Tin Mừng nói với chúng ta về một vật rất đỗi bình thường trong
cuộc sống, đó là chiếc ghế. Tự bản chất, ghế chỉ để ngồi. Nhưng chỗ
ngồi ở mỗi vị trí lại có giá trị khác nhau. Vì thế, người ta tranh nhau
cái ghế và cố gắng bảo vệ chỗ ngồi của mình bằng mọi cách! Từ hình ảnh
“Thấy khách dự tiệc cứ chọn cỗ nhất mà ngồi,” Chúa Giêsu dạy cho chúng ta bài học
về lòng khiêm tốn và nhân đức khiêm nhường. Thế nhưng, giữa một thế giới
mà trong đó con người đang giành nhau những vị trí cao nhất ở mọi lãnh vực, vậy
bài học về đức khiêm nhường của Chúa có còn thích hợp với người thời nay nữa
hay không?
Người
Việt Nam chúng ta vốn quan niệm “Một miếng giữa đàng, hơn một sàng xó bếp.”
Quan niệm ấy cho ta hai suy nghĩ vừa tích cực lẫn tiêu cực. Chiều
tích cực cho thấy sự trọng vọng của mọi người dành cho người có chức quyền và địa
vị ở mọi thời. Sự vinh quang này cũng có thể là động lực giúp cho nhiều
người cố gắng vươn lên trong khả năng của mình cho bằng người khác. Tuy
nhiên, mặt trái của sự vinh quang thế gian ấy cũng làm cho chính đương sự nhiễm
thói kiêu ngạo, vênh vang tự đắc, coi trời bằng vung và chẳng xem ai ra
gì! Nhiều khi chính vì địa vị của họ mà người ta rơi vào vùng trời cô
đơn, chỉ những kẻ nịnh bợ được lợi mới là bạn. Và đôi khi địa vị của họ
cũng trở thành tầm ngắm của nhiều người muốn giành giật. Vì vậy cuộc sống
của họ phải đối diện với trăm ngàn mưu mô, cạm bẫy, khó khăn ngay cả với những
kẻ thuộc cấp. Khi còn đương chức thì dương dương tự đắc, vì “Miệng nhà
quan có gang có thép.” Và bao người đón đưa, ca tụng.
Thế
nhưng, sông có khúc, người có lúc. Khi có chức quyền thì phải sống sao để
khi hết chức, hết quyền người ta vẫn còn lòng quí mến và kính trọng mình.
Cách riêng đối với những người đang nắm giữ những chức vụ trong Giáo Hội, trong
các đoàn thể..., chúng ta càng phải ý thức và sống cách triệt để lời Chúa căn dặn
môn đệ khi thấy họ cãi nhau xem ai là người làm lớn: “Ai muốn làm người đứng
đầu, thì phải làm người rốt hết, và làm người phục vụ mọi người” (Mc
9,35). Thực ra, chức vị và quyền hành không phải là một cái gì tội lỗi,
đáng sợ hay xấu xa, vì những người khôn ngoan và có khả năng, nhiệt thành, được
tập thể tín nhiệm trao phó trọng trách để phục vụ con người, công ích và phục vụ
Giáo Hội. Vậy hãy nhớ lời sách Huấn Ca nhắc nhở: “Càng làm lớn, con càng
phải tự hạ, như thế con sẽ được đẹp lòng Chúa” (Hc 3,18).
Chức
quyền chỉ là luân phiên để phục vụ “Quan chỉ nhất thời, dân mới vạn đại.”
Thế nên, người khiêm tốn sẽ biết khả năng, chức vụ của họ chỉ là phương tiện phục
vụ mọi người. Trong đời sống đức tin, chúng ta cần ý thức mình chỉ là một
trong những dụng cụ Chúa dùng để phục vụ phần rỗi và ơn cứu độ nhân loại.
Chúng ta như những chiếc ghế dùng để ngồi. Thiên Chúa muốn đặt ở đâu cũng
không sao. Ai ngồi lên cũng không thành vấn đề. Nếu không còn được
dùng nữa, chiếc ghế vui vẻ sẵn sàng nằm trong kho hoặc trở thành những thanh củi
để cho đời một chút lửa, một cục than hay một nắm tro tàn.
Chúng
ta cần ý thức “Khiêm tốn bao nhiêu cũng chẳng đủ. Kiêu căng một chút cũng
bằng thừa.” Người khiêm tốn thì luôn kính trọng tha nhân, làm việc theo ý
chung vì lợi ích tập thể.
Người
khiêm tốn ý thức giới hạn của bản thân nên luôn nhận trách nhiệm khi công việc
thất bại, còn thành quả là do tập thể.
Người
khiêm tốn âm thầm làm việc mà không cần người khác khen ngợi, vì họ biết đó là
bổn phận và trách nhiệm của họ.
Người
khiêm tốn luôn bình tĩnh nghe sự góp ý của người khác về khuyết điểm của mình
và sẵn sàng sửa đổi.
Người
khiêm tốn không thích nói về mình, không đề cao mình, những gì họ đạt được là
do ơn Chúa và nhờ sự trợ giúp của mọi người.
Người
khiêm tốn nỗ lực và ý thức trách nhiệm trong mọi việc đã lãnh nhận, cố gắng với
tất cả khả năng và phó thác thành công cùng thất bại trong bàn tay Chúa.
Người
khiêm tốn luôn cư xử nhẹ nhàng, hòa nhã và tinh tế với mọi người, luôn đặt lợi
ích và quyền lợi của người khác trên bản thân mình.
Người
khiêm tốn biết giới hạn của mình và chỉ thực hiện những gì trong tầm tay và khả
năng cho phép. Họ không đứng chỉ tay nhưng vén tay áo để cùng làm việc với
mọi người.
Người
khiêm tốn ý thức chức vụ và quyền hành là để phục vụ, vì thế họ sẵn sàng rút
lui khi sức khỏe và khả năng giảm sút không còn đủ hay không phù hợp để phục vụ
mọi người.
Người
khiêm tốn là người biết nhận định chính xác về bản thân mình trong mọi sự.
Bài
học khiêm tốn tuy đơn giản nhưng không phải dễ dàng học và thực hiện trong đời
mình. Con công đẹp ở bộ lông, con chồn quí ở bộ da. Nhưng chúng chết
hoặc bị săn lùng cũng chỉ vì những thứ mà chúng khoác trên mình! Xin cho
chúng ta hôm nay thấm nhuần được bài học khiêm nhường của Chúa - Đấng hiền lành
và khiêm nhường trong lòng. Người đã chọn chỗ rốt hết trong thân phận làm
người, nghèo hèn trong cuộc sống, đơn giản trong cách ăn nết ở, hòa nhã và thân
thiện với tất cả mọi người. Cuối cùng, Người đã chấp nhận hủy mình ra
không trong cái chết. Người đã chọn chỗ rốt hết trong bữa tiệc nhân
sinh. Chính vì thế, Thiên Chúa đã siêu tôn Người. Qua cuộc sống,
Người đã trở nên mẫu gương cho mỗi người Kitô hữu chúng ta hôm nay.
Dã
Quỳ
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.