Trang

27/02/2019

Tư tưởng cần cho cuộc sống


Tôi thích lang thang trên mạng để gặp cái gì vui thì ghé vào xem. Internet cũng cung cấp một cái thú qua việc trao đổi thư từ với bạn bè, từ những chuyện cá nhân lãng xẹc đến chuyện nghiêm chỉnh như chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học. Nhiều lúc lại cứ tưởng ngồi laptop hay bấm smart phone trên Facebook là “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin người ta cứ bảo là… “sống ảo” nhờ modem, wifi, 3G, 4G. Cứ tưởng là ảo mà lại có những lúc lại thấy đó là sự thật trần trụi 100 phần trăm. Có một anh bạn gửi email cho tôi kể chuyện “đời người” mà anh lượm trên net.

Anh viết, có một con cáo già thấy con gà mái hoa mơ trong sân thì thèm thuồng nhỏ dãi. Hàng rào để đột nhập vào sân lại quá kín, cáo ta phải nhịn ăn mất 3 ngày cho ốm bớt mới lọt vào được. Ăn xong thì cái bụng của anh to quá nên không ra được. Thế là lại phải nhịn ăn 3 ngày để thân hình trở lại mảnh mai như lúc chui vào!

Cuối cùng thì mới lòi ra cái triết lý: đời người lúc sinh ra trần truồng, sau một đời mưu sinh vì “cơm-áo-gạo-tiền” đến lúc chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Chẳng mang được gì theo ngoài cái thân xác của trẻ sơ sinh.

Của cải, danh vọng cứ tưởng như “thực” trong cuộc sống bỗng chốc biến thành “ảo” lúc từ giã cõi đời. Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ. Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống. Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Giả sử trên cõi đời này có một ngân hàng mỗi buổi sáng nhập vào tài khoản của bạn 86.400 USD với điều kiện số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác. Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không tiêu hết trong ngày.

Chắc chắn bạn sẽ phải tìm cách sử dụng hết số tiền đó. Chuyện tưởng tượng là “ảo” nhưng sự thật là chúng ta mỗi người đều có một ngân hàng như vậy. Đó là ngân hàng cung cấp “Thời Gian” 86.400 giây trong một ngày chứ không phải là… “Tiền bạc”.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới này, nhưng tiền bạc cũng không mua lại được cuộc đời của bạn. Thế cho nên, những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi. Vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được. Hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn… từng ngày.

 Sống một ngày vui vẻ là sống được một ngày. Sống một ngày buồn tẻ cũng là sống được một ngày.. Cứ thế cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó đúng là một thứ triết lý “vụn”. Vụn nhưng “thật” chứ không “ảo”.
Sưu tầm

23/02/2019

QUÀ TẶNG CỦA GIÂY PHÚT HIỆN TẠI


Thiên Chúa, Đấng ban cho món quà hiện tại
phần tôi, tôi đắm chìm trong đó

Giây phút hiện tại cũng là một quà tặng.  Ngày hôm qua đã trôi qua mất rồi…, và ngày mai có lẽ sẽ đến, nhưng điều ấy chẳng mấy rõ ràng.  Cái chắc chắn là chính giây phút HIỆN TẠI và đó là tất cả những gì ta có.  Thiên Chúa BAN CHO tôi phút giây hiện tại, Ngài mời gọi tôi thưởng nếm và sống giây phút ấy cách tròn đầy nhất.  Chẳng dễ để sống như thế!  Nhưng đồng thời, đó cũng chẳng là điều con người không sao vươn tới.  Trong tiếng Anh, từ ‘present-hiện tại’ cũng mang nghĩa là “món quà.”

Để nhận lãnh món quà hiện tại,

Tôi cần thoát khỏi cả quá khứ lẫn tương lai
Quá khứ ĐÃ QUA ĐI rồi!  Nhưng có người cứ sống mãi trong “những ký ức đau buồn.”  Có những người lại thích sống trong một “thế giới mộng mơ.”  Thế giới mộng mơ vốn thú vị, nó đóng vai trò như nguồn ủi an hay như mùi hương thơm ngát cho giây phút hiện tại – vốn có lúc chất chứa nỗi thương đau.  Những tín đồ của chủ nghĩa khoái lạc cho rằng con người cần nỗ lực hết mình hầu giảm thiểu đau khổ và gia tăng niềm vui.  Có nhiều người trở lại quá khứ hoặc trốn vào tương lại để “lẩn trốn” hiện tại.  Nhưng nếu muốn đón nhận món quà hiện tại, thì điều thiết yếu ta phải làm là thoát ra khỏi tương lai, và đồng thời, thoát ra khỏi quá khứ.

Tôi cần trở nên “thức tỉnh” với hiện tại
“Thức tỉnh” là một khả năng để biết, để tri nhận, để cảm nghiệm và để nhận ra điều gì đang diễn đến trong tôi, quanh tôi, và cho tôi.  Đây là bước đầu tiên cho một sự tăng trưởng thiêng liêng.  Hôm nay tôi ở đâu?  Điều gì đang xảy ra cho tôi lúc này?  Thức tỉnh với giây phút hiện tại, người ta có thể nhận ra rằng hiện tại không phải là trống rỗng, nhưng nó được lấp đầy bởi những chọn lựa và những cơ hội.

Một cụm từ xuất hiện trong tác phẩm ‘Self-Abandonment to Divine Provindence,” của tác giả Jean-Pierre De Caussade, S.J., cụm từ “Bí tích của giây phút hiện tại – Sacrament of the Present moment”, ngụ ý sự thánh thiêng và sự Hiện Hữu của Đấng Thần Linh ngay trong phút giây hiện tại.  Và Thiên Chúa chia sẻ cuộc sống của Ngài với nhân loại qua GIÂY PHÚT ấy.  Do vậy, thức tỉnh hơn với giây phút hiện tại cũng là thức tỉnh hơn với chính Thiên Chúa.

Tôi cần đón lấy hiện tại
Giây phút hiện tại có thể không hợp với những gì tôi đang hình dung, đang mong đợi, hay khao khát, v.v…  Tôi có thể KHÁNG CỰ với những gì đang xảy ra cho tôi, nhưng SỰ THỰC –  giây phút này cũng sẽ trôi qua.  Đức Phật khi xưa đã nói cặn kẽ về cái gọi là vô thường, chóng qua.  Tôi có thể đón nhận cái “vô thường” của giây phút hiện tại này không?

Đón nhận hiện tại là MỞ rộng cánh tay để ôm lấy chính giây phút NÀY với niềm HẠNH PHÚC chứa chan.  Hiện tại có khi không phải là điều tôi muốn ôm trọn, nhưng đó lại là THỰC TẠI.  Rất thường xuyên, tôi là chàng hề, đeo lấy nhiều thứ mặt nạ và trở thành ai đó chứ chẳng phải là chính mình nữa.  Tôi có thể đánh thức chính mình để dám chấp nhận món quà hiện tại chăng?

Giây phút hiện tại trao tặng cho tôi điều gì?  Và làm sao tôi có thể sống giây phút ấy cách tròn đầy?  Điều gì đang xảy ra trong tôi lúc này: những cảm xúc dâng trào, những suy tưởng tức thời xuất hiện và ngập tràn trong tâm trí, những cảm xúc đến từ các giác quan, v.v…  Tôi có thể nhẹ nhàng bước vào hiện tại, và trở nên tỉnh thức với từng giây phút trong đời sống của tôi – với cả niềm vui và nỗi buồn chăng?

Mát-thêu 6: 25-34
Đừng lo lắng về ngày mai.

Người ta nói

“Giây phút hiện tại chẳng bao giờ là điều mà người ta không thể chấp nhận được.  Chỉ điều sẽ xảy ra trong vòng 4 giờ nữa mới là điều người ta không thể chịu nổi.  Đang hiện diện ở đây, lúc 8 giờ sáng, nhưng tâm trí lại ở 10 giờ 30 phút buổi tối, điều ấy mới là nguyên nhân làm ta đau khổ.” – Anthony de Mello, S.J.

“Trẻ em chẳng có quá khứ, cũng chẳng có tương lai.  Nhờ đó, chúng vui hưởng giây phút hiện tại, và điều này thật hiếm xảy ra cho chúng ta.” – Jean de La Bruyère

“Hôm qua là lịch sử, ngày mai là mầu nhiệm, chỉ hôm nay mới là quà tặng Chúa ban, chính vì thế chúng ta gọi ‘hiện tại – present’ là món quà.” – Bil Keane

“Hãy thưởng thức một ly trà một cách chậm rãi và cung kính, cũng như trái đất tự quay quanh trái đất – chậm rãi, đều đặn, không vội vã cuốn vào tương lai.” – Thiền sư Thích Nhất Hạnh

Chuyển ngữ: Đaminh Phan Quỳnh, S.J.
Nguồn: Robin Seelan, S.J., The Gifts,

16/02/2019

Ta chọn lương thiện không phải là vì ta mềm yếu!


Lương thiện không phải mềm yếu hay khờ khạo, nó chính là bản tính nguyên sơ của sinh mệnh con người. Vậy nên, nếu có lúc cuộc sống này bắt ta lựa chọn, đừng ngại ngùng khi lựa chọn trở thành người thiện lương.

Ta chọn lương thiện không phải vì ta mềm yếu, mà bởi vì ta hiểu rằng lương thiện là bản tính nguyên sơ của mỗi con người, “nhân chi sơ, tính bổn thiện”. Làm người thì không thể chọn con đường trở thành kẻ ác, người ác tất sẽ có báo ứng.

Ta chọn nhường nhịn không có nghĩa là ta đang bị thụt lùi, mà vì ta hiểu rằng, “một sự nhịn, chín sự lành”, nhịn một chút sóng yên biển lặng, lùi một chút biển rộng trời cao.

Ta chọn tha thứ không phải vì ta nhu nhược, mà bởi vì ta hiểu rằng tha thứ là một trong những đức tính tốt đẹp nhất trên đời, không bao giờ là sai cả.

Ta lựa chọn tha thứ còn một nguyên nhân nữa, không phải vì ta không giữ vững lập trường, mà bởi vì ta hiểu rằng mọi chuyện không nên làm tận, làm tuyệt.

Ta chọn “khờ khạo” không phải vì ta khờ khạo thật, mà bởi vì ta hiểu rằng, khi đối diện với hiểu lầm, oan ức, bất công thì không nên so đo tính toán quá, cứ nở nụ cười mà lặng nhìn thế thái nhân tình.
Đôi khi giả ngốc không phải là ngốc thật, mà chỉ là muốn cấp cho đối phương thêm một cơ hội nữa.

Ta chọn chân thành và nói lời thẳng thắn là bởi vì ta hiểu rằng, những lời nói dối, trái với lương tâm chỉ dùng để đối phó tình huống, trong khi thật lòng đối đãi, nói lời chân tình mới thật sự giải quyết tận gốc vấn đề và không có hậu họa về sau.

Ta trân trọng nghĩa tình không phải vì ta quỵ lụy, mà bởi vì không nhất thiết phải vứt bỏ khoảng thời gian tốt đẹp giữa chúng ta.

Cuộc đời vốn dĩ có nhiều điều dù ta có muốn hay không chúng vẫn tồn tại. Tuy nhiên khi đối diện với cuộc đời thì bản tính của mình như thế nào mới là điều quan trọng nhất.
ST


15/02/2019

Cuộc tìm kiếm

Hình minh họa

Ông ta là Hòang Ðế vĩ đại nhất trong thiên hạ thời đó. Sánh với ông, các vương tước chỉ xếp ngang hàng với xã trưởng. Mỗi chiếc cột trong sân cung điện của ông là một di tích lịch sử mang dấu kinh đô của các cường quốc trên thế giới.
Lũ bầy tôi mỗi lần đến phục dịch đều sấp mặt sát đất khi tới gần ông ta. Và họ làm một cách tự phát chứ không do ai cưỡng bách cả, bởi vì họ thấy bị đè bẹp trước vẻ oai phong lẫm liệt của ông.
Bên cạnh vẻ uy nghi giàu sang như vậy, chắc hẳn ông hạnh phúc lắm. Ðến nỗi thần dân không hề dám nói "sướng như đức vua" bởi vì sợ làm giảm giá hạnh phúc của ông khi mang so sánh với các vật phàm khác. Nhân dân xem ra hãnh diện vì được một ông vua như vậy. Người ta nói rằng chỉ cần thấy vua hạnh phúc là mình cũng đủ sướng rồi.
Thế nhưng từ ít lâu nay trời có vẻ tối sầm lại. Mặt trời hình như đã bớt sáng, nhân dân cũng bớt vui. Nhưng không ai dám hỏi xem phải chăng đã có làn mây nào đã thóang qua vầng trán của nhà vua chăng. Thật vậy, trên vầng trán của nhà vua một làn mây đã cả gan dám bay qua.
Thường thường nhà vua ít khi xuất hiện lắm. Ông ngủ tận trong thâm cung. Ông chỉ tiếp những cận thần nào mà ông ngỏ ý muốn thấy mặt. Ai vô lễ dám nhìn vua mà không chính thức được triệu đến hay ban phép thì sẽ bị xử tử tức khắc.
Một bữa kia, vua triệu tập các quan đại thần và các học sĩ và hỏi: "Tâm thần ta đang bị một đòi hỏi mới ám ảnh và dày vò. Danh giá của ta là một gánh nặng; việc cai trị đối với ta đã nhàm chán. Ta muốn biết Thượng đế ở đâu. Ta muốn biết danh tánh của Ngài".
Mỗi quan đại thần và học sĩ lần lượt nêu lên một danh tánh. Ðang giữa buổi triều yết trang nghiêm như vậy bỗng có tiếng xôn xao náo động ngòai sân đình. Nhà vua hỏi : - Cái gì vậy?
- Tâu thánh thượng, xin Ngài đừng bận tâm. Ðó là một con chó mà hạ thần muốn đuổi đi đấy thôi !
Nhưng thực ra đâu phải là một con chó, mà là một người hành khất. Duy có điều là cả nước đều biết tên hành khất đó. Người ta gọi hắn là Thằng Chó, vì thấy hắn khốn nạn lắm. Sánh với hắn, các người hành khất khác xứng với hàng quan lại. Người ta nói rằng hắn đi bốn cẳng giống như con chó vậy. Vì thế không biết có phải là người hay là con chó hiện thân nữa !
Buổi triều yết cứ tiếp diễn. Cuộc thỉnh vấn kéo dài khá lâu, vì nhiều bậc thông thái góp ý đôi khi dài như một bài diễn văn vậy.
Thế rồi từ sau buổi họp đó, vầng trán của đức vua càng ngày càng tối sầm, làn mây trở thành dày đặc hơn. Thật ra buổi tối hôm nọ, trong hòang cung người ta cũng cảm thấy đôi phút giải trí. Ðó là khi thắng Chó đến xin yết kiến đức vua, mà như ai cũng đã biết, ngài là Hòang đế oai phong nhất thiên hạ. Quả là một ý tưởng không ai dám mơ đến. Hơn thế nữa, hắn lại lựa vào lúc đức vua bận rộn nhất để bày tỏ ý nghĩ ngông cuồng ấy mới tức cười chứ!
Trong khi ấy, vầng trán đức vua cứ tối sầm mãi. Ông triệu tập lần thứ hai tất cả các đại thần, học sĩ, và truyền gọi thêm các nhà chiêm tinh chuyên nghiên cứu các tinh tú trên trời. Khi bá quan đã tề tựu đông đủ, nhà vua đứng lên và thổ lộ cách thảm đạm rằng : - Ta vẫn không được bằng an. Ai trong các ngươi biết Danh của Thượng đế Thiên hòang ra sao không?
Mỗi người lần lượt lên tiếng. Họ trổ hết tài uyên bác của mình để dọn các bài diễn văn kỹ lưỡng hơn lần trước. Họ tự nhủ thầm: "Giả như mình mách được cho đức vua biết tên của Chúa Tể Thiên Hòang thì ắt chỉ có Chúa với đức vua biết được khối gia tài đồ sộ sẽ rơi vào tay ta, và thêm biết bao ngai báu nữa!"
Ðang khi ấy, lại có tiếng xôn xao trong dinh. Thằng Chó lại đến. Và người ta lại phải xua đuổi nó lần nữa. Những tiếng cười đắc chí pha lẫn lời sỉ vả mắng nhiếc. Hắn nằng nặc cứ đòi yết kiến đức vua cho kỳ được. Những tiếng chửi rủa cùng với những hòn gạch thi nhau rơi vào mặt hắn, để đáp lại lời van xin điên rồ của hắn. Nhà vua từ trên cửa sổ nhìn thấy cảnh tượng ấy. Vầng trán của vua thóat chốc trở nên bớt căng thẳng hơn khi thấy một vật, không hiểu là người hay là chó nữa, dám đòi yết kiến ông. Ông bật lên cười. Bá quan và các nhà chiêm tinh nãy giờ theo dõi sự việc nhưng không dám hé răng, bây giờ thấy nhà vua bật cười, thì họ coi như được phép để bộc lộ tất cả nỗi khóai trá của mình thành trận cười dòn dã.
Nhưng sự hả hê chỉ kéo dài chốc lát. Nỗi buồn kế tiếp tang thương đến mỗi mọi ngôn từ tắt ngụm trên môi bá quan học sĩ. Họ lần lượt ra về trong lòng chất nặng nỗi kinh hãi cũng ngang với niềm kiêu hãnh khi họ được triệu đến, bởi vì họ lo sợ nhà vua có thể nổi cơn thịnh nộ trước sự bất tài của họ.
Rồi từ đó, ai ai đi ngang hòang cung đều cảm thấy như có một tấm màn đen viền vàng treo trước cổng. Cái chết của nhà vua trở thành đầu đề cho các cuộc bàn tán mỗi ngày. Giấc ngủ đã lánh khỏi chăn nệm của nhà vua, cũng tựa như nụ cười đã trốn thóat đôi môi của ông. Ðức Vua cũng truyền lấy một tấm mành che giấu bức chân dung của mình. Nhìn mình đã mệt, nhà vua cũng chán nhìn bức hình của mình.
Một buổi triều yết lần thứ ba được triệu tập. Lần này quan Tể tướng dùng hết mọi biện pháp để cái trò của Thằng Chó không tái diễn. Trong khi đó, người ta cho mời các chiêm tinh từ khắp năm châu đến. Mỗi quốc gia cử đến những đại biểu cừ khôi nhất. Các nhà bác học, các nhà thông thái từ khắp bốn phương lũ lượt kéo về. Khi đã đến giờ hội kiến, tất cả các quân vương, nhân tài đều sấp mặt xuống đất bởi vì họ đang giáp mặt với Hòang đế vua các vua cơ mà!
Thế nhưng khuôn mặt của đức vua xanh xao tệ. Giấc ngủ không thuộc vào sổ thần dân của ông nữa; giấc ngủ cũng không tuân hành lệnh của ông. Khi vua truyền nó đến, nó không chịu đến. Ai ai cũng tùng phục vua, chỉ trừ giấc ngủ, khiến vua tức giận hết chịu nổi: dù nạt nộ, dù van lơn, nó vẫn cứ trơ trơ ra đấy thôi.
Từ khi quan Tể tướng ra lệnh ngăn cấm Thằng Chó không được lai vãng khu vực hòang cung, ra như người ta sợ nó làm mất giấc ngủ của nhà vua, thì cũng từ hôm ấy giấc ngủ đã trốn khỏi cung điện của vua. Giấc ngủ, tiếng cười và quên lãng: ra như ba tên lính đào ngũ, trốn vượt khỏi hàng rào của dinh, và lần lẫn cũng ra khỏi các mái nhà của nhân dân nữa. Bệnh mất ngủ, buồn rầu và ưu tư đến trấn đóng trên thềm các dinh thự, và sai bầy tôi đến xâm nhập cả các mái nhà tranh vách đất. Chính vì vậy mà nhà vua trở nên xanh xao khi các quân vương và bác học từ năm châu đến, mang theo đòan tùy tùng cùng với vàng bạc châu báu. Nhưng mặt mày nhà vua hốc hác, liếc nhìn các phẩm vật cống hiến cách mệt mỏi, ra như muốn hỏi: "Thế có ai mang đến cho ta giấc ngủ hay không? Có ai biết danh tánh của Thượng đế là gì không?"
Các nhà bác học và chiêm tinh được dịp dốc hết kho tàng kiến thức của họ và trổ tài uyên bác hùng biện trong chính cung điện của Hòang đế Vua các vua. Sau đó họ nhìn lên vầng trán của vua và nhìn nhau cách kiêu hãnh. Ai nấy hy vọng rằng giải đáp của mình là tuyệt hảo nhất, vì vậy mà mỗi người đều muốn đọc thấy vẻ đắc thắng trên trán của nhà vua.
Tuy nhiên Hoàng đế đứng dậy không nói một lời nào. Ông cũng chẳng tha thiết đảo mắt nhìn họ nữa, dù chỉ là một cái nhìn khinh bỉ cũng không. Hòang đế đứng lên và biến mất. Cánh cửa đóng sập lại và không ai dám theo ông. Sau giây lát ngỡ ngàng, người ta bắt đầu hỏi nhau: "Ðức Vua đâu rồi?", và thay vì câu trả lời họ chỉ thấy câu hỏi được truyền đi từ miệng này sang miệng khác: Ðức Vua đâu rồi?".
Ðêm đã về như thường lệ, nhưng không thấy đức vua đâu cả. Ðến lượt bọn gia nhân cũng đâm hoang mang. Ai biết được vua đi đâu rồi. Người ta bắt đầu lục lọi, khám xét, từ các hành lang, cầu thang, các ngóc ngách trong vườn, kể cả những nơi kín đáo nhất chưa hề có ai đặt chân tới. Thế nhưng vẫn không thấy đức vua đâu cả. Suốt đêm hôm đó, người ta đi tìm kiếm nhưng vô ích. Bao nhiêu giả thuyết, lý lẽ được đặt ra. Kẻ chạy xuôi, người chạy ngược. Triều đình thật không khác một nhà thương điên.
Trong khi đó một đòan lữ hành lên đường hướng về phương Ðông. Từng đòan xe ngựa và lạc đà chở khách trên mình. Các lữ hành chuyện trò vui vẻ, kể cho nhau mục tiêu chuyến đi của mình. Duy một người cứ thinh lặng. Tướng mạo người đo hơi khác thường: y phục lộng lẫy, với một lũ gia nhân không cùng một xứ sở. Mặc dù họ phục dịch ông ta từ chặng khởi hành nhưng không ai biết tên của ông, bởi vì ông không tiết lộ cho ai hết. Vầng trán của ông có vẻ hào hùng; gậy của ông giống như vương trượng. Ông bảo người ta cứ kêu ông là kẻ lữ hành. Ai hỏi ông đi đâu thì ông trả lời: "Tôi cũng chẳng biết nữa".
Ðến đâu có tên một vĩ nhân để lại một dấu vết gì đó thì kẻ lữ hành dừng lại. Ông ta trải qua hằng giờ, nghiên cứu địa hình, dò hỏi dân cư, lục lọi bút tích. Hoặc giả như một vĩ nhân đã lưu vết trên bãi cát nào đó thì kẻ lữ hành ra ngòai bãi biển, ngồi trên mỏm đá, chống tay lên trán. Khi mặt trời lặn chìm xuống đáy nước, hoặc khi mặt trăng nhô lên từ cuối chân trời, kẻ lữ hành ngồi đó, trơ trơ như bức tượng đá, ôn lại những gì đã nghe, đã thấy, đã tìm, đã học.
Chẳng mấy chốc kẻ lữ hành đã viếng hết các lăng tẩm, các đền thờ, các bia đá kỷ niệm các bậc hiền nhân quân tử. Kẻ lữ hành trầm ngâm, suy tư, ra như muốn thấm nhập với linh hồn của các vị cao minh ấy.
Tuy nhiên trong suốt cuộc tìm kiếm, kẻ lữ hành không bao giờ dành lấy một phút cho người nghèo, kể cả trong các giấc mơ của mình. Quả vậy, kẻ lữ hành đã mơ màng đến nhiều chuyện và nhiều người: các đại đế, võ vương, những phong cảnh hùng vĩ, những kiến trúc đồ sộ. Ðôi lúc kẻ lữ hành mơ thấy chính mình: Hòang đế vua muôn vua. Chỉ có người dư thừa quyền lực và tiền của mới có thể chu du tìm kiếm như ông. Ông ta đi lục lọi, khảo cứu khắp hang cùng ngõ hẻm, chất vấn hết mọi thức giả. Nhưng ông không hề băn khoăn thăm hỏi các bà vợ chạy ngược chạy xuôi để kiếm bát cháo cho người chồng hấp hối. Ông cũng chẳng buồn nhớ tới bao thần dân tất tưởi đói rách trong chính vương quốc của ông.
Cuộc hành trình có dài mấy thì cũng tới lúc chấm dứt. Chẳng bao lâu ông ta đi hết vòng địa cầu và trở về chính hòang cung của mình.
Một bữa kia, người ta thấy nhà vua trở lại cung điện. Thật là khó tả nổi tâm trạng của triều đình lúc ấy. Kẻ rối rít lăng xăng, người thất kinh run rẩy. Dĩ nhiên là có nhiều người phải trốn núp vì quá sợ hãi. Ai biết được cuộc hành trình của nhà vua đã mang lại điều hay hoặc điều dở? Và dĩ nhiên, ông là Hòang đế Vua muôn vua, bá chủ hoàn cầu cơ mà. Ông đâu cần hỏi ý kiến của ai, và ai dám mở miệng phê bình ông?
Nhà vua băng qua vườn ngự uyển, tiến vào hành lang tráng lệ, và sau cùng đi vào hậu cung. Lũ quần thần nhìn nhau yên lặng và sợ sệt. Họ mong được thấy nở trên môi nhà vua một nụ cười.
Nhà vua bước lên lầu, ngả người xuống. Mọi người trố mắt quan sát từng cử chỉ của nhà vua. Tóc ông đã bạc. Vầng trán ngạo nghễ đã điểm những làn nhăn. Cặp mắt lạnh lùng, bất động. Một niềm kiêu hãnh còn ín vết trên nét mặt: kiêu hãnh vì vừa thực hiện một cuộc tìm kiếm, tuy là hòan tòan vô ích; kiêu hãnh vì một Ðại vương lớn nhất hòan cầu, dám coi đời không ra gì hết, tuy một nỗi tuyệt vọng đang lớn dần trong tâm can của ông.
Môi nhà vua vẫn không nở nụ cười. Làn mép của vua chỉ hơi xếch đi một tí. Ra như vua nhìn thấy sự trống rỗng của mọi vẻ huy hòang vây quanh mình, hoặc như vua muốn nói với quần thần rằng :- Ta vẫn chưa tìm thấy danh tánh của Thượng đế. Giả như có thể được, ta sẽ bắt đầu đi tìm kiếm lần nữa !
Bỗng nhiên vua buông ra một tiếng thở dài, rồi gục đầu xuống, lăn nhào xuống tấm thảm ở dưới ngai.
Triều thần đứng yên bất động. Duy có quan Thái y dám tới gần, rờ vào mạch và tuyên bố: "Ðức Vua đã băng hà".
Các vua chúa khắp nơi cùng với đòan xa giá kéo nhau về dự lễ an táng Hòang đế vua muôn vua. Thằng Chó được lệnh quan Tể tướng không được lai vãng tới hòang cung. Hắn ra ngồi ngòai cửa nghĩa trang.
Khi đòan linh cữu đã qua rồi, người ta thấy Thằng Chó còn quỳ gối ở cửa nghĩa trang.
Hắn chìa ra một cái đĩa bằng gỗ, trên mặt có viết hàng chữ : DANH TÁNH THƯỢNG ÐẾ.


Ernest Hello

14/02/2019

Nguồn gốc của lễ Tình nhân 14/2


Valentine's Day (ngày 14/2) đã trở thành một ngày lễ quan trọng, đặc biệt là đối với các đôi tình nhân. Đây là ngày cả thế giới tôn vinh tình yêu lứa đôi.
Vào ngày này, người ta bày tỏ tình yêu của mình bằng cách gửi cho nhau thiệp Valentine, hoa hồng, chocolate và một số loại quà tặng đặc biệt khác mang nhiều ý nghĩa.

Tuy nhiên, nguồn gốc thực sự của ngày lễ Tình nhân Valentine không phải gồm toàn hoa hồng, chocolate và những tấm thiệp xinh xắn tràn đầy yêu thương. Thay vào đó, ngày lễ dành cho những cặp đôi yêu nhau này lại có cảm hứng từ câu chuyện bất ngờ.
Có khá nhiều thông tin về nguồn gốc ngày lễ Tình yêu, gắn với tên Thánh Valentine. Song thực tế có tới ba người tên là Valentine hay Valentinus được phong thánh nên đến ngày nay người ta vẫn còn bàn cãi xem vị nào trong ba người đó tạo ra cái ngày mà hàng triệu người trên thế giới phải hồi hộp chờ đợi. 
Dù còn ít nhiều quan điểm chưa thống nhất về lịch sử ngày Valentine nhưng có một điểm chung giữa các câu chuyện về những vị thánh này là họ đều chết vì tình yêu chân chính, tình yêu cao cả và vì sự chính nghĩa.

1. Một trong những truyền thuyết được nhiều người chấp nhận nhất về nguồn gốc ngày lễ Tình yêu là câu chuyện liên quan đến một vị giáo sĩ La Mã sống dưới thời Hoàng đế Claudius II vào thế kỷ thứ 3 sau Công nguyên. Thời kỳ này, đế chế La Mã trải qua một giai đoạn lịch sử đầy biến động và hỗn loạn, hay còn được gọi là “Cuộc khủng hoảng của Thế kỷ Ba”, khi đế chế bị phân chia thành 3 bang chém giết lẫn nhau.
Giữa thời kỳ đen tối này, Hoàng đế Claudius ban hành một mệnh lệnh vô cùng khắc nghiệt là cấm toàn bộ thanh niên trong đế chế kết hôn bởi ông tin rằng những người lính không lấy vợ có khả năng chiến đấu tốt hơn. Song một giáo sĩ dũng cảm tên là Valentine đã đứng ra làm lễ thành hôn trong bí mật cho các cặp đôi yêu nhau. Nhưng hành động này đã bị phát giác, và ông Valentine bị bỏ tù. Hoàng đế Claudius ra lệnh xử trảm ông Valentine vào ngày 14/2 năm 273.
Theo nhà văn Greg Tobin, nhiều người cho rằng những tấm thiệp tình yêu ngày Valentine có nguồn gốc từ những mẩu giấy thể hiện tình yêu thương và ngưỡng mộ mà trẻ em tuồn vào qua song sắt nhà tù cho ông Valentine, cũng như lá thư đề chữ “Your Valentine” trước ngày bị hành quyết của ông. Song đây có thể chỉ là một tình tiết được người đời thêm thắt vào câu chuyện đầy bi kịch này.

2. Một truyền thuyết khác cũng khá phổ biến về nguồn gốc ngày lễ Tình yêu là câu chuyện kể về một đức cha tên là Valentine. Năm 250, Hoàng đế Decius ra chỉ dụ trừng phạt tất cả những ai không tôn thờ Hoàng đế. Chỉ dụ này nhắm vào những tín đồ Kitô giáo (đạo Cơ Đốc) vì họ chỉ thờ Thượng đế. Do đó, nhiều người Kitô giáo đã bị bắt bỏ tù và xử tử hình. Trong số những người bị bắt có linh mục Valentine, ông bị bắt vào năm 268.
Ông Valentine là người thông thái, đức độ nên được người La Mã tin yêu. Vì vậy, Hoàng đế Claudius tìm cách chất vấn ông để tìm hiểu và chiêu dụ ông nhằm răn đe những người khác, song không thành. 
Tức giận, Hoàng đế đã ra lệnh tống giam ông Valentine. Bị nhốt trong ngục, linh mục Valentine đã cảm hóa được quan coi ngục tên là Asterius, bằng cách chữa lành bệnh cho con gái viên coi ngục này. Cảm kích trước tấm lòng của linh mục Valentine, Asterius cùng toàn gia đình 46 người xin rửa tội theo đạo Kitô. Lo sợ việc này sẽ đe dọa vương quốc, Hoàng đế La Mã truyền lệnh chém đầu linh mục Valentine vào ngày 14 tháng 2 năm 270 trên đường Flaminius.
Cái chết của linh mục Valentine đã gây xúc động và mến phục trong dân chúng và những người Kitô giáo. Từ đó, cái tên Valentine trở thành biểu tượng cho tình yêu thương cao cả.

3. Một truyền thuyết khác lại cho rằng, vào thế kỷ thứ II sau Công Nguyên, một thầy thuốc đã bị xử chém vì tội dám tin vào Chúa Giêsu. Trong thời gian bị giam ở ngục tù, chờ bị xử chém, vị thầy thuốc đã chữa khỏi bệnh cho cô con gái mù của người cai ngục. Cô gái tìm thấy ánh sáng và giữa họ nảy sinh tình yêu.
Ngày 14/2, người thầy thuốc bị đưa đi hành hình. Trước khi chết, chàng đã gửi cho cô gái bức thư tình với chữ ký “Valentine của em”. Câu chuyện này sau đó đã trở thành huyền thoại và trên khắp thế giới người ta đã coi ngày này là ngày hội của những người yêu nhau. Đến nay, các cặp tình nhân vẫn có truyền thống ký tên bằng cụm từ "From your Valentine" của ngày xưa thay vì tên mình trong các tấm thiệp Valentine.

Ngoài ra, còn có nhiều truyền thuyết khác liên quan đến lịch sử ngày Lễ Thánh Valentine. Dù có khác nhau, song các truyền thuyết này đều thấm đậm chất trữ tình, lãng mạn, nhằm tôn vinh tình yêu lứa đôi.
Ngày lễ Valentine bắt đầu ở châu Âu nhưng ngày nay được tổ chức ở nhiều nơi khác, từ châu Á đến châu Mỹ và châu Phi. Ngay từ những ngày cuối năm trước, thị trường phục vụ ngày Valentine khắp nơi trên thế giới đã bắt đầu khởi động. Ngành công nghiệp phục vụ ngày Valentine nhanh chóng thịnh vượng. Người ta bán ra thị trường vô số hoa hồng, bưu thiếp, bánh kẹo, với đủ chủng loại
Thu An Tổng hợp


08/02/2019

Bến Thuyền Hoa















Bến Bình Đông, cái tên nghe đã thấy thương, thấy hiền, thấy dân dã và ngập tràn phong vị Nam Bộ xưa, nơi ghe thương hồ bôn ba sông nước mỏi mê rồi vui sướng cắm neo cột thuyền nằm nghỉ nơi bến sông rộn ràng nào đó. Bến Bình Đông, bến Mễ Cốc, bến Phú Định, những bến sông dọc dài bên cạnh Xóm Củi, rạch Cát, rạch Ong, rạch Lò Gốm, kinh Tàu Hủ,  …  gọi ra mênh mang cả một lịch sử làm ăn và sinh sống nơi phương Nam nắng gió. Dù ngày nay không mấy người còn chịu khó tìm hiểu nguồn cội của những cái tên, dù rạch Ong (nơi có nhiều bầy ong về làm tổ) đã bị gọi sai hẳn đi cả về địa danh lẫn ngữ nghĩa thành rạch Ông, nhưng cứ mỗi cuối năm, mùa Tết, cái chất sống quật cường đã luân lưu khắp mạch máu người dân Nam Bộ lại chảy mạnh. Bến Bình Đông lại rộn rã trên bến dưới thuyền, hoa và cây kiểng từ miền Tây đổ lên náo nức cả một đoạn bến dài.

Nội thành Sài Gòn có rất nhiều chợ hoa xuân nằm trong các công viên hoặc bãi đất trống ở mỗi quận huyện hoặc một khu vực. Trung tâm thì năm nào cũng có chợ hoa trong công viên Tao Đàn và công viên 23/9, công viên Lê Văn Tám. Nhưng tôi thương, tôi nhớ, tôi mê chợ hoa ở bến Bình Đông nhất, nơi mà theo đúng giọng người Nam Bộ, không ai gọi “hoa” mà gọi “bông”. Chợ bông tết bến Bình Đông.

Là vì chợ bông ở đây không chỉ là chợ bán bông.
Những đoàn ghe bầu sức chở hàng trăm tấn, giương tròn hai con mắt màu đen nổi bật trên nền đỏ tươi ngược từ miệt Cái Mơn (Bến Tre), Đồng Tháp theo dòng nước mênh mông tràn khắp đồng bằng Nam Bộ, len lỏi vô tới tận giữa cái ruột của thành phố lớn nhất nước, chở theo cả tràn trề màu nắng, tươi rợi màu lá, sắc thắm rực rỡ của vạn hoa, chở cái sinh khí ngùn ngụt của vườn, của đất, của sông rộng và trời cao theo chân những nông dân có sắc da nâu sậm. Dưới sông, trên bờ, bông, cây, lá, trái, to đậm, trĩu cành, mạnh khỏe và tốt tươi, kìn kìn, lũ lượt, đua chen san sát đẫm ngời dưới cái nắng vàng trong đặc biệt chỉ những ngày giáp tết mới có ở Sài Gòn. Cái khí chất mạnh mẽ sung mãn đó khiến bến Bình Đông gây nghiện khác hẳn với những chợ hoa khác ở giữa trung tâm.

Từ dưới chân cầu Chà Và chạy dài dọc theo kinh Tàu Hũ tới tuốt cầu Nguyễn Tri Phương, một bên vẫn còn những nhà kho hàng trăm năm có những cái bao lơn bụng phệ bằng sắt uốn chồm ra lơ lửng bên ngoài, một bên là dòng Tàu Hủ ghe thuyền kín sông. Đèn sáng như sao sa. Dân Sài Gòn ùa về nườm nượp. Trai gái nắm tay người yêu đi bộ rảo rảo ngắm bông, chụp hình. Cha mẹ ghé vô lựa kiểng chưng Tết. Đàn ông quần quật khiêng những tháp tắc cảnh (cây tắc, cây quất, cây hạnh, tùy cách gọi từng vùng miền) cao hàng hai mét trái sây tròn khắp chung quanh từ dưới ghe lên bờ, từ sạp lên xe tải chở về nhà cho khách. Đầu đường mấy chị gái bày một loạt ớt kiểng đủ màu. Có loại trái màu tím sẫm, màu đỏ, màu vàng chen nhau lúc ngúc trên nền lá xanh sẫm. Có loại trái ớt màu vàng chanh tròn xoe mới trông tưởng là trái sơ  ri.

Chị Ngọc bán ớt kiểng ở bến Bình Đông tới nay là tám năm. Mỗi chậu ớt đẹp như vầy bán có 25.000 đ. Nếu trồng trong cái sọ dừa được tỉ mẩn đánh bóng như vầy thì thêm 5.000 đ nữa.
Kế bên là bông giấy. Năm nay mưa nhiều mà bông giấy đẹp hết sức, cánh mềm và dày bóng như lụa chớ không xác xơ mỏng quẹt như “giấy”. Màu tím nhạt quá phổ thông không được ưa chuộng mấy, màu cam mấy năm trước rất mới lạ nay cũng nhường hàng. Năm nay màu đỏ điều lên ngôi. Có những chậu bông giấy người trồng khéo tay chen một xíu bông trắng vô làm nền cho màu điều, cả hai bên cạnh nhau đều bật nổi ngời ngời.

Những chiếc ghe mang cả miền quê lên cho dân Sài Gòn xa xứ. Những cái mui chằm bằng lá buông khiến người ta bùi ngùi nhớ quê, nhớ ngôi nhà cũ. Nước da sạm nắng dãi dầu của những người nông dân khiến người ta nhớ mẹ nhớ cha, nhớ đám bạn lên năm lên ba cởi truồng đánh lộn. Cây cầu bắc từ bờ lên ghe chỉ có một thanh gỗ, nay có người thay bằng cầu tôn như vầy, nhưng trời mưa chắc dễ trơn trợt.
Chợ bông Tết Bình Đông còn là nơi để người ta tới để gặp nhau, tận hưởng cái không khí bình yên bên nhau giữa cuộc sống cứ cuốn vội người đi.

Bài viết: A Nghêu
Hình ảnh: Fatasa


06/02/2019

Truyện cười Lợn

Tranh cãi gà và lợn
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi
Gà và lợn thi chạy với nhau, gà đã chiến thắng với cách biệt thời gian.
Về tới đích, gà mỉa mai lợn.
- Anh Lợn, anh còn gà lắm.
- Đồ con Gà, nói ngu như lợn vậy.
Bò quay lại bảo:
- Hai đứa chúng mày lơ ngơ như bò đeo nơ.
Chó làm trọng tài nói:
- Ê Lợn, mày thua thì ráng chịu, chứ cớ gì mà sủa ầm như chó thế?
Nhà tài trợ Trâu hét lên
- Đã nói ko ồn ào nữa mà, đồ lì như trâu vậy!
Lợn cũng tập ở bẩn
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - 1
Bác sĩ thú y nói với Thomas khi anh đưa con vật đến khám bệnh:
- Rất tiếc là con lợn của anh bị ốm. Nó bị cảm lạnh. Nếu anh muốn cứu nó, anh phải giữ ấm cho nó.
- Thế à? - Thomas nói - Vậy thì tôi sẽ cho nó ngủ trên giường của tôi.
Bác sĩ thốt lên:
- Trên giường của anh? Không được đâu, anh không nghĩ tới mùi khó chịu à?
Thomas nhún vai:
- Mùi khó chịu? Nó sẽ phải quen đi chứ.
- !?!
Lợn không cần tiết kiệm thời gian
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - 2
Trong chuyến đi du ngoạn đến vùng thôn quê hoang vắng, Tom vô cùng kinh ngạc khi chứng kiến cảnh những nông dân ở đây cho lợn ăn.
Họ cố gắng nâng con lợn lên để chúng có thể ăn táo trên cây, cứ lần lượt từng con từng con một như thế. Tom tò mò hỏi:
- Tôi thật sự không hiểu vì sao mọi người lại làm như thế, trong khi có thể rung cho táo rụng xuống đất?
Mọi người nhìn Tom một cách khó hiểu:
- Để làm gì?
Tom cố giải thích:
- Để tiết kiệm thời gian, như thế chẳng phải nhanh hơn nhiều so với việc ôm từng con cho ăn sao?
Mọi người nghe thấy thế nhìn nhau rồi cười phá lên:
- Cậu cứ đùa, mấy con lợn này thì cần gì tiết kiệm thời gian chứ.
- !!!
Nếu con lợn dám xông vào vợ tôi
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - 3
Hai người bạn nói chuyện với nhau, bất ngờ người kia hỏi.
- Cậu sẽ làm gì nếu một con lợn lòi tấn công vợ mình?
- Đáng đời nó!
- Ơ kìa, sao lại tàn nhẫn với vợ thế?
- Đấy là tớ nói con lợn, nếu nó dám xông vào cô ấy.
Khôn như lợn
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - 4
Mèo và lợn là đôi bạn tốt của nhau.
Một ngày, mèo chẳng may bị rơi xuống một cái hố lớn. Lợn chạy khắp nơi tìm được một cuộn dây thừng, thế nhưng cuối cùng nó lại quẳng cả cuộn xuống dưới. Mèo buồn bực nói:
- Cậu ném hết xuống thế này thì làm sao kéo mình lên đây?
Lợn cuống quýt hỏi:
- Nếu khôn thì phải làm thế nào đây?
Mèo đáp:
- Cậu nên cầm một đầu của sợi dây chứ!
Lợn nghe thấy thế liền nhảy xuống hố, cầm một đầu sợi dây nói:
- Như thế này là được rồi đúng không?
- !!!
Ngu như lợn
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - page 2
Bố dạy con học nói:
- Nói hoa đi con.
- Hoa, hoa.
- Giỏi lắm, con nói bố đi nào.
- Mẹ, mẹ...
- Không, nói bố cơ mà, bố chứ không phải mẹ, nào nói lại đi! Bố...ố...ố
- Mẹ...
- Ô thằng này, mày giống ai mà ngu như lợn thế?
- Bố...Bố...
Lợn đực hết
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - page 2 - 1
Một ông đi bán lợn con, lợn đựng trong lồng tre đan chật. Một người khách hỏi:
– Ông bán lợn đực hay lợn cái đó?
Ông kia đáp:
– Lợn đực hết, đực hết.
Người khách cần lợn đực, liền mua về nhà thả ra mới biết là lợn cái. Trở lại hỏi ông bán lợn, sừng sộ gây chuyện. Ông ta nói:
– Tui đã nói rồi mà, lợn đực hết thì còn lợn cái chứ sao?
Giá phạt cũng tăng theo ngày Tết
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - page 2 - 2
Hai chị hàng xóm đang cãi nhau rất to, một chị chửi chị kia là lợn sề. Đúng lúc ấy anh tổ trưởng tổ dân phố đi qua nghe thấy vậy bèn phạt chị ta 50 nghìn đồng. Chị hàng xóm tỏ ra không phục cho lắm bèn hỏi anh tổ trưởng:
- Tại sao tháng trước bà ta cũng chửi tôi là lợn mà chỉ bị phạt có 30 nghìn đồng?
Anh tổ trưởng cười:
- Chị không biết gì à?
- Biết gì? - Người phụ nữ hỏi lại.
- Tết đến thịt lợn tăng nên giá phạt cũng tăng theo.
- !?!
Vợ bị lợn cắn
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - page 2 - 3
Hai vợ chồng ngồi xem phim 'Người nhện', vợ nói:
- Ơ, hóa ra bị nhện cắn là có thể phóng tơ và bò lồm cồm trên nóc nhà như nhện được. Em cũng thích được nhện cắn quá!
Chồng bảo:
- Nhện cắn thì chưa, nhưng anh nghĩ là em đã bị lợn cắn rồi.
- Sao anh nói vậy? - vợ tròn mắt.
Chồng đáp:
- Thì đấy, em ăn với ngủ có khác gì lợn đâu?
- !!!
Con lợn thông minh
10 truyện cười hài hước về lợn dịp Tết Kỷ Hợi - page 2 - 4
Lái buôn đang dạo quanh trang trại cùng người nông dân thì thấy một con lợn mang chân gỗ, ông ngạc nhiên hỏi:
- Tại sao con lợn đó lại có một cái chân gỗ.
Người nông dân hào hứng nói:
- Ồ, đó là một con lợn thông minh. Tôi thường để nó đưa bọn trẻ đến trường.
- Tuyệt vời! Nhưng tại sao nó lại mang chân gỗ? - tay lái buôn hỏi.
Người nông dân thao thao bất tuyệt:
- Ông không thể tưởng tượng được đâu! Con lợn này thông minh tới mức đã có bằng cấp về triết học và làm vườn.
Tay lái buôn trợn mắt:
- Trời ạ, thật không thể tin nổi. Nhưng vì sao nó lại mất một chân và dùng chân gỗ thế?
Người nông dân nhún vai:
- Khi ông sở hữu một con lợn thông minh như vậy. Dĩ nhiên là không thể ăn hết cả con trong một lần rồi.
Bạn có thể hiểu được ý nghĩa của câu chuyện này chứ?
Sưu tầm