Năm
2016, tôi đến Huế. Đấy là lần đầu tiên tôi đến thăm lăng Gia Long. Tôi đã đi Huế
rất nhiều, đã đi lăng Tự Đức, Khải Định vài lần. Nhưng lăng Gia Long hầu như
tôi không hề đặt chân đến, chỉ vì … tôi không biết. Ngài được mặc định là nhân
vật phản diện trong sách giáo khoa, trong những tài liệu chính thống, và vì thế,
lăng của ngài cũng bị đưa vào quên lãng.
Dịp
đó là lần đầu tiên tôi đưa bạn gái ra Huế chơi. Trong vé tham quan các điểm di
tích lăng tẩm, thì chỉ có lăng Minh Mạng, Tự Đức, Khải Định và thăm Đại Nội,
không có lăng Gia Long. Chiều đó, tôi chở bạn gái đi thăm lăng Minh Mạng. Nhưng
không hiểu sao tôi chạy lố đến một cây cầu mới xây và có biển hiệu chỉ dẫn
"Lăng Gia Long". Vừa lạc, vừa tìm mãi chưa ra lăng Minh Mạng mà thấy
biển chỉ lăng Gia Long. Bạn gái tôi nói: "Cái này là ông Gia Long muốn anh
tới thăm ổng rồi. Anh vừa viết bài gì cho ổng hả?". Tôi nói “Ừ, mới có một
bài viết cách đây hơn tuần“. “Vậy thì đi đi anh.” Thế là phi xe vào hướng chỉ.
Chạy mãi chạy mãi. Đi nhầm lối rẽ vài lần (không hiểu sao tỉnh Thừa Thiên Huế
tiết kiệm bảng hiệu thế), phải hỏi 2, 3 người dân, cuối cùng mới tới được lăng Gia
Long. Lăng vua rất vắng người. Lúc tới chỉ có 2 chúng tôi thăm. Khác những lăng
kia, lăng Gia Long chưa khai thác du lịch nên không bán vé. Tôi bỏ ít tiền công
đức. Tôi thắp nhang cho ngài trong đền và đặt một ít tiền quyên góp. Nhờ hành động
kính cẩn này mà chú bảo vệ sau đó đã mở lăng cho tôi.
Bởi
vì chưa khai thác du lịch nên không khí rất trầm mặc, lăng phủ bụi lịch sử, uy
nghi và trầm tĩnh. Khác hẳn các điểm lăng khác do khách du lịch quá đông nên
nét lịch sử bị phai nhạt rất nhiều.
Tại
đấy, tôi sẽ kể cho bạn một câu chuyện tình của vua Gia Long.
Bức
ảnh này, chính là chuyện tình đó.
Mộ
vua Gia Long bên trái, và mộ Thừa Thiên Cao Hoàng Hậu bên phải.
Vua
Gia Long là hoàng đế đã táng mộ mình và mộ vợ ở cạnh nhau. Khi Thừa Thiên Cao
Hoàng hậu ra đi vào năm 1814, nhà vua rất đau đớn. Ông đã đích thân chỉ huy
công trình xây dựng lăng tẩm này, và bị một tai nạn suýt chết. 6 năm xây dựng,
để năm 1820 khi ngài nằm xuống. Mộ của ngài và mộ của vợ được ở cạnh
nhau.
Thừa
Thiên Cao Hoàng hậu có tên húy là Lan. Tống Phúc Lan là tên bà. Bà sinh năm
1762, và bằng tuổi Gia Long. Đắng cay ngọt bùi mà Gia Long phải gánh từ thuở
lưu lạc, bà cũng gánh cùng. Bao nhiêu lần Tây Sơn truy sát khiến Gia Long chạy
đôn chạy đáo, bà cũng chạy đông chạy tây. Bao nhiêu lần Gia Long lưu lạc, bà vẫn
chịu khó phụng dưỡng mẹ vua, bảo vệ gia thất suốt quãng thời gian phiêu bạt,
săn sóc đến từng bữa ăn của người mẹ già (nghe như một chuyện về mẫu người phụ
nữ Việt Nam phải không). Giai đoạn đen tối. Nguyễn Ánh đã sang cầu viện quân
Xiêm La, đi cùng việc cậy nhờ Bá Đa Lộc đem Hoàng tử Cảnh sang Pháp xin thêm
ngoại viện. Trước khi ra đi, nhà vua đã lấy một nén vàng tốt, chặt ra làm hai,
trao cho bà một nửa, còn mình thì giữ một nửa, và nói: “Con ta đi rồi và ta
cũng sẽ đi đây. Ngày gặp lại cũng chẳng biết là vào lúc nào và ở đâu, bởi vậy,
Phi hãy lấy nửa nén vàng tốt này làm của tin”.
Bà
đã đợi ông từ Xiêm La trở về. Khi vua chiếm được Gia Định, rước bà về từ đảo
Phú Quốc. Từ đó về sau, bà quyết không rời xa ông nữa. Trên chiến trường tên
bay đạn lạc, mưa máu và bẩn thỉu. Bà vẫn ra chiến trường cùng với vua, động
viên, tâm sự. Hình ảnh Gia Long - Thừa Thiên sau này được ví như nàng Ngu Cơ
luôn ở bên Hạng Vũ đời Hán vậy. Giữa bôn ba ấy, bà không chỉ là cột trụ tinh thần
cho Gia Long. Mà còn tự tay dệt nhung phục cho quân sĩ. Trong một trận đánh,
quân Gia Định thất thế. Chính bà, cầm trống thúc quân khiến tướng sĩ phấn chấn
mà đánh bại địch. Năm 1802, vua Gia Long thống nhất đất nước. Năm 1806, bà được
phong tước hoàng hậu. Năm ấy, bà đã 44 tuổi. Gần nửa đời người bôn ba, vào sinh
ra tử với người đàn ông của đời mình. Đến lúc đó, bà mới được an ủi. Có một câu
chuyện nhỏ. Hôm đó, vua hỏi bà thỏi vàng năm nào. Bà đem vàng ra trình lên. Gia
Long vô cùng cảm động, cầm lấy nửa thỏi vàng và bảo rằng: “Vàng này mà còn giữ
được, đó thật là ân trời đã giúp cho trong lúc gian nan, chẳng nên quên lãng. Vậy
phải để dành về sau cho con cháu biết”.Thỏi vàng ấy, sau này được Minh Mạng cho
thờ ở Điện Phụng Tiên.
8
năm hưởng vinh hoa ngắn ngủi, Thừa Thiên hoàng hậu ra đi. Vua khóc thương vô
cùng. Tự tay xây mộ, và dặn Minh Mạng khi ta băng hà thì táng ở bên cạnh. Hai nấm
mồ ở cạnh nhau, không cô độc, hai con người đã từng chia ngọt sẻ bùi khi còn sống
và bây giờ nằm cạnh nhau để đi vào giấc ngủ nghìn thu, vẫn chia ngọt sẻ bùi
cùng nhau. Hậu thế đời sau đánh giá lịch sử cực đoan đã chửi ông, nhưng tôi
tin, khi có bà ở cạnh như vậy, thì ông sao có thể cô đơn?
Bao
nhiêu đắng cay, bao nhiêu thất bại, bao nhiêu tủi nhục của nhà vua, vẫn không
khiến bà ngã lòng, vẫn ở bên ông. Còn ông, khi vinh hoa đầy mình, khi thiên hạ
trong tay, vẫn muốn bà ở cạnh mình.
Khi
bạn rời khỏi lăng Gia Long, bạn sẽ gặp một con đường lãng mạn đẹp vô cùng. Bởi
Lăng Gia Long là sự hòa quyện của u tịch lịch sử và thiên nhiên hoang sơ Thiên
Thọ Sơn. Và xa xa con đường ấy, chính là lăng mẹ vua Minh Mạng. Vua Minh Mạng
không phải là con chính thất. Mẹ ông không được chôn cạnh Gia Long. Nhưng vì
lòng hiếu thảo, ông để mẹ mình không ở quá xa cha mình.
Chuyện
tình ấy, không chỉ là một chuyện tình đẹp. Mà còn là bài học đạo đức cho đời
sau.
Món nợ 9 đời giữa 2 nhà Tây Sơn và nhà Gia Long thật tàn khốc!
Trả lờiXóaBài sưu tầm hay, Fa à!
:)
Vua nào sống lâu thì thắng.
Xóahttps://images.motthegioi.vn:8443/media/anhtu1/30_04_2019/bmd1eWVu.jpg