Trang

23/09/2020

Chuyện bà già mang dép Lào

 Khoảng năm 1981, 1982 đời sống giáo viên cực kỳ khó khăn. Tôi quyết định đi xe đạp thồ để có tiền mua sữa cho con. Chiếc xe đạp để đi dạy hàng ngày được bổ sung thêm cái giỏ phía trước và cái yên nệm mút phía sau bạc –ba- ga cho khách ngồi … êm đít!

Mỗi sáng cứ 5 giờ là ra đứng ở đầu hẻm trước nhà để chờ khách. Khi trời bắt đầu sáng thì bỏ con hẻm nơi khá gần trường đang dạy, rất dễ gặp học trò, chạy xuống đường Lý Tự Trọng hoặc Trần Cao Vân cách nhà độ 3 km đứng đón khách. Có khách hay không thì 10 giờ 30 phải quay về nấu cơm ăn để chiều …lên lớp.

Một buổi sáng đang bon bon trên đường Trần Cao Vân trước chợ Lầu Đèn, chạy về nhà chuẩn bị đi dạy thì có một bà cụ dáng rất nhà quê đón xe. Vừa mừng vừa lo. Mừng vì được một cuốc xe có thêm tiền. Lo vì sợ khách đi xa không về ăn cơm kịp để 12h30 vào dạy tiết 1. Tôi phanh xe và hỏi:

- Cụ đi mô.

Bà cụ nói

- Đây xuống bến xe Vĩnh Trung mi lấy mấy?

Thấy bà già nhà quê tôi chợt nhớ mẹ. Tuyến đường lại trùng với lộ trình về nhà của mình nên tôi nói:

- Đúng giá là 1 đồng rưỡi. Còn chừ cụ cho mấy cũng được, cụ không có tiền thì con chở giúp cụ một đoạn, con đang trên đường về.

Bà cụ cười dơ hàm răng chỉ còn toàn … lợi và nói:

- Thằng ni đi thồ mà nói nghe vui hỉ!

Nói xong bà cụ cúi xuống cầm đôi dép lào đã mòn lín. Hai cái gót đã thủng hai lỗ lớn bằng đồng bạc cào lưng. Cụ bỏ đôi dép vào giỏ xe của tôi và nói:

- Xuống bến xe mi nhớ nhắc tau lấy đôi dép ni chớ không phải mi đợi tau quên rồi lấy luôn nghe chưa!

Tôi cười và bảo:

- Cụ yên tâm. Con không mang dép bằng tay nên không lấy đôi dép ni mô!

Lên xe chuyện qua chuyện lại mới biết bà cụ ở Thanh Quýt ra thăm, mang cho con trai đang làm công nhân ở cảng một ang gạo vì nghe nói gạo mua tiêu chuẩn ăn không đủ, bữa nào cũng chỉ lưng bụng mà đi làm. Còn bà thì biết tôi là thầy giáo cấp 3 đi xe thồ thêm ngoài giờ để mua sữa cho con. Nghe hoàn cảnh của nhau, cả hai bà cháu đều im lặng. Một chặp tôi nghe bà ngồi sau chép miệng rồi nói:

- Răng ai cũng khổ hết trơn ri hè!

Đến bến xe Vĩnh Trung, tôi quay lại dặn:

- Cụ ngồi im, đừng lo, để con tìm xe Vĩnh Điện cho cụ đi. Bến xe đông sợ cụ tìm không ra..

Tìm được xe đi Vĩnh Điện, tôi phanh xe đạp và nói với cụ:

- Cụ nhớ lấy đôi dép. Con chở hộ cụ một đoạn thôi không lấy tiền.

Bà trả lời:

- Thằng ni nói nghe được. Tau không trả tiền xe nhưng chờ tau một xí (tí).

Vừa nói cụ vừa lật lớp áo ngoài rồi mở cây ghim túi áo trong và lấy ra 3 đồng, đưa cho tôi.

Tôi giẫy nẩy:

- Con nói rồi. Con chở dùm không lấy tiền xe.

Cụ bảo:

- Biết rồi. Tau cũng không trả tiền xe. Tau cũng không cho mi. Mi có chưn có tay, có sức dài vai rộng mi làm mi ăn. Tiền ni tau gởi mi đem về mua sữa cho cháu tau. Mi không lấy tau la làng là mi móc túi của tau. Răng. Nhận đi con, cho bà vui.

Nói xong cụ nhét tiền vào túi áo của tôi rồi cắp nách đôi dép lào đã mòn gót leo lên xe.
Lần đó tôi đứng khóc một mình giữa bến xe Vĩnh Trung đông đúc cho đến khi chuyến xe đò rời bến… chạy khuất!

*

Bà ơi. Bà đang ở cõi nào?

Nay con có thể viết những quyển sách nhận nhuận bút hàng chục triệu đồng. Đứa cháu nhỏ thời đó nay đã là tiến sĩ làm giảng viên của một trường đại học danh tiếng. Nhưng có lẽ, cho đến lúc chia tay cuộc đời này con vẫn còn nợ bà … một hộp sữa!

Khuyết Danh

 

4 nhận xét:

  1. CẢM ĐỘNG QUÁ ANH TRONG KHÓ KHĂN CŨNG CÓ NHỮNG TẤM LÒNG VÀNG ĐÓ LÀ VỐN QUÝ MÀ CHÚNG TA LUÔN HẰNG GIỮ CHÚC ANH ĐÊM AN LÀNH https://dinhduongthiennhien.com/wp-content/uploads/2016/09/ylang-ylang-flower.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Trong gian khó vẫn còn nhiều những Tấm Lòng Vàng.
      https://kenh14cdn.com/thumb_w/640/Images/Uploaded/Share/2011/11/05/111105HDnusinhHueava01.jpg

      Xóa
  2. Cùng thời đó Quỳnh cũng đi dạy học.Cuối tuần sang xã bên cạnh làm thuê ở lò đường.Bất ngờ có mấy em học sinh đi ngang qua thấy mình đứng ngoài nắng phơi bã mía,đội nón lụp xụp mà chúng cũng nhận ra.Sáng hôm sau đồn ầm lên cả trường đều biết mình đi làm thuê.Quỳnh và ông hiệu trưởng vốn không ưa nhau,ổng gọi mình lên khiển trách,vì làm xấu hình ảnh người thầy giáo.Năm 1983,những mâu thuẫn khiến Quỳnh không nhịn được đã tranh cãi khá gay gắt giữ cuộc họp.Ông đòi kỷ luật mình,Quỳnh nói thẳng nếu thu xép có người dạy thay thì sẽ nghỉ ngay,chẳng cần đợi phải kỷ luật.......Từ đó mình chẳng bao giờ dính dáng gì đến nhà nước để mấy tên bố láo lấy quyền lực ra thị oai.Sau nầy cũng có chút tiếc nuối,vì đã làm rất nhiều nghề để sinh nhai,nhưng dạy học là nghề phù hợp với tính cách của quỳnh hơn cả.....
    Chúc Fa an lành.

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. Thời đó lương Thầy giáo làm sao đủ sống, làm thêm có gì sai. Tiếc cho anh Lý Lãng không còn tiếp tục nghề sư phạm. Nếu như bây giờ anh qua trường tư dạy, hoặc dạy kèm thì hay biết mấy.
      Fa có cảm tưởng những năm về trước anh vẫn dạy kèm học sinh, không biết có đúng không? Là đoán mò thôi.
      https://static.laodong.vn/Storage/NewsPortal/2019/8/18/749925/Anh-4.jpg

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.