Bạch
Yến (tên thật là Quách Thị Bạch Yến; sinh năm 1942) là một ca sĩ nổi tiếng trước
năm 1975. Khi mới 15 tuổi Bạch Yến nổi như cồn với ca khúc “Đêm đông” của nhạc
sĩ Nguyễn Văn Thương. Năm 1961, cô sang Pháp học thanh nhạc, được hãng Polydor
của Pháp mời thâu đĩa và lưu diễn một số nước châu Âu. Năm 1965, Bạch Yến sang
Mỹ hát cho Chương trình Ed Sullivan Show, ở Mỹ 12 năm, đi lưu diễn trên khắp
Hoa Kỳ các nước Canada, Mexico, Brasil, Venezuela, Colombia, Panama…
Bạch
Yến cũng là người Việt Nam đầu tiên và duy nhất xuất hiện trên chương trình Ed
Sullivan Show nổi tiếng của Mỹ năm 1965, là nghệ sĩ Việt Nam duy nhất trình diễn
cùng một chương trình với những tên tuổi nổi tiếng như Bob Hope, Bing Crosby,
Pat Boone, Frankie Avalon…
Sau đó bà định cư tại Paris, Pháp.
Mời bạn theo dõi bài phỏng vấn của Cổ Ngư nhân dịp kỷ niệm 70 năm âm nhạc của bà.
Bạch Yến, 70 năm sánh bước cùng âm nhạc-Longjumeau (ảnh Nguyệt Vy)Ðể
đánh dấu 70 năm sánh bước cùng âm nhạc, chiều ngày Chủ Nhật 08.09.2024, một
chương trình đặc biệt dành riêng cho giọng hát Bạch Yến đã được tổ chức tại
Longjumeau, ngoại ô Paris (). Dưới đây là phần phỏng vấn trực tiếp trong chương
trình, với hai thứ tiếng Việt Pháp dùng xen kẽ.
Cổ
Ngư (CN): Thưa chị, từ nãy đến giờ, ngồi dưới hàng ghế khán giả, em thấy mọi
người say mê lắng nghe chị hát liền một hơi 15 bài không ngưng nghỉ. Đây là điều
không phải ai cũng làm được, nhất là ở tuổi 80!
Bạch
Yến (BY): Chị 83 rồi em!
Khán
giả: Ồ!
CN:
Chương trình chiều nay đánh dấu 70 năm ca hát của chị. Như vậy, chị bắt đầu đến
với sân khấu khi còn rất trẻ, lúc chỉ mới hơn 10 tuổi… Chị có thể kể cho khán
giả nghe vài kỷ niệm về cái “thuở ban đầu” ấy được không chị?
BY:
Chuyện cũng hơi lâu rồi, nhắc chuyện đời xưa, sợ khán giả không thích….
Khán
giả: Có, có chứ, rất muốn nghe…
BY:
Quý vị muốn nghe thiệt hả? Năm 11 tuổi, tôi nhận được huy chương vàng trong một
cuộc thi do đài phát thanh Pháp Á tổ chức. Từ đó, mỗi tuần được hát 1 bài trên
đài phát thanh. Nhưng sau đó, đài Pháp Á phải đóng cửa vì có vấn đề chính trị
giữa hai xứ Việt Nam và Pháp. Tôi không được hát nữa.
CN:
Sau thời kỳ đầu này, đột ngột xuất hiện biệt hiệu “Bạch Yến moto bay”. Vì sao lại
có bước ngoặt kỳ lạ này vậy chị?
BY: (cười) Sau khi không còn được hát trên radio nữa, nói thiệt tình, chị đói, nên đành chuyển qua học nghề lái moto bay, diễn trên các “đường đua tử thần” mà mọi người có thể thấy mấy cái rạp này dựng trong các hội chợ. Lúc đó chỉ mới 12 tuổi. Tại vậy, “đói thì đầu gối phải bò” thôi em, chị theo nghề đó …
Cổ Ngư và Bạch Yến trong buổi phỏng vấn. (ảnh Nguyệt Vy)
CN: … nhưng đây là một
nghề cực kỳ nguy hiểm!
BY:
Em biết mà, khi còn trẻ, mình không sợ gì hết! Còn vui nữa, vì thấy tiếng rầm rầm
của động cơ moto làm mọi người khiếp sợ, trong khi chị lại thêm chút diễn xuất
cho có vẻ nguy hiểm hơn, nhưng thực ra, lại khá an toàn đó em.
CN:
Bây giờ, sau nhiều năm nhìn lại, chị thấy có điểm tương đồng nào giữa hình ảnh
một người ca sĩ đứng trên sân khấu và một người lái moto trong cái rạp hình trụ,
với sàn diễn là một vòng tròn không, thưa chị?
BY:
Chị không biết nữa! Nhưng như lúc nãy chị có nói, tại vì đói quá nên mới chuyển
nghề, với lại, hơn nữa, tuổi trẻ thì hăng lắm, không thấy sợ. Lái moto bay thì
kiếm ra tiền, không nhiều, nhưng cũng đủ sống cho cả nhà, vì lúc đó gia đình đều
kẹt, không ai làm ra tiền được hết. Đã vậy, còn bị nhà cháy, bị đủ thứ hết
trơn. Thành ra, đang trong cảnh “màn trời, chiếu đất”, có ông cậu làm nghề moto
bay hỏi muốn học không thì cậu luyện cho, vì cậu đã tạo một đoàn moto bay người
lớn rồi, các anh các chị trong họ hàng đã vô đoàn diễn, chị đi coi, thích quá,
nên xin theo luôn.
CN:
Sau giai đoạn đó, chị rời Việt Nam sang Pháp, rồi Mỹ và sống một thời gian khá
lâu ở ngoại quốc. Lúc nãy, trong khi hát, chị có nhắc đến chương trình TV “Ed
Sullivan Show” với tài tử Bob Hope hay ca khúc “La Seine” thu thanh trong phim
“Mũ nồi xanh” của tài tử John Wayne. Em thấy trên internet có hình chụp các đĩa
nhựa 33 tours thu toàn nhạc Pháp của chị nữa.
BY:
Thời gian này, có một khúc quanh lớn trong đời chị: chị lập gia đình với anh Trần
Quang Hải, một người chuyên về nghiên cứu âm nhạc. Từ đó, chị bắt đầu tập hát
nhạc dân ca Việt Nam, và suốt 40 năm qua, anh chị đã cùng nhau đi trình diễn ở
nhiều nơi trên thế giới, tính ra, cũng hơn 60 quốc gia…
CN:
Nãy giờ mọi người đã nghe chị hát tiếng Pháp, tiếng Anh, tiếng Tây Ban Nha thật
chuẩn xác, bây giờ, chị có thể hát dân ca Việt Nam cho quý khán giả ở đây cùng
thưởng thức được không chị?
BY
hát ru con 3 miền Bắc, Trung, Nam.
BY: Đây là các bài hát ru mà chị đã hát ở nhạc viện Sarajevo, nhạc viện Tchaïkovsky, ở Tokyo…
(ảnh
Nguyệt Vy)
CN:
Sau khi hát tân nhạc, là những ca khúc được nhạc sĩ Việt Nam sáng tác theo giai
điệu Tây phương, cộng thêm một thời gian dài ở Pháp, Mỹ hát toàn nhạc ngoại quốc,
chị có gặp nhiều khó khăn khi trở về nguồn, hát nhạc dân ca không?
BY:
Chị gặp nhiều khó khăn, vì hát dân ca, giọng phải thật mềm, cách luyến láy phải
thật nhuyễn. Cách hát khác hẳn. Đó là một thể loại nhạc hoàn toàn khác, với những
kỹ thuật thể hiện hoàn toàn khác với loại nhạc mà trước giờ chị vẫn trình diễn.
CN:
Khi đi lưu diễn khắp nơi trên thế giới, anh chị cảm nhận thế nào về tình cảm của
người ngoại quốc đối với nhạc cổ truyền Việt Nam?
BY:
Anh chị giới thiệu nhạc cổ truyền, dân ca Việt Nam ra thế giới, đúng nghĩa là
làm văn hoá. Đó là một sự lựa chọn của anh chị. Thí dụ như chị kiếm được ít tiền
hơn nhiều so với khi hát nhạc phổ thông, nhưng ngược lại, qua các chuyến đi
này, anh chị lại có thêm được rất nhiều bạn bè trên khắp thế giới. Thể loại âm
nhạc này đi thẳng vào trái tim người nghe vì nó đến một cách rất tự nhiên từ
trái tim người hát. Chị rất hứng thú khi hát những bài dân ca cổ truyền Việt
Nam cùng với anh Trần Quang Hải. Người ngoại quốc thích nghe dân ca Việt Nam lắm
em à.
CN:
Thưa quý vị khán giả, đây là đĩa vinyl “Việt Nam – Trần Quang Hải – Bạch Yến”.
Em được biết, sau khi phát hành đĩa nhựa này, anh chị đã nhận được giải thưởng
lớn. Xin chị kể thêm về việc thu âm, phát hành đĩa nhựa này, cũng như về giải
thưởng nhận được.
BY:
Đó là giải «Grand Prix du disque de l’Académie Charles Cros». Anh Hải đã bỏ ra
rất nhiều công sức khi thực hiện album vinyl này. Em biết đó, anh Hải có nhiều
công trình nghiên cứu về âm nhạc và đã nhận được huy chương cao quý «Chevalier
de la Légion d’Honneur / Bắc đẩu Bội tinh». Chị chỉ phụ chút ít, thêm tí màu sắc
vào các concert của anh Hải mà thôi…
Khán
giả: Không đúng! Mỗi người một nửa!
BY: (cười) Thiệt mà! Tui đi theo anh Hải là để xách đờn cho ảnh chứ có hát gì nhiều đâu!
Ca
sĩ Bạch Yến-Longjumeau (ảnh Phùng Từ Hoàng)
CN:
Chị nói vậy, làm em nhớ một chuyện. Năm 1989, lúc còn đang học ở Montpellier, một
thành phố miền nam nước Pháp, em nhớ trong chương trình Tết do cộng đồng người
Việt tại đó tổ chức, ở khán phòng, mọi người, người Việt, người Pháp đã đồng loạt
đứng dậy vỗ tay tán thưởng những bài dân ca Việt Nam chị hát và phần trình diễn
vừa đặc sắc vừa dí dỏm của anh Hải, có đàn tranh, lại thêm biệt tài đánh đàn
môi, đàn muỗng và nhất là hát đồng song thanh. À, anh Hải có hướng dẫn chị cách
hát đồng song thanh không? Tiếng Pháp gọi là chant diphonique …
BY:
Chính anh Hải là người đã tìm ra kỹ thuật hát này. Anh ấy có chỉ, nhưng chị
không thể nào hát rõ hai giọng như anh Hải được.
CN:
Chị cứ thử hát cho mọi người cùng nghe kỹ thuật hát đồng song thanh đi chị.
BY
hát đồng song thanh.
CN:
Thưa quý vị, nhắc tới Bạch Yến, chúng ta nghĩ ngay đến ca khúc “Đêm đông” của
nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương. Không những chỉ vì diễn tả thành công bài hát, mà vì
chị Bạch Yến đã quyết định chuyển từ điệu tango nhịp nhàng của bản gốc sang điệu
slow rock da diết cho phù hợp với lời và giai điệu của bài hát, dù điệu slow
rock lúc đó còn rất mới mẻ đối với người nghe ở Việt Nam. Vì sao chị lại có ý
tưởng táo bạo này?
BY: Khi cầm bản nhạc trên tay, chị thấy lời ca hơi buồn, mà đánh tango sao nghe nó giựt quá, vui quá! Chị nghĩ tới cách làm cho bài hát êm hơn, rồi nghĩ luôn tới cách dàn cảnh cho bài hát nữa. Sau khi mọi người đã nhảy các điệu chachacha, mambo … về lại bàn ngồi uống nước rồi, chị mới bày trước với ban nhạc: «Nhớ nghe, đừng mở đèn, để tối om.» Rồi chị mới cất tiếng hát bài «Đêm đông», để khán giả để ý tới bài đó hơn. Và chính nhờ bài «Đêm đông» mà chị được mọi người biết đến ở Việt Nam rồi ở Mỹ, qua các chương trình truyền hình, «Ed Sullivan Show» hay CBS chẳng hạn. Bài hát này gắn liền với cuộc đời của chị, từ 1957 cho đến tận hôm nay đó em.
CN:
Thưa quý vị, chúng ta sắp được sống trong một giai thoại mà mọi người đã từng đọc,
từng nghe kể từ hơn nửa thế kỷ nay: chị Bạch Yến sẽ hát bài “Đêm đông” bằng hai
thể điệu, tango và slow rock. Mời quý vị lắng nghe.
BY
hát bài “Đêm đông” theo điệu tango và slow rock với ban nhạc.
CN: Phần phỏng vấn đã dài. Em cảm ơn chị rất nhiều và xin nhường micro lại để chị tiếp tục trò chuyện với quý khán giả, và, còn hát thêm nữa chứ, phải không chị?
Ca sĩ Bạch Yến ký tên lưu niệm (ảnh Nguyệt Vy)
Cổ Ngư
MT sang thăm anh . Cuối tuần vui , hp , bình an anh nhé
Trả lờiXóa