“Le Pénitencier” là một trong những bản nhạc phóng tác cực kỳ ăn khách của Johnny Hallyday. Bài hát từng được diễn nhiều lần trên sân khấu và ghi âm hai lần trong phòng thâu (1964 & 1982). Bản nhạc rock này chẳng những được dịch sang nhiều thứ tiếng mà còn có khá nhiều lời : trong tiếng Pháp có hai phiên bản của tác giả Hugues Aufray, còn trong tiếng Việt có đến ba lời khác nhau.
Bản ghi âm lâu đời nhất là vào năm 1934 của Clarence Tom Ashley, nhưng vào lúc ấy bản nhạc vẫn còn mang tựa đề “The Rising Sun Blues”. Bài hát kể lại câu chuyện của một cô gái nhẹ dạ cả tin, bỏ nhà đi theo tình nhân tới thành phố New Orleans, do gã đàn ông có máu rượu chè cờ bạc, cho nên cô gái bị sa vào kiếp bán phấn buôn hương trong một thanh lâu tên là “The Rising Sun”.
Mãi tới gần một thập niên sau, vào năm 1941, lần đầu tiên bản nhạc này được đổi tên thành “The House of the Rising Sun” qua phiên bản ghi âm của ban nhạc Almanach Singers ở New York. Các nghệ sĩ nổi tiếng khác của làng nhạc folk như Joshua White, Lead Belly hay Woody Guthrie cũng có ghi âm lại bài này vào năm 1943 nhưng dưới tựa đề “In New Orleans”.
Sau hàng loạt phiên bản ghi âm (Esco Hawkins, Harriet Elisabeth, Dave Van Ronk, Bob Dylan, Joan Baez, Nina Simone ......), rốt cuộc phiên bản nổi tiếng nhất trên thế giới vẫn là bản cover với một số đoạn chỉnh sửa của ban nhạc rock người Anh The Animals. Ngoài chất giọng đặc biệt của ca sĩ chính Eric Burdon, nhóm The Animals còn biểu diễn bài này với một phong cách khác lạ, thay vì mộc mạc bình dị như bản nhạc folk nguyên thủy, bài hát lại đậm đặc chất rock.
Có lẽ cũng vì The Animals đã chọn ghi âm bài này với tựa đề “The House of the Rising Sun”, cho nên một khi trở nên nổi tiếng, giai điệu bài hát gắn liền với hình ảnh Căn nhà trong ánh bình minh, và làm lu mờ hẳn các phiên bản ghi âm khác (The Rising Blues hay là In New Orleans).
Sau khi ngự trị trên thị trường quốc tế, “The House of the Rising Sun” phiên bản năm 1964 của The Animals, du nhập vào Việt Nam và trở nên quen thuộc với giới yêu nhạc. Trong tiếng Việt, có ít nhất ba phiên bản của ba tác giả khác nhau. Tác giả đầu tiên đặt lời Việt cho bài này là nhạc sĩ Khánh Băng. Tựa đề bản nhạc của ông mang một hình ảnh rất Việt Nam là “Chiều Vàng Với Mái Nhà Tranh”.
Lời Việt thứ nhì là của tác giả Anh Tuấn, chú trọng vào nội dung nhiều hơn là ngữ điệu, cách đặt lời gần sát hơn về mặt ý tứ câu chữ, nhưng vẫn còn một số điểm bất cập khiếm khuyết : sáng tác có thể ‘‘thuận tay’’, nhưng nghe chưa được ‘‘xuôi tai’’. Lời Việt thứ ba là của nhạc sĩ Lê Xuân Trường, “The House of the Rising Sun” được tác giả chuyển thành “Căn Nhà Trong Ánh Bình Minh”, và hầu hết các phiên bản ghi âm tiếng Việt sau này đều chọn “Căn Nhà Trong Ánh Bình Minh” nhiều hơn là “Chiều Vàng Với Mái Nhà Tranh”, chẳng hạn như phiên bản đậm chất rock phiêu diêu của ca sĩ Ngọc Bích.
Trong tiếng Pháp, “The House of the Rising Sun” nổi tiếng nhờ phiên bản phóng tác của Johnny Hallyday đề tựa ‘‘Le Pénitencier’’ (có khi được ghi là ‘‘Les Portes du Pénitencier’’ - Cổng Nhà Tù). Bài này sau đó được nhiều ca sĩ Pháp ghi âm lại. Bản nhạc thành công nhờ cái tài phóng tác của nam ca sĩ Hugues Aufray và nữ tác giả Vline Buggy.
Trong làng nhạc Pháp, Hugues Aufray nổi tiếng là nghệ sĩ đầu tiên phóng tác thành công các bản nhạc của Bob Dylan. Có lẽ cũng vì thế mà ông được giao trách nhiệm dịch sang tiếng Pháp “The House of the Rising Sun” cho thần tượng nhạc trẻ số 1 ở Pháp thời bấy giờ là Johnny Hallyday. Theo lời kể của Hugues Aufray, ông chỉ có 24 tiếng đồng hồ để phóng tác bản nhạc này, trong khi ông đang bận đi diễn ở Thụy Sĩ. Cũng may cho ông, trong số các đồng nghiệp đi cùng với ông có nữ tác giả Vline Buggy. Cả hai tác giả thức trọn đêm để nộp bài cho đúng thời hạn. Họ làm việc tại khách sạn Rochemont ở thành phố Genève, nhưng loay hoay mãi vẫn không tìm được một bản dịch vừa ý.
Theo Hugues Aufray, Johnny Hallyday là thần tượng của giới trẻ Pháp thời bấy giờ, thế nhưng đa số các fan đều là giới trẻ ở độ tuổi vị thành niên, cho nên rất khó thể nào mà dịch sát lời bài hát do “The House of the Rising Sun” nói về một nhà chứa. Đến gần rạng sáng, nhóm sáng tác mới tìm ra ý tưởng của ‘‘Cánh cửa nhà tù’’. Những thanh niên phạm pháp buộc phải từ giã mẹ hiền cũng như người yêu, một khi họ bị kết án. Hình ảnh cuối cùng mà họ thấy là Cổng Nhà tù đang dần khép lại. Chàng thanh niên cảm thấy hối hận vì đã làm cho người mẹ khổ đau, làm cho người yêu phải rơi nước mắt.
Phiên bản tiếng Pháp ‘‘Le Pénitencier’’ khi được phát hành vào tháng 10 năm 1964, phá kỷ lục số bán và giúp cho Johnny Hallyday lột xác thay đổi hình ảnh, trở thành một rocker theo đúng nghĩa, vay mượn hình ảnh nổi loạn của thần tượng James Dean nhiều hơn là của Marlon Brando. Bản thân của Hugues Aufray cũng ngạc nhiên trước sự thành công ngoạn mục của bài hát, nhưng trong thâm tâm ông chưa thật sự vừa ý. Có lẽ cũng vì thế mà nhiều thập niên sau, ông chấp bút sáng tác một phiên bản thứ nhì đề tựa ‘‘L’Hôtel du Soleil Levant’’ mà về giai điệu cũng như ca từ đều gần sát hơn với nguyên tác.
Cách đây vài năm, khi thực hiện tập nhạc ‘‘Troubador Since 1948’’, Hugues Aufray đồng ý ghi âm lại cả hai phiên bản ‘‘Le Pénitencier’’ cùng với bài ‘‘L’Hôtel du Soleil Levant’’. Tác giả hy vọng là vào năm 2014, nhân dịp 50 năm ngày phát hành nhạc phẩm “The House of the Rising Sun”, ông sẽ thuyết phục được bạn đồng nghiệp Johnny Hallyday ghi âm phiên bản phóng tác thứ nhì, mà theo ông có nhiều ý nghĩa hơn phiên bản đầu tiên.
Rốt cuộc dự án này thất bại. Johnny từ trần cuối năm 2017 vì bạo bệnh. Bản thân Hugues Aufray năm nay đã gần 90 tuổi, vẫn giữ lại nhiều kỷ niệm đẹp. Hai người từng biểu diễn với nhau tại nhà hát Olympia vào năm 1964, Hugues Aufray cũng là nghệ sĩ duy nhất ghé thăm Johnny trong thời gian anh thi hành nghĩa vụ quân sự tại Đức. Trong cả hai lối phóng tác ngẫu hứng tự do hay trung thành với nguyên tác, Hugues Aufray đã thành công trong việc chuyển ngữ một trong những ca khúc hay nhất của dòng nhạc blues rock đầu những năm 1960, tiêu biểu cho lớp trẻ thời bấy giờ, cứng đầu nên khó bảo, bướng bỉnh nên bất trị.
Tuấn Thảo
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.