Trang

30/03/2019

NGƯỜI SỐNG TÌNH CẢM LÀ NHƯ THẾ NÀO?


1. Người sống tình cảm là người luôn nghĩ cho người khác trước tiên, ít khi nghĩ cho bản thân mình, nên lúc nào cũng nhận phần thiệt thòi.

2. Người sống tình cảm là người hay cười nhưng trong lòng thường cảm thấy rất cô đơn .

3. Người sống tình cảm là người rất ngại mất lòng người khác, có tâm sự gì thì cũng cố giấu riêng mình.

4. Người sống tình cảm là người luôn đối đãi chân thật với mọi người, chuyện gì cũng dốc hết lòng ra giúp đỡ nên nhiều khi dễ nhận tổn thương.

5. Người sống tình cảm là người rất ngại làm phiền người khác, việc của mình luôn cố hoàn thành để không ảnh hưởng tới ai.

6. Người sống tình cảm là người khi cần phải quyết định những vấn đề thuộc về lí trí, lạnh lùng thì thường phân vân, không nỡ. Họ không nỡ làm tổn thương người khác.

7. Người sống tình cảm là người luôn sẵn sàng lắng nghe tâm sự của những người xung quanh , nhưng đến khi họ gặp phải rắc rối, lại chẳng biết chia sẻ cùng ai.

8. Người sống tình cảm là người nặng tình, yêu ai thương ai thì rất chung thủy. Nếu một mối tình có lỡ dở, họ cũng phải mất rất nhiều thời gian mới có thể vượt qua.
ST

29/03/2019

DROWN-PROOFING


Có một bài tập trong chương trình huấn luyện Hải quân SEAL gọi là “chống chết chìm” (drown-proofing) trong đó người ta buộc tay bạn vào sau lưng, trói chân bạn lại, và ném bạn xuống một bể bơi sâu 9-foot-deep (2.7 mét).
Nhiệm vụ của bạn là sống sót qua 5 phút.

Giống như hầu hết các chương trình huấn luyện của SEAL, gần như mọi sĩ quan đều không vượt qua bài drown-proofing này. Khi họ bị quăng xuống nước, nhiều người bắt đầu hoảng sợ và hét lên muốn được kéo trở vào. Một số thì vật lộn tới khi họ trượt xuống nước, bắt đầu mất ý thức và phải chờ tới khi được kéo lên và sốc lại. Trước đây thậm chí đã từng có một số thực tập sinh mất mạng trong bài tập này.

Nhưng một số thì thành công. Và họ thành công nhờ hiểu được hai bài học nghe như nghịch lý.

Sự nghich lý trong bài học thứ nhất: bạn càng vùng vẫy để giữ đầu ở trên mặt nước, thì bạn càng dễ chìm hơn.

Khi mọi cánh tay và cẳng chân bị trói lại, bạn sẽ không thể giữ cả người trên mặt nước trong suốt năm phút. Tệ hơn, những nỗ lực có hạn để giữ mình không chìm sẽ chỉ khiến bạn chìm nhanh hơn.
 Bí quyết ở đây là thực sự để cơ thể bạn chìm xuống đáy bể. Từ đó, bạn nhẹ nhàng đạp chân đẩy mình khỏi sàn bể một chút và động lượng sẽ đưa bạn lên trên mặt nước. Một khi tới đó, bạn hãy lấy một hơi thở nhanh và làm lại quá trình ấy một lần nữa.

Thật lạ, sống sót qua quá trình drown-proofing không cần bạn phải có thể lực hay sức chịu đựng của một siêu nhân. Bạn thậm chí chẳng cần phải biết bơi. Ngược lại, nó đòi hỏi khả năng không bơi. Thay vì cố gắng chống lại những quy luật vật lý mà dường như sẽ giết chết bạn, hãy đầu hàng chúng và sử dụng chúng để cứu chính mình.

Bài học thứ hai trong drown-proofing thì rõ ràng hơn một chút, nhưng cũng nghịch lý: bạn càng hoảng sợ thì bạn càng đốt cháy nhiều oxy hơn và từ đó càng dễ bất tỉnh và chết chìm hơn. Một cách thâm hiểm, bài tập này khiến những bản năng sinh tồn của bạn chống lại chính bạn: bạn càng cố gắng hít thở bao nhiêu, bạn càng có ít cơ hội để thở. Mong muốn sống càng mãnh liệt, tỉ lệ chết càng tăng cao.

Không chỉ là một bài kiểm tra thể lực, drown-proofing là bài kiểm tra khả năng kiểm soát cảm xúc của mỗi sĩ quan trong những tình huống nguy hiểm nhất. Liệu anh ta có thể kiểm soát được sự thúc giục trong bản thân mình? Liệu anh ta có thể thả lỏng người trong thời khắc đối mặt với tử thần? Liệu anh ta sẽ sẵn lòng liều mạng để phục vụ những giá trị hay mục tiêu cao cả hơn?

Những kĩ năng ấy quan trọng hơn rất nhiều so với khả năng bơi lội của bất cứ sĩ quan nào. Chúng quan trọng hơn sự dẻo dai, sức bền thể lực, hay tham vọng của anh ta. Chúng quan trọng hơn trí thông minh của anh, ngôi trường anh ta học, hay vẻ đẹp trai khi anh ta diện bộ suit Ý bóng loáng.


Kĩ năng này—khả năng từ bỏ kiểm soát khi ta muốn nó nhất—là một trong những kĩ năng quan trọng nhất một người có thể phát triển. Nó quan trọng không chỉ cho SEAL, mà còn cho cả cuộc sống
Drown-proofing tuân theo một đường cong nghịch đảo. Bạn càng cố gắng ngoi lên mặt nước, bạn càng thất bại. Tương tự, bạn càng khao khát để thở, bạn càng dễ sặc vài ngụm nước hồ hòa nước tiểu.

 “Luật Trái ngược”

1. Kiểm soát—Ta càng cố gắng kiểm soát những thôi thúc và cảm xúc của chính mình bao nhiêu, ta càng thấy bất lực bấy nhiêu. Đời sống cảm xúc của chúng ta là bất kham và thường không thể kiểm soát, và mong muốn kiểm soát nó sẽ chỉ khiến nó tệ đi. Ngược lại, chúng ta càng chấp nhận những cảm xúc và thôi thúc, chúng ta càng biết cách định hướng và xử lý chúng.

2. Tự do—Mong muốn triền miên có nhiều tự do hơn trớ trêu thay giới hạn chúng ta theo nhiều cách. Tương tự, ta chỉ thực sự tự do khi ta giới hạn chính mình—bằng việc chọn và tuân theo một vài điều trong cuộc sống.

3. Hạnh phúc—Cố gắng hạnh phúc chỉ khiến ta thêm bất hạnh. Chấp nhận sự bất hạnh lại khiến ta hạnh phúc.

4. An toàn—Cố gắng khiến mình cảm thấy an toàn hơn tạo ra nhiều cảm giác bất an hơn. Ngược lại, trở nên thoải mái với sự bất định lại cho phép ta cảm thấy an toàn.

5. Tình yêu—Chúng ta càng cố gắng khiến người khác yêu và chấp nhận ta, thì càng ít cơ hội họ làm như vậy, và quan trọng nhất, càng ít cơ hội ta hãy yêu và chấp nhận chính mình.

6. Tôn trọng—Chúng ta càng đòi hỏi sự tôn trọng, thì người khác càng ít tôn trọng ta. Chính ta khi tôn trọng người khác nhiều hơn, họ sẽ tôn trọng ta nhiều hơn.

7. Niềm tin—Ta càng cố gắng khiến mọi người tin mình thì họ càng ít tin ta hơn. Khi ta tin người khác nhiều hơn, họ cũng tin ta nhiều hơn.

8. Tự tin—Càng cố gắng cảm thấy tự tin bao nhiêu, thì càng cảm thấy bất an và lo lắng bấy nhiêu. Khi chúng ta biết cách chấp nhận lỗi lầm của mình hơn, chúng ta sẽ thoải mái hơn khi là chính mình.

9. Thay đổi—Càng mong muốn thay đổi bản thân chúng ta càng thấy mình chưa thay đổi đủ. Trong khi đó, càng chấp nhận bản thân mình thì chúng ta càng phát triển và trưởng thành, vì chúng ta sẽ rất bận rộn với những điều thú vị và mới mẻ đến mức chẳng nhận ra điều đó nữa.

10. Ý nghĩa—Chúng ta càng theo đuổi một mục đích hay ý nghĩa sống sâu sắc hơn, thì chúng ta càng trở nên tự ám và nông cạn hơn. Chúng ta càng thêm vào ý nghĩa cho cuộc sống của những người khác, chúng ta sẽ càng cảm thấy những ảnh hưởng sâu sắc hơn.

Tác giả: Mark Manson
Dịch: Sang Doan

27/03/2019

Những Lời hay Ý đẹp giúp hướng thượng, vươn lên trong cuộc sống...


Nhìn về phía mặt trời,
bóng tối sẽ khuất sau lưng ta
Lương tháng là tiền lúc ở trên trần. Lương thiện là tiền khi về cõi sau
Muốn nhận hạnh phúc thì trước hết phải chia hạnh phúc
Khiêm tốn bao nhiêu cũng chưa đủ, Tự kiêu một chút cũng là nhiều.
Hơn người khác chưa hẳn là hay. Hãy hơn chính mình ngày hôm qua.
Hãy hiền dịu bao dung với mọi người, trừ chính mình
Đừng lo không có chức vị
Chỉ lo không đủ tài đức để nhận lãnh chức vị thôi
Răng cứng, lưỡi mềm.
Hết đời răng thường rụng hết, nhưng lưỡi còn nguyên
Cần phải học mềm mỏng, nhu hòa thì mới có thể tồn tại
Gieo suy nghĩ, gặt hành động. Gieo hành động, gặt thói quen
Gieo thói quen, gặt tính cách. Gieo tính cách, gặt số phận
Học hành chăm chỉ là Nhân, thi đậu là Quả
Cha mẹ khắc nghiệt là Nhân, con cái bỏ đi là Quả
Nuông chiều con cái là Nhân, con cái hư hỏng là Quả
Tranh ảnh, truyền thông phổ biến dâm ô, chém giết là Nhân
Các em mang bầu, phá thai, hung bạo…là Quả.
Phá rừng là Nhân, lụt lội là Quả
Tiêu xài bừa bãi là Nhân, thiếu hụt, nợ nần là Quả.
Bác ái, giúp người là Nhân. Tiếng thơm và phúc đức để cho con cháu là Quả
Không có thành công lớn nếu không có thử thách lớn
Hãy suy nghĩ trước khi nói. Nhưng đừng nói tất cả những điều mình nghĩ
Không đủ cân nhắc để nói lời phù hợp. Không đủ khôn ngoan để im lặng:
Đó là nguyên nhân để bị coi thường
Làm việc sẽ tránh được ba cái xấu: Buồn chán, thói hư và nghèo túng
Không nên làm tổn thương người khác dù chỉ bằng một câu nói đùa
Sự dối trá sẽ giết chết tình yêu,
nhưng sự thẳng thắn, thiếu tế nhị sẽ giết tình yêu trước
Tình yêu và sự Hy sinh giống như một ngọn núi thật khó trèo.
Nhưng khi lên tới đỉnh, sẽ thu vào tầm mắt muôn điều tươi đẹp
Không biết mà nói là ngu. Biết mà không nói là hiểm.
Người đủ khả năng và can đảm sửa sai ta, không phải là kẻ thù của ta.
Người biết đạo sẽ không khoe. Người biết nghĩa sẽ không tham
Mỗi ngày hãy nhân lên những điều tốt
và chia nhỏ những điều xấu, để cuộc sống được ý nghĩa hơn
Một phút giận giữ là đã mất 60 giây hạnh phúc của cuộc đời
Cạnh tranh là tự cải tiến sản phẩm mình
chứ không phải bỏ thuốc độc vào hàng người khác
Không cần phải được tán đồng trong mọi điểm. Hãy đồng ý việc không đồng ý
CHÂN là sống thực với mình và chân thành với người
THIỆN là làm điều lành cho mình và xử sự hiền với người
MỸ là sống đẹp trong tâm hồn mình, và tôn trọng cái hay, tài năng của người
Đừng khinh việc nhỏ, lỗ nhỏ làm đắm thuyền
Đừng bắt con cái tuyệt đối vâng lời mình, trong khi mình bất kính với cha mẹ và người khác
Bia, rượu rất đáng sợ vì nó dễ làm đỏ mặt và làm đen danh dự
Vấn đề không phải bạn đã thất bại ra sao, mà là bạn đã chấp nhận nó như thế nào
Đừng thương tiếc hôm qua - Đừng chờ đợi ngày mai - Đừng lảng tránh hôm nay
Hãy sống theo những câu danh ngôn chứ đừng chỉ đọc qua ...



Sưu tầm

24/03/2019

Viên Sỏi Trắng


Có người thanh niên yêu biển, chọn nghề hàng hải từ độ tuỗi thanh xuân để thỏa chí tang bồng. Chàng thủy thủ trẻ lấy biển khơi làm nhà, lấy trăng sao làm bậu bạn. Niềm vui của chàng là những chuyến hải hành vượt trùng khơi, không bến đỗ. Sóng gió, gian nan, phong ba hay bão tố vẫn không làm chùn bước, chàng vẫn miệt mài ra đi cùng năm tháng.

Thú tiêu khiển của người thủy thủ là những buỗi trời yên, chàng ngưng làm việc để lên boong tàu ngắm nhìn biển lặng. Có một buỗi chiều, đang lúc một mình ngắm cảnh hoàng hôn trên biển cả, người thủy thủ chợt nhìn thấy từ lòng biển sâu xuất hiện con thủy quái dị hình. Con kình ngư khổng lồ với chiếc đầu đen xì to lớn, lắc lư bơi về phía mạn thuyền nơi người thủy thủ đang đứng. Nó ngoác chiếc mồm rộng đỏ lòm, lỡm chỡm hàm răng nhọn hoắc, vừa bơi vừa giương đôi mắt nhồi sòng sọc nhìn như muốn ăn tươi nuốt sống chàng. Hoảng hốt, người thủy thủ vội vả rời boong tàu, trốn chạy xuống lòng thuyền với nỗi sợ hải, hoang mang. Hình ảnh cái mồm rộng đỏ lòm, và nhất là đôi mắt nhồi to lớn sòng sọc nhìn chàng, người thủy thủ không còn dám lên boong tàu để ngắm nhìn trời mây lồng lộng trong những hoàng hôn hay bình minh trên mặt biển, là những thú vị mà chàng hằng yêu thích. 
Bẳng đi một thời gian, nhớ cảnh trời xanh sóng biếc với mây chiều lãng đãng, chàng thủy thủ lại lên boong, trèo lên cột buồm cao nhứt để ngắm nhìn biển xa, thì kìa, từ ngoài khơi con quái vật của trùng dương lại xuất hiện bơi về phía tàu, vẫn với đôi mắt sòng sọc nhìn chàng. Điều kỳ lạ, cả tàu chỉ có người thủy thủ nầy nhìn thấy con thủy quái, trong khi những người khác trên tàu không nhìn thấy gì cả ngoài nước biếc, sóng xanh. Rồi từ đó, mỗi khi lên boong, người thủy thủ nầy lại nhìn thấy con thủy quái dị hình bơi theo chiếc tàu của chàng đi khắp nẻo trùng dương.

Ngày lại ngày, người thủy thủ trẻ năm xưa đã vào tuỗi trung niên; bây giờ, chàng không còn là một thủy thủ vô danh, nhưng đã thành vị thuyền trưởng lão luyện dày dặn kinh nghiệm hải hành. Viên thuyền trưởng vẫn làm việc hăng say trên tàu ngang dọc khắp vùng biển cả, và con thủy quái ngày nào vẫn lẻo đẻo bơi theo tàu đi đây đó như người bạn trung thành.

Đến ngày kia, khi năm tháng đã dài, tuỗi đã cao, viên thuyền trưởng can trường không muốn nhìn thấy con thủy quái dị hình làm nặng lòng nữa, ông quyết định phải một phen chiến đấu sanh tử, một mất một còn với nó. Sau khi giao trọng trách và quyền hành thuyền trưởng cho người khác, ông rời tàu nhất quyết ra đi tìm gặp con thủy quái để chiến đấu trực diện tiêu diệt nó, hoặc nó sẽ ăn tươi nuốt sống ông.

Ông chọn thanh đao thật sắc và chiếc lao thật nhọn, cứng rắn nhứt rồi xuống chiếc thuyền con, rời tàu để một mình đi vào biển cả. Ông cứ đi như vậy cả một ngày mà chẳng thấy thủy quái đâu. Chiều đến, một mình trên vùng biển bao la, viên thuyền trưởng nản chí. Ông nóng lòng bước tới mủi thuyền rồi cất tiếng gọi to, mong con thủy quái nghe được mà xuất hiện. Quả thật, ông chờ đợi không lâu, thì từ xa chiếc đầu to lớn, đen xì của con quái vật trùng dương vừa nhô lên mặt biển, bơi vội vả về phía ông. Viên thuyền trưởng đứng yên thủ thế, lòng không hề nao núng.

Con quái vật bơi đến trước mủi thuyền, từ chiếc mồm to lớn lỡm chỡm răng nhọn, nó nói với thuyền trưởng :
- Chào ông thuyền trưởng, bấy lâu nay tôi theo đuỗi ông để tặng cho ông một món quà vì nghe tiếng ông can trường, mến tài ông thao lượt. Nhưng ông cứ né tránh tôi, mãi đến hôm nay ông đã già, và tôi cũng đã ít nhiều mệt mỏi. Vậy giờ đây, ông hãy buông vũ khí xuống, xòe tay ra để tôi tặng ông viên ngọc quí, là bảo vật có một không hai trên đời. Cầm viên ngọc nầy trong tay, ông sẽ nghe được tiếng nói của chim trời, cá nước; cả tiếng thì thầm của vũ trụ mà nghiệm lẽ nhiệm mầu sinh tử, tồn vong.
Nói xong, con thủy quái bơi đến trước mặt viên thuyền trưởng và nhả vào tay ông một viên ngọc tuyệt đẹp, rồi quẫy đuôi lặng mất xuống biển sâu sau khi gục gặc chiếc đầu to như lời từ giã.
Ít lâu sau, người ta tìm thấy trên vùng biển đó một chiếc thuyền con, trên thuyền có bộ xương khô lưng ngồi tựa mạn, mặt quay về hướng mặt trời, trong tay còn nắm chặt một viên sỏi tròn, trắng mịn, óng ánh xa cừ.
Sưu tầm


17/03/2019

Tâm bình an - Tiền tài cũng chẳng mua nổi


Làm người, hạnh phúc nhất không phải là giàu có, thành đạt mà là thanh thản. Vì chỉ có thanh thản thì mới có giấc ngủ ngon. Đời người chính là một giấc mộng dài, mà giấc mơ đẹp thì có tiền cũng không mua được. Đôi lời dựa vào ý tứ của Phật giáo bàn về chữ “thanh” trong tâm.
Phật giáo cho rằng, đời người một kiếp nhân sinh một kiếp mộng, hiện tại chính là mộng. Mỗi người đều có mộng tưởng của bản thân và sống vì mộng tưởng đó. Cuộc đời ngắn ngủi, đường đời gập ghềnh, mỗi người đều phải trải qua thăng trầm bể dâu, mà chớp mắt một cái tất cả đã thành hư không.
Quá khứ, hiện tại và tương lại, đời người 3 chặng cũng như 3 lần mộng. Đứng ở hiện tại luôn ngoái về quá khứ và ngóng tới tương lai, đó là cố tật của tất cả mọi người. Cho nên, đời người chỉ cầu mộng đẹp, chỉ mong thanh tâm, thanh thản.
Có những phút giây yên tĩnh, ấy là hạnh phúc của con người. Không hối hận vì quá khứ,
không vọng tưởng trong hiện tại,
không lo lắng vì tương lai.
Mấy người có thể sống như vậy?
Sống thanh thản, bình tâm và yên ổn.
Thứ ấy có tiền cũng không mua được,
muốn cưỡng cầu cũng không thành.
Người thực sự tĩnh tâm thì ít vọng tưởng, ít sân si, ít mệt nhọc. Phật dạy một câu: “Hương tượng qua sông, cắt đứt chúng lưu”, tức là chuyện đã qua thì đừng lưu luyến, tư tưởng, cảm xúc cũng như dòng sông, một đi không trở lại. Mà muốn cắt đứt thì phải có dũng khí, dũng khí lớn nhất chính là bình tâm.
Rất nhiều người bề ngoài hân hoan, trong lòng gào khóc, vì cuộc sống mà bức bách bản thân, che giấu nội tâm. Thế nên, dẫu xung quanh hoan ca mà vẫn có cảm giác thê lương. Như vậy còn khốn khổ hơn gấp trăm ngàn lần người đau khổ trong cảnh nghèo khó.
Cho nên, hưởng thụ lớn nhất của sinh chính là tĩnh tại, không có tĩnh tại thì hưởng thụ vô ích. Làm người, đừng chỉ nghĩ tới kiếm tiền, hãy nghĩ tới kiếm tìm tĩnh tại, yên lặng trong chính tâm hồn mình, cuộc sống của mình.

Namo Buddhaya
Thích Tánh Tuệ

11/03/2019

Sự khác biệt giữa người hạnh phúc và người không hạnh phúc.


Trong cuộc sống tồn tại hai loại người: hạnh phúc và không hạnh phúc. Chúng ta đi qua những loại người này hàng ngày. Có những người khốn khổ, luôn phàn nàn về mọi thứ, trong khi ở phía bên kia, chúng ta có những người lạc quan, luôn nhìn vào những điều tích cực và không ngừng tìm kiếm cuộc sống hạnh phúc.
Cuộc sống có thể là một cái gì đó bạn nắm lấy hoặc một cái gì đó bạn ẩn giấu. Chúng ta hãy xem một số khác biệt chính giữa những người hạnh phúc và không hạnh phúc.

1. Người Không Hạnh Phúc.
Chờ đợi một cái gì đó để làm cho họ hạnh phúc
Những người không hạnh phúc ngồi lại và chờ đợi, mong đợi cơ hội để thể hiện bản thân. Họ ít vận động khi đạt được mục tiêu - nếu họ có.

Ghen tị với thành công của người khác
Thay vì tập trung vào vận may mà cá nhân họ sở hữu, những người không hạnh phúc này quan tâm đến tài sản vật chất và thành công của người khác. Không nhận ra những thành tựu của bản thân và tất cả những điều tốt đẹp trong thế giới của họ, dường như mọi người đều có điều kiện tốt hơn họ rất nhiều.

Không an toàn.
Sự thiếu tự tin hiện diện trong tâm trí của những người không hạnh phúc. Những người này cảm thấy bất an với bản thân họ, và do đó, họ trở nên hướng nội và hạn chế trong việc giao tiếp với người khác bằng mọi cách. Họ thiếu lòng tự trọng để thúc đẩy bản thân trong cuộc sống hàng ngày

Bị cô lập.
Những người này có xu hướng tách bản thân khỏi xã hội vì bản chất họ có xu hướng khốn khổ và tiêu cực. Những người khác cũng không muốn có sự hiện diện của họ vào các cuộc tụ họp vì họ mang một sự rung cảm tiêu cực, buồn bã vào nhóm.

Suy nghĩ tiêu cực.
Sự tiêu cực và phàn nàn làm khổ tâm trí của những người không hạnh phúc. Tư duy này gây bất lợi cho bất kỳ thành công nào trong tương lai mà họ hy vọng đạt được. Bằng cách liên tục có những suy nghĩ tiêu cực, họ đặt ra những hạn chế cho chính mình. Hiệu quả công việc kém, không có khả năng hình dung thành công trong tương lai

2. Người Hạnh Phúc.
Họ tận hưởng từng khoảnh khắc trong cuộc sống.
Những người này đi ra thế giới và tích cực tìm kiếm sự thỏa mãn. Họ không lạc hậu với cuộc sống; họ đi ra ngoài và làm mọi thứ tốt đẹp cho bản thân. Họ đánh giá cao cuộc sống họ có và coi trọng từng phút mỗi ngày. Những người hạnh phúc này sống như không có ngày mai và tận dụng tối đa mọi tình huống. Một số người sống trong quá khứ, một số người mong muốn tương lai và những người này sống yên ổn trong hiện tại.

Khâm phục thành công của người khác.
Thay vì trở nên ghen tị với người khác, những kiểu người này thích thú với sự thành công của bạn bè. Họ sử dụng những thành tựu của bạn bè để thúc đẩy bản thân làm tốt hơn. Họ không nhìn vào những gì họ đang thiếu trong cuộc sống, thay vào đó, họ đánh giá cao những vận may mà họ có. Hạnh phúc là không có thứ bạn muốn; mà muốn những gì bạn có

Tự tin.
Lòng tự trọng của người hạnh phúc là vô cùng cao. Họ chấp nhận họ là ai và làm việc đó hàng ngày trong cuộc sống của họ. Họ tỏa ra sự tự tin, phô trương niềm tự hào của họ và đưa ra những rung cảm tích cực. Những người khác thích có sự hiện diện của họ.

Hòa đồng.
Những người hạnh phúc là những người hướng ngoại và thường xuyên vây quanh họ bởi những người khác. Họ luôn muốn có một khoảng thời gian vui vẻ và tận hưởng cuộc sống với những người khiến họ hạnh phúc. Họ không thích bị cô lập và thích đắm mình trong những môi trường xã hội thú vị.

Suy nghĩ tích cực.
Những người hạnh phúc có một tư duy phong phú. Những người này dám ước mơ và làm việc chăm chỉ để đến nơi họ muốn. Họ xem mỗi khoảnh khắc là một thử thách, nơi họ có thể tìm hiểu thêm về bản thân thực sự của mình và tiếp tục phát triển. Bất cứ điều gì đều là có thể trong tâm trí của họ.


Không ngại thử thách.
Những người hạnh phúc coi vấn đề là những thách thức và cơ hội để học hỏi và phát triển. Họ không chấp nhận thất bại và tận dụng những cơ hội này với khả năng tốt nhất của họ. Họ nhận ra cuộc sống là những gì bạn tạo ra và mặc dù cuộc sống có thể giáng cho bạn một số cú đánh cực kỳ lớn, nhưng những kiểu người này không để những va chạm trên đường cản trở họ đạt được mục tiêu.
ST

06/03/2019

Hãy biết yêu thương mình


* Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Hơn 2.000 năm trước, Khổng Tử có lẽ cũng khoảng tuổi thầy bây giờ, một hôm dẫn các đồ đệ đi tắm sông, một đồ đệ hỏi: Thầy ơi, cho con hỏi ước mơ của thầy bây giờ là gì? Khổng Tử cười bảo ước mơ của ta bây giờ là dẫn tụi con đi tắm sông!

Dĩ nhiên thầy không phải là Khổng Tử, nên ước mơ của thầy là dẫn tụi con đi chơi núi Thị Vãi, ở đó có một con đường đèo đẹp như Đà Lạt, dẫn xuống một cái dốc sâu rồi đi vào khu rừng có một con suối róc rách gọi là suối Tiên (nhớ cẩn thận, đừng tắm lâu quá sẽ biến thành trẻ con…). Quanh đó còn có những ngôi chùa cổ dưới những lùm cây…

Dĩ nhiên thầy cũng ước mơ được truyền trao kinh nghiệm sống, kinh nghiệm học tập, kinh nghiệm làm việc cho các bạn trẻ nếu họ muốn. Thầy ra trường đã hơn 40 năm, làm ở phòng cấp cứu Bệnh viện Nhi đồng Sài Gòn (nay là BV Nhi Đồng 1 TP.HCM) 16 năm nên đã tập một thói quen rất chính xác về giờ giấc.

Ở phòng cấp cứu nhi, trễ một phút đã có thể gây chết người nên phải quý từng giây phút. Thầy làm ở đó ngày nào cũng thấy trẻ con chết, nhiều cái chết rất “vô duyên” vì có thể phòng tránh được, chẳng qua vì người dân thiếu kiến thức, mê tín dị đoan.

Vì thế thầy tình nguyện về công tác ở Trung tâm Truyền thông - Giáo dục Sức khoẻ này tới nay đã 25 năm. Ngành này có lợi ích rất lớn mà nhiều khi không thấy hết. Một bài báo có hằng trăm ngàn người đọc, một chương trình truyền hình hằng triệu người xem. Tác động lớn lắm nên ta phải hết sức thận trọng trong từng thông điệp, không thể coi thường.

* Thầy ơi, tuổi trẻ của thầy khác gì tuổi trẻ bây giờ? Trong cuộc sống, điều gì là quan trọng đối với thầy?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tuổi trẻ thời nào cũng giống nhau, đầy nhiệt huyết, năng động, lý tưởng, nhiều hoài bão, ước mơ. Nhưng hình như thời của thầy sống đơn giản hơn, nhiều lý tưởng hơn, lãng mạn hơn. Con người bây giờ tất bật mà hạnh phúc hiếm hoi, lúc nào cũng căng thẳng, thậm chí va chạm lặt vặt trong mối quan hệ làm việc. Chúng ta biết quá nhiều chuyện xa vời, chuyện trên cung trăng, nhưng bản thân mình thì ít biết, bạn bè xung quanh cũng ít biết nhau vì ta không quan tâm, lơ là.

Thử hỏi phòng con đang ngồi làm việc có bao nhiêu cửa sổ, cầu thang lên tầng 1 này có bao nhiêu bậc, chưa chắc con đã biết. Tại sao? Tại không quan tâm. Chúng ta sống bên nhau trong một cơ quan làm việc hằng ngày gặp nhau 7-8 giờ mà như xa lạ, không hiểu tâm ý nhau, dễ căng thẳng, thấy ai cũng toàn tính xấu. Thử nhìn một cách khác xem, chẳng hạn lấy giấy ghi ra những tính tốt của kẻ mà mình không ưa…

Trong cuộc sống, điều quan trọng nhất có lẽ là thấy mình sống có ích, sống hạnh phúc và sống thảnh thơi. Có lúc thầy cũng được mời vào vị trí này khác, nhưng thầy đều từ chối, vì chỉ muốn làm điều mình thích, trong khả năng mình, nhờ vậy mà làm việc gì cũng thấy vui, thấy hăng say.

Một người làm việc trong tinh thần bất mãn, không hài lòng với chính mình, căm ghét những người xung quanh hoặc làm việc chỉ vì sợ hãi, vì kiếm sống, vì đồng lương thì rất dễ so đo tính toán, thiếu nhiệt tâm, thiếu sảng khoái… và công việc được giao trở nên một gánh nặng…

Để tâm hồn luôn trẻ

* Thầy làm thế nào để có sức khỏe dẻo dai, tinh thần vững chải cũng như tâm hồn trẻ trung để sống và làm việc trong suốt 50 năm qua (không kể 20 năm của tuổi trẻ)?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Thật ra, chính 20 năm đầu mới là bệ phóng, định hướng cho tương lai ta. Thầy sớm mồ côi cha, 12 tuổi vào ở trong chùa với người cô. Cô thầy bị tật 2 chân không đi lại được nhưng rất mê đọc truyện, tiểu thuyết. Cô thường bắt thầy đi mướn truyện ở ngoài phố và cấm thầy đọc vì sợ con nít đọc truyện không tốt, không lo học.

Những khi đi mướn truyện như vậy, thầy tranh thủ đọc dọc đường, có khi ngồi ở gốc cây mà đọc, có khi đang đi trên thuyền qua sông cũng đọc. Hết cuốn mới đem về cho cô. Cũng có lúc trùm mền mà đọc lén nữa! Nhờ vậy thầy ngốn được nhiều loại sách, và truyện xưa tích cũ, đông tây kim cổ gì cũng biết.

Dĩ nhiên sau này thì đọc có chọn lọc, nghiên cứu sâu hơn nhờ cái tính ham đọc, ham học đã sẵn có. Không ai thành công mà không tự học. Học ở trường không đủ đâu. Thói quen đọc sách rất có lợi cho thanh niên. Phải đọc, vì đó là túi khôn của muôn đời. Đọc các danh gia ngày xưa ta như được sống cùng họ, trò chuyện cùng họ, làm bạn với họ chẳng thú sao?

Sau này, thầy đọc sách Nguyễn Hiến Lê, học với ông, nào Tự học để thành công, Tương lai trong tay ta, rồi nào Gương danh nhân, Gương chiến đấu, Gương kiên nhẫn… nó rất cần thiết cho thanh niên.

Bây giờ ít thấy bạn trẻ đọc sách, mê sách. Họ để thì giờ lên mạng, chơi game, đi shopping, ngồi quán cà phê, tán gẫu… nhiều hơn. Sinh viên không đọc sách văn học, học y mà không đọc Cronin, Sommerset Maugham, Tchekov, Lỗ Tấn thì uổng quá! Tâm hồn sẽ cằn khô đi và chỉ còn biết kỹ thuật, dễ trở thành máy móc, lạnh lùng, vô cảm. Tụi con thử đọcLiêu Trai chí dị xem, đọc 24 giờ trong đời người đàn bà xem hoặc đọc Alexis Zorba, Câu chuyện của dòng sông… xem.

Dĩ nhiên ta không bỏ qua những sách viết ở thời đại ta. Nhờ đọc, kiến thức ta mới mở rộng, cảm thức nghệ thuật được nâng cao, cuộc sống thêm hạnh phúc, nhưng quan trọng hơn ta hiểu được con người, ta nuôi dưỡng được tình người…

Còn để có một sức khỏe dẻo dai thì phải rèn luyện thôi. Các đây hơn 10 năm, thầy bị một cơn tai biến mạch máu não nặng, mổ cấp cứu, đục sọ, đặt 2 ống dẫn lưu. Tưởng đã hết đi hết nói được nữa rồi. Sau mấy ngày nằm liệt giường, khi đi được vài bước lẫm chẫm như em bé thầy thấy quả là một phép lạ, một hạnh phúc rất tuyệt vời! Khi đứng được trong toilet như mọi người quả là một hạnh phúc lớn.

Thầy nhìn vào gương soi, thấy cái đầu trọc lóc… dễ thương của mình và liền lấy viết vẽ mấy tấm hình thú vị! Sau đó thầy nghiền ngẫm thực tập phương pháp thở bụng, thiền…  dần dần hồi phục sức khoẻ. Thầy rút kinh nghiệm bản thân và chia sẻ với bạn bè và viết vài cuốn sách như Nghĩ từ trái tim, Như thị, Gươm báu traotay…

Rèn luyện thân thể phải gồm cả việc nghỉ ngơi, ăn uống, thể dục, thiền… một cách toàn diện. Quan trọng là giữ tâm hồn thanh thản. Việc làm có phù hợp, đúng sở thích thì mới làm hăng say, bền bỉ được.

* Thưa thầy, là thanh niên thế kỷ 21, theo thầy, mỗi buổi sáng / buổi chiều (sau giờ làm việc), điều gì nên nghĩ đầu tiên và cuối cùng trong ngày?

- Kahlil Gibran có hai câu thơ dễ thương: Cám ơn đời mỗi sớm mai thức dậy/ Ta được thêm ngày nữa để yêu thương. Ngày nữa để yêu thương thấy chưa, chớ không phải ngày nữa để oán thù, căm giận. Dù ở thế kỷ nào đi nữa, mỗi sớm mai thức dậy cũng nên “cảm ơn đời” đã cho ta một ngày mới, một ngày mới để yêu thương! Dĩ nhiên thanh niên phải rèn luyện thể lực. “Bắp thịt trước đã”, có một cuốn sách như vậy. Thanh niên mà đi đứng co ro, lụm cụm, bụng to, thịt nhão, sáng sáng ngồi đốt thì giờ trong quán cà phê nhả khói mù trời thì thật đáng tiếc. Một tâm hồn minh mẫn trong một thân thể tráng kiện, nhớ không?

Sau đó phải thực hiện cho được những dự định đã vạch ra từ ngày hôm trước. Dĩ nhiên phải chọn ưu tiên, linh hoạt. Cái nào phải làm, cái nào nên làm. Vui mà làm, thích mà làm. Hòa mình với bạn bè xung quanh. Buổi chiều, buổi tối là cơ hội học tập thêm. Nhiều thứ cần phải học lắm. Ngoại ngữ, vi tính, kỹ thuật chuyên môn. Rồi học một thứ để nuôi dưỡng tâm hồn: văn chương, nghệ thuật, âm nhạc, hội hoạ, ngay cả làm bánh, nấu ăn, cắm hoa…

Một giấc ngủ êm đềm sẽ đến thay vì nhậu nhẹt ở quán bia để rồi sáng mai dậy trễ, uể oải và nhìn mọi người với ánh mắt… mang hình viên đạn!

Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền

* Thầy nghĩ thế nào về tiền tài và danh vọng?

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Tiền rất cần cho cuộc sống. Nhưng biết đến đâu là đủ thì phải có ý thức, biết tự hạn chế, không chạy theo đồng tiền, nhất là đồng tiền phi nghĩa. Sự giàu có do đồng tiền phi nghĩa không bền vững, gia đình có thể đổ vỡ, con cái hư hỏng. Phải chọn lựa. Kiếm tiền chính đáng, tiêu dùng chính đáng thì sẽ có được hạnh phúc.

Người giàu có là người ít nhu cầu chứ không phải nhiều tiền, vung tiền qua cửa sổ. Bây giờ nhiều bạn trẻ ỷ lại cha mẹ, chạy theo hàng hiệu, rượu, thuốc… tốn kém thật đáng tiếc.

Danh vọng cũng vậy. Cũng cần thiết nhưng phải chính đáng và phải biết dừng lại đúng lúc, lui về đúng lúc. Nếu danh vọng xây trên năng lực thật sự của mình là điều đáng mừng. Còn danh vọng mà xây trên một cái nền giả tạo rất dễ sụp đổ.

* Thầy cho con hỏi làm sao để mình tăng tính kỷ luật với bản thân để làm tốt công việc? Vì con biết kẻ thù lớn nhất của đời mình là chính mình…

- BS Đỗ Hồng Ngọc: Phải có ý chí và nghị lực thôi. Nghĩa là cũng phải rèn luyện. Thầy nhớ hồi trẻ mình rèn luyện bằng cách đọc cuốn Bảy bước đến thành công, Rèn nghị lực để lập thân chẳng hạn, rất có ích. Nhưng không chỉ đọc, chỉ học mà phải hành.

Có khi phải khắt khe với mình một chút. Nghị lực sẽ tăng tiến dần và từ đó mình mới tự tin hơn. Loại sách này ngày nay cũng có rất nhiều. Phải biết chọn lựa để đọc, không thì dễ bị “tẩu hoả”!

Đừng bao giờ coi mình là kẻ thù của mình. Hãy biết yêu thương mình, cho nó ăn, cho nó ngủ và dạy dỗ nó. Nó có hư thì đánh nó vài roi rồi thương nó nhiều hơn. Một người mà không thể từ bi với chính mình thì làm sao có thể từ bi với người khác được!

Bs. Đỗ Hồng Ngọc

05/03/2019

An bình


Khi tôi dám nhận một người từ hè phố, họ đói, tôi cho họ bánh mì. Nhưng một người đang cảm thấy chán nản, cô đơn, mặc cảm, lại là người muốn bước ra hè phố. Đó là một người thiếu nghị lực. Nghèo về tinh thần là điều khó khăn hơn để vượt qua những ngịch cảnh của cuộc đời.

Có thể những người nghèo không của cải, nhưng họ lại thấy cuộc đời đầy thú vị và ấm áp biết bao.

Một buổi tối nọ, tôi ra ngoài và đón nhận bốn người ăn xin, một trong số họ đang trong tình trạng nguy kịch. Tôi báo với người cùng đi là hãy chăm sóc ba người kia, còn tôi sẽ mang người đó về nhà, đặt lên giường, nhưng mắt người đó đã nhắm nghiền, tuy vậy nụ cười vẫn trên môi, nắm lấy bàn tay tôi và cô ta thốt lên “cảm ơn”, sau đó nhắm mắt và ra đi vĩnh viễn. Tôi không thể làm gì hơn nhưng tự hỏi lòng mình: “Tôi sẽ nói gì nếu như tôi trong tình trạng giống như cô ta?”. Và tôi cũng tự trả lời rất đơn giản: “Tôi sẽ phải cố gắng làm mọi cách để mọi người chú ý đến mình và cho tôi ăn, tôi sẽ nói tôi lạnh, đau đớn…”.

Nhưng cô ta đã cho tôi thấy nhiều hơn nữa, đó là tình yêu, sự cảm kích của mình. Cô ta chết với một nụ cười sung sướng.

Sau đó, có lần tôi đón nhận một người đàn ông từ một ống cống, nửa người của anh ta đã bị ruồi nhặng phá hoại. Sau khi mang anh ta về nhà, anh ta chỉ nói: “Tôi đã sống như một con thú và tôi sắp chết như một thiên thần, đã được yêu mến và chăm sóc”, sau đó anh chết vẫn với nụ cười trên môi.

Điều đó quả thật tuyệt vời, anh ta đã không đổ lỗi cho hoàn cảnh, cho bất cứ ai hay so sánh với điều gì. Như một thiên thần - giàu có về lòng thương, tình nhân ái ngay cả khi nghèo khổ về của cải.

• Cuộc sống như một cơ may, hãy nắm lấy nó.
• Cuộc sống rất đẹp, hãy chiêm ngưỡng nó.
• Cuộc sống như một giấc mơ, hãy đón nhận nó.
• Cuộc sống như một thử thách, hãy đáp ứng nó.
• Cuộc sống như một trò chơi, hãy chơi với nó.
• Cuộc sống như một gia tài, hãy giữ gìn nó.
• Cuộc sống như một tình yêu, hãy thưởng thức nó.
• Cuộc sống như một nỗi buồn, hãy vượt qua nó.
• Cuộc sống như một lời hứa, hãy cố thực hiện.
• Cuộc sống như một bí ẩn, hãy khám phá nó.
• Cuộc sống như một cuộc tranh đấu, hãy chấp nhận nó.
• Cuộc sống như một sự phiêu lưu, hãy can đảm lên.
• Cuộc sống như một bài ca, hãy reo hò cùng với nó.
• Và cuộc sống vô cùng tuyệt vời, đừng bao giờ phá huỷ nó.
Mẹ Teresa Calcuta