Ở nước Nhật có xảy ra câu chuyện cảm động như sau:
Có một cô bé là con gái duy nhất của một cặp vợ chồng trẻ và có lối sống hiện đại. Bố mẹ cô luôn bận rộn với những chuyến công tác và lịch trình làm việc dày đặc. Cô bé thì ngày nào cũng đến trường để tham gia vào những hoạt động ngoại khóa nào đó. Thế nhưng, vì bé nhỏ và nhút nhát nên cô bé thường bị những đứa trẻ ở lớp trên trêu chọc, giật cặp sách, giật tóc, đôi khi còn bị đánh. Cô bé khao khát được nói chuyện với ai đó, nhưng chẳng ai dành thì giờ ngồi nghe. Nỗi sợ hãi, lạc lõng khiến cô ngày càng thu mình trong vỏ ốc cô đơn.
Một buổi chiều, khi bị nhóm bạn trên lớp lôi ra làm trò đùa, cô bé buồn bã đi ra công viên gần nhà, ngồi thu mình trên ghế đá và khóc. Một lúc sau, khi ngẩng lên, cô nhìn thấy một ông lão đang ngồi cạnh mình. Ông lão mỉm cười ân cần hỏi:
-Cháu gái, tan học rồi sao cháu không về nhà mà ngồi đây khóc?
Được khơi mở, cô bé oà lên tức tưởi:
-Cháu không muốn về nhà, ở nhà buồn lắm, không có ai hết, không ai nghe cháu nói!
-Vậy ông sẽ nghe cháu nói! – Ông lão nói rồi nhẹ nhàng ngồi xuống bên cạnh cô bé.
Vừa khóc, cô bé vừa kể cho ông lão nghe tất cả những uất ức, buồn rầu trong lòng từ bấy lâu nay.Ông lão cứ im lặng nghe, không một lời phán xét, không một lời phân định. Ông chỉ nghe. Cuối cùng, khi cô bé kể xong, ông bảo cô đừng buồn và hãy đi về nhà.
Từ hôm đó, hầu như chiều nào tan học cô bé cũng vào công viên ngồi kể chuyện cho ông lão nghe. Cô bé cảm thấy cuộc sống vẫn còn nhiều điều để sống. Cô thay đổi hẳn, mạnh dạn hơn, vui vẻ hơn.
Cho đến một hôm cô bé bị một bạn trong lớp trêu chọc và ức hiếp. Vốn yếu đuối không làm gì được, cô nóng lòng chạy đến công viên để chia sẻ với ông lão cho vơi bớt nỗi buồn tủi. Quá vội vã, cô bé chạy băng qua đèn đỏ và tai nạn đã xảy ra…
Ngày biết tin cô bé mất, vẫn trong công viên, vẫn trên chiếc ghế đá mà cô bé thường ngồi, có một ông lão lặng lẽ đốt những hình nộm bằng giấy. Đó là món quà mà ông muốn tặng cô bé ngày hôm trước, nhưng cô bé đã không đến được. Hình nộm là một chú Mèo rất đẹp, trắng trẻo,có đôi tai to, mắt tròn xoe hiền lành nhưng không có miệng. Ông lão muốn nó ở cạnh cô bé, mãi mãi lắng nghe và không bao giờ phán xét.
Ngày nay, trên bàn học của mỗi học sinh Nhật thường có một con búp bê hình Mèo được mang danh hiệu là “Hello Kitty” nhưng điều đặc biệt là chú Mèo này không có miệng. Bởi vì được chú làm ra với mục đích lắng nghe mọi người nói.
Không biết “ sự tích” Hello Kitty này có thật hay không, chỉ biết rằng mỗi lần nhìn hình ảnh chú Mèo Hello Kitty là một lần chúng ta được nhắc nhở phải biết lắng nghe người khác- thực sự lắng nghe. Quả thật,với nhịp sống năng động của một xã hội công nghiệp chúng ta ngày càng trở nên vội vã và dường như ai cũng tất bật với công việc của mình. Với lý do vì phải chịu áp lực bận rộn của một lịch làm việc quá tải, chúng ta cho phép mình cắt bỏ một số mối quan hệ và cảm thấy việc phải đầu tư thời gian và sức lực cho các mối tương giao với người khác là không cần thiết. Một trong những nghịch lý thường xảy ra trong cuộc sống hiện đại đó là mặc dù sống trong thời đại mà các phương tiện thông tin liên lạc được trang bị ở mức độ tối tân, nhanh chóng và tiện dụng nhất, nhưng người ta vẫn có rất ít thời gian để quan tâm đến những người thân yêu trong gia đình. Trong gia đình, bố mẹ đi làm, đi công tác, con cái đi học, nếu có liên lạc với nhau thì cũng chỉ là những tin nhắn ngắn gọn để gởi những thông tin cần thiết. Về đến nhà, mọi người đều mệt mõi, vài câu chào hỏi chiếu lệ rồi ai cũng muốn tìm sự nghỉ ngơi, yên tĩnh cho riêng mình. Chẳng ai muốn trò chuyện hay muốn quan tâm đến những thành viên còn lại. Chẳng còn ai kịp để ý cuộc sống của mình đang trôi qua trong sự tẻ nhạt và đơn điệu. Và dần dần mỗi người cảm thấy cô đơn ngay trong chính ngôi nhà của mình.
Nhưng trong thực tế cuộc sống, được công nhận, được thấu hiểu, được thừa nhận những cảm xúc luôn là những nhu cầu rất lớn lao của con người. Mà muốn thỏa mãn được những nhu cầu căn bản đó của người khác, chúng ta phải biết lắng nghe. Trong tiếng Anh từ nghe có hai động từ phân biệt rất rõ trạng thái, tinh thần của người nghe đó là hear và listen. Hear là nghe nhưng không chú tâm, ví như ta nghe tiếng ồn ào của đám đông, của xe cộ…âm thanh cứ thế mà rót vào tai ta, nhưng listen thì buộc ta phải lắng nghe với hết tâm tình, dành hết sự quan tâm cho đối tượng đang nói với mình. Chúng ta nghe không chỉ bằng tai mà còn nghe bằng ánh mắt, nụ cười và với cả trái tim của mình. Nếu chúng ta sử dụng tất cả những phương tiện giao tiếp phi ngôn ngữ đó bằng hết cả tâm tình yêu mến, cảm thông thì dù chúng ta không nói gì, nhưng là nói rất nhiều vì chúng có khả năng thay vạn lời trái tim muốn nói.
Điền Phương Thảo