Trang

10/09/2023

"Trạng Trình Nguyễn Bỉnh Khiêm Nhà tiên tri của Việt tộc"

Cuối thế kỷ XV đầu thế kỷ XVI, cách đây khoảng 500 năm, trên thế giới xuất hiện hai nhà tiên tri lừng danh là Trạng Trình bên Việt Nam và Nostradamus bên Pháp. Thời đại này Tây phương nổi lên phong trào Tin Lành, bên Tầu nẩy ra tân Nho thuyết của Vương Dương Minh, bên ta phát sinh Thánh mẫu Liễu Hạnh, bắt đầu thực sự Nam Tiến mở đầu khúc rẽ lịch sử văn hóa trọng đại nhất kể từ ngày lập quốc.

Nguyễn Bỉnh Khiêm là một nhân vật lịch sử độc nhất trong sử Việt làm cố vấn một lúc cho ba bốn phe đối nghịch nhau: Mạc, Lê, Nguyễn, Trịnh. Ông vượt lên như một Tiên ông trên non cao mây trắng nhìn xuống bàn cờ người, thương tình chỉ cho nhân thế đua chen vài nước cờ tiến thoái sinh tồn tạm thời, mặc dù trong đôi mắt tiên tri ông đã nhìn thấy rất xa lẽ được thua “ngũ bách niên tiền, ngũ bách niên hậu.”

Ông sinh năm 1491, cách đây 507 năm. Ông sinh sau Nguyễn Trãi 111 năm, trước Nguyễn Du 274 năm, kém Mạc Đăng Dung 8 tuổi và cùng quê với ông vua xuất thân đánh cá này. Tại Cổ Am, Hải Dương (nay thuộc huyện Vĩnh Bảo, Hải Phòng) từ lúc sinh ra tới năm 13 tuổi (1481-1504), Nguyễn Bỉnh Khiêm được sống yên ổn dưới triều thịnh trị Hồng Đức và Lê Hiến Tông. Từ lúc lớn lên trong 23 năm liên tiếp (1504-1527), nhà Lê mạt vận thay đổi tới 6 ông vua, toàn là “vua Quỷ” giết bà nội (chính cung vua Lê Thánh Tông); giết cận thần, như Lê Uy Mục; vua Heo như Lê Tương Dực, hoang dâm bạo ngược, đến nỗi sứ thần nhà Minh phải gọi là Quỷ Vương và Trư Vương, lại còn than hộ nước Việt là “thiên ý như hà giáng quỷ vương!” (ý trời sao lại giáng vua quỷ!).

Tương truyền ông thông minh từ nhỏ, lên một tuổi đã biết nói, lên bốn đã thuộc thơ và kinh sử do bà mẹ hay chữ và giỏi tướng số chỉ dạy. Bà mẹ đặc biệt này là con gái Thượng Thư Bộ Hộ Tiến sĩ Nhữ Văn Lạn, kén chồng mãi tới năm 30 tuổi gặp ông Văn Định thấy có tướng sinh đại quý tử nên mới chịu kết duyên vợ chồng. Có thuyết nói rằng bà gặp anh đánh cá Mạc Đăng Dung ở bến đò và tiếc rẻ là không có duyên với con người có tướng cách đế vương này! Bà lấy chồng với hy vọng sau đẻ con đạt ngôi cửu trùng, ngay từ đêm tân hôn bà đã dặn trước chồng là khi nào trăng lên đến đầu ngọn tre mới được động phòng, nào ngờ ông Văn Định động phòng hơi sớm nên bà thụ thai không đúng giờ tốt, vì thế tuy sinh quý tử nhưng không đạt được tột đỉnh thiên tử?!

Cũng có truyện kể lại rằng thuở nhỏ Bỉnh Khiêm trông rất khôi ngô tuấn tú, khi đang tắm với lũ trẻ ở sông Hàn, một người thầy tướng Tầu đi thuyền qua nói rằng “cậu này đáng lẽ tướng làm vua, nhưng vì nước da hơi thô nên chỉ làm tới Trạng nguyên Tể tướng!”

 Lúc còn bế ẵm, Nguyễn Bỉnh Khiêm đã biết thốt lời “mặt trời mọc ở phương Đông” khiến mọi người đều kinh ngạc. Có lần Từ Thục phu nhân đi vắng, ông Văn Định chơi đùa với con, đọc: “Nguyệt treo cung, nguyệt treo cung,” Nguyễn Bỉnh Khiêm liền đọc tiếp: “Vén tay tiên, hốt hốt rung.” Khi trở về nghe chồng kể chuyện, Từ Thục phu nhân không vui, trách rằng: “mặt trăng là khí tượng bầy tôi, sao ông lại dậy con như thế!” Rất có thể với biệt tài tướng số, biết trước vận số nhà Lê 40 năm sau đời Lê Thánh Tôn sẽ suy tàn, phương Đông (Hải Dương) có khí tượng đế vương, nên bà đã cố tạo ra một ông vua theo giờ giấc sinh đẻ chăng ?

Người mẹ có giấc mơ làm Mẫu hậu mất sớm, người con tên Khiêm, tự là Hanh Phủ, theo quẻ Dịch: “Khiêm tốn thì hanh thông,” sau này tuy không làm vua nhưng làm thầy mấy ông vua và là chiến lược gia chỉ đạo cho dân tộc: Bắc hòa, Nam tiến.

Thuở Thiếu Thời

Thuở nhỏ học ở quê nhà, cha từng sung chức Thái học sinh, mẹ lầu thông kinh sử, lý số, chắc hẳn ông đã đã được rèn luyện kỹ lưỡng. Khi lớn lên, ông vào Thanh Hóa (cách Cổ Am độ 150 cây số học Bảng nhãn Lương Đắc Bằng, nguyên Lại Bộ Thượng Thư. Trước khi chết ông thầy họ Lương truyền lại cho người môn sinh đầy năng khiếu lý số cuốn Thái Ất Thần Kinh là một cuốn sách lý giải Kinh Dịch của Dương Hùng đời Hán, cuốn sách hiếm này khi đi sứ Tầu, Lương Đắc Bằng đã tìm được.

 

Nguyễn Bỉnh Khiêm tuy học giỏi nổi tiếng trong giới nho lâm nhưng ông đã bỏ không dự khoa thi 1523 và 1526 vì vào thời hỗn loạn cuối triều Lê, bỏ khoa đầu tiên của nhà Mạc vì thiên hạ còn chưa phục tùng, mãi tới năm 1534-35, đời vua Mạc Đăng Doanh thịnh trị vương đạo nhất triều Mạc, ông mới dự thi và đậu Trạng Nguyên. Năm ấy ông đã 44 tuổi.

Trần Văn Giang (ghi lại)

 

Không có nhận xét nào:

Đăng nhận xét

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.