Trang

02/07/2018

Quan niệm chữ Hiếu và Hạnh Phúc Hôn Nhân (2)


THẾ NÀO LÀ HIẾU?
Vô ơn là một lối sống xấu xa của con người khi họ chỉ biết đến bản thân, bỏ quên tất cả những ai đã giúp đỡ mình,nhất là những người đã sinh thành và nuôi dưỡng mình. Sự vô ơn là điều đáng khinh nhất, nhưng kiểu vô ơn phổ biến và thông thường nhất là sự vô ơn của con cái đối với cha mẹ.
“Ai mà phụ nghĩa quên công
Thì đeo trăm cánh hoa hồng chẳng thơm!”
Từ  Điển Tiếng Việt, do nhà xuất bản Hồng Phúc định nghĩa: Hiếu là hết lòng phụng dưỡng cha mẹ. Noi theo chí khí của cha ông. Tang cha mẹ. Hiếu dưỡng hay báo hiếu là việc chăm sóc, nuôi dưỡng cha mẹ chu đáo.
Hiếu theo định nghĩa của từ điển này còn là một đạo sống, gọi là hiếu đạo hay đạo phụng thờ cha mẹ: “Hiếu đạo là Bổn phận (đạo) phụng thờ cha mẹ.”
Theo Lm. Anthony Trần Văn Kiệm trong Từ Điển Văn Học Việt Nam. Phần thứ nhì - cuốn 1, In lần thứ nhất 2007, hiếu được chia làm hai loại, hiếu thảo đối với cha mẹ, và hiếu đễ đối với anh em.
Đối với Kitô Giáo, thảo kính cha mẹ là một trong 10 giới luật tương đương với những giới luật khác như luật thờ phượng Thiên Chúa, luật cấm tà dâm, luật cấm ăn cắp, luật cấm giết người…“Hãy trọng kính cha mẹ ngươi như Yavê Thiên Chúa của ngươi đã truyền cho ngươi, ngõ hầu ngày đời ngươi kéo dài, và phúc đến cho ngươi trên thửa đất Yavê Thiên Chúa của ngươi sắp ban cho ngươi.” (Xuất Hành 5:16).
Phật Giáo cũng coi việc hiếu thảo như một nhân đức đòi buộc con cái phải thực hành: “Cùng tột điều thiện không gì hơn hiếu. Cùng tột điều ác không gì hơn bất hiếu.” (Kinh Nhẫn Nhục)
Trong chương đầu Khai tông minh nghĩa của Hiếu Kinh, thuật lại lời Khổng Tử nói với Tăng Tử:“Này đây, HIẾU là căn bản của ĐỨC, do giáo dục mà sinh ra. Hãy ngồi trở xuống, ta nói cho ngươi biết. Thân thể, hình hài, tóc tai, da thịt là do cha mẹ sinh ra không được gây hư hại là nết đầu của chữ Hiếu. Sau lo lập thân, hành đạo để lại tiếng thơm cho đời sau là nết cùng của chữ Hiếu. Này đây, chữ Hiếu lấy việc phụng dưỡng cha mẹ làm đầu, kế đến thờ vua, sau rốt là lập thân.” (Hiếu thảo - Wikipedia tiếng Việt)
Như vậy, hiếu thảo không chỉ được coi như một nhân đức xã hội, đúng hơn, nó còn là “đạo”, một lối sống mang ý nghĩa tâm linh đòi phải thực hành một cách nghiêm chỉnh trong đời sống của con cái.

THỰC HÀNH ĐẠO HIẾU
Đi vào thực hành có tính cách tích cực, Thánh Kinh khuyên dạy con cái: “Hỡi kẻ làm con, hãy gánh lấy tuổi già cha ngươi, chớ làm phiền lòng người khi người còn sống. Nếu tinh thần người sa sút, thì hãy rộng lượng, ngươi là kẻ trai tráng, chớ đành khinh dể người”. (Huấn ca 3: 12)  
Trên đây là những điểm rất thực tế xét về mặt tâm lý và tâm linh. Bởi lẽ khi cha mẹ còn khỏe mạnh, còn có khả năng ít khi cần đến con cái về vật chất. chỉ khi về già cha mẹ mới cần đến con: “Trẻ cậy cha, già cậy con”. Nhưng một điều xem như trái ngược, đó là, khi cha mẹ về già rồi thì lại không mấy con cái để ý chăm lo, mà còn bỳ tị, tranh cãi, trốn tránh. Trường hợp những bệnh nhân già yếu trong các bệnh viện, những người già neo đơn tại các viện dưỡng lão là những bằng chứng cho thấy lời Thiên Chúa trong Huấn Ca mang ý nghĩa tâm linh, một đạo sống.
Vì cha mẹ là đại diện của Thiên Chúa, những người mà Ngài cho quyền chia sẻ công trình sáng tạo của Ngài, nên những hành vi xúc phạm đến cha mẹ được coi như trực tiếp xúc phạm đến Ngài, và là những trọng tội đối với Ngài. Thánh Kinh ghi: “Vì chưng Thiên Chúa, thì đã phán: “Ngươi hãy thảo kính cha mẹ” và: “Kẻ nào chúc dữ cha mẹ, thì phải chết tử hình.” (Mat 15:4). Hoặc  “Và kẻ nào đánh đập cha mẹ mình tất phải chết… Kẻ nào nguyền rủa cha mẹ mình tất phải chết.” (Xuất Hành 21:15,17). (KINH THÁNH. Bản dịch Lm. Nguyễn Thế Thuấn)
Cùng một ý nghĩa “gánh vác tuổi già cha mẹ, tránh làm phiền lòng các ngài khi các ngài còn sống, không khinh bỉ các ngài khi tinh thần các ngài sa sút” của tinh thần Kitô Giáo, những điều Đức Phật dạy về hiếu thảo cũng mang một ý nghĩa tương tự:
-Thay cha mẹ gánh vác công việc nặng nhọc trong nhà. 
- Giữ gìn truyền thống gia phong, văn hoá truyền thống.
- Bảo vệ tài sản của cha mẹ. 
Mạnh Tử cũng đã nêu lên 3 trường hợp mà ông cho rằng phạm một trong ba điều đó sẽ phạm vào tội bất hiếu gọi là “Bất hiếu hữu tam”, gồm: “không con trai nỗi dõi tông đường; không can ngăn cha mẹ khi cần; không làm quan lấy lộc phụng dưỡng cha mẹ.” Ngoài ra trong Minh tâm bửu giám, thiên Hiếu hạnh cũng chép lời ông có thêm năm tội bất hiếu nữa, đó là:
-Tay chân lười biếng, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Thích cờ bạc rượu chè, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Ham tiền tài của cải vợ con, không đoái hoài đến việc nuôi dưỡng cha mẹ,
-Theo ham muốn của tai mắt làm cho cha mẹ mang nhục,
-Thích hung hăng tranh hơn thua làm liên lụy đến cha mẹ.
Nhìn chung, những gì Đức Phật, Khổng Tử hay Mạnh Tử dạy về đạo hiếu là những ứng dụng thực hành tốt giúp cho những bậc cha mẹ không bị bỏ quên, không phải tủi hổ vì những người con bất xứng, bất hiếu. Nhưng cũng có những điều mà quan niệm và nếp thời đại không còn phù hợp. Thí dụ, Khổng Tử coi việc “thờ vua” là hiếu, hoặc theo Mạnh Tử, một người sẽ mang tội bất hiếu nếu không có con trai nối dõi tông đường. Khoa học đã chứng minh việc sinh con trai hay con gái không hoàn toàn tùy thuộc vào ý muốn của một người. Tư tưởng này ngày nay còn có thể bị cho là kỳ thị nam nữ, trọng nam khinh nữ. Cũng vậy, nếu cho rằng không làm quan để có bổng lộc phụng dưỡng cha mẹ là tội bất hiếu, thì chẳng khác gì khuyến khích các nhà chức trách tham nhũng và hối lộ. Nếu như vậy, những kẻ biển thủ công quĩ, tham nhũng, bán biển, bán đất hiện nay chắc chắn họ là những người con chí hiếu, vì ai trong họ cũng giầu có, cũng tiền rừng, bạc biển… Và còn những người dân lương thiện ngày ngày chân lấm tay bùn, chạy ăn nuôi cha mẹ bữa no, bữa đói thì sao? Ta gọi họ là gì?!!!   
Trần Mỹ Duyệt   (Còn tiếp)   

2 nhận xét:

  1. Bài sưu tầm hay, ý nghĩa!

    https://lh3.googleusercontent.com/-c8_rBywctUM/Vtecvs41_LI/AAAAAAAAGss/72UEID1kq0o/s720-Ic42/chu%252520hieu.jpg

    Trả lờiXóa
    Trả lời
    1. http://images.ongbachau.vn/Images/Uploaded/Share/2016/11/28/Cau-chuyen-tham-sau-ai-cung-nen-doc-%E2%80%93-Muon-con-minh-hieu-thao-song-lam-nguoi-tot-hay-doc-bai-sau!-1.jpg

      Xóa

Các bạn có thể:
- Viết bình luận trước, sau đó. .
- Copy và dán trực tiếp link ảnh vào khung nhận xét. Sau link ảnh đã dán, không gõ thêm bất kỳ ký tự nào nữa (kể cả nhấn phím Enter).
- Cám ơn Bạn đã bình luận về bài viết.