Trang

31/12/2021

Loại vaccines mới

Các Khoa học gia tại Viện Nghiên cứu Quân đội, Bệnh viện Walter Reed, trung tâm y khoa hàng đầu của Hoa Kỳ, nơi chuyên điều trị cho Tổng thống, Phó T.T., và các nhân viên cao cấp của chính phủ, cho biết:

“Trong vài tuần nữa, sẽ thông báo đến dân chúng Mỹ và thế giới họ đã điều chế ra một loại vaccines không những chống lại được “Wuhan virus” mà còn hoá giải được các biến thể của nó, bao gồm “Omicron” và các loại virus có nguồn gốc SARS từng giết chết hằng triệu người trên thế giới. Vào đầu năm 2020, phòng thí nghiệm quân đội tại Walter Reed đã nhận được DNA đầu tiên của “Wuhan virus”, ngay lúc đó, các khoa học gia đã tập trung công sức tạo ra một vaccine để điều trị.” Bạn đọc lưu ý, thời gian này Hoa Kỳ vẫn dưới quyền Tổng thống Donald J. Trump, để tránh mai đây cụ 46 nhận vơ là thành quả của mình, như cụ đã từng làm trước đây! Tuổi già hay quên!

“Vaccine Walter Reed’s Spike Ferritin Nanoparticle COVID-19” hay còn gọi là “SpFN” đã thử nghiệm trên động vật vào đầu năm nay với kết quả khả quan. Tiến sĩ Kayvon Modjarrad, giám đốc chi nhánh bệnh truyền nhiễm của Walter Reed, cho biết trong một cuộc phỏng vấn độc quyền với “Defense One” vào thứ Ba, giai đoạn 1 của thử nghiệm trên người, kết thúc vào tháng này, một lần nữa với kết quả khả quan. Vaccine mới vẫn cần phải trải qua các thử nghiệm giai đoạn 2 và giai đoạn 3. Modjarrad cho biết: “Chúng tôi đang thử nghiệm vaccine của mình chống lại tất cả các biến thể khác nhau, bao gồm Omicron.”

Hôm thứ Tư, Walter Reed trong một tuyên bố cho biết vắc-xin của họ "không được thử nghiệm trên biến thể Omicron", nhưng sau đó đã làm rõ trong một email gửi cho “Defense One” rằng mặc dù biến thể được phát hiện gần đây không phải là một phần của các nghiên cứu trên động vật, nhưng nó đang được thử nghiệm trong phòng thí nghiệm so với các mẫu thử nghiệm lâm sàng trên người. Những "xét nghiệm trung hòa" này kiểm tra xem liệu các kháng thể có thể ức chế sự phát triển của virus hay không.

Modjarrad nói: “Chúng tôi muốn đợi những dữ liệu lâm sàng đó để có thể đưa ra thông báo công khai đầy đủ, nhưng cho đến nay mọi thứ vẫn đang diễn ra đúng như những gì chúng tôi mong đợi”. 


“Không giống như các loại vaccine hiện có, Walter Reed’s SpFN sử dụng một loại protein hình quả bóng đá với 24 mặt cho vaccine của mình, cho phép các nhà khoa học gắn các gai của nhiều chủng coronavirus lên các mặt khác nhau của protein. Modjarrad nói: “Thật là thú vị khi đạt được điểm này cho toàn đội của chúng tôi và tôi nghĩ cho toàn quân đội.”

“Walter Reed National Military Medical Center” Không đơn thuần là một bệnh viện hạng nhất của Quân đội Hoa Kỳ, nơi đây còn là một Trung tâm Nghiên cứu Y khoa với đầy đủ phương tiện tối tân trên thế giới. Được tài trợ bởi ngân sách Quốc phòng Mỹ. Chắc chắn không một hãng bào chế Dược phẩm tư nhân nào trên thế giới, kể cả Pfizer và Moderna có nguồn tài chính khổng lồ, cũng như phương tiện nghiên cứu có thể so sánh với Walter Reed.

Tường Tuấn
12/27/21

 

30/12/2021

Nghệ sĩ Trần Quang Hải, người tiếp nối sự nghiệp GS Trần Văn Khê, qua đời ở Pháp

Nghệ sĩ Trần Quang Hải (1944-2021) trong một lần biểu diễn

Một chút bàng hoàng ập đến khi tôi nghe tin nghệ sĩ Trần Quang Hải vừa ra đi. Gia đình báo tin ông đi vào 0 giờ ngày 29/12.

Mới đó thôi, vào ngày 23/12/2021, trong lễ ra mắt Quỹ học bổng Trần Văn Khê tại Trường đại học Văn Lang (quận Bình Thạnh, TP.HCM) nhân kỷ niệm 100 năm sinh giáo sư Trần Văn Khê; giáo sư Trần Quang Hải có quay clip gửi về Việt Nam chia sẻ về tâm nguyện mong muốn lập quỹ học bổng của cha mình.

Xuất thân trong một gia đình nhạc sĩ cổ truyền từ nhiều đời và Trần Quang Hải là nhạc sĩ đời thứ năm.

Ông sinh ngày 13/05/1944 tại làng Linh Đông Xã, thuộc Gia Định cũ, là con trai trưởng của Giáo sư Trần Văn Khê và bà Nguyễn Thị Sương, cựu giáo sư Anh văn Trường nữ trung học Gia Long.

Cha ông và ông đều có đóng góp lớn lao cho việc sưu tầm, phát triển và đưa âm nhạc dân gian Việt Nam ra thế giới.

Khi còn ở Việt Nam, nghệ sĩ Trần Quang Hải là cựu học sinh Trường trung học Pétrus Ký, sau đó tốt nghiệp Nhạc viện âm nhạc Sài Gòn ở bộ môn vĩ cầm của cố giáo sư Đỗ Thế Phiệt. Ông sang Pháp năm 1961 học tiếp tại Đại học Sorbonne và trường Cao đẳng Khoa học xã hội (Ecole des Hautes Etudes en Sciences Sociales).

Giáo sư Trần Quang Hải bắt đầu làm việc cho Trung tâm Quốc gia nghiên cứu khoa học (CNRS - Centre National de la Recherche Scientifique) với đội ngũ nghiên cứu tại Viện Dân tộc nhạc học của Viện Bảo tàng con người (Département d'ethnomusicologie du Musée de l'Homme) từ năm 1968 cho tới 2009 thì về hưu.

 

Trình diễn nhạc Việt Nam ở 70 quốc gia

Ông đã trình diễn trên 3.500 buổi tại 70 quốc gia, tham gia 130 đại hội liên hoan quốc tế nhạc truyền thống, giảng dạy tại hơn 120 trường đại học, sáng tác hơn 400 bản nhạc cho đàn tranh, đàn môi, muỗng, hát đồng song thanh, nhạc tùy hứng, đương đại.

Giáo sư Trần Quang Hải cũng thực hiện 23 đĩa nhạc truyền thống Việt Nam, viết 3 quyển sách, làm 4 DVD, 4 phim và hội viên của trên 20 hội nghiên cứu âm nhạc thế giới.

Ông tiếp tục con đường mà cha ông, giáo sư Trần Văn Khê đã khai mở khi nghiên cứu nhạc học dân tộc, khởi sắc một hướng đi riêng trong mảng trình diễn âm nhạc cổ truyền Việt Nam, nhạc tùy hứng, nhạc đương đại cũng như phương pháp nghiên cứu thể nghiệm qua hát song thanh.

Ông tâm sự: "Con đường nghiên cứu của tôi nhắm về sự giao thoa các loại nhạc cổ truyền tạo thành loại nhạc thế giới (world music), pha trộn nhạc tùy hứng, jazz, đương đại với nhiều loại nhạc khí và kỹ thuật giọng hát để tạo thành một loại nhạc hoàn toàn mới lạ"

Vợ ông, nữ ca sĩ Bạch Yến dưới ảnh hưởng của chồng cũng chuyển sang hát dân ca và cùng phổ biến nhạc dân tộc với chồng, sánh vai với ông trên mọi nẻo đường thế giới.

Nghệ sĩ Trần Quang Hải đã được chính tay tổng thống Jacques Chirac năm 2002, trao huân chương Bắc Đẩu bội tinh về những đong góp của ông trong âm nhạc.

Biệt danh "vua muỗng" đến với ông lần đầu khi giành được giải thưởng tại Đại nhạc hội dân gian Cambridege (Anh) vào năm 1967.

Tôi nhớ ông, nhớ lại những cảm xúc đầu tiên khi nghe ông biểu diễn năm nào.

 


Khiêm nhường với chiếc khèn mèo mỏng manh, những chiếc thìa giản dị ... gộp cả, bỏ gọn trong chiếc túi áo bà ba của ông. Song đẹp quá thế. Như bông hoa trà dung dị, đi thẳng từ sâu thẳm đêm đen đến với đời, với nắng, cho ta một thoáng bồng bềnh.

Những cái thìa, cái khèn mèo mỏng manh sương khói đã đi mấy vòng trái đất -Hơn 70 nước chứ ít đâu .

Đi không phải để học giật mình mà để thiên hạ giật mình. Chuyện thật. Thi vị.

 


Chiếc thìa vượt lên chức năng sinh ra đời đã gieo những xúc động văn hoá ngọt ngào, truyền cho tâm hồn những sóng tình dào dạt. Mà trẻ, mà khỏe, vững vàng trội vượt nhịp castagnettes của nàng Carmen, nhưng vẫn nồng, vẫn ấm. Cảm ơn nghệ sĩ Trần Quang Hải. Cám ơn con người bằng trái tim, đam mê âm nhạc đi theo suốt năm tháng của cõi tạm đã chắp cánh cho vô tri vươn tới vĩnh hằng trong trẻo, trân trọng.

Ông trao tôi chiếc thiệp mời về lại ngày nào của Hà Nội, của Hồ Gươm xanh mầu lục tảo, như ngày tôi gặp cha ông, giáo sư âm nhạc Trần Văn Khê, say nghe ông kể, bình luận về những âm thanh dân dã. Như dây tơ hai cõi đi về giữa hiện tại và quá khứ.

Con đường thơm thảo 'Vua muỗng' Trần Quang Hải mang cho đời, nghị lực bàng hoàng vượt lên bóng cả của chính cha ông, nghệ sĩ Trần Văn Khê là một lời nhắn nhủ.

Âm nhạc của ông xua đi những phấp phỏng hoang vắng của lần lỡ hẹn ,để về với đằm thắm, hy vọng. Nó xoá đi danh giới hạn hẹp, chia lìa mà chúng ta lỡ vội gán cho khả năng của từng con người, để thẩm thấu rằng đôi khi chúng ta đã tự trói chân mình ,để những định kiến không đâu, những nghiên cứu sơ khai áp đặt lên mông muội, để ngao ngán, để trách đời, để thở than sinh ra không trùng thời, đúng vụ .

Vĩnh biệt ông, cám ơn ông đã dành cho tôi những dịp chuyện trò, tình cảm sâu đậm ông trao luôn như một món quà mùa Xuân tươi tắn, lòng đam mê nghệ thuật và nụ cười của một thời đã mất .

Xin cám ơn ông một lần nữa!

Phạm Cao Phong

 

 

29/12/2021

Tạo Hóa Tuyệt Vời

     What fun God must have had the day he designed these beauties.  

1.  Himalayan Monal

 

2. Formosan Magpie

3. Flamecrest

 

4. Golden Pheasant

 

5. Green Jay

 

6. Kingfisher

 

7. Lady Amherst's Pheasant

 

8. Bleeding Heart Pigeons

 

9. Nicobar Pigeon

 

10. Quetzal

 

11. Winson's Bird Of Paradise

 

 

12.Bird of Paradise

13. Peacock


14. Sup, Polish Chicken

 

" I Can see how it might be possible for a man
to look down upon the earth
and be an atheist,
but I cannot conceive how
he could look up into the heavens
and say there is no God."
Abraham Lincoln

28/12/2021

Truyện đứa mục đồng mù

Hồi ấy gần làng Belem có một em mục đồng tên là Nam. Tuy mù nhưng em rất tài khéo: hằng ngày em theo cha lên đồi để trông coi đàn cừu. Em lại còn chăm sóc một mảnh vườn nhỏ, và khi rau đã xanh tươi, em hái đem ra chợ Belem để bán.

Nhất là em có lòng thương người. Một buổi chiều mùa đông nọ, khi từ chợ trở về với con lừa của mình, em nghe thấy tiếng của một người đàn ông và một người đàn bà đang đi ngược chiều tiến về phía em.

Khi họ đã đi ngang qua rồi, em nghe một tiếng phịch: người đàn bà vấp phải cái gì và té ngã. Em nghe tiếng người đàn ông lo lắng hỏi : Maria, có sao không ?

– Không sao cả, Giuse ạ. Nhưng em sợ không đi nổi nữa. Em mệt quá rồi.

Nam liền quay lại: “Cháu có thể giúp bác được không? Nhà cháu gần đây nè”.

Người đàn bà tuy mệt nhưng cũng nhỏ nhẹ trả lời: “Cháu tốt quá. Nhưng chúng tôi phải tới Bêlem trước khi mặt trời lặn”.

Làn gió bấc thổi rít lên, làm người thiếu phụ run lập cập. Nam cảm thấy thương hại bà ta: “Bác ơi, bác dùng tạm con lừa này đi. Vài bữa nữa bác trả lại cho cháu cũng được”.

Thiếu phụ tươi tỉnh lại: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Nhưng ba má cháu sẽ nói sao đây?”

Nam trả lời: “Không sao cả. Con lừa của cháu mà. Cháu đã mua với số tiền dành dụm được. Ba má sẽ hiểu nếu cháu thưa rằng cháu đã cho một người đàn bà mượn vì bà đang cần. Hai bác khỏi lo. Cháu dò đường về tới nhà được mà”.

Thiếu phụ nhìn chồng và hỏi: “Này Giuse, em bé này mù mắt. Chúng ta có nên nhận không?”

Ông trả lời với giọng ôn tồn: “Có lẽ là một dấu hiệu đấy, Maria ạ”, và quay về phía Nam ông nói: “Xin Chúa chúc lành cho cháu. Cháu thật là một bé ngoan”.

Nam cảm thấy hạnh phúc rạo rực trong tâm hồn. Em trở về nhà trong khi người thiếu phụ cỡi con lừa hướng về Belem.

Ðêm hôm ấy, Nam theo cha lên đồi để coi đàn cừu. Trong khi ngồi xúm quanh với các mục đồng khác, một bầu thinh lặng sâu xa phủ lấy họ. Rồi bỗng nhiên một âm thanh đến phá tan cơn buốt của đêm đông. Các mục đồng cuống quít sợ hãi. Nam nghe thấy tiếng của một thiên sứ : “Này, các mục đồng ơi ! Ðừng sợ. Tôi mang cho các bạn một tin vui cho cả thế giới. Hôm nay trong làng Bêlem, một vị Cứu tinh đã ra đời, tên là Giêsu. Các bạn sẽ thấy một trẻ vấn tã đặt trong máng cỏ”. Tiếp theo tiếng của thiên sứ là một bản hòa ca của ca đòan thiên quốc: “Vinh danh Thiên Chúa trên trời cao, và hòa bình dưới trần thế cho những ai được Chúa yêu thương”. Lát sau, tiếng hát tắt dần, chỉ còn để lại một vệt sáng như ngôi sao chỉ đường.

Các mục đồng tiến theo hướng ngôi sao, cho đến một chuồng bò ở Bêlem. Bước vào trong, họ cảm thấy bị thu hút bởi khuôn mặt xinh xắn của em bé.

Nhưng bà Maria chú ý cách riêng đến bé Nam: “Có phải cháu đã cho tôi mượn con lừa hồi chiều không? Lại đây, tôi sẽ cho bế em bé”.

Và khi ôm lấy hài nhi, Nam thấy có gì là lạ: xung quanh có cái gì sáng sáng và ấm ấm. Thế rồi luồng sáng trở thành một hình lờ mờ, và dần dần rõ nét hơn. Nam nhận ra hình dung của em bé Giêsu. Nam vui sướng quá, quay sang nói với bà Maria: “Bác ơi, cháu thấy em bé Giêsu rồi! Mắt cháu mở rồi! Cháu đã hết mù !”

Sau cùng, khi các mục đồng ra về, Nam đến nói nhỏ vào tai ông Giuse: “Hai bác có lẽ còn cần đến con lừa. Hai bác giữ nó lại đi. Cháu biếu các bác đấy”.
Sưu tầm


 

Sự tích con đom đóm

                    

Ðêm hôm ấy, trời tối đen như mực. Những đám mây dầy đặc đã che phủ cả bầu trời, và không một ngôi sao nào chịu hé ra một chút tia sáng. Giữa cảnh thinh lặng nặng nề trên sa mạc, bỗng nhiên người ta nghe thấy tiếng sụt sùi thút thít. Thế là một đàn côn trùng li ti kéo nhau về phía phát ra dấu hiệu duy nhất của sự sống trên cánh đồng vắng lặng.

Một con lừa và một người đàn ông đang ngủ trên mặt cát, kề sát nhau để lấy hơi ấm. Ngồi bên cạnh là một thiếu phụ quấn mình trong chiếc khăn rộng, tay bồng đứa con nhỏ đang ngủ. Chị ta khóc nấc lên. Một con trùng đáp xuống trên chiếc khăn của chị và hỏi: “Tại sao bà khóc vậy?”

Chị ta giật mình, nhưng sau khi thấy mấy con vật nhỏ bé không làm gì hại mình, chị tự trấn an và thuật chuyện cho chúng như sau:

“Ông vua Hêrốt tàn bạo ghét đứa con nhỏ của tôi, và ra lệnh giết nó. Nhưng một thiên thần đã báo tin cho chúng tôi, cho nên chúng tôi đã trốn kịp thời. Tuy vậy, các thuộc hạ của vua đã truy được dấu vết của chúng tôi và đang truy nã chúng tôi. Có lẽ sáng mai họ sẽ đuổi kịp, bởi vì chúng tôi di chuyển chậm chạp còn họ thì phóng ngựa như bay. Vì vậy chúng tôi cố gắng lợi dụng ban đêm để đi xa chừng nào hay chừng đó. Nhưng mà trời tối quá … Chồng tôi và con tôi đang ngủ. Còn tôi vì không thấy mệt lắm, và cứ lo sợ họ bắt được chúng tôi, cho nên tôi không chợp mắt được… Bây giờ tôi sẽ đánh thức chồng tôi dậy và tiếp tục lên đường. Cầu mong sao đừng rơi vào cái hố nào hay đi trật đường! Thật là khó định hướng khi không có ngôi sao hướng dẫn! Tôi lo không chừng mình lại đi ngược chiều đâm đầu vào chính họ thì tàn đời !

Một con vật lên tiếng thay cho tất cả bọn: “Chúng cháu thấy rõ đường cả lúc tối trời. Chúng cháu sẽ đưa bà đi tới biên giới cách đây không xa lắm đâu. Bà đừng lo: chúng cháu sẽ dẫn hướng cho bà và báo cho bà biết những nguy hiểm dọc đường”.

Người thiếu phụ mừng rỡ : “Ôi may quá. Cám ơn các cháu. Chúa sẽ trả ơn cho các cháu”.

– Nào, chúng ta lên đường. Ý tứ cẩn thận nhé, vì có nhiều gập ghềnh đấy.

Người đàn ông cũng được đánh thức dậy, và sau khi bàn tính về đề nghị của các côn trùng, ông ta vui vẻ nhận lời và thắt yên ngựa lên đường..

Người thiếu phụ bế con cưỡi trên lưng lừa, còn người đàn ông dẫn con vật dựa theo tiếng vo ve của lòai côn trùng: – Rẽ qua trái !

– Ðường gồ ghề !
– Coi chừng hòn đá !
– Trước mặt có hố !

Sau ba giờ đi bộ giữa đêm tối, họ đã tới con lạch đánh dấu biên giới của vua Hêrốt. Họ lội qua dòng nước và thở ra cái phào nhẹ nhõm. Người thiếu phụ lên tiếng: “Thế là thóat rồi ! Cám ơn các cháu vì đã giúp chúng tôi và bé Giêsu. Chà, giá mà bé tỉnh giấc thì chắc sẽ cám ơn các cháu đấy. Nhưng thôi, để bé tiếp tục ngủ…”

Các côn trùng đáp lại xuống gần em bé. Chúng thấy một khuôn mặt hồng với vài sợi tóc vàng óng ánh. Chúng lần lượt đáp xuống trên mái đầu xinh xinh ấy để tặng một cái hôn trìu mến.

Ơ kìa, lạ chưa: khi cất cánh bay lên không trung, thì phần thân thể của chúng đã chạm vào mái tóc óng ánh của bé Giêsu trở nên sáng lung linh như những tia sáng của các vị sao trên bầu trời còn tối đen.

Người đàn ông hỏi chúng: “Các cháu tên gì? Tôi muốn biết tên các cháu để sau này kể ơn các cháu cho thiên hạ biết”.

Bọn côn trùng rầu rĩ thưa: “Chúng cháu thân sâu bọ thấp hèn quá, cho nên chẳng ai đóai hòai đặt tên cho chúng cháu cả”.

Người thiếu phụ xen vào: “Ðược rồi, tôi sẽ đặt tên cho. Các cháu sẽ mang tên là con đom đóm: các cháu sẽ mang tia đóm của sao trên trời xuống trên mặt đất này nhé”.

Renato Greggi

 

25/12/2021

Mùa Đông

Tìm trong đêm một chút tình

Nửa mơ, nửa thực một mình Mẹ đây

Đêm ru gió đến thật dày

Lời ca tĩnh lặng phơi bày thinh không.

Áo thưa trong gió lạnh căm

Rơm khô lót tạm, Con nằm đây nghe!

Mùa đông ru gió lạnh về

Môi run Mẹ hát Con nghe lúc này.

Lời ru dẫu có hao gầy

Ôm chân Con, ấm bàn tay Mẹ nhiều

Trời cao, cao là bấy nhiêu?

Có hay lòng Mẹ đôi điều âu lo.

Thì thôi, một chút đói no

Cho con dòng sữa gầy gò từ tâm

Vui, sao lòng Mẹ lặng thầm

Bàn tay ôm lấy hạt mầm gian nan.

Nâng bàn chân đến trần gian

Con từ xa thẳm nhẹ nhàng đến đây

Thì Con ơi! Chút tình này

Ôm con, Mẹ đợi mai ngày nắng lên.

Bê Lem ơi …

Hỡi Bê Lem…

Ai sinh ra giữa trời đêm thế này?

 Đaminh Thiên Sa

 

24/12/2021

KÍNH CHÚC GIÁNG SINH HẠNH PHÚC


 

Chuyến đi Bêlem

Mặt trời đã lên cao. Kor dần dần định thần lại. Tuy chưa tỉnh hẳn nhưng em cũng nghe được giọng nói của một người đàn ông: “Thằng nhỏ còn yếu lắm, chưa đủ sức đi đâu. Ðem nó vào lều của ta”.

Về sau, khi khỏe lại, Kor ngồi dậy và kể chuyện của mình cho Natanael, người thương gia giàu có và đại lượng đã cứu em.

“Con tên là Kor, Con rời xứ Phi châu với ông chủ của con. Tên ông là Rab Casper. Con luôn luôn đi theo ông chủ, nhưng khi đi qua sa mạc, bỗng nhiên một cơn bão cát nổi lên. Thế là con bị lạc, không biết ông chủ đi về hướng nào nữa. Sau đó, con lần mò đi, bị vấp phải hòn đá, té ngã xuống đất và con không nhớ gì nữa hết”.

Natanael ôn tồn trấn an: “Chúc tụng Thiên Chúa, vì ta đã gặp thấy con trong vụng cát này. Ông chủ của con cũng là người da đen hả?”

– “Dạ phải. Ở xứ chúng con, tất cả mọi người đều da đen hết. Ông chủ con thạo chiêm tinh. Ông nói là một ngôi sao lạ đã hiện ra báo tin Con Thiên Chúa đã giáng trần. Vì vậy mà chúng con lên đường về Giêrusalem để đi hỏi thăm các nhà bác học xem Thánh tử ở đâu”.

Người thương gia Do thái nhìn thẳng vào mắt thằng nhỏ. Phải chăng Vị Cứu tinh mà dân của ông trông đợi đã ra đời rồi sao ? Sau một chặp trầm ngâm, Natanael lên tiếng: “Biết đâu đấy … một nhà tiên tri đã đóan là Vị Cứu tinh một ngày kia sẽ ra đời ở Belem trong xứ Giuđêa”.

Kor vội vã chộp lời: “Thế thì con sẽ đi Belem”.

Natanel gật đầu ưng ý, và khi chia tay, ông trao cho Kor một tấm bản đồ nhàu nát và một con lạc đà. Natanel ôm chầm lấy Kor và dặn: “Ta chúc cho con tìm được ông chủ và Thánh nhi. Chúa ở cùng con”.

Kor tiếp tục lên đường, trực chỉ Bêlem. Sau ba ngày ba đêm ròng rã, Kor thấy một giếng nước bên đường. Kor dừng lại nghỉ chân và giải khát. Bỗng nhiên một đòan người dữ tợn ào ra cướp con lạc đà của Kor và toan bắt lấy em về làm nô lệ. Nhưng Kor liến thoắng vùng vẫy được và lủi trốn. Nhờ trời tối đen, Kor vụt thóat được, cắm đầu cắm cổ chạy nhanh đến nỗi bọn kia không đuổi kịp nữa. Tuy đã hụt hơi, Kor vẫn cứ chạy, miệng lầm thầm: “Tôi phải tới Belem, tôi phải tới Belem”.

Chẳng may, Kor vấp phải hòn đá và té ngã lăn xuống đất. Lồm cồm bò dậy, Kor cảm thấy đau thấm thía nơi mắc cá và không thể nào đi được nữa. Kor sợ quá: “Làm sao đây? Mình cô thân cô thế, ở giữa đất xa lạ, biết cầu cứu ai?”

Lúc ấy Kor nhớ lại lời ông chủ thường nhắc đi nhắc lại rằng: “Cái sợ này sinh ra cái sợ kia. Nếu mình để cho cái sợ len vào nhà thì nó sẽ lôi theo cả bầy lâu la của nó: luống cuống, mất vía, thất kinh. Bởi vậy, hãy đuổi cái sợ đi! Phải làm chủ căn nhà của mình”.

Kor dõng dạc lớn tiếng: “Ta làm chủ đây”, và lập tức thấy an tâm. Ngó ngang ngó dọc, Kor thấy một cành cây. Kor lượm lấy và dùng làm nạng chống đi đường. Kor vất vả khập khiễng tiến về Belem.

Hôm sau, Kor đi vào một làng nhỏ. Kor gặp thấy một ông lão cũng què, đang ngồi ăn xin bên đường. Kor lễ phép hỏi ông: ” Ông ơi, cháu đang đi tìm một em nhỏ mới sinh tại Belem. Ông có thể giúp cháu được không?”

Ông lão đáp: “Ở đây có nhiều đứa nhỏ mới sinh lắm. Lão chỉ biết một đứa con của hai ông bà quê quán từ Nazareth. Họ đang trọ gần đây”. Và ông lão giơ tay chỉ một mái nhà ở cuối làng. Khi Kor đã đi rồi, ông lão còn nói vọng theo: “Chắc là đứa nhỏ mà mi đang tìm đấy”.

Kor thấy trống tim đập mạnh vì hồi hộp. Liệu có thực là đứa bé đó hay không? Làm sao biết chắc được? Có dấu hiệu gì làm chứng?

Kor tới gần một thiếu phụ đang ngồi ru con. Giọng hát của bà êm dịu làm sao, khiến cho mọi đau khổ và mệt nhọc của Kor đều biến tan hết. Kor hiểu là đọan đường thiên lý đã tới đích rồi. Cặp mắt của em ứa trào giọt lệ, trong khi cặp môi để thóat ra tiếng xúyt xoa vì sung sướng. Người thiếu phụ ngẩng đầu lên, bỡ ngỡ vì thấy trước mặt một thằng nhỏ đen thui, áo quần tơi tả.

Thế rồi bà mỉm cười đưa Hài nhi cho Kor đang trố mắt nhìn. Kor sụp lạy thờ kính Hài nhi. Bà Maria ngạc nhiên hỏi em với giọng nhỏ nhẹ: “Làm sao con biết hài nhi ?”

– Con đến từ mãi tận một xứ xa xôi, cốt để tìm lạy Hài nhi. Nhưng, bà ơi, bà tha lỗi cho con vì con không mang theo một món quà nào hết.

Bà Maria cười sung sướng: “Thôi đừng lo chi. Tất cả nhọc nhằn của con khi trèo non vượt núi để đi tìm ngài là món quà quý báu nhất rồi”.

Kor ở lại trong nhà bà Maria suốt ngày hôm ấy. Ðêm ấy, khi đang ngủ Kor tỉnh dậy vì nghe tiếng trò chuyện trong nhà. Thì ra đó là ông chủ của Kor cùng với hai nhà chiêm tinh khác. Họ đã theo ngôi sao lạ đến đây. Họ đang cung kính tiến dâng phẩm vật lên Hài nhi, kẻ mà bao thế hệ đang mong đợi.

Sưu tầm 

23/12/2021

Phép lạ đầu tiên

Trời đã ngả về chiều. Những tia nắng cuối cùng lọt qua cánh cửa sổ bé nhỏ của quán rượu. Mọi vật đều yên lặng. Lão bắt đầu đếm các đồng tiền nằm trên bàn.
Thời giờ tiếp tục trôi qua. Trong quán rượu chỉ còn chút ánh sáng lờ mờ. Lão bỏ tiền vào một hòm chắc chắn, khóa cửa lại, và chậm rãi bước lên thang lầu.
Lão đi dọc theo hành lang trong nhà. Lão thấy một cánh cửa hé mở. “Ðã bảo là phải đóng cái cửa này lại cơ mà!” Lão gắt lên, kêu một tên đầy tớ lại. Tên đầy tớ run rẩy, lắp bắp mấy câu xin lỗi. Lão tiếp tục đi, nhưng mới được mấy bước thì dừng lại. Lão thấy mấy mụn bánh rớt trên cái ghế tràng kỷ! Lão không thể nào tin được điều nom thấy trước mắt.
“Tụi nó mưu toan phá họai tao rồi. Ðúng là chúng nó muốn phá tan cơ nghiệp của tao rồi!” Thế là lão la lối um lên. Bà vợ, con cái, gia nhân, tất cả đều xúm lại, hồn vía bay lên mây hết.

Ðã đến bữa cơm chiều rồi. Tất cả mọi người phải đến báo cáo những công việc trong ngày, từ các gia nhân trong nhà đến các tá điền làm ngòai ruộng. Lão muốn biết rành mạch họ đã làm gì, đã tiêu pha thế nào trong ngày. Tất cả bọn chúng đứng trước mặt lão, mặt mày tái mét.
Tối nay chưa thấy tên mục đồng trở về. Thường thường hắn từ ngòai đồng trở về trước khi lão ngồi vào bàn cơ mà. Tên mục đồng chăn đàn dê và cừu trong cánh đồng của lão, và mỗi buổi chiều, hắn phải nhốt bầy vật vào chuồng, rồi về bá cáo cho lão.
Lão đâm sốt ruột. Lão ngồi vào bàn mà trong ruột cồn cào vì không thấy tên mục đồng trở về, Lạ thật. Sao chưa thấy tụi nó bưng canh ra? Trễ mất một phút rồi. Thế là lão nổi sùng quát tháo. Ðứa đầy tới sợ quá làm rớt cái bát, lại càng khiến cho bà vợ với mấy đứa con rối rít hơn. Cái bát mà vỡ thì nhà nầy sắp sập rồi! Quả vậy, cơn lôi đình của lão kéo dài nửa giờ đồng hồ.


Sau cùng, tên mục đồng xuất hiện ở cửa. Lão hỏi: “Có cái gì vậy?”.
Tên mục đồng ấm úng. Hắn ngập ngừng, cầm cái mũ trên tay, mắt nhìn cắm vào lão. “Dạ, …, không có cái gì hết”. Cố gắng mãi, tên mục đồng mới thốt được mấy tiếng.
“Ðiệu mày nói như vậy thì chắc là có cái gì rồi”. Lão thét lên.
“Dạ, … dạ, … có cái gì”. Tên mục đồng ra như cụt hơi
“Ðồ ngu! Ðồ chó chết! Mày không biết nói hả? Bộ mày câm rồi hay sao? Có cái gì? Nói đi”. Lão càng gắt.
Tên mục đồng run run, bắt đầu thưa : “Dạ không có gì cả, Suốt cả ngày không có gì hết. Bầy dê và cừu ra đồng như thường lệ. Bầy dê và cừu đều khỏe tốt, ăn cỏ như mọi khi …”
Lão nhịn hết nổi: “Ðồ ngu, mầy có chịu nói không?”.

Tên mục đồng nhắc đi nhắc lại là không có gì hết. Thực đúng như vậy, suốt cả ngày chẳng có gì hết. Nhưng đến chiều khi trở về chuồng, cái chuồng nằm ở cuối làng thuộc về lão, hắn thấy một chuyện khác thường: hắn thấy có người ở trong chuồng vật.
Nghe tới đây, lão giật nảy người lên. Lão không thể cầm mình được nữa. Ông tiến tới gần tên mục đồng và quát: “Cái gì? Có người ở trong chuồng vật của tao hả? Thiên hạ không còn biết tôn trọng quyền sở hữu của người khác hay sao vậy? Tất cả tụi bây định phá họai cơ nghiệp của tao hay sao?”


Chuồng vật của lão có bốn cái vách đã mục, Cánh cửa cũ rích có thể mở ra dễ dàng. Ở phía sau có một cửa sổ nhỏ thông ra kho rạ.
Có mấy kẻ đã vào chuồng và ngủ đêm tại đó. Biết đâu bọn họ đã ở đây từ mấy bữa rồi! Hừm, láo thật, chúng dám ở trong cơ sở của lão, trên đất của lão, thuộc tài sản thánh thiêng của lão! Cơn giận của lão bốc lên đến tột độ. Ðúng rồi, chúng nó muốn giết lão đây mà! Gan thật, xưa nay đâu có ai dám làm như vật đâu! Vì thế lão muốn đích thân xem xét sự việc thế nào. Lão phải đuổi quân lang thang ra khỏi chuồng vật của lão. Lão hỏi tên mục đồng: -Tụi nó thuộc lọai người nào vậy?

– Dạ… dạ… dạ có một người đàn ông và một người đàn bà. Tên mục đồng thưa.
– Một ông và một bà hả? Rồi tụi nó sẽ biết tay tao!
Thế rồi lão chộp lấy cái mũ, xách cây gậy đi ra ngõ cuối làng, tiến về chuồng vật.

Ðêm nay trời trong suốt, yên tĩnh lạ thường. Trên không trung, các vì sao lấp lánh. Cảnh vật chìm ngập trong thinh lặng. Chỉ có một mình lão đi trên đường cái. Lão giận dữ, chống mạnh cây gậy xuống đất mỗi lần bước đi. Chẳng mấy chốc lão đã tới chuồng vật. Cánh cửa vẫn đóng cơ mà! Lão dừng lại chốc lát, rồi rón rén đi vòng ra phía sau, hé mở cánh cửa sổ nhỏ. Lão thấy một luồng sáng rực rỡ. Lão trầm trồ nhìn mộc lúc, rồi thét lên. Kinh ngạc đã khiến lão bất động. Từ bỡ ngỡ đến chăm chú, từ chăm chú đến sững sờ. Thân lão ra như dính chặt vào vách tường. Hơi thở của lão trở nên dồn dập. Chưa bao giờ lão chứng kiến một cảnh tượng như vậy. Chắc là chưa có cặp mắt trần tục nào có thể nhìn thấy điều mà lão đang trông thấy đây. Cặp mắt lão không rời khỏi cảnh bên trong chuồng vật.

Thời gian cứ thế trôi qua. Nhưng lão đâu cảm thấy gì. Ôi, tuyệt quá, đẹp quá. Ðã bao lâu rồi ? Làm sao có thể tính được giờ khắc trước quang cảnh mê say như vậy được ? Lão có cảm tưởng là hằng giờ, hằng ngày, hằng năm đã trôi qua rồi.. Thời giờ có là gì trước kỳ quan độc đáo này !

Lão lặng lẽ trở về nhà. Gia nhân mở cửa trễ mấy phút, bắt lão đứng chờ ở cửa, nhưng lão không nói gì cả. Vào trong nhà, một đứa tớ gái làm rớt cây đèn khi cô ta lúi húi bật lửa, nhưng lão không một lời trách móc. Lão chầm chậm bước theo hành lang như một chiếc bóng ma, đầu cúi xuống. Bà vợ đang ngồi chờ trong phòng, tiến ra đón lão.

Chắc bà buồn ngủ lắm, đi lọang quạng, vấp phải cái bàn, làm đổ bình hoa và mấy cái tượng. Lão không nói gì, khiến bà vợ kinh ngạc. Sao mà bây giờ lão hiền quá vậy. Lão ngồi xuống ghế, cúi gục đầu xuống, trầm ngâm trong chốc lát, cho đến khi người ta gọi lão. Lão đứng dậy, ngoan ngõan như đứa con nít, để cho người ta dẫn vào buồng ngủ.

Hôm sau, lão tiếp tục im lặng, Một lũ hành khất đến xin lão bố thí; lão cho họ một nhúm đồng bạc. Lão không mở miệng la mắng ai nữa hết. Mọi người đều kinh ngạc: từ bà vợ, con cái, cho tới gia nhân. Không ai có thể tưởng tượng nổi sự thay đổi nơi lão. Lão không còn là một hung thần nữa, nhưng là một trẻ thơ. Chắc hẳn có gì quan trọng đã xảy ra khi lão đi ra chuồng vật. Mọi người đều lo lắng khi quan sát lão, nhưng không ai dám mở miệng hỏi. Còn lão thì im lìm suốt ngày.

Bà vợ đến gần lão, nhưng lão không mảy may tiết lộ gì về bí mật của mình. Gạ gẫm, năn nỉ, dụ dỗ mãi, lão mới kề miệng sát tai bà vợ. Vẻ mặt tái mét biểu lộ nỗi kinh hãi của bà : “Ba ông vua với một đứa nhỏ!” Bà lặp lại y hệt như lời ông nói vì không thể giữ miệng được nữa.

Lão vội lấy tay bịt miệng bà lại. “Ðược rồi, không nói cho ai biết đâu!” Bà hứa vậy, mặc dù trong lòng bà tin chắc rằng ông chồng đã ra điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng với một đứa nhỏ! Chắc ông lão đi đêm gặp phải cái gì trên đương rồi! Thóat chốc cả nhà đều biết là bà vợ đã biết được bí mật của lão. Lũ con đến hỏi má. Lúc đầu bà không nói. Mãi về sau, bà kề sát tai đứa con gái, và tiết lộ bí mật của ông cha của chúng. Ðứa con gái thốt lên: “Ba điên mất rồi. Tội nghiệp ba quá!”.

Lũ gia nhân được tin rằng mấy đứa con đã biết được bí mật của ông chủ, nhưng không ai dám hỏi cả. Mãi sau cùng, một bà vú già đã sống 30 năm trong nhà mới hỏi cô gái. Cô ta kề môi sát tai bà, tiết lộ bí mật của cha mình. Bà vú chắt lưỡi: “Ông ta đâm ra điên rồi. Thật tội nghiệp!”.

Dần dần ai ai trong nhà cũng biết được bí mật của lão, và tất cả đồng ý là lão đâm ra mất trí rồi. Họ lắc đầu tỏ vẻ thương hại: “Ba ông vua với một đứa trẻ ở trong chuồng vật, Tội nghiệp cho lão. Lão đâm ra điên rồi!”.

Rồi từ đó, lão không còn nóng giận, không còn quát tháo, không còn sừng sộ nữa. Gặp người nghèo, lão phân phát tiền của cho. Ai đến hỏi lão, lão nhỏ nhẹ trả lời. Cả nhà nhìn lão cách thương hạii. Ðúng là lão điên rồi. Ba ông vua ở trong chuồng vật.
Bà vợ đâm ra lo lắng. Bà cho mời một ông lang nổi tiếng đến. Ông này là một bậc thầy thông kim bác cổ, biết hết mọi điều, từ các lòai đất đá cho đến cỏ cây hoa lá lẫn các giống động vật. Khi thầy thuốc đến, người ta dẫn ngay đến thăm lão. Thầy thuốc bắt đầu chẩn mạch, hỏi han lão đủ điều: lão quen sống ra sao, ăn uống thế nào, xưa này có mắc bệnh tật gì không. Lão mỉm cười trả lời từng câu một.

Sau hàng chuỗi các câu vấn đáp, lão mới tủm tỉm tiết lộ bí mật của mình. Thầy thuốc lắc đầu nói: “Ờ, ờ .. Ba ông vua với một đứa bé ở trong chuồng vật… Ờ nhỉ… Sao lại không thể được. Ờ ờ…”.

Và ông thầy thuốc đành lắc đầu. Ông thầy thuốc nổi danh nhất đến chào bà vợ để ra về. Bà hỏi han với vẻ đăm chiêu lo lắng.

“Ông chồng của bà điên đấy! Nhưng là một thứ điên hiền lành, không có gì nguy hiểm. Bà đừng lo lắng gì. Ðiên đấy, nhưng rất hiền. Không cần thuốc thang gì hết. Chờ mấy bữa nữa xem thế nào…”.

Azorin, văn hào Tây Ban Nha



 

22/12/2021

Bí mật của một tuổi thơ hạnh phúc

“Vô cùng ít trẻ em trên thế giới có được hưởng niềm hạnh phúc được yêu thương một cách vô điều kiện" (Ảnh: Dieterich01/Pixabay)

Chuyên gia nghiên cứu não Gerald Hüther đặt vấn đề bằng một bài trên báo FOCUS của Đức, Gerald Hüther quả quyết rằng, để được hạnh phúc, trẻ em cần phải cảm nhận được rằng chúng được yêu thương vô điều kiện. Nếu điều này không xảy ra, nó có thể làm thay đổi bản tính của trẻ. Đây là công thức cho một quá trình trưởng thành hạnh phúc.


“Trẻ em cần phải cảm nhận được rằng nó luôn đúng khi nó là chính nó, rằng nó luôn được yêu thương một cách vô điều kiện. Đó là điều quan trọng nhất mà một đứa trẻ cần”. (Ảnh pixabay)

Cha mẹ nào cũng yêu thương con cái của mình. Để con cái được hạnh phúc, cha mẹ luôn sẵn lòng làm tất cả.

Vấn đề nằm ở chỗ, tất cả những gì cha mẹ làm lại thường dựa trên định nghĩa của bản thân về hạnh phúc và thành công.

Họ muốn con mình ngoan ngoãn và vâng lời, học giỏi, tham gia hoạt động ngoại khóa. Họ muốn con mình được yêu mến. Họ bảo vệ con mình bất cứ khi nào có thể. Họ can thiệp vào cuộc sống của chúng.

Cha mẹ ngày nay chịu vô số áp lực

Ngày nay, các bậc làm cha làm mẹ phải chịu vô vàn áp lực vì lo lắng cho con cái, không biết sau này chúng có thể hòa nhập được với cuộc sống hiện đại hay không. 

Giáo dục một đứa trẻ hiện nay không phải là một điều đơn giản. Vì vậy chúng ta cần phải trả lời rõ được câu hỏi này: “Trẻ em thật sự cần gì để được hạnh phúc?”.

Ít có nhà khoa học nào ở Đức thực sự đi sâu vào câu hỏi này hơn chuyên gia nghiên cứu não Gerald Hüther. Trong cuốn sách “Giải cứu cuộc chơi!” ông kêu gọi dành thêm nhiều thời gian cho trẻ em được vui chơi.

Hüther đã trả lời câu hỏi này một cách rõ ràng: 

“Trẻ em cần phải cảm nhận được rằng nó luôn đúng khi nó là chính nó, rằng nó luôn được yêu thương một cách vô điều kiện. Đó là điều quan trọng nhất mà một đứa trẻ cần”.

Có rất ít trẻ em được yêu thương vô điều kiện

Phần lớn cha mẹ đều tin chắc rằng mình yêu thương con mình một cách vô điều kiện. Nhưng điều đó có đúng hay không? Hüther thì lại nghĩ khác.

“Vô cùng ít trẻ em trên thế giới có được hưởng niềm hạnh phúc được yêu thương một cách vô điều kiện. Và những đứa trẻ này tỏ ra vượt trội ở chỗ, chúng không bao giờ cần phải nỗ lực chỉ để được người khác công nhận” – ông nói.

Có thể nói, trẻ em hạnh phúc nhất khi chúng có cảm giác không cần phải nỗ lực để được bố mẹ yêu. 


Có thể nói, trẻ em hạnh phúc nhất khi chúng có cảm giác không cần phải nỗ lực để được bố mẹ yêu. (Ảnh pixabay)

Điều này hiếm có trẻ nào được trải qua. Ví dụ nhiều đứa trẻ có cảm giác rằng mình sẽ được bố mẹ yêu hơn khi điểm số tại trường tốt hơn. Hoặc là khi chúng luôn luôn ngoan ngoãn vâng lời và không bao giờ cãi lại hay tức giận.

Nếu một đứa trẻ bị phạt nhốt sang phòng khác hoặc bị la mắng vì nó tức giận, nó sẽ học được rằng: cảm xúc của mình là sai. Mình cần phải kìm nén nó, để bố mẹ lại yêu thương mình. 

Trẻ em cần sự hỗ trợ và giúp đỡ

“Nếu một đứa trẻ không được trải nghiệm tình yêu vô điều kiện từ cha mẹ, nó sẽ xuất hiện một vấn đề”, Hüther nói tiếp. “Đó là bởi vì trẻ em hoàn toàn phụ thuộc vào cha mẹ. Chúng chỉ có thể sống sót khi nhận được sự hỗ trợ và giúp đỡ từ cha mẹ”.

Trẻ em từ khi sinh ra đã có mối liên kết vô hình cực kỳ chặt chẽ với cha mẹ. Chúng yêu cha mẹ mình và sẵn sàng làm tất cả mọi điều để được yêu lại, để chúng có thể yên tâm rằng cha mẹ luôn luôn ở đó và lo cho chúng. Đó là quy luật tự nhiên.


Trẻ em từ khi sinh ra đã có mối liên kết vô hình cực kỳ chặt chẽ với cha mẹ. Chúng yêu cha mẹ mình và sẵn sàng làm tất cả mọi điều để được yêu lại, để chúng có thể yên tâm rằng cha mẹ luôn luôn ở đó và lo cho chúng… (Ảnh pixabay)

Cùng với đó, mối liên kết vô hình này cũng rất nhạy cảm.

“Khi một đứa trẻ bị ép buộc phải làm những điều theo sự mong muốn, mục đích, quan niệm hay phương pháp của cha mẹ, mối liên kết này sẽ bị tổn thương”, Hüther nói. “Và nó sẽ để lại một vết thương cho đứa trẻ”.

Điều gì diễn ra trong não của những trẻ không được yêu thương vô điều kiện?

Tổn thương đó quá lớn, đến nỗi nó còn có thể được kiểm chứng trong não của một người đã trưởng thành.

Người ta thí nghiệm trên những người đàn ông trưởng thành bằng cách đo điện não đồ của họ trong tình huống cảm thấy bị bỏ rơi. Khi đó một vùng trong não được kích hoạt, và nó trùng với vùng được kích hoạt khi người ta bị đau đớn về thể xác.

Trẻ em nếu không cảm thấy được cha mẹ yêu thương khi nó là chính nó, sẽ phải nhận một tổn thương rất lớn. Phản ứng tự nhiên của nó sẽ là cố gắng để thoát khỏi tổn thương. Đó là khoảnh khắc mà trẻ mất đi sự ngây thơ hồn nhiên vốn có của mình.

“Hầu hết trẻ em phản ứng lại với sự tổn thương này bằng cách nỗ lực để làm được, hoặc trở thành những gì cha mẹ chúng muốn”, Hüther nói.

“Và sự nỗ lực đó sẽ mãi tiếp diễn khi trẻ đến trường, lên đại học, đi làm… Trẻ sẽ trở thành người hướng ngoại, luôn bị lệ thuộc vào sự đánh giá của người khác”. Và nó dẫn tới hậu quả còn tồi tệ hơn.

“Khi trẻ em phải uốn nắn mình, sự tổn thương đối với chúng có thể sẽ qua đi, nhưng những đứa trẻ đó sẽ không bao giờ có được một cuộc sống hạnh phúc, vì chúng không bao giờ có thể buông bỏ. Chúng luôn phải gồng mình, mãi cố gắng như vậy”, nhà nghiên cứu nói.

Một cuộc đời chỉ có nỗ lực

Lại lấy ví dụ về điểm số. Một đứa trẻ nhận điểm 4 (tương đương điểm 5 ở Việt Nam), về nhà và phát hiện ra rằng cha mẹ nó không vui vì điều đó, thậm chí thất vọng. Nó sẽ nhận thấy có điều gì đó không đúng.

Trong bài kiểm tra tiếp theo, nó sẽ nỗ lực nhiều hơn, nó nhận được điểm tốt hơn và cha mẹ cũng hài lòng hơn.

Đứa trẻ đã giải quyết vấn đề thành công. Nó đã thực thi được điều cha mẹ nó muốn và được công nhận.

Tuy nhiên về cơ bản, nó cũng biết được rằng có gì đó không đúng khi nó là chính nó. Nó hiểu rằng cả cuộc đời nó sẽ phải nỗ lực để nhận được sự công nhận từ mọi người.

Hậu quả của việc trẻ em không được yêu thương vô điều kiện

Đó là trẻ khi lớn lên sẽ trở thành người luôn có ý thức muốn thấy mình quan trọng trong mắt người khác. 

“Ví dụ người ta phải khẳng định tầm quan trọng của bản thân bằng cách kiếm được thật nhiều tiền, hoặc trở thành người có quyền lực, ảnh hưởng đến nhiều người khác”, Hüther nói.

Một đứa trẻ, khi nó cảm thấy mình không được nhìn nhận, sẽ làm mọi cách để chứng tỏ nó đang ở đấy.

“Chúng ta sẽ được thấy một thế giới tốt đẹp hơn rất nhiều bằng cách nuôi dạy những đứa trẻ mà không gieo cho chúng cảm giác rằng chúng phải cố gắng để được cha mẹ mình yêu thương và nhìn nhận”, chuyên gia kết luận.

Bài báo đã chỉ ra vấn đề quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ em: Tình yêu thương vô điều kiện. 


Điều quan trọng nhất trong việc nuôi dạy trẻ em: Tình yêu thương vô điều kiện. (Ảnh pixabay)

Vậy tình yêu thương vô điều kiện thực sự là gì? Làm thế nào để đạt được nó? Vì sao nó lại quan trọng đến vậy? Chúng tôi sẽ lần lượt trả lời những câu hỏi đó trong các bài viết tiếp theo.

Epoch Times Tiếng Việt                

 

21/12/2021

Bí quyết tìm chồng

Ai đó đã nói rằng thật khó để biết rõ về một người đàn ông nếu chỉ qua lần đầu tiên gặp gỡ. Điều này là không đúng! Với kinh nghiệm của một người phụ nữ đã nhiều năm hẹn hò liên tục với nhiều loại đàn ông khác nhau, tôi xin chia sẻ với các chị em những kinh nghiệm quý báu của bản thân mình. Tôi tin rằng, nếu áp dụng đúng những gì tôi sắp hướng dẫn thì chỉ cần qua một lần hò hẹn, tính cách, năng lực tài chính và nhiều vấn đề khác của người đàn ông mà bạn đang tìm hiểu sẽ lộ ra rõ mồn một.

Đầu tiên là tìm hiểu về phương tiện đi lại của anh ấy! Không biết các bạn thế nào, nhưng tôi thì chỉ thích hẹn hò với đàn ông đi xe hơi. Không phải tôi là người thực dụng, hám tiền, mà bởi tôi bị dị ứng với các loại phương tiện khác. Ví dụ như xe đạp, tôi rất sợ cái gác-ba-ga bằng sắt cứng ngắc của nó, ngồi được một lát là đít tôi hằn lên những vệt ngang dọc, đỏ rát, đến nỗi mấy ngày hôm sau, trong lúc tắm soi gương ngoái cổ xuống nhìn thì vẫn thấy mấy vệt đó loằng ngoằng như bị bạo hành bởi một người tình có sở thích bệnh hoạn; xe máy cũng không ổn, bởi tôi hay mặc váy ngắn: nếu ngồi vắt chân sang một bên thì rất nhanh mỏi, còn ngồi thẳng dạng hai chân sang hai bên thì có khác gì chiêu đãi cuộc đời?!; xe buýt thì lại càng không, vì nhiều trộm cắp, và nhiều thằng sở khanh lợi dụng lúc xe đông khách mà bóp ngực sờ mông.

Để dò hỏi về phương tiện của anh ấy thì dễ lắm! Lúc hẹn anh ấy đến đón, bạn chỉ cần hỏi thêm một câu là: “Anh ơi! Bô xe của anh có tấm nhựa bảo vệ không? Em sợ bị bỏng bô xe máy lắm!”. Nếu anh ấy trả lời: “Yên tâm! Anh đi xe hơi” thì coi như xong, anh ấy đã vượt qua cửa 1. Còn nếu anh ấy nhiệt tình giải thích, trình bày rằng bô xe của anh ấy làm bằng thép cách nhiệt, càng chạy càng mát, hoặc là lát tới đón em, tiện đường anh sẽ ghé qua cửa hàng lắp tấm nhựa bảo vệ, thì thôi, loại luôn!

Xong phần phương tiện rồi thì ta sẽ tiếp tục thử thách tính kiên nhẫn của anh ấy! Tôi đánh giá cao đức tính kiên nhẫn, kiên trì ở người đàn ông, nếu thiếu thứ đó, người đàn ông thật khó mà làm nên trò trống gì!

Tôi sẽ hẹn anh ấy đến nhà đón tôi lúc 8h sáng, mặc dù hôm nào tôi cũng ngủ nướng đến 9h. Tất nhiên là hôm anh ấy đến đón tôi vẫn sẽ ngủ nướng như thường, nhưng phải tắt điện thoại, hoặc chuyển sang chế độ yên lặng, chứ nếu để chuông thì anh ta sẽ gọi eo éo, làm sao ngủ?

Tôi ngủ đến 9h thì dậy, đánh răng rửa mặt, bài tiết, rồi trang điểm, đúng 10h tôi sẽ lò dò đi xuống. Nếu anh ấy vẫn tươi cười, chạy lại đón tay tôi, mở cửa dắt tôi lên xe thì xong, anh ấy đã vượt qua cửa 2. Còn nếu anh ta mặt hằm hằm, văng tục chửi bậy, rồi lao đến đòi đánh tôi thì tôi sẽ bỏ chạy vào trong nhà, và tất nhiên, anh ấy đã bị loại!

Xong tính kiên nhẫn, giờ đến thử thách sự ga-lăng. Một người đàn ông ga-lăng là một người đàn ông hiểu và làm được những điều khiến phụ nữ vui lòng. Khi anh gợi ý muốn mời tôi đi ăn và hỏi tôi muốn ăn gì, tôi sẽ trả lời anh ấy thật nhỏ nhẹ nhưng cũng thật dứt khoát rằng: “Em muốn ăn hải sản, ở một nhà hàng sang trọng nhất thành phố!”. Nếu anh ấy mỉm cười và lập tức gật đầu thì xong, anh ấy đã vượt qua cửa 3. Còn nếu anh ấy khuyên bạn không nên ăn hải sản vì nó làm tăng nguy cơ mắc bệnh gút cũng như các bệnh về tim mạch, béo phì, tiểu đường, rồi sau đó gợi ý đưa bạn đi ăn bún đậu, hoặc cháo lòng, hoặc miến ngan thì thôi, loại luôn!

Qua được 3 cửa rồi thì chứng tỏ anh ấy là một người đàn ông khá ổn, chỉ còn một cửa cuối cùng nữa thôi thì có thể kết luận rằng anh ấy thật đáng để bạn yêu. Cửa cuối cùng đó là thử thách sự đứng đắn của anh ấy. Một người đàn ông đứng đắn là một người đàn ông luôn giữ được sự bình tĩnh, không bị mất kiểm soát, không rối loạn, không bị dụ dỗ, lôi kéo dù trước mặt anh ta là một người đàn bà lả lơi, quyến rũ, gọi mời.

Để thực hiện được thử thách này thì bạn hãy chọn mặc một cái váy thật ngắn với cổ thật rộng, làm sao phải đảm bảo rằng lúc bạn cúi xuống, hoặc khi bạn ngồi tạo dáng với khoảng cách giữa hai đầu gối là xấp xỉ 5 gang (tức khoảng 1 mét) thì tất cả những bí mật của bạn đều được phơi bày ra thật trần trụi. Thế rồi trong bữa ăn, bạn hãy thường xuyên giả vờ chỉnh lại giầy dép, hoặc kéo lại ghế để lấy cớ cúi gập người xuống trước mặt anh ấy; hoặc bạn có thể ném cái thìa vào trong gầm bàn, rồi bảo là vô ý làm rơi để nhờ anh ấy chui vào lấy hộ (nhớ là lúc anh ấy chui xuống thì bạn phải ngồi tạo dáng với hai đầu gối cách nhau 5 gang). Nếu anh ấy chui xuống nhặt xong rồi ngoi lên ngay, mặt vẫn bình thường thì có thể tạm kết luận anh ta là người khá đứng đắn. Còn nếu anh ta lúi húi dưới gầm bàn đến cả chục phút, rồi bạn gọi mãi vẫn không chịu ngoi lên với lý do là chưa tìm thấy thìa, rồi lúc ngoi lên thì mặt đỏ phừng phừng, mắt đờ đẫn, dãi nhỏ ròng ròng quanh mồm thì rõ ràng là anh này không ổn.

Sở dĩ ta chưa vội đưa ra kết luận sẽ loại hay là cho anh ta qua cửa cuối cùng bởi vì thử thách này vẫn còn một bước nữa: đó là trong bữa ăn, bạn hãy chủ động mời anh ấy vài ly rượu. Thế rồi lúc lên xe đi về, bạn hãy làm ra vẻ như mình đang say rượu, gục vào vai anh ấy, rồi vòng tay qua ôm eo anh ấy, ghé sát miệng vào tai anh ấy thì thào rằng: “Em nhức đầu quá! Anh có thể đưa em vào chỗ nào đó thật êm ái và yên tĩnh để nghỉ ngơi một lát không?”. Nếu anh ấy trợn mắt lên, quát bạn, thậm chí tát bạn, rồi nói rằng “Không được! Như vậy là hư hỏng!” thì coi như xong, anh ấy đã vượt qua cửa 4, và bạn hãy lấy ngay người đàn ông ấy làm chồng. Còn nếu anh ta gật đầu, vuốt tóc bạn nhẹ nhàng, rồi nói bằng giọng dịu dàng: “Ok! Anh sẽ làm tất cả những điều em muốn!” thì thôi, coi như anh ấy đã bị loại!

Tất nhiên là không loại ngay lúc ấy, mà phải đợi sáng hôm sau, thanh toán tiền phòng xong, khi đó mới chính thức loại. Cái này cũng giống như trong bóng đá thôi! Một bảng có 4 đội, mỗi đội phải đá 3 trận. Một đội mà đá thua cả 2 trận đầu thì đương nhiên là bị loại rồi, nhưng không ai người ta loại luôn cả, vẫn phải cho đã nốt trận 3, gọi là trận thủ tục, rồi sau đó mới loại.

Trong số những người đàn ông tôi đã gặp và hẹn hò thì có tới hơn một nửa bị loại ngay ở cửa 1, rất nhiều loại ở cửa 2, kha khá loại ở cửa 3, và chỉ có rất ít người lọt được đến cửa 4 (khoảng bốn hay năm chục người gì đó, tôi không nhớ rõ lắm!). Và thật buồn thay, tất cả đều bị loại ở cái cửa cuối cùng này (sau khi đã đá nốt trận thủ tục).

Các bạn đừng cho rằng những lời khuyên, những bí quyết tôi vừa chia sẻ với các bạn trên đây là tầm phào, là vớ vẩn, bởi đơn giản nó được nói ra từ tôi, một người đàn bà đã gần 40 tuổi và đã có kinh nghiệm hơn 20 năm hò hẹn, và hiện tại vẫn đang tiếp tục công cuộc hò hẹn. Hãy cứ kiên định làm theo những chỉ dẫn của tôi, tôi tin là sớm muộn gì thì tôi và các bạn cũng sẽ tìm được người đàn ông như ý thôi!

ST