Trang

30/12/2018

Lễ Giáng sinh của bác May


Ngày Chúa Giêsu ra đời, ở một xứ xa xăm kia có một nông dân kia tên là May. Vợ bác đã mất, để lại cho bác một bầy con nheo nhóc.
Hôm ấy là ngày áp lễ Chúa Giáng sinh. Bác May đứng ở thềm cửa, mắt đăm chiêu với bao mối ưu tư. Tiền không có, việc làm cũng không: biết lấy gì nuôi đàn con nhỏ dại đây ?
Bỗng nhiên bác nghe thấy một tiếng thét trong nhà: bọn trẻ rú lên. Bác định chạy vào xem có chuyện gì xảy ra thì thấy một kẻ vô danh đứng cản trước mặt: "Này bác May, bác đang nghĩ cái gì đó ? Sao vẻ mặt buồn thế ?"
Bác May ngỡ ngàng trước sự xuất hiện của người lạ mặt. Nhưng bác đã sớm định thần lại và đáp: "Thưa ông, tôi buồn đâu phải không có lý do. Mấy đứa con tôi đang đói mà trong nhà không còn một mẩu bánh. Tôi thì thất nghiệp. Biết làm sao đây?"
- Nếu bác chịu làm việc cho tôi, tôi sẽ trả lương bội hậu cho bác.
- Thế thì còn gì hơn nữa!
- Ðược rồi, ngày mai bác lên trên đồi phát hết đám cỏ tranh kia, rồi tới chiều tôi sẽ trả công cho.
- Nhưng mai là lễ Chúa Giáng sinh, lễ trọng nhất trong năm. Ông quên rồi sao ? Ðể tới sau ngày lễ tôi sẽ bắt đầu.
- Như vậy là bác đâu có thiếu tiền như bác đã than đâu ?
- Này, có Chúa làm chứng, tôi đang chết đói đây nè !
- Vậy bác cứ làm theo như tôi đã chỉ.
Lúc ấy bác May nghe tiếng khóc rên của lũ trẻ từ bên trong nhà ra như hối thúc ông quyết định mau lẹ.
- Thôi được. Tôi sẽ làm như ông bảo, bởi vì mấy đứa con nhỏ. Chúa thấy hết mọi sự. Chắc Ngài sẽ tha thứ cho tôi.
- Rồi nhé ? Sáng mai ra gặp tôi trên đồi, và đến chiều tôi sẽ trả tiền công.
Nói xong người lạ mặt biến mất.
Sáng hôm sau, bác May dậy rất sớm. Sau khi đọc kinh sáng như thường lệ, bác chấm tay vào nước thánh làm dấu thánh giá. Bác còn dừng lại ở cửa, ngần ngừ đôi chút. Sau cùng, bác xách liềm lên ngọn đồi, và bắt đầu phát cỏ.
Bác làm việc suốt ngày. Thỉnh thoảng luồng gió thổi đến, mang theo tiếng ngân của hồi chuông giáo đường giục giã báo tin ngày đại lễ.
Bác May tiếp tục phát cỏ, miệng lâm râm mấy câu kinh, và thỉnh thỏang lẩm nhẩm: "Chúa thấy rõ mọi sự. Ngài sẽ tha thứ cho tôi".
Vào mùa đông, mặt trời sớm lặn. Bác May ngừng tay lại, ngồi nghỉ giây lát trên một phiến đá, thấp thỏm chờ đợi. Sao người lạ mặt không thấy tới nhỉ ?
Bỗng nhiên bác nghe tiếng lách tách. Quay mặt lại, bác thấy tất cả đám tranh bốc lửa cháy hết. Trong phút chốc chỉ còn đám tro tàn. Bác May òa lên khóc.
- Thôi thế là công toi rồi. Tôi đã làm việc suốt ngày, bụng đói. Bây giờ thì chỉ còn lại bàn tay trắng. Ôi, tội cho tôi quá !
- Kìa, bác May. Có gì mà khóc lóc om sòm vậy ?
Bác May dụi mắt ngẩng đầu lên và thấy lờ mờ bóng của một người lạ mặt khác. Bác kể lể sự tình : - Tôi biết là tôi có tội vì đã lỗi ngày lễ trọng. Nhưng đàn con tôi đang đói nheo nhóc… biết làm sao được ?
Người lạ mặt tiến lại gần, cầm tay bác, ôn tồn an ủi: "Ðừng lo gì. Bác May ạ. Tôi sẽ trả công cho bác bội hậu. Bác về nhà đi và sẽ thấy phần thưởng. Nhưng bác phải sử dụng khôn khéo gia tài của bạn nhé. Bác đừng bao giờ đóng cửa nhà hay đóng túi tiền trước mặt người bất hạnh".
Rồi người lạ mặt biến mất.
Bác May vội vã trở về nhà. Bác dụi mắt mấy lần vì cứ tưởng mình đang mơ. Căn nhà tồi tàn không còn nữa. Giữa một lùm cây cổ thụ hiện ra một ngôi biệt thự với cửa sổ sáng choang của buổi dạ hội. Các con cái đứng chờ bác ở cửa, mặt mày hớn hở, xúng xính trong bộ đồ mới. Chúng níu tay bác, lôi vào nhà, tới trước bàn tiệc thịnh sọan. Bức tường dơ bẩn trước kia giờ đây đã được sơn quét lại. Màng nhện, mồ hóng biến đi hết. Trên tường chỉ còn lại cây thánh giá: cây gỗ thánh giá xưa nay dùng làm bàn thờ cầu nguyện. Bác May xúc động quỳ gối trước cây thánh giá, nghẹn ngào không tả nổi hết sự sung sướng.
Kể từ đó, bác May thay đổi nếp sống. Bác tậu thêm những mẩu ruộng của người láng giềng. Dần dần cơ nghiệp của bác cứ nới rộng cho đến tận chân trời. Thiên hạ đều sửng sốt trước sự giàu sang của bác, và đóan rằng bác mới đào được một kho tàng ẩn giấu đâu đó.
Về phần bác May, bác giữ lời hứa với người ân nhân vô danh. Khong kẻ bạc phước nào đến gõ cửa nhà bác mà không nhận được một lời an ủi và ít tiền độ đường.
Nhưng rồi tính tình bác dần dần thay đổi. Tiền bạc khiến con tim thành chai đá. Bác quên thân phận long đong trước đây. Chung quanh bác chỉ còn những đứa nịnh bợ, tâng bốc. Bác cũng chỉ muốn làm quen với người quyền thế. Bác May đại-phú-gia không mấy chốc biến thành kiêu căng ngạo nghễ.
Thóat chốc một năm trôi qua. Lễ Giáng sinh đã đến, ngày lễ trọng đại đã làm thay đổi cuộc đời bác từ năm ngoái. Bác May mở tiệc thịnh sọan, mời hết các phú gia và thân hào trong xứ. Trên tường phòng ăn, bác ra lệnh cất cây thánh giá đi. Bác cùng ra lệnh cho gia nhân không được để tên hành khất nào lai vãng đến lâu đài. Hai võ sĩ lực lưỡng được đặt ở cổng để ngăn cản những ai không có thiệp mời khỏi bén mảng tới buổi hội.
Tuy vậy, khi các thực hành sắp sửa ngồi vào bàn tiệc, không hiểu bằng cách nào mà một lão hành khất lọt được vào sân. Bọn gia nhân tức tối, xúm lại lôi xếch lão ra cổng: "Ai cho mày vào đây, cút đi!"
Và họ còn giơ gậy lên để dọa nạt lão, bất chấp tiếng van lơn: - Vì lòng Chúa nhân từ, xin ngài hãy cứu giúp kẻ bất hạnh này!
- Không được. Hôm nay là ngày lễ. Mai trở lại, người ta sẽ cho.
Nhưng lão cứ năn nỉ, la lớn tiếng ra như muốn cho những thực khách cũng nghe thấy. Quả vậy, bác May đã nghe thấy. Bác mở cửa sổ, tức giận vì những tiếng om sòm đã làm khuấy động bữa tiệc đang vui. Bác quát: "Tao đã bảo là phải ngăn cản hết những tên ăn mày. Ðuổi thằng đó ra. Nếu nó không chịu nghe, thì sổ chó dữ ra đuổi".
Bọn gia nhân thả bầy chó bẹc-giê ra. Nhưng mấy con chó chỉ liếm tay lão. Lão buồn rầu, lắc đầu và rút lui.
Bác May trở vào bàn tiệc, tiếp tục ăn uống, cười nói hả hê.
Một lát sau, một cỗ xe lộng lẫy với bốn con bạch mã tiến vào sân lâu đài. Nhìn qua cửa, người ta thấy một ông hòang với bộ y phục óng ánh kim cương.
Lũ gia nhân đến báo cho ông chủ. Bác May rời bàn tiệc, tiến ra cửa để đón tiếp thượng khách. Bác May cúi rạp mình xuống đất, miệng ấp úng vì được ông hòang chiếu cố đến thăm bác. Nhưng ông hòang từ chối.
- Cám ơn, tôi không vào. Hồi nãy tôi tới đây như một kẻ hành khất, các người xịt chó đuổi tôi. Bây giờ tôi đến trong y phục một ông hòang thì các người cúi rạp xuống đất. Mời ông lên xe đi với tôi một lát, vì tôi có chuyện cần phải nói.
Bác May theo ông hòang đến tận chân đồi, nơi mà năm ngóai ông đi phát cỏ tranh.
- Này bác May. Bác quên lời hứa cách đây một năm rồi ư? Một năm giàu sang phú quý đã đủ để biến một con người đạo đức thành một tên kiêu căng. Tài sản đã làm con tim thành chai đá. Ðã thế thì sự khó nghèo sẽ làm con người trở lại đạo hạnh.
Người lạ mặt biến mất. Bác May quay trở lại lâu đài. Nhưng lâu đài không còn nữa. Tuyết phủ đầy cảnh vật. Ðàng sau lùm cây, bác thấy một mái nhà điêu tàn như hồi xưa, với ngọn đèn dầu leo lét. Về gần tới nhà, bác nghe tiếng mấy đứa nhỏ khóc vì bụng đói.
Lâu đài, gia nhân, bàn tiệc biến đâu hết rồi. Bác May cảm thấy sự xúc động trở lại trong con tim. Thế là bác trở về với cuộc đời khó nghèo, cuộc đời tìm sự cứu độ.
Ngày lễ Giáng sinh. Chúa Giêsu xuống thế dưới những bộ mặt khác nhau để răn bảo người đời.
Guido Gozzano

29/12/2018

Thời gian nào tốt nhất trong năm để quyết việc lớn?

Nhiều người đưa ra các quyết định lớn vào tháng Một. Nhưng có một số lý do thuyết phục để nên hoãn đến những tháng ấm hơn - tùy thuộc vào sự lựa chọn của bạn.
Khi chúng ta định đưa ra một quyết định lớn, nhiều người trong chúng ta nghĩ (và suy nghĩ quá mức) về chính sự lựa chọn. Nếu ta thực sự biết phân tích, ta cũng nên nghĩ về quá trình ra quyết định: Có nên viết ra danh sách các điểm 'nên' và 'không nên' không? hoặc tạo một bảng tính tỷ lệ lợi hại? Nghiên cứu triền miên, hay gạt bớt các số liệu rườm rà?
Nhưng cũng như việc suy nghĩ về cách lựa chọn, có thể ta cũng nên nghĩ về thời điểm lựa chọn.
Cho dù đó là việc đổi nghề hay mua nhà, tháng 1 luôn có vẻ là thời điểm chính để chấn chỉnh suy nghĩ, hoặc, ít nhất, để quyết định việc chấn chỉnh này. Và nhiều người trong chúng ta vừa nghỉ lễ xong, thời gian rỗi và các cuộc trò chuyện với những người thân có thể làm ta nghĩ về các lựa chọn cho cuộc sống.
Nhưng tháng 1 liệu có thực sự là thời điểm tốt nhất để đưa ra quyết định lớn?
Câu trả lời phụ thuộc vào tâm trạng của ta.
Nhiều người cảm thấy ít nhiều buồn tẻ về mùa đông. Với một số người, nó có thể là rất buồn. Sự 'rối loạn cảm xúc theo mùa' (RCM), được thể hiện bằng các giai đoạn buồn chán vào các tháng mùa đông, đặc biệt phổ biến ở các vĩ độ phía bắc. Một nghiên cứu cho thấy có tới gần 10% người dân ở miền Bắc, kể cả Bắc Mỹ, bị ảnh hưởng bởi sự rối loạn này, trong khi một nghiên cứu gần đây ở Thụy Sĩ, theo dõi những người tham gia hơn 20 năm, cho thấy 7,5% dân số bị buồn chán theo mùa.
Các triệu chứng cũng có thể kéo dài lâu hơn bạn nghĩ: một nghiên cứu cho thấy ở Mỹ, những người bị ảnh hưởng bởi RCM trung bình là 40% thời gian trong năm.
Nhưng ngay cả những người không đáp ứng các tiêu chí chẩn đoán RCM thường vẫn cảm thấy buồn tẻ hơn vào mùa đông. Từ những năm 1980, một cuộc khảo sát qua điện thoại cư dân Maryland cho thấy 92% người dân nhận thấy sự thay đổi tâm trạng theo mùa ở một mức độ nào đó - chủ yếu là họ thấy chán chường vào mùa đông.
Tâm trạng của bạn không chỉ ảnh hưởng đến cảm xúc. Nó có thể ảnh hưởng đến khả năng ra quyết định của bạn. Nhưng sự thể lại phức tạp hơn thế, tâm trạng buồn tẻ không có nghĩa là bạn sẽ luôn tồi tệ hơn khi phải lựa chọn.
Một tâm trạng chán nản dễ làm cho chúng ta sợ rủi ro hơn. Các nhà nghiên cứu nghĩ rằng điều này có thể xuất phát từ khả năng thích vui thú bị giảm đi, nghĩa là một người buồn chán không có phản ứng cảm xúc mạnh mẽ (và lạc quan) với khả năng có được cái lợi hoặc một phần thưởng như một người không bị buồn chán.
Ví dụ, khi được giao một nhiệm vụ chơi bài được thiết kế để phải quyết định rủi ro, những người tham gia bị buồn chán sẽ khó nhớ được các lựa chọn nào có khả năng mang lại phần thưởng nhiều hơn, khiến họ chơi trò này kém hơn so với những người tham gia không bị buồn chán. Những người tham gia có triệu chứng buồn chán cũng thận trọng hơn trong việc chấp nhận rủi ro so với những người tham gia không bị buồn chán - họ gắn bó với các lựa chọn an toàn mà cơ hội khen thưởng thấp, thay vì áp dụng các chiến lược có rủi ro cao hơn với mức tiền thưởng có thể lớn hơn.
Đó là những nghiên cứu trong phòng thí nghiệm, nhưng có một số bằng chứng cho thấy những tác động tương tự diễn ra trong thực tế. Ví dụ, những người bị RCM hay thận trọng trong các quyết định tài chính của họ vào mùa đông so với những người không bị RCM.
Và đối với việc ra quyết định thì không thích mạo hiểm không phải luôn là điều tồi tệ.
Điều này là đặc biệt đúng bởi vì hầu hết những người khỏe mạnh có vấn đề ngược lại: 'lạc quan quá'. Hầu hết chúng ta tin rằng chúng ta sẽ ít phải trải nghiệm sự kiện xấu hơn (như bị ung thư hoặc gặp tai nạn xe hơi) so với số liệu thống kê, và tương lai của chúng ta chắc rằng sẽ đẹp hơn (cho dù đó là việc có nhiều cơ hội việc làm hay là có kỳ nghỉ tuyệt vời) là sẽ xảy ra trong thực tế. Chúng ta cũng có xu hướng nghĩ rằng chúng ta sẽ kiểm soát được nhiều hơn so với thực tế - đặc biệt nếu chính chúng ta tham gia vào sự kiện.
Như bạn nghĩ, những người buồn chán, có cái nhìn bi quan hơn về thế giới, không bị rơi vào cái bẫy này. 'Quan điểm hiện thực buồn chán' này có nghĩa là họ đánh giá chính xác hơn các khoảng thời gian và mức độ của các ảnh hưởng đến với họ do các quyết định của những người khác, so với những người lạc quan. Họ cũng biết cách tránh những phản ứng rủi ro nhanh hơn những người không bị buồn chán.
Nhưng điều đó không có nghĩa họ là chính xác trong việc dự báo nói chung - thí dụ những người bị buồn chán là tồi hơn những người khỏe mạnh trong việc dự đoán kết quả bóng đá World Cup.
Ở đây cũng có một điểm lắt léo. Người lạc quan có thể nhìn thấy tương lai với cặp kính hồng - nhưng họ cũng tốt hơn trong việc biến tương lai đó thành hiện thực. Lạc quan hơn gắn liền với thành công hơn về nghề nghiệp, có quan hệ tốt hơn và sức khỏe tốt hơn. Các nghiên cứu dài hạn cũng đã phát hiện ra rằng hiệu quả này dường như vượt ra ngoài mối tương quan ('Tôi là người lạc quan vì tôi có sức khỏe tốt') và có lẽ là hệ quả ('Sự lạc quan của tôi giúp tôi khỏe'). Ví dụ, một nghiên cứu, đã xem xét 97.000 phụ nữ, tất cả đều không bị ung thư hoặc bệnh tim mạch khi nghiên cứu bắt đầu. Tám năm sau, những người lạc quan ít có khả năng hơn, so với người bi quan, bị bệnh tim mạch hoặc chết vì nguyên nhân khác.
Vì vậy, mối quan hệ giữa tâm trạng và việc ra quyết định không phải là một điều đơn giản - điều đó có nghĩa là nếu bạn đang xem xét khi nào sẽ đưa ra quyết định lớn, bạn nên xem đó là quyết định loại gì. Liệu nó có liên quan đến những mất mát khả dĩ to lớn - là điều đòi có thể hỏi sự thận trọng và cái nhìn thực tế? Khi đó thì mùa đông có thể thích hợp hơn. Hay đó là một quyết định trong đó có liên quan đến mọi thứ, nếu bạn có thể chấp nhận một mức độ nhất định về rủi ro của kết quả? Khi đó có lẽ bạn tận dụng tâm trạng sảng khoái vào mùa hè.
Và nếu bạn cảm thấy không thể lựa chọn được, thì bạn có thể đợi thêm một chút cho đến khi trời nắng trở lại. Ai biết được - nó có thể giúp giải quyết không những tâm trạng của bạn, mà cả sự do dự, không quyết đoán, nữa.


28/12/2018

Con chiên thứ ba


Làng Fals trong miền cao nguyện nước Áo chuyên về nghề đẽo tượng bằng gỗ. Ðiểm đặc biệt của họ là họ chỉ đẽo các tượng đặt trong hang đá Sinh nhật chứ không dám đẽo hình tượng nào khác. Chẳng may gặp một thời làm ăn khó khăn: không ai đặt hàng mua tượng nữa. Chẳng mấy chốc mà dân làng trở thành nghèo và đói.
Một buổi chiều kia, ông Tâm, một tay thợ đẽo gọt có tiếng của làng, đi vào xưởng làm việc. Ông bắt gặp một em bé tóc vàng đang giỡn chơi với những con vật đang quỳ bên cạnh hang đá Chúa Hài đồng. Ông Tâm ngạc nhiên bởi vì ông không hiểu vì sao em bé khôi ngô như vậy, tuy quần áo rách rưới, mà không được ai dạy dỗ cho biết các tượng trong hang đá đâu phải là đồ chơi trẻ con.
Như đoán được ý của ông Tâm, em bé nâng bổng một con chiên, ôm sát ngực và thưa với ông: " Chúa Hài đồng sẽ không giận đâu. Chúa biết rằng cháu không có đồ gì để chơi cả".
Ông Tâm nghẹn ngào : "Ðược rồi, bác sẽ đẽo cho cháu một con chiên nhé, một con chiên biết lúc lắc cái đầu. Sáng mai cháu trở lại đây mà lấy. À này, nhà cháu ở đâu, sao bác không hề thấy cháu bao giờ?"
"Ðằng kia kìa !". Vừa nói em bé vừa chỉ tay về phía trên cao chóp núi. "Cháu ở với ba cháu".
Hôm sau, trước khi ăn trưa, ông Tâm đã đẽo xong con chiên rồi. Ông đang định đóng cửa đi ăn thì một thiếu phụ bồng con đến xin bố thí. Ông Tâm buồn rầu vì không có gì để cho hai mẹ con. Trong khi đó, thằng bé vơ lấy con chiên vừa mới đẽo, và khi ông tìm cách lấy lại thì nó khóc thét lên.
Vốn có lòng tốt, ông Tâm trao lại con chiên cho nó, và nó cười khoái trí khiến cả xưởng đều vui lây.
"Thôi cũng được", ông Tâm tự nhủ, "ta sẽ đẽo con chiên khác thay thế".
Chiều tối đến, ông Tâm vừa đẽo xong con chiên thứ hai thì thằng Hòang, một đứa trẻ mồ côi, đến thăm ông. "Ôi con chiên đẹp quá ! Bác cho cháu đi, Ngày mai cháu vào cô nhi viện, và cháu muốn mang theo con chiên này cho có bạn".
Ông Tâm tử tế đáp: "Ừ, thì lấy đi, Hoàng. Bác sẽ đẽo con chiên khác".
Ông Tâm đẽo con chiên lần thứ ba. Nhưng em bé tóc vàng vẫn không thấy trở lại. Con chiên cứ nằm trên ngăn kệ của xưởng làm việc.
Tình trạng của làng Fals càng ngày càng tệ. Lần đầu tiên ông Tâm nghĩ đến việc đẽo các thú vật và đồ chơi cho các em bé để chúng quên đi cái đói cào ruột.
Thế rồi một hôm, có một người lái buôn đi ngang xưởng làm việc của ông Tâm. Gã đề nghị mua hết tất cả các món đồ chơi mà ông Tâm đã chế ra. Nhưng ông từ chối bởi vì ông không muốn đẽo để lấy tiền. Người lái buôn trước khi ra đi còn nói thêm: "Tôi còn ở lại đây mấy ngày nữa, trọ ở quán đầu làng. Nếu bác thay đổi ý kiến thì cứ đến báo tôi".
Ông Tâm thẳng thắn trả lời: "Không bao giờ tôi đổi ý đâu, trừ khi Chúa gửi đến một điềm lạ".
Một lát sau, cha xứ trong làng đến xưởng ông Tâm để xin ông ta con chiên thứ ba còn nằm trên ngăn kệ. Cha muốn xin cho bé Dung đang đau nặng. Ông vui vẻ đáp : "Ðược rồi, chính con sẽ mang nó đến tận nhà em bé Dung".
Khi ông Tâm từ nhà bé Dung trở lại xưởng, ông đi ngang một cánh đồng phủ đầy tuyết. Thình lình em bé tóc vàng xuất hiện ngay trước mặt ông. Ông Tâm thốt lên: "Bé ơi, bác đã giữ con chiên thứ ba cho đến mãi hôm nay. Sao cháu không tới ? Thôi, bác sẽ đẽo con chiên khác".
Nhưng em bé lắc đầu: "Không, cháu không cần con chiên khác. Những con chiên mà bác đã biếu hai mẹ con xin bố thí, hoặc biếu cho thằng Hòang, hoặc cho bé Dung là bác biếu cho cháu đấy".
Rồi em bé xòa bày tay ra. Từ ánh sáng lung linh tỏa chiếu từ em bé, ông Tâm thấy bóng một cây thánh giá trên mặt tuyết. Ông chợt hiểu và quỳ gối xuống.
Em bé mỉm cười nói tiếp : "Này bác Tâm, bác biết không ? Ðẽo một đồ chơi cũng có thể làm vinh danh Thiên Chúa như khi đẽo các tượng thánh đặt trong hang đá nhà thờ. Tiếng cười nắc nẻ của một em bé thơ ngây cũng làm vui tai Thiên Chúa như ca đoàn hợp tấu của các thiên sứ vậy". Trong nháy mắt, em bé biến mất.
Tối hôm ấy, ông Tâm ra quán trọ đầu làng để gặp gã lái buôn.
- Ðược rồi, tôi sẽ đẽo đồ chơi mà bác muốn.
- Thế là bác đổi ý rồi chứ ? Gã lái buôn hỏi lại.
- Không. Tôi đã nhận được điềm từ trời.
Ðôi mắt ông Tâm ngấn lệ.
Mala Powers

27/12/2018

Phép lạ đầu tiên


Trời đã ngả về chiều. Những tia nắng cuối cùng lọt qua cánh cửa sổ bé nhỏ của quán rượu. Mọi vật đều yên lặng. Lão bắt đầu đếm các đồng tiền nằm trên bàn.
Thời giờ tiếp tục trôi qua. Trong quán rượu chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ. Lão bỏ tiền vào một hòm chắc chắn, khóa cửa lại, và chậm rãi bước lên thang lầu.
Lão đi dọc theo hành lang trong nhà. Lão thấy một cánh cửa hé mở. "Ðã bảo là phải đóng cái cửa này lại cơ mà!" Lão gắt lên, kêu một tên đầy tớ lại. Tên đầy tớ run rẩy, lắp bắp mấy câu xin lỗi. Lão tiếp tục đi, nhưng mới được mấy bước thì dừng lại. Lão thấy mấy mụn bánh rớt trên cái ghế tràng kỷ! Lão không thể nào tin được điều nom thấy trước mắt.
"Tụi nó mưu toan phá hoại tao rồi. Ðúng là chúng nó muốn phá tan cơ nghiệp của tao rồi!" Thế là lão la lối um lên. Bà vợ, con cái, gia nhân, tất cả đều xúm lại, hồn vía bay lên mây hết.
Ðã đến bữa cơm chiều rồi. Tất cả mọi người phải đến báo cáo những công việc trong ngày, từ các gia nhân trong nhà đến các tá điền làm ngòai ruộng. Lão muốn biết rành mạch họ đã làm gì, đã tiêu pha thế nào trong ngày. Tất cả bọn chúng đứng trước mặt lão, mặt mày tái mét.
Tối nay chưa thấy tên mục đồng trở về. Thường thường hắn từ ngoài đồng trở về trước khi lão ngồi vào bàn cơ mà. Tên mục đồng chăn đàn dê và cừu trong cánh đồng của lão, vào mỗi buổi chiều, hắn phải nhốt bầy vật vào chuồng, rồi về báo cáo cho lão.
Lão đâm sốt ruột. Lão ngồi vào bàn mà trong ruột cồn cào vì không thấy tên mục đồng trở về, Lạ thật. Sao chưa thấy tụi nó bưng canh ra? Trễ mất một phút rồi. Thế là lão nổi sùng quát tháo. Ðứa đầy tới sợ quá làm rớt cái bát, lại càng khiến cho bà vợ với mấy đứa con rối rít hơn. Cái bát mà vỡ thì nhà nầy sắp sập rồi! Quả vậy, cơn lôi đình của lão kéo dài nửa giờ đồng hồ.
Sau cùng, tên mục đồng xuất hiện ở cửa. Lão hỏi: "Có cái gì vậy?".
Tên mục đồng ấm úng. Hắn ngập ngừng, cầm cái mũ trên tay, mắt nhìn cắm vào lão. "Dạ, ..., không có cái gì hết". Cố gắng mãi, tên mục đồng mới thốt được mấy tiếng.
"Ðiệu mày nói như vậy thì chắc là có cái gì rồi". Lão thét lên.
"Dạ, … dạ, … có cái gì". Tên mục đồng nói như hụt hơi
"Ðồ ngu! Ðồ chó chết! Mày không biết nói hả? Bộ mày câm rồi hay sao? Có cái gì? Nói đi". Lão càng gắt.
Tên mục đồng run run, bắt đầu thưa : "Dạ không có gì cả, Suốt cả ngày không có gì hết. Bầy dê và cừu ra đồng như thường lệ. Bầy dê và cừu đều khỏe tốt, ăn cỏ như mọi khi …"
Lão nhịn hết nổi: "Ðồ ngu, mầy có chịu nói không?".
Tên mục đồng nhắc đi nhắc lại là không có gì hết. Thực đúng như vậy, suốt cả ngày chẳng có gì hết. Nhưng đến chiều khi trở về chuồng, cái chuồng nằm ở cuối làng thuộc về lão, hắn thấy một chuyện khác thường: “hắn thấy có người ở trong chuồng vật.”
Nghe tới đây, lão giật nảy người lên. Lão không thể cầm mình được nữa. Ông tiến tới gần tên mục đồng và quát: "Cái gì? Có người ở trong chuồng vật của tao hả? Thiên hạ không còn biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác hay sao vậy? Tất cả tụi bây định phá họai cơ nghiệp của tao hay sao?"
Chuồng vật của lão có bốn cái vách đã mục, Cánh cửa cũ rích có thể mở ra dễ dàng. Ở phía sau có một cửa sổ nhỏ thông ra kho rạ.
Có mấy kẻ đã vào chuồng và ngủ đêm tại đó. Biết đâu bọn họ đã ở đây từ mấy bữa rồi! Hừm, láo thật, chúng dám ở trong cơ sở của lão, trên đất của lão, thuộc tài sản thánh thiêng của lão! Cơn giận của lão bốc lên đến tột độ. Ðúng rồi, chúng nó muốn giết lão đây mà! Gan thật, xưa nay đâu có ai dám làm như vật đâu! Vì thế lão muốn đích thân xem xét sự việc thế nào. Lão phải đuổi quân lang thang ra khỏi chuồng vật của lão. Lão hỏi tên mục đồng: -Tụi nó thuộc lọai người nào vậy?
- Dạ… dạ… dạ có một người đàn ông và một người đàn bà. Tên mục đồng thưa.
- Một ông và một bà hả? Rồi tụi nó sẽ biết tay tao!
Thế rồi lão chộp lấy cái mũ, xách cây gậy đi ra ngõ cuối làng, tiến về chuồng vật.
Ðêm nay trời trong suốt, yên tĩnh lạ thường. Trên không trung, các vì sao lấp lánh. Cảnh vật chìm ngập trong thinh lặng. Chỉ có một mình lão đi trên đường cái. Lão giận dữ, chống mạnh cây gậy xuống đất mỗi lần bước đi. Chẳng mấy chốc lão đã tới chuồng vật. Cánh cửa vẫn đóng cơ mà! Lão dừng lại chốc lát, rồi rón rén đi vòng ra phía sau, hé mở cánh cửa sổ nhỏ. Lão thấy một luồng sáng rực rỡ. Lão trầm trồ nhìn mộc lúc, rồi thét lên. Kinh ngạc đã khiến lão bất động. Từ bỡ ngỡ đến chăm chú, từ chăm chú đến sững sờ. Thân lão ra như dính chặt vào vách tường. Hơi thở của lão trở nên dồn dập. Chưa bao giờ lão chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Chắc là chưa có cặp mắt trần tục nào có thể nhìn thấy điều mà lão đang trông thấy đây. Cặp mắt lão không rời khỏi cảnh bên trong chuồng vật.
Thời gian cứ thế trôi qua. Nhưng lão đâu cảm thấy gì. Ôi, tuyệt quá, đẹp quá. Ðã bao lâu rồi ? Làm sao có thể tính được giờ khắc trước quang cảnh mê say như vậy được ? Lão có cảm tưởng là hằng giờ, hằng ngày, hằng năm đã trôi qua rồi.. Thời giờ có là gì trước kỳ quan độc đáo này !
Lão lặng lẽ trở về nhà. Gia nhân mở cửa trễ mấy phút, bắt lão đứng chờ ở cửa, nhưng lão không nói gì cả. Vào trong nhà, một đứa tớ gái làm rớt cây đèn khi cô ta lúi húi bật lửa, nhưng lão không một lời trách móc. Lão chầm chậm bước theo hành lang như một chiếc bóng ma, đầu cúi xuống. Bà vợ đang ngồi chờ trong phòng, tiến ra đón lão.
Chắc bà buồn ngủ lắm, đi lọang quạng, vấp phải cái bàn, làm đổ bình hoa và mấy cái tượng. Lão không nói gì, khiến bà vợ kinh ngạc. Sao mà bây giờ lão hiền quá vậy. Lão ngồi xuống ghế, cúi gục đầu xuống, trầm ngâm trong chốc lát, cho đến khi người ta gọi lão. Lão đứng dậy, ngoan ngõan như đứa con nít, để cho người ta dẫn vào buồng ngủ.
Hôm sau, lão tiếp tục im lặng, Một lũ hành khất đến xin lão bố thí; lão cho họ một nhúm đồng bạc. Lão không mở miệng la mắng ai nữa hết. Mọi người đều kinh ngạc: từ bà vợ, con cái, cho tới gia nhân. Không ai có thể tưởng tượng nổi sự thay đổi nơi lão. Lão không còn là một hung thần nữa, nhưng là một trẻ thơ. Chắc hẳn có gì quan trọng đã xảy ra khi lão đi ra chuồng vật. Mọi người đều lo lắng khi quan sát lão, nhưng không ai dám mở miệng hỏi. Còn lão thì im lìm suốt ngày.
Bà vợ đến gần lão, nhưng lão không mảy may tiết lộ gì về bí mật của mình. Gạ gẫm, năn nỉ, dụ dỗ mãi, lão mới kề miệng sát tai bà vợ. Vẻ mặt tái mét biểu lộ nỗi kinh hãi của bà : "Ba ông vua với một đứa nhỏ!" Bà lặp lại y hệt như lời ông nói vì không thể giữ miệng được nữa.
Lão vội lấy tay bịt miệng bà lại. "Ðược rồi, không nói cho ai biết đâu!" Bà hứa vậy, mặc dù trong lòng bà tin chắc rằng ông chồng đã ra điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng với một đứa nhỏ! Chắc ông lão đi đêm gặp phải cái gì trên đường rồi! Thoát chốc cả nhà đều biết là bà vợ đã biết được bí mật của lão. Lũ con đến hỏi má. Lúc đầu bà không nói. Mãi về sau, bà kề sát tai đứa con gái, và tiết lộ bí mật của ông cha của chúng. Ðứa con gái thốt lên: "Ba điên mất rồi. Tội nghiệp ba quá!".
Lũ gia nhân được tin rằng mấy đứa con đã biết được bí mật của ông chủ, nhưng không ai dám hỏi cả. Mãi sau cùng, một bà vú già đã sống 30 năm trong nhà mới hỏi cô gái. Cô ta kề môi sát tai bà, tiết lộ bí mật của cha mình. Bà vú chắt lưỡi: "Ông ta đâm ra điên rồi. Thật tội nghiệp!".
Dần dần ai ai trong nhà cũng biết được bí mật của lão, và tất cả đồng ý là lão đâm ra mất trí rồi. Họ lắc đầu tỏ vẻ thương hại: "Ba ông vua với một đứa trẻ ở trong chuồng vật, Tội nghiệp cho lão. Lão đâm ra điên rồi!".
Rồi từ đó, lão không còn nóng giận, không còn quát tháo, không còn sừng sộ nữa. Gặp người nghèo, lão phân phát tiền của cho. Ai đến hỏi lão, lão nhỏ nhẹ trả lời. Cả nhà nhìn lão cách thương hại. Ðúng là lão điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng vật.
Bà vợ đâm ra lo lắng. Bà cho mời một ông lang nổi tiếng đến. Ông này là một bậc thầy thông kim bác cổ, biết hết mọi điều, từ các loài đất đá cho đến cỏ cây hoa lá lẫn các giống động vật. Khi thầy thuốc đến, người ta dẫn ngay đến thăm lão. Thầy thuốc bắt đầu chẩn mạch, hỏi han lão đủ điều: lão quen sống ra sao, ăn uống thế nào, xưa này có mắc bệnh tật gì không. Lão mỉm cười trả lời từng câu một.
Sau hàng chuỗi các câu vấn đáp, lão mới tủm tỉm tiết lộ bí mật của mình. Thầy thuốc lắc đầu nói: "Ờ, ờ .. Ba ông vua với một đứa bé ở trong chuồng vật… Ờ nhỉ… Sao lại không thể được. Ờ ờ…".
Và ông thầy thuốc đành lắc đầu. Ông thầy thuốc nổi danh nhất đến chào bà vợ để ra về. Bà hỏi han với vẻ đăm chiêu lo lắng.
"Ông chồng của bà điên đấy! Nhưng là một thứ điên hiền lành, không có gì nguy hiểm. Bà đừng lo lắng gì. Ðiên đấy, nhưng rất hiền. Không cần thuốc thang gì hết. Chờ mấy bữa nữa xem thế nào…".
Azorin, văn hào Tây ban nha

25/12/2018

Chuyến đi Bêlem


Mặt trời đã lên cao. Kor dần dần định thần lại. Tuy chưa tỉnh hẳn nhưng em cũng nghe được giọng nói của một người đàn ông: "Thằng nhỏ còn yếu lắm, chưa đủ sức đi đâu. Ðem nó vào lều của ta".
Về sau, khi khỏe lại, Kor ngồi dậy và kể chuyện của mình cho Natanael, người thương gia giàu có và đại lượng đã cứu em.
"Con tên là Kor, Con rời xứ Phi châu với ông chủ của con. Tên ông là Rab Casper. Con luôn luôn đi theo ông chủ, nhưng khi đi qua sa mạc, bỗng nhiên một cơn bão cát nổi lên. Thế là con bị lạc, không biết ông chủ đi về hướng nào nữa. Sau đó, con lần mò đi, bị vấp phải hòn đá, té ngã xuống đất và con không nhớ gì nữa hết".
Natanael ôn tồn trấn an: "Chúc tụng Thiên Chúa, vì ta đã gặp thấy con trong vụng cát này. Ông chủ của con cũng là người da đen hả?"
- "Dạ phải. Ở xứ chúng con, tất cả mọi người đều da đen hết. Ông chủ con thạo chiêm tinh. Ông nói là một ngôi sao lạ đã hiện ra báo tin Con Thiên Chúa đã giáng trần. Vì vậy mà chúng con lên đường về Giêrusalem để đi hỏi thăm các nhà bác học xem Thánh tử ở đâu".
Người thương gia Do thái nhìn thẳng vào mắt thằng nhỏ. Phải chăng Vị Cứu tinh mà dân của ông trông đợi đã ra đời rồi sao ? Sau một chặp trầm ngâm, Natanael lên tiếng: "Biết đâu đấy … một nhà tiên tri đã đóan là Vị Cứu tinh một ngày kia sẽ ra đời ở Belem trong xứ Giuđêa".
Kor vội vã chộp lời: "Thế thì con sẽ đi Belem".
Natanel gật đầu ưng ý, và khi chia tay, ông trao cho Kor một tấm bản đồ nhàu nát và một con lạc đà. Natanel ôm chầm lấy Kor và dặn: "Ta chúc cho con tìm được ông chủ và Thánh nhi. Chúa ở cùng con".
Kor tiếp tục lên đường, trực chỉ Bêlem. Sau ba ngày ba đêm ròng rã, Kor thấy một giếng nước bên đường. Kor dừng lại nghỉ chân và giải khát. Bỗng nhiên một đòan người dữ tợn ào ra cướp con lạc đà của Kor và toan bắt láy em về làm nô lệ. Nhưng Kor liến thoắng vùng vẫy được và lủi trốn. Nhờ trời tối đen, Kor vụt thóat được, cắm đầu cắm cổ chạy nhanh đến nỗi bọn kia không đuổi kịp nữa. Tuy đã hụt hơi, Kor vẫn cứ chạy, miệng lầm thầm: "Tôi phải tới Belem, tôi phải tới Belem".
Chẳng may, Kor vấp phải hòn đá và té ngã lăn xuống đất. Lồm cồm bò dậy, Kor cảm thấy đau thấm thía nơi mắc cá và không thể nào đi được nữa. Kor sợ quá: "Làm sao đây? Mình cô thân cô thế, ở giữa đất xa lạ, biết cầu cứu ai?"
Lúc ấy Kor nhớ lại lời ông chủ thường nhắc đi nhắc lại rằng: "Cái sợ này sinh ra cái sợ kia. Nếu mình để cho cái sợ len vào nhà thì nó sẽ lôi theo cả bầy lâu la của nó: luống cuống, mất vía, thất kinh. Bởi vậy, hãy đuổi cái sợ đi! Phải làm chủ căn nhà của mình".
Kor dõng dạc lớn tiếng: "Ta làm chủ đây", và lập tức thấy an tâm. Ngó ngang ngó dọc, Kor thấy một cành cây. Kor lượm lấy và dùng làm nạng chống đi đường. Kor vất vả khập khiễng tiến về Belem.
Hôm sau, Kor đi vào một làng nhỏ. Kor gặp thấy một ông lão cũng què, đang ngồi ăn xin bên đường. Kor lễ phép hỏi ông: " Ông ơi, cháu đang đi tìm một em nhỏ mới sinh tại Belem. Ông có thể giúp cháu được không?"
Ông lão đáp: "Ở đây có nhiều đứa nhỏ mới sinh lắm. Lão chỉ biết một đứa con của hai ông bà quê quán từ Nazareth. Họ đang trọ gần đây". Và ông lão giơ tay chỉ một mái nhà ở cuối làng. Khi Kor đã đi rồi, ông lão còn nói vọng theo: "Chắc là đứa nhỏ mà mi đang tìm đấy".
Kor thấy trống tim đập mạnh vì hồi hộp. Liệu có thực là đứa bé đó hay không? Làm sao biết chắc được? Có dấu hiệu gì làm chứng?
Kor tới gần một thiếu phụ đang ngồi ru con. Giọng hát của bà êm dịu làm sao, khiến cho mọi đau khổ và mệt nhọc của Kor đều biến tan hết. Kor hiểu là đọan đường thiên lý đã tới đích rồi. Cặp mắt của em ứa trào giọt lệ, trong khi cặp môi để thóat ra tiếng xuýt xoa vì sung sướng. Người thiếu phụ ngẩng đầu lên, bỡ ngỡ vì thấy trước mặt một thằng nhỏ đen thui, áo quần tơi tả.
Thế rồi bà mỉm cười đưa Hài nhi cho Kor đang trố mắt nhìn. Kor sụp lạy thờ kính Hài nhi. Bà Maria ngạc nhiên hỏi em với giọng nhỏ nhẹ: "Làm sao con biết hài nhi ?"
- Con đến từ mãi tận một xứ xa xôi, cốt để tìm lạy Hài nhi. Nhưng, bà ơi, bà tha lỗi cho con vì con không mang theo một món quà nào hết.
Bà Maria cười sung sướng: "Thôi đừng lo chi. Tất cả nhọc nhằn của con khi trèo non vượt núi để đi tìm ngài là món quà quý báu nhất rồi".
Kor ở lại trong nhà bà Maria suốt ngày hôm ấy. Ðêm ấy, khi đang ngủ Kor tỉnh dậy vì nghe tiếng trò chuyện trong nhà. Thì ra đó là ông chủ của Kor cùng với hai nhà chiêm tinh khác. Họ đã theo ngôi sao lạ đến đây. Họ đang cung kính tiến dâng phẩm vật lên Hài nhi, kẻ mà bao thế hệ đang mong đợi.
Sưu tầm

Tư tưởng cần cho cuộc sống


Tôi thích lang thang trên mạng để gặp cái gì vui thì ghé vào xem. Internet cũng cung cấp một cái thú qua việc trao đổi thư từ với bạn bè, từ những chuyện cá nhân lãng xẹc đến chuyện nghiêm chỉnh như chính trị, văn hóa, xã hội, khoa học. Nhiều lúc lại cứ tưởng ngồi laptop hay bấm smart phone trên Facebook là “trên thông thiên văn, dưới thông địa lý”.

Sống trong thời đại công nghệ thông tin người ta cứ bảo là… “sống ảo” nhờ modem, wifi, 3G, 4G. Cứ tưởng là ảo mà lại có những lúc lại thấy đó là sự thật trần trụi 100 phần trăm. Có một anh bạn gửi email cho tôi kể chuyện “đời người” mà anh lượm trên net.

Anh viết, có một con cáo già thấy con gà mái hoa mơ trong sân thì thèm thuồng nhỏ dãi. Hàng rào để đột nhập vào sân lại quá kín, cáo ta phải nhịn ăn mất 3 ngày cho ốm bớt mới lọt vào được. Ăn xong thì cái bụng của anh to quá nên không ra được. Thế là lại phải nhịn ăn 3 ngày để thân hình trở lại mảnh mai như lúc chui vào!

Cuối cùng thì mới lòi ra cái triệt lý: đời người lúc sinh ra trần truồng, sau một đời mưu sinh vì “cơm-áo-gạo-tiền” đến lúc chết cũng ra đi với hai bàn tay trắng. Chẳng mang được gì theo ngoài cái thân xác của trẻ sơ sinh.

Của cải, danh vọng cứ tưởng như “thực” trong cuộc sống bỗng chốc biến thành “ảo” lúc từ giã cõi đời. Dùng tuổi trẻ để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được tuổi trẻ. Dùng mạng sống để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được mạng sống. Dùng hạnh phúc để đổi lấy tiền, nhưng tiền lại không mua lại được hạnh phúc. Dùng thời gian để kiếm tiền, nhưng tiền lại không mua lại được thời gian.

Giả sử trên cõi đời này có một ngân hàng mỗi buổi sáng nhập vào tài khoản của bạn 86.400 USD với điều kiện số dư trong tài khoản không được phép chuyển từ ngày này qua ngày khác. Mỗi buổi chiều, ngân hàng sẽ hủy bỏ hết số dư còn lại mà bạn đã không tiêu hết trong ngày.

Chắc chắn bạn sẽ phải tìm cách sử dụng hết số tiền đó. Chuyện tưởng tượng là “ảo” nhưng sự thật là chúng ta mỗi người đều có một ngân hàng như vậy. Đó là ngân hàng cung cấp “Thời Gian” 86.400 giây trong một ngày chứ không phải là… “Tiền bạc”.

Cho dù dùng cả cuộc đời để có được tất cả tiền bạc của cả thế giới này, nhưng tiền bạc cũng không mua lại được cuộc đời của bạn. Thế cho nên, những lúc nên làm việc thì hãy làm việc, những lúc nên nghỉ ngơi thì hãy nghỉ ngơi. Vui vẻ làm việc, tận hưởng cuộc sống, trân quý tất cả những gì mà mình có được. Hãy yêu thương những người mà bạn yêu thương, vui vẻ mà sống trọn… từng ngày.

 Sống một ngày vui vẻ là sống được một ngày. Sống một ngày buồn tẻ cũng là sống được một ngày.. Cứ thế cho đến ngày cuối cùng của cuộc đời. Đó đúng là một thứ triết lý “vụn”. Vụn nhưng “thật” chứ không “ảo”.
Sưu tầm

Chúc Mừng Giáng Sinh

Kính Chúc các Anh Chị và các Bạn.
Một mùa Giáng Sinh AN LÀNH, VUI VẺ, HẠNH PHÚC
Trong TÌNH YÊU THƯƠNG CHÚA GIÊSU HÀI ĐỒNG 




22/12/2018

NỤ HÔN CHO ÔNG GIÀ NOEL LÀM THUÊ


Câu chuyện xảy ra đã hơn năm năm nhưng tôi vẫn nhớ như in món quà mà một cô bé đã tặng tôi mùa đông năm ấy, một mùa Giáng sinh lạnh lẽo nhưng ấm áp tình người.

Tháng mười hai, trời ở miền Bắc mưa rả rích kèm theo cái lạnh như cứa vào da thịt.  Khoảng không gian chật hẹp của căn gác nhỏ không làm dịu được nỗi buồn và cảm giác nhớ nhà.  Noel này cả lớp tôi lại lên kế hoạch đi chơi nhưng giờ mẹ vẫn chưa gửi tiền.  Chắc mùa này quê mình lại bão lụt nhiều nên gia đình không thu hoạch được gì.

Sáng qua, mấy đứa cùng xóm trọ mách nhau chuyện làm thêm cho các tổ chức từ thiện.  Mấy đứa rủ nhau đi kiếm việc.  Công việc không nặng lắm nhưng khá mất thời gian bởi tôi và Hải vào vai hai ông già Noel.  Chúng tôi xuất phát từ nhà lúc sáu giờ tối và về cũng phải sau nửa khuya.  Có hôm làm ở trung tâm bảo trợ trẻ em nghèo, có hôm làm ở hội người tàn tật, cũng có khi là các trại mồ côi.

Những ngày cận kề Giáng sinh chúng tôi lại càng phải đi nhiều.  Hôm đứng ở cổng trường tiểu học vùng ven ngoại thành, trời đã khuya lắm rồi nhưng có một cô bé vẫn chưa về.  Bé nhìn tôi chằm chằm nhưng không dám tiến lại gần.  Tôi đến cạnh bé, hỏi nhỏ: “Cháu sao vậy?”  Bé cười, đôi mắt vẫn còn nhiều niềm vui: “Ông già Noel ơi, có phải đứa trẻ nào học giỏi mới nhận được quà?  Sáng nay cháu bị điểm kém môn toán, cháu sợ không có quà.”  Tôi cười nhẹ: “Không đâu, ông cho tất cả.  Nhưng nếu cháu nào ngoan thì ông sẽ vui hơn.”  Bé ngạc nhiên, nhìn sang tôi, nhìn cả Hải: “Vậy là cháu đã làm hai ông buồn rồi à?”

Bé khóc, những giọt nước mắt nóng hổi rớt đầy trên tay tôi.  Hình như trong suốt buổi tối qua, vì quá mệt nhọc mà chúng tôi quên mất nở nụ cười với nhiều đứa trẻ, trong đó có bé.  “Thôi, cháu nín đi.  Hai ông già này không buồn đâu, nhưng cháu phải cố gắng hơn nhé.”  Bé cười, đôi mắt vẫn còn ngân ngấn nước: “Vậy đi phát quà cho trẻ em, hai ông có nhận được quà của ai không?”  Hải bước tới: “Không, hai ông chỉ đem quà và giúp các cháu thực hiện ước mơ thôi.  Là ông già Noel rồi thì cần gì nữa.”

Bé đi lại gần tôi, gần Hải: “Cháu tặng hai ông nhé,” rồi hôn nhẹ nhàng lên má của chúng tôi.  Hai đứa ngớ người ra nhưng vẫn không quên nở nụ cười với bé trước khi bé đi mất.  Cảm giác ấm áp lan tỏa trên má tôi, rồi cả người.  Một chút vị ngọt ngào xen lẫn niềm thích thú.  Tôi chợt nghĩ chưa bao giờ mình ước cho bản thân một món quà gì đó.  Hình như tuổi thơ của tôi đã qua và chuyện ông già Noel đã chìm vào quá khứ lâu lắm rồi.

Thì ra không phải cứ mặc bộ trang phục đỏ trắng, phát quà cho trẻ em là mình đã tròn vai ông già Noel.  Ông già Noel chỉ hiện hữu thật sự khi chúng ta được giao cảm với nhau.  Sự chia sẻ tình người không chỉ là những hộp quà phát vội mà còn là những nụ hôn hồn nhiên và giàu ý nghĩa.  Cảm ơn cô bé dễ thương đã cho những “ông già Noel” làm thuê như chúng tôi một kỷ niệm thú vị trong mùa Giáng sinh.

Tâm Vũ (Huế)

17/12/2018

HÃY LÀM KHI CÓ THỂ



Bạn có từng nghĩ rằng, một ngày nào đó, những người thương của bạn sẽ không còn sống bên bạn nữa không? Chúng ta không một ai có thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào ngày mai. Thậm chí, chúng ta cũng không thể biết chắc được điều gì sẽ xảy ra vào một giờ sắp tới, đối với những người thân của chúng ta, hay thậm chí, đối với bản thân mình.
Có thể bạn ta mới đến thăm ta ngày hôm qua, mà hôm nay, ta được báo tin là người đó đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Nhận được tin ấy, lòng ta bồi hồi xúc động, và ta dường như không thể tin vào những gì mà tai mình vừa mới nghe thấy. Ta nói với người đến báo tin với ta rằng: Tôi mới nói chuyện với anh ấy ngày hôm qua mà, hay: Chị ấy mới đến thăm tôi và còn tặng quà cho tôi nữa mà Nhưng sự thật vẫn là sự thật. Người bạn ấy của ta đã không còn sống trên cõi đời này nữa. Và có rất nhiều, rất nhiều trường hợp tương tự như thế. Người ta mới thấy đó, nhưng giờ đây đã không còn nữa.
Khi chúng ta giao tiếp, cư xử với người xung quanh với ý thức rằng, có thể ngày mai, ta sẽ không có cơ hội nghe được giọng nói của người đó nữa; có thể ngày mai, ta sẽ không còn thấy được nụ cười tươi trên khuôn mặt người đó nữa; thì tự nhiên ta sẽ trân quí sự có mặt của người đó, và ta sẽ không nỡ nói hay làm những gì có thể gây tổn thương cho người đó.
Người đó có thể là ba mẹ chúng ta. Người đó có thể là chồng hay là vợ của chúng ta. Và người đó cũng có thể là con cái chúng ta. Người đó cũng có thể là người yêu của chúng ta… Chúng ta sống với ý thức về sự vô thường, ngắn ngủi của một kiếp người càng sâu sắc, thì cách sống của chúng ta, cách hành xử của chúng ta cũng sâu sắc và yêu thương hơn.
Mỗi người trong chúng ta hay có khuynh hướng nghĩ rng, những người thương của chúng ta sẽ sống với chúng ta hoài, sẽ sống với chúng ta mãi. Chúng ta ít có khi nào nhớ rằng, có thể chỉ sau một đêm thôi, ta sẽ mãi mãi không còn gặp người ấy nữa… Ta muốn nói những lời xin lỗi với người ấy, ta muốn bày tỏ lòng biết ơn của ta với người ấy, hay ta muốn thể hiện tình thương của ta cho người ấy…; nhưng đã trễ rồi. Người đó đã không thể nghe, và mãi mãi sẽ không thể nghe những gì ta muốn nói, dù chỉ một lời.
Vì vậy, bạn hãy vui lên đi, bạn hãy cười tươi lên đi khi bạn vẫn có ba, có mẹ còn sống bên bạn! Bạn hãy hạnh phúc lên đi, khi những người thương của bạn vẫn còn đó cho bạn! Và bạn hãy can đảm, để nói cho người thương của bạn những gì sâu kín nhất trong lòng của mình! Vì có thể bạn sẽ chẳng còn cơ hội nào nữa, nếu bạn không nói ra điều ấy. Và bạn hãy tha thứ cho tất cả những ai đã từng làm hại bạn, làm tổn thương bạn! vì có thể ngày mai, bạn cũng sẽ không còn có mặt trên cõi đời này nữa.
Điều tôi khám phá ra trong cuộc đời của mình cho đến tận bây giờ, điều làm cho tôi hạnh phúc nhất, đó là tình thương, sự tha thứ bao dung. Có thể tôi thực tập yêu thương còn kém, có thể sự tha thứ, bao dung trong tôi còn kém, nhưng đó là con đường mà tôi nguyện sẽ đi trên ấy mỗi ngày… Tôi tự nói với chính mình: “Hãy thương yêu khi có thể! Hãy tha thứ, bao dung khi có thể! Bởi vì chỉ một giây phút nữa thôi, những điều này sẽ trở thành không thể.”
Và điều làm cho tôi hạnh phúc nhất không có gì khác hơn, sau khi bạn đọc những dòng chữ này, thì sự thương yêu, tha thứ, bao dung trong bạn được biểu hiện. Và bạn đến nói với Ba bạn, Mẹ bạn, và với những người thương của bạn rằng, bạn yêu họ lắm!  Rằng Ba Mẹ vẫn còn sống bên bạn là hạnh phúc lớn nhất của cuộc đời bạn. Rằng bạn sẽ không cần gì hơn những điều như vậy. Rồi nụ cười hạnh phúc sẽ nở trên môi của bạn, và khi đó, bạn cũng biết rằng, nụ cười hạnh phúc ấy cũng đang nở trên môi của tôi….
 Sưu tầm