Người cán bộ thuộc một học viện lớn chìa cho tôi bộ hồ sơ: “Anh xem đây này, lãnh đạo mà không gương mẫu”.
Đó là đơn tố cáo của một phó giáo sư. Là phó giáo sư, vị đó phải có
bằng tiến sĩ. Là tiến sĩ phải có trình độ ngoại ngữ tương đương bằng C
như tiêu chí đã quy định. Nhưng vị này tuyệt nhiên không thể giao tiếp
những câu hỏi tiếng Anh đơn giản như “What is your name? How are you?”.
Có khách nước ngoài đến, ông cuống lên gọi tìm phiên dịch.
Có học hàm phó giáo sư, ông nghiễm nhiên được hưởng phụ cấp ưu đãi nhà
giáo 45% lương cơ bản và phụ cấp thâm niên. Phó giáo sư phải tham gia
giảng dạy, nhưng vị này không hề đứng lớp. “Không đứng lớp sao vẫn được
phong hàm phó giáo sư?”, tôi hỏi. “Ông đăng ký lịch giảng dạy, ký tên,
nhưng thực tế thì người khác lên lớp giảng. Ông thuê ”, anh giải thích.
Tôi “đòi” bằng chứng. Cán bộ học viện nói, việc thanh toán giảng dạy cao
học là thanh toán trực tiếp. Cả phòng tài vụ đều khẳng định vị lãnh đạo
của mình không có bất cứ hóa đơn, giấy tờ thanh toán tiền giảng dạy
nào.
Đó chỉ là chuyện cáo buộc, đúng sai sẽ phải chờ các cơ quan có trọng
trách “rà soát” và kết luận. Nhưng vấn đề là lời tố cáo, rất nghịch tai,
phó giáo sư mà không biết ngoại ngữ cơ bản, nhưng người ngoài cuộc lại
muốn tin luôn, truyền tai đi khắp nơi. Bởi vì đang có một cơ chế cho
phép chuyện nghịch lý như thế hình thành.
Bạn tôi, một người thông thái và hiểu biết, có điều kiện thăng tiến
nhưng không có học hàm học vị nào. Tôi hỏi: “Ông giỏi lại rảnh, sao
không làm cái bằng tiến sĩ?”. Anh cười khà khà: “Vì nhiều người nghĩ nó
oách nên tôi mới có đất sống”. Thì ra, anh là người rất quan trọng của
“giới học vị”. Muốn có giáo sư, phải có tiến sĩ. Muốn làm tiến sĩ, phải
thi đầu vào. Điểm thi đầu vào được tính gồm cả số lượng các bài viết,
công trình nghiên cứu được đăng trên tạp chí khoa học. Song, nhiều người
không thể viết nổi một bài báo chuyên ngành của mình, họ phải đi thuê.
Bạn tôi bảo, gần chục năm qua anh làm không hết việc vì đám khách hàng
đông đảo này. Không chỉ viết bài giúp các nghiên cứu sinh, anh còn nhận
thêm việc viết luận văn, thậm chí là viết đề tài nghiên cứu khoa học
không giới hạn chủ đề, lĩnh vực. Giá một sản phẩm từ 5 triệu đến cả trăm
triệu đồng. Thị trường sôi động nhiều năm qua, bạn tôi kiếm được bộn
tiền còn khách hàng của anh hoan hỉ vì kiếm được học hàm, học vị.
Khi sự lạm phát học hàm học vị đang được xôn xao bàn cãi, tôi nhận được
cú điện thoại của Giáo sư Nguyễn Tiến Dũng từ Đại học Toulouse, Pháp.
Giáo sư Dũng bức xúc, ông thấy vô lý nhất trong việc phong giáo sư ở
nước ta là chuyện tính điểm công trình nghiên cứu. Công trình nghiên cứu
là thứ mà ai cũng có thể đứng tên, đảm nhận rồi có thể thuê hoặc nhờ
người làm hộ mà không bị vạch trần. Còn luận văn thì có “chợ” công khai
hẳn hoi, ai cũng có thể ra đó để mua với đủ các thể loại.
Những cách đo đếm thành tích theo kiểu “sao, gạch” tưởng như chỉ có ở
chiến trường nay còn được áp dụng với tri thức. Nó gián tiếp sinh ra một
thị trường, học hàm học vị và cái nghề như của anh bạn tôi, vốn rất phi
lý nhưng công chúng ai cũng… hiểu.
Ở phương Tây, học hàm giáo sư, phó giáo sư chỉ dành cho những người làm
công tác giảng dạy và nghiên cứu. Trường nào có nhu cầu phong tặng danh
hiệu cho ai sẽ lên danh sách, công khai và gửi những vị chức sắc tầm
quốc gia đưa ra ý kiến. Các vị này sẽ đề nghị giữ hay gạt đi những cái
tên theo họ chưa đủ tiêu chuẩn. Những cái tên còn lại, căn cứ vào năng
lực chuyên môn sẽ phải chịu một cuộc sát hạch do trường tổ chức. Hội
đồng sát hạch gồm người của trường và nhiều giáo sư danh giá bên ngoài.
Các ứng viên phải thể hiện được sự am tường về chuyên môn, sự thông thái
trong học vấn mới có thể qua cửa ải này. Kết quả của kỳ sát hạch được
công bố rộng rãi nhiều nơi. Nếu ai đó trong danh sách bị công chúng phát
hiện có dấu hiệu không trung thực sẽ bị gạt ra lần nữa trước khi được
phong học hàm chính thức.
Tính đến cuối năm 2017, cả nước đã có hơn 10.000 giáo sư và phó giáo
sư, một con số lớn hơn rất nhiều quốc gia khu vực. Song điều đáng suy
nghĩ là những công trình nghiên cứu khoa học hay phát minh sáng chế được
công bố lại thuộc loại thấp nhất trong vùng.
Theo Cục Sở hữu trí tuệ, Bộ Khoa học và Công nghệ, số văn bằng bảo hộ
cấp cho sáng chế là 1.746 trong năm 2017. Số bằng sáng chế được cấp ở
Việt Nam trong 5 năm gần đây tăng 60%, nhưng mới chỉ bằng 1/3 của Thái
Lan, 1/11 của Malaysia, 1/30 của Singapore, 1/1240 của Hàn Quốc và
1/3.170 của Trung Quốc.
Trong khi đó thì báo chí trong nước dành một thời lượng lớn để nói về
các phát minh trong nhân dân. Từ máy ép củi trấu, hệ thống phun tưới tự
động, máy gieo hạt, tẽ ngô, bóc lạc, máy gặt đập liên hợp đến mô hình
trực thăng, tàu ngầm… đều từ những cái đầu và con tim của những người
lao động chân đất.
Học vấn của họ cách xa thăm thẳm những học hàm, học vị được in to và bôi đậm trên các loại danh thiếp.
Phan Thế Hải
Thăm Fa,chúc bạn sức khỏe,luôn có nhiều niềm vui !
Trả lờiXóahttp://toursdulichdalat.com/wp-content/uploads/2016/08/ho-xuan-huong-da-lat.jpg
XóaCám ơn anh Đức Quỳnh. Chúc anh luôn mạnh khỏe.