Trang

17/03/2020

Khoa học có thể chữa lành được trái tim tan vỡ vì tình không?


Liệu khoa học tìm ra thứ thuốc khiến bạn quên đi người yêu cũ, bạn có uống không?

Không ai thoát được nỗi buồn thất tình, nghiên cứu khoa học cũng chỉ ra rằng một màn chia tay tệ hại có thể gây tổn thương tâm lý và dẫn tới trầm cảm, thậm chí nỗi buồn còn có thể ảnh hưởng tới cả thể chất người thất tình với những triệu chứng như buồn nôn hay mất ngủ. Trong một số trường hợp hiếm, áp lực tình cảm có thể khiến tim ngừng bơm máu và dẫn tới tử vong.
May mắn cho những tâm hồn cô đơn, đột phá khoa học mới có thể khiến bạn vượt qua cơn thất tình đau đớn. Tháng Ba năm ngoái, một nhóm nghiên cứu người Tây Ban Nha tìm ra rằng thuốc gây tê propofol có thể xóa nhòa được cả … ký ức đau buồn gắn liền với một buổi chia tay trong nước mắt. 
Những người tham gia thử nghiệm (và cũng là những kẻ khờ trong tình yêu) được tiêm thuốc ngay sau khi hồi tưởng lại một ký ức đau buồn. Khoảng 24 giờ sau, khi được yêu cầu hồi tưởng lại một lần nữa, họ đều nói rằng ký ức buồn đó đã bớt chân thực hơn.
Mục đích chính của nghiên cứu này là giảm hiệu ứng của việc sang chấn tâm lý, nhưng có vẻ các nhà khoa học đã phát hiện thêm ra tác dụng khác của propofol, đó là kìm nén tác hại của những ký ức buồn. Bên cạnh đó, thuốc cũng có tiềm năng hạn chế những tác động tâm lý của việc đột ngột mất đi người thân - sự việc đau lòng cũng mang lại những triệu chứng tương tự của một người mới chia tay. 

Bác sĩ Bryan Strange, người dẫn dắt nghiên cứu, phát biểu: “Bằng việc kết hợp gây tê với khơi gợi ký ức buồn nơi người bệnh, ta có thể giảm thiểu tác động của những lần gợi nhớ về sau. Chúng tôi sẽ phải tạo ra một tiêu chuẩn xác định đâu mới là những người hợp với cách chữa này, và liệu tác dụng có vượt được những nguy cơ mà việc gây mê mang lại không. Có thể có những người mang ký ức đau buồn tới mức phù hợp với tiêu chuẩn chúng tôi đặt ra”.
Ngoài việc dùng thuốc, chúng ta cũng có thể tự lèo lái cảm xúc của mình. Một nghiên cứu năm 2017 chỉ ra rằng nhiều bài tập não có thể giúp giảm thiểu những hành vi không đáng có, đáng xấu hổ hay bồng bột có thể có sau khi chia tay, bên cạnh đó tăng cường khả năng tự kiềm chế bản thân.
Nhà nhân loại học Helen Fisher, người đã có kinh nghiệm 40 năm trong nghiên cứu tác động của tình yêu lên não người, nhận định trong một nghiên cứu: có những điểm tương đồng đáng ngạc nhiên giữa mất người thương và từ bỏ một thói nghiện gì đó (như rượu bia, thuốc lá hay chất kích thích).

Trong chuyện thất tình, thì chẳng ai không bị ảnh hưởng cả”, bà Fisher nói. “Sau khi nghiên cứu những người bị từ chối tình cảm, chúng tôi nhận thấy hoạt động trong vùng não vốn chỉ xuất hiện khi đang thèm hay bị ám ảnh bởi một thứ gì đó, bên cạnh đó là vùng nhân não - nucleus accumbens, nơi gây ra những thói xấu như nghiện cờ bạc và chất kích thích, hoạt động liên tục”.
Bà nói thêm: “Chúng tôi phát hiện ra hoạt động trong vùng não có liên quan tới tổn thương thể xác, đi kèm với nó là nỗi lo lắng thấp thỏm luôn thường trực. Tổn thương về mặt tình cảm đi kèm với những phản ứng não bộ cực kỳ mạnh mẽ”.
Những phát hiện của bà Fisher tương đồng với những nghiên cứu của Barbara Sahakian, giáo sư ngành tâm lý học thần kinh công tác tại Đại học Cambridge. 
Tình yêu gây nghiện nặng”, cô Sahakian nhận định. “Dường như hệ thống phần thưởng - cấu trúc thần kinh có khả năng động viên, khuyến khích chủ thể - được kích hoạt mỗi khi bạn thấy người mình yêu. Nếu họ rời đi, bạn sẽ phải loại bỏ thói quen thường lệ, nhu cầu được thấy họ, được nhắn tin cho họ hay nghe giọng nói của họ … Cách tốt nhất để kháng lại điều đó là tự đánh lạc hướng bản thân, sử dụng thời gian vào việc khác”.

Vẫn còn những cách thức chữa trị thất tình gây tranh cãi khác, ví dụ như gây tê và xử lý chuyển động mắt (EMDR - loạt hành động kích thích người đang hồi tưởng lại ký ức buồn với hình ảnh, âm thanh hoặc xúc giác) và phản hồi thần kinh. Một trong những người ứng dụng phương pháp thứ hai là nghệ sĩ Dessa - cô đưa ra quyết định khi đọc được nghiên cứu của bà Fisher.
Vì biết rằng não phát ra nhiều tín hiệu mỗi khi con người trải qua một mối tình, tôi tự hỏi liệu có cách nào để thay đổi những tín hiệu đó không”, cô Dessa nói, ý chỉ mối quan hệ lằng nhằng đã kéo dài 14 năm với người đàn ông cô gọi là X.
Mục đích của phương thức phản hồi thần kinh là “tái lập trình” sóng não, giảm tối đa những tín hiệu không mong muốn thông qua điện não đồ. Người mắc bệnh tâm lý sẽ đội lên đầu một thiết bị theo dõi sóng não có khả năng dịch tín hiệu thành những hình ảnh hoặc âm thành liên quan. Cộng đồng khoa học vẫn coi đây là những thử nghiệm lâm sàng, nhưng nhiều bài thử đã cho thấy phương cách chữa trị này làm dịu bớt triệu chứng trầm cảm và những bệnh thần kinh khác như ADHD - rối loạn tăng động giảm chú ý và PTSD - sang chấn tâm lý.
Sau 9 kỳ trị liệu, cô Dessa nhận định rằng phương thức phản hồi thần kinh đã mang lại kết quả khả quan. “Tôi cảm thấy không còn bị ép buộc như trước và bớt cảm giác lưu luyến. Khi tôi gặp lại X, tôi không còn cảm thấy cơ thể tràn adrenaline nữa”.
Cô cũng nói thêm rằng cần thêm những thử nghiệm nữa để khẳng định kết quả là đúng. “Có thể đây chỉ là cách chữa mẹo, nhưng rõ ràng tôi thấy có thay đổi”, cô Dessa nhận định.
Nhưng không phải ai cũng có thể trải qua quá trình “tái lập trình” não bộ thông qua tín hiệu điện não đồ. Brian Earp, một nhà nghiên cứu tâm lý, nhân tính và triết học tại Đại học Oxford tin rằng sẽ sớm có một cách thức khác can thiệp thẳng vào phản ứng hóa học trong cơ thể, một “công nghệ sinh học chống tình yêu” dành cho những người gặp khó khăn trong chuyện tình cảm - cho dù là chia tay người tình lâu năm hay mất đi người quan trọng trong đời.

Điều đáng sợ là công nghệ sinh học chống tình yêu kia đã sẵn có rồi đây”, ông nói. “Chúng chính là tác dụng phụ của việc dùng thuốc, nhưng y học phương Tây lại không nghiên cứu có trình tự về những hiệu ứng xảy ra giữa các cá nhân liên quan tới việc dùng thuốc, nên chúng ta có quá ít thông tin về vấn đề nhức nhối”.
Nhưng dựa trên một số báo cáo hậu thuẫn bởi nhiều nghiên cứu về cả dược lý lẫn thần kinh, thuốc chống trầm cảm SSRI có thể ‘bào mòn’ khả năng quan tâm tới việc người khác nghĩ gì - bao gồm cả những cảm xúc dành cho người yêu của mình”, ông nói thêm.
Giáo sư Earp nhấn mạnh rằng thuốc SSRI có thể hữu dụng trong việc chữa lành vết thương lòng, nếu như việc trầm cảm gây ra nhiều vấn đề trong cuộc tình. Nhưng có vẻ như chúng cũng có cả khả năng làm dịu những trầm cảm theo ngay sau một cuộc tình tan vỡ.
Cả hai nhà nghiên cứu, ông Earp và bà Fisher, đều ngay lập tức chỉ ra những vấn đề đạo đức đứng đằng sau việc sử dụng công nghệ sinh học để kiểm soát tình yêu, hay cụ thể hơn là chống tình yêu hình thành và tiếp tục phát triển. Nếu như xuất hiện một thứ thuốc chữa lành một “trái tim rỉ máu”, điều mà cả hai nhà nghiên cứu đều khẳng định là sẽ xảy ra, thì người ta phải ngay lập tức đặt câu hỏi thuốc này sẽ được sử dụng ra sao, ai là người sử dụng chúng và liệu họ có thể lạm dụng chúng.
Liệu rằng có ngày ta dùng thuốc để cố tình cắt đứt một mối quan hệ tình cảm?”, ông Earp đặt câu hỏi. “Ta sẽ cần thảo ra một bộ quy định để xử lý những trường hợp đó”.
Chưa hết, việc “chọc ngoáy” vào ký ức gắn liền với tình cảm không hề đơn giản. Chúng ta có thể học được nhiều điều từ những sai lầm, thế thì hành động chặn đứng ký ức gây tổn thương sẽ tương đương với việc ta không bao giờ trưởng thành được.


Nhiều ký ức không mấy thoải mái đã giúp chúng ta, dưới cả cương vị cá nhân lẫn giúp cho cả xã hội, để chỉnh sửa những hành vi tương lai sao cho phải phép”, bác sĩ Strange khẳng định. Tuy nhiên, ông cũng nói thêm rằng những phương thức chữa trị (đơn cử như sử dụng dụng thuốc gây tê propofol đã nhắc tới ở trên) cần phải được “ứng dụng ngay lập tức” nếu như các lợi ích của nó đã rõ ràng, và ông nói thêm rằng ngày chính thức áp dụng cách thức này sẽ không còn xa.
Còn về phía bà Fisher, bà cho rằng phương pháp đối mặt với vấn đề lại là cách đơn giản nhất, chằng cần tới thứ hóa chất hay máy móc nào mà bằng chính ý chí cá nhân: hãy coi việc giải quyết vết thương tình cảm như quá trình cai nghiện.
Ném tất cả thiệp và thư từ liên quan đi: cho hết vào hộp, cất vào một xó”, bà nói. “Đừng gửi cho người ta cái gì, đừng gọi điện, hãy tập thể dục - những hành động này sẽ tăng dopamine trong não và khả năng chống chịu đau thương. Loại bỏ hoàn toàn món đường. Đừng cố làm bạn với người yêu cũ, ít nhất là cho đến khi bạn đã vượt qua nỗi đau tình cảm. Bạn hãy kết thân với những người bạn mới và tiếp tục hướng về tương lai phía trước”.
Chẳng thuốc nào giúp bạn tạo nên những mối quan hệ mới hay những công việc thường nhật. Nỗi đau bị từ chối quả thực rất lớn và rất nguyên sơ. Chúng đã đóng một vai trò quan trọng trong hàng triệu năm rồi. Theo ý kiến của tôi, chỉ có thời gian - hoặc một mối tình khác - mới có thể thực sự chữa lành được vết thương lòng”.
Tham khảo Guardian


2 nhận xét:

  1. Nỗi đau tình cũng là một dạng hạnh phúc!
    :))

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Anh DVD có Hạnh Phúc dạng này bao nhiêu lần rồi?
      https://www.gocbao.com/wp-content/uploads/2020/01/stt-buon-ve-con-trai3.png

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.