ghép. Chính phủ Mỹ đã bắt đầu cấp tiền cho bác sĩ Robert White để thực hiện vô số kết quả thí nghiệm cấy ghép ở trung tâm nghiên cứu não bộ ở Cleveland Ohio.

Kết quả vào ngày 14/3/1970, bác sĩ White cùng cộng sự đã cấy ghép thành công đầu đã bị cắt lìa cho một con khỉ với một cơ thể mới. Tuy con khỉ đã đi lại và sống được chỉ trong một ngày và đồng thời nếu gạt bỏ đi khía cạnh đạo đức của vấn đề này thì cách làm của bác sĩ White đã tạo ra một hy vọng mới rằng một ngày nào đó điều này cũng có thể được thực hiện để cứu sống con người.

ST

18/07/2025

Vì sao chú gà bị chặt đứt đầu vẫn sống được thêm 18 tháng?

 Câu chuyện có thật về chú gà không đầu mà đến tận ngày nay vẫn chẳng mấy người tin.

Bí ẩn chú gà bị chặt đầu rồi mà vẫn sống

Ngày 10/9/1945, Lloyd Olsen và vợ là Clara đang giết thịt gà trong trang trại của họ ở Colorado. Olsen sẽ cắt tiết, chặt đầu gà còn vợ sẽ vặt lông, làm gà sạch sẽ. Họ xử lý khoảng 40-50 con gà. Nhưng có 1 con gà dù đã bị Olsen chặt đầu vẫn không chết như những chú gà khác.

"Đầu gà rơi xuống và một con gà vẫn còn sống, chạy loanh quanh", Troy Waters, chắt của cặp vợ chồng Lloyd và cũng là một nông dân ở Fruita, nói. Chú gà đó đứng dậy và chạy không ngừng.

Chú gà Mike.

Đến sáng hôm sau, khi Lloyd Osen thức dậy, ông bước ra ngoài và thấy chú gà vẫn còn sống. "Đó là một phần kỳ dị, khó hiểu trong lịch sử gia đình chúng tôi", Clara Waters, vợ của ông nói.

Waters được nghe kể về câu chuyện này từ khi còn là một cậu bé, lúc đó ông cố của ông đã ốm yếu và đến sống cùng trong ngôi nhà của bố mẹ ông. Cố và chắt ngủ trong hai phòng ngủ liền kề, và người cố già ốm, thường rất ít ngủ, sẽ nói chuyện hàng giờ liền.

"Ông cố đưa thịt gà xuống thị trấn để bán", Waters kể. "Ông mang theo cả chú gà trống "cứng đầu" đi theo, và bắt đầu cá cược với mọi người để lấy bia hoặc một cái gì đó, rằng ông có một con gà không có đầu vẫn còn sống".

Câu chuyện về chú gà trống không đầu vẫn còn sống nhanh chóng lan đi. Báo chí địa phương cử phóng viên đến phỏng vấn Olsen, và 2 tuần sau một gánh xiếc có tên Hope Wade ở Salt Lake City, Utah, đã đến và đề nghị đưa con gà ra gánh xiếc để kiếm tiền.

Cuối cùng, họ đưa chú gà trống Mike đi California và Arizona, đi một tour khắp miền đông nam nước Mỹ cho đến khi Olsens phải quay về trang trại để thu hoạch mùa màng.

Những chuyến đi của chú gà được bà Clara chụp hình, ghi chép cẩn thận và vẫn đang được bảo quản trong một nơi an toàn của Waters.

Nhật ký về chú gà Mike.

Sự nổi tiếng của Mike đã khiến chủ nhân của nó kiếm bộn tiền. Thời đỉnh cao, trung bình chú gà kiếm được khoảng 4.500 USD/tháng từ các tour trình diễn. Giá trị của chú gà này khi ấy ước tính vào khoảng 10.000 USD.

Từng thoát chết thần kỳ, nhưng Mike lại qua đời theo một cách vô cùng... lãng xẹt. Chú gà này bị hóc vì một vài hạt ngô vào ngày 17/3/1947 - tức 18 tháng sau khi xảy ra sự kiện làm thay đổi cuộc đời của nó.

Chú gà không đầu Mike nổi tiếng đã được dựng một bức tượng tại thành phố Fruita, Colorado (Mỹ). Thậm chí, người ta còn tổ chức một lễ hội gà không đầu hàng năm để tưởng nhớ tới chú gà không đầu kỳ lạ này.

Clara và Lloyd Olsen.

Điều khiến Tiến sỹ Tom Smulders, một chuyên gia về gà tại trường Đại học Newcastle, ngạc nhiên là chú gà bị chặt đầu đã không chảy máu đến chết. Theo ông, việc con vật vẫn có thể tiếp tục hoạt động mà không có đầu dễ dàng giải thích hơn.

Đối với con người, khi mất đầu, thì hầu như toàn bộ não đều bị mất. Nhưng đối với gà, mọi thứ hơi khác một chút. "Bạn sẽ ngạc nhiên với bộ não nhỏ xíu ở phía trước đầu chú gà", Smulders nói.

Các báo cáo cho thấy phần mỏ, mặt, mắt và tai của chú gà Mike đã bị chặt đi. Nhưng Smulders đoán rằng có đến 80% bộ não của Mike – và hầu như mọi thứ điều khiển cơ thể con gà, bao gồm nhịp tim, hơi thở, tiêu hóa – vẫn còn nguyên vẹn.

Người ta đoán rằng Mike sống sót vì một phần hoặc toàn bộ bộ não của con gà vẫn còn nguyên trên cơ thể.

Tuy nhiên, tại sao nhiều người cố gắng tạo ra một chú gà như Mike nhưng vẫn không thể. Điều này rất khó giải thích. Có vẻ là vết cắt trong trường hợp của Mike là đúng chỗ, và cơ thể chú gà Mike đã may mắn đông máu kịp thời giúp chú gà không bị chảy máu đến chết.

Troy Waters đứng bên cạnh tượng chú gà Mike ở Fruita, nơi đây hàng năm vẫn tổ chức Lễ hội gà không đầu vào mỗi tháng Năm.

Troy Waters nghi ngờ rằng ông cố của ông đã cố gắng lặp lại thành công này một vài lần. Và cả những người hàng xóm cũng thế. Ngày đó, ông Olsens thường được uống bia miễn phí vào mỗi dịp cuối tuần, vì những người hàng xóm cứ thuyết phục ông giải thích chính xác đã làm như thế nào mà tạo ra Mike.

Hàng xóm cũng nói nhà ông Olsens "làm giàu bất chính" nhờ chú gà. Tuy nhiên, theo Waters, đó là một sự nói quá. "Ông kiếm được một chút tiền nhờ việc đó", Waters nói. "Ông đã mua được hai chiếc máy cày, để thay cho con ngựa và con la. Ông cũng mua được chút đồ gọi là xa hoa, một chiếc xe tải 1946 Chevrolet".

Waters từng hỏi Lloyd Olsen rằng ông có vui không. "Ồ có chứ, ông đã có cơ hội đi khắp nơi và ngắm nhìn nhiều vùng của tổ quốc mà có thể không bao giờ được. Ông cũng đã hiểu biết, hiện đại hóa và trang bị các thiết bị nông trại". Nhưng đó là quá khứ. "Ông vẫn làm công việc trang trại suốt cả đời, làm việc vất vả".

ST

16/07/2025

Nam nghệ sĩ là ông chủ cưu mang nhiều ca sĩ

Mới đây, tại chương trình Vân Sơn cùng người nổi tiếng, danh hài Vân Sơn đã chia sẻ về việc mình cưu mang các nghệ sĩ.

 

Vân Sơn và Lương Tùng Quang

Anh nói: "Trung tâm Vân Sơn của tôi từ đầu tiên chuyên về hài thôi. Nhưng trong quá trình làm việc, xây dựng trung tâm, tôi gặp được nhiều ca sĩ trẻ tài năng đang tìm kiếm cơ hội như Nguyễn Hồng Nhung, Lương Tùng Quang, Hoàng Thục Linh… Tôi cho tất cả nghệ sĩ tôi gặp được vào trung tâm của mình để họ được cơ hội biểu diễn như Tâm Đoan, Trường Vũ, Lương Tùng Quang…

Song song đó, tôi còn thấy nhiều ca sĩ lớn tuổi nhưng không làm việc được với các trung tâm lớn khác thời đó nên tôi cũng đứng ra giúp họ.

Thời đó, các trung tâm lớn khi ký hợp đồng với ca sĩ ngoài việc ghi hình còn được hưởng lợi từ việc bán CD. Ví dụ, anh Chế Linh thu cả trăm CD, cả ngàn bài hát cho các trung tâm.

Vì thế, nếu tôi mời anh Chế Linh về thì không có lợi gì hết, chỉ lợi cho các trung tâm kia vì họ mới bán CD. Tôi chỉ mời những ca sĩ không hợp tác được với các trung tâm lớn.

Ngoài những ca sĩ trẻ, tôi còn cưu mang những ca sĩ lớn tuổi nhưng không được các trung tâm lớn mời hát.

Tôi vốn không chuyên về nhạc, chỉ chuyên về hài. Nhưng tôi nghĩ, nếu mình mở rộng sang âm nhạc thì có thể cưu mang được những ca sĩ trẻ đang cần cơ hội hay ca sĩ lớn tuổi mà không được mời hát.

Hôm đó tôi đang đứng ở quầy thì ca sĩ Nguyễn Thắng vào gặp được tôi, đưa tôi đĩa CD của Nguyễn Thắng. Tôi mở lên nghe xong liền bảo: "Anh thấy em hát được đó Thắng, em hát rất hay.

Nhưng anh nói thật, trung tâm anh không chuyên về nhạc. Em sang trung tâm Thúy Nga đối diện bên đường hoặc các trung tâm khác".

Nguyễn Thắng bảo tôi, em nói thói thật với anh, em gửi CD cho họ lâu lắm rồi nhưng họ không trả lời. Em tới đó cũng không ai đón tiếp em. Em gặp được anh ở đây nên muốn được cộng tác với anh.

Đó là lí do vì sao Nguyễn Thắng chỉ đi hát cho trung tâm Vân Sơn".

Ca sĩ Lương Tùng Quang lên tiếng: "Phải cảm ơn anh Vân Sơn rất nhiều. Nhờ anh Vân Sơn cưu mang ca sĩ trẻ chúng tôi ngày đó mà chúng tôi được biểu diễn khắp nơi, có cơ hội để khán giả biết đến".

Tùng Ninh

 

14/07/2025

Ballerina

         Bộ phim mới nhất “Từ Thế Giới Của John Wick: Ballerina” là một nỗ lực mở rộng chuỗi phim John Wick hiện đang rất ăn khách, phần lớn nhờ những màn đấm đá cực kỳ độc đáo và tài diễn xuất của Keanu Reeves. Ballerina là câu chuyện về một nhân vật “bên lề” mang tên Eve Macarro, diễn ra song song với John Wick vào khoảng thời điểm giữa hai tập phim John Wick 3 và 4.

Nguồn ảnh: Lionsgate Pictures

Bối cảnh cho Ballerina được giới thiệu lần đầu trong phim “John Wick 3: Antebellum”. Đó là một trường dạy múa ballet tại New York City, nơi các vũ công được huấn luyện để trở thành những kẻ giết mướn thuộc một tổ chức có gốc gác từ Nga mang tên Ruska Roma. Tại đây một bé gái mồ côi tên Eve Macarro, do Ana de Armas thủ diễn, được mang đến sau khi bố cô bị một nhóm người lạ mặt giết vì một lý do mờ ám mà cô còn quá nhỏ để hiểu. Eve lớn lên trong trường nội trú dạy “ballet kiêm giết người” ấy với ý nguyện báo thù cho cha mình.

Ảnh: Một cảnh trong phim John Wick 3: Antebellum (the prague reporter)

Chính tại ngôi trường này, Eve Macarro và John Wick đã chạm trán nhau lần đầu, tạo nên sự kết nối giữa Ballerina và thế giới của John Wick, một tay sát thủ khét tiếng nằm trong tổ chức Ruska Roma. Người đứng đầu trường dạy múa này là một phụ nữ được gọi là Mother, do Anjelica Huston thủ diễn. Cả hai đều là diễn viên gạo cội, giúp tăng phần hấp dẫn cho Ballerina. Sự góp mặt của họ không chỉ để tạo sự liền lạc giữa hai thế giới của Eve và John Wick, mà ắt hẳn còn là để thu hút lượng fan đông đảo của Keanu Reeves. Tuy chỉ đóng vai phụ trong phim này, nhưng Keanu đã hoàn toàn không làm người xem phải thất vọng.

Ảnh: John Wick (Keanu Reeves) và The Mother (Anjelica Huston) tại trường dạy múa. (Lionsgate Pictures)

Phim được đạo diễn bởi Len Wiseman, với sự trợ giúp của Chad Stahelski, nhà đạo diễn cho các bộ phim John Wick trước đây. Stahelski có một thời từng là stunt director, chuyên môn biên đạo các màn đánh nhau cho nên những phim John Wick của Stahelski luôn đầy các màn ẩu đả khốc liệt hơn bất cứ phim nào khác thuộc thể loại hành động. Nó là dấu ấn sâu đậm nhất của thương hiệu John Wick, và Ballerina tiếp nối truyền thống bạo lực ấy một cách rất ư là vô tư.

Ảnh: Một cảnh quay trong hí viện National Theatre tại Prague, Czech Republic. (Lionsgate Pictures)

Phần lớn phim được quay tại Prague, thủ đô của Czechia, nổi tiếng với những con đường và công trình cổ tuyệt đẹp không bị tàn phá bởi bom đạn thời Đệ Nhị Thế Chiến. Các màn rượt đuổi gần cầu Charles Bridge hay bên bờ sông Vltava thơ mộng tạo nên một bầu không khí vừa cổ kính vừa hiện đại, xem rất mãn nhãn. Những cảnh bên trong trường ballet ở New York thật ra được quay tại hí viện quốc gia National Theatre ở Prague. Và tất nhiên chính phủ Czech đã tạo điều kiện thuận lợi cho các phim đoàn nước ngoài đến Czechia làm phim.

Ảnh: Mặt tiền National Theatre đang được dàn dựng để quay phim Ballerina. (The Prague Reporter)

Cốt truyện của Ballerina không có tình tiết éo le, không có gì là bất ngờ. Nó chỉ đi theo một công thức phim hành động lâu đời. Nhưng người đi xem loại phim này cũng không đòi hỏi gì hơn, miễn sao các pha đánh đấm phải hay, phải đẹp mắt.

Về mặt đó, Ballerina sẽ không làm người xem thất vọng. Ana de Armas tuy không phải là một tên tuổi lớn hay quen thuộc như Keanu Reeves, nhưng cô đóng vai một sát thủ tuy nhỏ con nhưng đầy mưu mẹo rất là hạp. Thậm chí vài màn xáp lá cà còn mang thêm vẻ hài hước, như đập nhau bằng chén dĩa, khiến ta không khỏi liên tưởng đến phim của Jackie Chan.

Ảnh: Eve Macarro (Ana de Armas) trong pha đánh đấm. (Lionsgate Pictures) Thời nay công nghệ CGI khiến cho nhiều nhà làm phim trở nên lười, hở ra là dùng computer để tạo ảnh. Ballerina dĩ nhiên cũng dùng CGI, nhưng thêm vào đó là những màn hết sức sơ đẳng sử dụng công nghệ cổ truyền trông rất đã mắt.

Pha đánh nhau cuối cùng có thể nói là tột đỉnh của thể loại phim hành động ngày nay, với màn bắn súng lửa bằng lửa thật (không phải lửa giả) rất ư là hấp dẫn. Đẹp mắt nhất là màn đánh tay đôi giữa hai cây súng lửa, kết thúc bằng một cảnh tượng chưa từng thấy trong bất kỳ các phim hành động nào từ xưa tới nay (người viết không thể bật mí vì sẽ mất hay).

Ảnh: Màn đấu súng lửa có một không hai. (Lionsgate Pỉctures)

Nếu nói về doanh thu phòng vé thì Ballerina không đạt được mức nhiều người mong đợi, nhất là sau thành công lớn của hai phim John Wick 3 và 4. Mặc dù truyện phim rất bình thường nhưng phải công nhận nó xứng đáng được gọi là hậu duệ của John Wick vì các màn ẩu đả, bắn súng, đâm dao rất ư sống động và đầy sáng tạo. Fan của John Wick chắc chắn phải thích đã đành, mà người ưa cảm giác mạnh hoặc muốn tìm một bộ phim giải trí thuần tuý cũng sẽ tìm được những giây phút thư giãn, trốn thực tại đáng đồng tiền bát gạo. Nên nhớ là doanh thu của John Wick 1 còn tệ hơn Ballerina, nhưng giờ đây nó đã thành một thương hiệu rất lớn. Hy vọng nhà sản xuất sẽ cho ra thêm Ballerina 2 ngầu hơn nữa trong tương lai. Chấm điểm: 3.5 sao.

Từ trái: Keanu Reeves, Ana de Armas và đạo diễn Len Wiseman. (Lionsgate Pictures)

Lan Bui

10/07/2025

CUỘC CHIẾN NỘI TÂM CỦA NGƯỜI ĐÀN ÔNG NGOẠI TÌNH

Hôn nhân, một giao ước thiêng liêng được xây dựng trên nền tảng của tình yêu, sự tin tưởng và lòng chung thủy, có thể đột ngột sụp đổ khi một trong hai người phá  vỡ lời thề ấy. Ngoại tình, một vết thương sâu sắc và dai dẳng, không chỉ hủy hoại  niềm tin mà còn để lại những hậu quả khôn lường cho tất cả những ai liên quan.  Khi cuộc tình vụng trộm kết thúc, một câu hỏi lớn thường trực trong tâm trí người  bị phản bội: "Đàn ông ngoại tình xong trong tâm họ có hối hận, dằn vặt vì đã phá  vỡ lời thề hôn nhân không? Họ có cảm thấy xấu hổ khi nhìn vào ánh mắt người vợ – người đã tin tưởng, hy sinh và yêu thương họ hết lòng? Hay ngoại tình với họ chỉ đơn giản là sự thỏa mãn nhất thời, để rồi sau đó cố gắng che giấu, sống hai mặt  mà không chút cắn rứt lương tâm?" 

Đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng bình thản, lạnh lùng, thậm chí là vô tâm của người  đàn ông ngoại tình, một cuộc chiến nội tâm có thể đang diễn ra dữ dội. Để hiểu  được điều này, chúng ta cần đào sâu vào những tầng lớp tâm lý phức tạp, nơi  lương tâm, sự ích kỷ, nỗi sợ hãi và những định nghĩa khác nhau về hạnh phúc cùng  tồn tại. 

Thật khó để đưa ra một câu trả lời duy nhất cho câu hỏi liệu người đàn ông ngoại  tình có hối hận hay không, bởi vì mỗi cá nhân là một thế giới phức tạp với những  trải nghiệm, giá trị và cơ chế phòng vệ tâm lý khác nhau. Tuy nhiên, có thể nói  rằng, hầu hết đàn ông ngoại tình đều trải qua một hình thức hối hận hoặc dằn vặt  nào đó, dù mức độ và bản chất của nỗi hối hận ấy có thể rất khác nhau. 

Đây là dạng hối hận phổ biến nhất và thường là động lực đầu tiên khiến người đàn  ông cân nhắc lại hành vi của mình. Nỗi hối hận này không hẳn xuất phát từ sự cắn  rứt lương tâm về hành vi sai trái, mà từ nỗi sợ hãi về những hệ lụy tiêu cực có thể xảy ra: 

Sợ mất gia đình, vợ con: Đối với nhiều người đàn ông, gia đình là nền tảng, là nơi  an toàn và là biểu tượng của sự ổn định xã hội. Nỗi sợ hãi mất đi sự ấm êm, mất đi  quyền được gần gũi con cái, hoặc phải đối mặt với một cuộc ly hôn đầy đau khổ và tốn kém, thường là động lực mạnh mẽ nhất. Họ lo sợ phải đối mặt với cảnh sống  cô độc, bị xã hội nhìn nhận tiêu cực. 

Sợ ảnh hưởng đến danh tiếng, sự nghiệp: Đặc biệt với những người có địa vị xã hội  hoặc công việc đòi hỏi sự tin cậy, việc ngoại tình bị phanh phui có thể hủy hoại  hình ảnh, sự nghiệp, và các mối quan hệ xã hội. Nỗi sợ bị "mất mặt", bị chỉ trích,  hay bị cô lập khiến họ dằn vặt. 

Áp lực từ gia đình lớn: Cha mẹ, anh chị em, bạn bè thân thiết có thể bày tỏ sự thất  vọng, giận dữ, tạo thêm áp lực khiến họ phải suy nghĩ lại. Nỗi sợ làm phụ lòng  những người thân yêu cũng có thể gây ra sự dằn vặt. 

Lo lắng về tài chính: Một cuộc ly hôn thường kéo theo những hệ lụy tài chính nặng  nề, từ việc chia tài sản, cấp dưỡng, cho đến những chi phí pháp lý. Áp lực kinh tế cũng là một yếu tố lớn gây ra sự hối hận. 

Trong trường hợp này, nỗi hối hận thường mang tính cá nhân và vị kỷ, tập trung  vào những gì họ sẽ mất đi hoặc những hậu quả mà họ phải gánh chịu, chứ không  phải nỗi đau của người vợ hay sự vi phạm đạo đức. 

Đây là dạng hối hận sâu sắc hơn, xuất phát từ một cảm giác tội lỗi thực sự về hành  vi sai trái của mình. Dù ở mức độ nào, lương tâm vẫn tồn tại trong mỗi con người  và nó sẽ lên tiếng khi các giá trị đạo đức bị vi phạm: 

Phá vỡ lời thề hôn nhân: Đối với những người vẫn còn tin vào giá trị của hôn nhân  và lời thề nguyện, việc phá vỡ sự cam kết thiêng liêng ấy là một gánh nặng tâm lý.  Họ biết mình đã bội bạc, đã làm tổn thương người mình từng hứa sẽ trọn đời yêu  thương và bảo vệ. 

Làm tổn thương người vợ: Khi nhìn vào ánh mắt của người vợ, người đã tin tưởng,  hy sinh và yêu thương họ hết lòng, một số người đàn ông thực sự cảm thấy xấu  hổ, đau đớn. Họ nhận ra mình đã gây ra nỗi đau khủng khiếp cho một người vô tội,  đã phá vỡ niềm tin của họ. Đây là nỗi đau của sự đồng cảm, của việc nhận ra hậu  quả hành động của mình lên người khác.

Mâu thuẫn với giá trị bản thân: Nhiều người đàn ông vẫn giữ những giá trị đạo đức  nhất định về sự chung thủy, trung thực. Khi ngoại tình, họ đã đi ngược lại với chính  những giá trị đó, tạo ra một sự mâu thuẫn nội tâm, khiến họ cảm thấy mình không  còn là người mà họ muốn trở thành. 

Cảm giác sống hai mặt: Việc liên tục che giấu, nói dối, và sống một cuộc đời hai  mặt có thể gây ra sự mệt mỏi, căng thẳng và cảm giác tội lỗi nặng nề. Họ biết mình  đang lừa dối những người thân yêu và điều đó bào mòn tâm hồn họ. 

Nỗi hối hận này mang tính đạo đức và vị tha hơn, tập trung vào hậu quả của hành  động lên người khác và lên chính bản thân họ về mặt tinh thần. Nó có thể dẫn đến  mong muốn sám hối, sửa chữa lỗi lầm, và tìm cách hàn gắn. 

Tuy nhiên, cũng có những trường hợp người đàn ông ngoại tình với mức độ hối  hận rất thấp, hoặc gần như không có. Điều này có thể xảy ra vì một số lý do: 

Tính cách lệch lạc (Sociopathy/Narcissism): Một số người có rối loạn nhân cách  chống đối xã hội (sociopath) hoặc rối loạn nhân cách ái kỷ (narcissist) có thể thiếu  khả năng đồng cảm sâu sắc với người khác. Họ chỉ quan tâm đến sự thỏa mãn của  bản thân và không cảm thấy tội lỗi khi làm tổn thương người khác. Đối với họ,  ngoại tình chỉ là một cách để thỏa mãn ham muốn, tìm kiếm sự chú ý hoặc khẳng  định cái tôi. 

Ngoại tình có hệ thống: Đối với những người coi ngoại tình là một lối sống, là thói  quen, thì cảm giác hối hận sẽ ngày càng cùn nhụt. Họ đã quen với việc sống hai  mặt, lừa dối, và lương tâm của họ đã bị chai sạn. 

Biện minh cho hành vi: Nhiều người tự biện minh cho hành vi của mình bằng cách  đổ lỗi cho người vợ, cho cuộc hôn nhân không hạnh phúc, cho áp lực cuộc sống,  hoặc cho bản năng đàn ông. Việc tự biện minh giúp họ giảm bớt gánh nặng tâm lý  và tránh đối mặt với sự thật. 

Thỏa mãn nhất thời là ưu tiên: Đối với những người này, sự thỏa mãn dục vọng,  cảm giác mới lạ, hoặc sự "được thèm muốn" từ người khác là ưu tiên hàng đầu.  Nhu cầu này lấn át mọi cân nhắc về đạo đức hay hậu quả. Họ có thể cảm thấy một chút lo lắng khi đứng trước nguy cơ bị phát hiện, nhưng đó là nỗi sợ hãi về hậu  quả chứ không phải về tội lỗi. 

Tách rời cảm xúc: Một số người có khả năng tách rời cảm xúc một cách đáng kinh  ngạc. Họ có thể sống cuộc sống gia đình một cách bình thường nhưng đồng thời lại  duy trì mối quan hệ ngoài luồng mà không để hai khía cạnh này ảnh hưởng lẫn  nhau về mặt cảm xúc. 

Trong những trường hợp này, việc người đàn ông ngoại tình có thể cố gắng che  giấu, sống hai mặt, và đôi khi, không chút cắn rứt lương tâm rõ rệt. Vẻ ngoài bình  thản của họ có thể là biểu hiện của sự chai sạn cảm xúc hoặc khả năng che giấu tài  tình. 

Câu hỏi liệu họ có cảm thấy xấu hổ khi nhìn vào ánh mắt người vợ hay không là  một phép thử tinh tế để đánh giá mức độ hối hận và sự tồn tại của lương tâm. 

Đối với người có lương tâm: Ánh mắt của người vợ, đặc biệt là người vợ đã tin  tưởng, hy sinh và yêu thương hết lòng, có thể là một lưỡi dao cứa vào lương tâm  họ. Trong ánh mắt ấy, họ nhìn thấy sự đau khổ, sự phản bội, và có thể là cả sự ngây thơ, niềm tin đã bị lợi dụng. Điều này có thể gây ra cảm giác xấu hổ, tội lỗi, và  dằn vặt sâu sắc, đến mức họ không dám nhìn thẳng vào mắt vợ, hoặc tìm cách  tránh né những cuộc trò chuyện sâu sắc. Đây là lúc nỗi hối hận thực sự chạm đến  trái tim. 

Đối với người thiếu lương tâm: Ngược lại, những người có lương tâm chai sạn  hoặc bị rối loạn nhân cách có thể không cảm thấy xấu hổ. Họ có thể duy trì vẻ ngoài bình thản, thậm chí tỏ ra tức giận khi bị nghi ngờ, nhằm mục đích thao túng  hoặc tránh bị truy vấn. Đối với họ, ánh mắt của vợ không phải là sự phản chiếu của  tội lỗi, mà là một chướng ngại vật cần phải vượt qua để duy trì vỏ bọc của mình. 

Điều đáng buồn là, nhiều người đàn ông có thể che giấu rất giỏi cảm xúc thật của  mình. Vẻ ngoài "bình thản" của họ có thể là một lớp mặt nạ dày cộp để bảo vệ bản  thân khỏi sự đối diện với nỗi đau và trách nhiệm. Họ có thể cố gắng chuộc lỗi bằng  cách làm nhiều việc nhà hơn, tặng quà, hoặc tỏ ra quan tâm hơn một cách giả tạo,  tất cả chỉ để xoa dịu lương tâm hoặc tránh bị nghi ngờ.

Như vậy, đằng sau vẻ ngoài tưởng chừng bình thản, có thể tồn tại một cuộc chiến  nội tâm mà ít ai biết đến. Đàn ông ngoại tình thực sự nghĩ gì? Nỗi hối hận của họ đến từ đâu? 

Để hiểu được nỗi hối hận, trước hết cần hiểu các động cơ dẫn đến ngoại tình.  Chúng hiếm khi đơn giản là "sự thỏa mãn nhất thời": 

Tìm kiếm sự thỏa mãn thể xác và mới lạ: Đây là động cơ phổ biến, nhưng không  phải duy nhất. Cảm giác phấn khích, sự đổi mới, và thỏa mãn dục vọng là yếu tố thu hút. 

Thiếu thốn tình cảm, sự công nhận: Đôi khi, người đàn ông cảm thấy thiếu sự thấu  hiểu, công nhận, hoặc tình cảm từ người vợ. Họ tìm kiếm ở bên ngoài một người  có thể lắng nghe, khen ngợi, hoặc cho họ cảm giác được khao khát. 

Khủng hoảng cá nhân/tuổi tác: Một số người ngoại tình khi đối mặt với khủng  hoảng tuổi trung niên, khủng hoảng về sự nghiệp, hoặc sự suy giảm phong độ. Họ tìm kiếm sự khẳng định bản thân, cảm giác trẻ lại, hoặc một lối thoát khỏi áp lực cuộc sống. 

Vấn đề trong hôn nhân: Mâu thuẫn kéo dài, thiếu giao tiếp, sự nhàm chán, hoặc  những bất mãn không được giải quyết trong hôn nhân có thể đẩy họ tìm kiếm sự an ủi bên ngoài. 

Cơ hội và sự buông thả: Đôi khi, ngoại tình chỉ là kết quả của một cơ hội đến, cùng  với sự thiếu kiềm chế, suy nghĩ nông nổi dưới ảnh hưởng của rượu bia hoặc môi  trường xã hội. 

Tháo chạy khỏi trách nhiệm: Trong một số trường hợp, ngoại tình là cách để tránh  đối mặt với các vấn đề trong hôn nhân, hoặc tránh né trách nhiệm gia đình. 

Nỗi hối hận của người đàn ông ngoại tình thường là sự pha trộn của nhiều yếu tố: 

Hối hận vì sợ mất gia đình (Hối hận vị kỷ): Đây là nỗi hối hận mang tính thực dụng,  là bản năng tự bảo vệ. Họ hối hận vì những gì họ sẽ mất đi: sự tiện nghi, ổn định,  hình ảnh xã hội, và quyền lợi của người cha/chồng. Nỗi sợ này thường là động lực  mạnh mẽ nhất để họ tìm cách hàn gắn hoặc che giấu.

Hối hận vì lương tâm cắn rứt (Hối hận đạo đức): Đây là nỗi hối hận sâu sắc hơn,  xuất phát từ việc vi phạm các giá trị đạo đức, phá vỡ niềm tin của người khác, và  làm tổn thương người vợ. Nỗi hối hận này thường đi kèm với cảm giác xấu hổ, tội  lỗi và mong muốn được tha thứ. Nó có thể dẫn đến sự thay đổi hành vi thực sự nếu người đàn ông có đủ dũng cảm đối mặt với chính mình. 

Hối hận vì lo lắng cho hình ảnh bản thân (Hối hận về cái tôi): Họ hối hận vì hành vi  của mình đã làm xấu đi hình ảnh mà họ tự xây dựng về bản thân, hoặc hình ảnh  mà họ muốn người khác nhìn nhận về mình. Điều này cũng liên quan đến nỗi sợ mất danh tiếng và địa vị xã hội. 

Trong những trường hợp phức tạp, tất cả những yếu tố này có thể cùng tồn tại,  tạo nên một mớ bòng bong cảm xúc và suy nghĩ trong tâm trí người đàn ông. Có  người sẽ dành cả đời để sống trong sự che giấu và dằn vặt thầm lặng, có người sẽ bị phát hiện và buộc phải đối mặt, và một số ít may mắn hơn sẽ chọn con đường  sám hối và sửa chữa. 

Đối với những người đàn ông thực sự hối hận và muốn sửa chữa, con đường phía  trước vô cùng gian nan nhưng cũng đầy ý nghĩa. 

Thừa nhận lỗi lầm: Bước đầu tiên và khó khăn nhất là thừa nhận hành vi sai trái  của mình một cách chân thành, không biện minh hay đổ lỗi. 

Đối mặt với sự thật và nỗi đau: Sẵn sàng đối diện với cơn giận dữ, nỗi đau, và sự tổn thương của người vợ. Lắng nghe mà không bào chữa, chấp nhận trách nhiệm. 

Sám hối và chuộc lỗi: Không chỉ là lời nói suông, mà là những hành động cụ thể để chứng tỏ sự thay đổi: cắt đứt hoàn toàn mối quan hệ ngoài luồng, minh bạch mọi  thứ, và nỗ lực hàn gắn niềm tin. 

Kiên trì và nhẫn nại: Quá trình hàn gắn niềm tin có thể mất rất nhiều thời gian,  thậm chí là nhiều năm. Nó đòi hỏi sự kiên trì, nhẫn nại, và cam kết liên tục từ người đàn ông.

Tìm kiếm sự giúp đỡ chuyên nghiệp: Liệu pháp hôn nhân, tư vấn tâm lý có thể là  công cụ hữu ích để cả hai vợ chồng cùng đối mặt với vấn đề và tìm ra con đường  chữa lành. 

Câu hỏi về nỗi hối hận của người đàn ông ngoại tình không có một câu trả lời duy  nhất và đơn giản. Nó phức tạp như chính bản chất con người. Vâng, nhiều người  đàn ông ngoại tình có hối hận và dằn vặt, nhưng động cơ và mức độ của nỗi hối  hận ấy rất khác nhau – có thể là vì sợ mất mát, vì lương tâm cắn rứt, hay vì lo lắng  cho hình ảnh bản thân. 

Ẩn sau vẻ ngoài tưởng chừng bình thản là một cuộc chiến nội tâm mà chỉ chính  người đàn ông ấy mới hiểu rõ nhất. Đối với người vợ, việc cố gắng thấu hiểu chiều  sâu của nỗi hối hận này có thể giúp họ đưa ra quyết định sáng suốt hơn cho tương  lai mối quan hệ của mình. Điều quan trọng là không chỉ nhìn vào những hành vi bề ngoài, mà còn cố gắng nhận diện liệu có một hạt giống sám hối chân thành nào  đang nảy mầm trong tâm hồn người đàn ông đó hay không – một hạt giống đủ mạnh để dẫn lối anh ta trở về với lời thề, với gia đình, và với chính bản ngã tốt đẹp  nhất của mình. 

 Anmai

 

08/07/2025

Rắc rối cuộc đời nhưng .... ai ai cũng muốn vào thử

Con gái ! Chỉ tổ làm phiền !!!

Xưa nay tôi vốn chăm, ngoan

Tối ngày đọc sách, chẳng ham thứ gì.

Ngây thơ, hổng biết chi chi,

Gặp nàng, bỗng thấy diệu kỳ làm sao

Nàng xinh như trái hồng đào


Môi hôn nàng mới ngọt ngào biết bao!


Tim hồng tôi hiến, tôi trao.


Được nàng chấp nhận, ôi chao là mừng!


Suốt đêm điện thoại cho nàng.


Sáng ngày vào sở, giống thằng...hết hơi!


Bạn tôi lòng dạ bồi hồi

Mỗi lần nhìn thấy dáng người tôi yêu.


Còn tôi vênh mặt...tư kiêu.

Số mình đúng đẻ bọc điều, không sai!


Nhưng rồi có một ngày kia

Lễ Tình Yêu đến, có thằng chơi cha


Lén đem nàng tặng đoá hoa

Hồng nhung rực rỡ, mới ra...tội tình!

Nhận hoa, nàng cười thật xinh

Mắt long lanh sáng, liếc tình cha kia.


Làm tôi như cá lia thia

Phùng mang, trợn mắt...tái tê cõi lòng.


Đêm về nghe tủi cả hồn

Đầm đìa giọt lệ ...


  ... héo hon thân mình.

 

Có những lúc bất thình lình

Xung thiên, nộ khí, muốn "đinh"...kẻ thù.


Nhưng rồi dạ rối tơ vò

Mượn bia giải giận! ...


... Ngủ khò, tìm quên!


Con gái! Chỉ tổ làm phiền!!! 

ST