“Công cha
như núi Thái Sơn
Nghĩa mẹ
như nước trong nguồn chảy ra
Một lòng
thờ mẹ, kính cha
Cho tròn
chữ hiếu mới là đạo con.”
(Ca dao tục
ngữ)
“Làm con phải
hiếu!” Nhưng thế nào là “thờ mẹ, kính cha” ? Làm sao để giữ được “cho tròn chữ
hiếu”? Đây là một trong những bất đồng và thử thách đối với nhiều cặp
vợ chồng trẻ vì không nắm vững ý nghĩa của chữ “hiếu” trong bối cảnh khác nhau
cũng như đổi mới về văn hóa, phong tục, và tập quán. Đặc biệt, những gia đình
trẻ với ảnh hưởng của văn hóa “tiểu gia đình” như hiện nay. Do đó, ảnh hưởng
cũng như sự xuất hiện của cha mẹ hai bên đã gây nên những tranh chấp đưa đến
nhiều cuộc hôn nhân đổ vỡ. Câu truyện sau đây là bằng chứng cho thấy có sự lạm
dụng về phía cha mẹ, và cắt nghĩa sai lạc về phía con cái liên quan đến chữ hiếu.
Câu truyện bắt
đầu bằng một cuộc tình mà chỉ sau khi hai vợ chồng chung sống với nhau được 3
tháng đã mang lại không biết bao cuộc cãi vã, giận hờn, để rồi sau 6 năm giằng
co, chịu đựng cả hai đều cho biết là họ đang nghĩ đến việc ly dị.
Chàng trai
trẻ ở Mỹ về chơi thăm quê hương, và được mối mai cho một người con gái. Họ đã
có cảm tình ngay sau lần gặp mặt. Người con gái lúc đó là con một gia đình đạo
đức, còn người con trai là một Việt kiều có trình độ đại học. Qua nhiều thử
thách, nhiều lần đi về giữa Mỹ và Việt Nam, cuối cùng chàng đã cưới được nàng.
Sau ngày cưới
chàng về lại Mỹ để hoàn tất thủ tục đoàn tụ, còn nàng ở Việt Nam chờ người yêu
đón sang Mỹ. Một năm chờ đợi là những ngày tháng nhớ nhung, hạnh phúc nhất cho
cả hai, vì chỉ sau khi hai vợ chồng đoàn tụ tại Mỹ được 3 tháng thì những bất đồng,
cãi vã, giận hờn bắt đầu nổ ra. Lý do vì người vợ đòi chồng phải bão lãnh toàn
bộ ông bà, bố mẹ, và các em của cô tổng cộng 8 người qua Mỹ ngay lập tức. Ngày
này qua ngày khác, tuần này tiếp đến tuần kia, điện thoại giữa gia đình vợ và vợ
cứ liên tiếp hối thúc chàng rể mang gia đình vợ qua Mỹ. Với quan niệm của gia
đình vợ và của người vợ thì việc đưa toàn bộ gia đình bên vợ qua Mỹ là hành động
hiếu thảo, báo hiếu của con gái cũng như con rể! Trong khi đó, còn phải gửi tiền
về cho ông bà, bố mẹ vợ tiêu xài, và nuôi mấy em ăn học.
Ngoài vấn đề
đoàn tụ và tiền bạc, cha mẹ cô dâu còn luôn đóng góp những ý kiến, những quan niệm
trái ngược về đời sống hôn nhân, gia đình khiến tạo ra những mâu thuẫn, bất hòa
giữa vợ chồng. Những cuộc cãi vã về những bất đồng quan điểm sống do ảnh hưởng
của cha mẹ vợ càng ngày càng khiến cho đời sống vợ chồng trở nên bế tắc.
Sức ép của
gia đình bên vợ, sức ép của công ăn việc làm, sức ép của tài chính đã khiến người
chồng có cảm tưởng mình bị lợi dụng, bị đặt vào một hoàn cảnh rất khó xử mà
chung qui cũng vì chữ hiếu. Không một ai trong gia đình vợ, kể cả người vợ hiểu
rằng việc làm giấy bảo lãnh đoàn tụ là việc người bên Mỹ có thể làm, nhưng được
đoàn tụ hay không phải theo những luật lệ, tiến trình của sở di trú Mỹ. Cũng
không ai hiểu thêm về sự tế nhị, eo hẹp tài chính lúc này. Lương một thợ tiện
trung bình đủ để chàng lo toan cho gia đình, và trả nợ tiền đi về cưới xin mà
cho đến nay vẫn còn nợ nhà băng. Ngân quĩ gia đình như vậy nên khiến người chồng
cảm thấy lo lắng, ái ngại mỗi khi nghĩ đến việc bảo lãnh một số đông thân nhân
như thế. Như những cọng rơm làm gẫy lưng con lạc đà, hay như giọt nước cuối
tràn ly, hạnh phúc hôn nhân của đôi vợ chồng đang đi gần vào bế tắc mà cả hai đều
cho rằng ly dị là giải pháp tốt nhất. Câu hỏi được đặt ra là những người làm
cha mẹ như trường hợp này đòi hỏi ở con cái họ những gì qua hành động hiếu thảo?
Và những người con, như người con gái đây đã hiểu cũng như sống thế nào với chữ
hiếu trong vai trò người đã có gia đình?
Trần Mỹ Duyệt (Còn tiếp)
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét
Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.