Khi
người mẹ của mình chết đi, mình như thế nào nhỉ? Muôn ngàn mũi kim châm chích
vào thịt da mình, muôn ngàn tấn ân hận đè lên trái tim mình. Vé máy bay mua
không kịp, tôi về trễ, không kịp giã từ mẹ, không kịp đưa mẹ vào lò thiêu xác.
Không kịp gì cả. Nếu tôi suy nghĩ kịp, nếu tôi hành động kịp, cuộc đời tôi bớt
tiếc nuối nhiều chuyện.
Hôm
tẩm liệm mẹ ở Sàigòn, dì tôi nói con Bu chạy vô chạy ra tru lên thảm thiết, người
ta phải cột cho nó vành khăn trắng trên đầu. Nhìn tấm ảnh mẹ để trên quan tài
bên cạnh vòng hoa phong lan màu tím, mẹ cười tươi dịu dàng. Mẹ đẹp quá. Mẹ vui
lòng được chết trên quê hương mình sau nửa đời xa cách.
Dì
tôi nói chị mất thế mà yên. Sống khổ, nên chết là yên, là hạnh phúc. Chỉ có chết,
mẹ mới được bình an. Tôi ôm bình tro mẹ trong tay nước mắt chảy dài, tự hỏi tại
sao lúc mẹ còn sống, tôi không hề một lần nào ôm mẹ trong tay. Tôi xa cách mẹ
và mẹ xa cách tôi. Mới đó mẹ chết rồi. Tôi ngơ ngẩn lảm nhảm. Đất vẫn quay, trời
vẫn có ngày có đêm, xe vẫn bóp còi inh ỏi trên đường phố Sàigòn, chỉ có mẹ là
chết.
Tôi
không bao giờ gặp mẹ trên cuộc đời này nữa.
Hôm
tôi về đến nhà Sàigòn, con Bu chạy ra nhìn tôi, đôi mắt đen láy chăm chú nhận
diện quen biết, vẫy đuôi mừng rỡ. Cả nhà ngạc nhiên, tôi cũng ngạc nhiên, sao
nó còn nhớ tới mình. Bu nhớ chứ, nó nhớ tôi là con của mẹ, người đã sống cùng với
nó như hình với bóng. Mẹ tôi bỏ nó ra đi mãi mãi không về. Mấy ngày sau khi mẹ
mất, nó bỏ ăn nằm ủ rũ trong góc nhà. Khi tôi về, bỗng dưng nó quấn quít bên cạnh
tôi. Tôi ngồi đâu, Bu cũng lẩn quẩn theo ngồi bên cạnh. Ai bảo gì cũng mặc, chỉ
có tôi bảo nó mới nghe lời. Các dì bảo con chó khôn thật, vì tôi giống mẹ. Máu
huyết tôi là máu huyết mẹ, Bu hiểu điều ấy hơn ai hết, và trong thâm tâm nó, hy
vọng rằng tôi sẽ nuôi nấng nó thay mẹ tôi (có thể nó quên chuyện đã từng dọa nạt
tôi trong đêm khuya).
Buổi
tối, không ngủ được, vào nửa đêm, tôi bật đèn ngồi dậy. Bu nằm dưới chân giường
đưa đôi mắt đen buồn thảm nhìn tôi. Đôi mắt nó ướt như vừa mới khóc. Tôi không
ngủ, nó cũng không, cả hai chúng tôi đều nhớ mẹ. Tôi đưa tay vuốt đầu Bu, nó dụi
đầu vào tay ư ử ra chiều cảm động. Bu thè lưỡi liếm vào chân tôi, cử chỉ Bu thường
làm với mẹ, chiếc lưỡi mềm mại của Bu thật trìu mến. Tôi thương mẹ quá, tôi thấu
hiểu tại sao Bu chiếm được tình thương của mẹ. Có khi nào tôi ôm chân mẹ như thế
chưa. Bu đã hôn lấy bàn chân gầy ốm tật nguyền của mẹ mỗi ngày, mỗi đêm khi mẹ
mất ngủ. Tôi đau đớn ân hận.
Tôi
bảo nó lên giường nằm bên cạnh. Mẹ nói đúng, Bu xứng đáng hơn tôi. Có lẽ mẹ tôi
ở nơi nào đấy, đang mỉm cười với con gái, biết tôi thương yêu Bu như mẹ đã
thương yêu nó. Điều này chắc chắn mẹ vui lòng lắm.
Khi
đến tòa lãnh sự Pháp để lo giấy tờ khai tử cho mẹ, tôi bị làm khó dễ ở cổng gác
với nhân viên Việt Nam, lý do hôm nay đông khách, để lần khác. Tôi xin trực tiếp
nói chuyện với nhân viên sứ quán người Pháp, chẳng đặng đừng, họ cho tôi vào.
Trong văn phòng dịch vụ, không thấy có bóng khách nào ngồi chờ. Anh Tây trẻ ra
bắt tay chào mời ngồi đàng hoàng. Chị đầm lo giấy tờ, nhanh chóng đưa giấy xin
ký tên vào tờ khai. Chị đầm nói, mấy bà lớn tuổi về đây ở đều bị chết sớm,
không khí ở đây rất độc vì ô nhiểm. Trong cử chỉ nói năng của tây đầm ở tòa
lãnh sự, họ xem tôi là người đồng hương. Tôi cũng nhận thấy có điều thân ái giữa
họ và tôi, điều này tôi khó tìm ra được ngay, khi tiếp xúc với đồng bào trên cố
hương mình. Một cảm giác nhói đau trong trái tim, tôi tự hỏi nơi nào là quê
hương thực của mình, Pháp hay Việt Nam? Tôi nhìn xung quanh tòa nhà lãnh sự,
không khí thoáng mát hơn ngày ấy, ngày mà gia đình tôi lo lắng khép nép, e dè hồi
hộp vào làm giấy tờ xin đi ra khỏi xứ sở này. Ngày ấy, tôi người Việt Nam. Hôm
nay, tôi vào đây với thái độ ung dung của một công dân Pháp, được đối xử lịch sự
thân tình. Tôi là người gì, Pháp hay Việt? Lúc ở Tây, tôi sống giữa những kẻ
khác chủng tộc. Về Việt Nam, tôi thấy mình không hẳn là người Việt. Đó là sự
mâu thuẫn rắc rối khá đau lòng.
Tôi
sắp sửa trở về Pháp, thấy tôi lăng xăng dọn dẹp áo quần, hình ảnh mẹ vào vali,
Bu như cảm thấy một điều gì đó, nó quấn vào chân tôi không rời. Tôi ở nhà bếp
nó chạy xuống bếp, tôi lên nhà trên nó chạy lên theo sau bám sát, thỉnh thoảng
Bu ngẩng đầu nhìn tôi thắc mắc. Đôi mắt Bu lạ lùng, đôi mắt đen tuyền long lanh
và thắm đẫm dịu dàng, đẹp hơn cả mắt người. Mẹ ơi, bây giờ con mới hiểu tại sao
mẹ yêu quý Bu đến thế. Tôi lặng người nhìn đôi mắt tha thiết. Ngày mai tôi đi,
không thể đem nó theo cùng, tôi không thể cưu mang nó như mẹ tôi. Phải để Bu lại
đây thôi. Càng đến giờ ra đi, tôi càng lưu luyến nó, thứ tình cảm ủy mị này tôi
chưa hề trải qua với người, nhưng với con động vật này, tôi biết mình cũng yếu
đuối quá. Tôi tránh những cử chỉ vuốt ve, sợ làm nặng thêm cho nó, cho tôi, nỗi
chia lìa. Bu là tình thương của mẹ, tôi thương nó chính là thương mẹ. Điều này
tôi mới vừa nhận biết, tôi trả hiếu mẹ tôi quá muộn màng. Không kịp.
Tôi
và dì đang bàn tính chuyện nuôi nấng Bu. Dì tôi năm nay cũng già yếu, trí óc lẩn
thẩn quên trước quên sau. Dì nói con Bu quen ăn sướng rồi, ở với dì ăn cực
không biết nó có chịu được không. Mẹ sáng nào cũng cho nó bánh mì quết bơ, bơ
nhiều ăn, bơ ít chê, nó thích ăn thịt bò chứ không ăn thịt heo, phải đi mua
xương phở cho nó nhai. Tôi nói tập cho quen có gì ăn nấy, mẹ mất rồi, phải biết
thân biết phận chứ. Tuy nói vậy, tôi không tránh khỏi xót xa.
Buổi
sáng lên phi trường, để tránh sự đau lòng của Bu, tôi nhờ người nhà đem hành lý
ra xe trước, trong lúc Bu ăn điểm tâm sau bếp, tôi lẹ làng lén ra xe. Khi xe rồ
máy, tôi nghe thấy tiếng sủa inh ỏi trong nhà, tiếng sủa tru lên gào thét. Xé
lòng.
Xe
ngang qua ngôi nhà thờ có tro tàn của mẹ, nước mắt tôi chảy dài. Có một sinh
linh bị hai lần tuyệt vọng, con Bu, một lần mẹ bỏ nó, một lần nữa tôi bỏ nó. Mẹ
ra đi không bao giờ trở lại, còn tôi biết bao giờ trở lại xứ sở này, và lúc bấy
giờ Bu còn sống chăng.
Mẹ
tôi, một người đàn bà cưu mang tất cả sự khốn cùng rách nát của chiến tranh,
cưu mang gánh nặng nỗi nhục nhằn của một kiếp người. Nỗi cô đơn lạnh lẽo xứ người
làm mẹ xác xơ, co quắp trước một thói đời ích kỷ, mẹ mất hết hy vọng. Mẹ hoang
phế trong đời sống này. Mất quá khứ, mất hiện tại, vô vọng với người thân. Mẹ
xa lánh mọi người, chỉ trừ nó, con chó./.
Sưu tầm
bài rất hay
Trả lờiXóa