Trang

12/05/2019

Tiger Mom

Dạo gần đây cụm từ “Mẹ Cọp” khá phổ biến, ám chỉ những bà mẹ Á Đông lúc nào cũng o ép, thúc đẩy cho con cái thành đạt bằng mọi giá. Nhưng trong số đó có một người đích xác là Tiger Mom, theo nghĩa bóng lẫn đen.



Tiger Woods và mẹ – nguồn gettyimages

Tháng Tư vừa qua Tiger Woods đã làm chấn động chốn giang hồ với cú comeback ngoạn mục, đoạt chiếc cúp Major thứ 15 sau mười năm vắng bóng – ngay trên sân cỏ huyền thoại của Augusta National Golf Club. Ðấy là lần thứ năm Tiger được khoác lên người chiếc áo vest màu xanh lá cây dành riêng cho thành viên của Hội ANGC và các nhà vô địch Masters. Sau khi thắng trận, trong tiếng reo hò rung rinh mặt đất của khán giả, Tiger đã ôm chầm lấy mẹ mình và hét to, “We did it!!”
Câu nói nghe mộc mạc, bình dị nhưng chứa nhiều ý nghĩa. “Mình đã xong việc!” Nghĩa là thành công này không riêng gì của một mình Tiger. Rõ ràng đây là một Tiger Woods mới, già dặn hơn và hiểu đời hơn sau vụ xì-căng-đan năm 2009 đã làm cho mẹ chàng giận kinh khủng. Và mặc dù không ai nói ra, chiến thắng tạo nên lịch sử này chắc chắn đã có bàn tay thép của bà nhúng vào.
Mẹ của Tiger tên là Kultida Punsawad. Mọi người thường gọi bà là “Tida” [ti-đa]. Bà sanh năm 1944 tại Kunchanaburi, cách Bangkok khoảng 70 dặm. Trong nhà có bốn anh chị em, Tida lớn lên trong một gia đình cha mẹ ly dị sớm nên phải bươn chải từ nhỏ. Tida mang trong người dòng máu ½ Thái, ¼ Tàu và ¼ Dutch (Hoà Lan). Như đa số người Thái, bà là một Phật tử thuần thành, kể cả sau khi lấy chồng là Earl Woods – một người da đen nhưng có bà Nội lai trắng. Hai người gặp nhau năm 1966 khi Tida đang làm việc tại một căn cứ quân đội của Mỹ ở Bangkok. Earl Woods khi ấy là một sĩ quan Biệt Kích tham chiến tại Việt Nam hai năm. Lúc về hưu ông mang lon Trung Tá.


Earl Woods (1932-2006) nguồn: U.S. Army

Trước khi lấy Tida, Earl Woods đã có một đời vợ và ba đứa con, nhưng hai người ly dị năm 1968. Năm 1969 Earl và Tida làm đám cưới tại Brooklyn, New York. Eldrick Tont Woods ra đời năm 1975. Tont là tên Thái, nhưng trong nhà Earl gọi con là “Tiger”, tên ông dùng gọi người bạn thiết thời chiến – Trung Tá Vương Ðăng Phong, mệnh danh “Quỷ Kiến Sầu.”
Earl Woods chơi baseball rất giỏi, từng là cầu thủ da đen đầu tiên cho đội đại học Kansas State. Một năm trước khi Tiger ra đời, Earl học đánh  golf và trở nên ghiền. Tiger được cho tập từ lúc mới chập chững biết đi. Trong khi Earl chỉ Tiger đánh banh thì Tida là người dạy cho con mình những bài học của người mẹ Á Châu, nhất là từ đạo Phật và sự quan trọng của việc tĩnh tâm trong lúc tranh tài. Vì vậy ta không nên lấy làm lạ khi thấy từ nhỏ Tiger đã biết cách tập trung và điều hoà hơi thở trong những giây phút cực kỳ căng thẳng trên sân cỏ.
Tida Woods là mẫu người phụ nữ mạnh mẽ. Trong nhà, bà là người giữ kỷ luật cứng rắn đối với cậu quý tử. Tiger rất sợ Mẹ. Và như nhiều người mẹ Á Châu luôn hy sinh cho chồng con, bà là người đã bỏ thì giờ chở Tiger đến driving range để tập mỗi ngày, đưa con đi tranh những giải thiếu nhi bất kể gần xa. Ðến khi Tiger tự biết lái xe, bà vẫn đi theo quan sát con mình chơi; lúc nào cũng thầm lặng, không gây chú ý. Ta có thể đoán trong xe hai mẹ con đã từng nói chuyện với nhau rất nhiều, nhất là về mặt “tâm lý chiến”.


Tiger, Earl và Tida Woods. – nguồn ThoughtCo
Sau giải Masters vừa rồi, Tiger nói anh vẫn nhớ chiếc xe Plymouth Duster cũ mèm. “Mẹ tôi lái xe rất nhanh,” anh kể. “Bà có thể lái cả tiếng đồng hồ chỉ để đưa tôi đi đánh 9 lỗ trong các giải mầm non.”
Tida là người ít nói, không thích phô trương trước đám đông. Khi đi coi Tiger đánh banh bà lúc nào cũng đeo cặp kính đen để không ai nhận ra. “Tôi là mẫu người cô độc,” bà từng thổ lộ. “Tiger cũng vậy. Hai mẹ con tôi không thích phí thì giờ với những người mình không ưa. Tôi chưa có ai gọi là bạn thân cả. Tôi sống sót được là nhờ ý chí sắt thép và tinh thần tự lập của mình.” Ðức tính nhẫn nại và bền chí này của bà có lẽ đã ảnh hưởng sâu đậm đến Tiger.
Tưởng cũng nên nhắc lại là vào thời điểm cuối thập niên 1960, ngoài phong trào phản chiến thì xã hội Mỹ còn đang trải qua cuộc cách mạng dân quyền đòi bình đẳng. Xung đột bạo lực giữa các nhóm da trắng và da đen xảy ra thường xuyên, thậm chí dẫn đến chết chóc. Cặp vợ chồng Earl và Tida Woods – vừa là da đen vừa là Á châu, lại càng bị kỳ thị. Nhà của họ từng bị kẻ lạ ném đá bể cửa sổ; nên khi Tida dùng chữ “sống sót” ta phải hiểu nó có cả nghĩa đen trong đó.

Thanksgiving 2009, trong lúc bà Tida đang ở nhà con trai để sửa soạn ăn mừng Lễ Tạ Ơn cùng mấy đứa cháu nội thì vụ gây gổ giữa Tiger và vợ nổ ra. Mọi chuyện đổ vỡ. Tida giận khủng khiếp. Bà đã từng bị chồng là Earl Woods ngoại tình, khiến bà rất đau khổ và dẫn đến việc hai người phải sống ly thân (tuy không ly dị). Cho nên đối với một người phụ nữ Á Châu như bà, chuyện thằng con mình lăng nhăng (giống Bố) là hoàn toàn không thể chấp nhận được.
Về phần Tiger, tuy là thể tháo gia nhà nghề số một trên thế giới nhưng đối với Mẹ anh vẫn nể sợ ghê lắm. Anh kể:
“Trong nhà thì Cha tôi là tiếng nói, nhưng Mẹ là bàn tay. Tôi có thể kỳ kèo với ông, nhưng với bà thì không, hoàn toàn không. Cha tôi là dạng người suy nghĩ sâu, nhiều điều ông nói ra phải mất rất lâu sau tôi mới hiểu. Nhưng tuy ông từng là sĩ quan Biệt Kích, tôi lại không sợ ông. Trong khi đó thì Mẹ là người tôi sợ nhất. Sợ cho đến bây giờ. Như nhiều bà mẹ Á Châu khác, bà kỷ luật tôi rất khắt khe. Mẹ tôi là một con người cứng rắn với đôi bàn tay thép. Ðối với bà không hề có sự thương lượng. Zero! Tôi thương Mẹ tôi vô cùng.”

Bà Tida đã làm gì, nói gì với Tiger sau vụ khủng hoảng đó người ngoài không được biết, nhưng Tiger diễn tả phản ứng của Mẹ mình bằng một từ duy nhất: “brutal” (bạo tàn). Song có lẽ nhờ sự “tàn bạo vô nhân đạo” ấy của Mẹ mà lần hồi Tiger cũng tìm được trở lại con đường cũ, sửa đổi những sai lầm trong quá khứ và trở thành một người đàn ông trưởng thành, một người cha có trách nhiệm. Người đầu tiên Tiger ôm hôn sau khi kết thúc lỗ 18 trên sân Augusta hôm đó là con trai Charlie mới 10 tuổi. Hình ảnh ấy làm nhiều người nhớ lại cảnh Earl Woods ôm Tiger sau khi anh thắng giải Major đầu tiên, cũng tại sân Masters này 22 năm về trước.
Mặc dù Tiger Woods mang trong người nhiều dòng máu khác nhau, nhưng không ai có thể chối cãi là đức tính Á Châu của bà mẹ đã giúp anh rất nhiều trên đường đời, không những trong sự nghiệp thể thao mà còn nhiều hơn thế nữa. Hồi còn nhỏ Tiger thường được Mẹ dẫn về Thái Lan hàng năm để cậu bé biết thêm về quê Ngoại. Màu áo đỏ mà Tiger luôn luôn mặc vào ngày Chủ Nhật trong các cuộc tranh tài là cũng đến từ Tida; nó biểu tượng cho sự “sắt máu” của một con hổ đang săn mồi – không khoan nhượng, không chùn bước.
Từ khi Tiger trở thành pro (1996), mỗi năm Tida đều gởi cho con mình một chiếc headcover (đồ bọc gậy driver) hình dáng đầu con cọp. Bên trong bà cho thêu một hàng chữ bằng tiếng Thái:
“Love, from Mom”

 Tiger Woods was at the White House on Monday to be presented, with the Presidential Medal of Freedom following his Masters victory in April.
Bảy Bụi


2 nhận xét:

  1. Đúng là không hỗ thẹn với danh xưng "Tiger Mom"!
    :))

    http://giaophanthanhhoa.net/Image/Picture/8-Tam%20Linh/Chia%20Se%20Loi%20Chua/jesus-good-sherpherd.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. https://cuando.ie/wp-content/uploads/2018/05/thanks-grey-calligraphy-2.png

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.