Mỗi
người có một thân phận và số phận, không ai giống ai, có chăng chỉ là tương tự
hoặc gần giống. Thật vậy, những người sinh đôi hoặc sinh ba cũng hoàn toàn khác
nhau. Số phận cũng được gọi là số mệnh, số kiếp, hay vận mệnh.
Theo
định nghĩa trong Từ Điển Hán Việt của Đào Duy Anh: “Số phận là sự sống do Trời
định của con người, không phải cứ miễn cưỡng là được.” Theo định nghĩa
trong Từ Điển Tiếng Việt của NXB Khoa Học Xã Hội (1997): “Số phận là sự định
đoạt cuộc đời của một người được hưởng hạnh phúc hay chịu đau khổ, sống lâu hay
chết sớm, do một sức thiêng liêng nào đó.” Cách định nghĩa này đã gián tiếp
công nhận vấn đề tâm linh, và không thể hiểu được. Vì thế, nhiều người tin vào
bói toán, tử vi, tuổi này hên hoặc tuổi kia xui, ngày tốt hoặc giờ xấu. Nhảm
nhí!
Theo
Phật giáo, sự may rủi trong số phận không phải do thiên mệnh hay định mệnh mà
thân phận mỗi con người là kết quả do quá trình của chúng ta hành động từ một đến
nhiều đời. Rõ hơn, con người hiện hữu và tồn tại với các đặc tính khác nhau là
kết quả của “cái nghiệp” được tạo tác bởi chính họ trong quá khứ và hiện tại.
Thế nên họ mới có thuyết luân hồi. Tất nhiên không phù hợp với Kitô giáo, vì
chúng ta tin vào sự quan phòng và tiền định của Thiên Chúa. Và chắc chắn KHÔNG
có luân hồi.
Theo
tầm nhìn khoa học, số phận là một khái niệm tổng hợp chuỗi các sự kiện trong một
chu trình sống của thực thể. Trong đó, chuỗi các sự kiện là sinh ra, lớn lên (với
thất tình: hỉ, nộ, ai, lạc, ái, ố, dục), tồn tại, đấu tranh, lành – dữ, mạnh –
yếu, sướng – khổ, thịnh vượng – suy vong, rồi già nua và chết. Tùy theo đối tượng
cụ thể mà có các sự kiện cụ thể. Thực tế là bao hàm tất cả mọi đối tượng đang tồn
tại trong vũ trụ (người, vật, quốc gia, lãnh thổ, tổ chức, công ty,...) Nhìn
theo góc độ toán học, số phận như một đồ thị hàm số, thế nên số phận của con
người là một đồ thị hàm số không gian N chiều. Để đơn giản và dễ hiểu, có thể tập
trung phân tích hệ quy chiếu tọa độ theo không gian ba chiều.
Sống
với hiện tại là thực tại cần thiết, vì quá khứ không thể tìm lại, còn tương lai
không thể biết. Cuộc sống có sầu khổ hoặc mệt mỏi thì cũng nên cười mỗi ngày mà
sống, bởi vì có khóc cũng chẳng thể tốt hơn. Tiền nhân khuyên: “Thà đốt lên ngọn
nến còn hơn là ngồi nguyền rủa bóng tối.” Thật vậy, đừng mất quá nhiều thời
gian để than trách hay phó mặc cho số phận. Số phận có thể là do chúng ta tạo
nên và chúng ta có quyền quyết định cuốc sống của mình. Cầu nguyện có thể thay
đổi số phận.
Trong
cuộc sống, những ai thường xuyên tắm rửa thì bụi nào cũng sạch. Tinh thần cũng
cần tẩy rửa, linh hồn còn cần hơn nữa. Chiến thắng kẻ địch một vạn lần cũng
không bằng chiến thắng bản thân một lần. Chúng ta có thể mất những năm tháng tuổi
thơ nhưng không bao giờ được để mất trái tim trẻ thơ trong con người mình. Người
khác có thể lừa dối mình, nhưng nhất định mình vẫn chân thành đối xử tử tế với
người khác. Đôi khi người ta cần giả ngốc, dù họ không thực sự ngốc, nhưng đừng
bao giờ ra vẻ mình khôn.
Cuộc
sống nhiêu khê. Hạnh phúc và đau khổ là vấn đề muôn thuở. Càng diệt khổ càng
thêm khổ, càng trốn khổ càng tăng khổ. Làm sao đây? Chỉ còn cách đi xuyên qua
đau khổ, vì chỉ có chết mới thực sự hết khổ. Kẻ khổ và người sướng, kẻ khóc và
người cười, cài xui và cái hên, điều rủi và điều may,... cũng là vấn đề vô tận,
giống như “phần cứng” của máy vi tính đã được “cài đặt” sẵn, không thể gỡ ra
(uninstall), người ta muốn làm gì thì làm, cứ khởi động lại máy (restart) thì lại
trở về trạng thái mặc định (default) – bởi vì tất cả đã được “đóng băng” (deep
freeze) rồi. Người Việt cũng có cách “mặc định” riêng: “Người ăn không hết,
kẻ lần không ra.” Cuộc đời mãi mãi là một ẩn số, không ai có thể giải trình
được. Chỉ có Thiên Chúa mà thôi!
Trong
xã hội đời thường, “tỷ lệ” hoặc “cấp độ” sướng – khổ được người ta dựa trên một
“phần mềm” (software) như dạng mặc định: Tiền bạc. Nên người ta vẫn thường nói:
“Có tiền mua tiên cũng được.” Xem chừng tiền có sức mạnh vạn năng tưởng
chừng như một thần linh, thảo nào người ta gọi đó là Thần Tài. “Vị thần” này được
người ta tôn sùng rất đa dạng và tinh vi. Vì người ta tôn sùng “vị thần” này ở
một dạng nào đó, thế nên bất kỳ mối quan hệ nào có “đụng chạm” đến tiền bạc thì
dễ gặp rắc rối. Thậm chí “vị thần” này còn len lỏi cả vào tôn giáo nữa. Nói
chung “thần tài” xuất hiện ở mọi phạm vi, bất kể đời hay đạo. Thật đáng sợ!
Tiền
bạc như lưỡi gươm nhiều lưỡi, vừa bén vừa nhọn, có thể “cắt” mọi mối quan hệ –
dù là máu mủ ruột rà. Louisa May Alcott nhận định: “Tiền bạc là gốc rễ của
cái ác, và nó lại là một cái rễ hữu ích đến mức chúng ta không thể sống mà
không có nó, cũng như chúng ta không thể sống mà không có khoai tây” (Money
is the root of all evil, and yet it is such a useful root that we cannot get on
without it any more than we can without potatoes.) Với người Tây phương là
khoai tây, với người Việt là cơm gạo – như người ta thường dùng “dây chuyền”
Cơm-Áo-Gạo-Tiền. Thật là rắc rối quá trời!
Như
một quy ước bất thành văn, người ta coi tiền bạc là “thước đo” của cuộc sống,
nó khiến người ta bận tâm không ngừng, thoát khỏi vòng kiềm tỏa của nó là điều
rất khó. Samuel Johnson: “Tiền bạc và thời gian là những gánh nặng ghê gớm
nhất của cuộc đời, những kẻ bất hạnh nhất là những người sở hữu chúng nhiều hơn
mình có thể sử dụng” (Money and time are the heaviest burdens of life, the
unhappiest of all mortals are those who have more of either than they know how
to use.) Thật là thú vị với vế hai trong câu nói này!
Thời
đại bùng nổ thông tin, báo in và báo mạng, đặc biệt là các trang xã hội như
facebook, twitter, instagram, linkedin, pinterest,... chúng ta được biết rằng,
lương bổng của mấy “ông lớn” mỗi tháng có tới vài trăm triệu VNĐ, trong khi
công nhân làm chỉ vài triệu đồng. Vừa có quyền vừa có tiền, họ sống ung dung,
trở thành đại gia “nhanh như chớp” mà không phải tốn giọt mồ hôi nào. Họ dư tiền
nên chiều chuộng con cái. Con cái họ thoải mái hưởng “phúc ấm” nên cứ “vô tư”
tiêu xài mỗi đêm khoảng một vài trăm triệu tại các quán bar. Đối với họ, đó chỉ
là “chuyện nhỏ” thôi! Chính vì tiền bạc mà người ta đổ đốn, hư thân, mất nết.
Và cũng chỉ vì tiền bạc mà người ta có thể phạm tội ác tày trời, khắp nơi đây
đó vẫn thấy xảy ra những vụ án sát nhân nghiêm trọng liên quan ông Thần Tài. Thậm
chí có những vụ giết người chỉ vì một số tiền không đáng kể.
Tiền
không là Tiên hay Phật, mà chỉ là Vật, nhưng nó có ma lực.
Thời
nào cũng thế, xã hội nào cũng có những “tay ăn chơi,” thường gọi là “dân chơi,”
Tây hóa là playboy. Người giàu dư tiền bạc mới dám ăn chơi (không cần ăn thật),
người nghèo có muốn ăn chơi cũng chẳng có mà dám. Nói chung, giới nào cũng có
“kiểu ăn chơi” đặc thù. Phung phí khi mua một món đồ chưa thực sự cần thiết,
xài đồ xịn hoặc hàng hiệu để chứng tỏ mình có “đẳng cấp” hoặc để lòe thiên hạ,
bịp người khác, đó cũng là một dạng “ăn chơi” vậy. Thời nay có đủ dạng và đủ mức.
Nhỏ chơi ít, lớn chơi nhiều. Đủ kiểu liều! Ai không chơi bị coi là nhát, và còn
bị họ ghét.
Theo
“nhịp đời tăng tốc” của xã hội coi trọng hình thức, nặng vật chất (dạng duy vật),
người giàu vẫn thường “xài sang”, sống thoải mái, không phải “đau đầu” tính
toán chuyện “ăn bữa nay, lo bữa mai.” Vì sung sướng mà người ta dễ sa đà, rồi
là đà sà theo quỷ ma.
.
. . . . . . . . . . . . . .
Trầm Thiên Thu