Trang

04/04/2025

Những 'kẻ thù' âm thầm gây hại sức khỏe dân văn phòng

    

Thừa cân, béo bụng, đau cổ vai gáy, đau đầu, trĩ hay viêm xoang... là những bệnh người làm văn phòng dễ mắc, cần cẩn trọng.

Bác sĩ Trần Đức Cảnh, cho biết nhiều người cho rằng công việc văn phòng thường nhẹ nhàng và không tiêu tốn quá nhiều năng lượng. Tuy nhiên, do đặc thù ít vận động nên những công việc này lại tiềm ẩn nhiều nguy cơ khác nhau ảnh hưởng trực tiếp đến sức khỏe.

Dưới đây là những bệnh nguy hiểm dân văn phòng cần cảnh giác, như sau:

Thừa cân - béo bụng

Do ít vận động, ngồi sai tư thế, lượng mỡ tích lại ở vùng bụng nhiều hơn. Không những vậy, ít vận động hay ăn quà vặt, thừa calo dẫn tới béo phì do năng lượng nạp vào nhiều hơn năng

lượng tiêu hao dẫn đến nhân viên văn phòng đều có xu hướng béo bụng.

Béo bụng là tình trạng tích tụ mỡ thừa xung quanh vùng bụng và eo, được đo lường phổ biến bằng chỉ số vòng bụng. Theo Tổ chức Y tế Thế giới (WHO), vòng bụng lớn hơn 90 cm ở nam và 80 cm ở nữ được coi là dấu hiệu béo bụng và làm tăng nguy cơ mắc các bệnh chuyển hóa.

Ngoài ra, tích tụ mỡ bụng không chỉ ảnh hưởng đến thẩm mỹ mà còn có thể gây ra các vấn đề sức khỏe, bao gồm tăng nguy cơ mắc các bệnh tim mạch như đau tim và đột quỵ; tăng nguy cơ bệnh tiểu đường, bệnh về dạ dày.

Bệnh lý ở mắt

Do thời gian làm việc nhiều, tiếp xúc gần với các thiết bị máy tính phát ra ánh sáng xanh gây hại cho mắt, vì thế, những người làm văn phòng thường gặp là tình trạng khô mắt, đôi lúc gây chóng mặt, nhức mắt, thời gian lâu có thể gây cận thị.

Trĩ và suy tĩnh mạch mạn tính

Suy tĩnh mạch mạn tính khá hay gặp ở nhân viên văn phòng do ngồi lâu ở tư thế gập trong thời gian dài. Tình trạng này làm cho hồi lưu máu tĩnh mạch không được tốt. Ban đầu, bệnh sẽ có biểu hiện tê, ngứa chân, sau đó về lâu dài người bệnh có thể thấy phù chân.

Bên cạnh đó, ngồi lâu trong thời gian dài, ít vận động kèm theo chế độ ăn ít nước và ít chất xơ có thể gây nên bệnh trĩ.

Vết suy giãn tĩnh mạch bắp chân. Ảnh minh họa: Very Well Health

Thoái hóa đốt sống cổ

Đây là căn bệnh mà dân văn phòng ngồi làm việc trước máy tính thường mắc. Việc giữ cổ ở một tư thế bất động trong thời gian dài sẽ khiến máu kém lưu thông, lâu ngày dẫn tới thoái hóa. Ngồi không đúng tư thế lâu ngày sẽ dẫn đến vẹo đốt sống cổ, đốt sống lưng dẫn đến đau thắt lưng, đau vai gáy.

Đau lưng

Đau lưng là bệnh thường gặp nhất của nhân viên văn phòng. Nhiều nghiên cứu cho thấy tư thế ngồi tăng áp lực lên cột sống trên 50% so với lúc đứng. Vì vậy, dân văn phòng ngồi càng lâu thì áp lực đè lên các đốt sống càng nhiều, dễ gây đau vùng lưng. Thêm vào đó, căng thẳng trong công việc cũng ảnh hưởng trực tiếp đến sự căng cứng cơ bắp, nhất là vùng cổ và lưng. Nếu tình trạng này kéo dài thường xuyên dễ dẫn đến đau lưng mạn tính.

Hội chứng cổ ống tay

Hội chứng ống cổ tay có biểu hiện bằng cảm giác đau lan xuống ngón cái, ngón trỏ, ngón giữa và nửa trong của ngón đeo nhẫn, tê giống như kiến bò hay kim châm. Một số người bị đau lan cổ tay, lòng bàn tay, cảm giác đau và tê đôi khi lan lên cẳng tay làm cho khó cầm nắm. Bệnh nhân thường phải lắc bàn tay để bớt khó chịu.

Đau dạ dày

Đau dạ dày ở nhóm người làm văn phòng thường do thói quen ăn uống không điều độ, áp lực công việc và thiếu ngủ gây ra. Ban đầu có thể chỉ là những cơn đau thắt vùng bụng bất chợt, nhưng nếu không có biện pháp can thiệp kịp thời sẽ trở thành bệnh đau dạ dày mãn tính, rất khó điều trị.

Ngoài ra, đặc thù công việc phải giao lưu rượu bia, gặp gỡ khách hàng cũng khiến bạn bị rối loạn tiêu hóa, béo phì, tiểu đường và bệnh gout. Đau dạ dày còn có thể liên quan mật thiết tới vi khuẩn HP. sau khi xâm nhập vào cơ thể, HP sẽ tấn công niêm mạc dạ dày, dẫn đến tình trạng viêm, loét, chảy máu, nhiễm trùng...

Viêm xoang

Không gian làm việc trong phòng máy lạnh có thể khiến dân văn phòng mắc phải viêm mũi dị ứng và viêm xoang, gây triệu chứng khó chịu như nghẹt mũi, khó thở, chảy nước mũi, mệt mỏi. Bên cạnh đó, việc cùng làm việc với nhiều người trong một không gian phòng kín có thể khiến những bệnh lý lây nhiễm qua đường hô hấp lan rộng và trở nên nghiêm trọng hơn như cúm, cảm lạnh, đau mắt đỏ.

Bác sĩ Cảnh khuyến cáo để hạn chế mắc phải những bệnh mà dân văn phòng thường gặp, nên duy trì chế độ ăn uống khoa học, uống nhiều nước mỗi ngày. Tập thể dục giữa giờ bằng những bài tập nhẹ nhằm thư giãn cơ thể. Nếu có thời gian nhiều hơn, có thể chạy bộ, tập yoga, fitness... Bạn cũng có thể nghe nhạc để thư giãn đầu óc, giải tỏa căng thẳng.

Khi có những dấu hiệu, triệu chứng bất thường, nên thăm khám với bác sĩ để có can thiệp kịp thời khi cần thiết.

Thúy Quỳnh

 

02/04/2025

Lục phủ ngũ tạng

  Lòng kén người ăn. Không thích thì nhăn mặt, bịt mũi. Thích, thích mê tơi. Nói đến lòng, người Việt có vẻ chiếu cố lòng heo và lòng gà vịt nhiều hơn các loại lòng khác. Sapa tuy có món thắng cố của người Mông, dùng lòng trâu, lòng ngựa mà nấu, nhưng không phổ biến xuống Kinh.

Người Việt nói đến đồ lòng thường thuê bao dài hạn món cháo lòng hoặc ăn ké hủ tiếu Hồ hay phá lấu của người Hoa. Ngoài ra, còn một số món khác cũng rất hấp dẫn nhưng ở nước ngoài khó có điều kiện nấu nướng hay thưởng thức vì thiếu nguyên liệu và… thời giờ, đó là dồi trường xào dưa, canh dưa chua nấu phèo, bao tử hầm tiêu xanh … Có dịp đến Pháp chơi, mời bạn thử lòng dạ người ta cho biết. Dưới đây là 10 món đồ lòng đặc trưng Phú Lang Sa khiến dân Pháp rất đỗi tự hào nhưng người xứ khác lại so vai, lè lưỡi. Người Việt ăn uống tinh tế có, dữ dội cũng có, chưa chắc chê bai lòng Pháp. Có khi lại thấy là lạ mà quen quen … Biết đâu lại dùng mắm muối quê ta để tạo ra những phiên bản mới, thơm ngon và nổi tiếng hơn cả nguyên bản.

1.      Sách bò hầm kiểu Caen (Tripes à la mode de Caen)

Ra đời từ thời Trung Cổ, thế kỷ thứ XI, do một cha xứ nghĩ ra rờ-xét. Hầm ít nhất 8 giờ đồng hồ trong nồi đất bịt kín. Dùng bao tử, lá sách, lá mía, khăn bông bò, chân bò, chân bê hầm với tỏi, hành, đinh hương, nguyệt quế, cà rốt, v.v. Về sau, nhiều nơi bắt chước, làm món lòng hầm này nhưng hương vị món sách bò hầm kiểu Caen vẫn nổi trội nhờ được nêm nếm bằng rượu táo và rượu mạnh Calvados, vốn là những đặc sản địa phương của vùng Normandie (Caen thuộc Normandie).


Sách bò hầm

2.      Lá sách chiên giòn (Tablier de Sapeur)

  Đặc sản Lyon. Tương truyền dưới trướng Napoléon đệ tam, có một vị thống chế xuất thân là lính cứu hỏa đã nghĩ ra món ăn này. Thời ấy, lính cứu hỏa mặc một cái tạp dề bằng da để bảo vệ quần áo khi đang làm nhiệm vụ. Vì vậy, món ăn được đặt tên là Cái Tạp Dề Của Chàng Lính Cứu Hỏa.

Lá sách được khử mùi bằng cách chần trước với rượu trắng, xong trút ra, để ráo nước, đem cắt miếng vừa ăn, nhúng bột, chiên giòn, chấm với sốt hành lá. Món này thường được dọn đầu bữa ăn để khai vị.

Lá sách chiên giòn

3.      Tiết canh (Sanquette)

Ở nhà quê, người ta cắt cổ gà lấy huyết đánh tiết canh. Cảnh tượng này không xa lạ gì với người mình. Hai Quê thuở bé từng chứng kiến cảnh con gà bị ngoại cắt cổ, chắt máu cạn kiệt rồi vẫn đứng dậy chạy xiêu vẹo với cái đầu lặc lìa.

Người Pháp hạ thủ ngỗng, ngan, gà, vịt, dê, cừu, thỏ… không kém phần kinh dị. Hai chân sau con vật bị kẹp chặt, đập đầu xong, còn bị dao nhọn móc mắt rồi cắt tiết, lột lông. Tả nghe tàn bạo và người thành thị sẽ lắc đầu, chả bao giờ biết đến món tiết canh này. Thế nhưng, nó được nông dân tán thưởng, cho đó là món ăn bổ nhất trên đời. Hơn thế, Sanquette còn có mặt trong cuốn «Grand Livre de Cuisine Bistrot», tác giả không ai khác hơn là đầu bếp trứ danh Alain Ducasse.

Cảnh cắt tiết ngỗng của nông dân Pháp

4.      Dồi huyết (Boudin noir)

Dồi huyết của người Việt làm từ máu heo. Tây cũng thế, và có khi máu gà vịt, dê, cừu, ngựa cũng được trưng dụng. Món dồi này không chỉ người Pháp ưa thích. Ý, Thụy Sĩ, Bỉ, Anh, Tây Ban Nha, Nga, Romania… đều không chối từ. Dân Tây đen ở các đảo Antilles, Creole thích bồi thêm nhiều tỏi và ớt bột vào. Tây ăn dồi huyết thường ưa kèm thêm hành tây và táo chua áp chảo để mượn vị hăng và chua cân bằng vị béo. Dồi quấn khúc dài ngoẵng hoặc vừa xinh độ lóng tay là loại thường thấy. Cũng có loại dồi dạng đặc sệt đựng trong hũ gia keo, dùng trét lên bánh mì nướng làm đồ nhậu.

Dồi huyết

5.      Chân cừu hầm đồ lòng (Pieds Paquets)

Đặc sản Marseille. Chân cừu non hầm cùng lòng cừu nhồi mỡ heo muối, tỏi, hành, ngò tây, cà chua và rượu trắng. Chân cừu phải được chần, làm lông thật sạch và đem thui trước khi hầm để khi ăn hưởng được cái giòn sần sật của da. Có nơi phăng-tê-zi, thêm vỏ cam, đinh hương, ớt và cả sô-cô-la đen. Xưa phải hầm những mấy ngày mới đem xuống thưởng thức. Nay thời buổi gấp gáp, vài giờ trong nồi áp suất là được rồi. Thường được dọn với khoai tây hấp.

Chân cừu hầm đồ lòng

6.      Tuyến ức bê (Ris de veau)

Trong các thứ lục phủ ngũ tạng, tuyến ức bê khá xa lạ với người Việt. Trong cơm nước thường nhật của người Pháp, món này cũng không phổ biến. Phần thịt nằm sau cổ họng, giáp ngực gia súc như bê, bò, cừu, ngựa vừa khó mua, vừa đắt đỏ này được xếp loại món ngon thượng lưu. Các đầu bếp giỏi ở Pháp thường thích đem áp chảo, tạo lớp vỏ giòn cho món ăn.

Tuyến ức bê của chef Jean Francois Piège

7.      Đầu bê (Tête de veau)

Người Việt ngoài bánh chưng, thịt mỡ dưa hành, thường ăn giò thủ vào dịp Tết. Dân Tây cũng vậy, ngoài các món truyền thống như gà trống thiến nhồi, gan ngỗng, hàu sống, cá hồi xông khói, v.v. đầu bê thường dọn trên bàn tiệc Giáng sinh truyền thống. Các bạn láng giềng khác như Đức, Ý, Bỉ, Thụy Sĩ cũng rất khoái khẩu với món này. Hương vị khác nhau, chủ yếu do nước sốt, nhưng cách chế biến thường là đem đầu bê đi luộc sơ xong rút xương, nhồi với óc, nấm, các loại hạt và gia vị xong bó lại, đem ninh cho mềm. Tuy nhiên, ở Pháp, món này còn có một điều thú vị khác, ấy là dân Tây thứ thiệt hằng năm thường bày đầu bê ra «cúng giỗ» vua Louis XVI, người bị chặt đầu trong cuộc Cách Mạng Pháp vào 21 tháng Giêng, ngày hành quyết.


Đầu bê

8.      Andouille / Andouillette

Chính người Pháp cũng hay lẫn lộn giữa Andouille và Andouillette. Thực ra, cả hai đều là dồi, nhồi bằng lòng và thịt heo hay thịt bê. Chỉ khác nhau ở chỗ Andouille thường được xông khói. Andouillette thì phần nhân nhồi nhuyễn hơn.

Nói thêm cho vui, không hiểu sao từ Andouille lại được người Pháp dùng như một tiếng lóng để mắng ai đó là «đồ ngốc».

Andouille / Andouillette

9.      Bánh hòn (Tourte de rognons blancs)

Vỏ bánh giòn phao, nhân gồm hòn dái (thường là của cừu) xào nấm, hành hoặc rau dền non. Không những ngon miệng mà còn bổ dưỡng vì chứa nhiều sinh tố và khoáng chất, lại ít mỡ. Có vẻ như món này đã được nhái từ Steak and kidney pie của người Anh, nhưng cá tính hơn bởi thay vì dùng thịt bò và quả cật làm nhân bánh như anh hàng xóm thì dân Pháp sử dụng bộ phận không sang trọng bằng nhưng chẳng kém phần ngon.

Bánh hòn

10.    Trứng cừu (Couilles de mouton).

Cừu đẻ con, trứng ở đâu ra! Có chứ. Đó là tên gọi lịch sự cho một bộ phận không nói ra ai cũng hiểu là cái gì, nằm chỗ nào, chỉ có cừu đực mới có. Món trứng cừu là đặc sản vùng Limousin và Périgord Vert (trung Pháp). Thường có mặt dịp lễ hội Frairie des petits ventres ở thành phố Limoges. Người Pháp khôi hài, đặt cho món này một cái tên bớt huỵch toẹt và mỹ miều hơn là Amourettes de mouton (Cục cưng của con cừu).

Trứng cừu

Sưu tầm

01/04/2025

Hôn nhân của người J’rai

  Dân tộc thiểu số J’rai có trên 520 ngàn người, sống rải rác khắp vùng Tây Nguyên Việt Nam, đông nhất ở tỉnh Gia Lai (khoảng 460 ngàn người) cùng các tỉnh như Kon Tum, Đăk Lăk và một số ít khác ở Phú Yên, Bình Định… Cộng đồng người J’rai luôn tồn tại một số luật tục hôn nhân khá đặc biệt.

Người dân tộc J’rai   

 Nam nữ được “sống thử”

Chúng tôi tìm đến xã La Puch, huyện Chư Prông (Gia Rai) bởi nghe được một thông tin hấp dẫn về chuyện hôn nhân gia đình ở đây khi già làng đang tiến hành xét xử một vụ án phức tạp. Cô Drang đâm đơn khởi kiện anh Rơ Min rằng: “Nó “ngã mít” với tôi lâu rồi, vậy mà bây giờ nó nhất quyết không chịu cưới. Anh Rơ Min cãi: Con Drang tánh tình lung tung lắm, quen một lúc nhiều người khác nhau chứ đâu chỉ một mình tôi…”. Thế là già làng phải bỏ công điều tra. Cuối cùng biết được đúng là cô Drang hiện đã có một con trai nhỏ, mà “tác giả” của thằng bé ấy là anh Siu Thin. Nguyên do cách đây khoảng 2 năm, sau khi “ngã mít” với Drang, Siu Thin cũng không chịu cưới và sau đó bồi thường cho Drang một con bò cái.. Già làng bèn xoay qua hỏi ý kiến mọi người rồi cuối cùng bảo Rơ Min: “Mày nói con Drang sau vụ thằng Siu Thin còn “ngã mít” với nhiều người khác mà không có bằng chứng gì đưa ra, vậy coi như không có. Còn mày đã biết chuyện mà vẫn cứ “ngã mít” với nó, rồi còn hứa làm đám cưới thì bụng dạ mày không thật. Tội của mày lẽ ra phải phạt nặng hơn bình thường, nhưng cái tính con Drang đã vậy nên mày chỉ phải nộp phạt một con bò, còn nếu không đồng ý thì mày phải chịu làm chồng của nó!”.

Nghe đi nghe lại hai chữ “ngã mít” mấy lần, chúng tôi mới hiểu đó là ám chỉ “hai người đã quan hệ tình dục với nhau”. Nếu như chuyện “sống thử” ở miền xuôi giữa các đôi nam nữ tới nay vẫn là vấn đề đang còn bàn cãi, thì ở miền ngược, trai gái người dân tộc J’rai trước khi cưới hỏi đều đã có cái quyền tự do được “ngã mít” với nhau không khác gì những người sống bên trời Tây!.

Tượng nữ thần Kroăh thường đặt tại các nhà mồ

 Ngoại tình là… trọng tội

Cũng trong xã hội người dân tộc J’rai, chế độ hôn nhân được hình thành từ lâu đời. Luật tục người J’rai hoàn toàn cấm đoán ngoại tình, coi một người đã “hái hoa xong mà còn muốn đi hái thêm các bông hoa khác” sẽ không thể chu đáo chăm sóc được nhà cửa, gia đình, con cái, rồi dẫn đến chuyện xã hội rối ren, mất trật tự. Cũng không đợi tới sau ngày cưới, khi người con trai – con gái đã nhìn nhau, cái bụng đã ưng, chịu trao nhau một chiếc vòng đồng (hoặc bạc), thông báo với cha mẹ rồi mà sau đó đổi lòng yêu thương người khác cũng bị phạt rất nặng gồm 5 con bò, 1 con heo, 100 kg gạo và ghè rượu 100 lít để bồi thường.

Phụ nữ J’rai

Cũng theo quan niệm của người J’rai, những người đàn bà chửa hoang và những người ngoại tình (kể cả đàn ông) chính là những kẻ đã bị linh hồn nữ thần Kroăh nhập vào. Theo truyền thuyết, nữ thần Kroăh là con gái của Yă Pôm (thần đàn bà) tính rất ham ăn, lười biếng, lại chuyên đi rù quến, quyến rũ đàn ông. Khi chết, hồn ma Kroăh thường đi xúi giục mọi người ngoại tình, phải bỏ chồng, vợ… Tượng nữ thần Kroăh hiện nay thường được đặt bên trong các khu nhà mồ, ám chỉ rằng để những điều xấu xa sẽ bị chôn theo cùng bà ta. Chị Ksor Hơ Đút, cựu cán bộ Hội phụ nữ xã Ia Hdreh (huyện Krông Pa) kể cho chúng tôi nghe câu chuyện cách đây khoảng chục năm về trước tại xã này có một vụ án hôn nhân gia đình xảy ra buộc phải cậy đến chính quyền. Đó là chuyện bà Rơ Lay là một phụ nữ chết chồng và ông Rơ Mah vốn đã chết vợ, hai người này có quan hệ thân thiết “trên mức bình thường” với nhau. Toà án xét thấy họ không vi phạm chế độ hôn nhân một vợ một chồng, cũng không phải ngoại tình nên tha về, nhưng cả làng nhất quyết không chịu. Chuyện trở nên nghiêm trọng bởi cả hai người chưa ai làm lễ bỏ mả Pơthi (mãn tang) cho vợ, chồng vì như vậy đúng ra phải chờ cho đủ 3 năm trên nguyên tắc thế nên mọi người cứ xem như họ là người vẫn còn vợ, còn chồng. Vậy là họ hàng bên ông chồng lẫn bà vợ đã chết kia đã đòi hỏi bà Rơ Lay và ông Rơ Mah phải nộp phạt cả thảy… 30 con bò.

Lễ cưới người dân tộc J’rai

Cũng có vụ việc không có toà án tham gia là không xong. Chẳng hạn như câu chuyện ở xã La Bon (huyện Đức Tô), có ông chồng phạm tội giết vợ. Nguyên nhân vì bà vợ đang mang bầu đến tháng thứ 8, khi ông chồng đòi hỏi được “ngã mít” thì bị bà này quyết liệt chống cự, nên sẵn nhìn thấy con dao giắt sẵn trên mái nhà ông chồng liền tức giận rút ra đâm. Toà xử án tù chung thân, còn lệ làng bắt ông này phải nộp phạt 40 con bò!

Còn hơn cả ngoại tình, hình phạt nặng nề nhất trong Tơlơi Phian (luật tục) của người J’rai còn có tội loạn luân. Dân làng tin rằng kẻ nào làm chuyện đồi bại như vậy với người trong gia đình hay dòng họ của mình sẽ gây ra tai hoạ khủng khiếp cho cả làng như hạn hán, mất mùa, dịch bệnh. Ngoài chuyện nộp phạt tài sản, người bị phạt còn buộc phải hành động giống như súc vật (bò trườn, nhảy cóc, leo trèo, sủa rống…), trước sự chứng kiến của thần linh và cộng đồng. Mỗi một điều luật trong Tơlơi Phian đều có nói rõ lý do vì sao bị phạt. Và Tơlơi Phian như một bản trường ca luôn được gìn giữ và áp dụng nghiêm ngặt trong đời sống người J’rai. Vì thế nên ở đây, chuyện ngoại tình hoặc có con ngoài giá thú bị xem là chuyện động trời. Lại có một chuyện phổ biến khác là những người con gái muốn lấy chồng cũng không nhất thiết phải chờ đến đúng 18, 20 tuổi mà chỉ cần biết đi làm cái rẫy, biết đan cái gùi đã có thể tự do yêu đương hoặc về làm vợ người ta được rồi…

Nguyễn Sinh