II. GIA ÐÌNH
Sinh con mới ra thân người
Làm ăn thịnh vượng đời đời ấm no
Liên từ ‘mới‘ giới thiệu một sứ mệnh sẽ đạt thành, một
kết quả sẽ hái được. Sứ mệnh và kết quả này tùy thuộc vào những nguyên nhân
tiên quyêt ở trước. Hai kết quả hay sứ mệnh sẽ đến là sinh được con cái được
dậy dỗ đầy đủ để ra thân người và có công ăn việc làm phát đạt để ấm no suốt
đời cha con. Hai kết quả này tất nhiên sẽ đạt được, nếu có hai nguyên nhân
trên, là vợ chồng chung thủy và gia đình hoà thuận hạnh phúc. Nói khác đi, nếu
vợ chồng chung thủy và gia đình hoà thuận hạnh phúc thì mới có được con
cái thành ngưới và làm ăn phát đạt ấm no đời đơi.
3. Sinh con
mới ra thân người
Sinh con. Chúng ta lưu ý ở đây một
sự kiện mới đã xuất hiện : sự sinh con. Tên gọi vợ chồng đã được thay đổi bằng
tên gọi cha me. Định chế hôn nhân vợ chồng đã được hoàn hảo bằng định chế gia
đình. Không phải ngẫu nhiên mà câu thơ thứ nhất dùng chữ ‘vợ chồng’, đến câu
thơ thứ hai dùng chữ ‘nhà’ và để câu thơ thứ ba dùng chữ ‘sinh con’.
Sinh con là một trong cửu tự cù lao, chín chữ siêng năng khó
nhọc của bậc cha me : cha sinh (sinh), mẹ đẻ (cúc), vỗ về (phủ), dậy dỗ cho
khôn ngoan (dục), trông nom (cố), quấn quít dấu yêu (phục), nâng đỡ nhắc bảo
(phủ), nuôi dưỡng cho lớn (súc), và bồng bế (phúc). Cửu tự cù lao đồng nghĩa
với việc giáo dục hiểu theo nghĩa rộng, mà việc sinh sản là khởi đầu.
Theo sinh học thì sinh con là việc tự nhiên. Theo tâm lý xã hội
học thì sinh con là một nhu cầu truyền sinh để bảo vệ dòng giống. Theo đạo lý
Việt Nam thì sinh con là một điều quí, mà ai cũng mong muốn có và có nhiều. Bởi
vậy, mới có lời chúc ‘tam đa’, ‘ngũ phúc’ vào dịp cưới hỏi và được lặp lại hằng
năm vào dịp tết nhất. Ba cái nhiều ta hằng chúc nhau là ‘đa tử, đa tôn, đa phú
quí’, nhiều con, nhiều cháu, nhiều giầu sang. Năm cái phúc ta vẫn mong là ‘phú,
quí, thọ, khang, ninh’, giầu có, sang trọng, sống lâu, khoẻ mạnh và bình an.
Ra thân người. Có con là
điều tốt, có nhiều con là điều tốt hơn. Nhưng có con thành thân thành người mới
là chính yếu quan trọng. Muốn được thế, cha me phải làm sao cho chúng ‘ra’.
Chữ ‘ra’ nghĩa thứ nhất là ‘ra khỏi’ như ‘ra khỏi nhà’. Nghĩa thứ hai là ‘trở
nên, trở thành, hoá ra’. Chữ ‘ra’ này không gì khác hơn là chữ ‘giáo dục’
mà ta dùng hiện nay. Giáo dục, như chữ ‘ra’, đầu tiên có nghĩa là việc làm cho
ta ra khỏi sự tối tăm, dốt nát, non dại, và sau đó đưa ta trở thành thông bác,
khôn ngoan, đạo đức. Sinh con là một phúc đức của vợ chồng và giáo dục con
thành thân thành người là bổn phận của cha mẹ. Mục tiêu giáo dục con cái mà cha
mẹ ở gia đình phải đạt đến là thành thân thành người.
Thân người. Chữ ‘thân’ trước
nhất chỉ thân xác, thân thể, hình dáng thể lý. Giáo dục bởi vậy đầu tiên phải
chú trọng đến thân xác, sao cho phát triển, khoẻ mạnh, lành lặn. Không lạ gì
khi việc nuôi cho ăn uống để lớn lên là một trong những việc được kể ra trong
cửu tự cù lao. Bảo rằng giáo dục Á Đông lãng quên giáo dục thể lý là bày tỏ một
sự thiếu hiểu biết về tư tưởng Việt Nam và Á Đông.
Chữ ‘thân’ còn có nghĩa là bản thân mình, nhân vị mình, như
trong các chữ ‘thân kỷ’, ‘thân phận’. Và từ đó ám chỉ những tương quan thân cận
của mình với những người khác như ‘thân gia, thân quyến, thân thích, thân
thuộc, thân tộc, thân tu,...’. Giáo dục bởi vậy, thứ đến , phải chú trọng đến
tâm linh, nhân vị, luân lý và tình cảm.
Chữ ‘người’ bày tỏ một tính chất độc đáo của loài người.
Ca dao Việt Nam diễn tả tính chất độc đáo của loài người như sau. Xin trích vài
câu làm mẫu :
Đã sinh ra kiếp ở đời,
Trai thời trung hiếu đôi vai cho tròn.
Gái thời trinh tịnh lòng son,
Sớm hôm gìn giữ kẻo còn chút sai
Trai lành gai tốt ra người
Khuyên con trong bấy nhiêu lời cho chuyên
Làm người phải biết cương thường
Xem trong ngũ đẳng, quân cương ở đầu
Có thể bảo rằng tính chất tâm linh là nét độc đáo nhất của con
người. Chỉ con người mới có thể có hành động tâm linh. Nhưng chữ tâm linh không
chỉ giới hạn vào luân lý, đạo đức, nhưng còn bao hàm cả nghề nghiệp, trí tuệ và
quốc gia, xã hội nữa. Trong sách Đại Học, thầy Tăng Tử thâu góp những lời dậy
của Đức Khổng Tử, soạn thành hai chương, để dạy người ta sống cho đúng là người.
Trước nhất là ‘Tam cương lãnh’, tức là ba điều cốt yếu tổng quát mà lúc nào, ở
đâu và ai ai cũng phải lưu ý. Đó là ‘minh đức’ : sửa tính cho sáng, ‘tân dân’ :
dậy dân phong hoá cho mỗi ngày mỗi mới mẻ và ‘chỉ chí thiện’ : cho đến mức tốt
đẹp nhất. Rồi đến ‘Bát điều mục’, tức là tám đìều áp dụng thực tế và theo
chuyên biệt khu vực. Ðó là ‘cách vật’ : học điều gì phải cho đến nơi, ‘trí tri’
: biết điều gì phải cho đến chốn, ‘thành ý’ : ý tưởng phải cho thành thật,
‘chánh tâm’ : để bụng việc gì phải cho ngay thẳng, ‘tu thân’ : tu sửa bản thân,
nhân vị mình, ‘tề gia’ : điều khiển, cư xử việc nhà cho ổn thoả, có gia phong,
‘trị quốc’ : lo việc mình cho phải phép để nước được thịnh trị và kỷ cương,
‘bình thiên hạ‘ : góp phần lo cho thiên hạ được thái bình.
Chữ ‘người’ ở đây, bởi vậy, nói theo kiểu ngày nay, bao gồm bốn
khía cạnh lý tưởng giáo dục không thể thiếu được. Đó là trí dục, đức dục, xã
dục và dậy nghề.
‘Sinh con mới ra thân người’ là xác định bổn phận thứ ba của hôn
nhân và sứ mệnh thứ nhất của gia đình : sứ mệnh phải giáo dục con cái ‘cho ra
thân người’. Giáo dục thân thể, giáo dục nhân vi, giáo dục tình cảm, giáo dục
lý trí, giáo dục đức tính, giáo dục công dân xã hội và giáo dục nghề nghiệp.
Thăm Fa được đọc bài viết hay.
Trả lờiXóaChúc bạn an lành,hạnh phúc !
http://nhatkyphaidep.com/wp-content/uploads/2014/09/nhung-sai-lam-pho-bien-trong-cach-nuoi-day-con.jpg
XóaCám ơn anh Đức Quỳnh.
Chúc gia đình anh đầm ấm, vui vẻ.